Nhãn

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Gã tép riu, văn hóa, tình dục và tình yêu


      "Gã tép riu":  văn hóa, tình dục và tình yêu   

              
              Đặng Văn Sinh


V
ẫn trung thành với phong cách Luật đời và cha con cũng như Lửa đắng, Nguyễn Bắc Sơn luôn có lối viết dựa trên những nguyên tắc truyền thống của tiểu thuyết cổ điển mà phần truyện là một đại tự sự bao quát các mối quan hệ đa chiều của hệ thống nhân vật, tạo thành những trường đoạn kể hoặc hồi ức. Có lẽ bởi đã có một thời gian khá dài giảng dạy bộ môn ngữ văn ở trường trung học nên cách viết của tác giả luôn chính tắc. Nói cách khác, Gã tép riu* chẳng những không mới mà lại còn rất cũ nếu chỉ được thẩm định qua hình thức.
Toàn bộ tác phẩm được phát triển theo trình tự thời gian tuyến tính qua 51 mục, phản ánh một cách hiện thực cuộc sống đương đại với vô số những pha gay cấn, từ đó tác giả mạnh dạn cảnh báo những vấn nạn xã hội, mà một trong số đó là vấn đề văn hóa. Có thể nói hiện trạng văn hóa, nhất là trong lĩnh vực quản lý, đang vận hành với mô hình chứa trong lòng nó những yếu tố bất ổn, từ đó đẻ ra lắm hệ lụy, có nguy cơ làm lu mờ những giá trị tốt đẹp trong khi chưa xác lập được những giá trị mới, làm xáo trộn cả một nền văn hóa.

Vấn đề Gã tép riu đặt ra nằm trong lĩnh vực tinh thần, phi vật thể nhưng lại luôn được các nhà quản lý coi là nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ, theo luật bất thành văn. Một cuốn sách vừa ra khỏi nhà in có phần gai góc, một bài báo trái tai mới trình làng, nếu có kẻ nào đó thích bới lông tìm vết gửi vài dòng nặc danh lên cơ quan có thẩm quyền, và sau đó, chỉ cần một cú điện thoại chỉ đạo miệng, là tác phẩm lập tức bị thu hồi hoặc nằm đắp chiếu dài dài đợi đến ngày vào xưởng tái chế. Thế cho nên, viết về lĩnh vực văn hóa đương đại phải là người cầm bút có bản lĩnh, phải có sự từng trải và kinh nghiệm sống cũng nỗi đam mê của sự mạo hiểm. Cũng chính bởi ngại đụng chạm, luôn sợ bóng sợ gió thứ án văn tự lơ lửng trên đầu nên không ít nhà văn chối bỏ hiện thực tìm vào lịch sử, núp dưới bóng lịch sử, dùng hình thức cố sự tân biên, lấy việc xưa bàn chuyện nay thông qua thủ pháp ẩn dụ, nhằm giải tỏa những bức xúc vốn luôn là bản chất của người cầm bút.
Gã tép riu thực chất là một tiểu thuyết luận đề bàn về những bất cập của nền văn hóa đương đại. Nhân vật trung tâm của cuốn sách chỉ là một anh nhà báo quèn, cho dù sau đó được bổ nhiệm chức trưởng phòng, nhưng luôn là một con người đầy gai góc nếu xét về cá tính. Gã tép riu còn được xem như một bi kịch nhân sinh gói trong lớp vỏ văn hóa mà bộ ba Tùng, Thủy, Dự là những đào kép chính ra sàn diễn với tư cách nhân chứng lịch sử.
Trước hết, phải xem Gã tép riu là một tiểu thuyết hiện đại có tính hệ thống cao, trong đó, hệ thống tổng quát chi phối chặt chẽ hệ thống chi tiết được tác giả vận dụng khá chuyên nghiệp để gài những thông điệp nghệ thuật dưới hình thức phản biện xã hội. Có điều, sự phản biện ở đây không phải là trên lý thuyết có khuynh hướng phủ định mà là thông qua hình tượng nhân vật cùng các mối quan hệ. Từ các mối quan hệ đó, người đọc sẽ nhận ra bản chất sự việc.
Nhận thức về văn hóa đối với những người làm công tác quản lý ở tầm vĩ mô trong tiểu thuyết Gã tép riu là khá khiên cưỡng, không ít vị còn mơ hồ bởi tư tưởng giáo điều cũng như phương pháp tiếp cận và hành vi ứng xử luôn bị chính trị hóa. Bản thân thuật ngữ quản lý văn hóa cũng không mấy chính xác. Từ dó dẫn đến việc người ta nhìn nhận văn hóa như là mọi thực thể xã hội khác, có thể áp dụng biện pháp cưỡng ép. Trong khi ấy, văn hóa chính là những giá trị tinh thần được cộng đồng dân tộc sáng tạo, tích lũy, sàng lọc qua nhiều thế hệ nên có tính dân chủ cao, tồn tại trong cuộc sống như một quy luật khách quan, không thể điều chỉnh nó bằng một nghị quyết hay văn bản duy ý chí. Người ta chỉ có thể hành động thuận theo những quy chuẩn văn hóa chứ không thể áp đặt văn hóa. Cho dù Gã tép riu chưa nêu ra được những vấn đề cốt lõi mang tính sống còn của nền văn hóa đang trượt dần vào quỹ đạo kinh doanh lễ hội hay chấn chỉnh y phục hở hang của dàn ca sĩ nhạc sến trên các sàn diễn, thì ít ra tác giả cũng đã rung lên hồi chuông cảnh báo qua những phản biện của nhà báo Trần Tùng đối với cơ quan quản lý.
Về một mặt nào đó, có thể coi sex cũng có văn hóa của sex, văn hóa tình dục. Gã tép riu có khá nhiều trang viết về tình dục với đủ màu sắc, cấp độ và tính chất. Có thể kể đến chuyện làm tình cuồng nhiệt của vợ chồng Tùng - Thủy, chuyện làm tình như một thứ nghề của các cô gái bán hoa như Dự, hay những pha làm tình bốc lửa ngay tại phòng làm việc của ông bộ trưởng và bà vụ ưởng Vụ Tổ chức. Tuy nhiên đây không phải là cuốn tiểu thuyết mang chủ đề tình dục mà chỉ có yếu tố tình dục. Tình dục chỉ là phần nổi, là cái cớ để tác giả thể hiện quan điểm thẩm mỹ của mình về hiện trang văn hóa thông qua hình tượng nhân vật.
Trần Tùng trong bộ ba Tùng, Thủy, Dự được đặt trong mối tương quan với những nhân vật thuộc lớp thứ hai, tuy chỉ thấp thoáng xuất hiện nhưng lại tạo nên những xung đột khá dữ dội tham gia vào quá trình phát triển mạch truyện. Đó là chú ấy, bộ trưởng( bộ chủ quản của Diệu Thủy), giám đốc sở, bí thư chi bộ. Những nhân vật này đều là quan chức có cỡ, không thể gọi là phản diện nhưng thật ra cũng khó xếp vào đối tượng có đầy đủ phẩm chất văn hóa. Sự trì trệ, thiếu khả năng sáng tạo và nhất là luôn suy nghĩ, hành động bằng cái đầu của người khác, coi nghị quyết là duy nhất đúng đã biến họ thành những kẻ giáo điều. Những người này không dám nhìn thẳng vào sự thật, luôn trượt theo quán tính bánh xe của những nhận thức sai lầm, nguy hiểm thay, đấy lại là loại sai lầm lịch sử phương hại đến nhiều thế hệ trong tương lai.
Mối tình của Tùng và Dự, dưới con mắt Diệu Thủy, bí thư chi bộ hay giám đốc sở là biểu hiện đạo đức suy thoái không thể chấp nhận. Quan hệ với gái mại dâm là sa đọa về phẩm chất cách mạng, làm vấy bẩn danh dự đảng viên. Lời hứa của một đảng viên là rất thiêng liêng, cho nên cứ mỗi khi giao kèo bất cứ việc gì kể cả những lúc đang làm tình Thủy cũng không quên nhắc đến như một nguyên tắc. Thế nhưng, hành vi của Tùng, ngoài tấm lòng nhân ái, vị tha của một trí thức chân chính, dưới con mắt người đọc, đây còn là một tình yêu cao đẹp, thiêng liêng đối lập với loại quan hệ xác thịt có tính chất mua bán của những chính khách như Thủy với những người đàn ông khác. Chính vì thế, sau khi dẫn ra mấy câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh: Khi say dâm chỉ là dâm/ Ngộ ra mới biết trong dâm có tình, Gã tép riu Trần Xuân Tùng, ngay trước phiên tòa, đã nói một câu nổi tiếng đúng với bản chất của bà thứ trưởng: Thưa quý tòa! Khác ạ. Một bên đã từng bán trôn nuôi miệng, còn một bên...đang bán miệng nuôi trôn (trang 429).
Tùng là quan chức thuộc hàng tép riu nhưng trí tuệ và bản lĩnh của anh không tép riu. Chí ít ra cũng có đến ba lần anh chơi Bộ về những văn bản gọi là pháp quy nhưng mang tính áp đặt chủ quan, phi khoa học và thiếu văn hóa. Ở Tùng, óc hài hước luôn kết hợp với những phản biện sắc sảo về nhiều lĩnh vực đời sống. Tùng vượt lên khỏi đám đồng liêu cũng như các quan chức lớn nhỏ bởi một trí tuệ sáng láng qua hàng loạt bài báo đầy tính phát hiện và phong cách sống lãng tử. Đương nhiên với tố chất như thế các sếp chủ quản không thể hài lòng. Thói đố kỵ cũng như bản chất kiêu ngạo nhân danh tập thể lãnh đạo của một số quan chức đã vô hiệu hóa không ít nhân tài, mà một trong những nạn nhân là Trần Xuân Tùng. Với Tùng, ngoại trừ kiến nghị về văn bản thu hồi chảo anten parabol có tính chất nội bộ, bài báo phản biện Dự án Thủy cung Thăng Long Hồ Tây của anh đã làm nhiều quan chức tai to mặt lớn bị bóc mẽ. Một gã tép riu vớ vẩn bỗng nhiên mở đột phá khẩu cho hàng chục tờ báo lớn vào cuộc, làm thất bại âm mưu chia chác bạc tỷ của một nhóm lợi ích làm sao họ có thể cam chịu. Đòn quyết định giáng xuống Tùng làm anh thân bại danh liệt không có gì mới mà vẫn là ngón nghề các nhà tổ chức mẫn cán vẫn thường sử dụng để hạ bệ các đồng chí của mình là quan hệ nam nữ bất chính thuộc phạm trù đạo đức. Trong vụ scandal này, kẻ cười đắc thắng không phải ai khác, chính là bà tân thứ trưởng, vợ cũ của anh.
Quyền lực của những quan chức như Diệu Thủy không chỉ ăn mòn mà còn làm băng hoại đạo đức, mà đạo đức lại nằm trong phạm trù văn hóa. Thói ham mê quyền lực và bản tính ích kỷ đã giết chết những gì tốt đẹp còn lại trong con người Diệu Thủy. Nếu làm phép so sánh trên sự nhận thức của số đông ở tầm văn hóa làng nhàng, thì Tùng, từ một nhà báo có tên tuổi với bao chiến tích một thời, vì lối sống sa đọa, đạo đức suy thoái đã biến thành kẻ đáng khinh bỉ. Hội chứng đám đông, kiểu tư duy bầy đàn đã góp phần giết chết gã tép riu một lần nữa sau án kỷ luật cách chức trưởng phòng.
Thế nhưng, căn cứ vào sự phát triển tâm lý nhân vật qua từng trường đoạn tiểu thuyết, người đọc còn nhận ra Trần Xuân Tùng là nhân vật phức tạp, ngoài việc được xây dựng như một mẫu người hùng, anh còn mang trong mình yếu tố nổi loạn chống lại những thế lực giáo điều, trì trệ, đang kìm hãm sự phát triển xã hội. Có thể xem Tùng là nhân vật tiêu biểu cho quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Bắc Sơn, trong đó thấp thoáng có hình bóng tác giả. Bằng vào hàng loạt những lập luận có cơ sở khoa học phê phán một số văn bản pháp quy của ngành, cũng như tấm lòng nhân hậu đối với cô gái điếm chót sa ngã vì hoàn cảnh kinh tế quẫn bách, tác giả đã chuyển hóa Trần Xuân Tùng từ một người nhỏ bé trong guồng máy công chức thành một điển hình văn học sau khi đã vượt qua nỗi sợ hãi cố hữu. Tùng khác người ở chỗ luôn ung dung tự tại, không có tham vọng làm quan, chỉ muốn làm tốt chuyên môn của mình, nhưng nếu thấy nơi nào có sự bất công là sẵn sàng nhảy vào. Đó là phẩm chất cao đẹp của một nhà báo chân chính nhưng đồng thời cũng là tử huyệt của anh. Nếu như Tùng không tả xung hữu đột làm bẽ mặt Bộ và cũng không dỗi hơi chọc ngoáy vào Dự án Thủy cung Thăng Long, chắc chắn anh không rơi vào tầm ngắm của các nhà tổ chức. Chuyện bồ bịch, cho dù là không nghiêm túc chăng nữa, cũng chỉ là nguyên cớ. Bản chất sự việc không phải ở mối quan hệ với cô gái điếm mà là quyền lợi phe nhóm...
Nhưng nếu im lặng thì không còn là nhà báo Trần Tùng. Anh giống như vị thánh tông đồ tự nguyện mang thánh giá, chịu khổ nạn cứu rỗi linh hồn đám đông, nhưng chẳng may ngã ngựa thì đám đông quay lưng lại. Ông Giám đốc có tư tưởng cấp tiến, quan hệ thân mật đến mức xưng hô mày tao với Tùng, vậy mà khi bị sức ép của những nhân vật quyền uy cũng đành hạ bút ký vào văn bản kỷ luật chiến hữu. Vị Bộ trưởng chủ quản từng vi hành xuống cấp sở nhận lỗi về một văn bản soạn thảo khiếm khuyết, đến phút chót cũng đánh bài lờ, trong khi ấy, Tùng vẫn coi họ là những ông sếp đáng kính. Không phải tìm đâu xa, đây chính là nguyên nhân làm con người mất lòng tin. Sợ bị mất ghế, mất bổng lộc, không ít kẻ đã nhắm mắt hùa theo thứ ngụy chân lý của kẻ mạnh.
Nói Tùng là nhân vật lý tưởng không có nghĩa là anh ta hoàn thiện như một tấm gương. Thật ra con người là sản phẩm của các mối quan hệ xã hội nên không thể thoát khỏi sự chi phối của hoàn cảnh để suy nghĩ và hành động theo ý mình kể cả đấy là chân lý. Vì thế, mọi phản biện của anh, xét cho cùng chỉ là những sự kiện ở cấp độ vi mô. Những vấn đề lớn hơn thuộc kiến trúc thượng tầng như bản chất văn hóa dân tộc Việt đang dần dần biến dạng qua sự thao túng của các nhóm lợi ích, hoặc có hay không một nền văn hóa đang tôn vinh những giá trị ảo? Đó là còn chưa kể đến một hội chứng hoang tưởng lúc nào cũng véo von tự tâng bốc mình, coi mình là cái rốn của vũ trụ. Tùng có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn phê phán chuyện kinh doanh lễ hội một khi nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Anh còn chỉ ra sự sai sót đến từng câu chữ trong các thông tư, nghị quyết, nhưng chính anh cũng lại tiếp tay cho chính quyền ngăn cản công dân họp báo vì một vụ án oan, thỏa hiệp với cái ác, nhục mạ công lý.         Nếu Tùng là nhà báo có năng hiếu hài hước nhưng không thức thời, thỉnh thoảng lại ngứa mồm chọc ngoáy vào những vấn đề nhạy cảm thì ngược lại, Thủy là phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, biết chọn thời cơ, lợi dụng tối đa hoàn cảnh để nhanh chóng thăng tiến trên sự nghiệp chính trị bằng vốn tự có. Vốn tự có ở đây không phải là học vấn và tầm văn hóa được trang bị qua quá trình giáo dục, mà là cái của giới chị em được tạo hóa ban cho. Luận về sự việc này, chính Trần Xuân Tùng đã phải nhận xét: Những cán bộ không có văn hóa đọc như vợ mình...vô vàn.
Thủy đúng là mẫu người của sự thành đạt không phải do nội lực mà tác nhân kích thích đầu tiên chính là ông sếp cỡ bự bất chợt chiếu cố vào thăm buổi họp tổ dân phố. Lời gợi ý của nhân vật chú ấy chẳng khác gì lá bùa hộ mệnh đưa cô trung cấp cảnh sát vượt qua hầu hết các cửa ải được canh giữ bởi những thư lại mẫn cán. Hành vi tùy hứng của ông lớn này, như có phép màu đã biến một công chức tầm thường thành bà thứ trưởng chỉ trong một thời gian ngắn. Về điểm này, chính Diệu Thủy đã tự nhủ: ...không phải ngẫu nhiên mình được chú ấy để ý đến. Cũng phải thế nào chứ? Mạnh bạo một tý này, liều một tí này, dám chịu trách nhiệm này. Thế chả hơn khối người à? Ngày ấy, nếu không liều thế thì thử hỏi xem, bao giờ mới được về công tác ở một công an phường (Thủy tạm trú ở nhà họ hàng, không muốn về quê theo phân công khi ra trường). Bao nhiêu năm nữa mới được đi học đại học...Phải có những bước nhảy vọt, đột biến chứ. Không phải quý nhân phù trợ bất kỳ ai đâu. Có số cả đấy. Chị tin rằng số mình may mắn (trang 49-50). Còn đây là lời vàng ý ngọc của đồng chí chú ấy động viên Diệu Thủy: Chỉ cần cháu có ý thức phấn đấu, có ý chí cách mạng tiến công là được. Từ một cậu thợ điện cơ quan chú còn đào tạo thành bộ trưởng cơ mà (trang 55). Nhưng đấy mới là điều kiện cần, phải thêm điều kiện đủ nữa, Thủy mới nhanh chóng đạt đến đỉnh cao danh vọng. Những gì học được trong kỹ thuật phòng the do chồng huấn luyện, Thủy mang ra áp dụng triệt để với người tình cùng hai ông thầy hướng dẫn luận văn, luận án. Nội vụ dù khó khăn đến đâu cũng có thể giải quyết trên giường. Và đương nhiên cô đã thành công khi chài được ngài bộ trưởng, đưa ông ta vào những cuộc mây mưa nóng bỏng nhưng cũng đầy bất trắc với tư cách là kẻ chiếm hữu vừa thỏa mãn dục tình vừa đạt được mục đích chính trị. Là một quan chức ghét văn hóa đọc, Thủy thiếu hẳn cái phông văn hóa nhưng lại thừa tham vọng quyền bính. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô phải đáp ứng nhu cầu tình dục của ba người đàn ông mà không hề tự vấn lương tâm xem mình có phải là một ca ve cho dù là ca ve...chính khách, càng chứng tỏ nhân cách của những cán bộ như cô đã tha hóa mà không có bất cứ một thứ phanh đạo đức nào hãm được.
Môi trường xã hội ô nhiễm, sự hấp dẫn của quyền lực, sự loạn chuẩn văn hóa đang dung dưỡng những hành vi đồi bại, nhưng những chủ thể của nó lại ngộ nhận bởi thói kiêu ngạo vô lối, nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Từ hành vi phủ nhận giá trị đạo dức, coi khinh nhân cách qua việc đổi tình lấy bằng cấp, chức vụ, những quan chức như Diệu Thủy sẵn sàng làm điều ác nhân danh công lý. Cho nên, việc bà thứ trưởng thuê thám tử tư thăm dò rồi hành hung Dự làm cô ta bị sẩy thai hay cú đá song phi vào Tùng ngay trước mặt các quan tòa trong phiên xử ly hôn cũng không có gì khó hiểu. Đọc đến đoạn Tùng mua đất nghĩa trang, đặt làm quan tài, vừa khóc vừa chôn đứa con chưa kịp chào đời, khiến cho những ai còn chút tình người cũng không thể cầm được nước mắt. Ấy vậy mà bà vợ vẫn dửng dưng viết vào mảnh giấy dính màu vàng: Một lần nữa, tôi xin lỗi về việc đáng tiếc xẩy ra. Nhưng việc anh phản bội tôi là chuyện khác, không đánh đổi được. Tôi gửi anh số tiền đủ để khắc phụ hậu quả.
Một điều cần bàn nữa là, với những quan chức thiếu một nền học vấn cơ bản như Diệu Thủy luôn thiếu tự tin nên thường phải tìm chỗ dựa nơi thánh thần. Cô ta sẵn sàng đi hết đền nọ phủ kia, sắm những mâm lễ vật cùng với tiền công đức hậu hĩnh để cầu các đấng linh thiêng phù hộ. Niềm tin của Thủy đến mức mê muội, bỏ qua tất cả những phân tích có tình có lý của chồng: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành... thật ra là vấn đề tâm lý chứ không phải vấn đề tâm linh. Sau đó anh còn có một nhận xét rất chính xác nhưng khó nghe: Kinh doanh tôn giáo tín ngưỡng mang lại nguồn thu cực lớn. Dĩ nhiên Diệu Thủy không thèm chấp. Với Thủy, câu nói cửa miệng : Lời hứa danh dự của một đảng viên... trên giường với các loại người tình mới là phương châm sống của cô.
Đối lập về đẳng cấp, kể cả nhân cách với Diệu Thủy, là Dự. Trong khi ấy Tùng được xem như thành phần trung gian làm cầu nối giữa hai người. Xét về ý nghĩa tác phẩm, Dự cũng là nhân vật luận đề được xây dựng như một số phận để giải trình tư tưởng tác giả. Thân phận cô gái ca ve này điển hình cho một lớp người dưới đáy xã hội, bị đẩy vào bước đường cùng, buộc phải làm thứ nghề nhơ nhớp phục vụ cho những kẻ lắm tiền. Sự kiện một đại gia lừa đảo mua trinh tiết của Dự với giá ba mươi triệu đồng ngân hàng địa phủ không phải là hy hữu trong giới làng chơi làm cô phẫn uất phải thốt lên: Sao đời lại đểu cáng đến thế này hả giời? Đi đâu cũng thấy đểu cáng. Nhưng đểu cáng lúc trên giường là đểu cáng nhất, là tận cùng của đểu cáng. Cứ tưởng đã trần truồng ra thì con người là thật nhất, là mình nhất. Hóa ra vẫn còn một chỗ cất giấu mà ta không thể biết - cái đầu. Âm mưu đê hèn nhất, toan tính bẩn thỉu nhất, hành vi mạt hạng nhất đều ẩn nấp trong cái đầu tóc bóng lộn của gã đàn ông khốn kiếp ấy mà ra (trang 174- 175). Trò đểu giả ấy, xét về mặt bản chất  cũng chẳng kém gì hành vị bán dâm triền miên của bà vụ trưởng tổ chức với ba gã đàn ông nhưng vẫn kiên quyết không ký vào đơn ly hôn để giữ thể diện. Hơn thế nữa, cô ta còn nhẫn tâm xông vào đẩy ngã người phụ nữ sắp đến ngày sinh làm Dự mất đi đứa con trai.
Từ cách ứng xử của Dự với Thủy, tuy là gái mại dâm vừa mới hoàn lương nhưng ta phải thừa nhận đó là một cô gái có học vấn và nhân cách. Trong cuộc đấu khẩu bất đắc dĩ, bà vụ trưởng, vì là một quan chức ăn xổi ở thì, không được giáo dục kỹ năng sống nên bỗng chốc rơi vào thế hạ phong. Với trình độ quan trí như Diệu Thủy, việc hàng loạt văn bản soạn thảo dính lỗi và vô số thao tác chỉ đạo sai lầm là chuyện không thể tránh khỏi.
Mối quan hệ tay ba Thủy, Tùng, Dự được xem là một bi kịch. Với Tùng vốn không mấy ham chuộng công danh nên việc bị cách chức không ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp làm báo. Trái lại, anh được một thứ rất lớn là tình yêu đích thực. Cuộc sống hai vợ chồng ra sao sau cái chết của đứa con chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời còn phụ thuộc vào hoàn cảnh trong tương lai, khó có thể nói trước là tốt đẹp. Diệu Thủy đã công thành danh toại nhưng chắc gì đã hạnh phúc khi mà đứa con trai duy nhất hy sinh, gia đình tan vỡ, không còn chỗ dựa tinh thần. Phần kết của  Gã tép riu có vẻ như không làm người đọc thỏa mãn, nhưng thực ra đấy là cái kết không thể khác, hoàn toàn phù hợp với diến biến mạch truyện, phản ánh quy luật muôn đời của cuộc sống như nó vốn có.
Gã tép riu không mới ở hình thức mà mới ở nội dung. Tác giả đã góp một tiếng nói trung thực, chân thành và dũng cảm vào hành trình đến tương lai của dân tộc qua con đường văn hóa bằng hình tượng văn học.

                                    Chí Linh, 24 tháng 3 năm 2013

                                                Đ.V.S
* Tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, NXB Hội Nhà văn 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét