Nhãn

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Thư kêu cứu đến ông Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo


 Thư kêu cứu đến ông Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo
 
Thầy giáo Đỗ Huy Tấn trên bục giảng

            Thưa ông Bộ trưởng!



Tôi là Đỗ Huy Tấn, giáo viên toán, thuộc tổ khoa học tự nhiên, đang giảng dạy ở trường THCS Nguyễn Trãi, thị Xã Chí Linh thì bị cấp trên điều chuyển vào trường THCS Lê Lợi, tuy cùng thuộc địa bàn Chí Linh nhưng là một xã vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại khó khăn.

Về lý mà nói, giáo viên đang đứng lớp, được cấp trên điều động, đương sự phải chấp hành, đó là chuyện bình thường. Luật công chức đã quy định như vậy, chẳng riêng gì tôi, mà ngay những người mới vào nghề cũng hiểu rất rõ. Tuy nhiên, việc điều động tôi đi trường khác, lại hoàn toàn không bình thường, bởi nó nằm trong ý đồ trả thù cá nhân của ông Đỗ Văn Hòa, hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi.

Theo ông Đỗ Văn Hòa, nguyên nhân tôi bị thuyên chuyển giữa học kỳ năm học 2013-2014 là do thừa biên chế vì nhà trường giảm số lớp, trong khi tôi không có được thành tích cao trong giảng dạy nếu so với các đồng nghiệp thuộc tổ khoa học tự nhiên. Để tìm cách đưa được tôi đi, họ đã nghĩ ra cái gọi là “Tiêu chí xét thuyên chuyển giáo viên dôi dư” gồm hai phần “Diện ưu tiên không thuyên chuyển” và “Căn cứ xét tuyển”. Phần “Diện ưu tiên không thuyên chuyển” trong đó có mục “nam từ 55 tuổi trở lên, nữ từ 50 tuổi trở lên” và “có bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế” thì được miễn. Trong khi đó, ở mục “Căn cứ xét thuyên chuyển”, họ tính theo thâm niên công tác kết hợp với vài chỉ số phụ như con thương, bệnh binh, có bằng khen cấp thị xã hoặc gia đình đặc biệt khó khăn, rồi quy ra điểm, giáo viên nào bị thứ hạng thấp thì phải ra đi.


Cái gọi là “tiêu chí” do chính ông Đỗ Văn Hòa đặt ra, rồi dùng ảnh hưởng quyền lực của mình để thông qua được số đông người thực chất là một văn bản trái với  Luật Giáo dục, mà điều vi phạm nghiêm trong nhất là không thông qua Hội đồng trường. Hơn thế nữa, vấn đề đáng nói ở đây là về quan hệ con người với con người, về tình người, tình đồng nghiệp trong giáo giới. Vào cuối năm học 2011 – 2012, tôi đã gửi đơn đến phòng Giáo dục – Đào tạo tố cáo hiệu trưởng Đỗ Văn Hòa vi phạm quy chế chuyên môn và chế độ chính sách. Thấy sự việc diễn biến có chiều phức tạp, Trưởng phòng đề nghị tôi dừng đơn và hứa là nếu còn làm trưởng phòng thì không bao giờ chuyển anh đi nơi khác. Trong Hội nghị Cán bộ viên chức trường THCS Nguyễn Trãi ngày 01 tháng 10 năm 2013, bà Phượng cũng nói là việc nhà trường lập danh sách thuyên chuyển đồng chí Đỗ Huy Tấn đi là thiếu tình người. Ấy vậy mà, chỉ chưa đầy một tháng sau, không hiểu vì lý do gì, phòng GD và phòng Nội vụ tham mưu cho Chủ tịch thị xã thuyên chuyển tôi vào trường THCS Lê Lợi. Nói cách khác, họ không còn chút  tình người, nhẫn tâm đẩy một đồng nghiệp mà vài tháng nữa sẽ đủ 55 tuổi với 28 năm trên bục giảng, kể cả những năm giảng dạy THPT, thân mang trọng bệnh đến bước đường cùng, buộc phải viết những dòng tâm huyết này gửi đến ông.

Ngay từ năm học 2010-2011, khi trường THCS Bến Tắm và trường THCS Bắc An sáp nhập thành trường mới mang tên trường THCS Nguyễn Trãi, ông Đỗ Văn Hòa (vốn là hiệu trưởng trường THCS Bắc An) được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi, đã có những biểu hiện thiếu minh bạch trong công tác quản lý  cơ sở vật chất cũng như việc thực hiện quy chế chuyên môn. Về việc này, tôi đã có đơn tố cáo với trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Chí Linh ngày 25 tháng 5 năm 2012 với 6 nội dung chính như sau:

1- Vi phạm quy chế chuyên môn năm học 2011-2012, cụ thể là bỏ một tiết dạy tự chọn môn toán ở lớp 6G, tiết 2, chiều ngày 11 tháng 5 năm 2012.  Đến muộn 15 phút tiết tự chọn môn toán lớp 6E chiều ngày 11 tháng 5 năm 2012, vào lớp không có giáo án.

2- Vi phạm nguyên tắc thu chi tài chính năm học 2011-2012, gồm những khoản thu bất hợp lý bắt học sinh đóng góp dưới danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục” như tiền “hỗ trợ bảo vệ trường” 30.000đ/năm, tiền “trông giữ xe đạp” 30.000đ/năm, tiền “quỹ khen thưởng” 40.000đ/năm. Trong  đó, số tiền phải nộp nhiều nhất, khiến không ít  bậc cha mẹ học sinh phàn nàn là khoản “học thêm”. Chỉ tính riêng năm học 2011-2012, bình quân một học sinh khối 6, 7, 8 đã phải nộp 432.000đ/năm. Học sinh khối 9 còn phải nộp gấp đôi, 864.000đ/năm. Tổng số tiền học thêm thu được là 281.272.000.000đồng (hai trăm tám mươi mốt triệu hai trăm bảy mươi hai ngàn đồng), cao hơn nhiều lần so với học phí cả năm. Thế nhưng việc sử dụng khoản tiền này hoàn toàn thiếu minh bạch, trong đó có khoản rất bất hợp lý là chi cho người thu 1%. Sau khi thanh toán cho các giáo viên đứng lớp, số tiền còn lại là 53.000.000đ (năm mươi ba triệu đồng), chia chác cho những ai, cũng không được công khai trước hội đồng nhà trường. Ngoài ra còn một khoản không nhỏ nữa là 10,8% số tiền bảo hiểm y tế học đường được phép giữ lại, nhưng không biết sử dụng vào việc gì, trong khi nhà trường thực chất chỉ có một tủ thuốc cấp cứu từ những năm trước để lại.

3- Bố trí 2 giáo viên trong biên chế với mức lương cao làm công tác thiết bị đồ dùng, chỉ tham gia giảng day 2 tiết/tuần nhưng vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp 35% trong hai năm học 2010-2011 và 2011-2012, trái với công văn số 31 của giám đốc sở GD-ĐT ngày 12 tháng 1 năm 2010, gây thất thoát công quỹ mà thực chất là tiền đóng thuế của nhân dân. Nghiêm trọng hơn nữa là ông Hòa còn sử dụng một giáo viên hợp đồng giảng dạy môn ngữ văn trong khi định suất giáo viên vẫn thừa. Cô giáo này bắt đầu giảng dạy từ tháng 9 năm 2010 đến tháng 12 năm 2011 thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trước 8 tháng. Để giải quyết êm vụ này, hiệu trưởng Đỗ Văn Hòa đã cấp trước 2 tháng lương và bồi thường thêm 2 tháng nữa là gần 12.000.000đ (mười hai triệu đồng) cộng với số tiền đóng bảo hiểm hết tháng 2 năm 2012. Toàn bộ số tiền trên  đều lấy từ ngân sách nhà nước cấp cho trường THCS Nguyễn Trãi năm 2012. Đây là việc làm hết sức sai nguyên tắc, vi phạm nghiêm trọng chế độ sử dụng tài chính, vượt ra ngoài thẩm quyền của một hiệu trưởng.

4- Năm học 2010- 2011, khi hai trường THCS sáp nhập, có rất nhiều tài sản công như máy tính, tủ, bàn ghế làm việc, bàn ghế giáo viên, học sinh chưa hết khấu hao, thậm chí nhiều cái còn mới, sau khi hợp nhất, số tài sản này bị thất thoát khá nhiều, nhưng đã qua gần 4 năm, ông Hòa vẫn không có câu trả lời thỏa đáng với tập thể các thầy cô giáo.

5- Sở  Giáo dục- Đào tạo Hải Dương cũng như  phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Chí Linh đã có công văn cấm giáo viên dạy thêm, nhưng cô giáo Trần Thị Cương, vợ ông Đỗ Văn Hòa đã mở ít nhất hai lớp tại nhà. Hai lớp này cũng chính là hai lớp cô Cương được nhà trường phân công giảng dạy  năm học 2011-2012.

6- Mặc dù nhà trường có 01 biên chế Văn thư - thủ quỹ (trường THCS Bắc An tuyển dụng) nhưng chỉ là trên danh nghĩa, còn thực chất, người giữ tiền lại là một cô giáo thân tín của hiệu trưởng, vì ông Hòa sợ rằng, để “người ngoài” quản lý tiền mặt, khi cần sử dụng vào “việc này việc khác” sẽ khó khăn chăng. Việc làm sai nguyên tắc đến nực cười ở chỗ tuyển dụng người ta vào biên chế Văn thư-Thủ quỹ nhưng khi bị PGD vài lần yêu cầu phân công công việc đúng vị trí tuyển dụng lại yêu cầu biên chế này viết cam kết trong việc giữ tiền công quỹ. Tại Hội nghị cán bộ viên chức nói trên, bà trưởng phòng cũng nói nếu giao thủ quĩ thì cô này phải viết cam kết và còn nói  đại ý rằng căn cứ vào tình hình nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Hải Dương bị kẻ gian đột nhập phá két sắt nơi công sở nên giao tiền cho thủ quỹ mang về cất ở nhà là “khả thi” hơn cả.

Những ý kiến kiến nghị của tôi với các cơ quan chức năng là hoàn toàn đúng sự thật, được giáo viên nhà trường chứng kiến từng ngày từng giờ trong suốt mấy năm học vừa qua. Nhưng khi nhận được đơn, phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã Chí Linh, nếu không phủ nhận hoàn toàn thì lại tìm cách biện bác để gỡ tội cho hiệu trưởng Đỗ Văn Hòa bằng công văn số 432/PGDĐT-KL ngày 17 tháng 7 năm 2012. Qua công văn “Kết luận nội dung phản ánh, kiến nghị…” trên mà bà Nguyễn Thị Phượng kí, hầu hết những giáo viên trung thực, còn chút lương tri đều tỏ vẻ bất bình với hành vi bao che, miệt thị công lý của phòng Giáo dục - Đào tạo Chí Linh. Họ đã thiếu trung thực, không dám nhìn thẳng vào sự thật bởi sự ràng buộc qua lại của nhóm lợi ích, dẫn đến việc xử lý sai các mối quan hệ công tác mà hậu quả là các thầy cô giáo mất lòng tin vào cơ quan công quyền, khiến cho môi trường giáo dục ngày càng ô nhiễm.

Chẳng những thế, các cán bộ công quyền của thị xã, trong đó có ngành giáo dục, lại luôn tỏ ra kiêu ngạo, coi thường quần chúng, phát ngôn tùy tiện, thiếu một nền giáo dục cơ bản chứng tỏ tầm văn hóa thấp, gây phản cảm, thậm chí có tác dụng ngược trong việc cảm hóa, giáo dục các thế hệ học sinh. Dưới đây, tôi xin dẫn chứng hai trong khá nhiều trường hợp điển hình về văn hóa ứng xử không thể nào tưởng tượng nổi của cán bộ, đảng viên vốn vẫn tự nhận mình là “đầy tớ của dân”.

Trường hợp thứ nhất là bà Phạm Thị Tựu, phó trưởng phòng Nội vụ thị xã Chí Linh, về dự Hội nghị Cán bộ viên chức trường THCS Nguyễn Trãi ngày 01 tháng 10 năm 2012, đã phát biểu một câu nổi tiếng đáng ghi vào sử sách lưu lại cho con cháu muôn đời sau: “Các đồng chí phải luôn coi nhà trường như một mái nhà chung, trong đó, ban giám hiệu như là người cha người mẹ, giáo viên như là con cái trong nhà…”. Lời phát biểu đã được ghi âm, sau đó tôi có ý kiến không chính thức với phòng Nội vụ về thái độ xấc xược của bà Tựu. Tuy nhiên phòng Nội vụ chẳng những không xử lý kỷ luật cán bộ của mình mà còn tiếp tay cho phòng Giáo dục – Đào tạo, làm tờ trình UBND thị xã ra quyết định chuyển tôi khỏi trường THCS Nguyễn Trãi để trả thù.

Trường hợp thứ hai là hiệu trưởng Đỗ Văn Hòa. Vào ngày 25 tháng 10 năm 2012, tại cuộc họp Hội đồng giáo dục trường THCS Nguyễn Trãi, trong bài phát biểu của mình tôi đã dùng cụm từ “ông hiệu trưởng” thay vì “đồng chí hiệu trưởng”, ngay lập tức ông Hòa phản ứng bằng lời tuyên bố cũng nổi tiếng không kém bà phó trưởng phòng Nội vụ: “Nếu xưng hô bằng đồng chí thì cho họp, còn gọi bằng ông hiệu trưởng thì đề nghị ra ngoài”.

Về biên chế nhân sự, tổ khoa học tự nhiên của trường THCS Nguyễn Trãi  hiện có 8 giáo viên toán, trừ tôi ra, còn nhiều người trẻ, sức khỏe tốt và thâm niên công tác còn ít. Trong số này có một giáo viên toán là Nguyễn Thanh Hùng, cháu rể nguyên trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Mai (hiện là Trưởng ban Tuyên giáo, Thường vụ Thị ủy thị xã Chí Linh) chuyển từ Tây Bắc về trường THCS Bắc An theo “kịch bản đường vòng” của các nhà tổ chức lắm mưu nhiều kế từ tháng 10 năm 2006, trong khi trường này đang đủ biên chế. Sau khi hai trường sáp nhập, đương nhiên đây là thành phần dôi dư.

Thứ hai, năm học 2013-2014, trường THCS Nguyễn Trãi chỉ còn 18 lớp, thuộc trường loại hai, chỉ được biên chế một hiệu phó, nhưng không hiểu vì lý do gì, phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã Chí Linh vẫn sử dụng 2 hiệu phó. Rõ ràng đây là việc làm trái với quy định của tổ chức ngành Giáo dục, gây lãng phí ngân sách nhà nước, vì sao  phòng Nội vụ không có biện pháp xử lý mà chỉ xử lí giáo viên “dôi dư”? Chẳng lẽ, cán bộ quản lí lại có “đặc quyền” như vậy sao?

Trong khi ấy, tôi là giáo viên duy nhất tốt nghiệp ĐHSP toán hệ chính quy, một đảng viên, vài tháng nữa là đủ 55 tuổi, có 28 năm đứng trên bục giảng, đã vinh dự  nhận huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, không vi phạm quy chế, hàng năm đều hoàn thành nhiệm vụ, chưa từng bị cấp trên phê bình kỷ luật, được học sinh yêu mến, bản thân mang căn bệnh mạn tính, gia đình đang gặp khó khăn, lại bị điều đi vùng sâu vùng xa, thử hỏi còn đâu là sự công bằng?

Cũng xin nói thêm với ông, đã từ lâu, ngành giáo dục Chí Linh, thường có thói quen trừng phạt những giáo viên mà họ coi là “cứng đầu” vì dám công khai nói lên sự thật. Mục đích là gì chắc tôi không cần nói ông cũng hiểu. Khoảng cách từ phường Bến Tắm (nơi tôi cư trú) đến trường THCS Lê Lợi là 10km đường núi. Thực tế đó là loại đường đồi núi gồ ghề, mùa mưa thì trơn trượt , mùa  đông thì gió bụi, đi lại vô cùng khó khăn. Với tình trạng sức khỏe ngày càng xuống cấp của tôi, hiện chỉ còn 40kg trọng lượng cơ thể, khó có thể trụ được.

Khi biết ông Đỗ Văn Hòa lập danh sách xếp tôi vào diện dôi dư, tôi đã hai lần gửi đơn khiếu nại về hành vi hành chính có xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân tôi mà hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi đã làm, với UBND và  phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Chí Linh, tuy nhiên cả hai lần tôi đều không được trả lời. Sau đó ông Hòa chính thức trao quyết định khi tôi mới từ bệnh viện trở về được vài ngày. Biết là họ tìm mọi cách đẩy mình đến bước đường cùng, nếu không nhận sẽ bị quy tội “chống đối tổ chức”, tôi đành phải tạm nhận, nhưng sau đó bị sốc, bệnh cũ tái phát, lại phải lên điều trị tại bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương.

Ngày 13 tháng 11 năm 2013, tôi đã khiếu nại đến Thanh tra Nhà nước thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương về hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về công tác tổ chức. Tuy nhiên, đến ngày 27 tháng 12 năm 2013, sau hai lần thuyết phục tôi không rút đơn, Thanh tra thị xã Chí Linh lấy lý do, đơn gửi không đúng đối tượng nên đã làm công văn số 301/CV – TTr trả lại đương sự, đồng thời yêu cầu mang về trường THCS Nguyễn Trãi để ông Đỗ Văn Hòa giải quyết theo “Khoản 2, Điều 3, Nghị định  75/2012/NĐ – CP”, ngày 3 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ.

Đây là việc làm tùy tiện, thoái thác trách nhiệm của Thanh tra thị xã Chí Linh. Tôi đã trình bày rõ, việc thuyên chuyển giáo viên đi trường khác, nếu Hiệu trưởng ký vào quyết định, tôi sẽ có đơn trực tiếp gửi đến ông Đỗ Văn Hòa. Thế nhưng, văn bản lại do Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh ký với sự tham mưu của phòng Giáo dục – Đào tạo và phòng Nội vụ. Thanh tra Chí Linh không hiểu hay cố tình không hiểu Luật Công chức? Nói như Thanh tra thị xã Chí Linh, trong trường hợp này, chữ ký của Chủ tịch tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển là hoàn toàn không có giá trị bởi trước đó, văn phòng UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn yêu cầu UBND TX Chí Linh làm rõ vụ việc và trả lời UBND tỉnh trước ngày 31/12/2013.

Vì tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh gia đình cũng như lẽ công bằng cho một giáo viên chống tham nhũng đang bị trả thù, tôi buộc phải gửi thư kêu cứu này đến ông. Rất mong ông, với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam, có thẩm quyền trong tay, xem xét trường hợp của tôi, góp phần làm cho công lý sáng tỏ, cứu vớt một nhà giáo ở đẳng cấp thấp nhất, đang bị trù dập, từng bước làm lành mạnh ngành giáo dục vốn từ lâu đã lắm hệ lụy.

Kèm theo thư kêu cứu này, tôi xin gửi đến ông một số tài liệu cần thiết cũng như hồ sơ về bệnh án làm bằng chứng để ông tin rằng lời nói của tôi là sự thật.

Thành thật xin lỗi vì đã làm phiền quý ông bằng bức thư này vì tôi đã gửi đơn kêu cứu cho giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Hải Dương mà không được hồi âm nên cực chẳng đã đành mạo muội như vầy.



Xin gửi ông lời chào kính trọng!



      Chí Linh, ngày 15 tháng 01 năm 2014



                   Đỗ Huy Tấn


Nguồn: Tác giả gửi trực tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét