Nợ công 2013: Cuộc tranh đấu giữa hai số liệu
Phạm Chí
Dũng
Phát tiết
chất dịch
Năm 2013 đã
kết thúc với một chất dịch nhờn nhợn phát tiết trong lòng nội bộ: khoảng cách
biệt không tưởng về số liệu nợ công.
Thể trạng như
vậy cũng khác khá nhiều so với năm 2012 và những năm trước, vào lúc độ minh
bạch về số liệu tài chính còn nhớp nháp lớp ảo ảnh sương muối.
Nhưng như một
quy luật bất biến trong lịch sử kinh tế - xã hội, cứ vào mỗi giai đoạn khối u
trong cơ thể chực chờ bùng vỡ, lớp da trên cơ thể đó lại nổi lên những vết đen
đầu tiên báo hiệu cho những sang chấn thời kỳ cuối.
Có thể xem năm
2013 là một dấu ngoặt đen đúa như thế, dù tâm thế được coi là “phản tỉnh” của
giới chuyên gia nhà nước và báo chí quốc doanh mới chỉ khởi sự. Hiển hiện khá
rõ là vào kỳ họp Quốc hội cuối năm, trong khi báo cáo của Chính phủ tràn đầy
“màu sáng”, cách nhìn của cơ quan dân bầu lại là “màu xám”, còn một số đại biểu
phải thốt lên rằng tình hình kinh tế - xã hội trong con mắt của người dân chỉ
là “màu tối”.
Sự khác biệt
quá đáng về trường quang phổ như thế cũng hàm chứa cả một dung sai chưa từng
thấy về tỷ lệ nợ công quốc gia: trong khi các báo cáo của Chính phủ, được tổng
hợp từ giới quan lại trung chuyên như Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
vẫn sắt son giữ vững nợ công chỉ ở mức 55,4% GDP và còn xa mới vượt ngưỡng nguy
hiểm 65% GDP do Liên Hiệp Quốc ấn định, thì một con số khác lại được giới
chuyên gia độc lập nhắc đi nhắc lại là tỷ lệ này đáng ra phải leo đến 95% GDP.
Bởi một sự thật quá hiển nhiên là trong lúc tính toán cơ cấu nợ công, các bộ
ngành thấm đẫm chất quan liêu đã lại “bỏ quên” nợ của các tập đoàn kinh tế nhà
nước - vốn là một tiêu chí mặc định của Liên Hiệp Quốc.
Tiếng nói
“phản tỉnh” đã cất lên lần đầu tiên tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân ở Nha Trang
vào tháng 4/2013, khi một số chuyên gia phản biện độc lập và cả vài chuyên gia
nhà nước đã bắt đầu phải đề cập đến con số 95% GDP của nợ công. Đến tháng
11/2013 tại Diễn đàn kinh tế mùa thu, thực trạng quá khó tả và cũng quá khó
hiểu này lại càng được cắt xẻ sâu đậm hơn trong một nỗi đau chưa thể công khai
hóa. Ngay cả vài chuyên gia nhà nước vốn theo trường phái “lập trường” nhất
cũng không tránh khỏi bị “lung lạc”. Một người trong số đó còn thừa nhận rằng
nền kinh tế Việt Nam
đang nằm trong tình trạng làm ra 100 đồng thì phải trả nợ đến 98 đồng.
Đó là chưa kể
đến một tính toán khác của giới chuyên gia người Việt ở nước ngoài, theo đó tỷ
lệ nợ công quốc gia có thể lên đến 106% GDP…
Nhà nước vỡ
nợ
Cũng khác
nhiều với những năm trước, vào năm 2013 báo chí và giới quan sát đã phải đồng
loạt ta thán về một tương lai nợ công đặc cách dồn lên đầu lớp con cháu. Sau
một thời gian kiên trì nhắc nhở và thuyết phục, dường như uy quyền truyền thống
của Ban tuyên giáo trung ương cũng bị sa sút đáng kể về hiệu lực: ở vào thế chân
tường, mọi lý lẽ giáo điều và tư tưởng xu nịnh đều bị bác bỏ thẳng cánh bởi
khoa học và hệ thực tiễn khách quan.
Trong khi đó,
mạng lưới truyền thông xã hội tỏ ra chân thành và dũng khí hơn hẳn: rất nhiều
khả năng cái tương lai từ thực tiễn khách quan ấy sẽ trở thành một nhà nước vỡ
nợ như Argentina
đã từng bị vào năm 2002.
Điểm tương
đồng hết sức khắc khoải với hiện trạng Việt Nam là vào năm 2001, tỷ lệ nợ công
của Argentina mới có 53% GDP, nhưng đến năm sau đã tăng vọt lên 165% GDP.
Chỉ trong cơn
bạo bệnh, những gì trần trụi nhất mới có thể bộc lộ. Bài học không thể phai mờ
là trong quá khứ của cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, nợ xấu bất động sản ở
Thái Lan đã chỉ được báo cáo có 5% trước khủng hoảng; nhưng tỷ lệ này đã tăng
gấp mười lần sau khi cơn địa chấn bùng nổ.
Thế nhưng
không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có đủ can đảm thừa nhận mình đang ở giai
đoạn cuối. Những số liệu mà Chính phủ và các bộ ngành liên quan phóng ra vào
thời điểm cuối năm 2013 vẫn khuôn phép mức nợ công trên đầu người dân Việt Nam
chỉ vào khoảng 867 USD, trong khi của Nhật Bản là 98.723 USD/người cách đây hơn
ba chục năm; của Hy Lạp đạt 30.730 USD/người chỉ mới năm 2012. Rõ ràng sự so
sánh quá ngẫu hứng này chỉ nhằm một mục đích duy nhất: dân chúng chẳng việc gì
phải lo lắng đối với vấn đề nợ công quốc gia ở Việt Nam.
Tuy nhiên cũng
vào những ngày cuối năm 2013 và trong bầu không khí uất ức của ít nhất 20% số
ngân hàng báo lỗ cùng hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải giải thể và phá sản,
ngay một số chuyên gia giữ chức vụ cao trong khu vực nhà nước đã phải thừa nhận
là trong những năm tháng tới đây vẫn chưa nhìn thấy bất kỳ nguồn thu nào đủ để
trả nợ.
Nói cách khác,
nợ vay vẫn đều đặn tăng lên, đặc biệt là các dự án vay tín dụng từ WB, IMF, ADB
và cả nguồn vốn ODA từ Nhật Bản vẫn thừa sức dồi dào sinh lực, trong lúc nền
kinh tế đang rơi vào tình trạng ít tồi tệ chưa đến đáy khi phải vét đến 98%
trong số 100 đồng làm ra để trả nợ.
98% cũng là tỷ
lệ phiếu thuận gần như tuyệt đối mà Quốc hội Việt Nam đã đồng tâm nhất trí để
thông qua bản Hiến pháp 2013 - bị giới quan sát độc lập đánh giá là “một sự
thụt lùi chưa từng thấy”.
Chu kỳ mất mát
Sự thụt lùi đó
đã hằn sâu đến mức ngay cả những người giữ thói quen im lặng lâu năm cũng phải
mở miệng. Tính xác quyết của thủ tướng chính phủ và thủ trưởng các bộ ngành
liên quan về mức độ an toàn của nợ công quốc gia còn bị chỉ trích bởi nhận định
của giới chuyên gia về tình trạng nhiều cơ quan nhà nước hiện nay cũng không
biết thực chất số nợ công từ 63 tỉnh thành là bao nhiêu. Những ngành liên quan
trực tiếp đến nợ công như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thường làm
công việc nhàn nhã là tổng hợp số liệu báo cáo từ các địa phương. Trong khi đó,
câu chuyện tiếu lâm gần gũi nhất mới được kể vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cuối
năm 2013 là “GDP có chân”, tức trong khi hầu hết các chính quyền địa phương báo
cáo tỷ lệ tăng tốc GDP là trên 10%, thì trung bình cộng của GDP quốc gia chỉ có
5,5%, - giảm đến phân nửa.
Cũng như tình
trạng quá bất nhất về các con số nợ xấu ngân hàng hiện nay, nợ công quốc gia là
một chủ điểm cực kỳ trái khoáy, để điều được Chính phủ xem là ngưỡng an toàn
lại luôn là giới hạn nguy hiểm cho chính cơ quan hành pháp cao nhất và những cá
nhân đứng đầu nó.
Nhìn lên phía
Bắc, người anh em “mười sáu chữ vàng” của Việt Nam đã vừa phải thừa nhận một sự
thật đáng kinh ngạc: nợ của các chính quyền địa phương đã tăng lên gấp đôi so
với ba năm trước. Vào năm 2011, con số mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc công
bố về nợ của các chính quyền địa phương mới chỉ “gói” trong khoảng 1.450 tỷ
USD. Nhưng nay, số nợ này đã vọt lên chẵn 3.000 tỷ USD, gần bằng toàn bộ dự trữ
ngoại tệ của đất nước đang có chiều hướng rơi vào khủng hoảng kinh tế này.
Thấp hơn rất
nhiều so với Trung Quốc, số dự trữ ngoại tệ chỉ khoảng hơn hai chục tỷ USD
trong ngân khố Việt Nam chỉ chiếm 1/6 GDP quốc gia và không đủ để xử lý bất kỳ
một cuộc khủng hoảng kinh tế nào, dù cuộc khủng hoảng đó chỉ xảy ra ở mức độ
nhẹ nhàng nhất.
6 năm qua, nền
kinh tế Việt Nam đã chìm sâu trong suy thoái bởi thế trục lợi cưỡng bức tàn
nhẫn của vô số nhóm lợi ích, cùng thành tích điều hành không thể tệ hơn của một
chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Và đến năm 2014, nền kinh tế này đang
bước chân vào năm thứ bảy của một chu kỳ mất mát.
Thế nhưng mọi
chuyện rất có thể vẫn chưa hãm phanh ở những tai họa đã qua. Nếu một quốc gia
hùng mạnh như Nhật Bản còn phải mất đến một thập kỷ mất mát để trả giá cho giai
đoạn tăng trưởng hưng thịnh trước những năm 1980, thì một quốc gia cạn kiệt tài
nguyên và gần như biến mất niềm tin chính thể như Việt Nam sẽ phải làm sao để
mọi cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng xã hội không biến thành cuộc khủng
hoảng duy nhất về chính trị và sự thay đổi đến tận gốc rễ của nó?
P. C. D.
Nguồn: voatiengviet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét