Đặng Văn Sinh
Những ngày
cuối cùng của năm Mậu Tý, Nguyễn Lâm Cẩn trình làng tập thơ mới “Rượu thi nhân”
do nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép. Đây là tập sách thứ chín của nhà thơ
Xứ Nghệ, một thi phẩm khá độc đáo bởi tất cả đều có chung một chủ đề RƯỢU.
Tập thơ
gồm 59 bài, trong đó 40 bài lục bát, 19 bài còn lại là thất ngôn, ngũ ngôn hoặc
thơ tự do. Tuy cùng một nội hàm “rượu” nhưng cấu trúc văn bản và phong cách
diễn đạt là “mỗi bài một vẻ”, mỗi bài đều có ít nhất một tứ chuyển tải tư tưởng
thẩm mỹ đến với người đọc.
Nguyễn Lâm
Cẩn viết thơ ở nhiều thể loại, loại nào cũng có những bài xuất sắc nhưng sở
trường của ông phải kể đến lục bát. Là người Xứ Nghệ nhưng Nguyễn Lâm Cẩn sống
và làm việc khá lâu ở đất cảng Hải Phòng. Mà Hải Phòng lại thành phố có lắm anh
tài về lục bát như Phạm Xuân Trường bố, Phạm Xuân Trường con, Đồng Đức Bốn…
Ngoài sự trùng lặp ngẫu nhiên, rất có thể còn yếu tố tâm linh. Phong Thủy thành
phố Hoa Phượng từ lâu đã đào luyện nên các chuyên gia lục bát.
Từ xa xưa,
rượu vốn đã là chất liệu của thi ca. Rượu và thơ trở thành cặp đối ứng hay song
sinh vừa là khách thể vừa là chủ thể của các tiên thi, thánh thi thời Đường,
Tống. Lý Bạch, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị…, đều
có những áng thơ rất đáng nể về rượu. Rượu, từ một thực thể vật chất dần dần
trở thành một thứ phi vật thể mang tính ước lệ tham gia vào quá trình hình
thành văn bản thơ như một chất men kích thích óc sáng tạo. Bài “Ẩm tửu khán mẫu
đơn” của Lưu Vũ Tích, “Nguyệt hạ độc chước”,“Tương tiến tửu” và “Bả tửu vấn
nguyệt” của Lý Bạch ít nhiều đều mang tinh thần trên.
Không gian
của rượu và thơ, cho dù là thơ hiện đại, bao giờ cũng mang dáng vẻ trầm mặc,
trang trọng, u nhã. Nó như một vũ trụ thu nhỏ, tạo sự khởi phát cho vần, tứ và
hình ảnh trong sự liên tưởng đến thế giới nội tâm cũng như ngoại cảnh.
Đương
nhiên, cho dù với danh nghĩa nào thì chủ thể của những bài thơ rượu vẫn là tác
giả. Cái tôi trữ tình trong “Rượu thi nhân” luôn bất biến nhưng khách thể thì
lại khả biến. Trong miền chữ nghĩa, Nguyễn Lâm Cẩn rong chơi như một kẻ lãng
du, lách vào tận nơi sâu thẳm tâm hồn tìm tri âm tri kỷ hay đảo ngược hành
trình hướng ngoại, tri nhận thế giới con người, thế giới đồ vật, hoa lá cỏ cây
bằng con mắt… NGÔNG! Vì thế, ta có thể xem “Rượu thi nhân” là tập thơ thế sự mà
trong đó cảm hứng chủ đạo là những diễn ngôn về nhân tình thế thái ở thời mạt
pháp, là sự suy thoái đạo đức truyền thống, sự băng hoại các giá trị văn hóa.
1 – TÂM
THẾ CỦA CHỦ THỂ TRỮ TÌNH
Nhất định
là, tâm thế của chủ thể tập thơ phải là tâm thế của kẻ sĩ. Từ tư cách này, rất
có thể, tác giả nhìn cuộc thế đảo điên qua màn sương mờ ảo của hơi cay. Đây là
thứ rượu được chưng cất từ nhiều nguyên liệu quý, và qua năm tháng ủ trong tiềm
thức hay linh giác, nay đã chuyển hóa thành… rượu thi nhân.
Tác giả ở
đây vừa là chủ thể tự sự, chủ thể cảm xúc vừa là chứng nhân lịch sử, lặn sâu
xuống đáy cuộc nhân sinh để mà trải nghiệm. Vì thế, mỗi câu thơ của ông đều
được rút ra từ gan ruột, thẫm đẫm mồ hôi và nước mắt của kiếp người. Đó dường
như còn là tâm thế của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu “Tài cao phận thấp chí khí
uất/Giang hồ mê chơi quên quê hương”, bởi cuộc đời hiện hữu đầy sự vô lý, những
thứ rều rác thì ngoi lên làm kẻ giầu sang phú quý, còn con người thật, tài cao
chí lớn lại biến thành rều rác trôi nổi.
Cái nhìn
cuộc đời của Nguyễn Lâm Cẩn qua “con mắt thơ” khi cơn NGÔNG kịch phát thì
nghiệt ngã, khinh bỉ, nhưng lúc trở về với tâm trạng thư thái lại xót xa, yêu
thương đến tận cùng của một tâm hồn trân trọng những giá trị sống. Như một kẻ
sĩ chân chính, một bậc quân tử đúng nghĩa, Nguyễn Lâm Cẩn đốt cháy đến tận cùng
nguồn năng lượng, say đến mức túy lúy càn khôn và yêu cũng đến tận cùng những
thứ mà trời đất ban cho.
Đấy chính
là tư cách của người nghệ sĩ không bao giờ khom lưng trước cường quyền, không
bán rẻ linh hồn để mang về những thứ hão huyền.
2 – CÁI
NGÔNG
Lục bát
Nguyến Lâm Cẩn gần như đạt đến cảnh giới thượng thừa của nghệ thuật thi ca. Thơ
ông vừa “dĩ ngôn chí” vừa "dĩ ngôn tâm". Hai yếu tố “ngôn chí” và
“ngôn tâm” tạo thành một chỉnh thể cân đối hài hòa. Không ít bài lục bát,
Nguyễn Lâm Cẩn nhìn đời một cách cao ngạo cho dù lúc nào tác giả cũng chọn cho
mình một vị trí đứng khá khiêm nhường trong đám nhân quần ở nấc thang tận cùng
xã hội (“Mơ hầu rượu cụ Tản Đà”, “Chiều Vinh nâng chén bạn mời”, “Đêm rượu”,,
“Say” 2). Nhưng phần lớn thi nhân vốn luôn nhạy cảm trước thời cuộc. Họ có lối
tư duy khác người thường, đôi khi lập dị nhưng luôn có những dự cảm mới mẻ về
thời cuộc, không chịu bó buộc trong vòng cương tỏa của những thiết chế độc tài
toàn trị.
Một trong
những biểu hiện của cái "ngông" là sự giễu cợt bằng ngôn ngữ và hình
ảnh thơ. "Ngông" ở cấp độ cao sự giễu cợt càng đậm đặc. Chính cách
nói bằng hình tượng ấy đã làm không ít “đối tượng” nhảy cẫng lên như bị ong
chích mà vẫn phải nuốt bồ hòn làm ngọt. “Ngông” còn có một cách giải thích nữa
là sự khác đời, đặc biệt là ở phương pháp luận về cách nhìn nhận thế giới khách
quan. Tuy nhiên trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ bàn đến cái
"ngông" trong thơ. Lại nữa, cái "ngông" tuyệt nhiên không ở
người thơ mà nó toát lên từ toàn bộ cấu trúc văn bản thông qua tứ thơ, vần điệu
thơ, hình ảnh thơ và nhất là khí thơ.
Một trong
những chỉ dấu của “thi pháp ngông" của Nguyễn Lâm Cẩn là ông mời rượu đủ
các đối tượng từ những tiên thi, thánh thi đã thành người thiên cổ cả ngàn năm
trước đến bạn bè đồng trang lứa, thậm chí còn có những cuộc rượu càn khôn túy
lúy với bạn vong niên. Bên chén rượu, mà cũng rất có thể chỉ là biểu tượng rượu,
những ý tưởng đột nhiên xuất hiện như một ân huệ trời cho, khoảnh khắc được bài
thơ "ngông" để đời (“Khóc Hòa Vang”, “Rượu tri âm”, “Mời rượu thằng
đời”, “Lục bát thằng Bờm”):
Tôi, Vang
hai đứa cùng hèn
Bút nghiên
đèo đẹt ngọn đèn li ti
Văn chương
là cái chi chi
Mà đầu lõm
xuống bò quỳ… bốn chân!
Dấn thân
vào chốn nợ nần
Trả vay
vay trả cù lần đó thôi!
(Khóc Hòa
Vang)
Khách thể
của tác giả còn thấp thoáng bóng giai nhân, lúc là người vợ tảo tần, lúc là
người tình tưởng tượng, lúc lại là một người đẹp thoáng qua giữa đám chúng sinh
bụi bặm. Họ được mời nâng chén như một tri âm tri kỷ, làm nền cho bức tranh
ngôn từ điểm xuyết bằng những thanh âm trầm lắng và sắc màu huyền ảo lúc xuân
sang (“Mời rượu em”, “Lục bát xin em”, “Rượu với hoa mai”, “Chén rượu đầu năm”).
Và đây là những vần thơ rất trẻ cho dù người viết đã vào cái tuổi “cổ lai hy”:
Rượu xuân
ta rót mời mình
Ấy là
thuốc lú đựng bình bùa mê
Cạn ly
quên phắt đường về
Khư khư
buộc chặt lời thề cổ tay.
(Mời rượu
em)
Rượu chay
giọt giọt… em ơi
Cái say
chắt gạn…lời mời làm sang
Chén cay
khi đã tàng tàng
Ơ hờ chạm
vía mỏng tang.. vẫn tình.
(Mời rượu
em)
Sự khác
người trong “Rượu thi nhân” còn được ghi nhận ở động thái Nguyễn Lâm Cẩn giao
tiếp với thế giới tự nhiên qua cái cách ông mời rượu núi, mây, gió, trăng, mùa
xuân…Tất cả những khách thể vô tri ấy được nhà thơ thổi hồn vào biến thành tri
giác rồi giao tiếp với chúng như những thực thể có khả năng ngôn ngữ, tư duy và
ảm xúc. Đương nhiên, núi sông mây gió trăng sao hay mùa xuân chỉ mang tính ước
lệ, chỉ là cái cớ để tác giả ký tác cái chí, cái tình của mỉnh. Xét đến cùng
tất cả những bài thơ thuộc dạng này chỉ là độc thoại, nhưng nếu nghĩ rộng ra,
ta hoàn toàn có thể hiểu “độc thoại” này chính là đối thoại tư tưởng thông qua
hình tượng thơ để thể hiện qian điểm vũ trụ và nhân sinh (Mời khói uống rượu”,
“Mời núi uống rượu”, “Đầu xuân uống chén rượu đời”, “Mời rượu ở Tử Cấm
Thành”,”Dâng rượu trước mộ Nhạc Phi” …).
Đỉnh điểm
của cái "ngông" trong tập thơ có lẽ là ở những cuộc rượu mà chủ thể
uống với loại quan tham, kẻ cơ hội và nhất là “thằng đời”. “Thằng đời” là danh
xưng phiếm chỉ cuộc nhân sinh đầy bất trắc, phức tạp, nghiệt ngã và vô tình vô
cảm. Người thường gọi “thằng đời” là đấng tạo hóa thì cũng không sai. Chính nó
là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra nỗi trầm luân của những kiếp người.
Tuy nhiên nhà thơ "ngông" không dừng lại ở cách hiểu nông cạn như
thế. Qua các bài “Mời rượu thằng đời”, “Lục bát thằng Bờm”, “Uống rượu với Chí
Phèo”, “Mời rượu Bá Kiến”…, người đọc chợt nhận ra, “Tạo hóa” hay “”Đấng cao
xanh” kia chính là thể chế chính trị quản lý nhà nước khuyết tật, lỗi thời,
quan chức tham nhũng, nha sai thì hà hiếp, sách nhiễu dân. Một chính quyền sử
dụng toàn bọn vô lại trong guồng máy cai trị thì đất nước ấy không bao giờ mở
mày mở mặt với cộng đồng nhân loại.
Giọng thơ "ngông"
lại chuếnh choáng hơi men bị dồn nén có khi bật lên tiếng chửi ở từng cấp độ
khác nhau. Tiếng chửi ấy lúc thì bóng gió nhẹ nhàng tỏ ra thương hại, lúc lại
giận dữ, mạt sát tưởng như “bất cộng đới thiên”. Không hiếm những lúc, độc giả
phá lên cười sảng khoái khi mà tác giả nới rộng biên độ chửi bẳng thứ ngôn ngữ
rất đặc trưng: đáo để, sâu cay nhưng lại rất thơ:
Lũ xôi
thịt đếch ra gì
Không bằng
cái…hì hì…của tao!
Mày xệch
xoạc tao vêu vao
Mày chém
Bá Kiến tao cào mặt mo…
(Uống rượu
với Chí Phèo)
Phong cách
"ngông" luôn chuyển vị trí để nhìn “thằng đời” bằng con mắt tiên tri,
tiên nghiệm. Có khi Nguyễn Lâm Cẩn đứng ở tư thế cha chú dạy bảo đám “đầy tớ
dân” bằng loại ngôn ngữ có vẻ khách sáo nhưng một khi đọc kỹ ta lại thấy thật
sâu cay dày vỏ. Dạy chúng làm người lương thiện có khác gì nước đổ lá khoai.
Chúng đã nhiễm bệnh nan y chờ chết, thuốc thánh cũng không thể phục sinh:
Này đời!
Nâng chén lên nào
Thăng trầm
thế cuộc lao đao phận người
Vỗ tay
được mấy tiếng cười
Chảy trong
huyệt đất máu tươi còn trào.
Này đời!
Nhìn cổng nhà lao
Sao mày
không thấy cồn cào ruột gan?
Tự do nước
mắt chứa chan
Xích xiềng
cởi, khoác lầm than lâu rồi.
(Mời rượu
thằng đời)
Cái
"ngông" của “Rượu thi nhân” là một đặc trưng nghệ thuật. Nó cũng
chính là phong cách giếu nhại của thể loại ca dao, tục ngữ trong văn học dân
gian truyền thống được phái sinh sang lĩnh vực thơ hiện đại. Tuy nhiên, ở
Nguyễn Lâm Cẩn, sự giễu nhại này được tận dụng và nâng cao thành phong cách của
riêng ông.
LỤC BÁT
NGUYỄN LÂM CẨN
Sau 9 tập
thơ, trong đó có “Lục bát Nguyễn Lâm Cẩn” xuất bản năm 2015, bạn đọc dễ dàng
nhận ra, lục bát chính là sở trường của nhà thơ Xứ Nghệ. Nói như vậy, không có
nghĩa các thể loại khác đối với ông là sở đoản. Ngược lại là khác. Khi đọc khổ
thơ ngũ ngôn trong bài “Say” (1) dưới đây, đương nhiên buộc ta phải thừa nhận
tác giả là thi sĩ đa năng:
Hất chén
rượu lên đầu
Mặt trời
méo vàng vọt
Mưa rượu
không ướt tóc
Giọt nào
mài tim óc?
Tuy nhiên,
trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát phần lục bát. Mười chín bài
thơ còn lại sẽ được bàn đến vào một dịp khác.
Lục bát
Nguyễn Lâm Cẩn luôn là chỉnh thể, tròn đầy, kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa
chất liệu ca dao, tục ngữ truyền thống với ngôn ngữ thi ca hiện đại. Từ đơn vị
lục bát 14 tiếng cho đến bố cục toàn bài, người đọc luôn nhận thấy một cấu trúc
chặt chẽ, hô ứng nhịp nhàng với các kiểu diễn ngôn tự sự, trữ tình hoặc kết hợp
giữa tự sự và trữ tình. Điểm nổi bật làm nên diện mạo Nguyễn Lâm Cẩn trong làng
lục bát là khả năng sử dụng ngôn từ. Từ ngữ của ông luôn được chọn lọc chính
xác, hợp lý nên bao giờ cũng tạo ra được hiệu ứng thẩm mỹ ở tính gợi tả, gợi
cảm và sự liên tưởng đa chiều. Ở không ít bài, Nguyễn Lâm Cẩn còn sử dụng lối
chơi chữ, tận dụng khả năng những từ, ngữ lấp lửng để diễn đạt ý tưởng như là
thi pháp thơ Đường trung đại ý tại ngôn ngoại. Có thể nói, hệ thống từ vựng
trong trong hầu hết các bài lục bát đều đều đạt đến giới hạn của ngôn ngữ thi
ca ở tính năng truyền đạt thông tin nghệ thuật và giá trị biểu cảm cũng như
tính đa nghĩa:
Trời
nghiêng đất ngửa khật khừ
Mây xưa
núi Tản bây chừ còn bay?
Sông Đà
dốc ngược vào chai
Đường thơ
hun hút tượng đài lênh bênh
Sau lưng
thác trước mặt ghềnh
Câu thơ
nối nhịp một mình cụ sao?
(Mơ hầu
rượu cụ Tản Đà)
Còn trong
bài “Mời khói uống rượu”, những triết lý nhân sinh tưởng như lẫn vào cuộc hội
ngộ với đối tượng vô tri nhưng thật ra lại rất khả tri:
Đạo người
đạo chữ chơi vơi
Chí Phèo,
Bá Kiến coi trời bằng vung
Đã rơi
xuống đáy bần cùng
Những ai
lương thiện không khùng cũng điên.
Lục bát
Nguyễn Lâm Cẩn không có từ thừa, từ đệm mà luôn đạt đến sự hoàn chỉnh tối đa.
Nhưng kỹ năng gieo vần mới là điều khiến thiên hạ phải ngả mũ vái chào. Vần của
“Rượu thi nhân” luôn luôn là chính vận. Những câu thơ bàng vận chỉ chiếm tỷ lệ
rất nhỏ trong số 40 bài, bởi vần là một yếu tố quan trọng để bài thơ trở nên
nuột nà, hơi thơ liền mạch, tạo nên cấu trúc bền vững như một cơ thể cường
tráng nhằm chuyển tải thông điệp nghệ thuật. Không ít bài lục bát, đọc lên nghe
phảng phất như "Truyện Kiều" mà lại không phải Kiều, như ca dao mà
lại không phải ca dao. Nó là sự kế thừa những tinh hoa của dòng văn học dân
gian cũng như văn học bác học một cách sáng tạo bởi qua sự chọn lọc ngôn từ, kỹ
năng sử dụng vần (bao gồm vần chân và vần lưng), nghệ thuật phối hợp giữa nhịp
điệu với nhạc điệu cũng như khai thác triệt để hiệu ứng các cặp tiểu đối:
Trắng
xương hồn lạnh còn đau
Cùng chung
cuống rốn nhúm nhau… tương tàn…!
Niềm tin
cau mặt thời gian
Ơn giời đổ
mãi cơ hàn ra phơi!
(Rót rượu
mời dế)
Mịt mù núi
dựng uy nghi
Mây che
phủ mặt thấy gì nữa đâu
Tôi say đổ
rượu lên đầu
Âm u đỉnh
núi một màu mây trôi.
(Mời núi
uống rượu)
Lừa nhau
vào chốn gập ghềnh
Ván cong
uốn lưỡi bập bênh lắm trò
Một đời ăn
đói mà no
Oái oăm
nước đục cốc mò cò xơi!
(Rượu
suông)
Rót ra
chén rượu đi tìm
Câu thơ
gan ruột im lìm đáy chai
Vớt lên cả
một đời trai
Nắm xương
bạc phếch phơi ngoài cỏ lau.
(Chén rượu
đầu năm)
Với lục
bát, Nguyễn Lâm Cẩn luôn làm chủ kỹ thuật gieo vần. Vần và hệ thống thanh điệu
tạo nên nhạc điệu lúc du dương như bản nhạc đồng quê nhưng cũng có khi chát
chúa, dữ dội tùy vào tâm trạng vui buồn của chủ thể. Nhưng với nhịp điệu thì
khác. Có đến già nửa lục bát trong tập thơ đều bị tác giả cắt rời thành nhiều
mảnh xếp chồng lên nhau như là thơ bậc thang. Cách ngắt nhịp lúc là 2/2, lúc là
2/4 đôi lúc lại là 1/3 hoặc 1/2/4…nhằm tạo ra sự mới lạ cho cấu trúc lục bát,
đồng thời dẫn dụ người đọc vào trường liên tưởng. Nói vậy, nhưng nếu đọc kỹ,
kiểu ngắt câu này thực ra chỉ là hình thức, bởi vì, đặc trưng của lục bát trữ
tình là sự chắp dính các thành tố trong cùng một đơn vị câu hoặc cả khổ thơ:
Cái tình
Mau ngấm
Say lâu
Chát!
Tom!
Tom!
Chát…!
Cô đầu cụ
ơi!
Chùa Hương
rau sắng già rồi
Giang hồ
quảy gánh
Về thôi!
Cạn ngày!
(Mơ hầu
rượu cụ Tản Đà)
Rót đi!
Rót nữa đi
nào
Chén say
Chén tỉnh
Rượu vào
Lời ra
Kiến bò
trong bụng ê a
Ngoài kia
sấm chớp mưa sa kín trời
Dốc chai
giọt đáy…
Cạn rồi!
Mắt hoa
Chân ríu
Kiếp người
đỏ đen
(Say 2)
Chén này
rót ruột
Lòng đau
Mời ông
Ờ nhỉ!
Trước
Sau…
Đâu nào?
Ban ngày
vuột giấc chiêm bao
Ta đang
mời rượu đứa nào? Hỡi ôi!
(Giấc mơ
rượu)
Vấn đề
cuối cùng và quan trọng nhất trong “Rượu thi nhân” là “tứ”. “Tứ” là linh hồn
của lục bát. Ngoài các loại truyện thơ hay diễn ca thuộc loại hình tự sự, lục
bát trữ tình bao hàm cả nội dung “thế sự”, sẽ chết yểu nếu không có “tứ”.
Nguyễn Lâm Cẩn còn làm được nhiều hơn thế. Bài nào của ông cũng găm được ít
nhất một cái "tứ", trong đó có không ít "tứ" bất ngờ, độc
đáo. "Tứ" trong thơ Nguyễn Lâm Cẩn có khi bao quát cả bài, có khi
đọng lại ở một, hai khổ nhưng không lặp lại mà luôn mới. Đây chính là sự cao
tay của chủ thể sáng tạo. Bài “Uống rượu với bạn”, tác giả toàn vẽ ra cảnh
nghèo, nói rằng mắc nợ cái "ngông" Tản Đà, nhưng "tứ" thì
lại nằm ở cặp lục bát:
Thằng con
đứng ngắm trời sao
Mắt mơ
mình lớn thế nào cũng bay.
Còn
"tứ" của bài “Khóc Hòa Vang” chắc hẳn là ở câu:
Văn chương
là cái chi chi
Mà đầu lõm
xuống bò quỳ…bốn chân.
Cho nên,
lục bát Nguyễn Lâm Cẩn sống được và sống khỏe, trước hết phải nhờ vào “tứ”.
"Tứ" càng độc đáo, thơ càng có giá trị tự thân. Huống hồ, ngoài
"tứ" ra, ông còn có thể mạnh về sử dụng ngôn từ vào tạo dựng hình
ảnh.
“Rượu thi
nhân” nói về rượu nhưng thật ra rượu chỉ là cái cớ còn nội hàm của tập thơ
chính là cái “thằng đời”. Nguyễn Lâm Cẩn đã “hòa quang đồng trần” giữa rượu với
đời qua những diễn ngôn đầy cảm khái có lúc bi phẫn nhưng cũng có lúc bâng
khuâng trước khung cảnh mùa xuân tự tay rót chén “quỳnh tương” mời người đẹp…
Chí Linh,
tháng mạnh xuân, năm Kỷ Hợi.
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét