Nhãn

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Thư Ủng hộ Kiến Nghị của Nhóm Yêu quý Bảo vệ Rừng Cát Tiên


Thư Ủng hộ Kiến Nghị của Nhóm Yêu quý Bảo vệ Rừng Cát Tiên
Ngày 11, tháng 11, năm 2012
Thân gởi Nhóm Yêu quý Bảo vệ Rừng Cát Tiên
Chúng tôi là những người Việt từ khắp nơi trên thế giới quan tâm đến sự phát triển bền vững, bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sống và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Chúng tôi nhiệt thành ủng hộ kiến nghị bảo vệ rừng và Vườn quốc gia Cát Tiên các bạn đã khởi xướng với những dữ kiện và luận điểm hết sức thuyết phục. Chúng tôi muốn góp thêm một số ý kiến với các bạn, hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ quan tâm và quyết định ngưng xây dựng hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì các tác động nguy hại của chúng đối với Cát Tiên, một di sản môi sinh và văn hóa hiếm quý của dân tộc Việt Nam và thế giới.    
Xây thêm hai đập thủy điện trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên là vi phạm Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam và vi phạm sự cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ vùng ngập nước Ramsar cho khu phức hợp Bàu Sấu và khu dự trữ sinh quyển (Biosphere Reserve). Đó là chưa nói đến việc hủy hoại  môi trường VQG Cát Tiên có thể là nguyên nhân khiến UNESCO không công nhận VQG Cát Tiên là Di sản quốc tế, Di sản văn hóa Óc Eo và Không gian văn hóa Cồng Chiêng.
Lợi ích kinh tế từ thủy điện không xứng đáng với thiệt hại và tai hại có thể xảy ra. Phá rừng là đi ngược lại với trào lưu thế giới vì mất đi lợi nhuận rừng có thể đem lại từ cơ chế REDD (Reduced Emission from Deforestation and Degradation - Giảm khí thải nhà nóng từ sự giảm phá rừng và giảm sự thoái hóa rừng
).
Tổng số diện tích rừng mất vĩnh viễn dành cho hai nhà máy thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A là 3.200.000 mét vuông. Theo báo cáo ĐTM tổng số ngân quỹ dành ra để trồng lại rừng và nuôi thú vật trong mười năm là 95 tỉ VND chỉ tương đương 1% vốn đầu tư, vỏn vẹn là 14 cents US cho mỗi mét vuông mỗi năm. Tài nguyên môi sinh và di sản quốc gia sẽ bị đánh mất trong cuộc trao đổi hoàn toàn không tương xứng so với các lợi ích đầu tư thủy điện.
Các nhà máy thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai  2, 3, 4, 5 ở trên và Trị An cuối nguồn đã tận dụng 90% tiềm năng thủy điện của sông Đồng Nai. Vườn quốc gia Cát Tiên hiện còn tồn tại được là nhờ vào khúc sông còn sót lại nằm giữa các nhà máy này. Dự án Đồng Nai 6 và 6A sẽ chiếm lấy thượng nguồn Cát Tiên và thay đổi chế độ thủy văn, chu trình ngập lụt, hủy diệt môi trường sống còn lại trong lưu vực. Các con đường mới sẽ làm đi vào đập sẽ khiến nạn phá rừng tăng lên và việc đánh bắt thú hoang tàn khốc hơn. 
Cát Tiên là kho tài nguyên hiếm quý cuối cùng còn sót lại của lưu vực Đồng Nai, một kho sinh quyển giá trị bất khả xâm phạm của Việt Nam và cả nhân loại không thể bị hy sinh vì 212 MW, số năng lượng thủy điện này có thể có được bằng cách tiết kiệm hoặc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn không cần thêm nhà máy mới. 
Chúng tôi nhận định rằng đã đến lúc chính phủ cần rút kinh nghiệm về các thiệt hại và tai họa từ  các chương trình phát triển thủy điện không bền vững. Các đập thủy điện A Vương, Sông Tranh 2 và Dakrong chắc chắn đã được chính phủ cứu xét và chấp thuận là đúng tiêu chuẩn, nhưng trong thực tế, tất cả đã gây ra tai họa và không an toàn. Do đó, chính phủ cần quyết định ngừng mọi kế hoạch khai thác các dự án thủy điện mới, để tập trung nỗ lực thẩm định lại các đập đã xây và toàn diện các tiêu chuẩn thủy điện hiện có. Cần xét lại tiêu chuẩn báo cáo dự báo tác động môi trường, nghiên cứu khả thi, thiết kế, xây dựng, điều hành-vận hành, kiểm tra, bảo trì nhà máy và kiến trúc đập để bảo đảm an toàn cho dân cư hạ lưu và giảm thiểu các tác động môi sinh của thủy điện. 
Chính phủ nên dứt khoát  loại bỏ những dự án chỉ có lợi ích riêng cho những nhóm đầu tư tham lam đang hủy hoại tài nguyên quốc gia và gây thiệt hại to lớn về tài sản và cuộc sống an toàn của người dân.  Đây là trách nhiệm của Chính phủ cần được thể hiện trước nhân dân và lịch sử.
Chúng tôi đã nghe tiếng kêu cứu cho Cát Tiên của Nhóm Yêu quý Bảo vệ Rừng Cát Tiên. Với hàng ngàn chữ ký khắp thế giới, Rừng quốc gia Cát Tiên và di sản văn minh Óc Eo - Phù Nam và văn hóa Cồng Chiêng sẽ  không bị hy sinh trong thầm lặng.
Cùng với nhiều người và nhiều giới quan tâm, chúng tôi ký tên dưới đây.
Trân trọng,

Danh sách chữ ký đến ngày 11, tháng 11, năm 2012:
1
Đặng Đình Cung, Doctor Engineer, Industrial Management Consultant
France
2
Lê Xuân Khoa, Adjunct professor (ret.), Johns Hopkins University
USA
3
Mai Nghiêm, M.Sc., Biologist
Canada
4
Ngô Minh Triết, P.E., Structural Engineer
USA
5
Ngô Thế Vinh, M.D., Writer
USA
6
Nguyễn Đăng Hưng, Ph.D., Professor Emeritus, Department of Aerospace Engineering, University of Liège
Belgium
7
Nguyễn Đức Hiệp, Ph.D., Atmospheric Scientist, Office of Environment & Heritage NSW
Australia
8
Nguyễn Phạm Điền, Independent Researcher
Australia
9
Nguyễn Thái Sơn, Ph.D., Academie de Geopolitique de Paris
France
10
Phạm Phan Long, P.E., Chairman, Viet Ecology Foundation
USA
11
Phạm Quang Tuấn, Ph.D., Associate Professor, University of New South Wales
Australia
12
Phạm Xuân Yêm, Professor, Research Director, CNRS & University Paris VI
France
13
Thái Văn Cầu, M.S., Space System Specialist
USA
14
Trần Đình Dũng. M.S., Executive Director, Viet Ecology Foundation
USA
15
Trương Phước Trường, Honorary Professor, The University of Sydney
Australia
16
Nguyễn Thị Hải Yến, Ph.D
Germany
17
Phan Hoàng Đồng, Ph.D in Forestry
Germany
  
Chú Thích:
1.    Lá thư này thuộc về các chữ ký trong danh sách ghi trên.
2.    Danh sách này sẽ được tiếp tục cập nhật khi có thêm chữ ký.  
Địa chỉ liên lạc chung của lá thư:
Thư Ủng Hộ Cát Tiên
c/o Viet Ecology Foundation (VEF)
4888 NW Bethany Blvd., Ste. K5232
Portland, OR 97229 - USA
Email Address: vefmedia@vietecology.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét