Đỗ Hoàng, người đi nhặt lại hồn thơ cũ
Đỗ Trường
(CHLBĐức)
Họ Đỗ nhà tôi ít có người tài, nên
người làm quan không nhiều, viết văn làm thơ lại càng quí hiếm. Hôm rồi đại hội
họ toàn quốc, nghe nói, có bác muốn hướng một số cháu thi vào trường viết văn,
tương lai trở thành nhà văn, nhà thơ để cân bằng với các dòng họ khác. Nhưng có
một số ý kiến lại cho rằng, chẳng có cái trường nào đào tạo được các nhà văn,
nhà thơ cả, cứ để các cháu phát triển một cách tự nhiên. Thấy ý kiến này có lý,
ngay sau đó, tôi viết thư cho bác Đỗ Ngọc Liên chủ tịch (hodovietnam.vn ) an ủi và đề nghị: Nếu thật sự xảy ra cuộc thi đấu văn thơ, khi họ
Nguyễn có những Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo… Họ Trần có Trần Mạnh Hảo, Trần
Đăng Khoa…Họ Đỗ ta sẽ đưa Đỗ Hoàng ra tỉ thí. Theo đánh giá của nhà văn, triết
học gia Nguyễn Hoàng Đức, Đỗ Hoàng của chúng ta, là một trong ba nhà thơ nặng
vốn nhất Việt Nam hiện nay. Do vậy các bác cứ việc rung đùi, vểnh râu chờ kết
quả.
Đỗ Hoàng sinh năm 1949 ở một làng
quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Bình. Bố ông nguyên là lính khố đỏ, đánh đấm ở
An-gie-ri mãi không chết, quay súng về làm lính bộ đội cụ Hồ. Được một thời
gian ngắn, ông bị chính đồng chí chỉ huy bắn chết từ phía sau, gán cho cái tội
chạy trốn, hàng địch, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, yêu đương tình ái. Cái nghi án, nhọ
như đít chảo này, quàng vào cổ Đỗ Hoàng, theo ông hết những năm tháng tuổi trẻ
và còn rớt lại đến tận hôm nay.
Cũng từ những nỗi đau không thể nói,
không người giãi bày ấy, nó đã ủ cho tâm hồn Đỗ Hoàng mau chín hơn. Để ông có
những suy nghĩ vượt thời gian, ngay từ những ngày đầu làm người lính chiến. Đầu
những năm bảy mươi, khi các nhà thơ cùng thời đang say cuồng cổ vũ cho cuộc
chiến thần kỳ, ông đã nhận ra sự thật thối tha của những kẻ bán mua chiến
tranh, gây ra cảnh nồi da xáo thịt đồng loại. Ngày 20-11-1973, trên điểm chốt
176 mặt trận biên giới Việt Lào, nghe tin Lê Đức Thọ và Kissinger nhận giải
Nobel hòa bình, lời thơ mỉa mai, đau đớn của ông dường nghẹn quắn lại:
…Nỗi hận thù nghìn đời kẻ bày ra chiến tranh,
Biến nhà văn trở thành biệt kích
Biến đồng loài thành ra tội đồ thứ thiệt,
Trái đất tỷ năm này dằng dặc khổ đau!
Bọn chúng muốn lưu tiếng tăm còn mãi mai sau,
Muốn tổ tông giống dòng nghìn đời quan tước.
Bọn chúng muốn thăng quan tiến chức,
Tranh giải thưởng này đến các giải thưởng kia.
Đến như cái Nô Ben nào có ý nghĩa
gì.
Khi phần thưởng trao vào tay quỹ dữ
Khi phần thưởng lại trao cho những tên đồ tể,
Coi mạng người như cỏ rác
trong cuộc chiến tranh này…Sự Thật Chiến Tranh)
Chiến tranh càng khốc liệt, sự tuyên
truyền đánh vào tâm lý người dân, người lính cần thiết hơn bao giờ hết. Do vậy,
người ta đã dựng lên những người lính điển hình, như Phạm Tiến Duật… (giữa
chiến trường được hưởng tiêu chuẩn như một sỹ quan cao cấp) để nhả ra những câu
thơ ru người vào khói lửa, binh đao:
Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau…
…Lúc ấy lòng anh biết mấy tự hào
Tự hào vì có em ở đây, tự hào vì đất nước
Ở đây màu hồng xiết bao thân thuộc
Xao xuyến lòng anh, xao xuyến bạn bè… (Phạm
Tiến Duật)
Trong lúc Phạm Tiến Duật đang bắt
nhịp, gân lên“Đường ra trận mùa này đẹp lắm“ hừng hực vui như bản tình ca trẩy
hội, thì thơ Đỗ Hoàng quặn lên đau xót. Ông xé toạc tấm áo che đậy sự lọc lừa
giả dối ấy, để thấy rõ vào miền trong sự thật là con đường máu lửa và chết
chóc:
…Đoàn lính gái áo quần còn mới
Lứa lính này đưa tới miền trong.
Họ không hề bị đeo gông,
Mà sao ánh mắt mênh mông nỗi buồn!
Bước gấp lại đầu buôn lạnh vắng,
Nghe chỉ huy sốt sắng truyền lời:
Rằng quân ta đủ gái trai,
Vào trong giải phóng đất trời tự do!... (Lính Gái)
Rồi đoàn lính gái đã không trở lại.
Cái chết của họ, những người nữ quân nhân ấy, đã đẩy cuộc chiến lên đỉnh điểm
khốc liệt và tàn nhẫn. Với tôi, bài “Cái Chết Của Người Đẹp“ là một trong những
bài thơ hay, bi thảm, chân thực, cảm thông nhất viết về chiến tranh. Âm vang
của lời thơ vọng lên như tiếng chuông tiễn đưa oan hồn, để nghìn năm sau em
cũng chẳng được quay về.
Và đúng như vậy, nếu cái đẹp bị hủy
diệt, thì hành tinh này dứt khoát sẽ bị vứt bỏ:
Em chết rồi.
Người đẹp!
Viên đạn của thế kỷ nào bắn em?
Anh sững sờ giữa trái đất máu đổ.
Xác em nằm trong huyền ảo xa xôi.
Không gian đen,
Không gian trắng
Không nói ra lời
Nỗi đau trái đất màu mây xám.
Thế là vô tình
Sự sống
Bắt tay cái chết chia lìa!
Quân phục em mang
Máu thâm sì.
Nghìn năm sau em chẳng về được nữa.
Dù vật chất biến hoá bảo toàn,
Dù sự sống chỉ là điều phi lý.
Không gian,
Thời gian
Mệt mỏi trường tồn!
Anh đi trên trái đất cô đơn.
Gió bấc lạnh thổi tung làn ngực nở.
Xác em nằm
Một hành tinh
vứt bỏ.
Vó ngựa trường chinh lãnh đạm dẫm qua… (Quảng Trị1-1974)
Cho đến lúc đang ngồi viết những
dòng chữ này, tôi cũng không thể lý giải: Nơi chiến trường ác liệt và bao cạm
bẫy đang rình mò như vậy, Đỗ Hoàng viết và cất giấu được bản thảo? Để đến năm
1996 Nhà Xuất Bản Văn Học (Hà Nội) in thành tập thơ“Tâm Sự Người Lính“. Nói
dại, vào thời điểm ấy, bản thảo này, rơi vào tay kẻ cơ hội nào đó, số phận Đỗ
Hoàng chắc chắn đi tong. Và nếu như Đỗ Hoàng hy sinh ngoài mặt trận, trong hành
trang, người ta tìm thấy tập bản thảo này, thay cho báo tử, có lẽ là lời tuyên
án chẳng khác gì cha ông trước đây.
Đặt tựa đề tập thơ là “Tâm Sự Người
Lính“ tôi có cảm giác dường như vì lý do xuất bản, hay vì lý do nào khác, Đỗ
Hoàng muốn làm nhẹ hình thức đi chăng? Thật ra nó phải là Số Phận Người Lính.
Cái bi thương trong chiến tranh dù ở đâu và giai đoạn nào trước nhất thuộc về
người lính. Máu và nước mắt họ đối với những kẻ có quyền và phát động chiến
tranh chỉ là“Đầu hèn lính mọn lại sắp rơi“. Dù có nâng lên chủ nghĩa này, học
thuyết nọ, thì cuộc chiến này, đọng lại một cách khách quan, chân thực nhất qua
bài“Hành Quân Qua Đồng Hới“
Dừng lại vội vàng giây lát thôi,
Thành quách ngày xưa đổ nát rồi.
Sao cảnh trăm đời như vẫn một.
Đầu hèn lính mọi lại sắp rơi!
(Tháng10-1973)
Viết về chiến tranh, súng đạn khói
lửa, những chết chóc tang thương của người lính, nhưng trong thơ Đỗ Hoàng tuyệt
nhiên không thấy sự hận thù địch, ta, chỉ thấy tình thương ngút trời với cái
nhìn cảm thông:
Lính ở bên kia mấy tiểu đoàn?
Vô nhiều đứng chật cả đường quan.
Ngày mai không biết nơi nào đánh?
Nhất định có người phải chết oan! (Chết Oan-12-1973)
Sự cảm thông đó thực sự chỉ có được
từ người lính chiến có trái tim nhân hậu. Do vậy, thơ ông dường như không còn
của riêng mình nữa, mà nó là những cảm xúc chung của những người lính cả hai
phía trong cuộc chiến tương tàn này:
Ai nhìn khuôn mặt lính?
Cháy đen màu đồng hun.
Mấy năm trời đã sống
Lặng câm như khoảng rừng.
Sinh viên năm thứ nhất
Sinh viên năm thứ hai
Lớp lớp trong cỏ rác
Dưới đất đen sâu vùi.
Số sư đoàn cơ động
Số sư đoàn chốt cao,
Biến đi cùng năm tháng
Đời trần ai biết đâu? (Thân Phận Người Lính-1972)
Tôi nghĩ, “ Ngưng Bắn Về Thăm Quê“
là bài thơ hay nhất của Đỗ Hoàng viết trong thời gian chiến tranh(1970-1975).
Chẳng cần phải đến sau 30-4-1975 mới nhận ra, như nhà văn Dương Thu Hương, khi
vào tới Sài Gòn, ngồi bệt xuống đường, khóc, hét lên cho cả thế hệ bị dối lừa.
Ngay từ năm 1973 Đỗ Hoàng đã vạch ra: “Kiểu làm ăn hợp tác/ Đói nghèo đến tủy
xương“. Bài thơ như một lời ai điếu sớm
cho một chủ thuyết và những chính sách sai lầm. Vì một lý tưởng nào đó, hay
muốn thoát khỏi đói nghèo, thanh niên phải lách mình ra trận?“…Trai tráng bỏ quê
hương/ Sung vào nơi lính tráng/Coi thường thân mạng sống/Cố lách qua đói
nghèo…“
Vâng! Chúng ta hãy đọc lại trọn bài“
Ngưng Bắn Về Thăm Quê“ để thấy toàn cảnh của bức tranh nhoăn nheo, tiêu điều
miền Bắc hậu phương vững chắc vì miền Nam một thời:
Vừa mới đến đầu thôn,
Đã thấy làng lạnh vắng.
Mùa này giêng hai đến,
Người chạy ăn khắp nơi.
Làng quê đồng trắng trời,
Tre yếu gầy buổi đói.
Mái nhà tranh không chói(1)
Dửng dưng trời cao xanh!
Khắp nơi người chạy ăn,
Như kiến ong vỡ mật.
Đói không còn biết chết.
Xuống biển lại lên rừng.
Mẹ già đang tha phương.
Quên đường bom đạn nổ.
Chưa trọn đời đói khổ.
Nợ nần chất cháu con!
Ruộng ở nhà bỏ hoang,
Lúa tiêu điều xơ xác.
Kiểu làm ăn hợp tác,
Đói nghèo đến tuỷ xương!
Trai tráng bỏ quê hương,
Sung vào nơi lính tráng,
Coi thường thân mạng sống.
Cố lách qua đói nghèo!
Khuôn mặt đất nhăn nheo,
Quê nhà tan xác lá.
Bao giờ không đói khổ?
Lúa đầy rương giêng hai!
30 -11 – 1973 (1) Lợp thêm,
tiếng miền Trung)
Sau chiến tranh, Đỗ Hoàng chuyển
sang viết, làm thơ chuyên nghiệp. Hiện ông đang làm công việc biên tập của tạp
chí nhà văn Việt Nam. Ông là người ham đọc, tự học, biết nhiều sinh ngữ, nhất
là tiếng Trung. Đỗ Hoàng có thể trực tiếp đọc và nghiên cứu từ nguyên bản thơ
văn cổ. Nên vốn cổ văn cũng như hiểu biết của ông về lãnh vực này sâu và đa
dạng.
Cách đây mấy năm, Đỗ Hoàng đã dịch
và phóng tác từ nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thành 6
122 câu thơ lục bát với tựa đề Kiều Thơ. Năm vừa rồi (2012) Đỗ Hoàng lại cho ra
lò song thất lục bát Khúc Ngâm Vợ Lính
dịch nguyên tác từ tác phẩm chữ Hán Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn.
Hai tác phẩm này, đã được đại thi hào Nguyễn Du và nữ sỹ Đoàn Thị Điểm dịch, từ
mấy trăm năm nay được coi là quốc hồn quốc túy của nước Việt ta. Việc làm được
coi là ngông, động trời này của Đỗ Hoàng, tốn khá nhiều bút mực trên văn đàn. Nhưng khi đọc, khó ai có thể
phủ nhận tài năng cũng như sức (vốn) sáng tạo của ông. Và biết đâu đấy, trăm
năm sau, khi nói về Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, hậu nhân của chúng ta chẳng
nhắc đến Kiều Thơ và Khúc Ngâm Vợ Lính của Đỗ Hoàng?
Lẻ loi cánh phượng trời xa
Phải chăng tạo hoá chưa ra an bài…”
(Kiều Thơ)
“Xưa nay chinh chiến trận đồ
Tấm thân muôn dặm nấm mồ táng đâu
Gió thổi rát thêm sầu mặt lạnh
Dòng nước sâu ngựa tránh chân xiêu
Kê yên, gối trống sớm chiều
Màn trời chiếu đất trải nhiểu đắng cay!...
(Khúc Ngâm Vợ Lính)
Là nhà thơ, mang tính khí của người
lính trận, nên gặp những bài thơ tắc tị, vô lối, bất kỳ tác giả là ai, tức khí,
ông cũng phang thẳng cánh. Gần đây Đỗ Hoàng đã đè nghiến những bài thơ viết
bằng tiếng Việt, đọc không thể hiểu của những Nguyễn Quang Thiều, Văn Cầm Hải,
Vi Thùy Linh…dịch sang tiếng Việt theo thể lục bát. Việc làm của ông gây ra
nhiều tranh luận, nhưng với tôi những bản ông dịch, quả thật hay, từ ngữ sáng,
đẹp so bài gốc của nó rất nhiều. Cái chính, Đỗ Hoàng làm cho người đọc hiểu tác
giả đó muốn nói cái gì, điều gì. Đành rằng thơ là cảm xúc riêng của tác giả,
nhưng dùng những từ ngữ rắm rối, lảm nhảm tối thui để diễn tả, người đọc không
thể hiểu, thì làm sao đồng cảm, xẻ chia cảm xúc? Dù có biện giải thơ mới, trừu
tượng hay..gì gì ..đi chăng nữa, nó cũng chỉ là thứ nên cho vào kho.
Đỗ Hoàng đã sáng tác khá nhiều thơ
theo thể tự do. Có những bài ông viết cách nay đã ba, bốn chục năm, nhưng đọc
lên vẫn thấy rất mới và lạ, trẻ trung. Thật ra thơ hay hoặc dở, cũ hay mới,
chẳng liên quan gì đến thể loại lục bát, tứ tuyệt, hay thể tự do. Thể loại chỉ
là hình thức. Tải đến, làm người đọc rung động là những ngôn từ. Ngôn từ làm
nên hình tượng thông qua sự tưởng tưởng cảm xúc của nhà thơ. Thơ hay dứt khoát
phải có từ mới, hoặc cụm từ mới.Từ hay cụm từ mới không có nghĩa người viết
chế, nghĩ ra, mà do cách sử dụng từ ngữ. Nhiều từ, cụm rất cũ, nhưng người viết
đặt hoặc ghép trong câu đúng văn cảnh nào đó, gây bất ngờ cho người đọc, nó trở
thành câu mới, nghĩa mới. Nhà thơ tài năng, ngoài kiến thức ra, dứt khoát phải
là người có trí tưởng tượng và sự liên tưởng phong phú.
Với tôi, Đỗ Hoàng là một trong số ít
các nhà thơ tài năng như vậy. Chưa một lần tiếp xúc, gặp gỡ Đỗ Hoàng, nhưng đọc
thơ, tôi nghĩ, ông là người giỏi triết học. Thơ của ông giầu hình tượng so
sánh, phảng phất triết lý sống dù đó là thơ tình. “Khoảng Cách” là một bài thơ,
ông viết cách nay đã tròn ba mươi năm, nói lên điều đó:
Chẳng có khoảng cách nào giữa các vì sao mà ánh sáng kia không tới.
Nhiều vô cùng gần lại trong tầm tay
Nhà thiên văn có thước đo cực tiểu
Để đi hết không gian
chiều rộng
chiều dài!
Nhưng em!
Chẳng ở đâu trong thiên thể.
Chỉ cách anh lối phố, con đường.
Thế mà anh chưa một lần đến được.
Dù tốc độ trái tim nhanh hơn ánh sáng hàng tỷ năm!
Thế mới biết,
Tình anh chỉ là thoáng chốc
Trước tình em
vĩnh viễn thời gian!
Dễ dàng chi trong đời đi hết?
Khoảng cách
Từ trái tim người
đến trái tim tôi!
Thơ của Đỗ Hoàng đậm tính triết, nặng phần trí
nên thường có bố cục chặt chẽ. Khi trích dẫn thơ của ông, khó tách ra từng
đoạn, mà chỉ có thể bê nguyên bài. “Ngủ Quên” là một trong những bài thơ như
vậy. Cái qui luật, mối quan hệ tuần hoàn
của tự nhiên ấy, là triết lý sống liên tưởng về con người và giá trị của tâm
hồn và cuộc sống:
Không có mặt trời,
Trái đất ngủ quên.
Trong triệu năm băng giá!
Không có con thuyền,
Dòng sông ngủ quên.
Và tự xoá mình khi về biển cả!
Không có người đi,
Con đường ngủ quên.
Rồi cũng tan vào cây cỏ!
Không có tình yêu,
Trái tim ngủ quên.
Bao lứa đôi
Hóa đá! (Huế 1983)
“Trước Tài Nghệ Ướp Xác“ là một bài thơ hay tiêu biểu về nhân sinh
quan sâu sắc thân phận con người của Đỗ Hoàng, được viết vào tháng 5-1973(in
trong tập thơ Tâm Sự Người Lính). Đọc, tôi cảm thấy hơi bị ê răng. Nếu như bài
thơ này lọt ra ngoài, trong thời kỳ đang cuồng say ấy, gặp mấy ông ” vịnh người
ngồi trên” Đỗ Hoàng gặp đại hạn như vụ Cây Táo Ông Lành-Hoàng Cát là cái chắc.
Dù ông đã có lời giải thích, cảm hứng viết từ vụ ướp xác ở Thanh Hóa nào
đó:
Ai chết nghìn năm còn để xác?
Thế giới hôm nay mãi sững sờ!
Còn ta sống giữa đời đen bạc,
Như chết nghìn năm dưới đáy mồ!
Không phải ngẫu nhiên, nhà triết học
Nguyễn Hoàng Đức đánh giá Đỗ Hoàng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hưng Quốc là ba nhà
thơ nặng vốn nhất Việt Nam hiện nay. Vốn ở đây chắc chắn là đạo đức, tư tưởng,
chí khí và những kiến thức uyên thâm trong mọi lãnh vực của nhà thơ mà Nguyễn
Hoàng Đức muốn nói đến. Với Đỗ Hoàng, tôi bảo đảm người đọc sẽ còn gặp nhiều
những bất ngờ khác từ nơi ông.
Và nếu như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo,
bước ra từ ca dao lục bát để làm mới thi ca, thì tôi tin nhà thơ Đỗ Hoàng đang
cần mẫn đi nhặt lại hồn thơ cũ đó.
Leipzig ngày 11-6-2013
Đ.T.
Nguồn: Tác giả gửi trực tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét