Nhãn

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Từ "Tiếng hát sông Hương" đến công nghệ... mãi dâm


Từ "Tiếng hát sông Hương"
 đến công nghệ...mại dâm
                                                                                   Đặng Văn Sinh
                                                      
                                            Gái mại dâm Hà Nội (ảnh chụp từ Clip của Vietnam.net)
          Cách đây hơn bốn mươi năm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường PTTH, có một lần, trong buổi ngoại khóa, chúng tôi được thầy Hoàng Bỉnh Nhu bình bài "Tiếng hát sông Hương" của "nhà thơ lớn" Tố Hữu. Thầy bị cụt một tay, người chỉ được một mẩu, đuôi mắt trái lại có mụn ruồi to đùng nhưng giảng văn thì cực hay. Dường như những khi đứng trên bục giảng, thầy đã hóa thân vào tác phẩm, để rồi, trong phút xuất thần, chuyển tải cái nhân sinh quan cộng sản của một ông râu xồm mãi bên trời Tây vào con tim ngu ngơ của đám học trò nông thôn, quần âm lịch, chân đất, vốn chưa có một chút khái niệm nào về loại nghề buôn phấn bán son.


    Theo sự phân tích rất logic từ mỹ học Marx - Lénine, thầy Nhu khẳng định, cô gái sông Hương là nạn nhân của chế độ thực dân phong kiến, bị dày vò cả thể xác lẫn tâm hồn. Tuy nhiên, nỗi ô nhục ấy sẽ mất đi, người con gái vướng vào kiếp nạn ê chề sẽ được hoàn lương một khi Cách mạng vô sản thành công. Chân trời mới sắp mở ra. Những thân phận bọt bèo, lạc loài sẽ được sống trong một xã hội công bằng, hạnh phúc, đầy hoa thơm quả ngọt. Cả lớp lặng đi. Một vài bạn gái len lén lấy ống tay áo quệt nước mắt. Ôi ! Sức mạnh của nghệ thuật. Chúng tôi cảm phục thầy Nhu một thì cảm phục Tố Hữu mười, bởi ông đã đem đến cho lớp trai trẻ dốt nát một cảm quan mới, một chân lý sáng ngời trong chế độ XHCN tốt đẹp có Bác, Đảng dẫn đường.
    Quả thật, bằng vào cái huyễn tượng về một tương lai xán lạn ấy, sau năm năm tư, (1954) Nhà nước ta đã tiến hành những cuộc tảo thanh trên quy mô lớn để bài trừ tận gốc những gì còn rơi rớt lại của nền văn hóa thực dân phong kiến trên nửa phần đất nước mà điểm nhấn của nó là nạn mại dâm. Các đối tượng hành nghề bị lực lượng công an thu gom đưa vào các nhà tù trá hình được gán cho danh xưng mỹ miều là "Trại phục hồi nhân phẩm". Tại đây, những chị em "cải tạo" tốt còn được "ưu tiên" chuyển sang lực lượng thanh niên xung phong hoặc nông trường quốc doanh trồng chè hay cao su ở vùng sơn cước. Và thế là, chỉ sau một kế hoạch ba năm, ngành Lao động - Thương binh - xã hội miền Bắc XHCN đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch triệt phá tệ nạn mại dâm. "Từ ấy"... mảnh đất ngàn năm văn hiến được xem như tuyệt giống "gái bán hoa"(!?). Thật là một kỳ tích mà chỉ có những người thật sự yêu chủ nghĩa cộng sản mới làm được.
    Cũng vào thời gian này, trên các phương tiện tuyên truyền chính thống, trong đó có cả những tờ báo lớn công bố số phụ nữ làm nghề mại dâm ở thành phố Sài Gòn dưới chế độ Việt Nam cộng hòa là ba mươi vạn (!?). Tất nhiên chúng tôi tin sái cổ. Lại dám không tin báo chí của Đảng à? Có họa là tên phản động hoặc kẻ mắc chứng tâm thần phân liệt mới có đủ bản lĩnh đặt dấu hỏi nghi ngờ. Sau này, khi non sông đã về một mối, các nguồn thông tin không còn bị ách tắc như trước, tôi có đọc một bài trên mạng Đối thoại mới hiểu con số ấy được người ta thổi phồng ít nhất là năm mươi lần. Theo tác giả Nguyễn Ngọc Phách, tính vào thời điểm những năm sáu mươi, trừ cánh mày râu, cộng với các bà già trên sáu mươi cùng các cháu gái dưới mười sáu tuổi, thì tất cả phụ nữ Sài Gòn đều làm ... điếm nếu ta tin vào con số kỷ lục nặng về màu sắc chính trị kia.
    Sau ba mươi hai năm giải phóng miền Nam, tức là một phần ba thế kỷ, một nửa đời người, có vẻ như những kỳ tích chống tệ nạn xã hội đã đi vào dĩ vãng, đặt dấu chấm hết cho một thời vàng son. Chưa bao giờ và chưa lúc nào nạn mại dâm hoành hành dữ dội và đều khắp như lúc này. Không ít khách sạn tên tuổi với nhãn hiệu ba sao, thậm chí năm sao có hẳn một đường dây gọi gái. Các nhà nghỉ thường kèm thêm dịch vụ "tươi mát"  Mỗi nhà hàng karaoke đèn mờ là một động lắc thâu đem suốt sáng. Mỗi tiệm hớt tóc, gội đầu là một nhà thổ trá hình. Ngày trước "ra ngõ gặp anh hùng" thì ngày nay, mỗi khi bước chân ra đường toàn gặp lũ tham nhũng và ca ve. Các Tú Ông, Tú Bà nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm, nhân danh thời mở cửa lại được các anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm... ngồi ngất ngưởng trên cao bảo kê, tha hồ bóc lột đám chị em chân yếu tay mềm. Đến lúc này, thi hào Tố Hữu, con chim đầu đàn của nền thơ cổ động Việt Nam, nếu còn sống, chắc ông sẽ phải viết lại "Tiếng hát sông Hương". Và ai biết đâu được, có khi nhà thi sĩ kiêm Trưởng ban Tuyên huấn, lúc hứng lên, ngự xe "Mẹc" dong ruổi "Nước non ngàn dặm" lại chẳng có một bồ nhí chanh cốm bên cạnh để tăng cảm xúc... Ta hãy nghe lại tác giả thương hoa tiếc ngọc bằng một bài thơ kết hợp giữa lục bát truyền thống với thể loại dân ca Huế và gieo bằng vần "eo", tạo ra một không gian nhẹ tênh, mang nét thanh thoát yêu kiều của sông Hương, đối lập hẳn với thân phận nhục nhã của cô gái làng chơi:
    Em buông mái chèo
    Trời trong veo
    Nước trong veo
    Em buông mái chèo
    Trên dòng Hương Giang
    Rồi tấm lòng cộng sản vô bờ bến của ông thương cảm người con gái đã hơn một lần lầm lỡ :
    Thuyền em rách nát
    Mà em chưa chồng
    Em đi với chiếc thuyền không
    Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!
    Nhưng điều đáng chú ý nhất là ông phó chủ tịch HĐBT (Hội đồng Bộ trưởng) tương lai đã thổi vào tâm hồn cô gái một ảo tưởng ngọt ngào, tạo cho cô niềm phấn khích vô bờ bến, nếu không bỏ nghề, dấn thân vào sự nghiệp cách mạng thì cũng nhẫn nại đợi thời cơ đến ngày được chiêu tuyết :
    Ngày mai bao kiếp đời dơ
    Sẽ tan như đám mây mờ hôm nay
    Cô ơi tháng rộng ngày dài
    Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng
   Trên dòng Hương Giang...
    Hương Giang thơ mộng trong một chiều tím biếc, con đò rách nát bồng bềnh trôi mang nỗi u uất cuả một thân phận còn rách nát hơn cả nó, phút chốc như đốn ngộ bởi thứ ánh sáng lung linh của chân lý. Nhà thơ thật khéo chuyển được cảm xúc , đem cái huyễn tưởng ngoài nghìn dặm đặt vào tâm thức cô đào xứ Thần Kinh trong gang tấc.
    Ngược lại với Tố Hữu lúc ấy, tám mươi năm trước (nếu tính từ thời điểm những năm ba mươi của thế kỷ XX), Nguyễn Công Trứ, cũng sau những lần xuôi đò trên sông Hương , đã không giấu giếm sự đắc ý của mình cho dù ông là một nhà nho từng được đào luyện kỹ càng trong trường học Khổng Mạnh :
    Lênh đênh một chiếc đò ngang
    Một cô đào Huế, một quan đại thần
    Ban ngày quan lớn như thần
    Ban đêm quan lớn lần mần như ma
    Ban ngày quan lớn như cha
    Ban đêm quan lớn ngầy ngà như con...
    Chúng ta kính phục Nguyễn Công Trứ dám nói thẳng nói thật tuy có chút mỉa mai, tự trào cái sự hành lạc với một cô gái làng chơi tuy có lúc ông là tể tướng đầu triều. Hành vi của cụ Thượng có vẻ như phi quân tử nhưng thực chất lại vô cùng quân tử. Nó hoàn toàn tương phản với phần lớn các bậc "dân chi phụ mẫu" ngày nay, đi nhà thổ như điên, bồ bịch tùm lum, ăn cắp công quỹ thành thần nhưng lại lên mặt đạo đức giả, lúc nào cũng muốn nêu tấm gương "cần kiệm liêm chính".
    Sau những năm ép xác, nhịn thèm nhịn nhạt phục vụ chủ thuyết "Thế giới đại đồng", nay, xã hội Việt Nam đang ở vào thời kỳ "ăn trả bữa". Cái "thằng" quy luật tâm lý ấy lại lừng lững xuất hiện, chẳng khác gì ma dẫn lối, quỷ đưa đường, dẫn dụ các nạn nhân của nó vào "kiếp đoạn trường" trong một mê lộ quanh co đầy cạm bẫy. Chưa có bao giờ trên đất Việt thân yêu của chúng ta lại nở rộ tệ nạn mại dâm như bây giờ. Nó hiện diện theo quy luật của dòng nước lũ, từ lâu bị chặn lại, đương nhiên là tích tụ năng lượng, đến một lúc nào đó tìm ra lối thoát, thế là "tức nước vỡ bờ" thành một cơn hồng thủy. Hiện tượng này đã được nhà thơ Trần Nhuận Minh khái quát bằng mấy câu trong bài "Thoáng" như sau :
    Sách cấm xưa lòe loẹt cổng Đền Thờ
    Ngõ tối bật tiếng coóc xê tanh tách
    Gã trốn tù tội đánh người và khoét ngạch
    Vào quán ghểnh chân làm choác bia hơi.
    Còn thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo ở bài "Quán Lý Thông" thì lại tiếp cận các cô gái "bán hoa" ở khía cạnh văn hóa :
    Tôi hỏi ca ve, ca ve cười ngất
    Chợt nhận ra mình giữa quán Lý Thông
    Hiển nhiên, mại dâm không chỉ dừng lại ở thành phố, thị xã, thị trấn mà từ lâu nó đã lan đến cả những vùng quê hẻo lánh. Các đức ông chồng mất nết, từ những lão già sáu bảy mươi đến lũ ranh con miệng còn hơi sữa, rủ nhau thập thò trước quán cà phê hay hớt tóc trá hình vào lúc trời còn nhập nhoạng. Không có tiền thì xúc trộm thóc của vợ bán dấm giúi, thậm chí có anh chàng còn "ký sổ nợ" hẹn đến mùa thanh toán...
    Cũng như nạn tham nhũng, mại dâm bây giờ đã trở thành một thứ "văn hóa". Loại "văn hóa" này hình như đang được phát triển và nâng cao đến mức "đậm đà bản sắc " tùy thuộc vào đẳng cấp xã hội của các đấng mày râu. Các quan chức là những kẻ vừa có quyền vừa có tiền luôn là "thượng đế" của những nhà chứa cao cấp. Có những ông lớn nuôi hẳn ba, bốn bồ nhí ở mấy nơi khác nhau (tất nhiên là bằng tiền chùa), để thứ bảy, chủ nhật đánh xe về thư giãn. Không hiếm các ông "đầy tớ của dân", ban ngày thì lên diễn đàn rao giảng thiên kinh địa nghĩa về tư tưởng này, đạo đức kia nhưng ban đêm lại mò vào các động mãi dâm lăn lóc với "mấy ả mày ngài", sáng ra mệt phờ râu trê, đến nỗi bỏ quên cả sổ tay ghi nghị quyết.                           
                          
     Từ môi trường xã hội cởi mở để con người thả lỏng bản tính của mình như vậy, tự nhiên hình thành một loại gái điếm cao cấp mà cách hành xử của type người này có những lúc khá ngược đời như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết trong bài thơ "Việt Nam, nhìn từ xa tổ quốc" :
    Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
    Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
    Vật giá tăng
    Nên hạ giá linh hồn…       
    Loại "ca ve" này, tất nhiên không chỉ bán phấn buôn son mà thực chất là bán buôn chính trị bằng cái "vốn tự có" của mình. Chị em biết lợi dụng thời cơ, nắm chắc tâm lý các sếp sòng, triệt để vận dụng lời dạy "vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề" của tổ sư Tú Bà, để len vào bộ máy công quyền. Từ chiêu "mỹ nhân kế", đã có không ít trường hợp thành công, thậm chí còn được bổ nhiệm vào những chức vụ trọng yếu quốc gia, cho dù loại hình hoạt động duy nhất của chị em chỉ là ...trên giường.

                                  Gái bán hoa chèo kéo khách nước ngoài ở một phố vắng Hà Nội

    Nhà nước CHXHCN Việt Nam chẳng bao giờ công bố con số phụ nữ làm nghề mãi dâm, nhưng đến giờ này, theo những nguồn tin của một vài tổ chức phi chính phủ thì có thể đã đến hàng triệu. Phần lớn trong số này là những cô gái còn rất trẻ đều có gốc gác nông thôn, thất học, không nghề nghiệp, bỏ nhà lên thành phố làm gái bán hoa, sau một vài năm kiếm được chút vốn thì hoàn lương, về quê lấy chồng. Đây là đối tượng dễ bị các Tú Ông, Tú Bà hành hạ, bóc lột nhất. Các cô thường xuyện bị chủ ăn quỵt sau mỗi lần đi khách, nếu có biểu hiện phản ứng lập tức bị bọn ma cô, đầu gấu "thượng cẳng chân hạ cẳng tay", đành nhắm mắt buông xuôi mặc dòng đời đưa đẩy cho đến lúc thân tàn ma dại. Cũng phải kể đến đội ngũ "Ô sin" trong chương trình xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Một lượng không nhỏ người hầu gái này chấp nhận hành nghề mãi dâm nhằm mục đích thu ngoại tệ qua các công ty môi giới. Có trường hợp, một "Ô sin" buộc phải đáp ứng nhu cầu tình dục cho cả gia đình, thậm chí, để giảm bớt chi phí, gã chủ nhà còn rủ thêm một vài anh hàng xóm "đánh ké". Tất nhiên họ không được ăn cả mà thường là phải chia năm sẻ bảy dưới danh nghĩa "lệ phí" hoặc thuế cho các công ty lừa đảo núp dưới những cái tên rất ấn tượng, mặc dù các khoản thu ấy chẳng bao giờ được chuyển vào ngân sách nhà nước.
    Loại mạt hạng nhất là là dịch vụ lấy chồng Tàu đại lục qua các tổ chức buôn bán phụ nữ đang hoành hành gần như công khai từ hai chục năm qua. Không hiếm những nàng quá lứa nhỡ thì được bọn cò mồi tân trang, qua biên giới bỗng nhiên thành đắt giá. Có điều rất ít trường hợp kiếm được tấm chồng tử tế. Đa số các cô bị đưa đến những nơi xa xôi hẻo lánh vùng dân tộc thiểu số, gá nghĩa với những "chàng rể" bất thành nhân dạng, trong một môi trường sống vô cùng mông muội. Ngôn ngữ bất đồng, thân gái dặm trường, thậm chí còn bị bán chuyền tay qua vài ba ông chủ để rồi cuối cùng lọt vào một nhà chứa nào đó nơi đất khách, liệu còn có dám nghĩ đến ngày về cố hương?
    Như trên đã nói, cũng như tệ tham nhũng, mại dâm ở Việt Nam đã trở thành một thứ "văn hóa", nếu nói theo các nhà xã hội học, hay một thứ "công nghệ", nếu nói theo thuật ngữ của các nhà kinh tế học. Cái đáng bàn ở đây là Đảng và Nhà nước dứt khoát không thừa nhận. Kể cũng đúng thôi. Nhà nước ta là nhà nước XHCN, lấy chủ nghĩa Marx - Lenin làm kim chỉ nam. Mấy năm gần đây lại phát hiện thêm tư tưởng HCM, rồi đạo đức HCM nữa. Đạo đức của Bác kính yêu kỵ mãi dâm như nước với lửa. Thừa nhận loại hoạt động "đồi trụy" này thì còn gì là thể diện? Vì lẽ đó, tuy là một thực thể tồn tại khách quan, là thị trường hoạt động rất sôi nổi và đầy màu sắc, nhưng mại dâm bị vứt ra ngoài lề đường, sống vất vưởng như những cô hồn phiêu bạt, không bị chi phối bởi bất cứ chế tài nào.
    Lịch sử cho biết, mại dâm, với tư cách là một loại hình hoạt động tham gia vào cơ cấu xã hội đã có từ rất lâu, chí ít ra là từ nền văn minh Hy - La , Ai Cập, Xuân thu chiến quốc... Như vậy, mại dâm là hiện tượng xã hội, chính quyền khôn ngoan là chính quyền biết cách kiểm soát nó thông qua chế tài chứ không thể triệt tiêu nó. Còn vì hệ ý thức mà sĩ diện, bỏ rơi nó là thiếu sáng suốt, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
    Trước năm 1954, chắc chắn số lượng đĩ điếm trên lãnh thổ Việt Nam không đáng là bao nhưng người Pháp đã có đạo luật rõ ràng cho những đối tượng hành nghề này. Các chính quyền địa phương quản lý chị em bằng môn bài đồng thời buộc các chủ chứa đóng thuế. Mặt khác, nhằm bảo vệ sức khỏe cho gái mại dâm, tránh tình trạng gieo rắc bệnh hoa liễu, nhà nước bảo hộ còn xây nhà thương chuyên chữa bệnh phụ khoa. Ai không tin điều này xin đọc phóng sự Lục xì của văn hào Vũ Trọng Phụng. Về một mặt nào đó, có thể nói, người Pháp, tuy là thực dân nhưng cũng có một số chính sách nhân đạo. Trong bộ tiểu thuyết Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai có đoạn Ngô Đình Diệm vi hành ra đường phố Sài Gòn. Ngồi trong xe hơi quan sát cuộc sống dân tình, tổng thống bị các cô gái bán hoa xúm vào chèo kéo, sau khi về dinh Gia Long, được cận vệ nói rõ sự thật, ông cho gọi Tổng giám đốc Nha cảnh sát phải triệt hết các ổ mại dâm, làm trong sạch đường phố. Em ruột ông, cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu không đồng tình với biện pháp trên. Ông ta nói đại ý rằng, một nhà nước dân chủ, văn minh phải chấp nhận hoạt động mại dâm, điều quan trọng là phải biết cách kiểm soát nó.
    Thực trạng mại dâm ở Việt Nam đã trở thành quốc nạn phát triển theo kiểu phản ứng dây chuyền vì nó chưa bao giờ được nhìn nhận như một nguy cơ làm tổn thương danh dự dân tộc, băng hoại đạo đức, phá vỡ những giá trị văn hóa tốt đẹp bằng nguy cơ "diễn biến hòa bình" thường trực trong não trạng của các nhà lãnh đạo quốc gia. Mại dâm bị thả nổi thực chất là môi trường béo bở để các quan chức tham nhũng đua nhau hành lạc bằng tiền chùa và lũ đệ tử của thần Bạch My kiếm những món lợi kếch xù trên thân xác người phụ nữ. Đó là thứ quan hệ hai chiều trong một liên minh ma quỷ luôn hành xử như những băng đảng của thế giới tội phạm ngầm. Đại dịch HIV/AIDS đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tính đến cuối năm 2006, Việt Nam có 83,5 triệu con Lạc cháu Hồng, mà nạn mãi dâm gần như bị thả nổi triền miên, thử hỏi, đến thời điểm này chúng ta đã có bao nhiêu người nhiễm căn bệnh thế kỷ?
    Sáu mươi chín năm đã qua kể từ khi Tiếng hát sông Hương ra đời, giờ, mỗi khi đọc lại tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây lời bình đầy cảm xúc của thầy Hoàng Bỉnh Nhu, cho dù ông đã thành người thiên cổ. Ông chết tức tưởi sau những năm liệt giường vì xuất huyết mạch máu não. Cô Hoàng Lệ Chi, con gái út của thầy bỏ học giữa chừng bởi nhà nghèo, có bao nhiêu tiền dồn vào thuốc thang cho bố, đành phải từ biệt bà mẹ già mắc chứng quáng gà, ra Hà Nội làm nghề rửa bát thuê. Và rồi đây liệu em có thoát khỏi kiếp đoạn trường ?
 
                                                                                                     Đ.V.S

3 nhận xét:

  1. Chế độ XHCN của chúng ta "dân chủ gấp triệu lần chủ nghĩa tư bản"( Lenin), làm gì mà lắm ca ve thế. Bác xem lại bài viết của mình. Vụ đồng chí Lương Quốc Dũng và đồng chí Nguyễn Trường Tô tuy có hơi bị ầm ĩ nhưng những xếp lớn đã chỉ đạo giải quyết ổn thỏa rồi. Dù sao thì em vẫn kính phục nhà thơ cổ động lớn Tố Hữu vì ông là nhà tiên tri biết chỉ có năm 1961 là "đỉnh cao muôn trượng"...

    Trả lờiXóa
  2. Lãng Du:
    Thơ dân gian (nhại bác Tố}
    Mà nói vậy tháng lương anh đó
    Rất chân thật chia ba phần to nhỏ
    Anh dành riêng trả nợ phần nhiều
    Phần cho em còn phần để anh tiêu
    Em sấn sổ "Thế cũng dòi sòng phẳng!"
    Rồi hai đưa "tay bo", hai thằng lỏng chỏng
    Còi xe cấp cứu ủ váng đường...

    Trả lờiXóa
  3. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
    (Nguyễn Du)

    Trả lờiXóa