Nhãn

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

TU HÚ, “TRẦN TỤC ĐẦM ĐÌA CHƯA THOÁT GỐC”


 


TU HÚ, “TRẦN TỤC ĐẦM ĐÌA CHƯA THOÁT GỐC”

 

Thật ra, Tu hú chỉ là một trong hai bài (nhị thủ) Đường luật thuộc dòng thơ giỡn của Maria Hoàn Nguyễn như một cách giễu nhại đám sư sãi giả danh tu hành, trốn việc quan đi ở chùa. Tuy nhiên, so với Đường tu, Tu hú có cấp độ giễu nhại đậm đặc hơn không chỉ ở hành vi ám chỉ mà còn là nghệ thuật sử dụng từ ngữ mang tính “khiêu khích”.

Xét về hình thức, Tu hú có cấu trúc văn bản tương đối hoàn chỉnh, chẳng những hài hòa về tỷ lệ bằng trắc (29/27) mà còn khá đăng đối trong các cặp câu (đề, thực, luận, kết) làm nên vẻ đẹp của bức tranh ngôn ngữ, khiến không ít người lầm tưởng đây là thơ Đường thế kỷ XVIII của các nhà nho tài tử.

Nói rằng, Tu hú là bài thơ thấm đẫm tinh thần Đường cũng không sai, bởi nó tạo ra được hiệu ứng đặc biệt qua sự giao thoa, cộng hưởng của các lớp ngôn từ. Sự chuyển hóa linh hoạt giữa khái niệm tục - thanh, thanh - tục từ hàng loạt hình ảnh, biểu tượng hoán đổi cho nhau liên quan đến giới tu hành được tác giả khai thác triệt để qua nhiều thủ pháp nghệ thuật khiến người đọc luôn bị bất ngờ bởi các chiêu thức chơi chữ như sử dụng vần độc, nói lái và ẩn dụ thường xuất hiện với tần số cao.

Nhìn một cách tổng quát, bài có dạng cấu trúc giống như trò chơi ngôn ngữ được hình thành trên nền tảng của lớp từ vựng đa nghĩa, đa âm. Những từ này, nếu đứng riêng vốn đã có giá trị tự thân, khác hẳn loại từ tiêu dùng trung tính đơn nghĩa, do đó, một khi chúng kết hợp với nhau trong văn cảnh cụ thể sẽ có khả năng hình thành lớp nghĩa mới, bùng nổ hiệu ứng dây chuyền như những con bài domino. Trong khi ấy, các kiểu kết hợp đơn vị ngôn ngữ của tác giả lại khá đa dạng. Mỗi cặp câu lại có cách “bài binh bố trận” khác nhau, mô hình câu khác nhau đưa chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác để rồi, cuối cùng, cái còn đọng lại là sự ám ảnh cứ đeo đuổi ta mãi mãi.

Về mặt âm vận, vần “eo” và người chị em phái sinh của nó là “êu” đều là tổ hợp nguyên âm kép, một khi được kết hợp với phụ âm đầu sẽ tạo ra lớp từ láy, mà khi đọc lên ta sẽ có ngay những hình ảnh trực quan thay vì khái niệm trừu tượng. Vì thế, có thể xem, “eo”, “êu” là vần “độc”. Và, đương nhiên, sản phẩm của nó phải là lắt léo, vắt veo, cheo leo, lộn lèo. Với những cặp từ vừa quen vừa lạ này, bất cứ ai cũng hình dung ngay ra, có một cái gì đó giống như sự kích thích, dẫn dụ nằm dưới tầng nghĩa trực tiếp, mà nếu đào sâu thêm một chút, hẳn là tìm thấy không ít điều thú vị trong nội hàm tu hú từ những đệ tử họ Thích, nhưng không phải Thích Ca Mâu Ni mà là “Thích đủ thứ” của đám sư hổ mang, như tác giả gọi một cách mỉa mai là ma phá giới. Cũng xin nói thêm, tựa đề tu hú bắt nguồn từ câu tục ngữ “Tu hú đẻ nhờ”. Loài chim này không biết làm tổ. Chúng luôn rình rập đẻ trộm vào tổ sáo sậu, sáo đen hay bồ các sau khi đã ăn hết trứng của chủ nhà. Kết quả là, họ nhà sáo phải nuôi báo cô lũ con tú hú cho đến lúc đủ lông đủ cánh bay vút lên trời xanh mà chẳng cần biết bố mẹ mình là ai.

Cũng cần phải nhấn mạnh, chỉ với 56 chữ mà tác giả sử dụng đến sáu cặp từ láy và một cặp liên kết đồng đẳng, trong đó có những từ vừa đọc lên, người ta biết ngay Hoàn Nguyễn muốn nói gì về tư cách nhà tu hành phá giới ngay trong tự viện: vắt veo, lắt léo, cheo leo, lộn lèo, chũm choẹ, lông lốc, đầm đìa… Với hàng loạt từ láy chủ yếu vần trắc như vậy, tham gia trực tiếp vào quá trình diễn ngôn, tác giả đã tạo ra một văn bản phúng thích như nọc ong vò vẽ châm chích thói hư, tật xấu của những nhà tu hành Nam mô bồ tát bồ hòn/ Ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau.

Cùng với hàng loạt từ láy lấp lửng kiểu “đố thanh giảng tục” rất không tương thích với sự trang nghiêm của chốn thiền môn, tác giả còn triệt để sử dụng những từ ngữ, hình ảnh đậm đặc yếu tố sex như một cách lật tẩy những thứ nhếch nhác, đồi bại của giới tăng lữ giả cầy bên trong tấm áo cà sa. Với tác giả, những gì trái với lẽ thường đều phát sinh hệ lụy. Con người muốn sống yên ổn, tốt nhất là thuận theo lẽ tự nhiên. Thế nên, một nhà sư tu hành ép xác, tưởng chân tu hóa ra lại là một kẻ trọc đầu lông lốc vẫn tình đeo đến nỗi những vật tùy thân trong “chấp sự” của các thầy chùa cũng thấm đẫm tinh thần phồn thực. Chính vì thế, đôi chũm chọe, qua cái nhìn tinh quái của Hoàn Nguyễn, bỗng chốc mang bóng dáng đôi nhũ hoa của cô gái dậy thì chỉ với cặp từ tang tình khá là đong đưa, để rồi cái điểm tận cùng của sự trêu ngươi ấy là móc kẽ rêu. Có điều, kẽ rêu chỉ là hình ảnh mượn tạm của nữ sĩ họ Hồ cách đây hai thế kỷ như công đoạn bắc cầu để tác giả thả câu thứ năm trần tục đầm đìa chưa thoát gốc mà điểm nhấn của nó là hình ảnh đầm đìa khiến những nhà đạo đức giả bất ngờ như vừa bị lột mặt nạ. Phải đặt từ kết hợp đẳng lập đầm đìa trong sự tương tác với chưa thoát gốc mới thấy kỹ năng chơi chữ cao tay của nữ sĩ. Về mặt từ loại, đầm đìa là tính từ, ngoài việc biểu thị trạng thái đầy tràn, chẳng hạn như nước mắt đầm đìa, mồ hôi đầm đìa vẫn còn một thứ đầm đìa khác nữa, không nói thẳng ra nhưng ai cũng biết. Có lẽ đấy mới chính là điều tác giả ám chỉ chăng? Ở đây chúng tôi chưa nói đến yếu tố phồn thực vốn là thuộc tính sinh học khi mỗi cá thể đều chịu sự chi phối của tự nhiên như một quy luật, mà là bình diện triết lý của nó trong mối quan hệ xã hội. Rất có thể, ngoài ẩn ức tính dục, nếu ta dùng hình ảnh chưa thoát gốc làm hệ quy chiếu, hai câu luận của bài thơ sẽ dẫn người đọc đến một ẩn dụ sâu hơn về chủng sinh vật bán khai chưa đủ tư cách làm người như nhân vật Hanuman trong sử thi Ấn Độ Ramayana.

Vì âm hưởng chủ đạo của bài thơ là giỡn, là hài hước, châm biếm nên hầu hết ngôn từ được tác giả sử dụng đều có khả năng “khiêu khích” do sự kết hợp được hai yếu tố “tu” và “sex” vốn chẳng bao giờ đi cùng đường, chúng xung đột nhau kích hoạt năng lượng thẩm mỹ. Cho nên, nếu khảo sát về cấu trúc văn bản, chúng ta sẽ thấy ngay, mọi vật liệu xây nên ngôi nhà tu hú đều có nguồn gốc từ ngôn ngữ dân gian nhập nhẳng nửa tục nửa thanh. Đó cũng chính là nguyên nhân, qua con mắt giễu cợt của tác giả, mọi đồ vật, hình ảnh, thậm chí cả khái niệm như vắt veo, lộn lèo, chũm choẹ, móc kẽ rêu, trọc đầu, đầm đìa, cửa tam quan đều thấp thoáng bóng dáng sinh thực khí đàn ông hoặc đàn bà hay hành động tính giao. Cửa tam quan là ba tòa cổng chùa, một chốn linh thiêng, vậy mà bằng vào sự liên tưởng oái oăm, chẳng những tác giả chuyển hóa nội hàm, biến nó thành biểu tượng sex mà còn cài thêm động tác vẫn thoắt trèo như một cách châm chọc đám sư vãi mất nết dùng tăng phòng làm nơi hành lạc.

Như trên đã nói, Tu hú là văn bản nghệ thuật thiên về trò chơi chữ nghĩa. Mỗi cặp câu trong cấu trúc tổng thể đều được tác giả chọn lọc để đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Để giải quyết vấn đề này tác giả sử dụng hàng loạt từ lấp lửng, đa nghĩa tạo nên hai văn bản chồng lên nhau, một văn bản ngôn từ còn văn bản kia là ngữ nghĩa. Ở văn bản ngôn từ, tuy đã được tác giả chèn vào khá nhiều từ lấp lửng như lắt léo, chũm choẹ, móc kẽ rêu hay trọc đầu có xu hướng gây gổ nhưng vẫn còn ở trạng thái tiềm năng. Chỉ đến văn bản ngữ nghĩa, những cặp từ trên được kích hoạt, giống như chiếc kính chiếu yêu, bản lai diện mục của đám tu hành giả mạo kia mới hiện nguyên hình trong hai câu thực: Chày kình loạn nhịp quên kinh kệ/ Chũm choẹ tang tình móc kẽ rêu. Riêng hai câu luận, thì quả thật, không còn từ ngữ nào chính xác hơn để nói về thời mạt pháp. Các ma tăng, tay gõ mõ, miệng tụng kinh, nhưng trong đầu lại lởn vởn chuyện gió trăng. Vì thế, hình ảnh trọc đầu còn được ngầm hiểu là biểu tượng của linga, chẳng có gì nghiêm túc mà lại thấp thoáng đâu đó phong vị sex: Trọc đầu lông lốc vẫn tình đeo

Đúng là “nghề chơi cũng lắm công phu” nhất là nghề chơi chữ nghĩa. Với Tu hú, ngoài sự kỳ công trong kỹ năng sử dụng từ láy, vần độc, Hoàn Nguyễn còn tạo ra một bức tranh nghệ thuật phúng thích theo trường phái “giỡn” đặc biệt sinh động. Đó cũng chính là sự độc đáo của tác giả.

Đ.V.S.

 

TU HÚ

Hoàn Nguyễn


Nghĩ cái đường tu cũng vắt veo

Vần xoay lắt léo lại cheo leo

Chày kình loạn nhịp quên kinh kệ

Chũm chọe tang tình móc kẽ rêu

Trần tục đầm đìa chưa thoát gốc

Trọc đầu lông lốc vẫn tình đeo

Lộn lèo phá giới ma thành phật

Qua cửa tam quan vẫn thoắt trèo

2014


  

Đ.V.S.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét