Trong
"Án Tử Xuân Thu", có kể chuyện thời Chiến Quốc, Án Anh (tự Bình Trọng)
đi sứ nước Sở. Sở vương nghe nói Án Tử là một người lùn, bèn ra lệnh làm một cửa
nhỏ bên cổng lớn để hạ nhục ông.
Nhìn thấy
cái cổng như lỗ chó chui, Án Tử dừng bước bảo viên quan sở tại:
- Chỉ người đi sứ nước chó mới qua cửa chó mà vào. Ta là đại thần nước Tề chịu mệnh vua thì phải đàng hoàng bước qua cửa lớn.
Viên
quan nước Sở đuối lý đành để cho ông qua cửa lớn vào cung điện. Lúc yết kiến Sở
vương, nhà vua làm ra vẻ ngạc nhiên hỏi:
- Nước Tề không còn người sao?
Án Tử
trả lời:
- Quốc đô nước Tề có trên ngàn hộ gia đình, một
lệnh truyền ra, người người đồng loạt nhấc tay áo lên thì mát mẻ, che lấp mặt
trời; vẩy mồ hôi, thì giống như mưa rơi. Vai sát liền vai, chân dựa vào chân,
người đông như nêm, ở khắp nơi, sao lại bảo nói là không có người?
Sở
vương lại bảo:
- Ðã là
như thế, tại sao phái một người lùn như ông đi sứ?
Án Tử
đáp:
- Nước
Tề có lệ, mỗi khi cử người đi sứ đều cân nhắc kỹ. Ai có tài năng đức độ thì được
phái đến những nước có vua hiền, kẻ tài hèn trí mọn thì được sai đến những nước
có ông vua u tối. Giống như Án Anh tôi đây là thứ vô dụng, cho nên mới được cử
đến quý quốc.
Sở
vương hai lần bị Án Anh bóc mẽ cảm thấy xấu hổ nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Đúng lúc ấy, nhìn thấy mấy tên thị vệ dẫn một người bị trói giật cánh khuỷu vào
điện, nhà vua giả vờ hỏi:
- Tên
kia phạm tội gì?
Đám thị
vệ bẩm:
- Hắn
là người nước Tề, phạm tội ăn cắp.
Sở vương đắc ý nhìn Án Tử bảo:
- Trời
sinh ra người nước Tề trộm cắp giỏi lắm sao?
Án Tử
nhìn mặt vua Sở thản nhiên nói:
- Tôi từng
nghe, cây quýt trồng ở phía nam sông Hoài thì sinh ra trái ngọt, nhưng trồng ờ
phía bắc thì thành quýt chua. Cành lá thì như nhau, nhưng quả của nó mùi vị rất
khác nhau. Ðó là vì khí hậu, thổ nhưỡng hai nơi không giống nhau. Người nước Tề
vốn chất phác, lương thiện, chí thú làm ăn, nhưng đến nước Sở lại trở thành trộm
cướp, đó chẳng phải là phong hoá nước Sờ biến người tử tế trở thành phường đạo
tặc sao?
Nghe xong, Sở Vương nín lặng biết mình bị hố
vì gặp phải danh sĩ nổi tiếng nước Tề.
Đó là sự
tích bên Tàu thời Xuân Thu, còn ở Đại Việt ta, thế kỷ XVIII, có một nhà nho là
Ngô Thế Lân (1726 - ?), dật sĩ xứ Thuận Hóa, tự là Hoàn Phác, hiệu Trúc Trai.
Ông học rộng, giỏi thơ văn nhưng tính khí cao ngạo nên không ra làm quan mặc dù
được Hiệp trấn Tham tán quân cơ Lê Quý Đôn viết thư mời. Đấy là thời kỳ tập
đoàn phong kiến Lê - Trịnh đã chiếm được vùng đất Thuận Hoá. Trước cảnh chính
quyền Đàng Ngoài thối nát, tệ tham nhũng tràn lan, dân chúng lầm than, Ngô Thế
Lân thường nói: "Những kẻ tham nhũng là đám quan lại tàn phá đất nước, báo
hại dân chúng chẳng khác gì lũ mọt đêm ngày đục gỗ. Muốn trị tham nhũng, trước
hết phải bỏ tấm gỗ ấy đi chứ không thể bắt từng con một"
Từ hai
câu chuyện trên, có thể rút ra bài học, con người ta tử tế hay lưu manh hoàn
toàn phụ thuộc thuộc vào môi trường mà anh ta sống. Một nhà triết học cổ Hy Lạp
từng nói điều này cách đây mấy ngàn năm: "Chính phủ nào, công dân ấy".
Từ đó suy ra, chính phủ loại ba không thể có công dân loại một và ngược lại.
Tương tự như vậy, một chính thể tham nhũng (trong đó tệ hại nhất là tham nhũng
quyền lực) sẽ đẻ ra quan chức tham nhũng, và đương nhiên, chính thể liêm chính
sẽ có đủ khả năng miễn dịch với tệ nạn này. Nên nhớ rằng, Tưởng Giới Thạch và đội
quân hùng mạnh của Trung Hoa dân quốc phải tháo chạy khỏi Đại Lục, nguyên nhân
chính là tham nhũng. Nền Đệ nhị cộng hoà của ông Nguyễn Văn Thiệu và các tướng
lĩnh thất bại thảm hại trước quân đội Bắc Kỳ cũng bởi tham nhũng. Vì vậy, muốn
loại trừ tham nhũng triệt để phải tìm ra căn nguyên của nó. Còn nếu chống tham
nhũng "nhân văn" theo kiểu đánh chuột sợ vỡ bình thì chẳng khác gì
dán bùa luồn kèo hay chuồn chuồn đập nước, cuối cùng mèo vẫn hoàn mèo.
Phải
nói rằng, trong chiến dịch "Đả hổ diệt ruồi", Tập Cận Bình đánh tham
nhũng khá triệt để, rất nhiều quan chức tai to mặt lớn lãnh án dựa cột, tài sản
chiếm đoạt được bị tịch thu bằng hết, vậy vì sao tham nhũng vẫn nở rộ như nấm
mùa xuân? Là bởi, chính cái thể chế ấy sinh ra và nuôi dưỡng bọn tham nhũng.
Cho nên, muốn chống tham nhũng hiệu quả, không gì tốt hơn bằng cách "bỏ tấm
gỗ ấy đi" như dật sĩ Ngô Thế lân đã nói cách đây hơn hai trăm năm.
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét