Nhãn

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

NỮ TIẾN SĨ HƯ CẤU VÀ CÁC SẢN PHẨM ĂN THEO



Đặng Văn Sinh

Sau khi cuốn sách "Tiến sĩ nho học Hải Dương" do nhà sử học cấp tỉnh Tăng Bá Hoành chủ biên xuất bản vào năm 1999, bà Nguyễn Thị Duệ trở thành một hiện tượng văn hóa độc đáo chẳng những ở Xứ Đông mà còn là hình ảnh sáng chói của phụ nữ Việt Nam thời trung đại.
Thế nhưng sự kiện bà Nguyễn Thị Duệ, một phụ nữ người làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, sống cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, đỗ đầu khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1594) hay Trạng nguyên năm Bính Thìn (1616), đều là chuyện bịa đặt không dựa trên một chứng cứ khoa học nào.
Tất cả những tư liệu về Nguyễn Thị Duệ đều thuộc phạm trù "giai thoại", mà đã là "giai thoại" thì dân gian thoải mái sáng tạo, hoàn toàn tùy hứng, tùy vào từng vùng miền và đặc trưng phong tục, tập quán, không phụ thuộc vào bất cứ quy chuẩn nào miễn là tạo ra được "biểu tượng" có lợi cho cộng đồng. Chính vì thế, trong cuốn "Tiến sĩ nho học Hải Dương", ở phần Nguyễn Thị Duệ, ông Tăng Bá Hoành không có thông tin về năm sinh, năm mở khoa thi nhưng lại ghi liều học vị là "Đệ nhất danh".

Theo cách gọi tên các thí sinh đỗ đại khoa mà Phan Huy Chú đã ghi chép trong "Lịch triều hiến chương loại chí", thì "Đệ nhất danh" thuộc hàng "Đệ nhất giáp" tức "Tiến sĩ cập đệ". "Tiến sĩ cập đệ" bao gồm 3 người đỗ đầu kỳ thi Đình (Điện thí) gọi là "Tam khôi" (Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa). Tuy nhiên cũng không hiếm những khoa thi, triều đình chỉ lấy từ "Đệ nhị giáp" trở xuống đến "Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân" mà không chọn được "Tiến sĩ cập đệ". Vậy vì sao không ghi Trạng nguyên mà lại là "đệ nhất danh" lửng lơ làm người đọc khó hiểu? Vì dốt hay đã biết là dối trá nhưng vẫn làm bừa?).
Thế nhưng chuyện này xem ra lại rất phù hợp với một đất nước mà dàn lãnh đạo các cấp sùng bái chủ nghĩa thành tích, lấy thi đua làm động lực phát triển. Vì "thi đua là yêu nước", nên "con gà tức nhau tiếng gáy". Tỉnh A có danh nhân văn hóa, tỉnh B không có thì phải tạo ra một danh nhân, thậm chí còn "hoành tráng" hơn cả tỉnh A. Chính vì thế, người ta mới liều lĩnh tâng bốc Nguyễn Thị Duệ lên chín tầng mây bằng những công tích tưởng tượng chỉ có thời mạt pháp mới dám làm: Trên trang web "Quê hương", trong bài "Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Việt nam", người viết suy tôn bà như một nữ thánh, qua mặt tất cả đấng mày râu về nhân cách cũng như tài năng văn chương:
"Nguyễn Thị Duệ không chỉ là nữ tiến sĩ duy nhất của khoa bảng phong kiến Việt Nam mà bà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục đương thời. Bà rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia. Phần lớn các kỳ thi Đình, thi Hội, tất cả bài vở đều qua tay bà chấm chọn. Bà thường viện dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại.
Hiện nay, dân gian vẫn còn lưu truyền giai thoại về bà. Năm Đức Long thứ 3 (vua Lê Thần Tông) bà làm Giám khảo kỳ thi Tiến sĩ (1631), được tổ chức tại làng Mao Điền, Hải Dương. Có rất nhiều sĩ tử dự thi, trong đó có Nguyễn Minh Triết (sau gọi là Nguyễn Thọ Xuân - PV) quê tại Hải Dương. Sau khi thi xong, quan giám khảo lọc ra các bài đỗ, trong đó có bài của Nguyễn Minh Triết..."(hết trích).
Nguồn: (http://quehuongonline.vn/…/nguyen-thi-due-nu-tien-si-dau-ti…).
Sau khi "danh nhân văn hóa" Nguyễn Thị Duệ đã được nhà nước địa phương công nhận, các văn nghệ sĩ bắt đầu khởi động hàng loạt công trình ăn theo. Đây là dịp may hiếm có để các "nhà" đua nhau thể hiện mình trước bàn dân thiên hạ.
Ở mảnh đất mầu mỡ này, tác giả tha hồ bịa tạc, miến là đúng đường lối văn nghệ của Đảng thì chẳng sợ bố con thằng nào đánh thuế.
Ông Khúc Kim Tính nổ phát súng đầu tiên bằng tiểu thuyết "Bà chúa sao sa" dầy hơn 300 trang, trong đó có những chi tiết khiên người đọc sởn gai ốc, ví như "Bà chúa sao sa" có võ, dùng chưởng lực kiểu Kim Dung đánh tan bọn cướp. Cuốn này nghe nói còn được UBND tỉnh Hải Dương trao Giải thưởng Côn Sơn năm 2010. Sau tiểu thuyết, ông Khúc Kim Tính còn nhảy sang địa hạt chèo. Kịch bản chèo "Bà chúa sao sa" viết xong vào cuối năm 2008 nhưng không có kinh phí dàn dưng, tác giả lúc ấy đang là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bèn nghĩ ra chiêu trò "xã hội hóa", vận động các thầy cô giáo trong tỉnh ủng hộ mỗi người 10.000 đổng nhưng kết quả vẫn bị xếp xó không biết vì lý do gì.
Tác giả Đinh Ngọc Hùng, cũng với tựa đề "Bà chúa sao sa" nhưng ở loại truyện thiếu nhi, do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vinh danh Nguyễn Thị Duệ hết lời, chuyển sự dối trá bằng nghệ thuật đến với thế hệ trẻ qua "Tủ sách danh nhân".
Vở chèo về Nguyễn Thị Duệ đã được công diễn nhiều đêm tại Hải Dương làm nức lòng khán giả là "Nữ sĩ Ngọc Toàn" của Tiến sĩ Trần Đình Ngôn. Kịch bản bịa như thật, xem khá hấp dẫn nhưng thật đáng tiếc, tác phẩm hình thành trên sự dối trá mê hoặc công chúng, gieo vào lòng họ niềm xác tin không tưởng.
Thế mới biết ngòi bút của văn nghệ sĩ quốc doanh vô cùng linh hoạt, có thể đổi trắng thay đen, bất chấp sự thật lịch sử, miễn là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "thi đai yêu nước" ...
Chí Linh, 27.12.2018
Đ.V.S.
P/S
Nhân sự kiện "Nguyễn Thị Duệ và Bùi Thị Hý", chúng tôi xin đính kèm dưới đây nhận xét của nhà giáo Nguyễn Cảnh Thụy, Cựu Trưởng phòng Tổng hợp, Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Dương về hiện tượng hư cấu lịch sử để bạn đọc rộng đường dư luận.
*
"Hiện nay, sự bịa đặt lịch sử tầm địa phương đang ở mức đáng báo động! Trước đây, người ta phê phán "bệnh thành tích trong giáo dục", bây giờ thì nó lan sang cả sử học. Để cho trang sử địa phương trở nên lâm ly, họ ra sức thêu dệt cho quê hương trở thành "địa linh nhân kiệt" và kiếm tiền trên sự hài lòng về truyền thống của quan chức địa phương và dân chúng ít học.
Câu chuyện bà Hý đang được đồn thổi và khoác lên nhân vật này đủ các "danh hiệu": Nào là "doanh nhân", nào là "nghệ nhân" và cả "nhà hàng hải đầu tiên của Việt Nam" nữa mới kinh (!).
. Hiện tượng bà Nguyễn Thị Duệ cũng tương tự. Ông Tăng Bá Hoành - chủ biên cuốn "Tiến sĩ nho học tỉnh Hải Dương", người phát hiện ra bà Hý và vinh danh cho bà này 3 danh hiệu, cũng là người có công đưa bà Nguyễn Thị Duệ (một thứ phi vương triều Mạc) lên bậc đại khoa, tức Tiến sĩ Nho học của Hải Dương, và cũng là nữ tiến sĩ Nho học đầu tiên, duy nhất của Việt Nam(!). Nhưng khi tôi hỏi, căn cứ vào văn bia hay bất kỳ nguồn sử liệu nào để cho rằng bà Duệ đỗ Tiến sĩ? Và đỗ năm nào? Ở đâu? Thì câu hỏi đó đến nay vẫn không ai trả lời!
Làm lịch sử mà dựa vào "vô bằng cớ", viết theo ý thích cá nhân như vậy, thì có gọi là khoa học lịch sử hay là đang sáng tác truyện dân gian? Bức xúc trước việc này, tôi đã lần hỏi trực tiếp và cả trao đổi qua điện thoại với các nhà sử học có danh tiếng như: GS Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc, Phan Huy Lê và cả những nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm nữa, họ đều thừa nhận là không có bẩt cứ một sử liệu nào để chứng minh bà Nguyễn Thị Duệ là Tiến sĩ!
Những tưởng ngành sử học Hải Dương cấp "bằng tiến sĩ" cho bà Duệ thì không "cháy nhà chết người gì", nên gần đây có người còn cả gan viết bà là "Trạng nguyên" đăng trên một tạp chí địa phương nữa(!). Cứ cái đà này, chả mấy chốc bà Duệ sẽ có hàm Giáo sư và... danh hiệu 520 tuổi đảng(!?).
Tỉnh Hải Dương đưa bà Duệ vào danh sách Tiến sĩ Nho học chẳng những phi khoa học mà còn là việc làm phản văn hóa lịch sử. (Nên nhớ, ở một nước văn minh như Hoa Kỳ mà mãi đến thập niên 50 của thế kỷ trước mới có nữ cử nhân đầu tiên!).
Đã đến lúc các nhà sử học cần lên tiếng về những hành vi "ngụy lịch sử" khiến cho hàng triệu người - nhất là thế hệ trẻ, hiểu sai lệch lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương, để lịch sử học trở về với chân giá trị của nó là trung thực, khách quan, khoa học!
Thử hỏi, ở một đất nước mà kẻ đi ăn trộm chó thì bị dân quây lại đánh cho kỳ chết, nhưng kẻ bịa đặt lịch sử lại vô can, thì nền văn hóa sẽ đi về đâu?".
N.C.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét