Bến lở
Truyện ngắn của Đặng Văn Sinh
Xin nói trước, tôi không phải
người vùng này mà chỉ là dân cửu vạn từ mạn Tào Khê xuống. Làng tôi nghèo, cánh
đàn ông quanh năm chu du thiên hạ kiếm ăn bằng đủ thứ nghề trong đó có nghề đội
cát. Hằng năm,vào dịp tháng bảy âm lịch, khi lũ sông Rào bắt đầu ngập cồn
khoai, đỏ ngầu như son, sóng vỗ oàm oạp là đám xúc cát lại khăn gói quả mướp
lếch thếch về quê. Nhưng năm nay rất lạ. Mới ra giêng, đã sấm sét đùng đùng,
sau đó là trận mưa như trút nước kéo dài
ba ngày ba đêm . Tiếp theo là hạn hán
sáu tháng liền. Vì thế, đã vào tiết ngâu mà nước mới chỉ mấp mé chân đê.
Dòng sông có vẻ như cố tình không tuân theo quy luật tự nhiên, để cho bãi cát
cồn Khoai cứ trơ ra dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới chớm sang thu mà còn gay
gắt hơn cả trưa hè. Kiểu thời tiết trái khoáy như thế này chỉ có lợi cho thợ
cát nên chẳng ai dại gì mà bỏ về trong khi vẫn có thể kiếm được ngày vài nghìn từ hầu bao của các ông chủ thầu.
Buổi chiều hôm ấy trời oi, vừa tắm xong mồ hôi đã tứa đầy người.
Tôi tha thẩn trên bãi chuối ngắm những cánh buồm xuôi ngược bên kia lạch Tế Sơn
và ngẫm nghĩ về thân phận làm thuê của mình. Đêm xuống, trăng đã lên từ lâu
nhưng tôi vẫn chưa muốn về lán. Khuôn trăng mười ba chưa tròn mà đã vàng úa tựa
lá ngô đồng rụng. Vẫn chẳng thấy một ngọn gió. Tôi cởi quần áo vắt lên một cành
cây điền thanh rồi nhảy ùm xuống sông. Nước đục lờ, chảy lững thững như là đã
qúa mệt mỏi sau chặng đường dài đằng
đẵng vượt thác ghềnh từ mãi ngàn xanh đổ về. Tôi sải tay bơi ra phía cồn Khoai.
Đó chính là cái cồn cát vô tận mà hàng ngày chúng tôi vẫn phải theo thuyền ra
đội từng thúng một đổ đầy những chiếc sà lan để họ chở ngược lên bến Đụn bán
cho công trường xây nhà máy đường. Cồn Khoai bây giờ nhập nhòa dưới bóng trăng
đỏ rực, Tôi có cảm giác như mình định
hướng nhầm, càng bơi càng xa. Cái doi đất giữa sông mỗi lúc một nhỏ dần, cho
đến khi bên tai dậy lên những tiếng ù ù như
là sấm rền thì tôi bị cuốn vào một vùng nước xoáy tối tăm mặt mũi không
biết gì nữa.
Lúc tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong sạp chiếc thuyền đánh cá,
trên mui treo ngọn đèn chai cứ lắc lư theo nhịp sóng. Ngồi bên cạnh là một ông
già có vẻ mặt khắc khổ rất khó đoán tuổi nhưng dày dạn phong sương bởi mấy vết
hằn khác thường bên khóe miệng. Ông già thấy tôi mở mắt liền lắc đầu trách :
- Cậu liều quá, một mình mà dám tắm ở khúc sông này, nếu tôi không
nhanh tay thì giờ chắc đã làm mồi cho Thủy thần.
Bấy giờ tôi mới biết, hôm trước trên thượng nguồn mưa lớn, nước lũ
đang về, nhưng điều đáng sợ hơn cả là, đối diện với cồn Khoai, chỗ tôi định bơi
sang là Bến Lở. Khúc sông này, thỉnh thoảng vẫn gây ra những cái chết bí hiểm
mà ngay cả ông trùm vạn chài, đã từng lăn lộn với nghề hạ bạc ngót năm mươi năm
cũng không giải thích nổi. Sau khi bưng cho tôi bát cháo cá lăng nấu với thìa
là, ông chủ thuyền thủng thẳng nói :
- Dân trong vùng bảo rằng
đoạn sông này có Hà Bá, thỉnh thoảng ngài làm dữ đòi vật hiến tế, để tôi kể cậu
nghe chuyện này, rất khó tin nhưng không phải không có lý...
Vào những năm đầu kháng chiến, có một hãng vận tải chuyên chở vật
liệu cung cấp cho các đồn binh xây lô cốt trên các triền sông đường Hải Phòng -
Hà Nội, Hải Phòng - Phả Lại. Chủ hãng là gã Tây lai Giắc kê. Giắc kê có cô vợ
người Việt xinh đẹp và cũng rất sắc sảo tên là Bạch Phượng. Thợ máy thường
xuyên theo đoàn tàu dắt là Lê Công, một tay lãng tử từng theo học trường Bách
Nghệ, giỏi nghề cơ khí, được lão chủ Tây nể, lại trả lương cao. Tay tài công có
dáng vóc như một đô vật với bộ ria con kiến trên khuôn mặt chữ điền, trông khá
dữ tợn, lại lầm lỳ, ít nói nên ít gây được thiện cảm với đám chân sào. Nghe
nói, trước khi vào trường Bách Nghệ, Công đã từng theo một võ sư Bình Định hai
năm. Mục đích học võ của Công là để thanh toán lão Cấn Thọt làng Đọi. Tay bá hộ
ấy vì việc tranh chức chánh tổng không thành, nghi là cha anh ngầm phá đám đã
cho tay chân quăng thuốc phiện vào nhà rồi đi báo quan khiến ông phải vào tù.
Nửa tháng sau Cấn Thọt chết đuối ở ngòi Vạn trong một đêm đi đánh tổ tôm bên
làng Sộp. Người ta kháo nhau, lão làm điều ác bị quả báo, chứ con ngòi cách đường
cái cả một cánh đồng, có say rượu cũng chẳng thể lạc xa như thế.
Vợ Giắc kê nhìn thấy Lê Công thì để ý ngay. Từ đó, thỉnh thoảng cô
ta lại lấy cớ muốn xem phong cảnh sông nước để xuống tàu gặp người thợ máy. Xem
ra, anh tài công kia cũng không phải là vô tình. Trai chưa vợ, lại là dân thủy
thủ quanh năm sông nước làm sao cưỡng được ánh mắt tống tình của bà chủ xinh
đẹp. Hai người dan díu với nhau chừng nửa năm thì Giắc kê biết . Hắn cấm Bạch
Phượng xuống tàu và răn đe chàng thợ máy. Cái trò này nó lạ lắm, trai gái đã
vướng phải lưới tình thì khó mà gỡ ra được. Cô Phượng bị quản thúc tại gia
nhưng không chịu thua, thỉnh thoảng vẫn lén ra gặp chàng tài công mỗi khi có
dịp.
Một buổi chiều Giắc kê xuống tàu cùng mấy gã đàn em thỉnh thoảng
vẫn thấy lảng vảng ở vườn hoa Đưa Người. Chúng bày bàn ghế trên boong, vừa nốc
rượu chát vừa thì thầm bàn tán bằng thứ tiếng Pháp ngọng nghịu nghe rất chối
tai. Sáng hôm sau, khi tàu vừa qua Bến Lở, một thủy thủ hốt hoảng báo tin Lê
Công mất tích. Gã Tây lai giả bộ sửng sốt:
- Làm gì có
chuyện ấy, tối qua moa vừa gặp hắn ở khoang máy.
- Bẩm ông chủ, có thể ban đêm anh ấy bị rơi xuống sông...
- Không thể thế
được, Công là người bơi giỏi, moa biết mà ! Hãy tìm kỹ xem.
*
* *
Mất nhân tình
Bạch Phượng đau đớn lắm. Cô ta bỏ tiền thuê
phường câu tìm khắp cả mấy khúc sông nhưng không thấy xác. Nỗi hoài nghi
Giắc kê là kẻ thủ ác cứ ám ảnh tâm trí người đàn bà. Một hôm, trong lúc không
kìm được cơn giận vì bị gã Tây lai xúc phạm, cô chỉ mặt hắn bảo :
- Mày đã thuê bọn lưu manh giết anh ấy, đồ hèn !
Giắc kê vừa tu gần hết chai Brundy, giọng nồng nặc hơi men :
- Anh ta nốc rượu ngang Phú Lộc say mèm rồi ngã xuống sông làm
hãng "Thủy Thần" mất một thợ máy tài ba, chính moa cũng tiếc đứt
ruột...
Phượng hằn học nhìn hắn rít qua kẽ răng :
- Đồ nói dối trắng trợn !
Mặt Giắc kê cau có. Sau một cơn ho sặc sụa, có lẽ vì thứ rượu Ăng
lê quá nặng, hắn
cất giọng lè nhè :
- Mày đã ngủ với nó bao nhiêu lần rồi ?
Bạch Phượng chồm lên hất tách cà phê vào mặt chồng :
- Tao sẽ ra sở cảnh sát tố cáo tội giết người của mày.
- Ô là là ! -
Giắc kê bật cười hô hố nói bằng thứ tiếng Việt rất chuẩn - Cứ ra báo cảnh sát
đi xem công lý thuộc về ai. Nhà nước Đại Pháp chưa bao giờ bênh lũ da vàng hèn
hạ.
- Thằng khốn ! -
Người đàn bà cáu tiết văng tục - Thế mẹ đẻ ra mày là giống người nào hả ?
Thằng Tây lai bỗng
sầm mặt, dịu giọng :
- Đó là nỗi đau
của tao. Đáng lẽ bà ấy không nên để tao làm người trong cái xứ nhiệt đới chó
chết này.
Câu chuyện trên
xảy ra được hơn hai tháng thì tay chủ hãng rơi xuống sông trong lúc ngồi vắt
chân chữ ngũ đốt xì gà trên chiếc ghế bố ở boong tàu vào một đêm tối trời. Ba
bốn ngày sau, dân vạn chài mới thấy hắn nổi lập lờ trên vụng Giải, hai tay, hai
chân bị trói bằng dây dù. Hắng trương phềnh như con bò mộng, da thịt bị cá rỉa
lỗ chỗ, bốc mùi khăn khẳn, rất lợm giọng. Không ai nhìn thấy thủ phạm nhưng
cánh chân sào đoán đó là đòn trả thù của Lê Công. Mãi sau này Công mới thú thật
với Phượng. Anh ta vốn có tài bơi lội, lại được ông thầy Bình Định truyền cho
dăm miếng võ, lúc bị quăng xuống nước vẫn bình tĩnh cắn đứt dây trói, lặn một
mạch vào bờ tìm lá dấu đắp vết thương. Khi khỏi, Lê Công lộn về Hải Phòng chờ
dịp phục thù...
Hắn chết rồi, việc quản lý hãng "Thủy thần" rơi vào tay
Bạch Phượng. Lê Công được nhận lại nhưng không phải thợ máy mà với tư cách ông
chủ. Từ đấy họ không chở sắt thép xi măng cho Pháp xây đồn binh nữa mà chuyển
sang chở gạo và bông gòn.
Một tuần sau, công sứ Hải Phòng gọi Bạch Phượng đến bảo, nếu không
vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ quân đội Liên hiệp Pháp, nhà nước bảo hộ
sẽ cắt giấy phép kinh doanh. Lê Công bàn với vợ bán toàn bộ phương tiện cho
hãng "Con Rồng" của ông Cự Phất ở Sài Gòn rồi thuê đóng hơn chục
chiếc thuyền buồm chạy cò con trong nội hạt, lãi mỏng nhưng chắc ăn. Hòa bình
được mấy năm, trong đợt cải tạo công thương, hai người hiến tất cả tài sản cho
chính phủ chỉ để lại một con đò làm kế sinh nhai. Ông bà sinh hạ được hai trai
một gái. Người con lớn là bộ đội hải quân. Anh thứ hai bốc vác ở cửa hàng lương
thực huyện. Cô út, giáo viên cấp hai. Ở tuổi xấp xỉ lục tuần, đáng ra có thể
kiếm việc nhẹ nhàng, sống bình yên bên vợ con những năm tháng cuối đời, nhưng
cái máu giang hồ làm lão cựu tài công không thể quên nghề sông nước. Giữa những
năm chiến tranh phá hoại ác liệt nhất, ông ta tìm mua gỗ, tự tay đóng thuyền
rồi đăng ký xin chở đò dọc.
Con đò nhỏ hôm ấy xuôi dòng, ít khách, gồm bà buôn trầu vỏ quê
Thủy Nguyên, bà Biển Động kèm mấy sọt củ nâu, tiếp đến là năm sáu ông nhà quê,
áo the, khăn xếp giống như đi dự đám cưới, cuối cùng là người đàn ông còn khá
trẻ có nước da mai mái như cớm nắng. Hành lý của anh ta chỉ vỏn vẹn chiếc tay
nải nhuộm vỏ già. Khởi hành vào lúc chạng vạng, nước đang lên, thuyền chạy chậm
rì rì. Thỉnh thoảng một ngọn gió hiếm hoi tạt ngang mặt sông làm cánh buồm vá
chằng vá đụp thủng lỗ chỗ giật nảy lên như là bị vấp. Mặt sông lặng sóng. Phải
chú ý lắm mới nghe thấy những tiếng vỗ nhè nhẹ kéo dài của mũi thuyền rẽ nước.
Hai bên bờ, ếch nhái gân cổ thi nhau hòa
tấu bản giao hưởng đồng quê với đủ các loại nhạc cụ, từ giọng ồm ồm của chú ếch
cốm mới vỡ đến tiếng ngân lanh lảnh của vài cậu ễnh ương sọc xanh. Bọn nhái bén
thì há miệng nhả từng tiếng khàn khàn như là thanh trầm của kèn pha gốt. Duy có
nhà cóc, cậu ông Trời, là chẳng hiểu gì về âm nhạc, luôn phá ngang bằng những
cái nghiến răng kèn kẹt. Vòm trời đêm ấy hơi khác thường, rất thưa sao và thỉnh
thoảng mới có gợn mây. Từ dải Ngân Hà nhợt nhạt như đám sương mù, một ngôi sao
băng rạch ngang đầu con vịt và cái gầu tát nước, kéo xuống tận đường chân trời
thành vệt dài, sáng như ánh lửa hàn.
Ngồi bên người đàn ông là Nhuần, con gái út của ông Công, vốn là
giáo chức đang dịp nghỉ hè. Cô này cũng có máu giang hồ, thích phiêu lưu, luôn
cảm thấy gõ đầu trẻ là một công việc nhàm chán, đã mấy lần toan bỏ nghề theo đò
dọc với bố. Ông Công tóc bạc trắng, búi củ hành, buộc túm bằng chiếc khăn điều,
hai múi rủ lòng thòng xuống vai. Ông già có nét mặt đặc biệt rất dễ nhớ bởi
những vạch ngang dọc hằn sâu hai bên má giống vết cào của thú dữ khi cùng đường
buộc phải giao tranh với người. Tuy nhiên, tôi phải nói với cậu, ông ta là
người lương thiện nhưng lương thiện theo kiểu một tay giang hồ sông nước.
Đêm đã khuya lắm. Sương bắt đầu nặng hật. Dải Ngân Hà mờ dần. Bầu
trời trong suốt màu lam ngọc như bị đẩy lên cao làm cho đám hành khách trên con
thuyền mỏng manh kia tưởng mình đang phiêu diêu trong thế giới thần tiên. Gần
về sáng, trời chuyển gió. Nước sông đã lên cao. Sóng vỗ óc ách hai bên mạn. Mọi
người đang chập chờn nửa thức nửa ngủ, chợt nghe thấy những âm thanh rào rào
như sóng biển dội về. Đầu tiên nó bẻ gãy cột buồm, sau đó, bằng sức mạnh siêu
nhiên, vô tình, nó hút con thuyền lên cao, xoay tròn giữa không trung rồi ném
đám hành khách đang vô cùng khiếp đảm kia vào bóng đêm.
Người đàn ông không biết mình bị rơi như thế nào, chỉ biết rằng
khi ý thức được cái chết đã kề bên thì đồng thời bị nghẹt thở. Anh ta vội nhổ
nước ra rồi ngậm chặt miệng. Hóa ra, khi rơi anh ta bị đâm đầu xuống nước, lúng
túng mãi mới định hướng xoay người nhoi được lên, há miệng thở như kéo bễ. Đang
tìm cách vào bờ, cánh tay anh chợt vướng vào một mảng tóc. Linh tính báo cho
biết đó là một phụ nữ, anh vội nắm chặt mớ tóc kéo lên sau đó lặn xuống đỡ
ngang lưng nạn nhân đặt lên vai, nương theo dòng nước bơi dần vào bãi cát bên
tả ngạn.
Lúc ấy đã nhìn rõ mặt người, Nhuần nằm ngửa, vắt ngang trên hai
tay người đàn ông, rũ ra như cái xác không hồn. Anh ta vác cô gái lên vai chạy
đi chạy lại đến ba vòng trên bãi ngô non để xả hết cái thứ nước màu gạch cua
đang óc ách trong bụng. Anh ta đã kiên trì làm đủ các thủ thuật như hô hấp nhân
tạo, hút đờm dãi ở miệng, bấm các huyệt đạo vậy mà phải gần hai giờ đồng hồ cô
gái mới tỉnh lại. Nhuần ngỡ ngàng nhận ra ân nhân chính là người đàn ông có
nước da mai mái ngồi cùng chuyến đò đêm qua.
Mãi đến chiều Nhuần mới đủ sức cùng người đàn ông đi ngược lên
phía thượng lưu nơi con đò bị nạn. Dòng sông ban ngày thật đáng sợ. Con đò bị
lốc cuốn ở bên lở. Đoạn sông này rộng và có một vực xoáy cách bờ chừng sáu bảy
chục thước. Đứng trên cao nhìn nước triều cuồn cuộn chảy va đập vào bờ tạo
thành những đợt sóng bạc đầu làm Nhuần bất giác rùng mình. Con đò bị trận lốc
đột ngột như chiếc lá tre xoay theo chiều gió, bay vào mãi cánh đồng Mả Hủi
làng Cháy cách bờ sông già nửa cây số. Trừ cột buồm bị gãy, tất cả còn lại hầu
như nguyên vẹn. Bà Thủy Nguyên buôn trầu vỏ và bà Biển Động buôn củ nâu làm một
cú thăng thiên khá là ngoạn mục rồi bị quăng xuống cồn Khoai sợ vãi cả linh hồn
nhưng không chết. Lúc thần hồn trở lại cả hai đệ tử nhà Phật đều nhăn nhó vì
mông đau ê ẩm, cứ chắp hai tay vái lên giời, miệng liên tục niệm "Nam mô
Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn". Riêng ông lái đò mất tích. Bà Phượng
và cô Nhuần thuê thuyền câu tìm suốt một tuần mà không thấy xác cậu ạ.
- Thế thì lạ
thật - Tôi cảm thấy người ớn lạnh vì câu chuyện của ông trùm vạn chài có mùi ma
quỷ - Hay là có Hà Bá thật hả bác ?
- Tôi không dám
chắc - Ông già chép miệng bảo - Xung quanh cái chết của ông chủ đò dọc còn
nhiều bí hiểm lắm. Có điều cậu không thể ngờ là, cái đoạn Bến Lở bên kia kìa,
vào năn bốn chín , năm mươi, lão Giắc kê đã trói Lê Công ném xuống sông, rồi
cũng chính chỗ ấy, mấy tháng sau, ông ta lại ngâm tôm gã Tây lai. Chẳng biết có
phải là ngẫu nhiên hay do thế lực huyền bí nào sắp xếp mà vào năm bảy ba, trận
gió lốc lúc nửa đêm cuốn bay con thuyền
cũng đúng vào chỗ Bến Lở có cái vực xoáy...
- Chuyện cô Nhuần về sau thế nào hả bác ?
- Cái người cứu
được cô Nhuần đêm ấy là một anh chàng mới đi tù về - Ông già điềm tĩnh kể tiếp
bằng cái giọng có vẻ như bỡn cợt - Anh ta quê ở mãi xóm Trại làng Đáp Khê, đi
bộ đội gần một năm thì vợ ở nhà lòng thòng với tay chủ nhiệm hợp tác xã. Họ
quan hệ kín đáo lắm nhưng vẫn có người biết. Cô Thảnh bên xóm Giữa còn kể đã
gặp anh chị đưa nhau lên huyện chẳng biết làm gì. Sau đợt ấy, về nhà, cô Luyến
cứ xanh xao như người hậu sản. Các cô vợ lính có chồng đi B thóc mách đoán già
đoán non là cô ta đi nạo thai. Chị Tam, vợ tay chủ nhiệm vốn có máu Hoạn Thư,
một hôm rình tóm được Luyến ở gốc đa đầu làng gây sự. Đầu tiên hai bên còn đấu
khẩu, sau xông vào túm tóc vật nhau lăn cả xuống ruộng, bùn đất dính bê bết
khắp người như là vừa đi tát vét về. Chủ nhiệm Tiệp bị mất mặt, lôi vợ về nhà
đánh một trận thừa sống thiếu chết.
Cuối năm ấy,
chồng Luyến được về nghỉ mấy ngày để đi chiến trường. Anh ta ra bến đò tìm mua
ít lá gồi chữa mái nhà thì gặp cô em họ đang chèo thuyền sang làng Vạc chở dây
khoai. Nhìn thấy anh, cô em gọi :
- Anh Thản, bên Hạ Chiểu mới có mấy bè lá về, xuống thuyền em đưa
sang mà chọn.
Tưởng thật, Thản
xuống đò cầm mái chèo quay mũi thuyền về hướng ngã ba Môi. Được một đoạn, Hường mới bảo :
- Nói đùa anh
vậy thôi, bên ấy làm gì có lá gồi nhưng có chuyện này, em nói anh phải thật
bình tĩnh mới được.
- Có chuyện gì
mà nghiêm trọng thế ?
- Anh nghe đây.
Chị Luyến ở nhà phải lòng tay Tiệp. hai người túng tấng với nhau từ lâu, bà con
xã viên gần đây mới biết nhưng họ ngại nói ra sợ anh ta thù, cắt công điểm. Bây
giờ anh vè liệu mà khu xử để chị ấy thôi đi, nếu không hạnh phúc cả hai gia
đình đều tan vỡ mà rồi xóm làng người ta cười cho.
- Cô nói thật
hay đùa đấy ? - Thản cảm thấy mặt nóng ran, người bứt rứt khó chịu, hỏi nhát
gừng .
Hường cười nhạt,
buông lửng từng tiếng một :
- Em có quý mến
anh mới nói chuyện hệ trọng như thế. Anh coi em là cái thứ gì mà nghĩ rằng em
vu oan giá họa cho người khác ?
Thản tái mặt.
Anh đảo mái chèo, xoay mũi cho thuyền hướng vào bờ rồi cố nở nụ cười làm lành :
- Anh xin lỗi, tin của em làm anh mất bình tĩnh...
- Nghe em bảo
đây! - Hường dịu giọng dặn - Về nhà đừng có nổi máu Trương Phi mà hỏng việc,
phải khuyên giải chị ấy thật tình cảm vào.
Đêm hôm ấy Thản
phác ra một kế hoạch. Sáng hôm sau anh bảo vợ :
- Mai anh phải
đi rồi.
- Sao đi sớm thế
? Anh không thể ở thêm với em mấy hôm nữa ư ?
- Quân lệnh như
sơn. - Thản mỉm cười buồn rầu nhìn vợ -
Đơn vị cho nghỉ tranh thủ thế là nhiều. Em giữ anh lại chỉ cần nửa ngày thôi là
bị kỷ luật ngay.
- Anh ơi ! Luyến
rưng rưng nước mắt, giọng thổn thức - đi rồi về với em, đừng chết...
Thản âu yếm vuốt
tóc vợ động viên :
Tiền tuyến đang
thắng lớn, chẳng mấy chốc giải phóng miền Nam, khi ấy anh sẽ về hẳn với em, lo
gì. Còn việc nữa anh dặn đây. Mình là gái có chồng phải giữ gìn. Anh vào chiến
trường, ở nhà có đứa nào đêm hôm trêu chọc, em nên báo ngay cho chính quyền để
các anh ấy can thiệp. Nhà mình gần bến sông phải cảnh giác.
- Anh yên tâm,
em nhớ.
Trưa hôm sau,
Thản khoác ba lô tắt cánh đồng Lác lên chợ Ô đón xe. Nhưng anh ta chưa về đơn
vị ngay. Buổi tối, Thản vào nhà một người bạn gửi ba lô, mượn bộ quần áo dân
sự, chụp chiếc mũ lá lên đầu rồi lại tắt đồng về xóm Trại.
Thời chiến, xã
cấm nuôi chó, làng xóm yên tĩnh lắm..Mới chín giờ tối mà mọi nhà đã ngủ yên.
Thỉnh thoảng mới có đám dân quân đi tuần. Một con trống choai nào đó gần trụ sở
hợp tác, tự nhiên đập cánh phành phạch rồi cất tiếng gáy. Tiếng gáy của nó nghe
thật lạc lõng và buồn thảm giữa một không gian luôn tiềm ẩn cái chết bất chợt
tuy nơi đây còn cách chiến trường cả ngàn cây số. Gần đến nhà, Thản dò dẫm từng
bước như một tên kẻ trộm để tránh gây tiếng động. Khi đã bò vào sát cửa, anh ta
áp tai lên vách nghe ngóng. Quả nhiên trong nhà có tiếng sột soạt rồi một giọng
đàn ông rất khẽ phải thật chú ý mới nghe rõ :
- Hắn có nghi
ngờ gì không ?
- Không, hắn cả tin lắm. - Luyến thì
thầm - Hắn còn dặn em ở nhà có đứa nào trêu ghẹo thì phải báo ngay Ủy ban.
Gã đàn ông chợt
cười thành tiếng :
- Hắn cũng khôn
đấy nhưng vẫn còn chỗ hớ...
- Thôi đi, đồ
nỡm ! - Luyến nũng nịu - Nói thực tình, em không sợ chồng em bằng con sư tử Hà
Đong nhà anh. Anh mà không nẹt nó đi là có lúc chết đấy.
- Nào, thôi...
làm gì mà giận lâu thế.
Những câu đối
thoại không đầu không cuối đến đây thì tạm ngừng. Có tiếng động nhẹ rồi mạnh
dần kèm theo những nhịp thở hổn hển, gấp gáp. Thản sốt tiết co chân đạp thật
mạnh. Cánh cửa liếp bật tung ra và anh lao vào, một tay rọi đèn pile, tay kia
khua con dao thiến lợn, quát :
- Nằm im ! Các
người động đạy là mất mạng.
Tay chủ nhiệm
vốn lắm mưu mẹo, biết thế nguy, hạ giọng van vỉ :
- Trăm lạy chú
Thản, tôi chót dại một lần... xin chú tha cho.
- Cũng được... -
Thản cười gằn - nhưng các người phải ký vào biên bản đã.
Vừa nói thản vừa quay ra chiếc bàn nhỏ
tìm giấy bút. Thế là nhanh như cắt, Tiệp vơ đống quần áo nhảy xuống định phóng
ra ngoài. Nhưng Thản đã đề phòng. Anh ngáng chân chắn cửa làm gã gian phu ngã
sấp xuống. Tiện tay, Thản đưa xoẹt đường dao, xén đứt cả một vành tai làm hắn
kêu rú lên như lợn cà đang bị thiến.
Vì tội cố ý gây
thương tích cho người khác theo Pháp lệnh ...ban hành ngày... tháng ...năm...,
Thản bị tước quân tịch, phải ra Tòa án binh lĩnh án tù giam ba năm. Trước khi
vào trại, Thản viết đơn ly hôn, ký sẵn, đề phòng khi xử anh không phải về nữa.
Tôi đoán chừng,
ông già vạn chài này phải có mối quan hệ nào đó với những người trong cuộc nên
mới kể chuyện rành rẽ đến như thế. Đợi cho ông kéo xong mồi thuốc lào, tôi lại
tò mò hỏi :
Rồi sau thế nào
hả bác ? Cháu muốn hỏi chuyện anh Thản và cô Nhuần ấy.
- Điều ấy thì
cậu phải tự suy ra chứ còn việc gì phải kể nữa...- Ông từ từ nhả khói thuốc,
trầm ngâm khá lâu rồi mới nói tiếp bằng giọng buồn buồn - Chẳng biết do tiền oan nghiệp chướng gì mà
đến năm tám mươi chín, tức là năm Kỷ Tỵ, bà Phượng đi lễ đền Kiếp Bạc, thuyền
qua Bến Lở lại bị đắm. Mọi người đều được cứu sống, chỉ riêng bà cụ tử nạn, mãi
ba ngày sau mới tìm thấy thi thể ở Tuần
Châu.
Sáng hôm sau, đúng ngày rằm tháng bảy,
tôi ngồi trên sạp thuyền gỡ những con cá
vướng lưới đêm qua giúp ông thuyền chài. Dưới hạ lưu, một chiếc đò dọc trên sạp
bày hương hoa và mâm ngũ quả chèo ngược lên phía cồn Khoai. Trên thuyền hình
như có cả tiếng kèn thổi điệu Lâm khốc cùng với tiếng khóc nghe rất là ai oán.
Tôi hỏi ông già :
- Hình như
thuyền kia mới có người chết ?
Ông trùm vạn
chài lắc dầu :
- Bà Nhuần cùng
cô con gái đi cúng rằm tháng bảy cầu siêu cho hương hồn ông cụ, bà cụ tử nạn ở
Bến Lở đấy...
Giờ thì tôi đã
biết ông thuyền chài là ai. Buổi trưa, sau khi ăn rằm với gia đình ông già, tôi
chân thành cảm ơn rồi khoác khăn gói lên bờ. Từ đấy tôi bỏ hẳng nghề đội cát.
Bến Tuần , 22/5/ 2000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét