Nhãn

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Lũ quét đỉnh trời


         Lũ quét đỉnh trời

                                                                        Hoàng Minh Tường

                                      
                                           Nhà văn Hoàng Minh Tường

                                                         
                                              Bìa tiểu thuyết Thời của thánh thần
                  
Giữa lúc những trận mưa đầu tháng 8 năm 2008 ào ạt  như rót phễu hằng mấy đêm liền, giữa phố phường Hà Nội mà tưởng như bơi trên những dòng sông, thì tôi có tin vui từ nhà in: Tiểu thuyết Thời của Thánh Thần  đã in xong, đang vào bìa.
 Nếu như vào năm 1979, cách đây 30 năm, ở chớm tuổi ba mươi, khi biết tin tiểu thuyết đầu tay Đồng Chiêm  đang xếp chữ ở nhà in Thống Nhất, tôi đã dò dẫm mấy ngày liền, vào được tận nơi để xem người ta “đỡ đẻ” cho đứa con đầu lòng của mình như thế nào, và sướng âm ỉ hằng tháng giời, thì bây giờ, sau ba mươi năm theo đuổi nghiệp văn chương, tôi vẫn sướng run rẩy như thế. Sao cái niềm vui thời con trẻ khi ta đi tát cá cùng chúng bạn, được một giỏ đầy, chỉ mong ngóng chờ mẹ về để được khen, với việc ta in được một cuốn sách hay nhất đời ta, giống nhau thế nhỉ? Nhưng bây giờ, chen nỗi sung sướng lại thêm phần lo âu.Vì cuốn sách này là trận đánh quyết tử của tôi. Hoặc là nó sẽ như một thành tựu đời văn, hoặc là in xong rất có thể bị thu hồi, ném vào lò nghiền giấy vụn.

Tốt sang sông (tên khởi đầu của cuốn tiểu thuyết), viết dòng cuối cùng ngày 1 tháng 6.2008. Lẽ ra tôi phải để một năm để nghiền ngẫm thêm, chuốt thêm văn, đưa một số bạn bè nhuận sắc, cho ý kiến, rồi chỉnh sửa lại trước khi chính thức đưa nhà xuất bản. Nhưng nếu đó là những cuốn sách bình thường, không liên quan gì đến cơ chế, thời cuộc. Cuốn tiểu thuyết này, tôi viết về những khuất lấp đời người, những mảng tối của thời thế, mà ngay các sử quan cũng lảng tránh, vì thế tôi biết, cả nền xuất bản của nước ta hiện thời, may ra chỉ có một người có đủ quyền hạn, văn tài và lòng dũng cảm, dám cho in.
Nhiều người bảo rằng, cứ viết hết mình đi, nếu không được in thì cất đi cho con cháu, dăm chục năm sau, một trăm năm sau người đời sẽ biết đến. Nói thế là chẳng hiểu gì nghề viết. Phét lác cho sướng mồm mà thôi. Cái anh nhà văn, nó khác. Viết xong là phải được công bố với toàn thiên hạ. Chết mà chưa thấy sách của mình ai đọc, thì sống phỏng có  nghĩa lý gì?
Cho nên ngay khi viết xong, tôi đã phải tính đến việc xuất bản. Nhà nào? Văn Học? Hội Nhà văn? Trẻ ? Thanh Niên, Phụ Nữ, Đà Nẵng, Hải Phòng ? Tôi tính đến từng  nhà xuất bản để tìm những gương mặt sáng giá và dũng cảm, tỷ như Bùi Văn Ngợi của NXB Thanh Niên, Đà Linh của NXB Đà Nẵng, Phạm Ngà của NXB Hải Phòng, dám cho in Chuyện kể năm 2000, Học phí trả bằng máu, Bóng đè, Ba người khác, Hồi ký Đoàn Duy Thành vv...
Trong tình thế báo chí xuất bản hiện nay, sau khi Bùi Văn Ngợi, Đà Linh phải chuyển công tác, Phạm Ngà về vườn, hơn sáu mươi nhà xuất bản cả nước nhất nhất đi hàng một lề đường bên phải, ai cũng muốn giữ lấy cái ghế, cái niêu cơm của mình. Thà phụ người còn hơn phụ chính thân ta.
Viết đã khó, nhưng để in ra được còn ngàn lần khó hơn.
Hôm ở Sài Gòn, gặp ngày hội sách, tôi và Phương đã ướm thử vài gương mặt chánh phó giám đốc các nhà xuất bản. Mời họ đi ăn. Trò chuyện. Nhưng tôi liền thất vọng. Họ khôn ngoan nhưng bảo mạng, thiếu niềm đau đáu với văn chương, thiếu phẩm chất một Mạnh Thường Quân, một tấm lòng bà đỡ. Nếu nài nỉ họ in cho mình thì họ cũng bắt sửa chữa, cắt xén những " ngòi nổ", những trang tâm huyết, để còn lại một cuốn sách vô thưởng vô phạt, nhạt như nước ốc.
Người tôi kỳ vọng nhiều nhất, hầu như tuyệt đối là Nguyễn Khắc Trường, cha đẻ của tiểu thuyết sáng giá " Mảnh đất lắm người nhiều ma". Chỉ còn vài tháng nữa, ông sẽ nghỉ chức Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội nhà văn. Là ông quyết chí thế, chứ cơ quan chủ quản chưa có ý định cho ông nghỉ.Mấy lần Trường nói với tôi :"Chán quá ông ạ. Trung Trung Đỉnh không động viên thì tôi đã nghỉ từ đầu năm rồi ". Chơi với Nguyễn Khắc Trường hai chục năm, từ ngày tôi còn biên tập trang văn xuôi báo Văn Nghệ và ông về làm phó Tổng biên tập, tôi quá hiểu tính ông. Chúng tôi có thể ngồi với nhau cả buổi, cười khơ khớ, sằng sặc khi bàn đến những nhố nhăng, hài hước thế sự, văn chương mà không biết chán. Trong rất nhiều cuộc chấm giải, hầu như tôi và Trường thường có những đánh giá thẩm định trùng hợp nhau về một truyện ngắn, một tiểu thuyết. Tỷ như trường hợp Mạc Ngôn, từng xôn xao một thời với " Báu vật của đời" và " Đàn hương hình".Cả hai chúng tôi đều thống nhất: " Báu vật của đời" thường thôi. Nhà văn Việt Nam có thể viết hay hơn thế, nếu thực sự có tự do sáng tác và không bị kiểm duyệt. Nhưng đến "Đàn hương hình" thì Mạc Ngôn đã lên đỉnh rồi, khó ai vượt nổi.
Ít tác phẩm, tác giả nào chúng tôi bất đồng chính kiến. Người viết văn mà không biết thẩm văn thì cũng giống như kẻ võ biền, cậy sức, cậy tài mà không có binh pháp. Có khối người biên tập đáng lẽ nên góp ý tác giả bỏ đoạn đầu thì lại đè ngửa ra cắt đoạn kết. Cùng làm biên tập trang văn xuôi với nhau ở báo Văn Nghệ, tôi hiểu Nguyễn Khắc Trường thẩm tinh mà sắc, luôn trân trọng bản sắc, sự tìm tòi và thực sự xa lạ với thói ganh ghét, đố kỵ tài năng. Ông không ham hố, ít cố gắng để chiếm lĩnh một cái này, cái nọ. Nhưng nếu vì thế mà bảo ông nhạt nhẽo đơn giản thì quá lầm. Trường là người kiêu ngầm, đôi khi khủng khỉnh và đặc biệt coi thường những ai quan dạng, hãnh tiến, thớ lợ, kệch cỡm. Gặp những người này, ông thường tránh xa, coi như không quen biết.
Sau "Mảnh đất lắm người nhiều ma", Nguyễn Khắc Trường ngồi tót lên chiếu trên của làng văn.Tôi biết, ông rất muốn ngồi lên cao nữa. Ông muốn làm hẳn một sêri về nông thôn, ngang với hai ông Thầy là Tsêkhôp và Nam Cao mà ông luôn treo ảnh trong phòng viết. Nhưng sau khi cho đăng mấy chương đầu của tiểu thuyết " Trang trại" thì ông ngộ ra rằng mình đang cưỡi hổ mà chưa biết cách xuống như thế nào. Cái làng Giếng Chùa với lão Khuềnh ngộ nghĩnh và bi hài (mà nhờ tivi, còn nổi tiêng hơn cả cha đẻ của lão), thì ông quá quen thuộc, chứ trang trại, lại là một trang trại thời mở cửa, thì ông chưa hình dung ra thế nào. Thế là ông bèn  cứ ôm lấy lưng cọp và  nằm bẹp một chỗ.
Ngừng viết, Nguyễn Khắc Trường dồn hết thời gian để đọc bạn bè. Mà đọc bản thảo thời buổi này là một cực hình. Nhiều nhà văn cùng lứa, trước khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản đều muốn Trường đọc thẩm trước.
 Tôi không muốn ông là một phép thử. Cũng không muốn đẩy ông vào tình thế khó xử. Tôi tin, ông sẽ hành xử như chính con người ông.
Giữa  tháng sáu, tôi mang bản thảo  Tốt sang sông đến phòng Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn và bảo:
- Tôi nộp quyển cho ông. Nếu in được thì là nguồn hạnh phúc nhất đời tôi. Nếu không in được ông cũng nói thẳng.
 Tôi nhìn vẻ mặt ông "lắm người nhiều ma" và đọc được một nét vui bạn bè khi ông cầm tập bản thảo nặng trịch như một tảng gạch Bát Tràng.
- Kính nể đấy - Trường nhìn tôi, cười khục khục, rồi như thói quen, thêm một câu khôi hài - Tôi đặc biệt sợ hãi những hòn gạch bát như thế này.
 Tôi tiếp :
- Nhưng tôi còn sợ  hãi hơn vì hôm nọ ông đã quăng đi một hòn gạch bát còn dày và nặng hơn của một nhà văn đang nổi tiếng...
Lần này, rất có thể Tốt sang sông của tôi cũng bị Trường khước từ. Trước khi hưu, ông không muốn sa vào vòng tố tụng, chẳng hạn.


                                                  ***


Giữa tháng bẩy, Nguyễn Khắc Trường gặp tôi và bảo : " Tôi đọc xong rồi. Có cắt đi mấy đoạn, tổng cộng độ hai trang thôi. Sẽ đưa cho biên tập viên đọc và viết phiếu thẩm định..."
Tôi như muốn khuỵu xuống, muốn phủ phục mà vái sống Nguyễn Khắc Trường. Cả nền xuất bản nước CHXHCN Việt Nam, chỉ có bộ ba Nguyễn Khắc Trường - Trung Trung Đỉnh - Tạ Duy Anh mới dám cho in Tốt sang sông.
 Nguyễn Khắc Trường lấy chai rượu thuốc Amakông, chậm rãi rót đầy hai chén. Tôi biết, không nói ra, nhưng ông đang muốn chúc mừng.
 - Này, nhưng cái tít truyện thì phải xem lại. Tôi nhớ, ông Nguyễn Trọng Oánh có một cuốn tiểu thuyết chừng hơn hai trăm trang có tựa đề  Khi con Tốt sang sông.
Tôi sững người. Về trí nhớ của ông " lắm người nhiều ma" thì tôi đã ngả mũ từ lâu.
 Tiếc cái tên đã đặt, với lời đề từ trích một câu của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời: Một con tốt lọt qua sông là cái giá trị nó bằng nửa sức con xe rồi.Ở đời không nên khinh thường cái gì. Con tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế... ".
Ba ngày sau, Thời của Thánh Thần, tên tập thơ của nhân vật Nguyễn Kỳ Vỹ,  đã trở thành tên của tác phẩm. Tôi gọi điện cho Nguyễn Khắc Trường. Nghe thấy tiếng cười khục khục của ông bên kia máy: "Ông chơi quả độc thế này, thì hết ý rồi... Báo cho ông một tin vui : Tạ Duy Anh đã viết thẩm định. Ngày mai ông mang tiền đến nộp và lấy giấy phép."
Tôi như người đang bay lên mây. Tôi tính tiếp đến khâu tiêu thụ.
 Thực ra, chưa bao giờ tôi phải lo đến khâu in ấn và bán sách .Chỉ cần tôi đánh tiếng, sẽ có hàng chục đầu nậu muốn in và phát hành. Xưa nay, sách của tôi không khi nào ế. Hơn hai chục đầu sách tôi đã in, không có quyển nào nằm phủ bụi trên quầy. Nhưng " Thời của Thánh Thần" thì khác. Chỉ cần một "hậu duệ" của Tần Thủy Hoàng đánh hơi thấy, sẽ bị nghiền nát từ trong trứng. Tôi cũng không muốn để nhà xuất bản Hội nhà văn đứng ra in, vì cơ chế và sự trì trệ của nó. Nếu có sự biến, dù đã in xong cũng sẽ bị ách lại, không  một cuốn nào lọt nổi  ra ngoài.
Tôi mang bản thảo đến nhà sách N.
Chỉ ba ngày sau, vị giám đốc, một trí thức đã nghỉ hưu có óc thẩm văn sành điệu, đã điện cho tôi: “ Chú viết dữ dội quá. Đọc không dứt ra được. Cứ như viết về gia đình tôi. Để tôị in và phát hành cho chú. Nếu chú muốn, tôi sẽ mua đứt bản thảo...”
Gặp vị giám đốc nhà sách N, tôi yên tâm vô cùng.
Vậy là, số tôi có quý nhân phù trợ. Giấy phép, nhà in, nơi tiêu thụ...cứ tuần tự như tiến. Ngày 8 tháng tám , tiểu thuyết Thời của Thánh Thần xuất xưởng.
Ngày 12 tháng tám, 30 cuốn sách được chở đến Nhà xuất bản Hội nhà văn nộp lưu chiểu. 1000 bản sách được giao cho đại lý phát hành.
Tôi giao hẹn với đơn vị phát hành: Đúng mười ngày sau, theo luật xuất bản, mới được đưa bán trên thị trường.
Làm xong những công việc cực nhọc ấy, tôi như người qua cuộc vượt đẻ, chống chếnh, hoang liêu...Nếu tính từ ngày đặt dấu chấm hết cho bản thảo Thời của Thánh Thần đến khi sách ra khỏi nhà in, mới có bẩy mươi hai ngày. Một khoảng thời gian trong mơ. Một chuỗi ngày phấp phỏng, lo âu, toan tính, chờ đợi.
Bây giờ thì tôi muốn đi một nơi nào, đi thật xa Hà Nội. Phần vì tôi đang căng lên, như quả bóng  ứ đầy chất khí, có thể là hydro, hoặc ôxy- hydro hỗn hợp. Sướng quá, buồn quá, lo lắng quá, cũng dễ nổ. Phần vì tôi có tâm trạng nơm nớp bất an. Tôi đang là kẻ phản động? Tôi đang chống lại nhà cầm quyền? Tôi cảm giác như có một ai đó, mặc thường phục, chứ không phải sắc phục cảnh sát, đang đi theo tôi, rình rập ở một góc khuất nào. Chợt nghĩ đến cái chết của gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh trên đoạn đường 5 Hải Dương năm nào, mà hãi. Thực ra là một tai nạn giao thông, nhưng người ta đồn hồi ấy Lưu Quang Vũ viết kịch bạo quá. Toàn những Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt... đánh trực diện vào giới cầm quyền ...
Đúng lúc ấy, có điện từ Sài Gòn ra : “ Ba ngày nữa em ra cứu trợ Yên Bái, Lao Cai. Anh đi với em nhé”.
Thì ra những cơn lũ quét tàn phá thượng nguồn sông Hồng mấy tuần nay khiến Hiền Phương động lòng trắc ẩn. Tuổi thơ của Phương từng cùng mẹ và các anh chị em gắn bó với vùng trung du Phú Thọ. Cái thị xã nhỏ xinh và thơ mộng bên dòng sông Thao mỗi lần  nhớ đến là lại gợi lên một mảng đời ly tán, cơ cực, xa xót...Sông Thao, chính là một đoạn của sông Hồng, con sông dường như chưa có mùa nào trong xanh. Hung dữ vô cùng là những mùa lũ. Củi từ thượng nguồn tấp vào thị xã từng núi. Cả bệnh viện của mẹ, cả thị xã  hò nhau ra vớt củi. Trong khi người ta khuân những cây lớn, thì Phương đi nhặt những cành củi bé bằng ngón tay bó thành từng bó mang về cho mẹ...Có lẽ vì từng qua kiếp nạn cay cực mà bây giờ cả cha mẹ, anh chị em Phương đều theo đạo Phật, nhiều người ăn chay trường. Năm nào họ cũng dành tiền đi cứu trợ. Năm kia đảo Lý Sơn, năm ngoái miền tây Quảng Ngãi, Phú Yên. Và năm nay là Yên Bái, Lào Cai...
 Tôi sẽ đi cứu trợ với Phương. Vậy là tôi như được tháo cởi, như sắp được an nhiên hỷ xả. Lên với  đồng bào vùng cao đang trong cơn đại họa lũ quét là việc làm đại nghĩa và là cơ hội để tôi xả stress lúc này. 


                                                 ***
                                        
                                       Nhà văn H. Phương với các cô gái H'mong đi rừng về



                                     Xe sa lầy trên đường lên Ý Tý, Bát Sát, Lao Cai.


Chiếc xe Ford Everest tám chỗ ngồi mang biển số 52S-7848 chạy từ Hà Nội lên Yên Bái lao trong mưa tầm tã. Đây là chuyến đi cứu trợ gia đình, nên thành phần ban đầu chỉ có hai mẹ con Phương từ Sài Gòn ra, đến Hà Nội thêm tôi ,Vân và Giang lái xe. Khi xe chuẩn bị khởi hành, thì chị Hoàng Thu, chị ruột của Phương, điện theo: “Mẹ bảo cả gia đình ta tập trung cứu trợ bà con Yên Bái và Lao Cai. Chị sẽ bay ra Nội Bài rồi ngược tàu lên Lao Cai. Em nhờ vợ chồng Thức Hải chuẩn bị  500 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng”.
 Vợ chồng Hải Thức đều là cán bộ nhà nước, là chỗ bạn quen mấy năm nay,  quí chị em Phương như người trong gia đình. Mỗi lần lên Sapa, họ đều gặp nhau, thưởng thức món lẩu nấm gà tuyệt hảo và món xôi nếp màu đỏ, vàng, tím đồ bằng các loại lá cây rừng, một bí quyết ẩm thực của người Tày mà Hải đã học được từ mẹ.
Phương ghé tai tôi nói nhỏ: “Chuyến công quả này em chỉ có tám mươi triệu, định đi lẻ một mình. Ai ngờ khi ra sân bay, nhiều người biết tin, điện tới tấp xin gửi.Chị Thu mắng em, sao không nói với chị. Thế là chị quyết mang tiền bay ra.Giờ thì đã thành một chiến dịch cứu trợ toàn gia đình và bạn bè với hơn ba trăm triệu đồng...”
Tôi bảo: “Em phải báo sớm cho Hải chủ động mua hàng. Mình chỉ ở Yên Bái hai ngày rồi lên Lao Cai ngay.”
Phương bấm máy điện thoại gọi cho Hải:
- Em ơi. Không phải 50 suất như chị nói với em ban đầu, mà 500 suất em ạ. Có thể mình mua trước 200 suất ở Yên Bái, sau đó lên Lao Cai mua tiếp 300 suất. Nhất thiết phải có gạo em ạ. Mười cân một suất thì ít quá. Hai mươi cân đi. Ngoài ra là đường, muối, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn, thùng nhựa 100 lít đựng nước, chăn, màn, nồi soong ... Đừng mua chăn mỏng quá. Mua chăn Trung Quốc loại hai cân em ạ. Và màn đôi nữa. Màn tuyn May 10. Em cứ tính sao mỗi suất 500 000 đồng nhé. Chị sẽ mang tiền lên ngay... 
                                                      Xe cứu trợ đến xã Ý Tý


Tôi đã thấy không ít các đoàn cứu trợ của các cơ quan, đoàn thể. Họ đi từng đoàn dài, xe lớn, xe con lũ lượt, nhiều khi còn trống dong cờ mở, băng rôn đỏ chói. Đến nơi bị thiên tai, làm thủ tục chuyển giao cho lãnh đạo địa phương, rồi phát biểu, quay camera, ghi hình, viết lưu niệm. Sau đó kéo nhau về huyện, về tỉnh dự chiêu đãi, chủ, khách nâng cốc, chúc tụng, cám ơn. Nhiều khi khách ba chủ nhà bẩy. Mang cho người hoạn nạn một thì tiền xăng xe, ăn ngủ khách sạn nhà nước phải chi gấp ba...Kính chẳng bõ phiền.
Đoàn cứu trợ của Phương khác hẳn. Lặng lẽ và vô danh. Không cần người nhận quà biết tên mình là ai, ở đâu. Khước từ mọi dòng tin trên báo chí. Từ chối quay phim, chụp ảnh. Sự nhờ vả duy nhất của mỗi đợt cứu trợ là thông qua Hội chữ thập đỏ và chính quyền địa phương để có một danh sách những người dân bị nạn cần phải trợ giúp. Từ đây, bắt đầu con đường của tỳ kheo đến với chúng sinh của Phật.  Phương thuê xe, thuê phương tiện, rồi mang từng suất quà trao tận tay mỗi gia đình.
Xe đến thành phố Yên Bái thì trời hửng nắng. Nhà vợ chồng Hải Thức ở gần quảng trường trung tâm, nên hàng hóa đã được Hải gọi các chủ hàng mang đến không khó khăn gì.
Trong khi Hải và Phương lo đóng gói hai trăm suất hàng, thuê xe vận tải để chở quà đến các địa điểm cứu trợ Trấn Yên, Lục Yên...thì tôi thuê xe ôm phóng đi tìm nhà thơ Ngọc Bái, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Yên Bái, người bạn của tôi từ mấy chục năm trước. Anh chính là bạn văn đầu tiên của vùng lũ quét mà tôi muốn gửi cứu trợ Thời của Thánh Thần. 
Đường ra nhà ga Yên Bái bùn ngập nửa bánh xe, phải quay tìm lối đi khác. Nước lũ từ sông tràn ngập nhà ga một tuần, nhiều đoạn đường sắt  từ Trấn Yên lên Phố Lu chìm sâu dưới nước, phong tỏa toàn bộ tuyến đường sắt từ Yên Bái đi Lào Cai.
Vượt cầu Ô Lâu, tôi đến nhà người quen của Ngọc Bái hỏi địa chỉ anh nhưng không gặp. Thuận đường, tôi ra bến phà Ô Lâu cũ. Chao ôi, tang thương ngẫu lục. Cả một xóm nhà ấm cúng và thơ mộng bên bến phà xưa  với những hàng cau cao vút, những cây bưởi, cây mít lâu năm xum xuê, nay chỉ còn là một bãi đá. Một ngọn lũ cắt dọc cánh đồng từ tít khúc ngoặt dòng sông trên kia lao xuống, cuốn sạch bảy ngôi nhà. 
                                                          Chia kẹo cho trẻ em



Ngay chiều hôm ấy đoàn cứu trợ của Phương đã đến Ô Lâu. Chúng tôi tặng mỗi gia đình một suất quà 500 000 đồng. Phương tần ngần nhìn bãi đá mênh mông phủ kín xóm phà, rút ví cho vào mỗi phong bì 500 000 đồng nữa, trao cho bẩy gia đình.
Chiếc Everest cùng hai xe tải thuê mang biển số 24N 4209 và 24N 3272 được các chiến sĩ công an lái xe dẫn đường đi lên vùng lũ quét Trấn Yên và Bảo Yên. Con đường 37 chạy dọc thềm sông Chảy, ngày thường đã bị hàng nghìn chuyến xe tải siêu trọng, mà theo người dân nói đó là xe chở quặng của các chủ mỏ mang bán cho Trung Quốc, băm vằm đến nát như tương. Người dân bảo, quan đầu tỉnh đầu huyện nào cũng có một hai mỏ. Sắt, kẽm, đồng, than, antimon,vàng, chì..., mỏ gì cũng có. Nhỏ thôi, vài ba chục đến 49  hecta. Nếu to quá thì phải chia cho nhỏ ra, mỗi mỏ dưới 49 hecta để tỉnh dễ cấp phép khai thác. Mỏ từ 50 hecta trở lên, phải đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ. Rách việc. Mỏ dầy đặc. Rừng phá vô tội vạ để khai mỏ, làm thủy điện nhỏ, thế nên chỉ cần một trận mưa hơn trăm ly là đã lở đất, sập núi, lũ quét tuôn ào ào như quái vật từ các hang hốc chui ra. Thì kia, con đường men theo sông Chảy còn ác liệt hơn cả đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Những đoạn đường lầy thụt, nhiều xe patinê hàng giờ, bốn bánh xe quay tít như chong chóng, khói phụt đen đặc mà không thoát khỏi một hố sâu. Và kia, một xóm nhỏ bên đường bị vùi trong đất đá. Một dòng sông đá, dài chừng cây số, kéo từ trong khe núi trước mặt phóng ra . Những hòn đá cỡ con trâu, con voi, thậm chí có tảng như mái nhà, không hiểu bằng sức mạnh siêu nhiên  nào lại có thể “bay” hàng vài trăm mét từ trong khe núi  ra tới bãi đá kia? 
Đến đầu huyện Bảo Yên, đường bị chặn. Nghe nói có xe của Thủ tướng Chính phủ lên thị sát nắm tình hình. Lại nghe nói một xe tải sa hố, quay ngang, không xe nào qua nổi. Xe xếp hàng hai đầu dài vài cây số. Có tới vài đoàn xe cứu trợ, băng ron đỏ chóe, vàng rực, cũng đang phải xếp hàng.
          Hoàng Minh Tường cùng các bộ Chữ thập đỏ và một số người dân được cứu trợ




Trong khi chờ đợi, mọi người nghe Vân, với giọng đọc diễn cảm như phát thanh viên của nhà đài, đọc một vài đoạn Thời của Thánh Thần để giết thì giờ. Không gặp được nhà thơ Ngọc Bái, tôi đành mang sách theo, đợi khi về sẽ gửi tặng. Không hiểu sao, lòng tôi bỗng nóng như lửa đốt. Tôi mường tượng ra ở Hà Nội đang có một cuộc náo loạn. Người  kéo đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn rầm rập. Công an rú còi xe đi tìm tôi, truy bắt bằng được kẻ vừa tung ra thứ vũ khí hủy diệt chết người.
Tim tôi nhảy thách lên khi có tiếng chuông điện thoại. Tôi mở cửa xe, nhảy lên một gốc cọ trên bìa ta luy đường. Số điện thoại lạ hoắc.
- A lô, ai gọi tôi đấy ạ? - Tôi cố trấn tĩnh, giọng lạnh lùng.
- Chào tác giả Thời của Thánh Thần. Tôi là Thực đây. Tôi vừa đọc hai đêm hai ngày cuốn tiểu thuyết của anh...
Vậy là sách của tôi đã đến tay độc giả. Có thể người ta đang đổ xô đi tìm nó khắp Hà Nội.Nhưng Thực nào nhỉ?  Một giọng nam trầm ở tuổi sáu mươi. Tôi không hề quen người này.Làm sao mà ông ta lại có số điện thoại của tôi? Hãy cảnh giác. Đây có thể là một độc giả nồng nhiệt, cũng có thể là nhân viên an ninh. Tôi tự nhủ và trả lời dè chừng để thăm dò.
Người đối thoại lại quá ư nồng nhiệt. Ông kể, ngần này tuổi mà vừa đọc ông vừa khóc.Tôi đã nói hộ hàng triệu người thế hệ ông. Tôi đã dựng lại những mảng tối khuất lấp mà bao nhà văn lâu nay vẫn còn lé tránh...Các nhân vật trong truyện sao giống gia đình ông thế. Nguyễn Kỳ Vọng hệt như ông chú ông. Ông nội ông lại có bóng dáng của ông Cử Phúc. Rồi ông hỏi: Tư Vuông là ai? Chiến Thắng Lợi là ai? Nguyễn Kỳ Vỹ là nguyên mẫu của nhà thơ Hoàng Cầm hay Hoàng Yến?
Tôi vã hết mồ hôi sau cuộc điện thoại. Bàng hoàng. Sung sướng. Và lo âu.


                                                   ***


Từ thành phố Lao Cai, chúng tôi đón chị Lê Hoàng Thu, cháu Khánh ở ga xe lửa, chất đầy ba trăm suất quà mua ở chợ Cốc Lếu, rồi ngược triền sông Hồng, vượt hơn trăm cây số, qua những cổng trời và hàng trăm cua tay áo, lên  hai xã Ý Tý và Ngải Thầu, phía bắc huyện Bát Xát. Đây là hai xã của người H’mông, nằm ở vùng đầu mút “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Trận lũ quét  và lở đất tuần trước đã làm mấy trăm hộ dân không còn tài sản, nhà cửa.
Ngoại trừ mấy đoạn dốc men hẻm vực, nơi con đường bị sạt lở, có chỗ đất đá chất ngất chắn ngang, có chỗ đường bị khoét hàm ếch, chênh vênh đầy nguy hiểm, còn lại là những đoạn đường xuyên sơn ngoạn mục như trong phim thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Có hai địa danh mà một người viết văn, hay những ai làm nghệ thuật nói chung, nếu không đến một lần trong đời, sẽ thiếu hụt vô cùng. Ấy là phố núi Bản Vược và khu rừng nguyên sinh Dền Sáng. Thúy, người dẫn đường ở Hội chữ thập đỏ Bát Xát từng là một cô giáo có bảy năm dạy học ở Bản Vược nên rất am hiểu vùng này. Khi thấy tôi nhìn như bị thôi miên bởi mấy cô thiếu nữ H’mông xuống chợ, Thúy cười bảo: “Họ đẹp quá phải không?”. Tôi bảo: “Chưa thấy đâu mật độ gái đẹp đậm đặc như ở đây. Mà kỳ lạ chưa, nhiều cô hao hao như người Âu, dáng cao, da trắng hồng, mắt to, mũi thẳng...” “Anh nhận xét đúng đấy. Vì sao anh biết không? ” Không đợi tôi trả lời, Thúy giải đáp ngay: “Trước năm 1954, ở Bản Vược có một đồn binh Pháp.Người Pháp lập hẳn một phố Tây. Binh lính, sỹ quan Pháp lấy người bản địa, sinh con đẻ cái. Tỷ lệ người người Âu lai ở đây giờ đã đến thế hệ Ep 5, Ep 6. Kia, cả mấy người đàn ông kia, tóc hoe vàng, mũi thẳng, mắt xanh, trông giống Tây chưa? Họ dường như rất gần với thế hệ Ep1.”
Xe đến khu rừng nguyên sinh Dền Sáng. Mọi người cùng trầm trồ, nháo nhác nhìn ra hai bên đường, nhìn lên cao. Chúng tôi đang đi dưới bóng cây râm mát. Một cánh rừng đại ngàn với những cây cổ thụ vài người ôm, cao vút từng trời. Một cánh rừng nhiệt đới điển hình với ba bốn tầng thực vật, sum suê, xanh mướt. Ô kìa, sa mu. Cả một dải rừng sa mu. Những cây sa mu cao to lừng lững, vài trăm tuổi, như những vệ sĩ khổng lồ đứng trấn một vùng biên viễn. Bỗng gợi nhớ phố núi Sapa, nhớ khu nhà Vương của vua Mèo Vương Chí Sình ở đỉnh trời Đồng Văn, Hà Giang.Gặp loại cây đặc hữu này, biết là ta đang ở rất cao, rất gần với thăm thẳm bầu trời.
- Anh hãy nhìn cánh rừng dưới mặt đất - Thuý nhắc tôi.
 Tôi trầm trồ. Đúng là một cánh rừng sát mặt đất. Xanh ngằn ngặt, xanh mỡ màng. Liên tiếp những vạt cây vừa giống như loài lá dong, vừa giống như loại cây giềng xanh miên man dưới tầng thấp đại ngàn.
- Sa nhân đấy. Anh đã thấy rừng sa nhân thế này ở đâu chưa? Đây là loài cây dược liệu quý, là nguồn sống của người Hà Nhì - Thuý nói và chỉ xuống thung lũng trước mặt, nơi quần tụ mấy chục ngôi nhà lợp mái tôn xanh, đang ánh lên trong nắng.- Giá anh gặp những thiếu nữ Hà Nhì đi hái sa nhân thì thích nhỉ? Họ sẽ làm anh muốn trở thành một hoạ sĩ... Nhờ có cây sa nhân của người Hà Nhì mà cánh rừng nguyên sinh này được bảo vệ cho tới bây giờ đấy anh ạ...
Thấp thoáng bên hàng rào, rực rỡ sắc đỏ, vàng, những chăn gối, váy áo thiếu nữ hong phơi. Cái làng người Hà Nhì thật sinh động, đầy hoà sắc, như một đoá hoa lớn giữa đại ngàn. Người Hà Nhì, người H’mông, người Lô Lô, người Pu Péo luôn ở gần nhau, dọc một đại sơn mạch. Nhưng nếu người Hà Nhì, người Lô Lô chọn lưng chừng núi, thì người H’mông sẽ chọn nơi cao hơn, sát với đỉnh trời.
Từ Dìn Sáng đến Ý Tý, con đường vụt hiểm trở và ngỡ như những  cái thang màu nâu sậm bắc dựng đứng lên trời. Có một đoạn patinê, mọi người dầm chân xuống bùn quánh, đẩy dẹo xương sườn. Chỉ một chút xíu là chiếc Everest đổ kềnh xuống vực. Hú vía.
Cuối cùng, gần trưa, ba chiếc xe đầy người và hàng hóa cũng tập kết được vào giữa khu trung tâm văn hoá xã Ý Tý. Đó là một bãi đất bằng. Ở giữa, là khu nhà chợ rộng vài trăm mét vuông, tường gạch, lợp ngói. Bên phải là nhà hợp tác xã mua bán xã, phía trước là khu nhà uỷ ban, nhà đoàn thể, cửa hàng ăn, bưu điện, trạm y tế. Phía bắc khu trung tâm, là dãy núi đá biên giới cao ngất, nơi có đồn biên phòng Ý Tý , và xa nữa là đồn biên Ngải Thầu. Mùa tháng ba, dọc dãy núi đường biên kia sẽ đỏ chói hoa gạo, loài hoa mà đồng bào vùng cao vẫn gọi là mộc miên. Bỗng nhớ truyện ngắn  Hoa gạo đỏ của nhà văn Ma Văn Kháng viết về vùng đất Bát Xát này: " Khắp đất nước, có lẽ không ở đâu hoa gạo có cung màu đẹp tuyệt như ở đây. Ở đây, trời xanh trong vắt, thanh lọc đến kỳ hết vẩn bụi và mắt người như nhìn thấu tới tận cõi vô cùng..."  Không sống ở đây, không đặt chân tới xã vùng cao Ý Tý này, sẽ không thể viết được những câu văn như thế. Đúng là trời xanh trong vắt. Đứng ở đây, trên độ cao hơn hai nghìn mét so với mực nước biển, tôi chỉ cách đỉnh Phanxipan, nóc nhà nước Việt chừng vài chục cây số đường chim bay. Cảm giác mình đang đứng gần đỉnh trời là hoàn toàn có thật. Bởi không khí tôi thở rất trong và nhẹ. Ánh nắng mỏng tang và nuột nà như một thứ phấn hoa vàng ai thả trong gió. Tầm mắt tôi phóng tít dọc sơn mạch Hoàng Liên, sang Sapa, Phong Thổ, phóng xuống tận cánh rừng đại ngàn Dìn Sáng tôi vừa qua, và xa nữa, xuống tận châu thổ sông Hồng...
Khung cảnh thần tiên ấy, bỗng bị kéo xộc về thực tại, khi từng đoàn người, một màu thâm đen, từ các bản kéo về khu trung tâm để nhận quà cứu trợ. Những đứa trẻ chân đất, áo đen cài khuy vải, đầu tóc cháy khét mùi nhựa cây. Những người đàn ông sắt lại như lõi thép. Những người mẹ địu con sau lưng, váy xoè trĩu nặng. Những thiếu nữ vừa đi nương về, vai, trán hằn dây gùi bó củi dài hơn người... Họ là những nạn nhân của vụ đá lở, kéo sập nếp nhà chênh vênh bên sườn dốc, của dòng lũ quét từ sườn núi ộc ra, của cơn gió xoáy đen trời bốc theo mái nhà, đồ đạc, lợn gà...Mắt tôi như mờ đi trước đám người thâm đen kia. Tôi nói với Phương:
- Chúng ta làm từ thiện bao nhiêu cũng không đủ để tạ lỗi trước những con người khốn khổ kia. Em thử tưởng tượng xem, nếu một ngày nào đó tất cả những người H’mông, người Dao, người Hà Nhì trên dọc dải biên cương này cùng bỏ đi, để kéo nhau về Hà Nội, Sài Gòn, để về gặp em xin được cạo mủ cao su chẳng hạn,... thì còn ai canh giữ vùng phên dậu, và đất nước mình sẽ ra sao?
Phương lặng im. Nàng lau nước mắt và cầm gói kẹo chạy đến với đám trẻ đang quây tròn giữa đám ô dù sặc sỡ.
Bỗng nhạc chuông điện thoại trong túi tôi lảnh lót. Nhìn số máy, tôi giật thót người.
- Ông đang ở đâu đấy ? - Giọng Nguyễn Khắc Trường không bình thường.
- Tôi đang ở trên đỉnh trời Lao Cai.
- Thế thì ông phải về ngay. Có sự rồi.
- Làm sao? Có lệnh thu hồi à?
- Đã bảo ông đợi hết thời hạn nộp lưu chiểu mới được phát hành...
Nghe giọng, tôi biết ông "Lắm người nhiều ma" đang hoang mang lắm. Thì ra kẻ sĩ Bắc Hà cũng khiếp sợ lắm rồi. Mình về hưu đã đành. Nhưng còn con cháu mình? Thằng con trai duy nhất của Nguyễn Khắc Trường, phóng viên báo An Ninh thế giới, năm ngoái vừa đoạt giải cao báo chí toàn quốc, lại mới được phong hàm trung uý, đang là hạt giống đỏ. Bố sống kiểu ất ơ ngoài vòng pháp luật, để con liên luỵ, bị gạt khỏi cơ chế, nó oán suốt đời... Khổ thế, cái máu sĩ phu thời nay đã nhạt như nước mào gà rồi. Đến như tôi, kẻ quyết dấn thân bằng ngòi bút, cũng đang như ngồi trên chảo lửa đây. Tôi nhẩm tính: Ngày 12 nộp lưu chiểu. Hôm nay 22 tháng tám...
- Thì ông ông tính xem, đúng hôm nay là ngày thứ mười. Sau mười ngày nộp lưu chiểu, có quyền phát hành theo luật xuất bản. Tôi cho đây là cái cớ để thu hồi. Ông đừng hoang mang quá...- Tôi trấn an Trường.
- Chuyện không đơn giản đâu. Cơ quan tôi đang náo loạn lên...Tôi đang đợi ông về để đi thu hồi Thời của Thánh Thần...
Chừng như đoán được mức nghiêm trọng của câu chuyện, cả Phương, cả chị Thu, rồi Văn, Khánh, Giang, Vân cùng quây lấy tôi, tưởng như tôi sắp phải đi tù. Tôi nén một tiếng thở dài, nhìn ra đám người quần áo một màu xám đen, bơ phờ, mỏi mệt, vừa trải qua một trận lũ quét kinh người, đang từ các khe núi ùn ùn kéo đến để chờ nhận phần quà cứu trợ.
Nhân dân của tôi đấy.
Họ vừa trải qua những ngày đại hoạ mà sao gương mặt họ vẫn vô tư như trời đất. Hay vì họ chịu đựng đã quá nhiều, nên đã quen với hết thảy nỗi đau?
Họ đâu có biết, có một người đi cứu trợ họ, chia sẻ với họ một bát cơm ngày khốn khó, cũng đang đứng trước một hoàn cản hiểm nghèo...
Họ đâu có biết, chỉ ba ngày nữa thôi, giữa phố phường Hà Nội, nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập nhà xuất bản Hội Nhà văn, cùng tác giả Hoàng Minh Tường , theo lệnh của nhà chức trách, phải dong chiếc xe tàng màu trắng sữa, đi từng hiệu sách dọc phố Đinh Lễ, phố Nguyễn Xí, Tràng Tiền để thu hồi những cuốn tiểu thuyết Thời của Thánh Thần vừa ra khỏi nhà in...
Nhưng Nhân Dân của tôi ơi, có ai cứu giúp được Nhà Văn ?

                                                    Lao Cai, Hà Nội, tháng 8.2008.
                                                                                tháng 8.2010
                                                                                             HMT
Tác giả gửi trực tiếp cho ĐVS

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn. Tôi đã vào và đọc http://sachtroi.blogspot

    Trả lờiXóa
  2. Chào bác Sinh và bác Tường,

    Cháu là Thảo Nguyên, Trước tiên cháu xin lỗi vì cháu vào đây mạn phép làm phiền 2 bác để xin thông tin liên lạc của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

    Cháu cũng tìm thông tin trên mạng nhưng trong những ngày tết này để tìm và hỏi thăm qua cơ quan bác Trường thì không tiện, nên cháu mạo muội phiền đến 2 bác giúp!

    Ba cháu là Nguyễn Hữu Bản, Ba cháu nói: vào những năm 1965 Ba và bác Trường là bạn lính cùng phòng thời ở Núi Đôi, Huyện Đa Phúc, đã 46 năm rồi không có tin tức...nhiều người bạn lính thời đó của Ba cháu cũng tưởng Ba cháu đã hy sinh...Ba cháu cũng mong liên lạc được với những người bạn thời chiến đấu... nên nếu không phiền 2 bác thì 2 bác giúp Ba cháu và bác Trường có thể liên lạc được với nhau nhé. Cháu rất cảm ơn!
    Nếu để thông tin liên lạc trên mạng không tiện, bác Sinh và bác Tường có thể gửi email giúp theo email: thaonguyentd@gmail.com

    Mong tin từ bác Sinh và bác Tường, chắc Ba cháu sẽ rất vui!

    Chúc Bác Sinh, bác Tường và gia đình 2 bác chào đón năm mới với nhiều sức khỏe, hạnh phúc và vạn sự như ý!

    Cháu Thảo Nguyên.

    Trả lờiXóa