Đặng Văn Sinh
Tháng 11
năm 2013, cuốn sách “Thượng thư Binh bộ Đặng Trần Thường” do nhà xuất bản Văn
hóa Dân tộc cấp giấy phép chính thức được phát hành. Đây là cuốn sách viết về một
danh nhân họ Đặng Việt Nam
do nhóm tác giả Đặng Văn Lộc, Đặng Trần Lưu, Đặng Đình Quang, Đặng Ngọc Thanh,
Đặng Đình Thành và Đặng Đức Thư biên soạn.
Sách được các tác giả biên khảo một cách cẩn
trọng, trên tinh thần khoa học, bám sát lịch sử, tôn trọng sự thật nên có độ
tin cậy cao như một sự tri ân đối với vị công thần triều Nguyễn, từng giữ chức
Thượng thư Binh bộ, Hiệp Tổng trấn Bắc Thành, tước Thường Hiến hầu.
Sách dày
294 trang, khổ 14.5 x 20.5cm, được chia làm 3 phần. Phần1 nói về thân thế, sự
nghiệp quân sự, chính trị và ngoại giao, phần 2 là Thơ văn của Đặng Trần
Thường. Phần 3 là phụ lục kèm theo một số
ảnh chụp các sắc mệnh chiêu tuyết rửa oan, các bản ghi chép về hành
trạng, gia phả, thơ, câu đối của ông.
Bố cục là
3 phần nhưng trọng tâm cuốn sách lại nằm ở phần 1 từ trang 8 đến trang 152 (144
trang), được chia làm 12 chương, mỗi chương đều có tiêu đề theo trình tự thời
gian và hành trạng, nhưng thỉnh thoảng lại có đoạn rẽ ngang kể về những sự kiện
lịch sử, những nhân vật có liên quan đến Đặng Trần Thường từ lúc còn là học trò
cho đến khi làm quan đại thần nhà Nguyễn.
Cấu trúc
tác phẩm như vậy vừa thuận lợi cho những người biên soạn vừa dễ dàng cho người
đọc. Chỉ cần nhìn vào cái khung kết cấu thể hiện ở phần mục lục, người đọc cũng
đã phần nào hình dung ra được tầm vóc của nhân vật qua hàng loạt sự kiện lịch
sử nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX.
Đặng Trần
Thường là vị tướng văn võ song toàn, có tầm nhìn xa, từng lập nhiều chiến công,
hết lòng phò tá Nguyễn Ánh dựng nên cơ nghiệp 143 năm. Tuy nhiên với bản tính
cứng cỏi, phong thái cao ngạo, coi thường bọn thiển học, cho dù hết lòng trung
quân ái quốc, ông vẫn bị đồng liêu, nhất là các tướng lĩnh Nam Hà ganh ghét, vu
oan giá họa đến nỗi phải hạ ngục rồi chết một cách oan uổng.
“Thượng thư
Binh bộ Đặng Trần Thường” thực ra không chỉ viết riêng về danh tướng họ Đặng,
nó giống như một cuốn biên niên rút gọn, bao quát cả một giai đoạn lịch sử cận
đại, từ lúc Nguyễn Ánh phiêu bạt giang hồ, lúc bị truy đuổi phải dạt sang Xiêm La, lúc trốn ra Thổ Chu, Phú Quốc rồi về
Gia Định chiêu binh mãi mã gây dựng cơ nghiệp, cho đến khi diệt trừ nhà Tây
Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế.
Có thể
nói, lịch sử Việt Nam
giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX là thời kỳ biến động khốc
liệt nhất. Chiến tranh liên miên. Các tập đoàn phong kiến cát cứ luôn kình
chống nhau bởi những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Cục diện chính trị xã
hội như vậy chính là hoàn cảnh thuận lợi cho các nhân vật lịch sử tầm cỡ xuất
hiện. Đặng Trần Thường là một trong số đó. Ông là nhà nho có nhãn quan chính
trị tinh tường, trong lòng ôm mộng kinh luân, không ra làm quan với Tây Sơn mà
ẩn cư nơi rừng núi đợi thời. Và khi “thời” đến, ông chẳng quản ngại gian lao,
sẵn sàng cưỡi thuyền vượt trùng dương vào tận Gia Định tìm minh chúa. Chính vì
thế, ta có thể xem, “Binh bộ Thượng thư Đặng Trần Thường” vừa là cuốn truyện
danh nhân hấp dẫn, vừa là công trình khảo cứu chuyên sâu về thân thế, sự nghiệp
một nhà chính trị, quân sự tài ba, một công thần khai quốc tân triều nhưng đã
bị bức tử bởi tính độc đoán, đa nghi của vua Gia Long.
Về mặt tổng quan, cuốn sách được viết theo dàn
bố cục chặt chẽ, khoa học với một cấu trúc văn bản hợp lý, đủ độ tin cậy. Để
làm được việc này, các tác giả đã phải dày công tìm hiểu nhiều bộ chính sử ghi
chép về Đặng Trần Thường, tìm đọc gia phả đại tông cũng như gia phả các nhánh
họ Đặng liên quan đến thân thế và sự nghiệp của ông. Mặt khác, nhóm biên soạn
còn dành khá nhiều thời gian điền dã thu thập tư liệu qua các địa danh như
Lương Xá (Chương Mỹ, Hà Nội) Ao Kềnh, Bến Cuối (Lương Sơn, Hòa Bình), Khoái
Châu (Hưng Yên), Tảo Hòa (Lương Tài, Bắc Ninh) v.v…, sau đó tiến hành phân
tích, thẩm định độ chính xác rồi mới đưa vào sử dụng. Trong số tư liệu điền dã,
phần chữ Hán (trong đó có bia đá và sắc mệnh bao gồm cả sắc mệnh của vua Tự Đức
và vua Khải Định minh oan, truy phục quan tước) cũng chiếm tỷ lệ đáng kể. Đó là
chưa nói đến phần chữ Nôm trong hai bài phú của nổi tiếng của Đặng Trần Thường.
Như một cơ duyên, trong nhóm biên soạn có cử nhân Hán Nôm Đặng Văn Lộc, người
đứng vai trò chủ biên cuốn sách, rất tận tụy với công việc của dòng họ nên mọi khó khăn đều được giải quyết một cách
ổn thỏa.
Viết về danh
nhân họ Đặng, những người biên soạn, cũng thuộc dòng họ Đặng nhưng đều thống
nhất quan điểm, tôn trọng sự thật thật, bám sát lịch sử và đặc biệt không hư
cấu. Vì thế những chi tiết về cuộc đời Đặng Trần Thường cùng với quá trình hoạn
lộ của ông đều được trình bày một cách khách quan, trung thực. Bởi lẽ, tướng
công, trước hết là một bậc sĩ quân tử, một khai quốc công thần triều Nguyễn,
tên tuổi ông đã vượt ra ngoài phạm vi dòng họ. Ông là danh nhân của dân tộc,
nhưng cũng là nạn nhân của một thể chế độc tài.
Căn cứ vào
“Niên biểu Đặng Trần Thường”, người đọc dễ dàng nhận thấy, các tác giả có đầy đủ
tư liệu về cuộc đời vị Thượng thư Binh bộ, đồng thời cũng làm sáng tỏ thêm hai
vụ án mà ông bị cho là có liên quan, vụ lập hồ sơ trình Bộ Lễ phong phúc thần
cho tướng Hoàng Ngũ Phúc và vụ ẩn lậu đinh, điền Ao Kềnh - Bến Cuối. Chính vì
vụ Ao Kềnh - Bến Cuối do Lê Chất vu oan
mà Đặng Trần Thường bị hạ ngục lần hai rồi phải lên đoạn đầu đài.
Thủ phạm
gây ra về cái chết oan khuất của Đặng Trần Thường không phải Lê Chất mà chính
là Gia Long. Việc viên hàng tướng Tây Sơn tố cáo Đặng Trần Tường ẩn lậu điền
thổ chỉ là cái cớ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là vua Gia Long, đa nghi, không tin
nhân sĩ Bắc Hà. Hoàng đế đầu triều nhà Nguyễn vừa độc đoán, vừa đố kỵ nhân tài,
lại có máu hiếu sát. Sau khi ngồi vững trên ngai vàng, ông ta triệt để sử dụng
phương châm “điểu tận cung tàng”, giết hại các công thần một thời từng đồng cam
cộng khổ. Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành công cao như núi cuối cũng cũng
bị bức tử. Triều đình lúc ấy toàn là bọn a dua nịnh hót, cho nên Lê Chất mới
xênh xang áo mũ Quận công, còn Đặng Trần Thường chỉ được phong Hầu tước.
Con đường vô
Nam
cùng với Đắc Lộc hầu qua hàng ngàn dặm biển là một hành trình gian nan vất vả,
phải là đấng trượng phu có bản lĩnh khác người mới dám đem sinh mệnh đánh cược
với số phận. Thế nhưng khi đã vào đến dinh trấn, Đặng Trần Thường không yết
kiến Nguyễn Ánh ngay mà ông còn giả bệnh nằm ở dịch quán quan sát động tĩnh xem
người cầm đầu quân Gia Định liệu có phải là chân chúa. Động thái này càng chứng
tỏ sự cẩn trọng của người quân tử “chim khôn chọn cây mà đậu, người khôn chọn
chúa mà thờ”.
Một sự
thật không thể phủ nhận là,, khi còn binh đơn, tướng lẻ, Nguyễn Ánh rất cần sự
phù tá của những nhân sĩ, trí thức, những danh tướng có tài cầm quân đánh giặc. Vì thế, vừa mới
diện kiến minh chúa, Đặng Trần Thường đã được giao trọng trách Tán lý quân vụ,
Hiệp trấn thành Diên Khánh rồi đảm trách quân quốc trọng sự. Tuy vào Gia Định
muộn hơn nhiều đám cựu thần tòng vong, nhưng Đặng Trần Thường lại được đặc biệt
trọng dụng, chức vụ đã cao lại tham gia nhiều trận đánh lớn, trong đó có trận
Trấn Ninh - Động Hải. Ông từng bày mưu hiến kế cho chủ tướng khiến quân đội Tây
Sơn liên tục thất bại phải co cụm vào thành Quy Nhơn.
Tinh thần
quả cảm của vị Tán lý quân vụ được biểu hiện rõ nhất ở trận Hoành Sơn khi ông
dẫn 500 quân thị sát thực địa thì bất
ngờ bị 3000 quân của Đinh Công Tuyết tập kích. Cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Sau
5 canh giờ chiến đấu, ngoài những chiến sĩ tử thương, thật không may, còn có
200 quân ra hàng Tây Sơn. Đặng Trần Thường cùng với 50 quân cảm tử, bắt được 10
tù binh, phá vòng vây, về đóng đồn ở Thanh Hà.
Sau khi
đánh bại Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, định đô ở Phú Xuân, Đặng
Trần Thường lần lượt được giao trọng trách
như Trấn thủ Nghệ An, Binh bộ Hiệp trấn Bắc Thành, Thượng thư Binh bộ
kiêm Tổng lý Đê chính. Ở chức vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khiến
một ông vua khó tính như Gia Long cũng phải hài lòng. Tuy nhiên với bản tính
cứng cỏi, không chịu luồn cúi, cộng với thói cao ngạo của kẻ sĩ Bắc Hà, Đặng
Trần Thường đã rơi vào tầm ngắm của đám đồng liêu đố kỵ. Thói đời là như vậy.
Bi kịch của ông cũng chính là bi kịch của những chính nhân quân tử dưới các
vương triều phong kiến chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ ý thức Khổng Mạnh.
Vụ án
triều đình nhà Nguyễn đánh đòn Ngô Thời Nhiệm tại Văn miếu Quốc Tử Giám là có
thật. Sau này hậu thế đổ lỗi cho Đặng Trần Thường vì tư thù cá nhân. Bằng chứng
là vế xuất đối ông ra cho vị cựu thần Tây Sơn “Ai công hầu ai khanh tướng, trên
trần ai ai dễ biết ai”. Và Ngô Thời Nhiệm đáp lại bằng một vế đối cũng thật tài
hoa biện bác rằng “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải
thế”. Các tác giả biên soạn cuốn sách đã phân tích sự kiện này một cách công
bằng dựa trên các cứ liệu lịch sử. Trong chính sử không có một dòng nào ghi
chép Đặng Trần Thường chủ tâm sai thuộc hạ ngầm hại Ngô Thời Nhiệm. Dằn mặt đám
cựu thần nhà Lê và Tây Sơn thì có nhưng vì thù oán cá nhân mà sát hại một danh
sĩ Bắc Hà thì không.
Tuy nhiên,
sự việc này nếu có cũng không thể trách cứ một mình Đặng Trần Thường. Như chúng
ta đã biết, Đặng Trần Thường là một nhà quân sự có viễn kiến. Ông không ra làm
quan với Nhà Lê Trung Hưng bởi nó đang trên đà suy thoái, có thể mất trong một
sớm một chiều. Dưới mắt họ Đặng, Tây Sơn chỉ là “ngụy triều”. Nguyễn Nhạc,
Nguyễn Lữ ít học. Chỉ Nguyễn Huệ là có tài, nhưng anh em hiềm khích, thậm chí
đem quân đánh lẫn nhau. Một vương triều mà nội bộ lục đục như thế ắt không tồn
tại lâu dài.
Với cương
vị đại thần nhà Nguyễn, được bổ nhiệm Hiệp Tổng trấn Bắc Thành, có nghĩa là
Đặng Trần Thường đã “áo gấm về làng”, đang ở thế thượng phong, còn “Ngô Thời
Nhiệm” chủ trương ra làm quan với “ngụy triều”, giờ trở thành tội đồ trước tân
triều. Hơn thế nữa, Ngô Thời Nhiệm còn bị coi là người có liên quan đến vụ án
năm Canh Tý (1780) khiến một số đại thần bị Trịnh Sâm xử trảm vì có mưu đồ phế
lập. Sau này, người đời chỉ bàn đến công lao của danh sĩ họ Ngô làng Tả Thanh
Oai mà quên đi những góc khuất trong cuộc đời ông mặc dù lịch sử đã ghi chép.
Về sự
nghiệp văn chương, ngoài hai bài phú chữ Nôm “Tần cung nữ oán Bái Công văn”
thác lời cung nữ nhà Tần oán Hán Cao tổ Lưu Bang để trách Gia Long và mắng
nhiếc bọn cận thần sàm tấu khiến ông phải chịu oan ức; và “Hàn Vương tôn phú”, Đặng
Trần Thường còn làm khá nhiều thơ chữ Hán, trong đó có 8 bài Đường luật ông
viết trong thời kỳ bị giam ở kinh thành Huế gọi là “Ngục trung bát vịnh”. Đây
là những bài thơ bộc lộ tâm trạng cũng như cái chí của kẻ sĩ quân tử vào lúc
gặp hoạn nạn. Thơ Đặng Trần Thường đầy khí phách. Dù ở trong ngục cấm nhưng tâm
hồn ông vẫn ung dung tự tại. Ẩn trong những câu thơ chiêm nghiệm cuộc đời dâu
bể là những lời ngầm oán trách vị quân vương vô tình, vô nghĩa, phụ bạc cố
nhân. Tuy nhiên tất cả những ý tứ này đều được diễn tả qua chuỗi hình ảnh ước
lệ, tượng trưng theo thi pháp cổ nên đám nịnh thần khó mà kết tội được ông.
Các tác
giả đã tiến hành dịch nghĩa và một người họ Đặng khác là Đặng Huy Giang dịch
thơ. Tuy nhiên, rất tiếc, phần dịch nghĩa “ngục trung bát vịnh” vẫn còn để lại
những hạt sạn và phần dịch thơ lại không phải Đường luật. Hy vọng, sau này, nếu
có dịp tái bản, nhóm biên soạn nên bổ sung và chỉnh sửa những sai sót cho dù
không đáng kể so với toàn bộ cuốn sách.
Chí Linh,
Rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét