Nhãn

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Ký ức làng Cùa (tiếp theo kỳ trước)



                                  Ký ức làng Cùa

                             Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

                                           Chương năm
                                                           (Tiếp theo)
 
Quân Nhật rút đi, Lý trưởng Ngô Quỳnh tập hợp đám Trương tuần cùng cánh tá điền bắt đầu tìm kiếm, thu lượm các xác chết. Đã cuối tháng chín nhưng trời vẫn còn nắng gắt. Khắp nơi đâu đâu cũng bốc mùi lợm giọng bởi làng Cùa hầu như đã thành một bãi tha ma. Phó tổng Lê Bang, sau hôm trốn sang Mạc Điền giờ mới dám về. Ông ta điều từ làng Đậu, làng Bối Khê gần sáu chục dân phu sang giúp Lý Quỳnh. Luỹ tre dày quanh làng vẫn còn nguyên vẹn nhưng toàn cảnh bên trong thực sự là một bãi chiến trường. Không ai có thể đếm chính xác được thi thể các đội viên Áo đen cũng như dân làng Cùa trừ bọn lính Nhật tử thương đã được tên quan Hai[1] ra lệnh mang đi. Bà con chết cháy hoặc bị đạn lạc nhiều vô kể. Những người bị cháy thân hình biến dạng đến mức khó có thể nhận ra. Cánh phu đòn, cứ hai người một, khênh họ ra nghĩa địa trên những chiếc võng đay. Trời bỗng chuyển gió tây nam, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Nhiều người cởi áo làm khăn quấn ngang miệng để đỡ nôn oẹ. Các nạn nhân bị đạn hoặc kiếm Nhật chém phải, qua một ngày một đêm đã trương phềnh, nằm thẳng đuỗn trên võng. Theo nhịp bước người khênh, một thứ nước vàng rất khó ngửi, cứ nhỏ giọt đều đều trên đường từ làng ra bãi tha ma. Sau cơn hoả hoạn, người ta không thể kiếm được áo quan cho những người xấu số. Ngay cả chiếu cói cũng chỉ còn hơn chục chiếc. Những ngôi mộ phần lớn nông choèn được lấp một cách vội vàng, không bát cơm quả trứng và không một nén nhang. Anh em dân phu làm thật nhanh để còn về làng đi chuyến khác. Đêm hôm ấy làng Cùa hoàn toàn yên ắng thậm chí không có cả tiếng gà gáy nhưng ngoài bãi tha ma thì lại vô cùng nhộn nhịp bởi những tiếng gầm gừ của lũ chó hoang. Vùng Ba Tổng xưa nay nổi tiếng lắm chó hoang. Chúng cư ngụ ở miễu[2] cò Đài Sơn bên Mạc Điền, số khác tụ tập hàng đàn hàng lũ trong rừng Hóp, đánh hơi thấy mùi tử khí liền kéo nhau đến làm cuộc đào bới trên quy mô lớn ở nghĩa địa đồng Chó Đá. Những ngôi mộ mới chôn san sát chẳng theo hàng lối nào nổi lên thành một vùng trắng bệch dưới ánh trăng hạ tuần. Những con chó hoang chân dài, mõm nhọn như mõm cầy xạ, không khó khăn gì trong việc lôi xác chết ra khỏi các ngôi mộ chôn cất sơ sài. Một con chó già rụng sạch lông đầu, hai tai dỏng cao như tai thỏ vớ được chiếc cẳng chân của một đứa trẻ văng ra sau cuộc ẩu đả của hai con đốm choai choai. Nó cố sức kéo lê miếng mồi ra xa để tránh bị cướp giật rồi nằm xuống bắt đầu gặm. Ngôi mộ Chánh tổng Cao Lộng bị cả một bầy vằn vện khai quật bằng cách dùng hai chân trước ra sức bới đất. Chỉ sau vài phút, cái xác đã lộ ra. Chúng chẳng khách sáo gì, nhất loạt lao vào cắn xé bằng những hàm răng trắng nhởn, nhọn hoắt sắc như dao cạo. Một con nhay đứt gân cánh tay, tha được đến chỗ lão chó già lập tức bị gã lông xám mõm ngắn nhưng rất dữ tợn nhe nanh ra cướp mất. Thế là một cuộc ẩu đả đẫm  máu hoàn toàn mang phong cách của loài khuyển bắt đầu. Chúng tạm thời bỏ xác chết, lao vào nhau trong cơn kích động cuồng loạn của những kẻ khát máu. Bãi Chó Đá rộ lên những âm thanh gầm gừ phát ra từ cổ họng của loài thú hoang hiếu chiến, tiếp theo là hàng loạt tiếng sủa chói tai, nghe âm âm như tiếng vọng của lũ chó ngao gầm thét dưới cầu Nại Hà hau háu chờ những tội nhân bị ngã xuống dòng sông Âm Phủ. Gã chó xám đã rút khỏi cuộc ẩu đả, tha khúc ruột dài lòng thòng moi được từ ngôi mộ chung nhà Trương Dật, chợt nhìn thấy vành trăng khuyết, đỏ như máu, vội bỏ mồi nghếch mõm tru lên mấy tiếng nghe như tiếng loài sói gọi đàn rồi mới tiếp tục thưởng thức món ăn vừa kiếm được.
Lũ quạ đánh hơi người chết rất sớm nhưng chúng chỉ dám chờn vờn bên ngoài vì sợ bọn chó hoang. Nhưng cũng có con đói quá, liều mạng nhảy vào mổ những miếng thịt rơi vãi trên mặt đất sau những trận hỗn chiến của lũ bốn chân. Cũng như bầy chó hoang dưới đất, loài chim chuyên ăn xác chết từ khắp nơi kéo về, bay loạn xạ trên trời, nháo nhác gọi nhau chuẩn bị cho một đêm dạ tiệc. Những con quạ đen thui vô cùng tinh ranh đập cánh loang loáng dưới ánh trăng đã bắt đầu bợt bạt vì trời sắp sáng. Chúng lượn lờ vài đường rồi bất ngờ cụp cánh rơi xuống như viên đạn đại bác, quắp vội được miếng gì đó rồi lại lao vút lên theo hình vòng cung. Con chó xám mõm ngắn vừa nhai khúc lòng vừa gầm gừ xua đuổi đồng bọn, nhưng không ngờ kẻ trộm lại là lũ quạ lắm điều trên cao. Nó vừa nhả mồi sủa mấy tiếng cảnh cáo hai con chó gié có cái đầu tròn ung ủng như chiếc gáo dừa thì một con quạ khoang to đùng, cái mỏ bè ra như hai gọng kìm sà xuống nẫng gọn phần còn lại của bộ lòng bay lên. Con chó xám tức lắm, tung hai chân trước làm một cú nhảy khá cao, sủa váng lên. Nhưng con quạ đã thoát hiểm, bóng của nó cùng với miếng mồi vẽ thành một vệt loằng ngoằng ngay chỗ con chó ngồi. Lúc này hẳn đã no nê, lũ chó tha những khúc xương ống chân ống tay vứt lung tung khắp nơi trên bãi tha ma, nô giỡn một lúc rồi mới tản mát về sào huyệt. Bây giờ mới thực sự là dạ yến của bọn quạ. Hầu như không còn con nào ngó nghiêng trên trời. Tất cả lũ chúng, cả quạ đen lẫn quạ khoang đều đủ mặt. Chúng nhảy lò cò, túm năm tụm ba háo hức tận hưởng thứ thịt người vung vãi khắp nơi mà lũ chó hoang bỏ lại. Đàn quạ đông đến mức gần như thứ màu đen xỉn bẩn thỉu của chúng phủ kín toàn bộ khu mả mới. Quạ là loài chim vốn lắm điều nhưng lúc này nghĩa địa lại hoàn toàn yên lặng. Nguồn thức ăn khá dồi dào. Trời vẫn còn mờ tối, con người vẫn chưa thể phát hiện ra lũ ăn cắp xác chết. Trăng lạnh và sương đang thấm ướt cỏ cây. Một đêm hiếm hoi ngàn năm có một như thế, việc gì phải bắt chước lũ chó cãi nhau giành mồi.

Khi những tia nắng đầu tiên rọi xuống đồng Chó Đá thì khung cảnh bãi tha ma hiện lên với tất cả sự rùng rợn của nó. Hầu như các ngôi mả đều bị đào bới bằng cùng một thứ công cụ là mõm và chân, nhưng cái cách hành hạ xác chết thì lại không hoàn toàn giống nhau. Có xác mất hai tay hoặc một cẳng chân. Một vài xác bị khoét mắt, moi bụng hoặc bóc mất mảng ngực. Người nằm ngang, kẻ nằm dọc theo một thứ trật tự vô cùng hỗn độn. Lúc này vẫn còn hàng trăm con quạ đang mải mê rỉa thịt trên những khúc xương ống hoặc xương sườn đã bị hàm răng chó hoang cắt rời khỏi các xác chết. Chỉ đến khi toán dân phu đầu tiên chuyển tiếp những nạn nhân mới tìm thấy hồi đêm trong những đống đổ nát ra an táng thì chúng mới chịu bay lên. Lũ quạ vùng Ba Tổng thuộc loại lỳ lợm. Chúng lượn vài vòng quan sát thái độ của đám tuần đinh rồi lần lượt đáp xuống cách đấy không xa, chờ họ đi khuất lại tiếp tục bữa điểm tâm.
Nhìn cảnh hỗn loạn nơi nghĩa địa sau một đêm mất cảnh giác, Ngô Quỳnh tức lắm. Ông ta huy động toàn bộ trai tráng ra chôn cất lại những ngôi mộ đã bị chó đào lên và cắt cử đám tuần đinh mang giáo mác gậy gộc và cả súng kíp ra canh đêm, sẵn sàng chiến đấu với chó hoang và quạ. Lũ quạ từ bên kia sông Lăng kéo sang, bị chậm chân không được thưởng thức món đặc sản, lúc này bay vù vù trên cao. Chúng kêu quạ quạ đinh tai nhức óc, bảo nhau đồng loạt ỉa xuống đám phu đòn đang lấp đất trên các ngôi mộ. Hai Doạc tức mình nổ một phát đạn ghém. Hai con chết tại chỗ. Một con bị thương, loạng choạng cố bay theo đàn nhưng chỉ được một đoạn cũng rơi xuống ruộng lúa.


                                                          2


       Mẹ con bà Hai dắt díu nhau về làng Nội chưa đầy nửa năm thì cụ khán Đản qua đời. Cụ Khán không có con trai, làm di chúc giao mảnh vườn hơn bốn sào với ngôi nhà tranh ba gian cho bà Thoả, nhưng trưởng họ Phùng là Phó lý Tài không nghe, lấy cớ đàn bà xuất giá hưởng lộc nhà chồng rồi nên quyết định dành phần thừa kế cho con trai mình. Được tin, Lái Lự từ làng Bòng bổ sang gặp Phó lý Tài:
- Sao ông Phó cạn tàu ráo máng thế? Có chuyện gì thì cái nhà này cũng là hương hoả cụ khán để lại chứ đâu phải mồ hôi nước mắt của ông.
Phó Tài vốn hách dịch không chịu được cách ăn nói của lão lái trâu hợm của, tức mình quát:
- Đây là việc riêng của họ Phùng việc đếch gì đến ông mà chõ mồm vào!
- Cướp trắng gia sản rồi đuổi mẹ con bà cháu người ta ra khỏi nhà mà bảo là việc riêng, nói như cứt ấy.
- A! Ông định đến gây sự đấy hả ? Nếu thích thì rước mẹ con nhà nó về mà nuôi. Còn nói lôi thôi nữa tôi sai tuần đinh nó gô cổ, đừng có trách.
Lái Lự mặt vẫn tỉnh bơ, giọng khiêu khích:
- Đấy là ông Phó lý Tài nói đấy nhé. Nếu tôi đón mẹ con bà ấy về thật thì sao?
Ông trưởng họ Phùng càng thách già:
- Rước được những của nợ ấy đi thì họ Phùng mang ơn ông lắm đấy.
- Lời nói suông không tin được. Phải có bằng chứng.
Phó Tài đang muốn tống mẹ con bà Hai ra khỏi nhà càng nhanh càng tốt nên thuận miệng bảo:
- Tôi viết cho ông một cái văn tự là được chứ gì?
- Phải! - Lái Lự gật đầu mỉa mai. - Để đề phòng sau này có kẻ lật lọng.
- Ông đừng có cạnh khoé.
- Là tôi nói thế thôi.
Sau khi đã cầm văn tự trong tay, Lái Lự rút trong túi ra tờ giấy xoè trước mặt Phó lý Tài:
- Ông nhìn cho rõ: Đây là văn tự vay tiền của cậu nhà, hẹn trong một tháng sẽ trả, lãi năm phân. Bây giờ đã quá mười ngày, gia hạn mười ngày nữa, nếu không hoàn cả vốn lẫn lãi, bắt buộc tôi phải trình quan.
Phó lý Tài mặt xám lại khi nhìn thấy số tiền ghi trong văn tự.
- Chết thật, nó vay làm gì mà nhiều thế ?
- Chắc là lại trò đỏ đen. -  Lái Lự thủng thẳng bảo.
- Mà tại sao nó lại sang tận làng Bòng vay tiền? - Phó Tài lườm lão lái trâu, giọng hậm hực. - Ông cả tin thế thì có chuyến mất cả chì lẫn chài.
- Từ trước đến nay chưa bao giờ tôi cho những kẻ cha căng chú kiết vay tiền nếu không có sự bảo lãnh của các bậc huynh trưởng. Có phải ông với ông Phó hội Long là anh em con cô con cậu?
- Phải, thì sao?
- Chính ông ấy dẫn cậu Mạc đến.
- Thế này thì nó giết tôi rồi. Dù sao tôi cũng là Phó lý đương nhiệm.
Lái Lự cười khẩy:
- Đời vốn công bằng chẳng ai cho không cái gì đâu ông ạ.
Thực ra Lái Lự và bà Hai Thoả chẳng lạ gì nhau mặc dù gần hai chục năm làm như không hề quen biết. Thuở nhỏ, Lái Lự được bố mẹ cho sang kẻ Nội vừa học chữ nho vừa học nghề nặn tò he với ông Phó Đễ. Tuy chỉ cách một hàng rào nhưng hai nhà vốn có nhiều hiềm khích từ lâu nên không qua lại chơi bời với nhau. Ông Phó Đễ vừa là cậu họ vừa là thầy dạy nghề, máu rượu mà lại nóng tính, lơ mơ là quất ngay nên Lự nhiều khi bị đòn oan. Nặn tò he là cái nghề đòi hỏi sự nhẫn nại và tỉ mỉ, thêm chút khéo tay nữa nên rất không hợp với sở trường của chàng học việc. Một lần Lự làm hỏng mẻ bột do pha phẩm màu sai liều lượng, phó Đễ chẳng nể nang gì vớ ngay chiếc roi mây vẫn giắt trên mái nhà vụt túi bụi vào lưng thằng cháu. Chàng phó nhỏ vừa khóc vừa lạy van rối rít. Đúng lúc ấy, cô hàng xóm tóc ngắn cũn cỡn, buộc túm lại bằng sợi dây chuối, kín đáo nhìn qua khe rào, nhe chiếc răng khểnh ra tủm tỉm cười. Lự ngượng lắm. Ngay chiều hôm ấy, chàng ta trốn về kẻ Bòng, thề rằng chẳng bao giờ thèm dính đến cái nghề nặn đồ chơi trẻ con nữa. Có điều ông bố không phải là người dễ dàng thay đổi quan điểm bởi những ý nghĩ nhất thời hồ đồ của cậu con trai. Kết quả Lự lại được lĩnh thêm hơn chục hèo mây để rồi sáng hôm sau bị ông Trương Thao áp giải sang làng Nội.
Như vậy là trên đời có rất nhiều người phải làm cái nghề mà họ hoàn toàn không muốn, cũng như trong chuyện trăm năm, phải lấy một người mà họ hoàn toàn không yêu. Đeo đẳng cái nghiệp xanh đỏ tím vàng đến năm thứ hai thì Lự được ông chủ cho gánh hàng ra chợ vừa bán vừa nặn các con giống tại chỗ theo yêu cầu của các cô cậu tí nhau. Tháng vài phiên chàng tò he gặp cô láng giềng ra chợ mua voi giấy ngựa giấy hoặc vàng mã về cho ông bố lập đàn làm phép trừ ma. Ông khán Đản làm nghề phù thuỷ, trong nhà có điện thờ, cứ vào tuần rằm mồng một là hương khói nghi ngút, từ xa đã nghe tiếng chập cheng. Vợ ông khán là bà Huần sinh được mỗi cô Thoả, bảy năm sau thì chết vì thứ bệnh kỳ lạ. Dịp ấy vào rằm tháng bẩy, bà ta đi chợ về, tự nhiên leo tót lên bàn thờ, ngồi chễm chệ trên ngai rồi lảm nhảm bảo:
- Ta là đức Thánh Mẫu ở đền Sòng bị lão khán Đản dùng yêu thuật nhốt vào khám sắt từ ba năm trước, giờ được chúa Liễu Hạnh giải thoát, về hỏi tội cả nhà ngươi đây.
Nói xong bà khán hộc máu tươi, chảy ròng ròng xuống ngai rồi ngã vật xuống bất tỉnh. Ông khán sợ quá vội mời lang Tễu đến xem mạch bốc thuốc nhưng mạch của bà Huần lúc trầm lúc phù, lúc nhanh lúc chậm không thể đoán ra bệnh gì đành cắt cho mấy chén an thần rồi cáo lui. Được ba ngày thì bà khán qua đời. Từ đấy người kẻ Nội có ý kiềng gia đình khán Đản. Mấy năm sau ông khán tục huyền. Bà vợ kế là dân làng Vẽ vừa hoang toàng vừa lẳng lơ, trẻ hơn chồng gần chục tuổi nên được chiều hết mức. Mọi công việc nhà ông khán đều giao cho vợ kế trông nom. Bà ta được thể càng lấn lướt chồng, đối xử rất cay nghiệt với con bà Cả. Những dịp ông khán được tín chủ nơi xa mời đi cúng bái, bà ta lập tức đóng bộ biến khỏi nhà, phớt lờ cô con chồng lúc này đã đến tuổi hiểu sự đời. Thì ra bà ta phải lòng tay thợ mộc chuyên đóng quan tài ở phố Nhài. Chuyện ấy cuối cùng cũng đến tai khán Đản. Ông muốn có đứa con trai nên đành phải nhịn nhục. Nhưng sự chịu đựng cũng chỉ có giới hạn. Trò đời già néo đứt dây. Khuyên bảo nhiều lần chứng nào vẫn tật ấy, cuối cùng thầy phù thuỷ phải dùng hạ sách. Vào một đêm tối trời, khản Đản vào điện thắp hương, tung đồng tiền xin âm dương rồi mang đạo bùa ra chôn ở cổng, ngay cạnh con chó đá. Ba hôm sau, vào lúc quá Ngọ, bà vợ kế đến xưởng quan tài túm áo nhân tình dắt đi như dắt trâu. Gã thợ mộc chẳng biết chuyện gì xảy ra nhưng thấy thái độ của người đàn bà như bị ma ám thì sợ quá, định chạy nhưng không dứt ra được. Bàn tay bà ta lúc này như có nhựa dính còn cặp mắt trợn ngược toàn lòng trắng như là mắt của kẻ ăn phải bả độc trong cơn hấp hối. Đến bờ sông thì hai người hầu như đã cùng trong một tâm trạng thật sự phấn khích khi nhìn thấy dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy. Bà vợ kế ông khán cười sằng sặc, chỉ tay xuống đám bọt sóng bảo:
- Mình thấy nước sông hôm nay có trong không ?
Gã thợ mộc gật đầu:
- Trong vắt. Bây giờ mà được tắm một cái thì tốt quá.
- Thế thì còn chờ gì nữa. Tôi với mình nhảy xuống bơi đi.
- Nhưng mà tôi không biết bơi. - Tay thợ đóng hòm người chết thoáng chút lo lắng.
- Đừng ngại! - Người đàn bà vẫn nắm chặt ống tay áo nhân ngãi cười sằng sặc. - Tôi vốn là con gái vua Thuỷ Tề, tôi sẽ giúp mình. Nào, nhảy đi.
Cả hai gần như đồng thời nhún mình nhảy xuống dòng nước xiết. Đây là bờ bên lở, sóng dữ khoét vào chân đê thành những vệt sâu hoắm. Chỉ trong nháy mắt, cặp tình nhân đã mất hút giữa một vực xoáy cùng với tiếng réo ùng ục như nồi ba mươi luộc bánh chưng đang sôi.
Nhà có hai người đàn bà bất đắc kỳ tử nên việc gả chồng cho con gái của ông khán Đản vô cùng khó khăn. Người kẻ Nội sợ cái vía phù thuỷ nhập vào nhà sẽ táng gia bại sản nên tuy vẫn kính trọng ông khán như trước nhưng rước cô con gái về làm dâu thì hoàn toàn không thể. Đã thế nhà phó Đễ với ông khán lại có chuyện bất hoà. Ông Đễ tính nhỏ nhen, có máu tham, thấy cái lợi bằng hạt thóc cũng vơ vào mà chẳng nghĩ đến chuyện ăn ở lâu dài với hàng xóm láng giềng. Chuyện bắt đầu từ cái bờ rào. Ông khán vốn nghiện chè xanh nên đã trồng một hàng ở phần đất của mình. Chè lên xanh tốt, phó Đễ cứ thản nhiên hái uống mà chả cần nói với hàng xóm một lời. Chẳng những thế ông ta còn dùng cuốc bàn vạc đất dưới hàng rào, thành ra cây chè cứ teo tóp dần, cuối cùng ông khán phải phá đi thay vào bằng hàng găng. Ông Đễ liền trồng sát hàng găng một dãy xoan. Cái thứ sương xoan và chất độc ở rễ tiết ra phá hỏng toàn bộ đất vườn. Nói mãi không được, ông khán nhờ hai thằng cháu trèo lên phát cành. Thế là ông thợ tò he nhảy sang gây sự. Chuyện bé xé ra to, sau phải đến Phó lý Tài đứng ra xử kiện. Phó Đễ mắc tội lấn chiếm đất, trồng xoan giữa cõi trái với hương ước, bị làng phạt vạ. Bắt buộc phải  nộp phạt nhưng phó Đễ không phục. Ông ta bảo Phó lý Tài là cháu họ ông khán nên cánh chức dịch thiên vị. Từ đấy hai nhà kiềng mặt nhau.
Thời gian qua đi. Lúc Lự nhập môn nặn tò he thì cô Thoả đã đến tuổi trăng tròn. Chỉ sau vài phiên chợ, anh chàng môn sinh của ông Phó Đễ đã phải lòng cô hàng xóm. Hai người quyến luyến nhau lắm. Những hôm không có chợ Đình thế nào Lự cũng giả vờ ra hàng rào làm việc gì đó để nhìn cô bạn gái. Thoả biết ý, thường đứng nép vào giữa hai cây chuối góc vườn, hễ thấy bóng anh chàng thì nhô đầu ra. Việc thậm thụt giữa hai người không qua mặt được vợ chồng phó Đễ. Ông ta gọi thằng cháu vào nhà lên giọng cha chú:
- Lão ấy hành nghề phù thuỷ đã chết hai đời vợ, lại không có con trai vì làm nhiều việc tổn âm đức. Tao cấm mày đi lại với con bé ấy.
Lự thấy thái độ của ông cậu có vẻ xuất phát từ sự hiềm khích dai dẳng do lòng đố kỵ và thói tham lam vô lối gây ra nên mới bảo:
- Cháu thấy nhà ông khán đối xử với xóm làng có đến nỗi nào, sao mà cậu cố chấp thế?
Ông cậu mặt vẫn hầm hầm, giọng nặng chịch:
- Như vậy là mày vẫn muốn lấy con bé ấy ?
- Là cháu nói thế chứ đã có chuyện gì đâu mà cậu đã nổi xung lên.
- Vậy thì hãy tránh xa nó ra. Con bé ấy chỉ có lấy chồng thiên hạ. Trai làng này không đứa nào dám rước.
- Vì sao hả cậu ?
- Lại còn phải hỏi. - Phó Đễ gắt. - Nó nặng căn số vì lão khán Đản là người dương gian nhưng lại làm việc âm phủ.
Nhưng rồi hai người vẫn lén lút gặp nhau ngoài chợ. Một lần phó Đễ bí mật đi theo bắt được liền sang kẻ Bòng báo cho ông anh họ. Ông Thao lập tức lôi con trai về không cho học nghề to he nữa, ít lâu sau bắt lấy vợ. Vợ Lự là con ông Ba Toa người làng Bối Khê. Ông Ba Toa với ông Trương Thao cùng là dân buôn trâu, biết nhau quá rõ, thật là môn đăng hộ đối. Trước khi cưới vợ cho Lự, ông Thao bảo:
- Cái nghề buôn trâu hay bị thiên hạ nó chửi. Bố muốn đến đời mày không phải mang tiếng là phường lừa đảo nên mới cho đi học nặn tò he. Nhưng cậu Đễ bảo tay nghề chưa đâu vào đâu đã phải lòng gái, mà con bé ấy lại là dòng giống phù thuỷ. Thôi không kén cá chọn canh nữa, cưới xong theo tao vài chuyến cho nó quen đi.
Lự vốn chẳng ưa gì công việc vỗ mông trâu của ông thân sinh, lắc đầu quầy quậy:
- Con không đi buôn trâu, thà làm nghề đánh giậm còn hơn.
Ông Trương cười nhạt:
- Ở đời chẳng có nghề gì cao quý và thấp hèn, mà cao quý hay thấp hèn là ở cung cách làm ăn, anh hiểu chưa ? Nếu là người lương thiện thì chẳng việc gì phải ngại nghề buôn trâu. Làm vua mà bụng dạ tiểu nhân thì cũng chẳng khác gì phường lừa đảo. Chỉ sợ sau này dính vào rồi anh bám dai như đỉa, không muốn đổi nghề nữa.
- Nhưng con thấy nó thế nào ấy ?
- Cưới vợ rồi anh định làm gì nuôi nó? Hay là vẫn ăn bám bố mẹ?
- Đấy là bố mẹ bắt cưới đấy chứ?
- Mày đừng có láo! - Ông Trương Thao quắc mắt - Vợ chồng là đạo nhân luân, đã làm người thì phải có trách nhiệm với tổ tông. Không nghe tao thì bước khỏi nhà.
Vợ Lự là người đàn bà khoẻ mạnh, hiền lành nhưng trời chỉ cho hai người được mỗi mụn con gái rồi không đẻ nữa. Thị Lánh thuở bé được bố mẹ quý như vàng, càng lớn càng xinh đẹp. Hành nghề vài năm, đến lúc ông Trương Thao quy tiên, Lái Lự đã có một số vốn kha khá. Quả như ông bố dự đoán, những món  lãi đáng kể sau mỗi chuyến làm ăn đã biến chàng trai chất phác kẻ Bòng thành gã buôn trâu giầu thủ đoạn trên thương trường. Trong vòng hơn chục năm,  Lái Lự thông thạo tất cả mọi đường ngang ngõ dọc ở phủ Đông Giàng. Có lần lão còn lên tận vùng Lạng Giang thăm mối hàng. Mọi việc đồng áng ở nhà đều do bà vợ cáng đáng. Năm Thị Lánh mười sáu, bà mẹ đi chợ Lành về, trúng gió độc sinh cảm hàn rồi bị liệt nửa người, chỉ nằm mà không ngồi dậy được, hai năm sau thì chết. Từ đấy Lái Lự sống độc thân tuy mới xấp xỉ tứ tuần.
Nghề buôn trâu vào những năm tao loạn chẳng kiếm được là bao. Sẵn có vốn trong tay Lái Lự chuyển sang buôn gạo và hàng tạp hoá. Tuy đã mấy lần lên voi xuống chó, có bận phát tán gần hết cơ nghiệp nhưng vốn khôn ngoan lọc lõi và giỏi kinh doanh, gần đây lão đã trở thành người có máu mặt nhất ở kẻ Bòng. Tận nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn, nhất là những lúc cô đơn, Lái Lự vẫn còn một khoảng dành cho người con gái năm xưa. Từ khi Khúc Đàm chết, con gái trốn khỏi làng Cùa, Lái Lự không dám sang sông nhưng vẫn theo dõi số phận mẹ con bà Hai. Những tưởng hai người không bao giờ gặp lại nhau và mối tình cuồng dại năm xưa chỉ còn là một kỷ niệm buồn, chẳng ngờ gần đây mẹ con bà ấy lại kéo nhau về quê ngoại.
Sau hôm giỗ đầu cụ khán, Lái Lự nhào bột nếp, nhuộm phẩm nặn một rổ con giống tò he mang sang làng Nội cho lũ cháu bà Hai. Thằng Khải và thằng Nghiên thích lắm, đòi theo về kẻ Bòng để ông lái dạy nặn Quan Vân Trường cầm thanh long đao cưỡi ngựa xích thố và Tôn Hành Giả vác gậy như ý đánh Bạch Cốt Tinh. Lái Lự bảo :
- Được rồi, nhưng ông muốn bà và mẹ các cháu về bên ấy luôn thể. Ý mẹ con bà thế nào ?
Bà Hai đã nghe Lái Lự nói đi nói lại chuyện này nhưng vẫn còn dùng dằng chưa quyết:
- Tôi cứ thấy nó thế nào ấy. Thời trẻ chẳng ở được với nhau, giờ hai thứ tóc lại về bên ấy, làng nước người ta bảo già còn theo trai.
- Đấy là lỗi ở tôi. - Lái Lự chợt lặng đi một lúc rồi mới nói tiếp bằng giọng quả quyết. -Bây giờ tôi một thân một mình, buồn lắm, mong mẹ con bà cháu sang cho vui cửa vui nhà trước khi nhắm mắt về với tổ tiên.
- Giá ngày ấy ông cứng cáp lên một tí thì bây giờ đâu đến nỗi.
- Chuyện cũ qua rồi, nhắc lại làm gì … Lái Lự thở dài khẽ bảo. - Bà không thương tôi sao ?
- Nhưng còn mẹ con nó?
- Tôi coi chúng như con cháu. - Lái Lự ngước nhìn hai thằng con Khúc Thị Hài đang vặt những quả chuối tò he đưa lên miệng nhấm nháp cho dù chúng đã bảy tám tuổi, mỉm cười bảo - Gì thì gì, tôi với gia đình bên ấy vẫn là chỗ thông gia, có điều con Lánh ăn ở chẳng ra gì, làm mất mặt cả họ.
Bà Hai có vẻ chưa xuôi :
- Ông cứ để tôi tính xem sao đã. Chuyện này còn có chỗ không thuận.
Lái Lự là người có tính kiên nhẫn mà vẫn phải gắt lên trước thái độ lừng chừng của bà Thoả :
- Bà nghĩ xem, từ hồi cụ khán mất, họ Phùng đối xử với mẹ con bà như thế nào, nhất  là tay Phó lý Tài. Trước sau rồi chúng nó cũng cướp trắng cơ ngơi này, đuổi mẹ con chị Hài ra khỏi làng một khi bà nằm xuống. Hãy nghe tôi, về kẻ Bòng.
- Nhưng còn ông cụ, bà cụ, tôi bỏ đi ai hương khói ?
- Con cái ở đâu bố mẹ ở đấy ! Họ hàng nhà bà toàn một lũ đểu, tham ăn như chó đói. Chúng muốn là muốn mảnh đất này chứ đâu phải có lòng hiếu đễ. Theo tôi, ta nên rước các cụ sang bên ấy. Hằng năm tôi sẽ đưa bà với mẹ con con Hài về tảo mộ.
Đầu tháng mười, bà Hai và mẹ con Khúc Thị Hài theo Lái Lự về kẻ Bòng. Năm ấy trời rét sớm. Gió bắc rít từng cơn quần đảo điên loạn trên những thửa ruộng đã cày ải phơi màu vàng sậm. Đây đó những mô rạ chưa kịp chuyển về làng, bị những trận cuồng phong giận dữ cuốn lên cao, xé tung ra, đẩy giạt về phía cồn Vành tạo thành một khối hỗn độn mù mịt thứ bụi trắng đục như bột phấn. Đi giữa cồn Vành có thể nghe rõ tiếng gió đập vào những tàu lá chuối phành phạch như là tiếng quạt mo của lão vệ Hạch bợm rượu vào một đêm bức bối đã chót quá chén. Những tàu lá chuối cách đấy ít lâu còn xanh mướt như ngọc tuyền thuỷ giờ xác xơ, bầm dập. Chỉ còn có cỏ là xanh, cỏ mần trầu, cỏ gà, cỏ chỉ, cỏ chân chim vẫn mơn mởn trên đất phù sa. Phải tìm đến khu gò cao, dọc theo cánh bãi trồng ngô mới gặp vài đám cỏ mật. Trẻ trâu chỉ cần một một cụm bỏ vào túi, khi cỏ héo đi chính là lúc hương thơm và mật ngọt toả ra ngào ngạt, vài ngày sau vẫn còn phảng phất vị nồng nàn, quyến rũ của đồng quê.
 Cồn Vành lúc này vắng bóng hoàn toàn lũ chim nước. Từ cuối tháng chín chúng đã bay về phương nam tránh rét. Thỉnh thoảng còn lại vài con sáo đen, chèo bẻo hoặc sẻ đồng vốn đã quen với cái lạnh cắt da cắt thịt của những ngày mưa phùn, gió bấc. Lũ sáo đen mỏ ngà cứ tầm trưa khi nắng hửng lên một lúc là chạy lui cui giữa những vồng ngô non mổ cào cào châu chấu. Chèo bẻo thì luôn luôn bám sát đàn trâu, nhảy thoăn thoắt trên lưng trên cổ chúng mà bắt rận. Bọn trẻ đôi khi tết thòng lọng bằng lông đuôi trâu hoặc dùng nhựa dính được vài con. Chèo bẻo bé tí tẹo có cái mỏ ngắn chân mảnh như que tăm nhưng tiếng hót cực kỳ hấp dẫn nhất là lúc bay chấp chới trên cao. Sẻ đồng chẳng biết rét là gì, tụ tập hàng đàn trên những ruộng kê vừa thu hoạch nhặt những hạt rơi vãi. Mỗi khi chúng bay lên, cánh đập ràn rạt ào qua như một đám mây. Thấp thoáng dưới ruộng đỗ, ruộng vừng là lũ chim xanh từ mãi vùng Yên Hưng bay về. Chúng to bằng cỡ chim cu và cũng như chim cu có cái cổ cườm óng ánh tuyệt đẹp nhưng không biết hót. Mỗi khi gọi nhau cổ họng chúng chỉ phát ra những tiếng tích tích rồi lại tà tà như là hiệu thính viên gõ cần manip. Làng Bòng có những thợ săn vô công rồi nghề chuyên dùng lưới bẫy những chú chim xinh đẹp này về băm viên nướng chả nhắm rượu. Nhưng loài chim xanh vô cùng tinh khôn. Chúng ít khi bị mắc lừa bọn sát thủ ngay cả khi có chim mồi. Có thể xem đây là loài chim không bao giờ phản bạn cho dù sắp phải lên đoạn đầu đài. Chuyện xảy ra với lão Chi méo cách đây ít lâu. Chẳng biết bằng cách nào, hôm ấy Chi méo bẫy được một mẻ tám con. Lão nhắm rượu sáu, còn để lại hai làm chim mồi. Lão tin chắc, không chóng thì chày, thế nào cũng bắt đến con chim xanh cuối cùng một khi trong  tay đã có át chủ bài. Lưới được giăng ra và nguỵ trang bằng những cành móc lá còn xanh khéo đến mức ngay cả con người cũng khó phát hiện được. Đôi chim mồi bị buộc dây vào chân cứ nhảy nhót liên tục như đang mổ thóc ăn. Chừng nửa buổi thì đàn chim xanh khoảng vài chục con từ phía núi Phượng Hoàng bay về. Chúng lượn vài vòng rồi từ từ đáp xuống. Đúng vào lúc ấy con chim mồi gáy lên mấy tiếng "tích tích tà tà". Chẳng  hiểu tiếng hót ấy bao hàm tín hiệu gì mà cả bầy chim vừa sắp tiếp đất lại cuống cuồng bay vút lên, chỉ một thoáng đã mất hút vào dãy núi xa mờ. Những lần sau Chi Méo đặt bẫy sự việc cũng diễn ra y hệt như thế. Lão tức lắm, vặn cổ đôi chim rồi vác lưới thất thểu về làng.
Vào lúc chiều tối, tuy rét mướt nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp những con cò già lẻ loi kiếm ăn dưới chân rộc còn sót lại sau mùa lũ chưa kịp khô hết nước. Chúng sục mỏ xuống bùn bắt đám tôm rảo, tép gạo hoặc cá đòng đong. Bọn này bị sặc, chạy quáng quàng tìm cách thoát khỏi hai gọng kìm của kẻ thù truyền kiếp. Có con hoảng quá nhảy cả lên bờ. Lão cò già cổ ngẳng trụi sạch lông điềm tĩnh mổ từng con một, cần mẫn, chính xác và tàn nhẫn cho đến khi hoàng hôn đổ xuống thì bay lên cây gạo gần đấy nghỉ qua đêm.
Chiều hôm ấy Lái Lự tiếp đãi mẹ con bà Hai bằng món gà luộc chấm muối ớt lá chanh và thứ đặc sản chim xanh băm chả nấu với mướp hương. Buổi tối cả nhà ngồi quây quần quanh bếp lửa ăn ngô rang. Khúc Thị Hài có ngón nghề rang ngô bằng cát sông Lăng, hạt nào cũng nở bung, trắng như hoa huệ. Ngô kẻ Bòng vừa giòn vừa thơm, lão nhai rau ráu, thỉnh thoảng lại bốc cho bà Hai một nắm. Hai thằng cháu ngầm đưa mắt cho nhau tủm tỉm cười. Lái Lự bảo Khúc Thị Hài:
- Mấy hôm nữa phải cho anh em thằng Khải đi học. Bác đã nói với ông giáo Đằng nhận chúng vào lớp đồng ấu.
- Thời buổi này học hành mà làm gì hả ông? - Bà Hai bàn. - Hay là ông mua lấy con trâu cho chúng nó vừa chăn vừa đánh giậm kiếm cá.
Lái Lự lắc đầu:
- Học chữ thời nào cũng cần mà có chữ là có tiền. Tôi đã từng tiếp xúc với một ông tham lục lộ, nhà giầu nứt đố đổ vách.
- Nhưng cũng cứ mua lấy con trâu để ngoài giờ học chúng đi chăn.
- Được, với một lái trâu như tôi, việc ấy có gì khó, chỉ sợ hai thằng mải chăn trâu đúc dế chểnh mảng sự học.
Khúc Thị Hài đưa mắt cho con, hai thằng chắp tay thưa:
- Chúng cháu thích học lắm, không mải chơi đâu ông ạ.
- Thế thì được, đợi qua tết, ông sẽ mua một con trâu tơ sừng ấu cho mà cưỡi.
Mấy hôm sau, trời vẫn rét đậm. Nửa đêm gió lạnh quất ràn rạt trên mái nhà như sắp có bão. Lái Lự đang mơ mơ màng màng giữa đống chăn bông to sụ chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Lão tỉnh giấc nhưng vẫn nằm yên nghe động tĩnh.
Tiếng gõ lần này gấp gáp. Lão chần chừ một lúc rồi mới đứng lên rón rén lại gần cửa hỏi khẽ:
- Ai đấy ?
- Ông lái cho tôi vào với, ngoài này rét lắm.
Tiếng thì thầm nghe rất quen nhưng Lái Lự chịu không thể đoán được ai. Không lẽ lại là cướp. Thế này thì nguy quá. Lão thoáng nghĩ. Mình mới đưa mẹ con bà ấy về đây được ít ngày, chúng mà khoắng sạch thì phen này …
- Làm ơn mở ra ông lái... - Tiếng người bên ngoài vô cùng khẩn thiết.
Chắc không phải cướp. - Lái Lự tự trấn an mình - Nhưng phải thử xem đã. Thời buổi này trộm cướp như rươi. Chúng nghĩ ra trăm phương ngàn kế để lừa gạt dân lành.
- Thưa các quan, nhà này chẳng có gì đâu ạ! - Lái Lự làm ra vẻ thiểu não - Cách đây ít lâu tôi bị chúng nó lừa mất sạch cơ nghiệp rồi. Mời các ngài sang nhà Phó lý Uông. Ông ta vừa bán ao cá mè.
- Ông lái mở cửa ra. Tôi là khoá Kiệt đây mà, không phải kẻ cướp đâu ?
- Hả ? Ông là khóa Kiệt làng Cùa?
- Tôi đây chứ còn ai.
- Chết thật, sao không nói ngay từ đầu làm tôi hết cả hồn.
Cửa mở, Khoá Kiệt lẻn vào nhanh như một bóng ma rồi đóng sập hai cánh lại. Dưới  ánh đèn dầu tù mù, quả thật chủ nhà không thể nhận ra cố nhân trong lốt một gã đàn ông cao lêu nghêu với khuôn mặt hốc hác như đói ăn lâu ngày và chòm râu dê rối tung chẳng khác gì đám rễ bèo tây phơi nắng. Người Khoá Kiệt ướt sũng, chân tay ông ta tê cứng, toàn thân run rẩy nên tiếng nói ngọng nghịu khác hẳn một ông khoá vẫn cao giọng bình những bài văn xuất sắc của đám học trò hồi còn ngồi dạy học ở làng Bòng.
- Bác ở đâu về đây? Hình như là người ta vẽ hình bác dán ở chợ Cháy.
- Tôi vừa kiếm được chiếc thuyền vượt sông Lăng, gần sang đến bên này, gió mạnh quá thành ra bị lật, xuýt chết. Bác còn gì ăn được không ?
- Có lưng nồi cơm nguội với ít tôm rang. Để tôi gọi bà ấy.
- Xin bác đừng để người nhà biết. Nói thật tôi mới từ Ba Tổng sang đây. Nhà chức trách phủ Đông Giàng và cả huyện Nam Thành đang có lệnh truy nã.
- Nghe nói quân Áo đen của bác mạnh lắm, đánh được cả Nhật phải không ?
- Chuyện dài lắm, lúc nào thư thả tôi kể bác nghe. - Khoá Kiệt vừa nhai trệu trạo vừa lấm lét nhìn trước nhìn sau rồi hỏi:
- Chắc bác mới tục huyền?
- Sao bác biết?
- Là tôi đoán thế vì bà nhà mất đã gần chục năm nay mà bác vẫn độc thân.
Lái Lự thì thầm:
- Vì một lời hẹn ước ngày xưa, là vì tôi phụ người ta nên bây giờ nói mãi mẹ con bà ấy mới chịu về đây.
- Bà ấy ở làng nào?
- Bên kẻ Nội. Người ấy ông biết quá còn gì ?
- Thú thật, những năm qua tôi theo Đoàn thể hoạt động mãi bên Nam Ngạn mới về Ba Tổng nên không biết.
- Chính là bà Thoả con cụ khán Đản.
- Là vợ hai Chánh Đàm phải không?
- Thì đã sao? - Lão lái trâu có vẻ không hài lòng với câu hỏi bất ngờ của ông chỉ huy đội quân Áo đen. - Ông ta đã chết còn bà Cả Huê thì đuổi mẹ con người ta ra khỏi nhà, bác xem còn gì là tình người.
Khúc Kiệt đã ăn xong, chiêu một ngụm nước vối trong chiếc bình tích rồi thong thả bảo:
- Cả nhà Chánh Đàm chỉ có mỗi mẹ con bà Hai là người tốt. Làm nghề buôn bán mà có tấm lòng độ lượng như bác không nhiều. Tôi phục đấy.
- Bác quá khen. - Lái Lự nhún nhường - Thời buổi loạn lạc chẳng biết sống chết ra sao. Thôi thì mỗi người dựa vào nhau một chút may ra qua được cơn binh lửa. Mà này, còn một chuyện tôi muốn hỏi. Gia đình bác sau trận Nhật kéo quân về làng Cùa có bình yên không ?
Khúc Kiệt lắc đầu, mặt khó đăm đăm:
- Bác biết rồi đấy, giặc Nhật đốt nhà giết người, chưa đầy một ngày một đêm làng Cùa mất hơn bẩy chục nhân mạng. Nhà tôi bẩy người, còn ba mà thằng lớn lại bỏ đi.
- Bây giờ bác định thế nào ? Hay là tạm lánh sang bên này ít bữa, đợi tình hình lắng xuống rồi hãy về?
Khúc Kiệt bảo:
- Vẫn còn những cơ sở quần chúng đáng tin cậy ở vùng Ba Tổng, nhưng bọn Nhật và lũ tay sai dán hình tôi khắp nơi, treo thưởng cho ai bắt được  hoặc chỉ ra nơi ẩn náu nên mới phải vượt sông ban đêm.
- Thế thì cứ ở nhà tôi một thời gian. Làng này hẻo lánh, ít kẻ rình mò, không ngại.
Khúc Kiệt trong lòng vô cùng cảm kích đảm khí của lão lái trâu nhưng dù sao cũng cần phải nhắc ông ta cẩn trọng:
- Chuyện này can hệ đến cái sống cái chết của cả nhà, mong hãy giữ kín cho, sau này cách mạng sẽ không quên ơn. Tôi cũng chỉ dám nhờ bác vài ngày thôi.
- Tôi sẽ dẫn bác đến trú tạm ở dãy chuồng trâu ngoài đầm Vực. Chỗ ấy an toàn lắm.
Khoảng canh ba, Lái Lự lấy cho Khúc Kiệt bộ quần áo nâu, thêm chiếc áo bông chần và chiếc khăn phu la rồi dẫn ông ta ra bờ đầm. Lúc này gió đã bớt gào thét nhưng trời vẫn lạnh hun hút. Đầm Vực chìm trong màn đêm dày đặc. Một chàng dế non có lẽ mới ra ở riêng gáy ke ke. Tiếng gáy yếu ớt lập tức bị lẫn vào tiếng sóng. Những con sóng nhỏ lăn tăn gối lên nhau, bị gió cuốn vào bờ phát ra thứ âm thanh oàm oạp chẳng khác gì đứa trẻ vừa tắm vừa  lấy bàn tay vỗ nước nghịch trong chậu. Trên cành cây xương cá, một con gà nước ngủ gật bỗng giật mình, vỗ cánh phành phạch, kêu toáng lên khiến mấy chú bồ chao đậu trong đám dây chạc chìu nháo nhác, làm rối loạn cả đầm nước vốn đang vô cùng yên tĩnh. Thì ra nó ngửi thấy mùi cáo. Con cáo xám có cái đuôi  dài như bông lau lặng lẽ luồn dưới đám cây gai lúp xúp, hy vọng kiếm được miếng gì đó cho vào bụng vì đã gần một tuần nay trời rét như cắt, nó phải nhịn đói.
Khoá Kiệt nằm trên chiếc ổ rạ trong dãy chuồng trâu bỏ hoang ngay sát bờ đầm, mệt quá, ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy đã quá trưa, xung quanh không một bóng người. Ông ta vươn vai đứng dậy định ra ngoài đi tiểu nhưng chợt nhớ là mình đang lẩn trốn nên đành phải vào góc nhà. Khi quay về ổ Khúc Kiệt mới nhìn thấy bình soạn cơm, cái liễn sành đựng thức ăn và quả bầu khô đựng nước chẳng biết Lái Lự mang ra từ lúc nào. Ông ta ăn cơm và bất giác nhớ lại những ngày qua.
Đêm ấy, sau khi rút khỏi đình Cả, đội quân Áo đen chỉ còn lại hơn hai chục người kể cả những anh em bị thương, thoát ra được đầm Ma rồi lần vào rừng Hóp. Dân làng Cùa lúc đầu ủng hộ Khúc Kiệt đấu tranh chống sưu cao thuế nặng. Bà con tỏ ra hoan hỷ khi thấy đội quân Áo đen đánh bại một cơ lính của triều đình, nhưng đến khi quân Nhật về giết người, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ thì họ lại coi ông ta như kẻ thù. Cánh chức dịch còn sống sót sau trận huyết chiến giữa Khúc Kiệt và bọn giặc Lùn, vừa sợ vừa ghét vị thủ lĩnh Áo đen. Biết thừa ông ta đang lẩn trốn trong rừng Hóp nhưng không một ai dám dẫn tuần đinh lên vây bắt hoặc bẩm báo phủ Đông Giàng. Cái chết của Phó lý Dần và Chánh tổng Cao Lộng là bài học đắt giá cho những kẻ mất hết lương tri, bán rẻ nhân phẩm của mình, làm hại đồng bào. Ở trong rừng đến ngày thứ sáu, mọi người đói vàng mắt vì không tìm được cái ăn ngoài thứ măng hóp vừa đắng vừa chát. Bây giờ không phải mùa chim làm tổ, thỉnh thoảng mới tóm được con giẽ giun, thịt dai ngoách, chỉ ngửi đã lợm giọng. Tình hình lúc này rất căng nhưng không thể ngồi chờ chết. Khúc Kiệt tập trung anh em khai hội. Một hội viên người tổng Bạch Sam bàn:
- Theo tôi ta nên vượt sông Lăng, bên ấy tương đối yên ổn, dễ gây dựng cơ sở.
Quách Thịnh bảo:
- Kẻ Bòng, kẻ Nội không phải địa bàn hoạt động của chúng ta, lớ ngớ là bị bọn chức dịch tóm nộp cho Nhật lấy tiền thưởng. Ai sang thì sang chứ tôi không bao giờ.
Khúc Kiệt bó gối nhìn hết lượt anh em mắt lim dim như là sắp ngủ, nhưng thực ra ông ta đang tính toán phương án có lợi nhất cho những hoạt động tiếp theo :
- Bây giờ tôi đề nghị anh em thế này, mọi người tạm thời về địa phương mình, bí mật vận động bà con chống chủ trương mua thóc tạ và nhổ lúa trồng đay của Nhật. Tôi sẽ tìm cách liên hệ với cấp trên, báo cáo tình hình, vì ta mất liên lạc quá lâu, không nắm được chủ trương chung. Sau khi có chỉ thị mới, tôi sẽ thông báo lại.
Chập tối hôm ấy Khúc Văn bảo bố:
- Con chán cái trò chém giết này lắm rồi, vì bố mà gia đình ta tan nát.
            Khúc Kiệt cau mặt:
- Mày nói cái gì?
Khúc Văn ngoảnh mặt lau nước mắt:
- Con đi đây.
- Đứng lại!- Ông bố quát. - Ra ngoài ấy là bị chúng nó giết.
Khúc Văn thủng thẳng bước đi có vẻ như chẳng coi lời cảnh báo của Khúc Kiệt ra gì. Anh ta vác khẩu súng trường đã hết đạn lên vai dò dẫm ra cửa rừng
            Trận mưa bất chợt làm bầu trời bớt đi vẻ u ám để lộ ra khoảng không gian màu lam ngọc được gắn những ngôi sao bé tí xíu như hạt cườm. Một dải mây trắng mỏng giăng ngang đầm Ma, phản chiếu ánh sáng lạnh lẽo của dòng sông Ngân  lúc ẩn lúc hiện như những sợi tơ trời. Trước khi sang sông, Khúc Kiệt chợt nảy ra ý nghĩ về nhà. Làng Cùa sau trận hoả hoạn hầu như không còn tiếng chó sủa. Họ Khúc lần mò chẳng khác gì kẻ trộm trong đêm. Toàn bộ ngôi nhà đã làm vật hiến tế cho thần lửa. Trước mắt chỉ  còn là đống hoang tàn. Không có một biểu hiện nào của sự sống. Đứng lặng hồi lâu trước cảnh tang thương, Khúc Kiệt cầm lòng không đậu, đưa tay lên gạt nước mắt.
- Phải tìm Ngô Quỳnh.- Ông ta lẩm bẩm. - Chỉ có hắn mới biết rõ được vợ con mình ai mất ai còn.
Lý Quỳnh đang ngồi uống rượu một mình. Nhìn thấy Khúc Kiệt, ông ta chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên, cầm chiếc nậm cụt cổ rót rượu ra chén rồi bảo khách bằng giọng lè nhè:
- Tôi biết ông đến đây làm gì rồi. Nào, làm một tợp cho ấm bụng đã.
- Ông vẫn uống thế này à?- Khúc Kiệt đưa mắt quan sát xung quanh chiếc lều mới dựng có lẽ chỉ nhỉnh hơn gian bếp một chút- Bà ấy với các cháu đâu?
- Chết cháy cả rồi. - Lý Quỳnh đã hơi say giọng méo mó. - Không uống thì để làm gì?
- Biết thế sao ông lại rước bọn quỷ Lùn về?
- Lão phủ Đông Giàng thù Việt Minh nên mới báo cho Nhật đem kỵ binh về tiêu diệt quân Áo đen. Chúng tôi là lũ thuộc hạ, ở vào cái thế trên đe dưới búa, theo các ông thì Nhật chém đầu, mà theo Nhật thì kết quả như thế này đây. Làng Cùa đến ngày tận số rồi.
- Vợ con tôi chết hết rồi phải không?
Lý Quỳnh gật đầu:
- Chỉ còn mình cô Nhân, nhưng mấy hôm trước tôi đã nhờ thằng cháu đưa sang lánh tạm bên Đậu Khê.
Khúc Kiệt lạnh lùng bảo:
- Chắc ông không định bắt tôi đấy chứ?
Lý Quỳnh lắc đầu:
- Không.
- Sao thế?- Khúc Kiệt nói kháy. - Cách đây mấy hôm ông vẫn muốn chặt đầu tôi treo lên cây gạo kia mà.
- Chém giết nhau như thế là đủ rồi. Với lại, tôi có dự cảm thời thế sắp thay đổi.
- Bao giờ con Nhân nhà tôi về đây?
- Chưa về ngay được đâu. - Lý Quỳnh định rót thêm cho mình chén nữa nhưng nậm rượu đã cạn. Ông ta loạng choạng đến góc lều xách ra một vò đậy nút lá chuối đặt trước mặt Khúc Kiệt.
-  Con bé đang hoảng loạn vì cái chết của cả nhà, đưa về lúc này sợ nó nghĩ quẩn rồi làm liều.
- Thế cũng phải. Thôi thì trăm sự nhờ ông.
- Bây giờ ông đi đâu?- Lý Quỳnh nhìn Khúc Kiệt có vẻ ái ngại.
- Cũng chưa biết. - Khúc Kiệt lưỡng lự một lát rồi bảo. - Có lẽ tôi sang bên kia sông.
- Chúc ông chân cứng đá mềm. Chỉ mong sau này ông có kéo quân về thì đừng tàn sát dân làng.
Khúc Kiệt nặng nề đứng dậy bước ra khỏi lều rồi lẫn vào bóng đêm. Có cái gì nhói lên trong lòng ông ta. Như vậy là Lý Quỳnh cũng mất sạch vợ con cùng cơ nghiệp, nhưng hắn vẫn còn mảnh đất dựng túp lều mà ngồi nhấm nháp chén rượu giải sầu. Còn ông ta, từ nay không nhà cửa, không người thân thích. Thằng con trai thì mất lòng tin, công khai chống lại bố, bỏ đi. Đứa con gái cũng xiêu dạt xứ người, biết bao giờ mới được gặp nó.
Đêm như loãng ra bởi từ đâu đó rất gần có tiếng chim lợn kêu. Những con quái điểu này bay loạn xạ trên bầu trời làng Cùa, thả xuống thứ âm thanh chói tai giống hệt tiếng lợn bị chọc tiết. Có con táo tợn bay rất thấp. Chúng sải cặp cánh dài, trắng lốp sà sát xuống những mái nhà còn sót lại sau vụ cháy, kêu choeng choéc như là tín hiệu của quỷ sứ về bắt hồn người chết. Khắp vùng Ba Tổng không ở đâu có mật độ chim lợn, cú mèo và chó hoang dầy đặc như làng Cùa. Đến gần gò Kim Kê, Khúc Kiệt bỗng giật mình bởi những bóng lờ mờ, quanh quẩn bên cây gáo cổ thụ. Đó là đàn chó hoang mới từ rừng Hóp kéo về. Chúng khác hẳn chó nhà bởi hành tung lặng lẽ như bóng ma, gặp người không bao giờ sủa mà tìm cách lẩn vào bụi rậm. Lũ dã cẩu này có những cái nanh nhọn như nanh chó sói và cái đuôi khá dài kéo lê trên mặt đất. Chúng vô cùng điêu luyện trong nghệ thuật trộm gà và cuỗm những thứ có thể ăn được nếu gia chủ sơ ý. Một con chó vàng cụt đuôi to như con bê, hình như là đầu đàn, ẩn vào bụi dong riềng, khẽ gầm gừ khi phát hiện Khúc Kiệt đang bước tới. Cặp mắt nó bắt ánh sao đêm xanh lét. Người và vật lặng lẽ nhìn nhau mấy giây, đến khi Khúc Kiệt vung chiếc gậy tre lên, thì con chó hoang nhún chân lao vọt vào vườn chuối. Bóng của nó vẽ thành một đường vòng cung như là đang làm xiếc nhảy qua vòng lửa. Trên gò cao, cây gáo sừng sững vươn lên với những cành trụi lá như cánh tay của con quái vật khổng lồ đang dò dẫm tìm kẻ thù bằng cách cứ mỗi lúc lại dài thêm ra. Gió lạnh cọ vào những cành khẳng khiu, làm bật ra những tiếng lào thào chẳng khác gì gã chán đời thở dài.
Khúc Kiệt chậm rãi bước lên đê, quay mặt về hướng bắc đón làn gió lạnh. Đằng đông, một quầng sáng mờ mờ báo hiệu buổi bình minh bắt đầu hiện dần lên ở đường chân trời. Dãy Cổ Ngựa lô xô những chóp núi như là răng của loài khủng long thời tiền sử. Mỗi chiếc răng như thể được trang điểm bằng dải khăn quấn quanh, xốp và nhẹ như bông. Một con quạ đen thui có cái mỏ khoằm viền vàng, từ cồn Vành vượt sông Lăng bằng đường bay thẳng tắp như kẻ chỉ rồi đậu trên cây gáo, cất mấy tiếng rời rạc. Đã sắp rạng đông. Lúc này qua sông với Khúc Kiệt là hoàn toàn không thể. Ông ta lững thững ra điếm Bài Vân, tắt xuống cánh ruộng trũng bên đầm Ma rồi vào rừng Hóp. Trời sáng dần nhưng là thứ ánh sáng mùa đông. Không nhìn thấy mặt trời. Khắp đó đây chỉ thấy những cồn mây bị gió bắc dồn lại thành đống, xám ngoét, lạnh lẽo. Thỉnh thoảng lắc rắc vài hạt mưa. Mưa đập vào mo nang trên những cây hóp già lộp bộp giống như tiếng mõ cá bị rạn.
Sự lừng khừng không vượt sông ngay của Khúc Kiệt  thành ra bất lợi. Ông ta vừa mò vào rừng Hóp được một lúc đã thấy viên phó lãnh binh dẫn hơn chục lính khố xanh phủ Đồng Giàng cùng ba tên Nhật ra điếm Bài Vân lùng sục dọc triền sông Lăng. Suốt ngày hôm ấy Khúc Kiệt bị đói, nửa đêm đánh liều về làng. Chẳng rõ bằng cách nào Lý Quỳnh biết đối thủ của mình trở lại nên đã đợi sẵn ở cổng, đưa cho ông ta mo cơm rồi nói như ra lệnh:
- Quan quân đã mai phục ở bến đò, ông không thể qua sông được nhưng phải đi khỏi làng ngay đêm  nay.
Khúc Kiệt cảm động lắm, nhìn Ngô Quỳnh chớp chớp mắt:
- Cảm ơn ông Lý.
Cũng vào đêm ấy, sau khi ra khỏi rừng Hóp, Khúc Văn quẳng khẩu súng đã hết đạn xuống ngòi nước rồi lững thững đi dọc bờ sông Lăng. Dòng sông như bị co hẹp lại bởi những trận gió lạnh tới tấp tràn về. Đêm càng khuya mặt nước càng tối sẫm, không thể phân biệt được đâu là dải bờ có những bụi tre gai chắn sóng đã bị gió cào tướp ra chỉ còn trơ lại cành lởm  chởm với những thân ngô đã bẻ bắp, trụi sạch lá, đâm tua tủa lên trời. Dưới sông những con sóng đuổi nhau xô vào bờ ràn rạt. Sóng bạc đầu từ cồn Vành lao như ngựa vía, vượt qua vụng Hà Bá rồi liếm vào bờ hữu ngạn tạo thành những tiếng ùng ục ghê rợn như vạc dầu âm phủ đang sôi.
Khúc Văn xuống gần mép nước. Cát ướt lạnh buốt loang khắp cơ thể. Bất chấp gió rét, hắn lội dọc bờ sông. Có những lúc hắn dẫm lên cỏ. Đó là thứ cỏ chỉ mảnh mai, vừa giòn vừa ngọt nổi tiếng ở vùng đất phù sa sông Lăng. Phía trước thấp thoáng chiếc thuyền nổi bập bềnh trên sóng được neo vào bờ bằng đoạn dây xích dài. Thuyền không chủ nhưng vẫn có cả hai mái chèo gác trong khoang. Khúc Văn nhìn chiếc thuyền, tiếp tục bước những bước chân vô định. Nhưng một ý nghĩ bất chợt làm hắn quay lại, tháo dây xích nhảy lên thuyền rồi từ từ buông chèo. Con thuyền nhấp nhô gối lên những ngọn sóng lừng lững trườn ra giữa sông. Khác với Lê Văn Vận lúc đưa bà Ba đi trốn, Khúc Văn chèo thuyền về phía Ngã ba Môi hầu như không có một bến bờ nào cụ thể. Hắn lênh đênh trên sông trong tâm trạng của kẻ lãng du, muốn phó thác cả phần xác lẫn phần hồn cho Định Mệnh.
Gió đã dịu đi nhưng bầu trời vẫn cuồn cuộn những tảng mây đen nặng nề làm không gian càng về khuya càng u ám. Hiếm hoi lắm mới có được chút ánh sáng lờ mờ của một ngôi sao bất chợt hiện ra giữa kẽ nứt những cồn mây. Từ đâu đó trong những âm thanh hỗn tạp của gió và sóng hình như có tiếng nhị đang rền rĩ một điệu Làn thảm vô cùng ai oán. Tiếng nhị lúc trầm lúc bổng, lúc khoan lúc nhặt rung lên, cứa vào lòng người nỗi niềm khắc khoải chứng tỏ một kỹ năng bậc thầy trong nghệ thuật cầm ca. Phía dưới hạ lưu, nơi nhánh sông rẽ về bến Tràng, có ánh lửa thuyền chài. Ánh lửa yếu ớt cùng tiếng nhị ai oán chập chờn lan toả trên mặt nước đen thẫm càng làm cảnh vật thêm cô tịch. Lầm lũi giữa bóng đêm, con thuyền giống như ảo ảnh lênh đênh trong cõi hoang tưởng. Khúc Văn cảm giác như là cuộc hành trình của mình sắp đến bến cuối cùng. Tấm thân phàm tục đang dần dần thoát được sức nặng ràng buộc trần thế và linh hồn đang phơi phới bay lên.
           Vụng nước xoáy tròn hút con thuyền bằng thứ lực hướng tâm đủ mạnh để không một vật thể nào còn nguyên vẹn khi ra khỏi vương quốc của Thuỷ thần. Hơn thế, khi nhìn thấy cái bẫy giết người hiện ra phía trước, Khúc Văn lại bất ngờ ném cặp chèo xuống nước. Trước mắt hắn dường như lấp loáng một đạo hào quang bảy sắc cầu vồng từ vụng xoáy vươn lên tận dải Ngân Hà. Hắn nhắm mắt để chế ngự nỗi sợ hãi chợt thoảng qua rồi bình thản đến lạnh lùng với chiếc thuyền đi vào cõi vô cùng...
           Từ trong chiếc thuyền câu có ánh lửa chập chờn mờ ảo như ánh lân tinh, một bóng đen bất chấp cái lạnh của đêm đông, nhảy ào xuống nước. Chỉ vài sải tay, người đàn ông kéo nhị hồi đêm đã xốc nách lôi được chàng trai họ Khúc lên thuyền. Cũng không lâu lắm, sau khi được người thuyền chài làm thủ thuật cứu chữa, Khúc Văn tỉnh lại. Đó là một ông già xấp xỉ lục tuần nhưng dáng vóc còn tráng kiện lắm, nhất là đôi mắt có cái nhìn đầy vẻ giễu cợt. Lúc đưa cho Khúc Văn chén nước nóng pha mấy lát gừng, ông già nheo mắt như là đọc được tâm trạng hắn:
- Cậu còn lắm nghiệp chướng, chưa thể làm thần dân của Hà Bá được. Số cậu là số thiên di. Cuộc hành trình tuy có nhiều gian nan nhưng sau này sẽ được mở mặt với đời.

       (Xem tiếp kỳ sau)





[1] Cấp bậc trung úy
[2] Vùng đất cao thành gò, cây cối rậm rạp như một khu rừng nhỏ ở đồng bằng sông Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét