Nhãn

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Từ sữa đậu nành Sài Gòn…


      Từ sữa đậu nành Sài Gòn…


Chỉ với 80.000 đồng mua 1 kg bột sữa là có thể pha chế được 200 ly sữa đậu nành mà không phải mất công nấu đậu.

                1 kg bột sữa pha được 200 ly sữa đậu nành
Từ lâu, chợ Kim Biên vốn nổi tiếng với các mặt hàng hóa chất được bày bán công khai. Cụ thể, chỉ cần một số tiền nhỏ bỏ ra là người tiêu dùng có thể mua được rất nhiều loại bột pha chế khác nhau. Từ hóa chất tạo độ ngọt cho nồi nước lèo bún bò đến pha chế trà chanh, tạo hương trà sữa và cả các loại chất lỏng pha chế sữa tắm, làm sữa đậu nành...
Trong vai một tiểu thương nhỏ muốn mở hàng bán sữa đậu nành vỉa hè ở cổng trường đại học nhân dịp khai giảng sắp tới, chúng tôi khăn gói vào chợ hỏi mua loại bột làm sữa này. Dạo một vòng quanh các cửa hàng bán hóa chất thực phẩm, chúng tôi ghé vào sạp số 6, tên cô T (chợ Kim Biên - quận 5) có bày rất nhiều các loại can xanh, trắng và túi nilon ghi nhiều loại hương liệu như: hương chanh, đậu nành, đậu xanh...
Khi biết chúng tôi chuẩn bị mở quán bán sữa đậu nành vỉa hè, cô T nhiệt tình tư vấn mua loại bột béo màu trắng đục, có giá 80.000 đồng/kg. Theo cô T hướng dẫn thì "chỉ cần đun sôi nước rồi cho vài muỗng bột vào khuấy đều lên là có thứ nước màu trắng sữa giống như đậu nành. Tiếp đến, cưng cho thêm ít giọt tạo mùi thơm của đậu nành vào khuấy đều lên là đem bán được rồi". Được biết, 1 kg loại bột sữa này có thể làm ra 200 ly đậu nành loại 5.000 đồng thường được bán ở vìa hè.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong vòng 1 buổi sáng có đến 10 người lại hỏi mua bột sữa nay đem về khuấy bán. Hầu hết họ đều là mối quen, mỗi lần lấy 10kg là ít nhất nên cô T nhìn thấy họ tới là vào trong đem 1 bịch to rồi tính tiền là xong. "Giờ đậu tương mắc, mua về xay rồi bán lấy đâu ra lãi. Chưa kể tiền ly nhựa, ống hút, túi nilon gói...mất nhiều tiền nữa thì lấy đâu ra lãi. Vậy nên cưng mua loại bột này làm sữa đậu nành là đúng bài rồi", nói rồi cô T nhanh tay gói cho chúng tôi giói bột 1kg vừa mua và thêm chai nhựa nhỏ tạo hương đậu nành với giá 15.000 đồng/chai và dặn khi nào lấy nhiều cứ alo là có hàng, không sợ thiếu.

               Bịch bột pha chế 200 ly sữa đậu nành có giá 80.000 đồng/kg.
Quan sát gói bột có màu trắng đục, bên ngoài không có bất kỳ một thông tin gì của nhà sản xuất cũng như hạn sử dụng..., chúng tôi ngờ vực hỏi loại này xuất xứ ở đâu, cô T trấn an: "Cứ yên tâm, hàng xịn, giá tiền hợp lý, được nhập về từ nước ngoài". Hỏi cô nước ngoài là quốc gia nào, cô bảo cô cũng không biết, dân buôn đem tới thì lấy thôi, nghe đâu là nhập từ bên Trung Quốc về.
Lời giải thích qua loa của cô T khiến chúng tôi không tìm được thêm thông tin gì về xuất xứ loại bột này. Tuy nhiên, cũng không ai quan tâm đến điều đó, vì họ chỉ cần biết cách pha chế thế nào để cho ra những ca sữa đậu nành ngon vào ngày mai thôi. Theo bật mí của một bạn hàng quen nhà cô T thì: "Chúng tôi thường cho thêm vài giọt tạo hương đậu nành vào nồi sữa là đảm bảo ngon đúng điệu, không ai nhận ra gì cả". Ngoài ra, họ còn tạo độ ngọt cho sữa bằng đường hóa học.

                 Chai nước tạo hương sữa đậu nành 15.000 đồng/chai.
Vậy nên khi nhấp một ngụm đậu nành làm từ loại bột sữa không nguồn gốc trên, chúng tôi thấy hương vị không khác mấy so với loại đậu nành mới xay. Có chăng là vị ngọt lợ nhiều hơn.
Rất khó phân biệt
Đem thắc mắc về loại bột sữa không rõ nguồn gốc này đi hỏi bà Tô Thị Hằng, làm việc tại Công ty giám định Vinacontrol (chi nhánh TP.HCM), chúng tôi được nghe giải thích rằng: "Rất khó để giám định được sữa đậu nành thật, giả nếu chỉ nhìn bằng mắt thường hay phân biệt qua đường mũi. Hiện, chúng tôi chưa xác định được loại bột này có chứa các thành phần hóa chất nào. Nhưng nếu sử dụng lâu dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng".
Được biết, người dân Sài Gòn rất thích uống sữa đậu nành vì thời tiết nóng bức. Thế nên, khi chưa xác định được thành phần chính trong gói bột tạo ra sữa đậu nành này, người tiêu dùng nên sử dụng các thực phẩm an toàn, có chứng nhận y tế hoặc tự xay uống.
Hiện nay, việc quản lý mua bán các loại hóa chất ở chợ Kim Biên diễn ra công khai, không cần nhiều tiền, bạn vẫn có thể dễ dàng mua được loại hóa chất về pha chế mà không gặp phải bất cứ khó khăn nào. Do vậy, người tiêu dùng nên chọn cách ăn chín, uống sôi, ăn nơi hàng quán uy tín, an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh bỏ tiền ra mua nhầm phải hóa chất về sử dụng.

đến miến Hà Nội

                 Nhìn những cảnh này, có lẽ không ai còn dám tiếp tục ăn miến!
Từ làng làm miến Dương Liễu, Minh Khai (Hoài Đức - Hà Nội), mỗi ngày người dân cho ra lò hàng trăm tấn miến phục vụ thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chứng kiến "công nghệ" sản xuất ở đây, người nơi khác đến không khỏi rùng mình bởi tình trạng mất vệ sinh đi kèm với sử dụng hoá chất gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
             Tận mục chứng kiến công nghệ làm miến ở Dương Liễu (Hoài Đức-HN).
Nguy hại hơn, có hộ ở đây dùng một thứ thuốc mà theo họ gọi là sun – phít và thuốc tím để tẩy trắng miến. Tại hộ gia đình anh Nguyễn Y. (Dương Liễu), chúng tôi thắc mắc thì được giải thích: "Do nhu cầu của đại lý, họ đặt hàng thế nào thì chúng tôi làm thế. Họ thích miến trắng thì chúng tôi cho hoá chất thuốc tẩy vào làm trắng miến, nếu không thích thì thôi".
         Nghiền củ dong riềng làm miến ngay tại vỉa đường đầy nước bùn lênh láng
Theo anh Y. thì với mỗi tấn bột, họ cho 2 thìa cà phê hoá chất vào khuấy đều. Đợi khi hoá chất ngấm vào bột và làm trắng bột, họ mới lấy bột tráng bánh sản xuất miến. Quy trình để có miến ngon của anh Y. là cho bột làm miến vào bể, hòa cùng thuốc tím, axit, Natri sunphit, sau đó khuấy lọc 4-5 nước và cuối cùng rửa lại bằng nước sạch.
Khu nhà xưởng sản xuất miến của gia đình anh Y. rộng chừng 100m2 nhưng ngổn ngang đủ thứ: nguyên liệu, máy tráng, máy cắt, hàng chục chiếc bể lọc…
Bên cạnh những chiếc bể là một thùng thuốc tím loại 50kg được nhập từ Trung Quốc, một bao tải Na2SO3, một can đựng axít H2CO3, một can phụ gia để pha màu.
                    Thuốc tím chuẩn bị để trộn vào bột làm miến
Theo giải thích, bột ngấm hoá chất thì cho miến có độ dai hơn, người tiêu dùng ăn có cảm giác ngon hơn chứ không bị bở, nhũn… Anh Y cho hay, để phân biệt được miến có dùng hoá chất hay không thì nhìn mầu sắc, trắng là có hoá chất, hồng không dùng hoá chất. Miến trắng được bán với giá đắt hơn miến hồng một chút (miến hồng 17.000 đồng/kg thì miến trắng là 18.000 đồng).
Theo chủ cơ sở, rất nhiều người thích ăn loại miến trắng.

Bánh miến sau khi tráng được phơi cả bên lề đường đầy bụi bẩn, hoặc ngay sát bờ ruộng đầy cỏ rác
Khi được hỏi vì sao để miến dưới đất mất vệ sinh vậy, chị Th. một chủ hộ sản xuất miến ở đây cho biết: "Nhà nào cũng làm hàng chục tấn/ngày, với lại mình có ăn đâu mà để ý đến sạch sẽ. Để bẩn một chút nhưng sau họ nấu chín lên ăn, vi khuẩn con nào sống sót được?”
Sau khi làm miến được chất lên xe bò chở về rồi cắt sợi vứt ngay dưới sân gạch, nền đất.
Chỗ nào còn khoảng trống thì đều được tận dụng để để miến, sau đó mới phân loại và bó lại.
Từng bó miến đỏ, miến trắng thành phẩm sau đó mới theo các chủ hàng tản đi khắp nơi.

                                       Miến thành phẩm óng mượt
Những năm qua, nhiều chủ cơ sở sản xuất ở Dương Liễu, Minh Khai đã vay ngân hàng vốn đầu tư máy móc khá hiện đại từ khâu chế biến đến sản xuất, giảm công sức lao động.
Tuy nhiên, còn những hộ gia sản xuất nhỏ vẫn làm thủ công theo cách này.
Việc sử dụng hoá chất vào sản xuất miến cũng chưa thể loại trừ.
Việc sản xuất miến bẩn đã được nhắc đến không ít lần, nhưng đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Nguồn: vietnamnet

2 nhận xét:

  1. Chiều mưa nghe gió Hoàng sa lạnh
    Tráng sĩ ngồi đây buốt lạnh lòng
    Kiếm gỏ sao khuya tràn lữa hận
    Gươm mài núi khuyết ngập hờn sông...
    Chào bạn...chúc sức khỏe an vui...

    Trả lờiXóa
  2. Bây giờ con người ta vì tiền mà có thể làm mọi thứ tán tận lượng tâm....

    Trả lờiXóa