Ký ức làng
Cùa
Tiểu
thuyết của Đặng Văn Sinh
PHẦN
THỨ HAI
Chương mười
1
Tháng bảy
năm năm tư, làng Cùa bắt đầu Cải cách ruộng đất. Ban chỉ đạo có ba thành viên
do một người dong dỏng cao, tóc xoăn, khoảng hăm bảy hăm tám tên là Lạc làm Đội
trưởng. Đội Lạc xuất thân thành phần cố nông. Bố mẹ quanh năm làm mướn cho lý
Đăng. Một năm nước lụt vỡ đê, mất mùa, bà mẹ ra sông Vệ mò tôm chết đuối mất
xác. Tháng tư năm Dậu, sau trận đói khủng khiếp, đồng điền bỗng như có phép lạ,
lúa tốt bời bời, khắp xóm dưới làng trên chỗ nào cũng thấy mùi no ấm. Dân kẻ La
trông ngóng từng ngày, nóng lòng nóng ruột chờ lúa đỏ đuôi là gặt thử làm một
bữa cơm mới cho bõ những ngày ăn củ chuối hoặc rễ rau rền lẫn với cháo cám. Lạc
còn nhớ, nửa đêm hôm ấy ông Lục ra thửa ruộng lĩnh canh cắt trộm mấy chục lượm
mang về nhà vò rồi cho vào cối giã. Thóc tươi, nhiều hạt còn xanh lè nhưng cuối
cùng cũng được nấu thành cơm. Đó là nồi cơm trắng toả mùi thơm đặc biệt hấp dẫn
làm cả hai bố con đều nuốt nước miếng ừng ực. Cơm vừa bắc ra bất ngờ Lạc bị một
cơn đau bụng dữ dội. Người anh ta toát mồ hôi hột, hai thái dương nhức như bị
thít bằng một thứ đai sắt cứ mỗi lúc lại xiết chặt thêm. Ông Lục phải giã ngải
cứu vắt nước cho uống nửa giờ sau mới đỡ. Khi Lạc ngủ, ông bố đói quá mở vung
nồi xúc cơm ăn trước. Thức ăn chỉ có nắm cua với mấy ngọn rau lang luộc nhưng
vì đã bốn ngày chưa có gì vào bụng nên ông đánh liền một lúc sáu bảy bát. Ngon
quá. Ông định làm thêm bát nữa cho đỡ thèm rồi đi nấu cháo cho Lạc, bỗng nhiên
cảm thấy trong bụng như có cái gì vỡ ra kêu đến bục một tiếng. Ông rùng mình,
toàn thân ớn lạnh rồi nằm vật xuống không biết gì nữa. Cơn đau làm Lạc kiệt
sức, ngủ mê mệt gần tối mới tỉnh dậy thì thấy ông bố nằm co quắp dưới nền nhà,
người đã lạnh cứng. Anh ta sợ quá chạy ra cổng hô hoán. Cụ khoá Lềnh ở kề hàng
rào sang sớm nhất, nhìn thấy bộ dạng ông hàng xóm, chép miệng bảo:
- Rõ khổ!
Bác ấy ăn cơm mới no quá bục dạ dày.
Lạc khóc
rống lên. Anh ta thương bố quá. Ông Lục ăn ở hiền lành, lam lũ vất vả suốt một
đời giờ chết tức tưởi thế này đây.
Năm Mậu Tý,
Tây về đóng đồn núi Voi, ép các làng vùng Cao Tân vào tề. Ngày nào chúng cũng
đi càn bắt đàn bà con gái mang về hãm hiếp. Một lần kiếm được quả tạc đạn mỏ
vịt do bọn lính Maroc đánh rơi ở sườn đê, Lạc chờ đến đêm ném vào sân đồn làm
chết ba tên da đen và một viên đội[1]
người Pháp bị thương rồi trốn sang Quất Lâm theo Việt Minh.
Được cử vào
Đoàn Cải cách dịp này, Lạc vô cùng phấn khởi. Đây chính là cơ hội để trả thù
bọn địa chủ cường hào với phương châm đào
tận gốc trốc tận rễ để thực hiện chủ trương người cày có ruộng. Trong cuộc đấu tranh giai cấp này, cốt lõi của
nó là phải triệt để chuyên chính vô sản, nghĩa là cần xử bắn mỗi làng ít nhất
từ ba đến năm đối tượng, nhằm củng cố niềm tin cho tầng lớp bần cố nông, răn đe
bọn địa chủ, cường hào làm giàu trên mồ hôi nước mắt và xương máu của người lao
động. Qua mấy cuộc họp, Đội Cải cách đã thành lập tổ cốt cán gồm toàn anh chị
em bần cố nông, rất hăng hái phát động phong trào ôn nghèo kể khổ, khơi gợi
lòng căm thù của bà con nông dân từ ngàn đời nay vốn quen chịu áp bức bóc lột
mà không dám đấu tranh. Một trong những thành phần ấy là Chĩnh Con và Ứng Thị
Sót, con dâu Chánh tổng Lê Bang.
Những ngày
này làng Cùa sôi động lạ thường. Khắp nơi từ tường đình, mái miếu, cổng làng,
cứ chỗ nào hở ra lập tức được kẻ khẩu hiệu bằng nước vôi đặc với đủ kiểu chữ mà
phần lớn là nguệch ngoạc và sai chính tả. Đại loại như: Đả đảo bọn địa chủ cường hào bóc nột bần cố lông, Tất cả ruộng đất về tay rân
cày, hoặc Đảo đảo tên Chánh tổng Nê Bang. . . Các cuộc biểu tình diễn ra
liên miên dưới sự chỉ huy của hai nữ cốt cán. Đoàn biểu tình lúc đầu chưa đầy
ba chục người nhưng chỉ ít phút sau đã trở thành một đám quần chúng đông đảo
nối nhau như rồng rắn diễu qua các ngõ ngách trong làng. Qua mỗi ngõ ngách,
đoàn lại được bổ sung thêm những thành viên rất hăng hái trong việc hô khẩu
hiệu lôi đích danh địa chủ, phú nông đã nằm trong tầm ngắm của Đội Cải cách ra
chửi bới, xỉ vả. Bà Cả Huê là một trong những nạn nhân đầu tiên.
Ban ngày,
những đối tượng này không dám ra khỏi nhà, vạn nhất, có việc cần, phải đợi đến
đêm, lần mò đi như thằng ăn trộm, nếu chẳng may bị cánh du kích tuần tra tóm
được thì xem như mạng sống chỉ còn tính từng ngày. Chánh Bang, Ngô Quỳnh, Phó
lý Kiền, bà Cả Huê…như kiến trong chảo rang, thỉnh thoảng gặp nhau lại thì thầm
to nhỏ chẳng khác gì trước năm Dậu Việt Minh lập hội kín.
Từ ngày
Khúc Thị Huệ theo chồng về Pháp, Khúc Luận đi biệt tích, bà Cả Huê gọi thằng
Lẫm con ông Khúc Thuỵ là em họ Khúc Đàm bên Đậu Khê sang trông nom nhà cửa.
Thằng này người gầy nhằng, tai như tai phật, răng đen xỉn vì lúc bé mắc chứng
cam tẩu mã nhưng tính thật thà làm đâu ra đấy. Bà bác quý lắm định sau này cho
ăn một phần thừa tự, ai ngờ thời thế phút chốc thay đổi
Đoàn biểu
tình rẽ vào xóm đình. Trống cà rùng do hai gã con trai nhà Nhiêu Chóp khênh vừa
đi vừa nhún nhảy như kép tuồng ra bộ. Thằng Quả chột mắt cầm chiếc dùi to tướng
bằng gỗ nhãn được đẽo rất sơ sài, nện một nhịp dạo đầu. Tiếp đó là bảy trống
con do tốp thiếu niên đội mũ calot xanh, áo trắng, quần short xanh, thắt khăn
quàng đỏ, đồng loạt hoà tấu rất ròn rã. Chiếc lệnh to đùng lấy ở đám tế khí
trong đình Cả do ông vệ Cốc và bà đồng Mạn nhũng nhẵng khênh, chốc chốc lại bị
vụt một nhát cuống chổi. Thứ âm thanh choang choang rất chối tai ấy làm ngay cả
lão vệ Cốc vừa đánh cũng phải giật mình. Mấy cô răng đen con cháu những hộ tá
điền xóm Trại, giờ được Đội Lạc cử làm “chuỗi rễ”[2]
không hiểu kiếm được ở đâu bốn cái thanh la, thỉnh thoảng lại gõ vài tiếng leng
keng nghe gần giống tiếng chuông của mấy ông đạp xích lô trên phố huyện. Hoà
nhịp với bộ gõ kim khí ấy là một hồi kèn
đám ma nghe rất lạc lõng nhưng lại vô cùng tỉ tê ai oán khiến cho những bà
những cô đa cảm bắt đầu sụt sịt. Lê Thị Chĩnh, nữ cốt cán, người cầm đầu cuộc
biểu tình lập tức lao từ trên xuống quát:
- Ai thổi
kèn đám ma? Muốn chống lại công cuộc Cải cách ruộng đất hả?
Mọi người
nháo nhác bổ đi tìm kẻ phản động. Cuối cùng mấy tay dân quân cũng tóm được thủ phạm. Thì ra hắn là Nguyễn Đình
Phán, con trai ông cửu Mẫn chuyên nghề thầy cúng bắt ma, tróc quỷ khắp vùng Ba
Tổng. Buổi sáng thấy đám đông diễu qua cổng, hắn sướng quá, xách ngay cây kèn
hiếu của lão phó La chạy ra nhập hội rồi phồng má trợn mắt tấu điệu Lâm khốc
góp vui. Chiếc kèn bị tịch thu tức thì làm tang vật. Hai dân quân áp giải anh
chàng phá đám về giam ở hậu cung đình Cả chờ Đội xét xử.
Đoàn người
rầm rộ bước trong tiếng chiêng, trống, thanh la, não bạt rầm rĩ chốc chốc lại
dừng chân. Người lĩnh xướng đưa chiếc loa sắt tây lên miệng xoay tứ phía dõng
dạc hô:
- Đả đảo
địa chủ cường hào bóc lột bà con bần cố!
- Đả đảo!
- Đả đảo
bọn Việt gian phản động Quốc dân đảng!
- Đả đảo!
Hàng trăm,
hàng nghìn cái miệng đồng loạt cất lên, âm lượng mỗi lúc một tăng, cuối cùng
trở thành một cuộc thi gào thét làm đám nhà giầu đang tạm thời ẩn náu trong
những ngôi nhà ngói khang trang có sân gạch, tường hoa, cây cảnh vô cùng khiếp
đảm. Vì đường hẹp nên đoàn biểu tình phải kéo dài ra, đứng trên cao trông ngoằn
ngoèo chẳng khác gì con trăn màu nâu đất đang rùng rùng trườn đi trong tư thế
hối hả vồ mồi. Sắp đến nhà Chánh Đàm, khẩu hiệu lúc này không còn chung chung
nữa mà rất cụ thể theo kịch bản của đội Lạc đã được dàn dựng từ trước. Người
xướng loa hướng vào ngôi nhà gác hai tầng gân cổ hét lên:
- Đả đảo
địa chủ Đặng Thị Huê!
- Đả đảo!
Đả đảo!
- Đả đảo vợ
cả Việt gian Khúc Đàm!
- Đả đảo!
- Lôi địa
chủ Đặng Thị Huê ra cho bần cố nông hỏi tội!
- Lôi ra!
Lôi ra!
Trong nhà, bà
Cả biết thế nguy, sai anh con nuôi lấy thêm đoạn tre chặn cổng. Nhưng cổng nào
chống được sức mạnh tổng hợp của bần cố nông bấy lâu nay bị áp bức bóc lột. Họ
xúm nhau, ghé vai đẩy vài lần thì hai cánh cổng lim bật ra. Lập tức, mấy dân
quân vốn là tá điền rất thông thạo mọi ngõ ngách trong ngôi nhà chạy thẳng lên
gác trói hai tay bà chủ lôi xuống sân. Chĩnh Con gườm gườm nhìn mụ địa chủ,
thấy mặt bà ta lầm lầm thoáng vẻ khinh bỉ liền tát cho một cái cảnh cáo. Cấn
Viết Tham, một cố nông chuyên đóng khố đánh giậm ở ngòi Mác tuổi trạc hăm bảy
hăm tám giúi đầu bà Chánh xuống quát:
- Đi!
Bà Cả Huê
bị hai dân quân kèm lầm lũi bước theo đoàn biểu tình. Lúc này người từ hai bên
đường đổ ra rất đông. Họ chen lấn nhau, ai cũng muốn nhìn tận mặt vợ Chánh Đàm
bằng cặp mắt hiếu kỳ. Bà Huê mái tóc chớm bạc xổ tung rủ lòng thòng trước ngực,
cổ quàng tấm biển gỗ viết mấy chữ bằng sơn đen Địa chủ ác bá bị đẩy đi theo nhịp trống chiêng chẳng khác gì một
đám rước thần chỉ thiếu cỗ kiệu bát cống và mấy ông bồi tế đội mũ bình thiên
mặc áo thụng lam mà thôi. Đám trẻ có lẽ phấn khởi hơn cả. Chúng còn quá bé chưa
hiểu sự đời. Có đứa cởi truồng nồng nỗng, mũi thò lò xanh, tay chỉ chỏ còn
miệng thì hét tướng lên mỗi khi đám đông diễu qua cổng.
Đến xế trưa
khi mọi người bắt đầu đói bụng, không khí đấu tranh đã tạm lắng xuống khi đoàn
biểu tình vòng về đến sân đình. Mấy bà già bị phong thấp tê chân ngồi phệt
xuống đường xoa bóp chỗ đau. Cánh dân quân giong bà Cả Huê vào ở dãy nhà phụ.
Bà con giải tán về ăn cơm, chiều lại tiếp tục diễu hành xuống xóm Bờ Sông.
Đình Cả trở
thành đại bản doanh của Đội Cải cách. Đội Lạc ăn ở ngay tại đây còn Đội Yên,
đội Khắc nghỉ trong các gia đình cốt cán. Họ đều là thành phần cố nông có lý
lịch trong sạch, tinh thần cảnh giác cao. Dãy nhà phụ vừa hẹp vừa thấp gồm bảy
gian bị đổ nát sau trận lũ năm Mùi mới được sửa chữa lại và lắp khoá từ khi
làng Cùa phát động Cải cách ruộng đất. Gian ngoài cùng để đòn khênh đám ma,
trước vẫn cho lão Mộc điếc ở nhờ, gần đây lão bị tống ra miếu Si, đòn khênh
cũng quẳng ra sau đình lấy chỗ giam địa chủ. Gian nhà ẩm ướt mới thoáng ngửi đã
nổi da gà. Một tấm phản cong vênh vứt chỏng chơ trên nền đất lổn nhổn mùn giun
lẫn với phân dơi. Bị giong làng suốt buổi sáng, chân bà Chánh xuống máu sưng
đẫy lên, lại mót tiểu tiện mà cửa thì đã khoá. Chẳng thể chịu được nữa, bà ta
đánh liều kéo váy tè ngay ở góc nhà. Mùi nước giải hăng nồng, mấy tiếng đồng hồ
mới có dịp xả ra, chạy như tháo cống, xộc lên mũi làm chính chủ nhân của nó
cũng phải hắt xì hơi liền mấy cái. Nhưng rồi chỉ một thoáng, cái thứ nước thải
rất khó ngửi ấy cũng ngấm dần xuống đất, bà Cả Huê nhẹ cả người, ngả mình xuống
tấm phản. Hãy chợp mắt một lúc đã. Mặc kệ sự đời.
Lúc thức
dậy bà ta thấy thằng Lẫm thập thò ngoài cổng đình. Nó phải nằn nì hai ông dân
quân gần một giờ mới được đưa cơm vào. Người ta chỉ cho phép chuyển liễn cơm
còn món cá kho với rau cải xào bị tịch thu. Tay Mực khịt mũi nhón một miếng cá
bống om tương đưa lên mồm nếm thử rồi bảo :
- Thay mặt
bà con bần cố nông ta tuyên bố “trưng thu” những thứ này của địa chủ Đặng Thị
Huê sung vào công quỹ.
Trong nhà
giam bà Chánh dùng tay bốc cơm ăn, mắt
gườm gườm nhìn hai ông cố nông đang thực hiện đấu tranh giai cấp bằng cách thanh toán rất nhanh mấy đĩa thức
ăn. Đêm xuống. Đèn manchon thắp sáng choang. Hôm ấy có một cuộc họp cốt cán
phát động dân nghèo đấu tranh vạch mặt bọn địa chủ phú nông, quy kết thành phần
và chuẩn bị chia ruộng đất. Các cố nông nòng cốt của phong trào như Cấn Viết
Tham, Lê Thị Chĩnh Con, Ứng Thị Sót, Lương Văn Mực đều đến sớm chứng tỏ tinh
thần rất hăng hái. Đội Lạc ngồi chủ toạ. Đội Yên làm thư ký. Vì tất cả các cốt
cán đều không biết đọc, biết viết nên Đoàn Cải cách của huyện chỉ thị chung là
họ phải chú ý nghe, nhập tâm sau đó cứ theo tinh thần ấy mà làm. Đội trưởng có
giọng nói khá truyền cảm, mỗi khi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Cải cách
ruộng đất anh ta đều dùng cụm từ Hãy
nhớ rằng đây là cuộc đấu tranh giai cấp một mất một còn.
- Theo chỉ
thị của Đoàn ủy, làng Cùa phải tìm cho được ít nhất năm địa chủ cường hào và
mười hai phản động. Xin các đồng chí cốt cán lưu ý, đây là chỉ tiêu mà ta không
có quyền bàn cãi. Bằng mọi cách phải vận động bà con lôi được bọn chúng ra
trước Tòa án nhân dân.
Lại Quang
Nghinh, đảng viên, bần nông mới được chỉ định làm Chủ tịch xã Đoàn Kết đứng dậy
báo cáo tình hình địa phương:
- Nếu tính
theo số ruộng đất cho phát canh thu tô hoặc mướn người cày cấy thì làng Cùa chỉ
tìm được ba địa chủ còn phần lớn đều thuộc loại trung nông.
Đội Lạc
hắng giọng cắt ngang:
- Lập
trường của đồng chí còn lơ mơ lắm. Muốn quy kết thiếu gì cách. Với bọn phú nông
hoặc trung nông lớp trên cứ động viên bà con tố diện tích lên gấp đôi, gấp ba
là thành địa chủ ngay.
Lại Quang
Nghinh ngớ ra một lúc rồi mới tiếp tục trình bầy:
- Về bọn
phản động thì mọi người đã rõ. Đó là Lê Bang, Ngô Quỳnh, Phó lý Kiền. Bọn này
từ lâu đã làm tay sai cho Tây chống lại chính
quyền nhân dân.
Đội Yên lắc
đầu:
- Ít quá.
Đề nghị các đồng chí phải phát hiện thêm, nếu tìm không ra đối tượng theo Tây
thì khoác cho tội theo Quốc dân đảng. Làm thế nào thì làm nhưng trên chỉ đạo,
hết đợt một, Toà án đặc biệt của Đoàn ủy phải tuyên được của làng Cùa bốn án tử
hình, năm chung thân còn lại là mức hai mươi năm.
Chủ tịch xã
tái mặt nhìn Đội Lạc:
- Báo cáo
các anh, thế thì nhiều quá, tôi e là tìm không ra…
Đội Lạc đưa
mắt nhìn Đội Yên:
- Ý đồng
chí Yên cũng là quan điểm chỉ đạo của Đoàn Ủy Cải cách, đề nghị anh chị em cốt
cán bàn kỹ việc này.
Cấn Viết
Tham rụt rè nói:
- Nếu cấp
trên đã chỉ đạo như thế thì tôi nghĩ bọn Lê Văn Vận, Khúc Kiệt, Đồ Sách và cả
thằng Khúc Luận con lão Chánh Đàm cũng là phản động.
Đội Lạc
tươi cười chạy xuống tận nơi bắt tay Cấn Viết Tham.
- Thế mới
là lập trường giai cấp chứ. Đồng chí Chủ tịch xã thấy chưa? Từ nay trở đi phải
triệt để tôn trọng ý kiến bần cố nông. Bây giờ chúng ta cần thống nhất kế hoạch
hành động. Trước mắt phải bắt ngay Chánh Bang, Khúc Kiệt và Lý Quỳnh giam lại,
sau đó cử dân quân lên huyện điệu Lê Văn Vận về cho bà con đấu tranh. Cuối cùng
phải để mắt đến bọn hương dũng và lính bảo an. Đã làm là phải làm triệt để.
Đội Lạc chủ
trì cuộc họp khá bài bản, cốt cán Lê Thị Chĩnh phục lắm, nhìn anh ta, mắt lúng
liếng:
- Chúng tôi
xin chấp hành mọi sự chỉ đạo của Đội Cải cách.
Gà gáy lần
thứ nhất, một vài người đã bắt đầu ngáp, Đội Lạc, đứng dậy tuyên bố:
- Nếu không
còn ai ý kiến nữa thì cuộc họp đến đây kết thúc. Các đồng chí về nghỉ, riêng
đồng chí Chĩnh, đồng chí Sót và đồng chí Tham ở lại hội ý công việc ngày mai.
Lê Thị
Chĩnh là con ông mõ Vò ngụ cư làng Cùa từ năm Giáp Tuất. Ông bà Vò mấy đời làm
nghề thợ đấu, quanh năm trôi nổi ở vùng đồng chiêm trũng khắp các tổng La
Thượng, La Hạ, Quán Đồng. Năm Nhâm Ngọ bà Vò
bị sét đánh chết ở đống Lạp để lại hai chị em Chĩnh. Thương cảnh gà
trống nuôi con lại vừa gặp lúc lão mõ Tụ quy tiên, làng cho ông Vò thế chân.
Làm nghề này cũng kiếm được miếng ăn nhưng bị thiên hạ khinh như dân hạng ba,
còn thấp kém hơn cả những hộ ngụ cư. Hai chị em Chĩnh lớn lên cũng có chút nhan
sắc nhưng trai đinh làng chẳng anh nào để ý đến. Năm Chĩnh Lớn mười chín, nhân
một chuyến đi chợ Cháy có gặp một anh chàng người tổng Chi Điền. Đó là một tay
chuyên nghề bẫy cò tên là Triền ở làng Phú Đa, hơi méo mồm, phiên chợ nào cũng
mang cò bán. Gặp Chĩnh, Triền phải lòng ngay, hai người mày đầu cuối mắt, mới
có vài phiên đã chỉ non thề biển nguyện sẽ sống với nhau đến lúc đầu bạc răng
long. Nửa tháng sau, nhà trai mang trầu sang làng Cùa ăn hỏi mới biết cô dâu
tương lai là con sãi mõ. Tất nhiên là quan hệ của đôi trai gái chấm dứt, chàng
bẫy cò bị ông trưởng họ mắng cho một trận nên thân về thói mê gái xuýt nữa làm
bại hoại gia phong. Chĩnh Lớn hận tình quá nửa đêm chạy ra sông Lăng tự tử.
Chĩnh Con tức tưởi khóc chị và khóc luôn cho số kiếp hẩm hiu của mình. Cô hận
thói đời đen bạc bởi những luật lệ khắt khe của cánh chức dịch Ba Tổng. Cô
thương mẹ thương cha và căm thù dân Kim Đôi, chỉ mong một ngày kia có sự đổi
đời, sẽ đập váy máu vào mặt những kẻ
sinh ra thứ hương ước quái gở, phân chia đẳng cấp tàn nhẫn, chà đạp lên hạnh
phúc của mình. Thời cơ đã đến. Đây là dịp may hiếm có, phải triệt để lợi dụng
những kẻ như Đội Lạc, Đội Yên và cả Chủ tịch Lại Quang Nghinh nữa để rửa mối
hận truyền kiếp của gia đình. Phải thẳng tay trị cho con mụ Cả Huê lúc nào cũng
vênh váo trưởng giả một bài học đích đáng. Phải kích động bần cố nông phát tán
gia tài nhà họ Khúc, cuối cùng đưa mụ ra trường bắn lĩnh vài viên đạn hoặc ít
nhất cũng tống đi Lào Cai, Sơn La để mụ ngồi đếm dần những tháng ngày còn lại
trong cellule biệt giam. Khúc Kiệt cũng không thể tha. Lão thầy đồ nửa mùa này
hơn chục năm qua chỉ thích đánh nhau.
Một tay lão đã gây ra cái chết của không biết bao nhiêu người trong huyện Nam
Thành. Hồi trước, mỗi lần ra đình, khoá Kiệt cậy có chữ, khinh rẻ đám bạch
đinh. Đã có lần lão lấy roi mây quất ông Vò chỉ vì mấy miếng đầu gà chẻ không
đều làm phần của lão lép hơn so với Chánh hội Bường.
(Xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét