Nhãn

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Cây mít Tố nữ


Đặng Văn Sinh
         Cây mít tố nữ
                        
                                                                             Truyện ngắn

Làng Yên Ninh thuộc tổng Cao Sơn, phủ Trường Lưu nằm dọc phía hữu ngạn sông Cái. Ðứng trên cao trông như mũi mác hơi phình ở giữa mà vuốt nhọn hai đầu. Ngày trước, nghe đâu từ thời Hồng Ðức, có quan Tư nghiệp Quốc tử giám, người tổng Phù Vân về quê, qua đò nhìn thấy thế đất làng Yên, bảo với anh học trò cùng đi :”Làng này được thế đất tốt nhưng tiếc rằng mạch bị chẻ làm hai nên đuối sức, hiếm nhân tài”. Lời tiên tri của quan Tư nghiệp tỏ ra ứng nghiệm. Hết đời này đến đời khác, dân làng Yên chỉ làm ruộng. Vụ nông nhàn, đàn ông thêm nghề quăng chài, đàn bà chuyên nhặt phân chó đem sang chợ Buộm bán. Những đời sau, các bậc kỳ mục trong làng thấy dân thất học thì lép vế với thiên hạ mới bàn nhau mở trường, đón thầy về dạy chữ thánh hiền cho con cháu những nhà khá giả. Ðược mười chín năm thì có người đỗ hương cống rốt bảng. Ðó là con trai nhà phú hộ họ Trần tên là Trần Phong. Tháng chín năm giáp thân, niên hiệu Cảnh Hưng, nhà họ Trần làm khao mời cả làng. Người hàng tổng đến dự cũng đông. Quà mừng chất đầy hai chiếc sập gụ kê ở chính sảnh. Gia chủ tay bắt mặt mừng kính cẩn đón khách. Dịp ấy đã vào tháng trọng thu. Heo may rải đồng. Tiết trời mát mẻ. Mùi hoa địa lan thoang thoảng như ngấm vào men rượu. Bà con xa gần ai nhấp chén cũng thấy ngọt. Tiệc đang vui ,có người vào báo quan Nghè Lương Xá đến mừng. Cả nhà rối lên. Cụ cố, thân sinh ông Cống tân khoa đích thân ra cổng rước khách. Ông nghè Phạm xuống ngựa, sửa lại quần áo ngay ngắn rồi lễ phép cúi chào:
-Thưa cụ cố, nghe tin anh cống Trần vừa đăng khoa, chúng tôi xin có lời mừng.
Cụ cố sợ thất lễ, cúi rạp xuống tạ lỗi :
- Chúng tôi ở xa, không biết quan Nghè mới từ Kinh trở về, xin ngài xá cho.
Ông nghè Phạm là nhà khoa bảng có học vị cao nhất hàng tổng, hàng huyện nhưng không bắc bậc làm cao kênh kiệu với thứ dân. Sau khi chắp tay đáp lễ hết lượt, ông đàng hoàng bước lên sập ngồi cạnh cụ tiên chỉ làng. Rượu được vài tuần , ông bảo ngưòi nhà mang nghiên bút để viết tặng đôi câu đối. Nét chữ ông Nghè sắc như cắt, đẹp tựa rồng bay phượng múa :
Kim nhật thư sinh đăng hương cống
Lai niên Trần tộc thủ giáp khoa
( Năm nay chàng thư sinh đậu cử nhân
Năm tới họ Trần sẽ có người đậu tiến sĩ ).
Mọi người còn đang trầm trồ thán phục đôi câu đối vừa phóng khoáng vừa hợp với gia cảnh thì ông Nghè lấy trong bọc ra chiếc túi gấm nhỏ đặt trước ông Cống tân khoa :
- Trong túi này có một hạt mít Tố nữ, là loại đặc sản phương nam. Tháng trước tôi đi kinh lý ở Vân Ðồn vùng Yên Quảng được một thương nhân Mã Lai biếu một quả. Mít này quý ở chỗ, ngoài vị thơm ngon không gì sánh được còn có tác dụng chữa một số bệnh làm cho người ta trẻ mãi lâu già. Nay anh Cống mới đăng khoa, tuy chỉ sơ giao nhưng cũng là môn sinh cửa Khổng sân Trình, ta tặng anh trồng lấy một cây mà giữ lộc.
- Ða tạ thịnh tình của quan Nghè.- Ông Cống tân khoa chắp tay cung kính nói.
Ông Nghè lấy hạt mít ra để trên lòng bàn tay nhìn ông Cống từ tốn bảo:
- Anh Cống nên lưu tâm, mít là loài cây ưa sạch sẽ, phong quang, rất kị nơi ẩm thấp, bẩn thỉu. Lại nữa, múi của nó thơm ngon, ăn một miếng, nhớ một đời, phải cho mọi người cùng chung hưởng, phúc mới dồi dào, lộc mới lâu bền.
Cả họ Trần cảm kích trước tấm lòng ưu ái của quan Nghè.
Hôm sau, ông cống Trần ươm hạt vào một cái giành nhỏ bằng tre để dưới mấy giò lan. Nửa tháng, hạt mít mọc mầm. Ðúng vào tiết xuân, ông đem cây mít con trồng vào góc vườn ngay trước cửa ngôi từ đường. Vừa trồng ông vừa nghĩ :” Ðây sẽ là thứ dưỡng già của mình sau này”. Như lời ông Nghè dặn, hàng ngày ông chăm sóc cây mít như chăm cây cảnh. Những lúc rảnh việc, ông thường về nhà vun xới, tưới tắm, mong cây lớn nhanh , sớm cho quả ngọt. Nhưng có lẽ giống cây phương nam này lạ thung thổ nên chậm lớn, mãi đến năm thứ bảy mới bói. Vụ đầu gặp mưa nhiều chỉ đậu một quả. Thời gian chờ đợi dài đằng đẵng. Ông Cống chỉ lo mất trộm bèn nghĩ ra cách đan một cái lồng rồi buộc xung quanh mấy ngọn rào tre gai bảo vệ. Vào trung tuần tháng tám, mít chín, ông bắc thang cẩn thận hái xuống. Ðúng như lời ông nghè Phạm nói, múi của nó nhỏ thôi nhưng ngọt sắc và toả mùi thơm rất lạ khác hẳn những thứ hoa quả ông đã nếm từ trước đến nay. Cũng phải nói thêm, ông Cống là người vốn không được quảng giao, lại hơi có tính vị kỷ, sợ mít Tố nữ bị thiên hạ lấy mất giống nên không biếu ai cả.
Năm tiếp theo cây cũng chỉ đậu ba quả. Lúc này ông Cống đã sung chức Tham biện trên trấn. Ðường quan đang thuận chiều. Mít chín, ông để nhà một quả, biếu quan Hiệp trấn một quả , còn một quả gửi quan Phủ. Các ông này đều là thượng liêu của quan Tham biện, rât có tài ẩm thực. Thưởng thức mít Tố nữ, ai cũng khen hết lời, nhưng nhà ở phố phường , chuyên về buôn bán, chẳng vị nào nghĩ đến chuyện trồng cây. Âu đấy cũng là điều may. Ông Cống không nói ra nhưg trong bụng rất mừng, vì cho đến nay, trừ ông nghè Phạm, còn ở đạo Hải Ðông này, chỉ ông có giống mít quý.
Năm thứ mười hai, cây mít đã tròn tán, cành lá sum sê chiếm cả một khoảng vườn, quanh năm che mát ngôi từ đường. Năm ấy thuận thời tiết, cây đậu ba mươi bảy quả. Cuối tháng tám, ông cho người nhà trảy xuống, đóng sọt, mang lên trấn thành bán mỗi quả giá năm quan. Dân kẻ chợ sành ăn, đắt mấy cũng mua. Chỉ có điều, ông Cống bắt bổ mít tại chỗ. Ông chỉ bán cùi, hạt để lại. Cánh thị dân thì thầm với nhau, bảo quan Tham biện hẹp bụng.
Thế rồi chẳng hiểu vì sao, mấy năm sau, cây mít Tố nữ bỗng nhiên ngừng ra quả. Năm nào ông Cống cũng cho người lên khảo mà đến mùa, ngay cả cái meo dại cũng không thấy nhú. Ông buồn lắm, nhiều đêm trằn trọc đến canh ba. Cây mít không ra quả, tự nhiên mất đi một nguồn thu lớn. Phải chăng đây là điềm báo không lành ?
Năm canh thìn, ông cống Trần được thăng chức Quốc sử quán biên tu, phải chuyển về Kinh. Trên đường đi nhậm chức, nghe tin ông nghè Phạm đang ở phủ lỵ Trấn Ninh, muốn ghé vào thăm, có ý hỏi về chuyện cây mít. Ðến nơi mới hay, ông Phủ, do tính khảng khái, bất bình với chuyện tham bỉ, đục khoét, ức hiếp dân lành của đám đồng liêu, đã dâng biểu từ quan, về quê mở trường dạy học.
Ông Cống bận việc quan ở Kinh, mấy năm sau, cụ cố ông và cụ cố bà lần lượt qua đời. Toàn bộ dinh cơ giao cho người con thứ ba là Trần Hựu trông coi. Thuở nhỏ Trần Hựu cũng được học hành nhưng tối dạ nên không thành nghiệp. Anh ta thích chơi bời, cờ bạc, thành ra cứ bán dần cơ nghiệp của ông cha để lao vào những cuộc đỏ đen. Họ hàng khuyên bảo mãi không được cũng phát chán để anh ta muốn làm gì thì làm. Thế là chỉ trong vòng vài năm, kể từ khi ông Cống lai Kinh, cái cơ ngơi khang trang bề thế nhất nhì làng Yên của dòng họ Trần bị gán nợ sạch. Còn lại ngôi từ đường với khoảnh vườn, ông trưởng họ phải dùng cái thế của bậc cha chú răn đe mới khỏi bị phát mại. Tỉnh ra thì đã muộn. Trần Hựu phẫn chí bỏ làng đi biệt tích. Sau này có người gặp Trần Hựu ở chợ Bồng Quảng Yên, tay bị, tay gậy trông rất tiều tuỵ, người ấy cho mấy tiền nhưng anh ta kéo nón che mặt, không nhận.
Ngày tháng thoi đưa. Thấm thoắt ông Cống vào Kinh đã tám chín năm. Cây mít không người chăm sóc trở nên còi cọc. Dần dần ngọn cây bị loài sâu đục thân đào thành hang nham nhở. Phân sâu cùng với nước từ thân cây rỉ ra dính nhớp nháp. Chẳng bao lâu ngọn mít bị khô rồi gẫy để lại một lỗ hổng lớn ở chỗ chạc ba. Tán cây trước xanh mướt, phủ kín cả một góc vườn, bây giờ khuyết hẳn một mảng, trông xa giống cái ô thủng. Từ đó cứ vào buổi chiều, hàng đàn sáo đen bay đến đỗ kín các cành cây, kêu đinh tai nhức óc. Có bận chẳng biết chúng tha quả đa ở đâu về, xếp thành dãy dài trên các cành ngang, vừa nhằn hạt vừa mổ nhau chí choé. Một con, sau khi rỉa hết lớp thịt vàng óng nhưng hơi chát của quả đa đã vô tình nhả hạt vào đúng cái lỗ hổng trên chạc ba. Sang xuân, nắng sớm và mưa phùn mát mẻ, cây cối đâm chồi nẩy lộc. Hạt đa trên hốc cây kia cựa mình, và chẳng mấy chốc, một mầm đa sinh thành. Thời gian qua đi, giống như loài tầm gửi, rễ của nó bám chắc vào lớp vỏ trên ngọn cây mít Tố nữ, hút nhựa nuôi thân. Ðã nhiều năm cây mít không ra quả, không người chăm sóc, vì thế cây đa trên cây mít cứ lặng lẽ lớn dần. Ðứng ở dưới, nhìn thoáng qua, thấy lá của loài đa trơn( với lá mít cũng từa tựa như nhau, không một ai để ý đến hiện tượng trái lẽ tự nhiên trên. Ða là loài cây hoang dã, rễ chùm to, khoẻ. Cây mít mỗi ngày một yếu vì phải gánh trên mình một vật ký sinh phàm ăn.
Về phần ông Cống, bằng những mánh lới khôn ngoan và kinh nghiệm chính trường, sau hai mươi năm đã leo đến chức Ðông các Ðại học sĩ. Năm nhâm ngọ, ông cùng quận Lành ép viên sử quan chữa Quốc sử để giảm tội cho Lương quận công với hậu thế vì ông này có mưu đồ phế lập ngôi chúa. Việc chưa thành bị phát giác. Ðáng lẽ phải chịu gia hình, nhưng ông Cống là bậc đại thần, được hưởng luật Bát nghị, nên chỉ bị cách tuột quan chức, đuổi về quê quán. Về làng , ông mới hay, gia tài, điền sản đã vào tay người khác. Ông em Trần Hựu bỏ đi biệt xứ, chỉ còn khoảnh vườn với ngôi từ đường. Trước cảnh tang thương, cầm lòng không đậu, bất giác ông nghẹn ngào rơi nước mắt.
Lễ từ đường xong, ông ra thăm cây mít quý. Nhưng vào đúng lúc ấy, cây mít đang trút những chiếc lá cuối cùng. Lá rụng dưới đất kết thành một lớp dày như tấm thảm đỏ ối. Ðứng lặng hồi lâu, ông Cống băn khoăn không hiểu vì sao gia cảnh lại đến nông nỗi này. Cuối cùng khi nhìn thấy cây đa trên chạc cây mít ông mới vỡ lẽ.
Mấy hôm sau, cây đa cũng chết.Cây mít chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu. Từ đấy không thấy đàn sáo đen mang quả đa về vừa nhằn hạt vừa cãi nhău chí choé nữa. Sau tiết Ðoan ngọ, ông Cống cho ngả cây mít xuống. Cuối năm, ông đón thợ Ngô Ðồng về, chọn ngày lành, cắt một khúc đẹp nhất tạc pho tượng A di đà cúng vào chùa làng. Tượng cao hai thước hai tấc bốn phân, sơn son, ngồi trên toà sen thiếp vàng ,rực rỡ ánh hào quang. Vị thượng toạ trụ trì chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử được mời làm phép điểm nhãn.
Dịp ấy người làng kháo nhau, Có lẽ sau khi thất sủng ông Cống hiểu ra rằng, đường quan ngắn mà đường dân dài, mọi bon chen toan tính ở đời đều vô nghĩa và bồng bềnh như áng phù vân,  muốn hưởng phúc lâu bền thì phải tích âm công. Nhưng tạo hoá như muốn chơi ác. Phần đời còn lại, dù đã tận tâm làm việc thiện mà ông vẫn chưa tròn quả phúc. Vào năm Kỷ mùi, ông Cống làm khao mừng thọ lục tuần, lúc mang lễ lên chùa bỗng xảy ra sự lạ. Ấy là khi ông chắp tay trước toà Tam bảo thì pho tượng A di đà tự nhiên đổ xuống. Mọi người lại gần toà sen mới hay, tuy lớp sơn son thiếp vàng vẫn còn nguyên nhưng bên trong đã bị mối xông ruỗng từ lâu. Ông Cống choáng váng, vì lo nghĩ quá mà thành bệnh. Lúc hấp hối , ông cho gọi người con cả vào dặn :
- Tạc tượng phải dùng gỗ mít tinh khiết. Cha nhầm chọn phải thứ đã pha tạp nhựa của ngành đa. Mà gỗ đa thì chỉ dùng đóng ván cho những kẻ chết đường chết chợ. Con hãy nhớ lấy.
Nói xong ông nhắm mắt. Làng Yên Ninh từ đó chẳng những mất giống mít Tố nữ mà còn không có ai đỗ đạt ra làm quan nữa.

                                                                                                            Đ.V.S



1 nhận xét:

  1. cfgf hfhf gh hgh ghgh h hh hgh ghghh hfhf gf g f hf bn n hg bgh ghg hgh gh g gh g gh gg hg

    Trả lờiXóa