Nhãn

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Ai đạo thơ ai? Thế là đã rõ


Ai đạo thơ ai? Thế là đã rõ

            Phạm Xuân Trường


1. Thế là đã rõ như ban ngày, tôi không phải là thằng “ăn cắp” thơ của Ngọc Châu (NC). Xin cảm ơn anh Trần Nhương đã tận tình cập nhật hàng ngày, minh bạch chuyện không hay này phơi ra ánh sáng... đã tốn thời gian vào việc vô bổ nhằm trả lại danh dự cho tôi. Đọc Lời ngỏ của NC xem ra anh “nhân đạo” thật và anh doạ. May mà anh không đăng ở mạng vandanvn.netvanthoviet.com, chắc tôi phải xấu hổ thêm ngàn lần nữa. Và qua Lời ngỏ của NC, cả nước biết thêm “thành tựu” của anh (thực ra không cần, vì mục đích lời ngỏ là giải trình việc ai đạo thơ ai kèm một lời xin lỗi tôi và mọi người là đủ). Nhưng ở mục 4 Lời ngỏ của NC lại trách tôi và mọi người không đọc thơ in rời mà NC đã đọc khắp các CLB trong thành phố và in ở các trang Web... Mong NC thứ lỗi cho tôi. Tôi chỉ sinh hoạt có mỗi Câu lạc bộ thơ ở Cung văn hoá Việt Tiệp thôi. Còn anh dư thời gian đi cả trăm câu lạc bộ kệ anh (kể từ năm 1993 đến nay tôi không hề gặp mặt anh ở CLB thơ Cung văn hoá lao động hữu nghị Việt Tiệp). Nơi khởi thủy do nhà thơ Phạm Ngà, Trần Lưu, Kim Thoa... do Cung Văn hoá thành lập từ năm 1989 cho đến nay. Rồi NC lại trách nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và nhà văn Đặng Văn Sinh dùng những cụm từ nặng lời với anh ấy thì lạ thật. “ NC không muốn làm to chuyện này” anh chỉ thông báo cho trannhuong.com biết. Thực ra không phải thế. NC đã gửi thư đi khắp các nhà thơ ở Hải Phòng để hạ nhục tôi...
2. Xin cảm ơn anh Trịnh Anh Đạt đã có những nhận xét về thơ tôi. Tôi “vốn liếng” ít lắm, “từ ngữ nghèo nàn” lắm, “mải mê tìm cách diễn đạt lạ, nói cho đau” (vì tôi đau thật và nhìn ra những nỗi đau thật của người khác. Chứ không đau giả như ai...). “Còn cách gieo vần vập vần cách câu. Khác nào viết thơ “Đồng tính luyến ái” với thơ “ngoại tình”...”. Xin đưa mấy câu thơ của anh viết cho mạng Hoài Khánh gần đây nhất mà bạn thơ giấu tên chuyển cho tôi: “Thơ hay ví thể tơ lòng / Vô tình giăng mắc khắp trong đất trời / Duyên thầm lặng lẽ cất lời / Vút thành khúc hát tuyệt vời trao nhau”. Riêng tôi rất ghét hai từ “tơ lòng”, “tuyệt vời” vì nó cải lương lắm. Và anh Đạt hãy đọc lên xem “đất trời”, “cất lời”, “tuyệt vời”, ba phụ âm “ời” ấy chắc không vập vần, không “đồng tính” và không “ngoại tình”. Còn anh bảo một câu thơ không làm nên nhà thơ. Theo tôi chưa thuyết phục. Ví như những câu thơ tôi dẫn chứng ra đây. Với tôi họ đã là nhà thơ: “Bố tôi nhìn tôi bằng cái nhìn vuốt mắt” (Phùng Khắc Bắc). “Bây giờ em mới hiểu ra / Vì đời chật chội nên ta hẹp hòi” (Yến Lan). “Đêm nay lại giống đêm nào / Nhắp xong chung rượu buồn vào tận gan” (Hàn Mặc Tử). “Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô hắt ánh trăng vàng đổ đi” (Bàng Bá Lân). “Kinh kì mây đỏ như son / Cái lồng chật hẹp giam con chim trời” (Trần Huyền Trân). “Người đi trên đống tro tàn / Thương em nhớ mẹ hương vàng về đâu” (Phạm Duy). “Bông lau xám lật qua chiều đông tái” (Thanh Tùng). “Câu thơ nấp ở sân đình / Nhuộm trăng trăng sáng nhuộm tình tình đau” (Đồng Đức Bốn). Còn anh bảo tôi “nói cho đau” chả lẽ phải nói cho vui mới gọi là thơ ư ? Đấy là cái quyền riêng của tôi. Câu nhận xét của anh không thoả mãn ý tôi. Còn anh cứ việc nói không đau, nói cho vui, tôi không can thiệp.
3. Kết thúc bài viết này xin trích nguyên văn lời của NC: “Hết sức xin lỗi các anh chị quan tâm đến chuyện này khi tôi viết về bản thân tôi nhiều như trên vì bác Đặng Văn Sinh có ý coi trọng các văn thi sĩ có chứng chỉ của chủ tịch Hữu Thỉnh cấp hơn là các tác giả và những ông TAĐ nào đấy”. Rồi anh nhấn mạnh một cách đầy mỉa mai dậy đời “ĐÃ TU Ở CHÙA VĂN XIN HÃY NHÌN VÀO VIỆC HỌC KINH, QUÉT CHÙA CỦA TỪNG SƯ MÀ QUÝ TRỌNG NHAU, XIN ĐỪNG NHÌN VÀO TẤM ÁO CÀ SA VÀNG (vì ngày nay nó trở nên rẻ rúng qua trò mua bán và xin xỏ lắm rồi!)”. Còn anh TAĐ nói nguyên văn: “Thì ra nhiều người sau ngày trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam, tự thấy mình chẳng hơn gì lúc chưa vào hội, thế là cứ thấy ở đâu có giao lưu thơ, hội thảo, hội nghị liên quan đến thơ, bằng mọi cách để có mặt, đăng đàn, diễn thuyết cứ làm như mình là “Cái rốn của vũ trụ”... Nhiều người quay ra than thân trách phận rằng mình đang chung sống với bọn người vô cảm!... Cái sự vô cảm trong xã hội đối với những hội viên hội nhà văn sau lễ kết nạp đến đâu, chưa có cơ quan nào đứng ra làm cuộc điều tra, thăm dò, hay thống kê”.
XIN HỎI: 1. Vậy các anh làm đơn vào HNV làm gì?
                 2. Nhỡ nay mai các anh trở thành hội viên NVVN người ta nói thế các anh nghĩ sao?
Kết thúc bài viết của anh NC với giọng đầy né tránh, bề trên “Viết đến đây NC thấy cũng đã khá tốn đất của anh Nhương rồi nên xin phép dừng”. Văn hoá thật. Tôi là người đích danh anh phải xin lỗi thì anh lại ù xoẹ, chung chung (với tôi xin lỗi cũng bằng thừa và cũng chẳng cần nữa).
Cuối cùng xin gửi tới NC những câu thơ của Tế Hanh mà tôi ghi ở sổ tay:
Đọc một bài thơ hay / Ý nghĩ đầu tiên thấy mình làm được / Ý nghĩ sau cùng thấy mình bất lực”.
Hãy đi con đường vào trái tim bạn đọc. Người ta có thể quên tên người làm thơ nhưng đừng để quên thơ” (Bài học nhỏ về nhà thơ lớn)...
Đất nước tham nhũng thành quốc nạn, dân đang mất lòng tin, người nghèo khổ còn nhiều, tệ nạn xã hội mọc lên như nấm, gái điếm Đồ Sơn đang bị phanh phui, với tôi sẽ viết và còn viết. Biển đảo của cha ông bị Trung Quốc ăn cướp, 64 người lính ở Gạc Ma bị Trung Quốc giết chết, người sống sót trở về bây giờ họ sống ra sao, sao các anh không viết đi. Là người Việt Nam hãy viết để bày tỏ lòng mình với Tổ quốc, với cha ông hay vì nhạy cảm mà các anh uốn bút lẩn tránh rồi bới lông tìm vết hạ nhục tôi.
Cuối cùng xin cảm ơn anh Trần Nhương, các bạn Đỗ Trọng Khơi, Đặng Văn Sinh, Thanh Tuyên, Trịnh Anh Đạt, anh Trần Quốc Minh và các bạn đọc xa gần.
TB: Giá như NC gọi điện hỏi tôi thì hay biết mấy. Bớt phải mang tiếng là tị hiềm đố kỵ, hồ đồ... Giá như chỉ là giá như thôi. Qua đây tôi cũng xin lỗi anh Hồ Anh Tuấn vì đã sử dụng bốn từ “dòng sông mang về” do anh Trần Quốc Minh viết ở Trần Nhương giống hệt của anh mặc dù văn cảnh có khác nhau.
Người kết thúc chuyện này chỉ có ở anh Trần Nhương chứ anh NC không có quyền.
Xin cảm ơn anh Trần Nhương và các bạn.

Hải Phòng, ngày 27 tháng 6 năm 2013
Phạm Xuân Trường


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét