Nhãn

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013


Sợ nhất là "ngộ độc thơ"

Quốc Toản

Trong việc ăn uống, nhiều khi do chế biến thức ăn không tốt hoặc thực phẩm bị ôi thiu, mất vệ sinh...người ăn có thể bị ngộ độc. Nếu bị nhẹ chỉ vài viên tiêu chảy là xong. Nặng thì rửa ruột, truyền dịch. Dĩ nhiên nếu không chữa chạy kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng còn một loại ngộ độc rất khó chữa lại không nguy hiểm gì, chỉ khổ người nghe ấy là "ngộ độc thơ"
Tôi là người làm thơ. Cũng đọc thơ để chia sẻ những vui buồn với bạn bè. Nhưng rất sợ những người luôn luôn bị ngộ độc thơ. Đến đâu, bất kì chỗ nào nếu cứ có "khe hở", "khoảng trống" là họ kiếm cớ đọc thơ. Nhất là khi ngồi nhậu mà gặp các vị này thì coi như... toi đời. Họ sẵn sàng "cầm chịch" bất biết mình chỉ là thực khách. Họ chém gió và đọc thơ từ đầu đến cuối. Rượu vào thơ ra. Đọc 1 bài không đủ, phải vài bài, thậm chí nhiều bài. Người cùng mâm... không thể nào ngăn được. Nếu có mâm bên cạnh chắc chắn sẽ bị vạ lây. Vì họ sẽ mang ly sang chúc. Dĩ nhiên là có thơ đi kèm. Đọc thơ, ngâm thơ chán thì họ hát. Có những ông "điếc không sợ súng" chẳng cần biết người ngồi với mình là nhà thơ có tên tuổi. Chẳng cần biết những người cùng mâm họ có thích nghe thơ hay không. Họ im lặng chịu trận. Họ nhẫn nhịn cho đến khi tàn cuộc. Có những người sức chịu đựng kém thì đành "cáo lỗi" ra về.
Họ là ai? Thật dễ nhận diện. Họ thường là những người sinh hoạt trong các CLB thơ (nhưng cũng không loại trừ mấy ông mấy bà là hội viên Hội VHNT cỡ tỉnh, cỡ trung ương đâu nhé). Họ còn là người yêu thơ, thích làm thơ. Những người này khi bung biêng hoặc cứ rượu vào là...thơ ra, không biết mình là ai và chẳng sợ bố con thằng nào.

Còn có vị rủ bạn đi ăn sáng cũng đọc thơ. Một bát phở,một chén rượu kèm đôi ba bài thơ, cộng đôi lời về hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Một tay cầm đũa, một tay chém gió. Mấy ông bạn ngán ngẩm, nhắc đọc khẽ chứ. Nhưng ông vẫn rất hùng hồn. Khách thì ngơ ngác còn chủ quán thì chỉ biết cười trừ...
Như thế không ngộ độc thơ thì biết gọi là gì?
Mới hôm qua thôi, tôi và mấy ông bạn bị một vị là khách mời đến sau, nhưng ông ta "cướp diễn đàn" để trở thành "chủ xị". Vừa bước chân vào bàn nhậu, vị này lớn tiếng "Kính trên không bằng tuân lệnh". Ngồi được dăm ba phút lão bắt đầu chém gió và thơ ra ào ào. Lão tự nhận, lão không phải là nhà thơ nhưng được cái thơ lão đi vào lòng công chúng. Đi đến đâu, dự hội nghị nào mà tôi được phát biểu, là chắc chắn sẽ có thơ và hát kèm theo. Như thế mới vui chứ. Lúc đầu mọi người còn để im cho lão nói. Đến khi không chịu được, có người yêu cầu lão im lặng, đừng đọc thơ nữa. Nhưng "tửu nhập, ngôn xuất" có "giời" mà ngăn được. Lão quay sang hát. Phải công nhận lão hát cũng không đến nỗi nào, chỉ tiếc là lão bị ngọng âm "L" thành "N". Tôi tin, nếu có tác giả bài hát đó ngồi đây chắc sẽ "buồn nôn". Hát chán, lão khoe: Tôi là loại người "Vua biết mặt, chúa biết tên". Chẳng là lão đang làm Chủ tịch HĐQT của một công ty nên ai cũng phải biết đến lão. Ghê chưa? Mấy bác trong mâm đang là quan chức cứ gọi là... im như thóc.
Chán trò, lão quay sang "ní nuận phê bình". Lão bảo, mấy bác nhà thơ ngồi đây biết không. Khi chúng ta đang nhậu thì ở bên Tam Đảo Hội Nhà văn đang diễn ra hội thảo về "ní nuận phê bình". Hội thảo chẳng giải quyết cái trò gì, rất vớ vẩn, chỉ mất thì giờ. Bao nhiêu cuộc rồi, có ích "nợi" gì đâu. Thơ hay "nà" tự nhiên nó hay. Cứ đọc "nên nà" nó hay. Hội Nhà văn các bố chẳng ai được tặng kỉ niệm chương, đằng này CLB thơ VN người ta tặng kỉ niệm chương "Vì sự nghiệp thơ Việt Nam". Oách xà nách chưa? Mà tôi nghĩ cũng chẳng béo bở "nợi nộc" gì cứ đọc thơ những "núc" như này "nà" thích nhất...
Một bác cao tuổi nhất mâm bắt đầu thấy "khó ở" yêu cầu lão im lặng. Nhưng lão bất chấp, không cần biết, không cần nghe. Bực quá, bác bảo: Thế này thì loạn à. Lạ thật, riêng câu "loạn" thì lão lại nghe được và bắt đầu kiếm cớ gây sự. Chẳng nói thì mọi người cũng biết chuyện gì xảy ra sau đó. May mà mọi chuyện cũng êm xuôi nhưng cuộc nhậu mất vui từ đó.
Có lần, tôi làm "chủ xị" mời bạn đến nhậu. Trong đó có hai bạn thơ. Tôi yêu cầu vào mâm nói gì thì nói, ăn gì thì tự gắp nhưng đừng dính dáng gì đến chữ thơ, đừng có đọc thơ. Quá lắm thì đọc 1 bài. Lúc đầu mọi người đồng ý và nói chuyện rôm rả. Nhưng không hiểu sao anh bạn thơ vẫn "không kìm lòng được" và bắt đầu thơ ra như suối. Tôi nhắc lại yêu cầu thì anh ta bảo: Ngồi nhậu không thể không đọc thơ được. Không nên cấm đoán người ta đọc thơ. Đến nước này thì tôi đành chiều bạn. Nhưng lần sau ông bạn ấy tôi không mời đi nhậu nữa, vì sợ bị tra tấn.
Lại có chuyện, ông bạn tôi là nhà thơ, sau khi đi nhậu về mời bạn đến nhà chơi cũng đưa ra yêu cầu: Đến nhà đừng nói chuyện thơ. Nhà có một người chập cheng như tôi làm thơ đã khốn khổ khốn nạn rồi, bây giờ mấy ông đến, Nhà tôi (vợ) chắc ngộ độc mà chết. Nhà tôi sợ thơ như sợ cọp. Ấy vậy mà vợ con ông vẫn không thoát được cảnh chém gió và sặc mùi thơ rượu. Khổ nỗi, mấy đứa con ông bạn lại thích thơ kiểu thơ Bút tre mà không thích thơ của bố. Chúng nó cứ ngẩn tò te ra nghe và hứng khởi thực sự. Thành ra ông và bà vợ đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Tôi biết, khi các bạn ông về chắc chắn ông sẽ bị vợ, vốn đã "trường cổ đại thanh" "dạy cho ông một bài học".
Chuyện ngộ độc thực phẩm thì nhiều, ngộ độc thơ thì ít. Kể ra mấy câu chuyện trên cho vui. Mọi người đừng sợ. Vì số người ngộ độc thơ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu bạn là người yêu thơ mà gặp mấy ông "nhà thơ lớn" này biết đâu lại ngộ ra nhiều điều...
  
Nguồn: trannhuong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét