Nhãn

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Nguyên phi Hoàng Lan


          Nguyên phi Hoàng Lan


                Truyện ngắn của Đặng Văn Sinh

       
        Quân doanh về đêm tĩnh mịch lạ thường. Lính Kim Ngô chống kích đứng im như những pho tượng, chỉ những chiếc ngù trên chỏm mũ của họ là khẽ phất phơ. Ngoài trời mây đen vần vũ. Gió lạnh quyện những hạt mưa thấm qua lần áo kép lạnh thấu xương. Nhà vua tựa gối trước ngọn bạch lạp dáng vẻ trầm tư. Đêm nay là đêm cuối cùng ở ngoài cương thổ sau hơn ba tháng ngự giá thân chinh, hoàng thượng tự nhiên thấy trong lòng xúc động lạ.
        Một nội thị thay nến, dâng trà. Thấy đã khuya rồi mà nhà vua vẫn còn đọc sách, viên thị tòng khẽ bẩm :
        - Muôn tâu, thần cúi xin thánh thượng đi nghỉ lấy sức để sớm mai cùng đại quân trở về.
        Nhà vua ngừng đọc, gập quyển “Đường thi tam bách thủ” xếp gọn trên kỷ rồi nheo mắt bảo :
        - Ngươi cứ vào ngủ trước, đừng đợi trẫm. Đêm nay tự nhiên ta thấy lòng dạ không yên, có thể ở kinh sư đã xẩy ra chuyện gì.
        Người nội thị vốn quê Lam Kinh, được vào hầu nhà vua lúc ngài còn là Bình Nguyên vương, rất được sủng ái. Tuy hoàng thượng nói vậy nhưng anh ta vẫn quỳ dưới đất, đầu cúi xuống khẩn khoản bằng giọng nhỏ nhẹ :
        - Thần mong bệ hạ giữ gìn long thể.
        Nhà vua sẽ chau mày, hơi cao giọng :
        - Đã bảo cho ngươi đi nghỉ, cứ mặc trẫm.
        Thời gian lặng lẽ trôi. Chừng cuối giờ Tý, một trậm âm phong bất chợt thổi tắt cả mấy ngọn nến trong hành điện. Nhà vua thấy ớn lạnh. Tầm hồ cừu lót lông cáo trắng khoác ngoài hình như không đủ độ ấm. Ngài để nguyên cả xiêm y ngả người trên kỷ, mắt đăm đăm nhìn ra quầng sáng bên ngoài tường hành  cung. Cả gian điện nhuộm một thứ ánh sáng xanh dịu màu lục nhạt. Từ thinh không vẳng xuống những thanh âm rất là ai oán :
        - Xin bệ hạ cứu mạng…

        - Nhà ngươi là ai? – Thánh Tông hơi run, không phải vì lạnh mà vì sợ, hỏi nhỏ, giọng như bị hẫng – Ngươi… là ma quỷ ở xứ nào?
        - Thiếp là cung nhân, ngày trước đã được bệ hạ đoái thương. Thiếp bị hàm oan…
        - Hả ? – Nhà vua hất tấm chăn gấm, xốc áo bật dậy – Trời ơi ! Hoàng Lan.
        - Vâng ! Thần thiếp cúi mong xa giá về gấp…
        Thánh Tông đã kịp trấn tĩnh nhưng giọng vẫn như còn ngái ngủ :
        - Trẫm đã xuống chiếu, nội nhật ngày mai ban sư. Ta về là mọi việc đâu vào đấy. Nàng đừng lo.
        Bóng ma rời  đám vân vụ lờ mờ hiện hình thành người con gái, quỳ xuống chắp hai tay ngang ngực :
        - Thần thiếp sợ không kịp.
        - Khanh nói sao ? – Nhà vua bị lạnh, ho khan mấy tiếng, giọng như chìm đi bởi bởi tiếng gió thổi ràn rạt trên nóc điện.
        Người con gái bỗng đứng lên, sấn lại, kéo ống tay áo ngài ngự, giọng thảng thốt :
        - Bệ hạ ơi ! Trường Lạc hoàng hậu sắp xuống lệnh hành quyết…
        Bị giật mạnh, Thánh Tông chợt tỉnh. Thì ra một giấc chiêm bao. Ngài gọi giật giọng :
        - Nội thị !
        - Dạ ! Thần đây. – Viên nội quan vẫn chưa dám ngủ, vén rèm bước vào.
        - Ngươi có thấy một cung nữ vừa vào đây không ?
        - Thưa không.
        - Các cửa ngoài vẫn đóng chứ ?
        - Muôn tâu, vẫn đóng.
        Nhà vua thở dài lẩm bẩm :
-        Vậy thì ở nhà chắc có chuyện rồi…

*
                                                                      *   *

        Gió bắc phay phay lạnh thấu xương. Mặt biển tím biếc một màu. Giữa trùng dương bao la, đoàn thuyền chiến cuốn buồm. Các tay chèo xếp hàng hai bên nhịp nhàng quạt nước. Ngồi trên lầu cao của chiếc ngự thuyền Phi Long cắm cờ vàng giữa trung quân, nhà vua muốn mình mọc thêm đôi cánh để bay về kinh đô thật nhanh, chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến bàn cờ đã được Chinh tây tướng quân Lê Thọ Vực bày sẵn cũng như hai câu thơ nổi tiếng của ngài khi xuất sư chinh phạt Bồn Man được Thảo tặc phó tướng quân Lê Nhân Hiếu hết lời tán tụng :
        Bách vạn sư đồ viễn khải hành
        Xao bồng vũ tác nhuận quân thanh
        ( Trăm vạn quân đi đánh cõi xa
        Mui thuyền mưa dội nhuận quân ta)
        Lúc này, vị đương kim hoàng đế đăm chiêu suy ngẫm về một thời đã qua, khi còn là hoàng tử thứ tư, được sách phong Bình Nguyên vương, ở kinh sư, cùng các thân vương cưỡi ngựa, bắn cung, tập mười tám ban võ nghệ.
        …Trường đua xế về phía tây hoàng thành. Đó cũng là nơi tỷ thí võ nghệ của các thân vương, hoàng tử. Nơi này chỉ cách cung Liên Hoa, Thủy Vân và Thụy Liên một khoảng vườn trồng toàn những cây sấu cổ thụ, tán sum suê tỏa rộng, cao ngang lầu Ngũ Phượng. Khu này nguyên là nơi ở của các phi tần được triều đình tuyển về trước khi đưa vào nội cung hầu hạ nhà vua. Nhưng không phải bất cứ trinh nữ nào cũng may mắn được đấng chí tôn ban ơn mưa móc. Không ít cô gái lúc vào cung còn đầu xanh tuổi trẻ đến khi bị thải thì đã tóc bạc răng long mà chưa một lần thấy mặt rồng.
        Cung Liên Hoa có một người con gái quê vùng Kinh Bắc, giọng quan họ ngọt ngào, các ngón cầm kỳ thi họa đều thạo nhưng không gặp may. Nàng không có cái đẹp sắc sảo mặn mà. Vẻ đẹp của nàng phải là người có con mắt tinh đời mới nhận ra, vì thế, nhập cung từ tuần cập kê, nay đã tròn đôi chín mà vẫn sống lẻ loi. Vua Nhân Tông còn quá trẻ, đang bận tập chính sự, hoàng thái hậu họ Nguyễn lại nghiêm khắc và ích kỷ nên những thân phận bé mọn như nàng đành ôm bóng mỏi mòn.
Buổi sáng hôm ấy, các hoàng tử tập múa thương và bắn cung. Bình Nguyên vương so tài với Lạng Sơn vương Nghi Dân. Theo lệ, đầu thương được bọc giẻ nhúng nước vôi đặc. Người giám thí theo lệnh đại tư mã Lê Thụ, cứ thấy vị vương nào trên áo giáp có nhiều vệt trắng thì được coi là thua. Nghi Dân võ nghệ không tồi nhưng là người hung bạo. Trước, vương được lập làm hoàng thái tử, sau vì sự lăng loàn của mẹ là chiêu nghi họ Dương nên bị truất xuống hàng phiên vương , vẫn mang mối hận với Nhân Tôn. Có lẽ vì thế mà khi luyện tập cùng các vương đệ, cặp mắt vị hoàng tử thất sủng lúc nào cũng như có sát khí. Trận đấu sắp vào hồi kết. Ngọn thương của Tư Thành bay loang loáng, xoay tít theo đúng đấu pháp, biến hóa như một trận hoa tuyết. Nghi Dân bị dồn vào thế thủ, không còn giữ được bình tĩnh nữa, bèn ngả người về phía sau, giật cương cho ngựa xoay ngang rồi đâm một nhát rất mạnh vào miếng hộ tâm trên ngực hoàng đệ. Mũi thương chạm sắt trượt đi tuột miếng giẻ bọc. Tư Thành tránh không kịp bị trúng khuỷu tay, máu xối ra làm vương lảo đảo, xuýt ngã ngựa. Trên cửa sổ cung Liên Hoa chợt có tiếng thét. Thì ra bấy lâu nay vẫn có một người cung nữ dõi theo các hoàng tử đấu võ.
        Vết thương không nặng lắm, chưa đầy nửa tuần trăng, Bình Nguyên vương lại phi ngựa ra trường đua. Con tuấn mã bốc nước kiệu sát hàng sấu già, vị hoàng tử trẻ ngước mắt nhìn lên ô cửa sổ, bên trong thấp thoáng một bóng giai nhân. Khoảnh khắc nhất thời ấy, hình như không phải là vô tình, bốn luồng mắt giao nhau… Chàng trai đa tình ghì cương, rướn người trên yên, muốn nhìn một lần nữa nhưng cửa đã buông rèm.
        Hôm ấy, các vương phóng ngựa ra ngoài thành qua Cửa Bắc. Đại tư mã Lê Thụ đích thân chỉ huy duyệt thủy trận trên sông Chèm. Chiều về, Tư Thành lỏng tay cương làm như vô tình ngước nhìn cửa sổ lầu hoa. Cánh cửa khép hờ. Mặt trời chỉ còn cách hàng sấu độ nửa con sào. Ánh chiều rực rỡ như dát vàng trên ngọn bảo tháp Liên Hoa. Mái tam quan phủ ráng đỏ sừng sững vươn lên giữa cảnh hoàng hôn. Ráng đỏ còn như vãi tung toé trên vòm tán những cây sấu đại thụ. Khoảng trời kinh thành từ màu đỏ rực bỗng như có phép lạ biến rất nhanh thành vàng chanh. Chẳng bao lâu, màu vàng chanh lại nhường chỗ cho trắng đục,và, khi chuông chùa Liên Hoa ngân nga những tiếng đầu tiên thì màn đêm bắt đầu buông xuống. Đêm thượng huyền thanh khiết, lặng lẽ lan tỏa và mượt như nhung. Đâu đó dưới chân hoàng thành có tiếng mõ cá khua.
        Bình Nguyên vương vừa đến tuổi thành niên. So với Lạng Sơn vương, chàng có thân hình cao lớn hơn, sức lực dẻo dai hơn. Đó là do vương chịu khó luyện tập võ nghệ, tuy rằng thiên hướng của chàng là văn nghiệp chứ không phải võ công. Trên trán vương có một vệt chàm lờ mờ giống hình chữ “vạn”, người ta thường thì thầm với nhau, đấy là dấu hiệu của bậc đại quý. Đêm ấy Tư Thành không ngủ được. Vương bị cặp mắt người cung nữ Kinh Bắc hút mất hồn. Dù mới chỉ thoáng nhìn chàng cũng kịp nhận ra trong đôi mắt đen láy sâu thăm thẳm, thấp thoáng chút mơ màng kia như có một thứ ma lực cuốn hút, không thể cưỡng lại được. Thao thức đến gần sáng, Tư Thành nảy ra ý định, thế nào cũng phải tìm cách vào cung Liên Hoa gặp người con gái ấy dù chỉ một lần.
        Bình Nguyên vương đi vòng vèo như là cố tình mua đường qua phủ Trung Đô, đến cửa Mạc Thành, cấm vệ quân từ tốn ngăn chàng lại :
        - Dám xin điện hạ về cung cho, hoàng thượng đã có lệnh cấm vì đây là nơi ở của các cung nhân.
        Tư Thành bực mình mắng :
        - Ta chỉ đi qua không được sao? Có việc hệ trọng cần gặp Quách thái giám.
        Người lính lễ phép hỏi :
        - Điện hạ cho chúng tôi xem tín bài ?
        - Ta có việc rất gấp, vội không kịp lấy tín bài.
        - Bẩm điện hạ không được đâu, nếu để ngài qua cửa là chúng tôi mất đầu.
        Biết không thể vào được, Tư Thành chán nản quay gót. Hai thị vệ đứng chắn cánh cửa sơn son, tay cầm kích đặt chéo nhau, nhìn thẳng.
        Có lần vương vào vấn an mẫu thân ở cung Khánh Phương, phu nhân ngậm ngùi bảo :
        - Chúng ta sống được đến ngày hôm nay là nhờ ơn quan Phục Hầu, nay vì túc trái tiền oan, ngài thọ nạn về chín suối. Mẹ có mình con như cây một cành, mong con sớm thành gia thất để sau này tuổi già ta có chỗ dựa.
        - Ý mẹ là…
        Phu nhân khẽ gật đầu nhìn Tư Thành lựa lời thăm dò :
        - Quan Nhập nội hành khiển Tả xuân phường họ Phan có một tiểu thư vừa độ trăng tròn…
        Tư Thành vội quỳ xuống đỡ bàn tay mẹ nhẹ nhàng nói :
        - Xin mẹ giữ gìn ngọc thể, đừng quá lo cho con, đợi ít lâu nữa rồi sẽ bàn chuyện ấy.
        Nương nương lấy hai bàn ta búp măng trắng như ngà lặng lẽ vuốt tóc con trai:
        - Mẹ hỏi thật, cái hôm con tập với Lạng Sơn vương ở trường đua bị thương vào tay là do vô tình hay có ý gì khác ?
        Tư Thành cúi đầu nói nhỏ :
        - Con nghĩ chắc không phải vô tình, vì lúc ấy, nhìn vào cặp mắt hoàng huynh con thoáng thấy có chiều dữ tợn.
        - Ra thế ! – Phu nhân thở dài – Hôm ấy nhà vua đi đâu ? Mọi lần hoàng thượng thường ngự xem các vương đệ luyện tập kia mà ?
        - Hôm ấy nhà vua đi săn với đô đốc Nguyễn Sư Hồi ở thành ngoại.
        - Vậy là ta hiểu. – Phu nhân chép miệng – Thôi, con về phủ đi.
        Bình Nguyên vương cúi đầu, khoanh tay, giọng lí nhí :
        - Thưa mẫu thân,còn một việc hệ trọng lắm, con muốn trình mẹ.
        - Còn việc gì nữa ?
        - Thưa… ở cung Liên Hoa…
        Phu nhân thoáng nhìn ra cửa, thấy hai thị nữ đang đứng bên rèm bèn phẩy tay bảo “ cho các ngươi lui, khi nào ta gọi hãy vào”rồi mới hạ giọng hỏi :
        - Nào, bây giờ thì nói đi, vương tử có chuyện gì ở cung Liên Hoa ?
        - Thưa mẹ, có một người con gái…
        - Ta không hiểu vương tử muốn nói gì ? – Nương nương chợt thay đổi cách xưng hô, nghiêm khắc nhìn con trai chờ nó nói ra cái điều mà bà đã mơ hồ nhận thấy.
        - Thưa mẫu thân, vào đúng lúc con trúng mũi thương của Nghi Dân thì trên cung Liên Hoa có tiếng một cung nữ thét lên nghe thảm thiết lắm. Rồi những lần phóng ngựa ra ngoài thành, mỗi khi nhìn qua rèm cửa, con đều thấy mắt nàng nhìn rất lạ. Từ bấy đến nay con luôn …tơ tưởng đến nàng.
        Vừa nghe xong, phu nhân đã thay đổi sắc mặt :
        - Bây giờ con có còn là một hoàng tử của bản triều nữa hay không mà dám cả gan làm việc bạo nghịch như vậy ? Con từng học lễ với Trần thượng thư và hàn lâm họ Nguyễn, há lại chẳng biết cung Liên Hoa, Thủy Vân và Thụy Liên là nơi ở của các phi tần hay sao ? Luật pháp triều đình vô cùng nghiêm ngặt, mẹ mong con cư xử đúng đạo làm tôi.
        Tư Thành vẫn khoanh tay, cúi dầu lắng nghe, nhưng những lời phu nhân nhân nói chỉ như lãng máng tận đâu đâu. Chàng thừa biết cái thứ điển chế lạnh như đá của triều đình do chính ông chàng, cha thàng là Thái Tổ, Thái Tông đặt ra. Ôi ! Số phận những người cung nữ. Đức Thái tôn trước lúc băng hà có đến hơn ba trăm  phi tần. Họ đều là những cô gái xinh đẹp, đức hạnh  mà lại phải sống cô đơn, suốt những tháng năm dài chỉ quanh quẩn  trong chốn tiêu phòng trống vắng. Hôm hoàng thái hậu xuống chiếu thải cung phi, Tư Thành thấy nhói trong tim niềm thương cảm. Bây giờ họ không nơi nương tựa, không nghề nghiệp khả dĩ nuôi thân, biết đi đâu về đâu ? Mấy tháng trước, đức Nhân Tôn., cũng theo lệ, tuyển mười sáu cung phi từ Kinh Bắc, Thượng Hồng, Hạ hồng và thừa tuyên Sơn Nam về. Mười sáu mảnh đời thiếu nữ nhan sắc, giỏi nữ công, thử hỏi trong số giai nhân ấy, ai sẽ có diễm phúc được vị hoàng đế gần như còn trẻ con ấy để mắt tới ? Có lần đọc Đường Thi, chàng đã ngậm ngùi cho thân phận của người phi tần tóc bạc trong cung Thượng Dương, suốt mấy chục năm chờ đợi một cách tuyệt vọng, để rồi thời gian dài đằng đẵng đã biến cô gái xinh đẹp thành bà gìa tóc bạc da mồi.
        Vương không dám nài thêm vì chàng biết nương nương rất nghiêm cẩn trong trong đạo quân thần. Sinh thời, Thái tôn hoàng đế cũng phải tôn trọng bà nhất mực, huống hồ đây là việc có quan hệ đến tam cương, ngũ thường, phu nhân không thể nhắm mắt làm ngơ. Trước khi Tư Thành lui gót, phu nhân còn dặn :
        - Con là vương đệ, phải giữ trọn đạo làm tôi. Đừng làm gì hại đến vương hóa.
Bình Nguyên vương cúi đầu thở dài, ngước cặp mắt buồn từ biệt mẹ. Chàng rảo bước về phủ, lòng nặng những ưu tư.

                                          *
                                             *     *

        Hôi hoa đăng năm ấy mở vào đêm hai mươi bảy tháng giêng, sau tết nguyên tiêu. Hội bắt đầu có lệ từ năm Thuận Thiên thứ tư đời Thái Tổ, mở vào ba đêm không trăng xung quanh hồ Lục Thủy. Những đêm hoa đăng như thế, từ quận chúa, tiểu thư đến các phi tần, nội thị đều nô nức rủ nhau xuất cung. Cuối tháng mạnh xuân, trời vẫn còn se lạnh. Đêm càng khuya các nam thanh nữ tú càng dập dìu chen vai thích cánh nhau. Từng tốp vương tôn, công tử, tiểu thư xiêm áo lộng lẫy tỏa về bốn phương, tám hướng chung quanh hồ. Trong đám tài tử giai nhân trảy hội đêm nay có một vị hoàng tử cải trang. Tư Thành đi hội không cốt để xem đèn hoa. Trong tâm trí chàng lúc nào cũng canh cánh một nỗi niềm, ấy là đôi mắt người con gái trên lầu Liên Hoa.
        Bình Nguyên vương phải mất khá nhiều thời gian, tìm đến ngày thứ hai mới thấy người cung nữ lẫn trong đám chị em đang thắp hương trước đền Thánh Mẫu. Đợi cho mọi người khấn vái xong, khi đám cung nhân rủ nhau vào nhà Thủy Đình lên gác Nghênh Phong chàng mới rảo bước đến cạnh Hoàng Lan, giọng thì thầm chỉ đủ cho nàng nghe thấy :
        - Nàng ở cung Liên Hoa …
        Người con gái giật mình, hàng mi cong chớp chớp, e lệ nhìn Bình Nguyên vương:
        - Điện hạ… cũng đi hội Hoa Đăng ?
        Tư Thành lấy ngón tay đặt ngang môi :
        - Nàng đừng để mọi người biết ta là ai.
        Người cung nữ đi chậm lại, mặc đám chị em ríu rít kéo nhau lên lầu Vọng Nguyệt. Mắt nàng long lanh. Bình Nguyên vương không dằn lòng được, trống ngực đập liên hồi nhưng vẫn đủ can đảm đón ánh mắt Hoàng Lan. Những ngọn đèn lồng như tan biến vào bóng đêm mênh mông. Trước mắt chàng chỉ còn lại ngọn lửa kỳ diệu từ đôi mắt huyền của người con gái, lúc gần lúc xa, lúc như thiêu đốt, lúc lại ve vuốt mơn trớn chàng hoàng tử trẻ tuổi còn chưa trải nghiệm tình trường nhưng đa cảm.
        Đêm hôm sau, tức là đêm cuối cùng của hội Hoa Đăng, Tư Thành và người cung nữ lại gặp nhau trước quán Vân Tiêu. Hai người cùng thắp hương, xóc thẻ xin cô đồng Huệ An đoán số. Cô Huệ An nhìn Tư Thành chằm chằm, bỗng ghé sát tai chàng nói nhỏ : “ Công tử có tướng lạ, tôi sơ tài không dám mua rìu qua mắt thợ”. Quay sang người cung nữ, cô Huệ An lại bảo : “ Cô cũng là quý nhân nhưng mệnh bạc”. Lúc sắp chia tay, người về vương phủ, kẻ lại lầu hoa, Bình Nguyên vương đã bạo dạn hơn, chàng cầm tay nàng khẽ bảo :
        - Nhất định ta phải đón nàng về vương phủ phong làm chính thất.
Hoàng Lan lắc đầu :
        - Điện hạ lầm rồi. Thiếp là phi tần của tiên đế, điện hạ làm sao dám vượt phép triều đình .
        Tư Thành cúi đầu. Chàng như người vừa tỉnh cơn mê, thẫn thờ nhìn mặt hồ lấp loáng ánh đèn bằng cặp mắt ảm đạm :
        - Mẹ ta cũng đã từng nói thế, -  chàng ra chiều tư lự - nhưng ý ta đã quyết, vì giữa ta và nàng như là có tiền duyên, không ai ngăn cản được.
        - Người con gái vẫn nhỏ nhẹ :
        - Điện hạ đừng nóng vội, nếu có thương đến thân phận thiếp thì phải chờ thời. Thiếp tuy vào cung đã được mấy năm nhưng chỉ là hạng nữ tỳ, chưa có danh phận gì, Xa quê hương, xa cha mẹ thiếp thấy buồn lắm. Cái hôm điện hạ đấu thương, thiếp vô tình nhìn thấy ánh mắt Lạng Sơn vương,  tự nhiên lo cho tính mệnh điện hạ nên nông nổi, ngu dại chót kêu lên. Từ nhỏ thiếp vốn sợ máu, mong điện hạ xá cho.
        Tư Thành vẫn cúi đầu ngẫm nghĩ. Trước khi từ biệt chàng còn băn khoăn :
           - Hay là ngày mai ta vào cung xin với hoàng thượng ? Anh ta là người rộng lượng chắc không nỡ chối từ.
        Hoàng Lan lắc đầu :
        - Chỉ mong sau này điện hạ đừng quên tiện thiếp là được. Giữa cõi đất trời mù mịt này, mọi thứ đâu đã phân định rạch ròi, điện hạ còn trẻ, còn sự nghiệp quốc gia trọng đại, vội gì tính chuyện trăm năm.
        - Nàng nói thế là thế nào ? Ta chịu không hiểu được.
        Người cung nữ lại nói :
        - Đó là lời của một người thầy tướng người Hạ Hồng nói với thiếp hôm qua ở chân tháp Huyền Thiên.

                                                *
                                                 *     *

        Vào đêm mồng ba tháng tám năm Diên Ninh thứ sáu, khoảng cuồi giờ Tý, Tư Thành nghe thấy bên cung Long Phù có tiếng hò reo. Chàng vội nhỏm dậy khoác áo trèo lên lầu. Phía cửa Đông Hoa đèn đuốc sáng như sao sa. Biết trong cung có biến, Tư Thành liền gọi gia nhân sang cứu giá. Cả bọn vừa đến cửa điện Thái hòa thì gặp Phạm Đồn dẫn một toán cấm quân chừng ba bốn trăm tên chắn ngang đường bảo :
        - Điện hạ cứ về phủ, sáng mai hoàng thượng sẽ có chỉ dụ mời vào cung, bây giờ vương ở đây không tiện, sợ nguy đến tính mạng.
        Bình Nguyên vương chống gươm nhìn xoáy vào mắt viên Chỉ huy phó hộ phiên hất hàm hỏi  :
        - Trong cung đã xảy ra chuyện gì, tướng quân nói cho ta hay.
        Phạm Đồn ngạo nghễ xốc gươm, đưa mắt nhìn đám cấm quân, giọng gọn lỏn :
        - Hoàng thượng bị bạo bệnh băng đột ngột ở tẩm cung. Nước không thể một ngày không vua, vì vậy Lạng Sơn vương tạm thời thay quyền coi chính sự.
        - Trời ơi ! Hoàng huynh ! – Bình Nguyên vương ngửa mặt kêu to ba tiếng rồi khóc nấc lên.
        Tư Thành bần thần như người mắc chứng hoang tưởng, định quay gót nhưng chợt nhớ ra, đây là thời cơ có một, nếu bỏ lỡ sẽ phải ân hận suốt đời. Chàng rỉ tai đám gia nhân tâm sự của mình và bàn với họ tìm cách đưa cô gái Kinh Bắc ra khỏi cấm thành. Một gia nhân thưa :
        - Các cửa trong cấm thành lúc này chắc bọn Trần Lăng đã điều lính cấm vệ canh giữ cẩn mật, đường vào chỉ có một lối duy nhất qua sân cung Khánh Phương. Điện hạ phải nói khó với nương nương, may ra…
        - Không được! – Bình Nguyên vương xua tay gạt đi – Nàng là cung nữ của cha ta, phu nhân không cho phép làm điều đó. Ta có một kế. Phía sau cung Liên Hoa là trường đua, các ngươi có thấy những cây sấu cổ thụ trong cái vườn ấy không ?
        Một gia nhân còn trẻ có lẽ chỉ trạc tuổi Bình Nguyên vương khẽ reo lên :
        - Thế ra điện hạ định trèo cửa sau …
        Tư Thành mắng :
        - Khẽ cái mồm…Thế này. Ngay bây giờ các ngươi kiếm cho ta mấy sợi dây thừng và khoảng ba bốn chục vuông lụa. Một người trèo lên ngọn cây xem động tĩnh, nếu thấy yên thì ra hiệu cho ta. Lương Khoan và Tạ Nhậm thì tìm cách chuyền vào cửa sổ đứng canh chừng. Mọi việc còn lại cứ để mặc ta. Ngoài gươm ra nhớ phải mang theo cả đoản đao.
        Trong cung vắng tanh nhưng ở tầng thứ nhất có tiếng người kêu khóc. Bình Nguyên vương rượt lên. Lúc này đèn nến đã tắt. Chàng căng mắt nhìn và bỗng giật mình khi thấy trước mặt bày ra cảnh tượng thật khủng khiếp. Một cung nữ đầu tóc rối tung, xiêm y rách tả tơi đang cố chống đỡ tuyệt vọng với hai tên vô lại trùm mặt nạ đen. Chàng nhận ra người cung nữ chính là Hoàng Lan. Máu dồn lên mặt, không kịp gọi tùy tùng, Bình Nguyên vương rút gươm xông vào một trong hai tên đang lôi kéo cô gái Kinh Bắc. Tên này bị bất ngờ, trở tay không kịp. Mũi kiếm của Tư Thành xuyên thấu mạng sườn bên trái, hắn rú lên một tiếng rồi ngã nghiêng người, đầu đập xuống bậc cửa. Tên thứ hai to lớn như hộ pháp vội rời nạn nhân, vồ ngay thanh kiếm của gã vừa ngã lừ lừ tiến lại Bình Nguyên vương :
        - Ngươi là đứa nào mà dám can thiệp vào công việc của chúng ta, muốn toi mạng hả ?
        Vừa dứt lời lập tức hắn khai triển thế “Độc cước đả quần hùng” lia chân trái đá mạnh làm Tư Thành bị dính đòn.
        Hoàng Lan, lúc này đã qua cơn hốt hoảng, thấy nguy bỗng thét lên :
        - Kìa, điện hạ, nó có kiếm…
        Nghe hai tiếng “điện hạ” tên hộ pháp sững người. Lúc ấy trời đã sáng mờ mờ. Hắn lấm lét nhìn vị hoàng tử một thoáng rồi quẳng gươm chạy ngược lại phía cung Thụy Liên. Nhưng hắn không thể thoát. Lương Khoan và Tạ Nhậm từ lớp cửa thứ hai đã kịp thời xuất hiện. Tạ Nhậm túm tóc bắt tên lưu manh quỳ xuống. Lương Khoan ấn mũi kiếm vào đầu hắn hỏi :
        - Mày có biết vừa đọ kiếm với ai không?
        - Trước không biết, giờ thì biết là Bình Nguyên vương.
        - Chúng mày ở đâu đến đây định cưỡng bức người cung nữ ?
        Tên hộ pháp giương cặp mắt trắng đã đã mất hết thần khí cầu khẩn :
        - Tôi là người của tướng quân … Phạm Đồn, cúi xin điện hạ tha mạng.
        - Không được ! Tội chúng mày đáng phanh thây trăm mảnh.
        Cùng lúc ấy, Bình Nguyên vương dìu người con gái Kinh Bắc về phòng nhẹ nhàng bảo  :
        - Nàng thu xếp xiêm áo, tư trang nhanh lên, chốc nữa ta sẽ đưa đi lánh nạn.
        Hoàng Lan như người mất hồn, mặt trắng bệch, sợ đến nỗi không thể khóc được. Nàng quỳ xuống thổn thức :
        - Thiếp xin kết cỏ ngậm vành, nguyện làm thân trâu ngựa để đền ơn cứu mạng.
        Bình Nguyên vương vội đỡ nàng dậy :
        - Còn chuyện gì muốn nói hãy để sau này. Việc gấp lắm rồi, nếu còn dùng dằng ở đây, chính ta cũng khó toàn tính mạng.
        Tư Thành biết năm người không thể thoát ra bằng cửa chính vì bây giờ quân cấm vệ đã canh gác chặt chẽ Tử cấm thành, bèn bảo gia nhân xé lụa quấn ngang người Hoàng Lan rồi ròng dây thả xuống chân tường phía vườn sấu. Bên dưới đã có cỗ xe song mã chờ sẵn. Hai gia nhân về phủ còn cả bọn lên xe, kéo rèm che cửa rồi quất ngựa phóng ra ngoài thành qua Cửa Bắc.

                                                *
                                                 *     *

        Ngày mồng sáu tháng sáu năm Canh Thìn, sau vụ biến ở Kinh thành, các đại thần trong triều xướng nghĩa giết bọn nghịch tặc Phạm Đồn, Phan Ban, phế bỏ Lạng Sơn vương, cho xe đến Gia Để đón Bình Nguyên vương lên ngôi hoàng đế.
        Nhà vua nhớ đến Hoàng Lan, ngày mười tám tháng sáu, cho người đến chùa Bồ Đề đón người con gái Kinh Bắc về cung phong làm tiệp dư. Quang Thục hoàng thái hậu mãi sau mới biết việc này. Bà giận Tư Thành lắm, nhưng lúc này chàng đã là Nam thiên động chủ, bà đành phải nén lòng, chờ dịp khuyên giải dần.
Nhà vua còn trẻ, thân coi chính sự. Xung quanh ngài vẫn còn một số đại thần vốn từng nằm nằm gai nếm mật từ thời Thái Tổ hết lòng phò trợ. Người trung chính, liêm minh  trong triều không ít nhưng bọn siểm nịnh bợ đỡ thô bỉ cũng nhiều vô kể. Niềm say mê cuồng nhiệt, tính ưa phóng khoáng, thích cưỡi ngựa đi săn ngoại thành của một thân vương hào hoa phong nhã giờ đây dường như không còn nữa. Trên vai chàng hoàng thái tử trẻ nặng trĩu gánh giang sơn. Thế là chỉ sau mấy tháng coi chầu nhà vua gầy sút hẳn.
        Vào rằm tháng tám, ngày lành, các đại thần, dẫn đầu là Thái bảo Lễ sơn hầu Lê Niệm đến cung Khánh phương bệ kiến Quang Thục hoàng thái hậu, xin lập con gái thứ ba Điện tiền đô đốc Nguyễn Đức Trung làm chính cung hoàng hậu. Nguyễn Thị Mai Loan có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, con nhà gia thế nên được thái hậu chuẩn y ngay. Là người có nền học vấn sâu rộng, lại giầu lòng nhân ái, Lê Thánh Tông lúc nào cũng giành một tình cảm đặc biệt cho tiệp dư Hoàng Lan. Trường Lạc hoàng hậu không thích chuyện đó. Cô gái Kinh Bắc lúc nào cũng như cái gai trước mắt bà chính cung.
        Trong nhà quan Điện tiền Nguyễn Đức Trung có một cô đồng nghe đồn rất giỏi bùa chú và phù phép. Một hôm Trường Lạc hoàng hậu về thăm nhà ngỏ ý với phu nhân chuyện hoàng thượng đối với mình không được đằm thắm. Nàng khóc đỏ cả mắt, vừa khóc vừa than thân trách phận :
        - Tất cả chỉ tại tiệp dư Hoàng Lan. Nó có giọng hát quan họ rất hay làm nhà vua say mê mẩn. Con không thích những thứ xướng ca quê mùa ấy nên người chẳng đoái thương, sau này nó mà sinh hoàng nam thì ngôi vị của con khó mà giữ được.
        Nghe con gái than thở, phu nhân suy nghĩ rất lâu nhưng không nói gì mà chỉ khuyên nàng hãy bình tâm rồi gọi cô đồng vào phòng riêng. Hai người ở trong đó gần nửa giờ. Lúc Trường Lạc hoàng hậu sắp về cung, phu nhân đưa cho một gói nhỏ bọc vải điều, bảo:
        - Trong này có một hình nhân và ba lá bùa đã được phù phép, con hãy sai người thân tín làm như lời ta dặn đây. - Bà cúi xuống thì thầm chỉ đủ hai mẹ con nghe – Trong khi ân ái, con lựa lời nói cho hoàng thượng rõ, thế nào việc cũng thành.
        Hôm ấy Thánh Tông đi duyệt đội tượng binh về. Nhà vua có vẻ hơi mệt. Trường Lạc hoàng hậu sai cung nữ sửa soạn thang lan để hoàng thượng tắm. Lát sau, thị nữ dâng món chân giò hầm bát bảo. Nhà vua ăn xong thấy khỏe ra. Sáng hôm sau, trước khi tiễn nhà vua về cung, Trường Lạc mới quỳ xuống, giọng nhỏ nhẹ :
        - Thần thiếp cúi mong bệ hạ cẩn trọng giữ gìn sức khỏe để trăm họ còn được nhờ phúc lâu dài.
        Thánh Tông cười lớn, vừa nhấp chén trà sen vừa hỏi :
        - Nàng nói thế là thế nào ? Ta đang độ tráng niên, còn khỏe lắm, sao đã lo đến chuyện mai sau ?
        - Thần thiếp gần đây có được nghe vài câu chuyện không hay ở Bắc cung có phần quan hệ đến bệ hạ.
        Hánh Tông chau mày :
        - Chuyện gì ở Bắc cung ? Ta nghĩ Hoàng Lan là người hiền thục, nhu thuận, lại được học hành, như thế chẳng phúc cho hoàng gia hay sao ?
        Trường Lạc hoàng hậu mỉm cười, chiếc răng khểnh bên trái hơi hé ra giữa hai làn môi đỏ mọng làm nàng đẹp một cách mê hồn. Giọng nàng đầy vẻ quyến rũ :
        - Thiếp coi trọng tính mệnh hoàng thượng hơn cả ngàn lần tính mạng mình nên rất đỗi hoảng sợ khi nghe người ta nói đến Bắc cung hình như có giấu một hình nhân và mấy đạo bùa ở gầm giường, dụng tâm yểm phép, nhằm mê hoặc hoàng thượng…
        Thánh Tông thoáng giật mình, giọng nghi hoặc :
        - Ai nói với khanh chuyện ấy ?
        - Thần thiếp mới chỉ nghe đám cung nhân bàn tán, chưa chắc đã đúng, mong thánh thượng lượng thứ. – Hoàng hậu ý tứ liếc nhà vua bằng cặp mắt nhung đầy khêu gợi – Nhưng mà lòng người bí hiểm khôn lường, cúi xin hoàng thượng cho người xét hư thực, nếu không đúng thì thật là may.
        Sáng hôm sau, hai thái giám có lính cấm vệ đi kèm đến Bắc cung. Hoàng Lan sợ vì nàng chưa biết chuyện gì xảy ra. Chưa đầy một khắc, bọn thái giám đào được ở chân giường bên trái, phía góc tường, một hình nhân bằng gỗ vông tạc hình nhà vua và ba đạo bùa bát quái chôn xung quanh. Thánh Tông giận lắm liền sai Chưởng vệ nội đình bắt Hoàng Lan giam vào ngục tối chờ bộ Hình định tội.
        Biết chuyện, Trường Lạc hoàng hậu quỳ xuống trước Thánh Tông, giọng rầu rầu :
        - Tội của Bắc cung thật đáng chết, song vì đàn bà cạn nghĩ, nghe người ta xúi giục làm xằng, xét tình cũng nên thương, cúi xin thánh thượng mở lượng hải hà, tước chức tiệp dư, giam vào lãnh cung.
        Thánh tông không ngờ đấy là mưu độc của họ Nguyễn, trong lòng vô cùng oán hận Hoàng Lan, ngay chiều hôm ấy hạ chỉ thu hồi danh hiệu đã ban, cho mặc y phục xanh rồi đưa nàng vào phòng biệt giam.
        Mới chỉ có mấy ngày mà Hoàng Lan tiều tụy như vừa ốm một trận thập tử nhất sinh. Hằng ngày, vẫn có nữ tỳ hầu hạ cơm nước nhưng nàng ăn không ngon, ngủ không yên, tâm trạng lúc nào cũng thảng thốt. Nàng không hiểu tự nhiên ai đã gieo tai họa cho mình. Nàng yêu nhà vua với tấm tình nồng nàn nhưng chưa bao giờ tin bọn đồng cốt bóng gió quàng xiên.
        Hoàng Lan sinh ra trong một gia đình nền nếp ở hương Cổ Pháp. Cha nàng trước làm một chức quan nhỏ ở trấn Kinh Bắc, sau từ nhiệm về quê dạy học. Mẹ nàng là một “liền chị” đẹp, nổi tiếng hát hay của mười tám làng quan họ trong vùng. Nàng thừa hưởng được cái vẻ sắc nước hương trời của mẹ và tư chất thông minh của cha. Đến tuần cập kê, Hoàng Lan đã mười phần xinh đẹp. Một thầy tướng làng Cổ Đô đất kinh kỳ, có lần qua hương Cổ pháp nhìn thấy nàng gánh nước. Ông ta ngắm sắc diện nàng một thoáng rồi ngậm ngùi bảo gã tiểu đồng : “ Người con gái kia có quý tướng nhưng tiếc rằng yểu mệnh, bất đắc kỳ tử”.
        Chuyện bắt đầu từ mùa xuân năm Mậu Ngọ, vua nhân Tông xuống chiếu tuyển cung phi. Trấn Kinh Bắc kén được ba người, trong đó có Hoàng Lan. Năm ấy nước sông Nguyệt Đức lớn ngập cả một vùng từ Thị Kiều đến Quế Ổ, Võ Giàng. Bọn nội nhân Lục viện phải đưa cung nữ về Kinh bằng thuyền. Cảnh chia ly buồn thảm lắm. Trước khi xuống thuyền, Hoàng Lan trải chiếu cạp điều giữa nhà, lạy bố mẹ mỗi người ba lạy. Bà mẹ thương con nước mắt vòng quanh. Ông bố mặt buồn rười rượi, gạt lệ quay đi. Hoàng Lan ngậm ngùi nói :
        - Con đi chuyến này chắc không trở về, đành cam tội bất hiếu với cha mẹ, chỉ cầu mong ở nhà song thân được hai chữ bình an.
        Đám rước chị em xuống thuyền về kinh sư có phường bát âm tấu khúc “Lưu Thủy” nghe rất rộn ràng mà lại cảm thấy như kèn tiễn hồn người chết về nơi chín suối.
        Nàng được ở cung Liên Hoa. Như có sự dàn xếp của Tạo hóa, cửa sổ phía sau cung lại nhìn thẳng xuống trường đua ngựa. Nó được phân cách với trường đua bằng vườn sấu cổ thụ. Nhìn từ xa, vườn có vẻ rậm rạp, um tùm, nhưng đến gần lại hóa ra thoáng đãng bởi cây cao, tán rộng, ban ngày vẫn có ánh mặt trời. Phút giây đầu tiên quyết định số phận bi đát của nàng lại chính là khoảnh khắc nàng bắt gặp ánh mắt Bình Nguyên vương. Khi chàng bị mũi thương của Nghi Dân đâm trúng tay, nàng hốt hoảng bởi do không tự kiềm chế được tình cảm chứ chẳng phải vì sợ máu. Từ đó, mỗi lần Tư Thành phóng ngựa đi săn, qua cửa sổ, bao giờ chàng cũng ghì cương chậm lại, ngước mắt tìm bóng dáng người đẹp.
Nàng thẫn thờ, tựa người lên chiếc gối lông ngỗng, mắt đăm đăm nhìn khoảng không gian nhỏ hẹp của căn phòng trống trải. Phút chốc, gương mặt tuấn tú, quả quyết của nhà vua chợt hiện ra. Những hồi ức ngọt ngào pha lẫn vị đắng cay dần dần sống lại. Nó có đường nét, góc cạnh cụ thể như đang hiển hiện trước mắt rực rỡ, lung linh như một giấc mơ đẹp. Này đây, Bình Nguyên vương trong đêm hội Hoa Đăng. Chàng cải dạng thành một công tử Thăng Long thành, áo gấm xanh, hoa vàng, đầu quần khăn nhiễu Tam Giang, vụng về cầm tay nàng dưới gốc cây lộc vừng già bên hồ Lục Thủy. Này đây, hoàng tử Lê Tư Thành, tay lăm lăm thanh bảo kiếm đánh ngã tên vô lại, cứu nàng khỏi bị ô nhục trong cái đêm Lạng Sơn vương sát hại đức Nhân Tôn tiếm ngôi. Và đây nữa, nơi Bắc cung yên tĩnh,  nàng lựa phím đàn hát cho đương kim hoàng đế khúc quan họ “Ngồi tựa mạn thuyền”. Hôm ấy đức vua vui lắm, lúc cao hứng ngài còn đọc cho nàng nghe bài thơ Nôm “Vịnh năm canh” mới sáng tác theo thể Đường luật và một bài tứ tuyệt bằng chữ Hán của Đông các hiệu thư Thái Thuận vịnh bọn trẻ con bắt cáy bên sông. Giọng bình của nhà vua vừa ấm vừa truyền cảm làm nàng vô cùng xúc động.
        Bây giờ đã có đủ thời gian suy xét, nàng thường nghĩ đến Trường Lạc hoàng hậu. Lệnh bà quả là một tuyệt thế giai nhân, lại ở ngôi chính cung, còn ai dám cả gan nhòm ngó. Vậy thì tại sao hoàng hậu lại đối xử với nàng, một cung nhân yên phận tiểu tinh, như kẻ tình địch đáng gờm? Hoàng hậu có đôi mắt thật đẹp, nhưng mỗi khi lệnh bà nổi giận, đôi mắt ấy long lên, sắc như dao, phóng ra những tia sắc lẹm có thể xuyên thấu gan ruột người khác. Nữ tỳ thân tín nhất của nàng qủa quyết rằng, chính Trường Lạc hoàng hậu đã gây ra cái án chết người trong Bắc cung. Ở nơi màn loan trướng phượng này nàng không tìm được cuộc sống yên bình. Giờ nàng đang ở giữa hang hùm, nọc rắn, nhất cử nhất động đều phải giữ gìn. Tính mệnh đang như ngàn cân treo sợi tóc. Nàng còn hiểu thêm một điều, cái việc hoàng hậu gia ân cho mình chưa được chết chẳng qua là thủ đoạn thâm độc. Lệnh bà muốn cung nữ Hoàng Lan sống mòn mỏi trong lãnh cung để thỏa mãn cơn ghen.
        Hoàng Lan đã có thai đến tháng thứ bảy nhưng tuyệt nhiên không dám nói với ai ngoài người nữ tỳ thân tín. Trường Lạc hoàng hậu biết chuyện này chắc tính mệnh nàng và đứa con trong bụng khó bảo toàn. Đã có lúc không chịu được sự hắt hủi trong cô đơn, nàng định quyên sinh. Chỉ một chén thuốc độc hay vuông lụa trắng là xong. Thế là nợ đời trả hết. Nàng sẽ đi về cõi vô cùng với tâm trạng thanh thản như vừa trút khỏi vai gánh nặng đường xa. Có điều, mỗi khi nghĩ đến cái chết, hình ảnh Bình Nguyên vương ngập ngừng cầm tay nàng trong đêm Hoa Đăng lại hiện ra.
        Nhà vua bây giờ đâu còn là hoàng tử Bình Nguyên vương thuở nào. Sau khi lên ngôi, ngài cho tuyển hàng trăm cung nữ mà phần lớn đều vô cùng xinh đẹp. Rồi còn công việc triều chính luôn bận rộn, chắc gì còn nhớ đến nàng. Từ xưa đến nay, các bậc vương giả có bao giờ chung tình, điều ấy nàng đã biết.
        Trời chiều. Vào lúc hoàng hôn vừa tắt, ráng đỏ chuyển dần sang màu vàng chanh, rồi chỉ trong chốc lát lại biến thành màu chàm, khu biệt cung yên ắng, rờn rợn như mộ địa. Hoàng Lan gọi người tùy nữ là Kim Duyên, hỏi :
        - Này em, mấy hôm trước ta nhác thấy một người lính chăn ngựa có dáng quen quen, đã dò hỏi được chưa ?
        Người nữ tỳ, vốn là đứa trẻ mồ côi được nàng cưu mang, đến bên giường nói nhỏ :
        - Thưa tiệp dư, người ấy quê làng Hạ Diềm, trấn Kinh Bắc…
        - Chả lẽ lại là…- Hoàng Lan chợt lẩm bẩm rồi lại lắc đầu – Từ nửa tháng nay, mỗi khi mở cửa sổ phía sau trông ra dãy chuồng ngựa bao giờ cũng thấy anh ta.
        - Thưa …, hôm qua anh ấy có chuyển lời hỏi thăm nương nương.
        - Thì ra người ấy vẫn không quên… - Nàng thở dài – Chẳng hiểu chàng đăng lính từ bao giờ mà lại sung vào lính mã phu.
        Nữ tỳ Kim Duyên hình như biết khá rõ về người lính. Cô ta thong thả kể :
        - Anh ấy đăng lính đã ba năm, vì có sức khỏe mà lại biết chữ  nên được phiên chế vào quân Thiết Đột, gần đây chẳng hiểu sao lại xin sang làm lính coi ngựa, trông lúc nào cũng buồn lắm.
        Kim Duyên càng nói tâm trạng Hoàng Lan càng rối như tơ vò, bởi vì hơn ai hết, nàng hiểu người mã phu. Chàng là Phan Tuyển, trai Hạ Diềm, nổi tiếng là một “liền anh” quan họ. Chàng và nàng đã từng gặp nhau mấy mùa hội xuân. Hai người quyến luyến nhau lắm dẫu biết rằng, từ xa xưa đã có lệ, trai gái các làng “quan họ” chỉ dược kết bạn chứ không được kết duyên vợ chồng. Hội Lim năm Giáp Ngọ kéo dài đến năm ngày mà các “liền anh”, “liền chị” vẫn chỉ thấy như trong gang tấc. Họ hẹn sẽ lại gặp nhau ở Hội Diềm năm sau. Ấy thế mà đối với Hoàng Lan, cái năm sau ấy không bao giờ còn nữa. Nàng như cánh hoa trôi giạt, chàng phẫn chí đăng lính. Oái oăm thay, tạo hóa chẳng biết vô tình hay hữu ý, lại sắp đặt cho họ gặp nhau trong hoàn cảnh này.
        Ba hôm sau, nhằm ngày Canh Thìn, Kim Duyên bước vào  lẳng lặng kéo rèm rồi đưa cho Hoàng Lan một mảnh giấy. Nàng mở ra. Trong tờ giấy gió mỏng dính màu trắng đục chỉ vẻn vẹn có mấy chữ viết theo lối đá thảo “ Phải đề phòng độc dược”. Nàng thấy lạnh toát sống lưng. Nhà vua thì ngự giá thân chinh đã mấy tháng. Tả đô đốc Lê Hy Cát quyền việc nước, là người trung chính nhưng nhu nhược, lại bị bọn siểm nịnh Trần Phong, Nguyễn Đình Mỹ lấn lướt. Quyền hành thực sự lúc này là ở Điện tiền Nguyên Đức Trung và Trường Lạc hoàng hậu. Ôi , kiếp phù sinh ! Thật đau đớn cho thân phận đàn bà.
        Một lần Kim Duyên phát hiện trong bình nước uống có nhân ngôn. Từ đó, tất cả đồ ăn thức uống từ ngoài đưa vào đều cho con mèo vàng ăn trước. Con mèo rất tinh khôn, có tài đánh hơi. Trước những món ăn có độc dược bao giờ nó cũng ngửi hít rất kỹ, kêu  mấy tiếng thảm thiết rồi lảng.
        Gọi là lãnh cung nhưng căn phòng của nàng cũng không đến nỗi chật. Phòng có hai buồng, một của nàng, một dành cho Kim Duyên. Nàng không được ra ngoài, nhất cử nhất động đều bị nội giám theo dõi. Ngay cả việc người lính chăn ngựa trao mảnh giấy cũng phải khó khăn lắm nàng mới nhận được. Vào giờ Sửu ba khắc ngày mười hai, Hoàng lan đau bụng. Nàng có cảm giác là mình đang chuyển dạ nên gọi Kim Duyên vào ở bên cạnh. Cơn đau âm ỉ kéo dài làm Hoàng Lan tức thở. Kim Duyên khẽ vuốt ngực cho nàng. Chừng hai giờ sau thì Hoàng Lan mê mệt không biết gì nữa. Ngọn nến cháy leo lét, nhựa chảy xuống bám đầy chân đài. Người nữ tỳ đang khẽ lay gọi Hoàng Lan thì bên ngoài có tiếng gõ cửa. Cô ta toan im lặng giả vờ ngủ say nhưng tiếng gõ quá mạnh đành phải ra rút chốt. Hai người đàn bà lạ mặt và một thái giám trẻ cầm kiếm xô cửa bước vào, nói như ra lệnh :
        - Nữ tỳ Kim Duyên về buồng mình, việc lâm bồn của cung nhân có quan thái y lo.
        Kim Duyên hốt hoảng chắp tay, mắt chớp chớp :
-        Xin để tôi ở lại vì nương nương sức yếu…
Gã thái giám mặt lạnh như tiền , gắt :
-  Cho ngươi ra ngoài. Sức khỏe cung nhân đã có thái y.
        Người đàn bà có bộ mặt đỏ như mặt con đồng đang bị ốp, cặp môi mỏng dính thô bạo đẩy Kim Duyên. Cô nữ tỳ lập tức bị hai lính cấm vệ vừa xuất hiện ngoài cửa kéo tuột đi.

                                               *
                                            *    *
        Sáng ngày mười ba, trong nội cung loan truyền một tin khủng khiếp, cung nhân Hoàng Lan sinh ra một quái thai. Việc ấy lập tức được trình lên Trường Lạc hoàng hậu. Lệnh bà bèn truyền chỉ đem chôn cái cái quái thai ấy rồi bắt Hoàng Lan giam vào ngục tối phía sau dãy chuồng ngựa.
        Hoàng Lan biết mình sẽ chết. nàng dường như không còn nước mắt để khóc, bây giờ đành buông xuôi theo số phận. Đã đến nước này có than khóc cũng chẳng ích gì. Từ đây, mỗi buổi chiều khi mặt trời xế bóng, nghe chuông chùa thong thả buông từng tiếng não nùng tim nàng như thắt lại. Nàng có cảm giác tiếng chuông sao mà kéo dài lê thê, mệt mỏi, nghẹn ngào như là tiếng chuông cầu hồn của chính mình. Chính vào thời khắc nửa tỉnh nửa mê ấy, đầu giờ Tý ngày hai mươi bảy tháng tư, có tiếng gõ nhẹ vào cánh cửa sổ nhà giam. Nàng tỉnh lại. Một bóng người lại gần cửa sổ thì thầm :
        - Hoàng Lan, nàng phải đi khỏi đây ngay. Trường Lạc hoàng hậu đã có khẩu dụ cho bộ Hình…
        Nàng tái mặt, rùng mình :
        - Người là ai, sao lại biết tường tận việc trong cung mà nửa đêm lẻn vào đây ?
        - Nàng không nhận ra ư ? Tôi là người làng Diềm…
        - Thế ra là chàng …- Hoàng Lan nấc nghẹn – Phải đề phòng bọn lính cấm vệ, ban đêm  chúng thường lảng vảng ở đây. Vì sao chàng lại vào lính mã phu?
        - Chuyện dài lắm. – Người lính chợt nói nhanh – Bây giờ nàng phải thoát khỏi đây đã. Nội nhật ba ngày nữa người ta sẽ tìm cách bức hại.
        - Em biết là trước sau cũng chết, – Hoàng Lan thì thầm – nhưng làm sao chàng biết dược việc trong cung mà đến với em?
        - Tôi có một người quen làm thuộc viên trong dinh Điện tiền Nguyễn Đức Trung là cha đẻ của Trường Lạc hoàng hậu. Anh ta dặn tôi phải giữ kín việc này, nếu lộ chuyện là bị chém đầu ba họ.
        Hoàng Lan ngẫm nghĩ rất lâu rồi mới hỏi Phan Tuyển :
        - Chàng bảo đi bằng cách nào ra khỏi được hoàng thành ?
        Người lính mã phu nói ngay :
        - Thôi thì đành tính nước liều. Tôi đăng lính chăn ngựa cũng chính là vì thương nhớ nàng. Ở kinh thành đã ba năm, tôi có một vài chỗ quen biết, nếu nàng tin thì ta phải đi trong đêm nay. Cầu trời, nếu thoát được, ta sẽ lánh lên vùng Lạng Bắc rồi tính kế lâu dài.
        Hoàng Lan nghe những lời thương cảm ấy chợt thấy lòng tê tái. Nàng thoáng nghĩ, đằng nào cũng chết, thôi cứ liều, may ra còn được nhìn thấy  mẹ cha.
        Người lính nhanh chóng mở ổ khóa đồng nặng gần một cân bằng chiếc chìa tự tạo rồi đưa cho Hoàng Lan bộ quần áo nâu sồng của nhà chùa. Hai người nương bóng đêm dò dẫm bước đi. Hoàng Lan bị giam trong biệt cung lâu ngày, chân xuống máu nên đi khá chậm. Phan Tuyển rất sốt ruột. Chàng nghĩ thầm, cuối canh tư mà chưa ra khỏi cấm thành, chắc chắn sẽ bị quân Thiết Đột bắt lại ngay. Từ sau vụ Nghi Dân tiếm ngôi, việc canh phòng rất ngặt. Người qua cửa không có tín bài, dù là quan nhất phẩm cũng không được nhập Tử cấm thành huống hồ một gã tốt đen như chàng.
        Hai người đã đến cửa Ngọc Thành, men theo bờ lũy trường đua ngựa rồi ẩn mình vào vườn sấu. Tiếng trống cầm canh rời rạc, uể oải. Ra khỏi cửa Thiên Hưng, Phan Tuyển định rẽ vào vườn Thạch Lựu để tìm cách leo qua tường thành thì bất ngờ chạm lính Vũ Quân đi tuần. Chàng chăn ngựa thấy gấp lắm rồi liền xốc Hoàng Lan lên lưng cõng nàng chạy sát chân thành. Chỉ cần chạy được chừng ba chục bước chân là gặp cống ngầm từ thành nội chảy ra hào nước, chui được xuống cống là thoát, nhưng số phận không chiều người cung nữ. Phan Tuyển bị mũi tên trúng cổ. Biết mình sẽ chết nhưng sợ người con gái bị ngã đau,chàng cố lấy hết sức bình sinh ngồi xuống từ từ. Khi Hoàng Lan buông tay khỏi cổ Phan Tuyển thì chàng ngã vật xuống ngáp hai cái rồi tắt thở.
        Hoàng Lan lại bị giam vào ngục tối. Vệ Cẩm y tra hỏi , lấy khẩu cung xong chuyển nàng sang cho bộ Hình định tội. Bộ Hình xét án rất nhanh, khép nàng vào tội “cướp ngục đào tẩu”, tạm giam vào đại lao, chờ nhà vua về duyệt án nhưng Trường Lạc hoàng hậu không chuẩn y. Bất chấp lời can gián của các đài quan, hoàng hậu xuống lệnh : “ Cung nữ Hoàng Lan trước đã phạm tội làm bùa phép mê hoặc hoàng thượng, nay lại tư thông với tên lính chăn ngựa phá ngục trốn khỏi hoàng cung. Tội trạng đã rõ. Nay chiếu theo luật triều đình, xử tư mã phanh thây để làm gương răn đe khác”.
        Ngày mồng tám tháng một, pháp ty cho dẫn tội nhân ra ngã tư Đông Thị. Bốn con ngựa chiến được giám mã đưa vào pháp trường. Sau ba hồi trống thì đến một hồi chiêng, bọn đao phủ quấn vải xô gai vào người phạm nhân sau đó buộc tay chân vào đai kéo của mỗi con ngựa. Quan giám trảm ngồi trên kỳ đài che hai chiếc lọng xanh, chờ đến chính Ngọ sẽ xuống lệnh hành quyết…

                                                        *
                                                 *     *

        Xa giá Thánh Tông sắp đến Kinh thành. Nhà vua thấy trong người không yên nên xuống xe từ trạm Vân Yên cùng đoàn tùy tùng cho ngựa phi nước đại vào cửa Đoan Môn.
        Mặt trời đứng bóng. Vừa lúc con ngựa đầu tiên của đoàn kỵ sĩ tiến nửa thân vào cái cột bằng đá gần sát điện Diên Ninh thì viên giám trảm rút chiếc thẻ lệnh ném xuống đất. Bốn con ngựa bi quất mạnh, tung vó chồm lên…
Con chiến mã thứ ba là của Thánh Tông. Nhà vua thúc cựa giày vào sườn con ngựa hồng làm nó vốn đã mệt vì chạy đường xa, bực dọc vọt thẳng lên kỳ đài. Nhà vua kịp ghì cương, hàm thiếc xiết vào mõm ngựa bật máu tươi. Nhìn toàn cảnh pháp trường, Thánh Tông rùng mình. Ngài cay đắng vì mình đã về quá chậm, dù chỉ là một phần tư khắc. Thấy viên thị lang Hình Bộ quỳ sụp trước ngựa, nhà vua điên tiết đá cho ông ta một phát rồi quát :
- Kẻ nào làm văn án ?
        Viên hình quan mặt xám ngoét, run rẩy bẩm :
- Muôn tâu bệ hạ, văn án là của bộ Hình nhưng khép vào hình phạt này là do lệnh chỉ của hoàng hậu.
Thánh Tông tự nhiên thấy người ớn lạnh, trước mắt tối sầm, để rơi mất roi ngựa.
                               

                                         *
                                          *    *
       
Ngày hai mươi lăm tháng một, sau khi làm lễ dâng tù ở nhà thái miếu, Thánh Tông trai giới ba ngày, tắm gội, xông hương rồi lên chùa Sùng Nghiêm lễ Phật. Hôm sau, nhà vua truyền chỉ lập đàn cầu siêu, giải oan cho cung nhân Hoàng Lan. Ngày hai mươi tám, hoàng thượng xuống chiếu truy phong Hoàng Lan làm Nguyên Phi và cho người đi đón vị hoàng tử sơ sinh bị Trường Lạc hoàng hậu manh tâm bắt giấu tận bên làng cá Nghi Tàm.
Chiều hôm ấy, Trường Lạc hoàng hậu bị giam vào lãnh cung. Điện tiền Nguyễn Đức Trung và Tư khấu nguyễn Yên bị hạ ngục.

                                Chí Linh, tháng 12/1991
                                                      ĐVS
   









                


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét