Tại sao Myanma chuyển hướng?
Trần Văn Tùng
Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
Kinh tế Myanma
là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, đã phải chịu hàng
thập kỷ trì trệ do quản lý yếu kém và cấm vận quốc tế. GDP của Myanma là 82,72
tỷ USD (ước lượng 2011), tăng trưởng trung bình 2,9% một năm thời kỳ 2000-2010,
thấp nhất trong Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng. Myanma có 60 triệu dân,136 dân
tộc trong số đó có nhiều sắc tộc luôn chống chính phủ. EU, Hoa Kỳ và Canada đã
áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế Myanma nhưng nay những lệnh cấm vận này đang
được dỡ bỏ.
Về mặt lịch
sử, Myanma là con đường giao thương chính giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ thế kỷ 1
trước công nguyên. Các quốc gia Môn ở Myanma đã đóng vai trò như là trung tâm
thương mại quan trọng tại vịnh Bengal. Sau khi Myanma bị chinh phục bởi người
Anh, quốc gia này đã trở thành đất nước giàu có nhất ở Đông Nam Á. Đó cũng một
thời là nhà xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, từng sản xuất 75% lượng gỗ tếch
cho thế giới và có tỷ lệ cao dân chúng biết chữ.
Sau khi thành
lập Chính phủ nghị viện năm 1948, thủ tướng U Nu đã thi hành chính sách quốc
hữu hóa. Chính phủ cũng đã cố thực hiện một kế hoạch 8 năm thiếu cơ sở thực tế.
Đến năm 1950, xuất khẩu gạo đã giảm 2/3 và khoáng sản giảm 96%. Cuộc đảo chính
năm 1962 đã đưa đến chương trình kinh tế được gọi là Con đường đưa Myanma đi
lên xã hội chủ nghĩa, một kế hoạch nhằm quốc hữu hóa toàn nền kinh tế. Chương
trình thất bại thảm hại này đã biến Myanma thành một trong những quốc gia nghèo
nhất thế giới.
Năm 2011, khi
Chính phủ của tân Thủ tướng Thein Sein nắm quyền điều hành đất nước, Myanma đã
thi hành một chính sách cải cách nhiều mặt bao gồm việc cải cách thể chế chính
trị, chống tham nhũng, chỉnh sửa tỷ giá hối đoái, sửa luật đầu tư nước ngoài và
thuế. Đầu tư nước ngoài tăng từ 300 triệu USD trong năm 2009-2010 lên 20 tỷ USD
trong năm 2010-2011. Dòng vốn chảy vào lớn làm cho đồng tiền Myanma tăng giá
trị thêm 25%. Để đối phó tình trạng này, chính phủ đã nới lỏng các hạn chế nhập
khẩu và hủy bỏ hết thuế xuất khẩu. Mặc cho vấn đề về tiền tệ hiện nay có thể
gây nên nhiều biến động, nền kinh tế Myanma được dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng
8,8% trong năm 2012.
Trước hết, áp
lực từ phía bên ngoài rất mạnh nên kinh tế Myanma bị “kẹt”, bị cô lập và bị lệ
thuộc quá nhiều từ Trung Quốc. Hiện nay, có lẽ một trong những diễn tiến nổi
bật trên bình diện quốc tế là chuyện Myanma bất ngờ cải cách đáng kể và có
nhiều hứa hẹn. Diễn tiến đó tạo nên nhiều câu hỏi, trong đó, có thắc mắc rằng
vì sao công cuộc cải cách ở Myanma lại phát xuất từ chính những người từng cai
trị xứ này bằng bàn tay sắt?
1. Nguyên nhân cải cách
Hồi đầu thập
niên 1960, Miến Điện được xem là một ngôi sao đang lên tại châu Á khi dẫn đầu
thế giới về lượng lúa gạo xuất khẩu, có một lực lượng lao động trình độ cao
cùng nền kinh tế và hệ thống pháp lý hiệu quả khiến được thế giới ca ngợi là
quốc gia có triển vọng công nghiệp hóa tiên tiến so với các nước láng giềng.
Nhưng tương lai xem chừng như xán lạn ấy vụt tắt từ năm 1962 khi cuộc đảo chánh
mở đường cho các tướng lĩnh cai trị dân chúng bằng súng đạn, đưa quê hương
phong phú tài nguyên thiên nhiên cùng nhiều tiềm năng khác của họ trải qua
nhiều thập niên đen tối.
1.1. Sự phản đối của dân chúng
Cụ thể là,
trong hơn nửa thế kỷ, các nhà cầm quyền quân phiệt bạo tàn và tham nhũng, bị
cáo buộc tiến hành chiến tranh một cách dã man nhắm vào những nhóm sắc tộc
thiểu số, nhúng tay trong hoạt động ma túy, cưỡng bách lao động một cách quy mô
cùng nhiều hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác.
Nhưng cách đây
khoảng một năm, sau khi thể chế quân sự chính thức rút lui nhường bước cho tân
Chính phủ dân sự trên danh nghĩa của Tổng thống Thein Sein, thì vị cựu tướng
trở thành Tổng thống này, vốn được xem là Mikhail Gorbachov của Myanma, mở
đường cho một loạt những đổi thay ngạc nhiên, từ việc cải cách chính trị, phóng
thích tù nhân lương tâm, đối thoại với Liên đoàn Toàn quốc Vì Dân Chủ, ký kết
thỏa thuận ngưng bắn với sắc tộc thiểu số, đình chỉ dự án đập thủy điện do
Trung Quốc xây dựng, nới lỏng việc kiểm duyệt báo chí, cải cách kinh tế, cho
tới cho thành lập Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, viết lại luật đất đai, lao động,
mời những nhà bất đồng chính kiến lưu vong trở về…
Từ cách nhìn
nhận rằng một phong trào quần chúng phản kháng bền vững và mạnh mẽ là vô cùng
quan trọng, nhiều câu hỏi cứ quanh quẩn ám ảnh khá nhiều người. Tại sao ngay từ
năm 1974 đã có những cuộc biểu tình lớn ở Miến Điện, và năm 1988 đã có nửa
triệu người tham gia mít tinh nghe bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn? Tại sao
năm 2007, hơn 20.000 người bao gồm các nhà sư và dân chúng Myanma đi biểu tình?
Không ai muốn mang sự an toàn và sinh mạng của mình ra thách đố, đặc biệt là
thách đố những kẻ cai trị có vũ trang. Bằng chứng là theo các phóng viên quốc
tế có mặt tại Myanma, sau những tuyên bố cải cách của chính quyền, nhiều người
dân còn rất dè dặt, có người còn không dám dừng lại nhìn ảnh Aung San và con
gái quá lâu vì họ e ngại những sự “cởi trói” này là giả dối .
Đồng ý kinh
nghiệm về một nền dân chủ là điều kiện thúc đẩy lòng kháo khát được sống tự do.
Nhưng người dân bình thường rất dễ quên, trong một khoảng thời gian đủ dài bị
cai trị quá khắt nghiệt, họ sẽ quên mất mình từng được hưởng điều gì. Hay vì
dân Myanma quá đói khổ và thiếu thốn mọi phương tiện khiến họ phải đấu tranh?
Chúng ta hãy nhớ lại, năm 1962 khi Ne Win thiết lập chế độ độc tài, thì đến năm
1974, tức là 12 năm sau, đã có những cuộc biểu tình phản kháng chế độ. Vậy thì
tại sao Myanma có một phong trào phản kháng mạnh mẽ như thế?
Từ trước khi
bà Aung San Suu Kyi về nước năm 1988, những cuộc biểu tình lớn đã nổ ra; nhưng
không thể phủ nhận sự tham gia và lãnh đạo của bà đối với Liên Đoàn quốc gia vì
Dân chủ đã làm phong trào đấu tranh dân chủ Myanma có thêm sức mạnh và sự gắn
kết. Nhận định và đánh giá cao vai trò của bà – con gái một vị anh hùng dân tộc
trong việc kết nối mọi thành phần đấu tranh, các trưởng lão dày dạn kinh nghiệm
đã mời bà tham gia và trở thành người lãnh đạo Liên đoàn cũng như phong trào
đối lập, dù trước đó bà chưa có kinh nghiệm chính trị nào. Có một người lãnh
đạo nhiều uy tín là một điều quan trọng, nhưng sẽ là vô ích nếu người dân không
hưởng ứng. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, khi nói về sự lớn mạnh của phong trào
phản kháng ở Myanma chính là nỗ lực của họ
Mặc dù dưới
những năm cầm quyền của mình, Ne Win muốn học tập Trung Quốc, định hướng cho
Myanma theo con đường XHCN, nhưng nhìn chung Myanma không bị áp đặt một chủ
thuyết nào lên toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế. Người dân không
muốn lấy của người giàu chia cho người nghèo bằng việc cải cách ruộng đất, quốc
hữu hoá tài sản tư nhân. Chế độ cầm quyền ở đó là quân phiệt; nó có thể làm cho
xã hội trì trệ và lạc hậu, nhân cách xuống cấp ở một mức độ nào đó, nhưng ít ra
nó không phá hủy triệt để. Có thể Myanma là quốc gia với vô số chùa chiền, lớn
nhỏ ở khắp mọi nơi, và nhờ có niềm tin vào đạo Phật nên đã vượt qua được các
biến loạn xã hội. Nghĩa là chuyển biến khả quan ấy ở Myanma không phải phát
xuất từ “Mùa Xuân Ả Rập” – tức cuộc nổi dậy của người dân, mà từ giới cầm
quyền.
Câu hỏi được
nêu lên là nguyên nhân nào mà chính quyền Myanma, nói đúng hơn là Tổng thống
Thein Sein từng là cánh tay mặt của nhà độc tài Than Shwe gieo nhiều kinh hoàng
lại chuyển theo hướng dân chủ ngoạn mục như vậy?
Những lý do
khiến giới cầm quyền Myanma chuyển hướng, trước hết là chính Thống tướng Than
Shwe nắm quyền tối thượng tại Myanma cho tới năm 2011 có thể chứng kiến giai
đoạn lịch sử bất an đến lúc phải mở đường cho một Chính phủ dân sự nhằm bảo đảm
rằng quyền lực không còn tập trung vào một người mà sau đó có thể biến chính ông
trở thành nạn nhân. Theo ông Nay Win Maung, người từng viết diễn văn cho Tổng
thống Thein Sein, thì công cuộc cải cách sẽ tạo nên an toàn cho tướng Than Shwe
vì tránh được cuộc nổi dậy của người dân.
1.2. Bớt lệ thuộc vào Trung Quốc
Kế đến là tình
trạng Myanma bị phương Tây cấm vận kinh tế nhiều thập niên vì vi phạm nhân
quyền nghiêm trọng khiến Rangoon lệ thuộc hầu như mọi mặt và ngày càng đáng
ngại vào Trung Quốc, nước lớn bị dân chúng Myanma bất tín trong khi chính quân
đội Myanma chưa quên đã từng tốn nhiều xương máu để tiêu diệt phiến quân cộng
sản do Bắc Kinh yểm trợ. Cho nên, cách duy nhất là giới cầm quyền Myanma phải
giảm thiểu sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Một lý do nữa
là giới cầm quyền Myanma muốn thoát khỏi biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng
tình trạng sa sút kinh tế, vì con đường dẫn Myanma đến XHCN mà chính quyền quân
phiệt Ne Win áp đặt trước đây đã đưa nước này đến ngõ cụt kinh tế giống như
trường hợp Bắc Hàn, cùng nhiều hậu quả nghiêm trọng khác, khiến Myanma hiện trở
thành quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Và để bắt kịp những nước trong khu vực
đồng thời đưa nền kinh tế Myanma hội nhập vào thế kỷ XXI, thì giới cầm quyền
cần sự trợ giúp quốc tế, có nghĩa là phương Tây phải ngưng cấm vận. Muốn vậy
thì Myanma cần phải dân chủ hóa.
1.3. Theo kịp thế giới
Thomas Fuller
của tờ New York Times và International Herald Tribune đề cập tới chuyến đi của
tướng Thein Sein đến ngôi làng sinh quán xa xôi Kyonku của ông tại vùng châu
thổ sông Irrawadi cách nay 4 năm với tư cách là người chỉ huy Ủy ban Phòng
chống Thiên tai khi trận bão dữ dội Nargis xảy ra ở đó khiến trên 130.000 người
thiệt mạng. Ông chứng kiến sự thiếu chuẩn bị của dân nghèo như thế nào và bối
cảnh tang thương ở đó. Theo ông Tin Maung Thann, người điều hành một tổ chức
nghiên cứu Rangoon thì ông Thein Sein ý thức được nhiều hạn chế của chế độ tiền
nhiệm. Rồi ông có thể nhận ra nhiều hạn chế khác nữa khi giữ chức vụ Thủ tướng
được dịp công du hải ngoại, tương phản với những tướng lĩnh trong Hội đồng quân
nhân vốn ít khi rời khỏi nước.
Theo các nhà
phân tích thì những cải cách quan trọng của Chính phủ Thein Sein đã thuyết phục
được lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi tái tham chính hồi năm ngoái, mở đường
cho ông Thein Sein có thêm uy tín đáng kể trong và ngoài nước, đưa ông gần hơn
với Hoa Kỳ vốn đang đứng đầu các nước sử dụng các biện pháp cấm vận Myanma.
Lên tiếng tại
một phiên họp của các viên chức ngoại viện mới đây, ông U Myint, cố vấn kinh tế
cao cấp của Tổng thống Thein Sein, nhìn nhận rằng trên nửa thế kỷ qua kể từ khi
được độc lập, Myanma không thiếu nguồn tài nguyên nhưng đã có quan niệm sai lầm
cùng với việc thực thi chính sách sai trái khiến đất nước sa sút.
Nhiều quan
chức Chính phủ Myanma cho hay họ chỉ muốn tái thiết kinh tế và mang lại hòa
giải dân tộc sau nhiều năm bị đàn áp. Những người am tường nguyện vọng của giới
lãnh đạo Myanma cho biết họ cũng muốn có quan hệ tốt với Phương Tây để giảm lệ
thuộc đáng kể vào Trung Quốc giữa lúc những nguồn đầu tư ào ạt từ Trung Quốc đã
gây căm phẫn lan rộng ở người dân .
Theo nhận xét
của Thủ tướng Malaysia Najib Razak thì trong bối cảnh những nền kinh tế cởi mở
của các quốc gia chủ trương cải cách như Malaysia, Thái Lan và Indonesia trở
nên thịnh vượng, giới lãnh đạo Myanma nhận thấy họ đang bị tụt hậu, và họ cũng
hiểu rằng cải cách chính trị có thể tạo nên nhiều cơ hội kinh tế lớn lao hơn.
Tổng thống Thein Sein cam kết rằng Chính phủ ông sẽ xúc tiến công cuộc cải cách
này, và ra sức thuyết phục những ai còn hoài nghi ở trong cũng như ngoài nước
rằng Naypyidaw thực sự quyết tâm cải cách dân chủ.
2.Tổng thống Myanma cải tổ mạnh mẽ nội các
để đẩy mạnh cải cách
Theo giới phân
tích, ý muốn đẩy mạnh tiến trình cải cách đất nước của Tổng thống Thein Sein
được thể hiện qua việc bốn bộ trưởng quan trọng được đề bạt vào văn phòng tổng
thống, một động thái nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ ban hành các biện pháp cải
cách, đặc biệt trong hai lãnh vực thiết yếu là kinh tế và giải quyết tranh chấp
giữa các sắc tộc. Những người vừa được đề bạt bao gồm ông Aung Min, Bộ trưởng
Bộ Hỏa xa, vốn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đàm phán việc
ngưng bắn với các lực lượng nổi dậy thuộc các sắc dân thiểu số ở Myanma. Ngoài
ra còn có Bộ trưởng Tài chính Hla Tun và Bộ trưởng Công nghiệp Soe Thein, hai
gương mặt then chốt trong việc cải tổ kinh tế.
Trong chiều
ngược lại, một trong những gương mặt bảo thủ tiêu biểu đã bị gạt qua một bên
trong cuộc cải tổ nội các. Đó là ông Kyaw San, rất thân cận cựu lãnh đạo Myanma
Than Shwe, và từng giữ chiếc ghế Bộ trưởng Thông tin trong một thời gian dài.
Ông bị xuống cấp, chuyển qua làm Bộ trưởng đặc trách hợp tác xã, một chức vụ có
thể bị dẹp bỏ một cách dễ dàng. Bộ trưởng Lao động trước đây, Aung Kyi, người
từng đặc trách liên lạc với bà Aung San Suu Kyi thời bà còn bị quản thúc, sẽ
thay thế ông Kyaw San. Quyết định này đã được phe đối lập rất hoan nghênh.
Theo chuyên
gia Myanma, Aung Naing Oo, thuộc Viện Phát triển Vahu do người Myanma lưu vong
thành lập ở Thái Lan, việc tập trung các Bộ trưởng chủ trương cải cách vào văn
phòng Tổng thống là một dấu hiệu cho thấy là ông Thein Sein muốn tăng tốc độ
đợt cải cách thứ hai.
Giáo sư Pháp
Renaud Egreteau, giảng dạy tại Đại học Hồng Kông, cũng đánh giá: «Khi quy tụ
quanh mình những người thân cận và những cựu sĩ quan trung thành, ông Thein
Sein đang thành lập một nội các nhỏ bên trong một Chính phủ rộng lớn hơn...
Điều này sẽ cho phép ông tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực cải tổ, đặc biệt trong
kinh tế và các vấn đề sắc tộc».
Xin nhắc lại
từ khi lên làm Tổng thống Myanma vào năm ngoái, ông Thein Sein đã thực hiện
nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ bất ngờ, như trả tự do cho hàng trăm tù nhân
chính trị, cho phép lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi vào Quốc hội trong cuộc
bầu cử bổ sung, cởi trói dần dần cho ngành báo chí, mở cửa trở lại các trường
đại học sau nhiều năm đóng cửa, cho phép dân chúng biểu tình… Thế nhưng, theo
giới quan sát, các tiến bộ trên bình diện lập pháp lại chậm hơn, do cuộc đấu
tranh quyền lực giữa Phủ Tổng thống và Quốc hội.
Tháng Sáu năm
2012 vừa qua, Tổng thống Thein Sein đã cam kết đặt kinh tế vào trọng tâm đợt
cải cách sắp tới của ông, với mục tiêu đạt mức tăng trưởng 7,7% trong 5 năm sắp
tới bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, bộ luật đầu tư nước ngoài,
yếu tố then chốt trong chính sách mới lại bị trì hoãn ở Quốc hội. Bộ luật về
đầu tư nước ngoài, đã vấp phải sự chống đối từ những nhóm đặc quyền tại Myanma
từ thời chế độ quân sự, không muốn thấy quyền lợi của mình bị mất đi. Tuy
nhiên, luật đầu tư mới đã được Quốc hội Myanma thông qua vào ngày 3-11-2012.
Việc tập trung quyền lực trong tay Chính phủ mà ông Thein Sein vừa tiến hành
cải cách Chính phủ là nhằm đẩy nhanh việc thông qua các luật lệ đang bị ngăn
chặn tại Quốc hội.
Cuộc cải tổ
nội các cũng đưa vào Chính phủ một số người thuộc xã hội dân sự, trong đó có
một người được cử là cố vấn kinh tế, một vai trò rất quan trọng. Các nhà quan
sát xem đấy là một dấu hiệu khác cho thấy là Myanma ngày càng mở cửa trong lĩnh
vực chính trị. Ông Kim Maung Swe, một dân biểu đối lập, chủ tịch Đảng Lực lượng
Dân chủ Quốc gia, của các thành viên ly khai khỏi Liên đoàn Quốc gia vì Dân
chủ, công nhận: Khi mà chúng tôi thấy có những gương mặt mới, thì chúng tôi có
thể xác định rằng đó là một phần của tiến trình cải tổ.
3. kinh tế Myanmar giai đoạn mở cửa gần đây
Myanmar mong
đợi sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài với loạt đạo luật đầu tư mới
được thông qua, nếu các lệnh cấm vận được dỡ bỏ trong năm tới. Tuy nhiên xem
xét tổng thể vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết và tiếp tục gây trở ngại
đối với các chính sách đổi mới của quốc gia này.
3.1. Miễn thuế, thêm ưu đãi
Myanma sớm
thông qua kế hoạch về khoảng thời gian miễn thuế và các ưu đãi khác cho nhà đầu
tư nước ngoài, ngay sau bầu cử quốc hội vào 1-4-2012. Đây là cuộc bầu cử đầu
tiên bà Suu Kyi, lãnh tụ phong trào dân chủ tham gia ứng cử.
Ngoài những
thay đổi chính về luật đầu tư, Myanma còn có kế hoạch đơn giản hóa chế độ tỷ
giá hối đoái, giúp ngân hàng trung ương hoạt động độc lập hơn và mở cửa nền
kinh tế chào đón các công ty viễn thông và ngân hàng nước ngoài hoạt động.
Ban hành luật
đầu tư mới là bước đi tiếp theo của Chính phủ Myanma sau những cải cách khiến
lãnh đạo và các nhà điều hành kinh doanh phương Tây nhiệt tình, hăng hái hơn
trong những năm vừa qua. Một số nỗ lực trong việc việc chấm dứt các lệnh cấm
vận trong nhiều thập kỷ đối với Myanma, giúp chuyển quyền lực từ chế độ quân sự
sang Chính phủ, Quốc hội vào năm ngoái đang được phương Tây thực hiện. Mỹ và
một số lãnh đạo phương Tây đưa ra nhận định rằng có thể Myanma sẽ sớm thay đổi
các đạo luật chủ yếu sau cuộc bầu cử bổ sung vào 01-4-2012 lấp đầy số lượng ghế
trống, diễn ra trong tự do và công bằng.
Nhiều tập đoàn
toàn cầu đã và đang rất quan tâm đến thị trường đầy tiềm năng này, trong đó có
GE Healthcare, thuộc Tập đoàn General Electric Co., đã hợp tác với một công ty
Myanma vào cuối tháng 2-2012 vừa qua và Standard Chartered PLC thì đang mong
muốn trở lại thị trường này. Việt Nam đang chờ khi luật đầu tư mới được thông
qua và có hiệu lực sẽ đầu tư vào lĩnh vực viễn thông, khai thác khoáng sản,
khai thác dầu khí.
Khi có nhiều
nhà đầu tư chú ý đến Myanma hơn, thì những khó khăn trong kinh doanh lại càng
hiện rõ. Đạo luật mới có thể cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh của Myanma
sau nhiều thập kỷ bị cô lập với thế giới bên ngoài, nhưng chúng không thể khắc
phục những yếu kém quá lớn về cơ sở hạ tầng, hệ thống luật pháp khó đoán định
trước, hệ thống ngân hàng còn non trẻ và khâu xây dựng chính sách còn chưa rõ
ràng.
3.2. Tăng cường dịch vụ bổ trợ
Theo Paul
Wagner, doanh nhân khởi nghiệp xuất nhập khẩu đến từ Colorado, thì các nhà đầu
tư như ông, phải đối mặt với nhiều thách thức. Khi dịch vụ điện thoại vẫn còn
sơ khai thì việc tìm kiếm, liên lạc đối tác trở nên khó khăn hơn. Việc chuyển
tiền ra vào quốc gia này cũng là một vấn đề nan giải, cho dù lệnh cấm vận nhằm
hạn chế giao dịch tài chính đã được Mỹ dỡ bỏ. Pháp luật Myanma cũng chưa có quy
định cho phép người nước ngoài được thiết lập ngân hàng cho vay tại đây. Thẻ
tín dụng chưa phổ biến và các thể chế tài chính tại quốc gia này cũng mới chỉ
bắt đầu áp dụng công nghệ thúc đẩy cho việc giao dịch với các ngân hàng nước
ngoài.
Lo ngại khác
nữa đang ngày càng gia tăng như việc Myanma vẫn chưa có chuyên môn kỹ thuật để
xử lý các khoản đầu tư không được kiểm soát do thay đổi quyền lãnh đạo mới đây
nhất, hay giải quyết nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị đẩy lùi bởi các đối tác
nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn.
Các quốc gia
khác trong khu vực, trong đó có Campuchia và Việt Nam, đã trải qua những khó
khăn kinh tế sau khi mở cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần
đây. Lạm phát ở Campuchia đã tăng vọt lên gần 100% một tháng khi viện trợ nước
ngoài tràn vào thời điểm những năm 1990. Mặc dù các nhà phân tích không cho
rằng Myanama sẽ trải qua những điều tồi tệ tương tự, nhưng một số đánh giá rằng
nếu Myanma mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài quá nhanh thì quốc gia này sẽ phải
đối mặt với các vấn đề riêng của mình như lạm phát, bất ổn xã hội hoặc kinh tế
vĩ mô.
Cải cách diễn
ra, nhưng không có những quan chức được đào tạo đầy đủ để tiến hành cải cách
đúng đắn nhất. Bởi vì nhiều năm trước đây các trường đại học bị đóng của, do
sinh viên tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống lại chính quyền quân sự. Doanh
nhân Myanma lo sợ có thể sẽ bị lấn át do không có vốn, công nghệ và nguồn lực
để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
3.3.Thả nổi tiền tệ
Các nhà phân
tích cũng chú ý đến kế hoạch thả nổi một phần tiền tệ Myanma, đồng kyat. Mặc dù
vẫn chưa có thông tin chi tiết, ý tưởng này nhằm loại bỏ hệ thống phức tạp với
tỷ giá chính thức là khoảng 6 kyat một USD, trong khi tỷ giá giao dịch trên
thực tế vào khoảng 800 kyat một USD. Việc thống nhất tỷ giá hối đoái sẽ giúp
các công ty nước ngoài hoạt động dễ dàng hơn ở Myanma. Luật đầu tư nước ngoài
mới sẽ miễn giảm thuế cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian lên tới 5 năm
và mở rộng quyền phân phối sản phẩm tại quốc gia này.
Luật mới cũng
sẽ trao cho nhà đầu tư nước ngoài quyền thuê đất tư nhân và cho phép chuyển
100% lợi nhuận về nước cũng như nhập khẩu lượng lớn lao động có tay nghề. Với
đạo luật mới chắc chắn các khoản vốn đầu tư sẽ tăng lên. Đạo luật mới cũng sẽ
thu hút nhiều chuyên gia quản lý, giúp giải quyết các lo ngại về khả năng xử lý
quá nhiều tiền đầu tư. Myanma đang được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hỗ trợ tư vấn
về kỹ thuật. Chính phủ cũng sẽ thiết lập hệ thống chính sách ở Myanma nhằm ưu
tiên một số doanh nghiệp trong nước, đảm bảo các doanh nghiệp này vẫn có chỗ
đứng trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ngày19-11-2012 Tổng thống Mỹ
B. Obama sang thăm Myanma một dấu hiệu tích cực mở đường cho hàng hoá của nước
này xuất khẩu vào Mỹ (trừ đá quý), khuyến khích doanh nhân Mỹ đầu tư vào
Myanma, cổ vũ cho phong trào dân chủ.
Một số thay
đổi khác được khởi xướng trong những đầu tư có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn
để thực hiện. Thí dụ, Luật Viễn thông, kỳ vọng sẽ cấp phép cho 4 mạng viễn
thông mới cho người nước ngoài, vẫn chưa được trình lên Quốc hội. Luật ngân
hàng được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng trung ương độc lập hơn trong việc xác định
lãi suất, có thể giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Cho đến 2015 thì các ngân hàng
nước ngoài vẫn chưa được phép hoạt động tại Myanmar, U Than Lwin, Phó chủ tịch
Ngân hàng KBZ, ngân hàng thương mại lớn nhất Myanma khẳng định.
Đầu tháng
9-2012,tôi có dịp sang Myanma nghiên cứu về cải cách thể chế và đến Trường Đại
học quốc gia Rangoon. Một vị Giáo sư vui vẻ nói với tôi rằng, nền kinh tế
Myanma đầu thập niên 1960 như một chiếc xe mới nhập khầu từ Anh Quốc. Sau một
thời gian dài vận hành xe leo dốc, chạy trên con đường xấu, xe đã hỏng nhiều bộ
phận, không được thay động cơ và phụ tùng mới. Người ta chỉ cố gắng sửa chữa
những hỏng hóc nhỏ, hoặc sơn lại để chạy tiếp đến bây giờ. Xe nhập khẩu từ Anh
Quốc nay đã hỏng hẳn, phải thay mới thôi, đó là cách nói ví von của vị Giáo sư
mà tôi gặp, nhưng phản ánh thực chất quá trình phát triển nền kinh tế Myanma.
T.V.T.
Tài liệu
tham khảo
1) Burma reverls international debt Mizzima News
3-2-2012.
2) Joseph Allchin, Taste of democracy Sends Burmas
Fragile. Economy into freefall, 20-9-2011.
3) Goodman, Michael K. (2010), Consuming space:
Placing consumption in perspective Ashgate Publishing, Ltd.
4) Overview of Burma Sanctions BBC 18-12-2009.
5) Taylor Robert H (2009), The state of Myanmar NUS
Press.
6) Tallentire Mark, The Burma road to ruin, The
Guardian 28-9-2007.
7) Steinberg, David I (2001), Burmathe state in
Myanmar, Geogetown University Press.
Nguồn: BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét