Nhãn

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

TỪ TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC ĐẾN MỸ HỌC PHỒN THỰC, MỘT CÁCH LÝ GIẢI VỀ THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG

(Đọc “Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực”(1) của PGS.TS Đỗ Lai Thúy)

Đặng Văn Sinh

 


Như chúng ta đã biết, Hồ Xuân Hương là một nhân vật đặc biệt, một nhà thơ nữ Việt Nam thời trung đại, số lượng tác phẩm để lại không nhiều, nhưng đến nay vẫn còn là một ẩn số, không chỉ với bạn đọc bình dân, mà ngay cả giới học thuật nghiên cứu về bà trong cả thế kỷ qua cũng còn tồn tại những quan điểm khác nhau.

Có thể nói, Hồ Xuân Hương giống như ngôi sao băng vụt sáng bay qua bầu trời văn chương, một đi không trở lại khiến trong tâm thức người Việt luôn hoài cảm một tài nữ với tầm vóc khổng lồ về trí tuệ và nhân cách văn hóa. Nói cách khác, Hồ Xuân Hương là hiện tượng kỳ lạ, muốn hiểu thơ bà cần tìm được chìa khóa giải mã nghệ thuật. Đương nhiên, trong nhiều thập niên qua đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu về nữ sĩ bằng những cách tiếp cận khác nhau, từ xã hội học đến phân tâm học của Freud hay nguyên lý hội hóa trang carnaval của Bakhtin, bước đầu cũng gây được sự chú ý. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là kết quả nghiên cứu từng khía cạnh của một tổng thể nghệ thuật mà chưa chỉ ra được bản chất của tổng thể ấy. Vấn đề thanh hay tục trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ suốt hai thế kỷ.