Thủ
tướng và...đĩ
GS Nguyễn Văn Tuấn
Hôm nọ, ngồi nói chuyện với một em nghiên cứu sinh Việt
Nam ở Bangkok, và em đưa ra một nhận xét hay. Em nói rằng báo chí Việt Nam có
xu hướng tô vẽ sinh hoạt chính trị ở Thái Lan hỗn loạn, nhưng trong thực tế thì
hoàn toàn không phải như vậy. Chính trị ở đây phong phú hơn nhiều so với Việt
Nam. Tôi thấy em này nói đúng, và cá nhân tôi cho rằng sinh hoạt chính trị ở
đây cũng có vẻ dân chủ hơn VN.
Câu chuyện một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh biếm hoạ so sánh bà
Yingluck với đĩ điếm, và bà Yingluck kiện ông hoạ sĩ cho thấy tính dân chủ và
thượng tôn pháp luật ở đây. Họa sĩ Somchai Katanyutanan (gọt tắt là Chai) là
một cây biếm hoạ danh tiếng của Thái Lan. Chai từng là hoạ sĩ vẽ tranh mô tả
hoạt động của hoàng gia. Có lẽ nói không quá đáng rằng Chai, cũng như bao nhiêu
người Thái khác, rất sùng kính hoàng gia. Những người này thường không ưa bà
đương kim thủ tướng Yingluck Shinawatra và người anh của bà là Thaksin
Shinawatra. Trong một entry trên facebook, Chai viết rằng: "Hãy hiểu rằng
những con điếm không phải là những phụ nữ xấu; họ chỉ bán thân, nhưng có một
phụ nữ xấu đi lang thang cố tình bán đứng xứ sở.” Những dòng chữ trên kèm theo
bức hình của bà Yingluck đang phát biểu trong một hội nghị dân chủ ở Mông Cổ
vào ngày 29/4/2013. Trong hội nghị đó, bà Yingluck có một bài phát biểu, trong
đó bà nói về tình hình đấu tranh cho dân chủ ở Thái Lan, về cuộc lật đổ chính
quyền được dân cử năm 2006 mà ông anh của bà nay phải lưu vong; bà nhắc đến sự
kiện đàn áp người biểu tình năm 2010. Bà nói thẳng rằng trong vụ đàn áp đó,
nhiều người vô tội đã bị các tay súng bắn tỉa sát hại, các lãnh đạo phong trào
dân chủ bị bỏ tù cho đến ngày nay. Nhưng cuối cùng thì dân chủ cũng chiến
thắng, vì khi tổ chức bầu cử nghiêm chỉnh thì bà được đắc cử lớn. Bài diễn văn
nói chung có thể nói là hay, nhưng không xuất sắc. Nhưng những phát biểu của bà
làm cho không ít người Thái nổi giận vì họ cho rằng bà nói xấu Thái Lan, rằng
bà đang “bán” nước! Mới đây có tin tặc còn hack trang web của thủ tướng và treo
hình bà làm trò đùa.
Những thành phần elite trong xã hội bắt đầu phản ứng với
những phát biểu đó. Thật ra, thời gian gần đây bà Yingluck đã làm mất cảm tình
của không ít người từng ủng hộ bà. Còn những người trong tầng lớp trung lưu và
elite thì không ưa bà từ lâu. Do đó, khi có dịp, những người này bắt đầu phản
ứng mạnh. Cách ví von bà Yingluck với đĩ điếm là một phản ứng có thể nói là quá
cảm tính, và vượt qua những phép lịch sự trong chính trị; nó trở thành xúc
phạm. Hàng loạt tổ chức đấu tranh cho nữ quyền lên tiếng. Một nữ giáo sư của
Đại học Chiangmai viết một bài luận dài lên lớp ông Chai về nữ quyền và đạo
đức, bà nói rằng ông Chai vẫn có tư duy kì thị và xem thường nữ. Bà giáo sư cho
biết bà cũng không ưa và chưa từng bầu cho thủ tướng Yingluck, nhưng bà tôn
trọng quyền phát biểu của thủ tướng. Một người cháu gái của bà Yingluck cũng
viết một bài ngắn nói rằng ông Chai vẫn sống trong thế kỉ 19, vẫn sống trong
cái ao tù trọng nam khinh nữ. Có một bà từng là bộ trưởng trong chính quyền cũ
(trước Yingluck) rất giận, đến nổi bà đặt hẳn một vòng hoa đám tang có ghi tên
ông Chai và đem đến tận nơi ông làm việc để…tặng. Phần lớn những người lên
tiếng chỉ trích Chai cho rằng ông chẳng những xúc phạm bà Yingluck mà còn xúc
phạm toàn thể phụ nữ Thái Lan. Nói chung, đọc những phản ứng này tôi thấy báo
chí ở đây có vẻ như là những diễn đàn tranh luận nghiêm chỉnh. Thoạt đầu, bà
Yingluck có vẻ thản nhiên với “tấn công” đầy cảm tính và cá nhân tính của Chai.
Bạn tôi cho biết bà tỏ ra là người có bản lĩnh, cười cợt
trước những tấn công như thế trong quá khứ. Bà chẳng quan tâm đến những tấn công
như thế. Nhưng chẳng hiểu sao sáng nay đọc báo tôi thấy luật sư của bà đã nộp
đơn kiện hoạ sĩ Chai vì tội xúc phạm danh dự. Theo luật sư của bà Yingluck thì
bà sẵn sàng lắng nghe ý kiến và tiếp thu chỉ trích, nhưng phải là những câu chữ
“phải đạo”, chứ không phải những câu chữ hạ cấp và xúc phạm như ông hoạ sĩ
Chai. Do đó, bà quyết định khởi kiện như là một bài học cho những ai phát biểu
thiếu tính văn hoá trên các diễn đàn công cộng. Tôi nghĩ kết cục của vụ kiện
này chắc sẽ hấp dẫn lắm. Dù chỉ mới ở đây một tuần, nhưng có dịp trao đổi với
bạn bè và theo dõi truyền thông, tôi thấy sinh hoạt chính trị ở Thái Lan có vẻ
rất sống động. Ở một mức độ nào đó, họ có một nền tự do ngôn luận hơn Việt Nam.
Các đại biểu quốc hội Thái lan phát biểu có khi cũng nhăng nhít, nhưng họ tranh
luận rất hào hứng trên tivi.
Điều làm tôi phải so sánh với Việt Nam là các đại biểu ở
đây họ rất gần dân, họ thật sự quan tâm đến phúc lợi của những người họ đại
diện, chứ không phải hành xử như là những ông bà quan trên như ở nước ta. Do
đó, tôi rất đồng tình với nhận xét của em nghiên cứu sinh rằng sinh hoạt chính
trị Thái Lan không hề hỗn loạn như báo chí VN mô tả, mà thật ra là một nền
chính trị rất sinh động và…vui.
(TL ngửa cổ lên
trời mà cảm thán rằng: Bao giờ ở VN đuổi kịp Thailand về kinh tế? Bao nhiêu năm
nữa thì có nền chính trị vui vẻ (lời GS Tuấn) như thế này? Chắc lúc đó các
blogger có thể tự lấy phiếu thăm dò các chính trị gia mà không còn bị coi là
"lợi dụng tự do dân chủ" như Trương Duy Nhất vừa bị bắt theo điều
258...Còn hiện tại, ở Việt Nam, đĩ điếm chân thành hơn vô vàn chính khách. Nếu
so sánh như họa sỹ Chai về bà thủ tướng Thailand thì e rằng xúc phạm chị em
đang hành nghề bán thân nuôi miệng một cách chân chính...)
Nguồn: buudoan.com
Nếu mà ở Việt Nam thì "đồng chí" CHAI này phải lĩnh án ít nhất 15 năm khổ sai vì dám xúc phạm đến danh dự lãnh đạo. Có lẽ ngành tư pháp nước ta phải mời bà Yingluck sang Hà Nội để tham khảo Bộ luật hình sự tiến bộ bậc nhất thế giới của VN.
Trả lờiXóa