Diễn văn thắng cử của Tổng thống Obama
Bản dịch trọn vẹn
6 tháng Mười Một năm 2012
Nguyễn Khoa Thái Anh dịch
Trong khi cuộc họp kín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra hồi tháng 10 làm cho nhiều con dân thất vọng và xấu hổ thì trong cuộc bầu cử gay go nhưng phơi bày đầy đủ những kịch tính của một thể chế Dân chủ Hoa kỳ người ta đã thấy ông Obama xuất hiện một lần nữa với nhiệm kỳ Tổng thống mới. Bài diễn văn thắng cử của ông bày tỏ đầy đủ những ý tưởng khiêm tốn, đoàn kết, chân thành và minh bạch. Một điều còn nằm trong mơ ước xa xôi cho Việt Nam.
Dịch giả
|
Đêm nay, hơn 200 năm sau khi thuộc địa cũ giành quyền định đoạt vận mệnh của mình, nhiệm vụ hoàn thành một hợp quần của chúng ta tiếp tục tiến về phía trước.
Tiến về phía trước vì các bạn. Tiến về phía trước vì các bạn đã xác nhận một lần nữa tinh thần đã giúp chúng ta chiến thắng cả chiến tranh và suy thoái, tinh thần đã đưa đất nước này khỏi vực thẳm của tuyệt vọng tới đỉnh cao của niềm tin. Niềm tin rằng trong khi mỗi chúng ta sẽ theo đuổi một giấc mơ riêng thì chúng ta vẫn là một gia đình Mỹ và chúng ta cùng đi lên hay thất bại với nhau trong tư cách một quốc gia, một dân tộc.
Trong cuộc bầu cử tối nay, các bạn, những công dân Mỹ, nhắc nhở chúng ta rằng con đường vẫn còn chông gai, trong khi hành trình của chúng ta vẫn còn dài, chúng ta phải tự vực mình dậy để phấn đấu trở lại, và từ trong tim chúng ta biết rằng điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tôi muốn cảm ơn mọi người dân Mỹ đã tham gia vào cuộc bầu cử, dù các bạn được bỏ lá phiếu đầu tiên hay phải xếp hàng dài chờ đợi. Đây là một chuyện chúng ta phải cải thiện.
Dù cho bạn dẫm những bước dài trên vỉa hè hay gọi điện giục đầu phiếu, dù các bạn giơ biểu ngữ ủng hộ Obama hay Romney, thì các bạn cũng đã làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe. Các bạn đã tạo ra thành quả.
Tân Tổng thống đời thứ 44 của Hoa Kỳ đặt tay lên cuốn Kinh thánh để tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Internet |
Từ George đến Lenore đến con trai của họ là Mitt, gia đình Romney đã lựa chọn cách đền đáp Hoa Kỳ bằng con đường phục vụ xã hội. Đó là di sản mà chúng ta trân trọng và hoan nghênh trong đêm nay. Trong những tuần tới, tôi mong sẽ có dịp ngồi với Thống đốc Romney để bàn thảo về vấn đề liệu chúng tôi có thể cùng nhau làm việc để đưa đất nước này đi lên hay không. Tôi muốn cảm ơn một người bạn và là người đã chung vai sát cánh với tôi trong suốt 4 năm qua, một chiến sĩ tích cực của Hoa Kỳ, một Phó tổng thống trên cả tuyệt vời mà bất kỳ ai cũng mong đợi: Joe Biden.
Và tôi cũng không là một người đàn ông như ngày hôm nay nếu không có người phụ nữ đã đồng ý lấy tôi làm chồng 20 năm trước. Tôi muốn tuyên bố trước công chúng: Michelle, anh yêu em hơn bao giờ hết. Anh chưa bao giờ cảm thấy tự hào bằng bây giờ khi thấy cả nước Mỹ cũng yêu quý em trong vai đệ nhất phu nhân.
Sasha và Malia ngay trước mắt chúng ta đang trưởng thành để trở nên những người phụ nữ khoẻ mạnh, thông minh và xinh đẹp, giống như mẹ các con. Bố rất tự hào về các con. Nhưng bố phải nói: nuôi một con chó cũng đủ rồi.
Này đội ngũ trong chiến dịch tranh cử, này những tình nguyện viên tuyệt vời nhất mà trong lịch sử của chính trường chưa bao giờ có, xin gởi đến các bạn, những chiến sĩ can trường nhất lời cảm tạ và chúc tụng chân thành nhất. Đối với một số các bạn, đây mới là lần đầu ra trận, một số các bạn khác đã sát cánh bên tôi từ những ngày đầu tiên. Nhưng tất cả các bạn đều là quyến thuộc trong một gia đình. Không cần biết các bạn đang làm gì và sẽ chọn hướng đi nào bắt đầu từ đây, các bạn sẽ khắc ghi trong tâm trí cuộc hành trình chung mà ta đã đi qua và các bạn sẽ được vị Tổng thống này suốt đời thành thật nhớ ơn. Cảm ơn các bạn đã vững niềm tin xuyên suốt, qua những đèo dốc cheo leo, qua những vực sâu thung lũng. Các bạn đã nâng tôi lên trên suốt cả chặng đường, và tôi nguyện sẽ mãi mãi tri ân tất cả những đóng góp tuyệt vời không thể tưởng tượng được của các bạn.
Tôi biết rằng những chiến dịch trong chính trường nhiều lúc có vẻ nhỏ mọn và vớ vẩn. Và điều đó giúp đầy đủ vũ khí cho phe đả kích để họ tuyên bố rằng chính trị không gì hơn một cuộc tranh đua về lòng tự cao tự đại, và phạm trù quyền lợi riêng của các phe nhóm. Nhưng nếu các bạn có dịp nói chuyện với những người có mặt trong các cuộc vận động bầu cử của chúng tôi, chen nhau dọc theo dây thừng trong sân bóng của các học đường trung học, hay gặp những người làm việc đêm khuya ở những quận hạt xa nhà, các bạn sẽ phát hiện ra những sự kiện khác.
Bạn sẽ nghe sự quyết tâm trong tiếng nói của một tổ chức viên trẻ đang làm việc để kiếm tiền theo học đại học và họ muốn cho những em trẻ khác sẽ có những cơ hội như họ. Bạn sẽ nghe sự kiêu hãnh trong tiếng nói của một tình nguyện viên đi gõ cửa từng nhà vì anh hay em của họ vừa được xưởng xe mướn khi công ty này mở thêm một ca làm việc khác. Bạn sẽ nghe lòng yêu nước trong tiếng nói của một người vợ một chiến binh khi cô làm việc khuya khoắt ở một tổng đài điện thoại để cho không một ai đang đấu tranh cho đất nước này phải tranh đấu để có được một mái nhà khi họ mãn binh dịch trở về.
Đó là lý do tại sao chúng tôi tranh cử. Đó là chuyện của chính trường. Đó là tại sao chúng ta cần thiết phải có chuyện bầu cử. Chuyện này không nhỏ nhặt. Chuyện này thật lớn lao. Chuyện này thật quan trọng. Nền dân chủ trong một quốc gia của 300 triệu dân thật là ồn ào, thật là náo nhiệt, và thật sự rắc rối. Chúng ta, ai cũng có quan điểm riêng của mình. Mỗi người trong chúng ta đều có một niềm tin sâu xa. Và khi chúng ta kinh qua những thời buổi khó khăn, khi chúng ta có những quyết định trọng đại trong một quốc gia, tất nhiên sẽ khuấy lên lòng cuồng nhiệt, khuấy lên những tranh cãi sôi nổi.
Điều đó sẽ không thay đổi sau đêm nay, mà nó cũng không cần phải như vậy. Những tranh luận mà chúng ta có đây là chỉ dấu của sự tự do. Chúng ta không thể quên rằng khi thốt lên những lời này có những người dân ở những quốc gia xa xôi hiện đang liều mạng sống của mình để có những cơ hội được tranh cãi về những vấn đề thiết thực trong đời sống của họ, để họ có cơ hội đầu phiếu như chúng ta đã thực thi hôm nay.
Nhưng bất chấp mọi khác biệt, phần lớn chúng ta đều có chia sẻ một số niềm tin về tương lai của nước Mỹ. Chúng ta muốn con cái chúng ta trưởng thành ở một đất nước với những trường học tốt nhất, những thầy cô giỏi nhất.
Một đất nước xứng đáng được thừa hưởng địa vị đứng đầu thế giới về công nghệ, phát minh và cải tiến, với tất cả những công việc và doanh nghiệp tốt nhất theo sau. Chúng ta mong muốn con cái mình được sống ở một đất nước Mỹ không bị suy yếu vì sự bất công, một đất nước không bị đe dọa bởi sức mạnh vũ bão của thiên nhiên đến từ mối hiểm nghèo hâm nóng trái đất bị hâm nóng. Chúng ta muốn để lại một đất nước an toàn, được khắp nơi trên thế giới nể trọng và ngưỡng mộ. Một đất nước được bảo vệ bởi một quân lực hùng mạnh nhất địa cầu, những quân sĩ thượng thặng nhất mà thế giới được biết đến.
Nhưng cũng là một đất nước đang đi lên với sự tự tin rời xa, đoạn tuyệt với chiến tranh hầu tạo nên một nền hòa bình được xây dựng trên những chân giá trị của tự do và phẩm giá của mọi con người. Chúng ta đặt niềm tin vào một nước Hoa Kỳ rộng lượng, một nước Hoa Kỳ vị tha, một nước Hoa Kỳ bao dung sẽ tạo dựng giấc mơ cho một người con gái của một di dân đang đi học, và chào quốc kỳ của chúng ta. Cho một em trai trẻ ở miệt Nam của Chicago hình dung được đến một cuộc sống xa hơn góc đường.
Cho một người con của một nhân viên bán đồ nội thất ở North Carolina muốn trở thành bác sĩ hay khoa học gia, trở thành một kỹ sư hay doanh nhân, một nhà ngoại giao thậm chí là một tổng thống. Đó là một tương lai mà chúng ta đang đeo đuổi. Đó là một viễn kiến chúng ta đang nhắm tới. Đó là một mục tiêu chúng ta cần tiến tới.
Đó là nơi chúng ta cần đi.
Đúng, chúng ta sẽ bất đồng ý kiến, đôi lúc thật mãnh liệt, về phương cách để đến đó. Chẳng khác gì hơn 200 năm vừa qua, cải tiến sẽ đến theo từng giai đoạn. Không phải lúc nào cũng đi theo một lộ trình đường thẳng trơn tru.
Tự nó, chuyện nhìn nhận rằng chúng ta chia sẻ những niềm tin và những giấc mơ chung sẽ không loại bỏ mọi bế tắc hay giải quyết tất cả mọi vấn đề hay có thể thay thế những nỗ lực cam go nhằm xây dựng đồng thuận và thực thi những tương nhượng cần thiết để đưa đất nước này tiến tới. Nhưng những gắn bó chung đó phải là khởi điểm để chúng ta cất bước. Kinh tế đất nước đang hồi phục. Cả một thập kỷ chiến tranh cũng đang hạ màn. Một chiến dịch dai dẳng cũng đã chấm dứt.
Và dù tôi có được các bạn bỏ phiếu hay không, thì tôi vẫn lắng nghe các bạn. Tôi đã học được nhiều điều từ các bạn và các bạn đã làm tôi trở nên một Tổng thống hoàn hảo hơn. Với những chuyện kể và đấu tranh của các bạn, tôi trở lại Nhà Trắng với quyết tâm cao hơn, cùng với nguồn cảm hứng mãnh liệt hơn bao giờ hết để tiếp tục những công việc ở đó và những gì tương lai đang mong đợi.
Tối nay các bạn đã bầu cho hành động, chứ không cho chuyện chính trị như lâu nay. Các bạn bầu chúng tôi để tập trung vào việc làm của các bạn, chứ không phải cho công việc chúng tôi.
Trong những ngày tháng tới, tôi mong sẽ với tay ra, làm việc với lãnh đạo của cả hai đảng để cùng đương đầu với những vấn đề chỉ có thể giải quyết được với sự hợp lực của cả hai đảng, như: giảm thiểu thâm thủng, cải tổ luật thuế, cải tổ hệ thống quản lý nhập cư, giải thoát chúng ta khỏi chuyện phụ thuộc vào dầu nhập cảng của nước ngoài, và nhiều công việc cần phải giải quyết khác.
Nhưng không phải công việc của các bạn đã hoàn tất. Vai trò của công dân trong một nền dân chủ như chúng ta không chỉ kết thúc ở lá phiếu. Nước Mỹ chưa bao giờ đồng nghĩa với những việc được làm cho chúng ta, mà là những việc chúng ta có thể làm cùng nhau, qua những khó khăn và bực dọc, nhưng cần thiết cho một chính phủ do dân tự trị. Đó là nguyên tắc đã tạo dựng nên chúng ta.
Đất nước này thịnh vượng hơn bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng ta không giàu vì điều đó. Chúng ta có quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử, nhưng điều đó không khiến chúng ta hùng cường. Những trường đại học, nền văn hóa của chúng ta đều khiến thế giới ghen tị nhưng lại không làm cư dân thế giới đến với chúng ta.
Điều giúp nước Mỹ trở nên khác thường chính là mối keo sơn gắn bó một quốc gia đa dạng nhất trên trái đất.
Niềm tin về một sứ mạng chung. Nghĩa là Hoa kỳ chỉ sẽ mạnh khi chúng ta biết chấp nhận những nghĩa vụ nhất định đối với nhau và các thế hệ tương lai. Tự do mà bao người Mỹ đã tranh đấu và hy sinh phải đi cùng với trọng trách cũng như quyền lợi. Và trong những quyền đó có tình thương, công tác từ thiện, nghĩa vụ và lòng yêu nước. Đó là những điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại.
Tôi mang nhiều hy vọng tối nay vì tôi đã thấy tinh thần đó được thực thi tại Hoa Kỳ. Tôi đã thấy tinh thần này thể hiện trong những doanh nghiệp gia đình mà những người chủ thà chịu cắt giảm lương tiền của mình thay vì phải sa thải người hàng xóm của họ, và trong những nhân viên thà chịu giảm số giờ làm của mình thay vì chứng kiến người bạn mình bị mất việc.
Tôi đã thấy những người lính tái tòng quân sau khi bị cụt tay hay què chân và những cảm tử quân SEAL xông vào hiểm nguy trong những thang lầu tối đen vì họ biết rằng có đồng đội sau lưng đang bọc hậu, bảo vệ cho mình.
Tôi đã thấy ở bờ biển New Jersey và New York, nơi các quan chức ở mọi cấp chính quyền đã gạt bỏ sự khác biệt giúp người dân khắc phục, xây dựng cộng đồng sau cơn tàn phá của trận bão lụt kinh hoàng,
Và một ngày kia ở Mentor, bang Ohio nơi người cha kể chuyện em bé gái 8 tuổi con ông bị bệnh bạch cầu dai dẳng đã làm gia đình gần sạt nghiệp nếu đã không có đạo luật y tế vừa được thông qua vài tháng trước đây giúp đỡ trước khi bị công ty bảo hiểm cắt tài trợ chi phí chữa bệnh cho em.
Tôi không chỉ có cơ hội nói chuyện với người cha mà còn được gặp em bé gái đáng nể của ông. Khi người cha để chuyện cho đám đông nghe chuyện thương tâm của con mình, mọi bậc cha mẹ trong phòng đều nước mắt đoanh tròng, vì họ biết rằng cô bé gái đó có thể là con gái của chính mình.
Và tôi tin rằng mọi người Mỹ đều muốn tương lai của mình được xán lạn. Đó là con người của chúng ta. Đó là một đất nước mà tôi có nhiều vinh dự lãnh đạo.
Và tối nay, bất chấp rất nhiều khó khăn mà chúng ta đang trải qua, bất chấp mọi niềm thất vọng của Washington, tôi cảm thấy lạc quan về tương lai hơn bao giờ hết.
Tôi cảm thấy lạc quan về Hoa kỳ hơn bao giờ hết. Tôi yêu cầu các bạn giữ lấy niềm hy vọng đó. Tôi không nói về niềm tin mù quáng. Tôi không nói về niềm hy vọng hão huyền khiến chúng ta làm ngơ trọng trách lớn lao đang làm rào cản chắn lối tiến của chúng ta. Tôi không nói về lý tưởng mơ hồ khiến chúng ta ngồi bên lề đứt gánh, trốn tránh nhiệm vụ hay bỏ cuộc.
Tôi luôn luôn tin tưởng rằng niềm tin là tia lửa nung nấu trong lòng đang kêu réo, bất kể thực tế trái ngang, cho thấy có những điều tích cực đang chờ đón chúng ta miễn là chúng ta giữ đủ can trường vói tới, tiếp tục tranh đấu, tiếp tục vươn lên.
Hỡi nước Mỹ, tôi tin chúng ta có thể tiến lên từ bồi đắp, những tiến bộ mà chúng ta đã tạo dựng, và tiếp tục phấn đấu để tạo thêm công ăn việc làm và những cơ hội mới và sự bảo toàn mới cho tầng lớp trung lưu. Tôi tin rằng chúng ta có thể giữ lời hứa với những người đã lập nên quốc gia này với tiêu chí là nếu bạn sẵn sàng làm việc hăng hái, không cần biết bạn là ai, bạn ở đâu tới, bạn trông như thế nào hay bạn yêu nơi nào. Chẳng có nghĩa lý gì dẫu bạn là người da trắng hay da đen, gốc Mễ, hay châu Á, hay người Mỹ bản địa, người già hay trẻ, giàu sang hay nghèo hèn, lành mạnh hay khuyết tật, đồng tính hay không đồng tính, bạn có thể thành công nếu chịu gắng sức.
Tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau nắm lấy tương lai. Vì chúng ta không bị chia rẽ như trong chính trường. Chúng ta không tiêu cực hay chua cay như những người đối nghịch vẫn nghĩ, chúng ta vĩ đại hơn tất cả sự tổng kết của những tham vọng riêng của mỗi người. Và chúng ta không chỉ là tập hợp của những tiểu bang xanh và đỏ. Chúng ta đang và mãi mãi sẽ là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Cùng với nhau và sự trợ sức của các bạn và lòng đại lượng của Chúa, chúng ta sẽ tiếp tục hành trình về phía trước. Xin nhắc nhở thế giới rằng vì đâu mà chúng ta sống trong một quốc gia vĩ đại nhất hoàn cầu. Cảm ơn Hoa Kỳ. Chúa phù hộ cho các bạn. Chúa phù hộ cho nước Mỹ.
Nguồn: BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét