Nhãn

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Đọc lai "Tướng về hưu"


Đọc lại “Tướng về hưu”


                                                Đặng Văn Sinh

                                                     Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Tướng về hưu lần đầu được in trên tuần báo Văn Nghệ số 20 /6/1987 của Hội Nhà văn Việt Nam. Nó lập tức trở thành một hiện tượng văn học và được nhà xuất bản Trẻ tuyển chọn in trong tập truyện ngắn với tựa đề Tướng về hưu. Nhà xuất bản Văn hoá, năm 1989 cũng cho ra một tập gồm 11 truyện lấy tên là Những ngọn gió Hua Tát... Tuy mới xuất hiện nhưng Tướng về hưu được xem như một truyện ngắn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nó chẳng những góp phần định hình phong cách của anh mà còn mở ra một thời kỳ mới cho nền văn học Việt Nam, đoạn tuyệt với quá khứ, viết "...lời ai điếu cho một thời văn nghệ minh hoạ" (Nguyễn Minh Châu), đưa văn chương trở về đúng với bản chất của nó.
Vì là tác phẩm có tính cách khai phá, lại hàm chứa nhiều dữ kiện thông tin trong mối tương quan đa chiều với những hằng số lịch sử, nên, cho dù đã hai mươi năm trôi qua, đến nay, đọc lại vẫn còn khá nhiều vấn đề cần phải bàn. Có thể nói, Tướng về hưu mang dung lượng một tiểu thuyết được tác giả "nén" lại trong 20 trang nên khiến nó tiềm tàng một nội lực có khả năng công phá như một trái bom nghệ thuật, mang đến cho người đọc những nhận thức không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau. Một vài nhà phê bình còn cho rằng Nguyễn Huy Thiệp chơi trò phù thủy. Anh thả "âm binh" vào giữa những dòng chữ, và chính những "âm binh" này đã giúp ông thầy cao tay ấn "sục tung (bùn) lên, thoát thành bướm và hoa "( Lời ông Tân Dân trong Giọt máu).
Không còn nghi ngờ gì nữa, Tướng về hưu là tác phẩm văn học mang tầm tư tưởng thời đại. Đây là chuyện khá hiếm trong làng văn kể từ sau năm 1945, bởi trong mấy chục năm trước đó, trên văn đàn, công chúng chỉ được đọc những tác phẩm làng nhàng, vụn vặt, (cho dù có bộ tiểu thuyết dày đến vài ngàn trang), chủ yếu là thứ văn chương minh hoạ một cách thô thiển, sống sượng hoặc là loại vô thưởng vô phạt mang đậm chất thù tạc lúc trà dư tửu hậu mà vắng bóng sự khám phá có tầm cỡ nhân loại.
Phong cách viết truyện của Nguyễn Huy Thiệp gần giống với cách bố cục của người họa sỹ tài ba là xếp đặt những mảng, những khối khác nhau bên cạnh nhau theo một trật tự bí mật nào đó mà không bình luận, cứ để tự nó nói lên phẩm chất của mình thông qua sự tương phản .Những đoạn kể  hoặc tả  của anh vô cùng ngắn gọn, tiết kiệm từ đến mức tối đa, nhưng đó là thứ ngôn ngữ chắt lọc vừa  lạnh vừa khinh bạc, chủ yếu là gợi, tạo nên một lực hấp dẫn làm người đọc vừa say mê vừa choáng váng, đồng thời lại có cảm giác "như mình vừa bị chửi"(Nguyễn Văn Lưu).
Kết cấu của Tướng về hưu là kết cấu xâu chuỗi, theo trình tự thời gian tuyến tính của kiểu bố cục truyện dân gian, nghĩa là rất cổ điển. Các mảng khối liên kết với nhau ở phần chìm tạo nên thứ phản ứng dây chuyền làm các hình tượng nghệ thuật bộc phát với năng lượng vô cùng lớn, "bắn phá" vào tâm thức người đọc, gây nên những cú sốc bất khả kháng. Kiểu chuyển hoá thông điệp nghệ thuật nội tại bằng những liên kết đa chiều này trước Nguyễn Huy Thiệp ít có tác giả làm được. Nó là một mắt xích quan trọng làm nên tính tư tưởng cũng như giá trị nhận thức của tác phẩm, tạo thành một không gian nghệ thuật với nhiều tầng, nhiều vỉa đan xen nhau thông qua một kỹ thuật"nén" thông tin điêu luyện.
Dễ dàng nhận thấy là phần lớn các nhân vật trong Tướng về hưu đều cô đơn. Đó là sự cô đơn tinh thần, tâm lý, thậm chí cả ý thức hệ. Những người sống trong ngôi biệt thự khá sang trọng vào cuối những năm tám  mươi của thế kỷ trước, về đời sống vật chất không đến nỗi nào nhưng họ không hoà nhập được vào cuộc sống chung mà mỗi người là một thế giới riêng. Điều này dẫn đến hệ quả là, tuy có mối quan hệ ruột thịt nhưng họ lại nhìn nhau như những kẻ xa lạ. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cái chính là cái gọi là gia đình ấy sống trong một không gian tù túng, bế tắc. Những mâu thuẫn xã hội được thời gian tích tụ tạo nên sự trầm uất, bắt buộc mỗi cá thể phải tự chịu đựng, giống như người mắc chứng ung thư phủ tạng, lúc nào cũng bứt dứt khó chịu, làm các mối quan hệ và cách thức ứng xử trở thành gượng gạo, khiên cưỡng, đôi khi giả dối. Mỗi thân phận cô đơn ở đây giống như một lát cắt ngẫu nhiên mang tính quy luật, trong đó thấp thoáng bóng dáng cuộc sống được ẩn dụ như là sự phản chiếu của một tương lai được nhà văn dự phóng tổng quát dưới dạng những bi kịch, hài kịch và cả chính kịch. Nhân vật kỹ sư Thuần , ở phần dẫn chuyện từng nói, viết truyện này,"là sự bênh vực của tôi đối với cha mình". Đấy chỉ là một cách nói. Trên thực tế, anh ta đã đưa vị tướng già lên bàn "giải phẫu tâm lý". Tất cả những gì được xem là phần "nội tạng" của bậc anh hùng chiến trận đều phơi ra tước bàn dân thiên hạ. Hoá ra, cái sự được gọi là anh hùng ấy cũng có những cung bậc của nó. Nó không chỉ có cao cả mà cũng thấp thoáng chút thấp hèn. Nó vừa minh bạch vừa mờ ám, vừa thẳng tuột vừa quanh co trong một khối hỗn độn đầy mâu thuẫn.
Đọc Tướng về hưu, không ít người ngộ nhận, xem tướng Thuấn là biểu tượng của một thời oanh liệt, về hưu không theo kịp với nhịp sống hiện đại, bị lạc lõng trước cuộc sống bộn bề, phức tạp, nhố nhăng trong một xã hội đang chuyển mình từ cơ chế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Câu nói " Sao tôi cứ như lạc loài" dường như chứng minh cho nhận định trên. Quan điểm ấy không sai nhưng tầm thường, chưa bắt đúng mạch tư tưởng của thiên truyện. Thực ra, cái làm nên hình tượng tướng Thuấn chính là hệ ý thức. Ông là sản phẩm của chiến tranh, ra đời trong bối cảnh lịch sử dân tộc không bình thường.( Bỏ nhà đi bộ đội từ năm mười hai tuổi vì bị bà mẹ kế đối xử cay nghiệt). Đây có lẽ cũng là động cơ của gần như cả một thế hệ thanh thiếu niên nông thôn Việt nam dưới thời Pháp thuộc). Họ bước vào cuộc chiến, lúc đầu dường như chưa phải là lòng yêu nước như một số nhà phê bình minh định mà phần lớn vì miếng cơm manh áo, vì sự an toàn bản thân sau những xung đột gia đình. Sau nhiều năm cầm súng đánh nhau, lại qua nhiều đợt rèn quân chỉnh cán, nhất là thời kỳ ôn nghèo kể khổ, tố cáo tội ác địa chủ, cường hào, hệ ý thức dần dần hình thành, đã tạo nên một nhân cách sống. Đồng hành với hệ ý thức là tư duy chiến tranh. Người lính coi chiến đấu với kẻ thù là lẽ sống. Kiểu tư duy này đương nhiên trở thành một trạng thái tâm lý, hằn sâu thành đường rãnh trong não bộ đến mức coi đó là chân lý phổ biến. Tướng Thuấn là sản phẩm của hệ ý thức đương đại nhưng đồng thời cũng là di sản của lịch sử dân tộc. Qua các triều đại phong kiến, trừ trường hợp Nguyễn Trãi, còn hầu hết những bậc được coi là minh quân, lương tướng đều giải quyết các xung đột lân bang trên chiến trường, từ đó dẫn đến tâm lý suy tôn những vị anh hùng chiến trận hơn là những nhà văn hoá lỗi lạc của dân tộc. Chính vì thế mới có chuyện "Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi của cha tôi cũng được mọi người ngưỡng vọng", hoặc " Cha là tướng. Về hưu cha vẫn là tướng. Cha chỉ huy. Cha mà làm lính thì sẽ loạn cờ". Thói quen này có yếu tố di truyền, được tích hợp qua vô vàn cuộc chiến mà người ta lấy làm tiêu chuẩn định giá phẩm chất con người.
Do lấy chiến tranh ( kể cả nội chiến và chiến tranh chống ngoại xâm) làm mẫu số chung nên mọi hành vi của mỗi thành viên cũng như của cộng đồng đều được quy chiếu vào đó, làm nảy sinh một hiện tượng không bình thường, đó là thứ tư duy và hành động mang tính đại khái,  tạm bợ. Những việc lớn trong cuộc đời con người lẽ ra phải được đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng để loại trừ những sai lầm rất dễ xảy ra thì lại tiến hành một cách vội vã vì phải tuân theo nếp sống thời chiến. Tướng Thuấn lấy vợ trong  kỳ nghỉ phép ngắn ngủi do nghĩa vụ với tổ tiên và dòng họ  hơn là tình yêu.  Việc làm nhà đối với ông cũng chỉ là thứ yếu, đến nỗi người con trai tuy rất kính nể bố cũng phải nói:" Đấy là một ngôi biệt thự đẹp nhưng khá bất tiện. Tôi xây cất dựa theo thiết kế của một chuyên gia kiến trúc trứ danh, bạn của cha tôi, ông này là đại tá, chỉ thạo việc xây doanh trại". Bóng ma chiến tranh cứ lởn vởn trong tâm thức. Nó mới chính là thứ luật bất thành văn quy định cách ứng xử, hành vi cũng như các mối quan hệ thay vì những giá trị mà ta vẫn gán cho nó là truyền thống, bản sắc nhưng thực chất chỉ là những giá trị ảo.
Những dự cảm của tác giả về khối mâu thuẫn và những bi kịch trong gia đình tướng Thuấn gắn liền với những biến động xã hội đương thời. Chi tiết viên cựu tư lệnh vừa khóc vừa cầm phích đá đựng thai nhi ném vào đàn chó béc giê :" Khốn nạn! Tao không cần sự giầu có này!" là ngọn roi quất vào niềm kiêu hãnh, phản ánh sự đổ vỡ trong nhân sinh quan người cựu chiến binh. Đó có phải là một điềm báo ứng theo quy luật nhân quả ? Lúc này tình cảm đã lấn át lý trí, ông ta không nhận ra (hay cố tình không nhận ra), chính những bào thai sau khi được nạo phá ấy đã góp phần làm cho ông và con cháu ông có được cuộc sống sung túc, trong khi bàn dân thiên hạ vẫn còn đang phải mòn mỏi xếp hàng thành những dãy dài, để chờ các cô mậu dịch viên đầy quyền uy ban phát cho từng cân gạo mốc. Đọc đến đây, chắc sẽ có người thoáng nghĩ, cái hàm thiếu tướng và thâm niên ngót sáu mươi năm cầm súng lẽ nào chỉ là một thứ hư danh? Lại một nghịch lý nảy sinh. Những vị anh hùng cả đời gắn với súng đạn khó có thể sống hoà hợp với nền kinh tế thị trường, cho dù ở thời kỳ sơ khai còn mang đậm chất rừng rú. Nếu vì một lý do nào đó, buộc phải " chung voi với đức ông", tất yếu sẽ dẫn đến một thứ bi hài kịch bởi "món nộm suồng sã" như lời nhân vật Phăng nói với vua Gia Long trong truyện ngắn Vàng lửa.
Ta phải thừa nhận, tướng Thuấn là người độ lượng và có lòng nhân tuy trong đời ông đã từng chôn cất ba nghìn người . Ông từng chia đều vải lính cho cả nhà, muốn dọn xuống nhà ngang ở với bà vợ già mất trí nhớ, cho tiền cha con ông Cơ về Thanh Hoá xây mộ, băn khoăn khi nhìn thấy họ lao động vất vả trong khi cô con dâu lại có phong cách bà chủ, còn anh con trai thản nhiên ngồi hút thuốc Galan. Nhưng xét đến cùng, đó chỉ là thứ lòng nhân nhỏ, không giúp gì được đám dân nghèo thấp cổ bé họng luôn bị đủ các thứ "nghĩa vụ công dân" tròng lên đầu lên cổ. Nó là sản phẩm của nghệ thuật tuyên truyền hơn là sự thức tỉnh lương tâm. Tướng Thuấn không có viễn kiến. Ông chỉ nhìn thấy những thân phận đơn lẻ mà quên đi số phận của cả một dân tộc. Câu hỏi khá ngộ nghĩnh của đứa cháu nội " Đường ra trận mùa này đẹp lắm có phải không ông?", đã phần nào chứng minh, guồng máy chiến tranh đã biến tâm lý con người thành bạn đồng hành, thành niềm khoái lạc, một cảm hứng bệnh hoạn nhưng lại được đẩy lên ở cấp độ nhận thức lý tính.  Ai biết được ba nghìn người lính "bất đắc kỳ tử" mà vị tư lệnh đã tiễn đưa sang thế giới bên kia nghĩ gì về những cuộc chiến tranh liên miên trong mấy thập kỷ qua? Nhưng có điều chắc chắn, câu thành ngữ "nhất tướng công thành vạn cốt khô" đúng hơn bao giờ hết trong trường hợp này. Bi kịch của dân tộc từ mấy nghìn năm qua liệu có phải xuất phát từ trạng thái tâm lý như tướng Thuấn ?
Sự cô đơn của tướng Thuấn  một phần có thể bắt nguồn từ nỗi buồn nhớ một cái gì đã thuộc về quá khứ nằm trong chuỗi ẩn số của  dân tộc với những khuyết tật về tâm lý mà ông là đại biểu. Như cá bị tách ra khỏi nước, xa môi trường quen thuộc, ông trở thành cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Viên tướng từng hỏi con trai khi mới hồi hưu :" Nghỉ rồi cha làm gì?". Thuần khuyên bố viết hồi ký nhưng ông từ chối, còn Thuỷ gợi ý :" Cha nuôi vẹt xem" thì bị phản ứng ngay:" Kiếm tiền à?". Rõ ràng vị cựu tư lệnh dị ứng với tiền cho dù đồng tiền làm ra hoàn toàn lương thiện, chứng tỏ một tâm lý sống phụ thuộc, bình quân chủ nghĩa. Đó là thói quen xếp hàng nhận thứ tiêu chuẩn tối thiểu để duy trì sự tồn tại cũng ở mức tối thiểu. Nói chung, lớp người như tướng Thuấn đã ra khỏi cuộc chiến nhưng tâm lý vẫn còn gắn liền với súng đạn như lời Thuần kể:"Cha tôi sụp hẳn đi từ khi về hưu. Hôm nay cầm thư, thấy ông nhanh nhẹn và trẻ trung hẳn". Để thoát khỏi nỗi cô đơn "Sao tôi cứ như lạc loài", ông háo hức trở lại đơn vị cũ. Và, "sinh ư nghệ, tử ư nghệ", ông "hy sinh" trên đường lên chốt biên giới. Sự ra đi của tướng Thuấn có một cái gì bi tráng của người anh hùng "đánh đông dẹp bắc" ngày xưa, nhưng cũng thật đáng buồn là ông lại chết bởi chính viên đạn của người anh em "môi hở răng lạnh" cùng ý thức hệ, đã  từng có thời "chung một chiến hào".
Có thể xem tướng Thuấn là hình ảnh phản chiếu của tâm lý dân tộc. Ông vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của những bi kịch kéo dài cả thiên niên kỷ. Ông là một trong những giá trị vừa hùng tráng vừa bệnh hoạn. Nhìn vào ông người ta có thể thấy những khúc quanh và cả những góc khuất lịch sử. Nó gợi lên trong ký ức ta nỗi buồn đau nhưng cũng rất đáng tự hào. Vì lẽ đó ta không thể không trân trọng phẩm cách của ông.

                                                                    Đ.V.S


           

3 nhận xét:

  1. Bốc thơm ghê thế ...Truyện cũng thường thường bậc trung thôi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không cảm thụ được hết thì đừng nhận xét bừa bãi

      Xóa
  2. noi chung thi cung duoc, giong nhu hai sac hoa tigon ay

    Trả lờiXóa