Nhãn

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

“ĐÊM ĐÀN BÀ NGHÉN BÃO”(*), TẤM VOILE SANG TRỌNG KHOÁC LÊN BỨC HỌA MAJA KHỎA THÂN

 

 

Thật ra, cho đến giờ, người ta vẫn chưa tìm được định nghĩa chính xác về thơ, nhưng nếu gặp bài thơ hay, tự nhiên trực cảm sẽ mách bảo cho ta. Có điều nó hay đến mức độ nào thì còn phụ thuộc vào học vấn, tầm vóc văn hóa và năng lực thẩm mĩ đối với mỗi cá nhân khi tiếp nhận văn bản.

Ngay từ khi mới xuất hiện, Hoàn Nguyễn đã tạo riêng cho mình một giọng thơ lạ khác hẳn phần còn lại của thi đàn Việt. Thơ Hoàn Nguyễn chẳng những mới, lạ, giầu nội lực mà còn đa dạng về cách kiến tạo thế giới hình tượng cho dù chị chỉ khiêm tốn nhận mình là “kẻ rong chơi trên miền chữ nghĩa”. Nói một cách hình ảnh, rất có thể, Hoàn Nguyễn được hưởng ân phước ngay từ lúc xuất sinh như một thiên sứ Chúa Trời cử xuống thế gian này làm đẹp cho đời bằng những vần thơ lấp lánh như chuỗi ngọc lục bảo dưới ánh ban mai kia chăng?

Khác với dòng thơ đám đông, Hoàn Nguyễn được khu biệt ở cá tính sáng tạo qua ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù, nhịp điệu tâm hồn đầy tràn cảm xúc và hệ thống từ vựng luôn mới lạ cũng như quá trình chuyển hóa các tín hiệu thẩm mỹ làm nên cấu trúc tổng thể.

Nếu như cảm hứng chủ đạo của “Cưới thơ” xuất bản năm 2015 là hành trình khám phá tâm hồn với những cung bậc tình cảm khác nhau của chủ thể trữ tình qua thân phận người phụ nữ cô đơn hay dư vị đắng chát lẫn niềm đam mê cháy bỏng của tình yêu thì “Đêm đàn bà nghén bão” nới rộng hơn biên độ cảm xúc, hình thành rõ ràng một phong cách vừa dữ dội bạo liệt lại vừa trữ tình sâu lắng. Ở “Đêm đàn bà nghén bão, Hoàn Nguyễn đã đạt đến độ chín của người cầm bút từng trải, nhưng cái chính làm nên diện mạo những trang thơ gây tranh cãi là ở năng lực tư duy vượt qua giới hạn hữu thức và trình độ sử dụng ngôn ngữ như một nhà ảo thuật tài ba.


 

Thật ra, trong lĩnh vực thơ, chẳng ai dạy được ai. Người làm thơ không có chút nguyên khí trời cho, dù tu luyện cách mấy vẫn chỉ đạt đến cảnh giới đám đông, nghĩa là văn bản, từ ngữ lặp lại của người khác dù vô tình hay hữu ý, cũng như từ ngữ mòn sáo bởi nó đã bị làm rỗng nghĩa mà các nhà nghiên cứu gọi một cách mỉa mai là “từ nghĩa địa”. Muốn thoát khỏi hội chứng đám đông, ngoài tài năng đích thực, người thơ còn phải có cảm xúc chân thành. Cường độ cảm xúc càng cao, khả năng thành công càng lớn. Trên đời này, cái gì cũng có giá của nó. Cảm xúc hời hợt, vay mượn sẽ cho ra những sản phẩm nhạt nhẽo, vô tích sự.

Với “Đêm đàn bà nghén bão”, người đọc có cảm giác tác giả làm thơ bằng vô thức. Đây là vùng hoạt động của linh giác, một thứ “không- thời gian” giống như chiều thứ tư của không gian vũ trụ bao la. Chỉ có trong trạng thái thăng hoa, hay nói một cách hình ảnh là “lên đồng” ta mới có thể lấy ra từ tầng vô thức những câu thơ thuộc loại “quỷ khốc thần sầu” mà lúc thi nhân tỉnh táo đừng hòng mơ tưởng đến. Lại nữa, muốn thơ hay tấm lòng phải trong trẻo, hạn chế đến mức tối đa thói tham, sân, si. Dính vào nghiệp “thi khách” mà cái đầu toan tính hơn thiệt, tâm trạng ganh ghét người tài giỏi hơn mình thì tốt nhất nên chuyển ngạch. Cho nên thơ không chỉ là thước đo nhân cách văn hóa mà còn là nghiệp chướng nếu anh dùng thơ làm những điều thương luân bại lý.

Có thể xem, “Đêm đàn bà nghén bão” là một thi phẩm mang tinh thần “nổi loạn” với đầy đủ ý nghĩa trong nội hàm của nó trước hết là ở tư tưởng nghệ thuật, sau đó đến tính đa dạng thể loại cũng như sự phong phú của hệ thống ngôn từ. Về thể loại chỉ riêng mảng lục bát cũng đã làm nên tên tuổi Hoàn Nguyễn từ nhiều năm nay với tư cách bà mẹ “tái sinh” cô con gái phú ông như “Liều”, “Đấy Mầu”, “Lúng liếng Thị Mầu” cho đến giờ này khó có ai vượt mặt. Bởi lẽ, “lục bát Thị Mầu” là sự cộng hưởng cảm hứng của chủ thể trữ tình với nhân vật trữ tình tạo nên một hình tượng thẩm mỹ đòi quyền bình đẳng giới thấm nhuần tinh thần nhân ái, nhân văn. Hình tượng Thị Mầu của Hoàn Nguyễn được đẩy đến tận cùng của sự đong đưa chao chát bằng thứ ngôn ngữ biến hóa thiên hình vạn trạng nhất là lớp từ kép láy thỉnh thoảng lại chen vào vài hư từ như “lí lơi”, “í a” như một cách làm nhịp điệu chậm lại và câu thơ trở nên mềm mại sau khi đã đạt đến đỉnh điểm của sự căng thẳng bởi những xung đột kịch nơi chiếu chèo. Đương nhiên không thể đồng nhất hình ảnh Thị Mầu với Hoàn Nguyễn, cũng như không thể xem ngôn ngữ đong đưa chao chát vốn chỉ mang chức năng “mặt nạ” của nhân vật trữ tình là ngôn ngữ tác giả, nhưng phải ở tâm thế thăng hoa cảm xúc, phải thấu hiểu nhân tình thế thái, thậm chí không loại trừ cả những bi kịch cá nhân mới có được những vần lục bát tài hoa như thế.

Tuy nhiên, mảng thơ tình của Hoàn Nguyễn mới chiếm tỷ lệ cao trong “Đêm đàn bà nghén bão”. Thơ tình Hoàn Nguyễn là một khối tương tư đa diện, trong đó yếu tố sex thường được trình bày dưới dạng nửa hư nửa thực. Sex của Hoàn Nguyễn phồn sinh đầy khêu gợi như Maja khỏa thân của Francisco Goya nhưng lại được chị choàng cho tấm voile ngôn ngữ sang trọng, lịch lãm. Viết về sex bằng ngôn ngữ dân tộc mà đạt đến trình độ như “Sầm sập đêm”, “Lả lơi”, “Mơ đêm”, “Đêm hư, “Bần thần đêm”…, thì phải nói, đến giờ này chưa có người thứ hai.

Hầu hết thơ Hoàn Nguyễn đều có tứ lạ gợi liên tưởng đa chiều, nhưng lớp từ ngữ để diễn đạt ý tưởng ấy thành thơ mới là cứu cánh (mục đích cuối cùng) của chị. Không ngoại trừ lục bát, cùng với thơ tự do, số lượng câu chữ của Hoàn Nguyễn luôn ngắn gọn và được cô đọng đến mức đậm đặc. Cho nên, với “Đêm đàn bà nghén bão”, mỗi câu đều mang một thông điệp nghệ thuật, trong đó từ ngữ đóng vai chuyển tải thông tin thẩm mĩ ấy đến với bạn đọc. Nói không ngoa chút nào, chỉ riêng số lượng từ ngữ Hoàn Nguyễn sáng tạo với mục đích lạ hóa câu thơ, bài thơ đã là kỳ tích của một đời cầm bút mà “khóa trận bút/ sạch mùi hương”, “thơ lồng tồng bật cúc”, “lấn bấn tim/ lấn bấn tay tìm”, “Quên đau đi - lúng liếng phiêu/ Tuột say - lấp khuyết cô liêu bến tình/ Chén cay đắng - cạn riêng mình/ Chén này lăn lẳn mà khinh khích cười”, “Lí lơi váy hở/ non nõn nòn non/ ngon ngỏn ngòn ngon”…, chỉ là một vài trường hợp điển hình.

Với “Đêm đàn bà nghén bão”, tuy mạch thơ biến ảo khôn lường, nhịp điệu lúc dữ dội như sóng biển dâng trào lúc lại hiền hòa êm dịu như mặt nước hồ thu, nhưng tôi vẫn có cảm giác, nhân vật trữ tình của Hoàn Nguyễn luôn trong tình trạng bất an. Có lẽ vì thế, với tác giả, từ Thị Mầu đến thơ tình, thơ giỡn hay thơ thế sự, tất cả đều chỉ là “trò chơi chữ nghĩa” để khỏa lấp nỗi cô đơn triền miên trong một môi trường sống không mấy an toàn. Chị không sống bằng thơ và cũng không dùng thơ đánh bóng tên tuổi mình để tranh hơn thiệt với đời, nhưng thơ tự nó có sức lan tỏa đến với nhân quần như câu tục ngữ dân gian “hữu xạ tự nhiên hương”.

Đ.V.S.

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét