Nhãn

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

“ĐÊM ĐÀN BÀ NGHÉN BÃO”, HÀNH TRÌNH VỀ MIỀN HOANG KHÁT…

 


(Đọc bài thơ “Đêm đàn bà nghén bão” trong thơ ĐÊM ĐÀN BÀ NGHÉN BÃO mới xuất bản của Maria Hoàn Nguyễn)

 

“Đêm đàn bà nghén bão” là bức tranh khỏa thân miêu tả tâm trạng vật vã của người đàn bà khao khát yêu đương trong một đêm trăng suông. Vừa sống động ở hình khối của ngôn ngữ hội họa, lại thấm đẫm tinh thần sex bởi sự chuyển hóa qua lại giữa những hình ảnh, động tác hư và thực, bài thơ dường như đạt đến “độ không tuyệt đối” của mọi giá trị thẩm mỹ nếu ta nhìn nhận nó như là ngôn ngữ thơ siêu thực.

Nên nhớ rằng, chủ thể trữ tình trong thơ không phải thiếu nữ đang tuổi xuân thì mà là người đàn bà trẻ, từng trải những cơn hoan lạc trần thế, nên mọi suy tư, dằn vặt của nàng đều mang bóng dáng quá khứ, và qua đó, những suy diễn ở thì tương lai đầy dự phóng xoay quanh ẩn ức tính dục. Nói rõ hơn, đấy là sự trải nghiệm của một quá trình sống, là hữu thức mà lại vô thức. Xuyên suốt những câu thơ ngồn ngộn yếu tố tạo hình, người đọc nhận ra một màn độc thoại nội tâm vừa bằng hình ảnh vừa bằng ngôn ngữ đan xen nhau, dắt díu nhau triền miên trong dòng chảy vô tận. Và cũng bởi đó là dòng chảy tâm lý như một khái niệm giả định nên hầu như không thể đo đếm được trên trục thời gian tuyến tính.

Nếu dòng chảy tâm lý trôi trong miền vô thức thì ngôn ngữ hội họa lại là những mảng khối hữu thức như bất chợt tạc nên bức Vệ Nữ khỏa thân được che phủ bên ngoài bởi lớp voile mỏng tuy vẫn thấp thoáng những đường cong huyền ảo dưới ánh trăng đêm. Nhưng khác với Vệ Nữ Milo (Venus de Milo) chỉ thiên về mảng khối, đường nét, người đàn bà trong đêm nghén bão, được tác giả tạo hình bằng lớp ngôn từ huyền ảo tương tác với nhau, chuyển động không ngừng như chiếc kính vạn hoa. 


 

Nhưng trước khi bàn về ngôn ngữ tưởng cũng nên hình dung qua bố cục được tác giả vận dụng thể loại thơ tự do, không vần, lại cắt nhịp khá linh hoạt với 28 dòng như một cách dồn nén năng lượng thẩm mỹ chỉ với mục đích dẫn dắt nguồn cảm hứng từ nội hàm “nghén bão”. Cấu trúc văn bản vừa nhất thể lại vừa đa thanh. Nhất thể bởi dòng độc thoại của nhân vật trữ tình chỉ có một mà xuyên suốt từ đầu đến cuối, ấy là ước mơ gối chăn, là những giả định ái ân trong không gian thiên thai mê đắm của nàng tiên nữ đã trút bỏ áo xiêm. Nó đa thanh bởi đêm ấy là một đêm trăng thanh bình nhưng trong tâm tưởng người đàn bà lại chứa đầy bão tố. Bằng chứng là, cả bốn khổ thơ đều thực hiện cùng một chức năng thông tin về những độc thoại nội tâm liên hồi kỳ trận trong khoảng thời gian tâm lý diễn ra “cơn bão”. Ở đây, gần như mỗi nhịp tâm trạng đều gắn liền với một hoặc nhiều động thái mang tính ẩn dụ khai thác triệt để từ tầng vô thức. Nó là nó mà lại không phải là nó. Đến khi hàng chuỗi sự kiện xuất hiện với tần số cao tăng dần như cấp số nhân ta phải nghĩ ngay đến yếu tố siêu thực đã tham gia vào quá trình diễn ngôn. Có được sự “đa thanh” trong cấu trúc văn bản là bởi người viết đã khéo léo biến cảnh tượng thiên nhiên thành hình tượng thẩm mỹ như nguồn dinh dưỡng nuôi khát vọng của người đàn bà đêm “nghén bão”. Hẳn là thế, cho nên có “ngày trăng lên” mới “trôi trôi ký ức em”, nhìn thấy “mĩm cỏ hoa tinh khôi” mới “lấp lánh rêu rong”, và phải là “đêm đàn bà mưa/ gió lặng im/ mây lặng im” mới hình dung được “hổn hển tiếng em”. Một điều cần lưu ý, phong cảnh ở đây không phải là những chi tiết hiện thực làm nền cho dòng độc thoại, mà chỉ là huyễn tượng can thiệp trực tiếp vào quá trình diễn ngôn như một đối tác đồng đẳng. Cho nên, mỗi câu thơ của Hoàn Nguyễn đều là một tổ hợp nghệ thuật hoàn chỉnh ngay cả khi đứng một mình.

Ngay cái tựa đề “Đêm đàn bà nghén bão” cũng làm người đọc phải suy ngẫm. Nó vừa là ẩn dụ lại vừa siêu thực. Ẩn dụ là bởi “nghén bão” phải được hiểu ở một tầng nghĩa khác bị chìm đi dưới lớp nghĩa tiêu dùng. Còn “siêu thực”, theo quan niệm của “Xuân Thu Nhã Tập” và nhóm “Dạ Đài”, thơ là địa hạt của “thần bí”, “cao cả”. Hàn Mặc Tử gọi đó là “nguồn trong trẻo, huyền ảo, mông lung” gián cách với thế giới con người bụi bặm. “Siêu thực là địa hạt siêu thần hay những bến bờ xa lạ của cảm giác”. Dường như nó chỉ hiện diện ở chốn Bồng Lai với lớp phủ dày của tiềm thức và vô thức. Từ những tuyên ngôn trên, buộc ta phải hiểu “thơ siêu thực phát sinh và tồn tại trong không gian âm u, là một cõi trùng phức, mà sau cái thế giới hiện lên hàng chữ phải ấn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy…”.

Cùng với khuynh hướng siêu thực là diễn ngôn rất đặc trưng của Hoàn Nguyễn qua lớp từ vựng đa nghĩa được vận dụng như một phong cách từ đầu đến cuối bài thơ. Hình ảnh người đàn bà “nghén bão”, trước hết là phép ẩn dụ được hình thành từ trạng thái vô thức, và do đó, phi lý nếu ta nhìn nhận ở lớp nghĩa bề mặt khái niệm. Nhưng một khi, tìm được sự tương quan với cấu trúc tổng thể, như một tác nhân kích thích giữa dòng ký ức, ta sẽ dễ dàng nhận ra, nó vừa được cấp một nghĩa mới có giá trị định danh như một mã nghệ thuật. Khi đã có chìa khóa trong tay, đương nhiên không mấy khó khăn tìm ra được ngôn ngữ nghệ thuật đã bị mã hóa.

Âm hưởng chủ đạo của bài thơ, nếu chỉ xét riêng về ngôn ngữ đã là điều rất đáng lưu tâm, bởi nó không được cấu trúc theo cách thông thường. Mỗi dòng thơ đều được chọn lọc kỹ càng đảm nhận chức năng kép, ẩn tàng nhịp điệu dồn dập, hối hả của sex nhưng lại bị khỏa lấp ngay bởi lớp từ ngữ siêu thực giầu hình ảnh rất sang trọng cho dù lạnh lẽo, cô đơn. Ở thời hiện tại, khó có thể tìm được bài thơ sex nào có ngôn ngữ đẹp như “Đêm đàn bà nghén bão”. Trước hết là ở hệ thống từ láy dày đặc tạo nên nhịp điệu hối hả, cuống cuồng cả bên trong lẫn bên ngoài, kết hợp tức thời với những từ lấp lửng đa nghĩa như một thủ pháp khiêu khích trí tưởng tượng người đọc. Với 24 dòng thơ, trong đó có những câu rất ngắn, thậm chỉ chỉ 2 chữ, vậy mà tác giả đưa vào đến 17 từ láy, bao gồm cả láy âm đầu, láy vần và láy toàn bộ như “dòng dòng”, “mơn mơn”, “trôi trôi”, “dọc dọc”, “rí rách”, “lấm tấm”, “thơm thơm”, “ngần ngần, “lấp lánh, “ngời ngợi, “sóng sánh, “hổn hển, “rào rào, “ào ào”, “mon men, “râm ran”… Nhưng với chừng ấy hình như vẫn chưa đủ để diễn đạt cơn bão lòng đang dày vò nhân vật trữ tình, tác giả còn sáng tạo ra một loạt từ, ngữ mới, tạm thời cấp nghĩa để chúng tham gia vào hành trình tìm về ký ức như “suông mơ”, “lấp lánh rêu rong”, “ngời ngợi men”, “từng giọt mon men”, “râm ran sốt vỡ”… Những từ này, đứng riêng, với chức năng hình dung hay diễn đạt trạng thái, mức độ đã có sắc thái biểu cảm khá mạnh, khi tham gia vào cấu trúc câu, nó tạo ra sự bùng nổ như phản ứng dây chuyền, vượt khỏi mọi sự kiểm soát, có khi tác giả cũng bị bất ngờ. Một trong số đó là hiệu ứng các cặp từ láy tham gia vào bức tranh nude: “Dòng dòng mơn mơn trôi/ trôi trôi ký ức em/ trôi trôi ngày trăng lên/ dọc dọc miền hoang khát”. Ở đây, trật tự câu bị đảo lộn, những từ láy “mơn mơn”, “trôi trôi”, “dọc dọc” như chất xúc tác tham gia tích cực vào thao tác thiết lập văn bản mới, chuyển hóa những ngữ đoạn “nhìn thấy” thành ngữ đoạn “cảm thấy” như một cách phá vỡ cấu trúc. Từ đó, người đọc nhận ra, bốn câu trên giống trò chơi ngôn ngữ thâm nhập vào dòng ký ức của người đàn bà: “đêm đàn bà suông mơ/ đêm đàn bà nước mắt”. Và “suông mơ”, “nước mắt” chính là màn dạo đầu cơn “nghén bão” để rồi sau đó, nhân vật trữ tình choài sâu vào “tâm bão”, tương tác với luồng khí áp như hiệu ứng của phép thôi miên, những gì bấy lâu nén chặt, khóa kín trong vô thức bất chợt thoát ra: “rí rách rơi/ lấm tấm lưng ong sương lơi/ mĩm có hoa tinh khôi/ thơm thơm hương con gái/ ngần ngần trắng/ ngần ngần trong/ lấp lánh rêu rong/ ngời ngợi men/ sóng sánh”. Đến đây, nếu nhìn nhận “nghén bão” như là cách ẩn dụ thậm xưng thì những câu thơ trên lại lặng lẽ cấu trúc “một tòa thiên nhiên” - bức tranh lõa thể - qua lớp từ ngữ ma mị với hàng loạt thanh bằng liền kề thành chuỗi giăng mắc tạo nên một không gian thẩm mỹ: “dòng dòng mơn mơn trôi/ trôi trôi ngày trăng lên/ đêm đàn bà suông mơ/ (…) đêm đàn bà mưa (…)/ ngần ngần trong”. Hãy tìm một căn phòng vắng vẻ trong đêm trăng suông, đọc rồi liên tưởng đến những “rí rách rơi”, “lấm tấm lưng ong”, “ngần ngần trắng”, “ngời ngợi men” và nhất là “lấp lánh rêu rong”, bạn sẽ nhận ra những tổ hợp từ đậm đặc tính dục được làm nhòe mờ của người họa sĩ tài hoa khi vẽ bức tranh lõa thể mà nguồn cảm hứng được lấy ra từ vô thức cộng đồng.

Có thể nói, mọi hành vi và động thái “nghén bão” của người đàn bà đều được nuôi dưỡng trong không gian nửa hư nửa thực khi mà thiên nhiên, cảnh vật và tâm trạng luôn thâm nhập, chuyển hóa vào nhau làm nên thứ ngôn ngữ tạo hình khêu gợi, ám ảnh người đọc. Ở đó có mây, mưa, gió và cả sao trời (tưởng như vô lý trong một đêm trăng) cùng lúc nhất loạt “lên đồng” làm tấm phông để người đàn bà trôi vào dòng ký ức mê cuồng: “đêm đàn bà mưa/ ngàn mắt sao khép khẽ/ gió lặng im/ mây lặng im/ hổn hển tiếng em…”.

Dòng hồi ức triền miên, cuống cuồng mà đau đớn ấy dường như không có hồi kết. Bởi đó là một trạng thái tâm lý, một ẩn ức tính dục bắt nguồn từ tiên thiên, khi bị kích hoạt sẽ giải phóng năng lượng như phần trên đã nói.

Khác với loạt hình ảnh ít nhiều đã bị mờ nhòe bởi sự can thiệp của bóng đêm, mây mù hay mưa gió, cách miêu thuật vẻ đẹp Vệ Nữ bằng lớp từ nửa kín nửa hở mà lại cực kỳ sang trọng như là cố tình khiêu khích thiên hạ mới là điều đáng quan tâm. Không cần trích dẫn cả đoạn kết, chỉ với hai câu “từng giọt mon men đuổi nhau lăn trên bầu căng nóng hổi/ những dòng râm ran sốt vỡ” cũng đã chứng tỏ năng lực sáng tạo ngôn từ của Hoàn Nguyễn. Vì thế, hình ảnh những giọt mồ hôi “mon men đuổi nhau rồi râm ran sốt vỡ” trên bầu vú căng người đàn bà đang cơn “nghén bão” không còn “trần tục đầm đìa”* mà đã chuyển sang một cảnh giới khác, cảnh giới của ngôn ngữ nghệ thuật. Hình ảnh giọt mồ hôi đuổi nhau lăn trên gò bồng đảo người phụ nữ khát tình, bất giác làm ta liên tưởng đến giọt nước bí ẩn trong động Hương Tích qua thi pháp Hồ Xuân Hương: “Giọt nước hữu tình rơi thánh thót/ Con thuyền vô trạo cúi lom khom”.

“Đêm đàn bà nghén bão” là bài thơ kén chọn người đọc. Nó là sex mà lại không phải sex nếu ta nhìn nhận nó như một văn bản đa thanh được cấu trúc bằng ngôn ngữ siêu thực bắt nguồn từ tầng vô thức.

 

Đ.V.S.

 

* Câu thơ trong bài “Tu hú” của Hoàn Nguyễn

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét