George Orwell
Trại Súc Vật
(Chuyện ở nông trại)
(Phạm Minh Ngọc dịch từ nguyên bản tiếng Anh, có tham khảo bản Nga
văn của Лара Беспалова -2001г)
Hoan hô nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn
Trung Trung Đỉnh đã đi cùng nhân dân chống chế độ độc tài khi cho in tuyệt tác Trại
súc vật
Trần Mạnh Hảo
V
|
iệc nhà xuất bản Hội Nhà Văn của Hội
Nhà Văn Việt Nam và nhà sách Phương Nam đã cho in và phát hành tiểu thuyết nổi
tiếng Trại súc vật đầu năm 2013 với
một cái tên khác là Chuyện ở nông trại
của văn hào Anh George Orwell đã làm
nức lòng người yêu văn học trong cả nước. Cứ tưởng cuốn sách được liệt vào hàng
chống cộng nhất thế giới này sẽ không bao giờ được in ở Việt Nam khi nào chế độ
cộng sản còn cai trị.
Trại súc vật đã bị cấm in ở tất cả các nước xã hội
chủ nghĩa. Chỉ đến khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ cuốn sách mới được in ở
các nước tân dân chủ tự do này.
Báo Quân Đội Nhân dân đã hỗ trợ tinh thần dân
chủ tự do của hai anh Hữu Thỉnh và Trung Trung Đỉnh, đã giới thiệu Trại
súc vật trên trang QĐND online
rất trang trọng ( nhưng nay đã rút xuống).
Nội dung cuốn sách mô tả các đồng chí
súc vật xây dựng xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản rất nhiêu khê và hài
hước, một tấn bi hài kịch vô cùng hấp dẫn .
Người viết bài
này mấy chục năm trước đã nghe đài BBC đọc kiệt tác này nhiều ngày trên đài.
Gió đã xoay
chiều chăng ? Tự do dân chủ đang đến trước cửa mỗi gia đình Việt Nam chăng ? Hi
vọng đây là tín hiệu tốt lành cho quê hương đau khổ của chúng ta.
Lời tựa
T
|
rại Súc Vật được in ở Anh ngày 17
tháng 8 năm 1945 và một năm sau thì được in ở Mĩ. Trước đó George Orwell đã cho
xuất bản 9 đầu sách với tổng số bản in cả ở Anh và Mĩ là 195 500 cuốn. Sau
chiến tranh thế giới thứ II do thiếu giấy nên số lượng bản in hạn chế, tuy vậy
cho đến khi Orwell mất vào tháng giêng năm 1950 đã có tất cả 25 500 cuốn Trại
Súc Vật được in ở Anh và 590 000 cuốn được in ở Mĩ. Điều đó nói lên thành công
to lớn và ngay lập tức của tác phẩm. Sinh thời Orwell tác phẩm này đã được dịch
ra tất cả các ngôn ngữ chính của châu Âu cũng như các thứ tiếng như Telugu (một
dân tộc thuộc bắc Ấn Độ), Ba Tư, Aixlen và Ukraine. Sau hơn 50 năm kể từ lần
xuất bản đầu tiên, tác phẩm đã được dịch ra 68 thứ tiếng trên thế giới và
thuờng xuyên được tái bản. Trong lần bình chọn 100 tác phẩm hay nhất trong thế
kỉ XX do nhà sách Random House tiến hành, Trại Súc Vật được xếp thứ 31.
Nhân kỉ niệm
100 năm ngày sinh của George Orwell chúng tôi xin giới thiệu Trại Súc Vật, một
trong hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông với lời tựa cho lần xuất bản bằng
tiếng Ukraine do chính Orwell viết. Lời tựa này được Orwell viết bằng tiếng Anh
(bản gốc đã bị thất lạc), theo đề nghị của người tổ chức dịch thuật và phân
phối tác phẩm này cho những người Ukraine chạy trốn chế độ Xô viết và sống
trong các trại tạm cư do quân đội Anh và Mĩ thiết lập trên đất Đức. Lời tựa
được dịch sang tiếng Ukraine dành cho lần xuất bản đầu tiên vào năm 1947, nhà
sách Penguin Classic trong lần xuất bản năm 2000 đã cho dịch lại và in kèm với
lời giới thiệu của Malcolm Bradbury.
Sau tác phẩm
Trại Súc Vật, George Orwell còn viết một tác phẩm nổi tiếng 1984. Tác phẩm này
nằm ở vị trí 13 trong bảng tổng sắp của nhà sách Randomhouse đã nói ở trên. Tin
rằng một ngày gần đây tác phẩm bất hủ này cũng sẽ ra mắt độc giả tiếng Việt.
Phạm Minh Ngọc
Tôi được yêu
cầu viết lời giới thiệu cho bản dịch tác phẩm Trại Súc Vật sang tiếng Ukraine.
Tôi nhận thức rõ rằng tôi đang viết cho những độc giả mà tôi không có một chút
hiểu biết nào và họ cũng chưa từng có cơ hội tìm hiểu tôi.
Trong lời giới
thiệu chắc chắn các độc giả muốn tôi kể về quá trình sáng tác tác phẩm Trại Súc
Vật, nhưng trước tiên tôi muốn tự kể về mình và những trải nghiệm đã dẫn tôi
đến quan điểm chính trị hiện nay.
Tôi sinh năm
1903 tại Ấn Độ. Lúc đó cha tôi là một viên chức trong bộ máy hành chính Anh
quốc ở đấy, gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu gồm các quân nhân, tu sĩ,
viên chức chính phủ, giáo sư, luật sư, bác sĩ v.v... Tôi tốt nghiệp trung học
tại Eton, một trường công lập thuộc loại đắt nhất nước Anh thời đó. Nhưng tôi
được vào học ở đây là do được nhận học bổng chứ cha tôi không thể có tiền để
gửi tôi vào học những trường như thế.
Ngay sau khi
thôi học (lúc đó tôi chưa đủ 20 tuổi) tôi đi Miến Điện và tham gia lực lượng
cảnh sát Hoàng gia tại đây. Tôi làm ở đó năm năm. Việc này hoàn toàn không hợp
với tôi, tôi trở nên căm ghét chủ nghĩa đế quốc mặc dù lúc đó tinh thần quốc
gia ở Miến Điện chưa cao và quan hệ giữa người Anh và người Miến cũng chưa đến
nỗi nào. Sau khi về lại Anh quốc vào năm 1927 tôi giải ngũ và bắt đầu viết văn:
thời gian đầu không có thành công đáng kể nào. Trong những năm 1928-1929 tôi
sống ở Paris, chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết nhưng không có nhà xuất
bản nào chịu in (tôi đã xé bỏ hết). Những năm sau đó tôi phải tay làm hàm nhai,
đôi khi phải nhịn đói. Chỉ từ năm 1934 tới nay tôi mới sống được bằng ngòi bút.
Trong thời gian này tôi đã sống nhiều tháng giữa những người nghèo khổ và bất
hảo, ăn xin và ăn cắp tại những khu vực tồi tệ nhất của những khu phố nghèo.
Lúc đầu tôi phải nhập bọn với họ vì không có tiền, nhưng sau này tôi lại rất
thích lối sống đó. Tôi đã dành nhiều tháng trời để nghiên cứu đời sống thợ mỏ ở
miền Bắc nước Anh. Cho đến năm 1930 nói chung tôi vẫn chưa phải là người theo
trường phái xã hội. Thực ra tôi vẫn chưa xác định được quan điểm chính trị của
mình.Tôi trở thành người theo trường phái xã hội vì căm thù cách người ta đàn
áp và khinh thường tầng lớp công nhân công nghiệp nghèo khổ chứ không phải vì
thán phục xã hội theo kế hoạch hoá về mặt về mặt lí luận.
Tôi lập gia
đình năm 1936. Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha nổ ra ngay trong những ngày đó. Hai
vợ chồng tôi đều muốn đi Tây Ban Nha để chiến đấu cho chính phủ nước này. Chúng
tôi sẵn sàng lên đường, sáu tháng sau đó, khi tôi viết xong cuốn sách mà tôi đã
khởi sự từ trước. Tôi đã ở mặt trận Aragon gần Huesca sáu tháng liền, cho đến
khi bị một phát đạn bắn tỉa xuyên qua cổ.
Trong giai
đoạn đầu của cuộc chiến những người ngoại quốc hoàn toàn không hiểu được cuộc
đấu tranh giữa các đảng phái ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha. Do một loạt sự tình
cờ, tôi không tham gia các Binh đoàn Quốc tế như đa số những người ngoại quốc
khác mà chiến đấu trong hàng ngũ của lực lượng vũ trang POUM, đảng của những
người theo phái Troskist Tây Ban Nha.
Vì vậy giữa
năm 1947 khi những người Cộng sản nắm được quyền kiểm soát (hay một phần quyền
kiểm soát) chính phủ Tây Ban Nha và bắt đầu săn đuổi những người Troskist thì
cả hai vợ chồng tôi đều trở thành nạn nhân. Chúng tôi may mắn đi khỏi được Tây
Ban Nha, thậm chí không bị bắt lần nào. Nhiều bạn bè của chúng tôi đã bị bắn
bỏ, một số bị tù đày nhiều năm, số khác thì mất tích.
Những cuộc săn
người ở Tây Ban Nha xảy ra đồng thời với những cuộc thanh trừng vĩ đại ở Liên
Xô. Thực chất những vụ thanh trừng ở Tây Ban Nha và ở Nga chỉ là một (gọi là âm
mưu với bọn phát xít) và nếu nói về Tây Ban Nha thì tôi có đầy đủ cơ sở để tin
rằng đấy là những vụ kết án oan. Qua đó tôi đã nhận được một bài học đắt giá:
nó dạy tôi rằng bộ máy tuyên truyền của chế độ toàn trị dễ dàng lèo lái dư luận
ở những nước dân chủ đến mức nào.
Hai vợ chồng
tôi đã chứng kiến những người vô tội bị quẳng vào nhà giam chỉ vì họ bị nghi là
không theo đường lối chính thống. Khi trở về Anh chúng tôi thấy rất nhiều người
thạo tin và nhạy bén tin vào những bản án kì quặc về âm mưu phản bội và phá
hoại do báo chí tường thuật từ những vụ án ở Moscow.
Và tôi thực sự
hiểu ra ảnh hưởng tiêu cực của huyền thoại Xô viết đối với phong trào xã hội ở
phương Tây.
Đến đây tôi
xin dừng lại một chút để trình bày thái độ của tôi đối với chế độ Xô viết.
Tôi chưa đến
thăm Nga bao giờ và hiểu biết của tôi về nước Nga chỉ là kiến thức do thu lượm
được từ báo chí, sách vở. Ngay cả nếu có đủ sức tôi cũng sẽ không can thiệp vào
công việc nội bộ của Liên Xô: tôi sẽ không kết án Stalin và các cộng sự của ông
ta chỉ vì những phương pháp dã man và phi dân chủ của họ. Có thể là trong những
điều kiện như thế, dù có muốn, họ cũng không thể hành động khác được.
Nhưng mặt khác
đối với tôi điều cực kì quan trọng là nhân dân Tây Âu phải nhận rõ chế độ Xô
viết như nó đang là. Từ năm 1930 tôi nhìn thấy rất ít bằng chứng là Liên Xô
đang tiến đến cái có thể thực sự gọi là Chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, có những
chỉ dấu rõ ràng rằng xã hội ấy đang chuyển hoá thành xã hội có tôn ti trật tự
và những người cầm quyền, cũng như mọi giai cấp cầm quyền khác, chẳng thấy có
lí do gì để rời bỏ quyền lực đã làm tôi choáng váng. Hơn nữa công nhân và trí
thức ở những nước như Anh quốc lại không hiểu rằng Liên Xô hôm nay đã khác hẳn
Liên Xô năm 1917. Một phần vì họ không chịu hiểu (nghĩa là họ muốn tin rằng có
một nước xã hội chủ nghĩa quả thực đang tồn tại ở đâu đó), một phần vì họ quen
với cuộc sống tự do và ôn hoà, họ không biết gì về chủ nghĩa toàn trị.
Cần phải nhớ
rằng nước Anh chưa phải là nước hoàn toàn dân chủ. Đây vẫn là nước tư bản với
những đặc quyền đặc lợi giai cấp (ngay cả bây giờ, sau cuộc chiến tranh có xu
hướng làm cho mọi người bình đẳng hơn) và sự chênh lệch gay gắt về tài sản.
Nhưng dù sao ở đây người dân đã có cuộc sống không có những xáo trộn lớn suốt
mấy trăm năm qua, luật pháp tương đối công chính, tin tức và số liệu của chính
quyền có thể tin được và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là người ta
có thể giữ và ủng hộ quan điểm của thiểu số mà không bị bất kì đe dọa chết
người nào. Trong hoàn cảnh như vậy người ta không thể nào hiểu được những hiện
tượng như trại tập trung, cưỡng ép di cư hàng lọat, bỏ tù không cần xét xử,
kiểm duyệt báo chí v.v... Tất cả những điều đọc được trên báo chí về những nước
như Liên Xô được tự động phiên dịch sang các thuật ngữ của nước Anh và họ ngây
thơ tin ngay những điều dối trá của bộ máy tuyên truyền của chế độ toàn trị đó.
Cho đến năm 1939, và cả sau này nữa, đa số người Anh không hiểu được thực chất
chế độ phát-xít ở Đức và nay họ cũng có ảo tưởng tương tự như vậy đối với Liên
Xô.
Điều đó đặc
biệt có hại đối với phong trào Xã hội Anh và gây hậu quả xấu đối với chính sách
đối ngoại của nước Anh. Theo tôi, tin rằng nước Nga là nước xã hội chủ nghĩa và
mọi hành vi của những người cầm quyền ở đó đều nên được tha thứ, nếu không nói
là phải theo là sự phản bội đối với lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy trong
mười năm gần đây tôi đã đi đến kết luận rằng việc phá tan huyền thoại Xô viết
là việc làm vô cùng cần thiết nếu ta muốn tái sinh phong trào xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau khi
trở về từ Tây Ban Nha tôi đã nghĩ đến việc vạch trần huyền thoại Xô viết dưới
dạng một câu chuyện dễ hiểu và dễ dịch sang các thứ tiếng khác. Nhưng chi tiết
của câu chuyện vẫn chưa có, cho đến một hôm (khi đó tôi sống ở nông thôn) tôi
trông thấy một cậu bé, khoảng mười tuổi, đang đánh một chiếc xe ngựa to trên
một con đường hẹp, cứ mỗi lần con ngựa định quay ngang là cậu bé lại ra roi.
Trong đầu tôi bỗng loé lên ý nghĩ rằng nếu loài vật nhận thức được sức mạnh của
chúng thì con người không thể nào còn điều khiển được chúng nữa và con người
bóc lột loài vật cũng hệt như các tầng lớp hữu sản bóc lột giai cấp vô sản vậy.
Tôi tiến hành
phân tích học thuyết của Marx trên quan điểm của súc vật. Đối với loài vật thì
rõ ràng là luận điểm về đấu tranh giai cấp giữa người với người chỉ là một sự
lừa mị, vì mỗi khi cần bóc lột súc vật là tất cả mọi người lại đoàn kết với
nhau để chống lại chúng: cuộc đấu tranh thực sự là cuộc đấu tranh giữa loài vật
và loài người. Từ đây việc tạo ra tác phẩm không còn khó nữa. Tôi bận nhiều
việc khác, không có thì giờ, cho nên mãi đến năm 1943 tôi vẫn chưa bắt đầu viết
truyện này và cuối cùng tôi đã đưa thêm một số sự kiện, thí dụ như Hội nghị
Teheran là sự kiện xảy ra trong thời gian tôi viết. Như vậy là đường hướng
chính của câu chuyện đã nằm trong đầu tôi suốt sáu năm trước khi tôi thực sự
đưa nó lên giấy.
Tôi không có ý
bình luận tác phẩm, nếu tác phẩm không có sức thuyết phục thì có nghĩa là tác
phẩm ấy đã thất bại. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai điểm: thứ nhất, mặc dù nhiều
tình tiết được lấy từ lịch sử của cuộc Cách mạng Nga nhưng chúng chỉ có ý nghĩa
tượng trưng và trật tự đã được thay đổi cho cân đối với cốt truyện. Điểm thứ
hai thường bị các nhà phê bình bỏ qua, nguyên nhân có thể là vì tôi chưa nhấn
đúng mức. Nhiều độc giả sau khi đọc xong có cảm tưởng rằng cuốn sách đã dừng
lại ở sự hoà giải hoàn toàn giữa loài lợn và loài người. Nhưng đấy không phải
là ý của tôi, ngược lại, tôi cố ý kết thúc ở chỗ chỉ rõ sự bất hoà, vì tôi viết
chuyện này ngay sau Hội nghị Teheran, mọi người lúc đó đều nghĩ rằng Hội nghị
này sẽ thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp nhất có thể giữa Liên Xô và phương
Tây. Cá nhân tôi không tin rằng quan hệ tốt đẹp đó có thể kéo dài được lâu, và
như các sự kiện cho thấy, tôi đã không lầm.
Tôi không biết
phải nói gì thêm nữa. Nếu độc giả nào quan tâm đến cá nhân tôi thì tôi xin nói
thêm rằng tôi đã goá vợ, hiện tôi đang sống với con trai ba tuổi, tôi là nhà
văn chuyên nghiệp nhưng từ khi bắt đầu cuộc chiến thì tôi làm việc chủ yếu như
một phóng viên.
Tôi thường
viết cho tờ Tribune, một tờ tuần báo đại diện cho phái tả của đảng Lao động.
Các cuốn sách sau đây của tôi có thể được độc giả quan tâm: Những ngày ở Miến
điện (câu chuyện về Miến điện), Tưởng nhớ Catalonia (viết về những trải nghiệm
của tôi trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha) và tác phẩm Phê bình (các bài viết
về văn học đương đại Anh, được viết chủ yếu từ quan điểm xã hội học hơn là quan
điểm thuần tuý văn chương).
1947
Chương
1
Ông Jones, chủ Điền Trang đóng cửa chuồng gà, nhưng vì
say quá nên quên đóng cửa chuồng lợn. Với chiếc đèn bão trong tay, đung đưa,
khi sang phải, khi sang trái, ông lảo đảo đi qua sân, tới cửa sau thì lấy chân
đạp ủng ra và bước vào bếp để uống nốt vại bia cuối cùng trong ngày rồi leo lên
giường, nơi vợ ông, bà Jones đã ngáy khò khò.
Ngay khi đèn trong phòng ngủ vừa tắt, đây đó bỗng dậy
lên những tiếng sột soạt, thì thầm. Ngày hôm đó có tin đồn rằng Thủ Lĩnh, một
con lợn đực trắng, từng được huy chương trong một cuộc triển lãm, đêm hôm trước
có một giấc mơ kì lạ và muốn kể cho mọi loài cùng nghe. Chúng thoả thuận với
nhau là ngay sau khi ông Jones đi ngủ sẽ tập trung trong nhà kho lớn. Tất cả
các con vật trong trang trại đều kính trọng Thủ Lĩnh (chúng gọi nó như vậy, mặc
dù khi đi dự triển lãm nó mang tên Willingdon Điển Trai) và sẵn sàng hi sinh
giấc ngủ để được nghe nó nói chuyện.
Thủ Lĩnh ngồi trên một cái bục có nệm rơm phía trong
cùng nhà kho, dưới ánh sáng của chiếc đèn bão treo trên xà nhà. Nó đã mười hai
tuổi, mặc dù thời gian gần đây có béo thêm, với những chiếc răng nanh thò cả
ra, nhưng trông nó vẫn có vẻ tiên phong đạo cốt, phúc hậu. Những con khác bắt
đầu lục tục kéo tới, mỗi con tìm một chỗ ngồi thuận lợi. Đầu tiên là ba con chó
Bluebell, Jessie và Pincher, sau đó là lũ lợn; chúng ngồi trên đống rơm phía
trước bục. Lũ gà leo lên bậu cửa sổ, đám bồ câu đậu trên rui mè, bọn bò và cừu
nằm phía sau lũ lợn và bắt đầu công việc nhai lại của chúng. Hai con ngựa kéo
xe tên là Chiến Sĩ và Bà Mập cùng vào, từ từ lại gần cái bục, trước mỗi bước
chúng đều thận trọng quan sát để không giẫm bẹp một con thú nhỏ nào ở bên dưới
lớp rơm. Bà Mập, một con ngựa cái trung niên hiền lành, thân hình đã sồ sề vì
bốn lần sinh nở. Chiến Sĩ, một con tuấn mã cao đến gần hai mét và khoẻ bằng hai
con ngựa khác. Vì có một vệt trắng dọc sống mũi nên trông nó có vẻ đần, thực ra
cu cậu cũng không thuộc loại thông minh, nhưng bù lại, nó được các con khác tôn
trọng vì tính kiên định và hay lam hay làm. Sau đó là đến con dê trắng tên là
Mona và con lừa tên là Benjamin. Benjamin là con vật già nhất bọn, nhưng cũng
là con xấu tính nhất. Benjamin ít nói, nhưng hễ mở miệng là y như rằng nó tìm
cách giễu cợt, ví dụ có lần nó tuyên bố rằng Thượng Đế tạo cho nó cái đuôi để
đuổi ruồi, nhưng giá đừng có cả đuôi lẫn ruồi thì còn thích hơn. Nó là con vật
duy nhất không bao giờ cười. Nếu hỏi tại sao thì nó bảo: chẳng có lí do gì. Mặc
dù vậy và tuy không nói ra nhưng nó rất trung thành với Chiến Sĩ, chủ nhật nào
hai con cũng yên lặng gặm cỏ bên nhau ở bãi giữ ngựa phía sau khu vườn.
Hai con ngựa vừa nằm xuống thì bầy vịt con mồ côi lao
vào nhà kho, chúng vừa kêu chiếp chiếp khe khẽ vừa chạy loanh quanh, mong tìm
một chỗ an toàn. Bà Mập lấy chân trước khoanh thành một khu cho chúng, lũ vịt
con mau chóng chui vào đó rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Ngay trước khi
buổi nói chuyện bắt đầu thì Mollie, một ả ngựa cái dốt nát, màu trắng, chuyên
kéo chiếc xe nhỏ của ông Jones, vừa đi vừa nhai một cục đường, mới õng ẹo bước
vào. Nó lập tức chiếm ngay vị trí phía trước cái bục và lắc lư bờm để mong
những con khác chú ý đến dải ruy băng đỏ trang điểm trên đó. Cuối cùng là một
con mèo, nó nhìn quanh và vẫn như mọi khi, cố tìm cho mình một chỗ thật ấm, rồi
chen vào nằm giữa Chiến Sĩ và Bà Mập, chị chàng sung sướng phát ra những tiếng
gừ… gừ… trong cổ họng, mặc Thủ Lĩnh muốn nói gì thì nói.
Thế là tất cả các con vật trong Điền Trang đã có mặt
đầy đủ, chỉ trừ con quạ Moses, nó ngủ trên hàng rào ngay bên ngoài cửa sau. Khi
Thủ Lĩnh thấy tất cả đã an vị và sẵn sàng lắng nghe thì húng hắng ho lấy giọng
và bắt đầu:
"Thưa các đồng chí! Như các đồng chí đã biết, đêm
qua tôi có một giấc mơ kì lạ. Nhưng tôi sẽ nói chuyện đó sau. Đầu tiên tôi muốn
nói với các đồng chí một số việc hoàn toàn khác. Thưa các đồng chí, tôi nghĩ
rằng tôi không ở lại với các đồng chí được bao lâu nữa, vì vậy tôi cho rằng
trước khi chết mình phải có trách nhiệm chia sẻ với các đồng chí những kinh
nghiệm mà tôi đã tích lũy được trong suốt cuộc đời mình. Tôi đã có một cuộc đời
phải nói là dài và tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi nằm một mình trong chuồng, tôi
nghĩ rằng tôi có thể nói là tôi hiểu đời không thua bất kì con vật nào trên thế
gian này. Đó là điều tôi muốn nói với các đồng chí.
Bây giờ, thưa các đồng chí, thực chất đời sống của
chúng ta là gì? Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật. Cuộc đời của chúng ta là
khổ sai, khốn nạn và yểu mệnh. Chúng ta sinh ra, chúng ta được một khẩu phần
vừa đủ để khỏi chết vì đói, những con nào có thể làm thì phải làm đến kiệt sức
và khi không làm được nữa thì chúng ta bị giết một cách vô cùng dã man, tàn
bạo. Không có con vật nào ở nước Anh này biết đến hạnh phúc và niềm vui ngay
khi vừa tròn một tuổi. Không có con vật nào ở nước Anh này được tự do. Cuộc
sống của loài vật là cuộc sống nghèo khổ và nô lệ: sự thật trần trụi là như thế
đấy.
Nhưng đấy có phải là qui luật của tự nhiên không? Chả
lẽ nước ta lại nghèo đến độ không nuôi nổi những động vật sống ở đây ư? Không,
ngàn vạn lần không, thưa các đống chí. Đất Anh màu mỡ, thời tiết thuận hòa,
thừa sức cung cấp thức ăn cho một số lượng động vật lớn hơn hiện nay rất nhiều.
Chỉ nội cái trang trại của chúng ta đã có thể nuôi được một tá ngựa, hai chục
bò, hàng trăm cừu và tất cả đều có thể sống trong tiện nghi và phẩm giá mà nay
chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi. Thế thì tại sao chúng ta lại cứ tiếp
tục sống trong điều kiện khốn nạn thế này? Bởi vì hầu như toàn bộ những gì
chúng ta làm ra đều bị con người chiếm đoạt hết. Đấy là nguyên nhân tất cả các
vấn nạn của chúng ta. Nói ngắn gọn bằng một từ là: Con Người. Con Người là kẻ
thù của chúng ta. Nếu không còn người nữa thì chúng ta vĩnh viễn sẽ không còn
bị đói, không còn phải làm công việc khổ sai nữa.
Người là giống vật duy nhất chỉ ăn mà không làm. Người
không làm ra sữa, không đẻ ra trứng, người không thể kéo cày, không chạy nhanh
bằng thỏ. Nhưng nó lại là chủ của tất cả chúng ta. Nó bắt chúng ta làm việc,
cướp lấy mọi thành quả lao động của chúng ta, chỉ cho chúng ta ăn vừa đủ để
không chết đói mà thôi. Chúng ta phải cày bừa, phân chúng ta bón ruộng, thế mà
chúng ta có gì? Chẳng có gì ngoài da bọc xương. Các đồng chí bò đang ngồi trước
mặt tôi đây, năm vừa qua các đồng chí cho bao nhiêu lít sữa? Thế số sữa mà đáng
lẽ dùng để nuôi các chú bò con ấy đi đâu? Kẻ thù của chúng ta đã uống đến giọt
cuối cùng. Còn các bạn gà, năm vừa qua các bạn đã đẻ bao nhiêu trứng, trong đó
có bao nhiêu quả nở thành gà con? Lão Jones và gia nhân đã mang ra chợ bán lấy
tiền hết rồi. Bà Mập, bốn đứa con của bà, niềm vui và chốn nương tựa lúc tuổi
cao bóng xế của bà đâu rồi? Chúng đã bị đem bán khi vừa tròn một tuổi, bà sẽ
không bao giờ được gặp lại chúng nữa. Một khẩu phần ăn chết đói và cái chuồng,
công cho bốn lần vượt cạn cũng như công việc đồng áng của bà chỉ có thế mà thôi!
Nhưng dù khốn nạn như thế chúng ta cũng có được sống
trọn tuổi trời đâu. Riêng tôi thì chẳng có gì phải phàn nàn, vì thực ra tôi đã
gặp may. Năm nay tôi đã mười hai tuổi rồi, tôi có hơn bốn trăm đứa con. Trời
đất sinh ra giống lợn là như thế. Nhưng cuối cùng thì cũng chẳng có con vật nào
thoát khỏi lưỡi dao oan nghiệt. Tất cả các bạn lợn thịt đang ngồi trước mặt tôi
đây, trong vòng một năm nữa tất cả các bạn sẽ phải từ giã cõi đời trên tấm phản
mổ. Tất cả chúng ta, bò, lợn, gà, cừu, không ai trong chúng ta tránh khỏi cái
kết cục khủng khiếp đó. Số phận của loài ngựa và loài chó cũng chẳng tốt đẹp
hơn. Đồng chí Chiến Sĩ nữa, ngay khi cơ bắp của đồng chí vừa yếu đi thì lão
Jones sẽ bán đồng chí cho lão mổ ngựa, hắn sẽ cắt cổ đồng chí rồi hầm dừ cho lũ
chó săn ăn. Những con chó già, rụng răng sẽ bị lão Jones buộc một viên gạch vào
cổ và quăng xuống hồ.
Thưa các đồng chí, chả lẽ các đồng chí không thấy rằng
tất cả mọi khổ đau trong cuộc đời này của chúng ta chính là do con người mà ra
hay sao? Nếu chúng ta loại bỏ được Con Người thì mọi thành quả lao động của
chúng ta sẽ thuộc về chúng ta. Nếu làm được thế thì chỉ sau một đêm chúng ta sẽ
trở nên giàu có và tự do. Thế thì chúng ta phải làm gì? Làm việc, không kể ngày
đêm, cả bằng sức mạnh và tài năng để lật đổ ách thống trị của loài người! Khởi
nghĩa! Các đồng chí - đấy là thông điệp của tôi. Tôi không biết khi nào thì
cuộc Khởi Nghĩa sẽ xảy ra, có thể trong tuần tới, cũng có thể là một trăm năm
nữa, nhưng tôi biết rõ, như tôi đang nhìn thấy những cọng rơm bên dưới chân tôi
đây rằng sớm muộn gì rồi công bằng cũng sẽ được thiết lập. Các đồng chí hãy
nghĩ đến điều đó trong suốt cuộc đời còn lại ngắn ngủi của mình! Ngoài ra, hãy
chuyển thông điệp của tôi đến các thế hệ tương lai, để các thế hệ đó tiếp tục
cuộc đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng.
Các đồng chí hãy kiên định. Không được dao động. Đừng
có nghe theo lời tuyên truyền rằng Con Người và các loài vật cùng có chung
quyền lợi, rằng sự thịnh vượng của loài này cũng là sự thịnh vượng của loài
kia. Bịp bợm hết. Con Người không quan tâm đến quyền lợi của ai, nó chỉ quan
tâm đến chính nó mà thôi. Các loài vật chúng ta phải đoàn kết nhất trí, phải có
tinh thần đồng chí trong cuộc đấu tranh này. Tất cả loài người đều là kẻ thù.
Tất cả các con vật đều là đồng chí."
Đúng lúc đó thì tiếng ồn ào nổi lên. Chả là trong khi
Thủ Lĩnh đang nói thì có bốn con chuột cống bò ra khỏi hang và cũng đến nghe.
Mấy con chó đã trông thấy và may là lũ chuột kịp chạy vào hang, không thì đã
mất mạng rồi. Thủ Lĩnh phải giơ chân lên đề nghị im lặng.
"Thưa các đồng chí", nó nói, "có một
vấn đề cần phải giải quyết. Những con thú hoang như chuột cống và thỏ, chúng là
bạn hay là kẻ thù của chúng ta? Đề nghị biểu quyết. Tôi xin đặt vấn đề với hội
nghị như sau: Chuột có phải là đồng chí không?"
Cuộc bỏ phiếu được thực hiện ngay, đa số tán thành coi
chuột là đồng chí. Chỉ có bốn phiếu chống, đấy là ba con chó và một con mèo,
nhưng sau này mới phát hiện ra rằng mèo ta bỏ cả phiếu thuận lẫn phiếu chống.
Thủ Lĩnh tiếp tục:
"Tôi xin nói thêm một chút nữa. Tôi chỉ muốn nhắc
lại rằng nhiệm vụ của các đồng chí là phải luôn luôn tranh đấu với Con Người và
tất cả những gì do nó tạo ra. Tất cả những loài hai chân đều là kẻ thù. Tất cả
những loài bốn chân hoặc có cánh đều là bạn. Các đồng chí lại phải luôn luôn
nhớ rằng chúng ta không được bắt chước loài người trong cuộc đấu tranh chống
lại chúng. Ngay cả khi đã chiến thắng, chúng ta cũng không được tập nhiễm các
thói xấu của chúng. Không có con vật nào được sống trong nhà, ngủ trên giường,
mặc quần áo, uống rượu, hút thuốc, sử dụng tiền hoặc tham gia buôn bán. Tất cả
phong tục của loài người đều là có hại. Quan trọng nhất là không con nào được
áp chế con nào. Khoẻ cũng như yếu, thông minh tài trí cũng như bình thường, tất
cả chúng ta đều là anh em. Không được giết hại lẫn nhau. Mọi con vật sinh ra
đều bình đẳng.
Và bây giờ, thưa các đồng chí, tôi sẽ kể cho các đồng
chí nghe giấc mơ của tôi tối hôm qua. Tôi không thể mô tả được. Tôi mơ thấy
trái đất khi con người đã biến đi rồi. Giấc mơ này làm sống dậy trong trí tôi
một việc như sau:
"Cách đây đã lâu, khi tôi còn là một chú lợn nhỏ,
mẹ tôi cùng với các cô bác lợn khác thường hát một bài hát có từ ngày xưa: họ
chỉ nhớ nhạc điệu và ba từ đầu tiên thôi. Lúc bé tôi cũng thuộc nhạc điệu,
nhưng tôi đã quên từ lâu. Thế mà đêm qua, trong giấc mơ, tôi đã nhớ lại tất cả,
hơn thế nữa, tôi còn nhớ lại được cả lời bài hát, tôi tin chắc rằng ngày xưa
các loài vật đã từng hát như thế, nhưng sau này họ quên và mấy thế hệ gần đây
hoàn toàn không biết hát nữa. Bây giờ tôi sẽ hát cho các đồng chí nghe. Tôi đã
già, giọng không còn trong, nhưng khi tôi dạy nhạc điệu cho các đồng chí thì
các đồng chí sẽ hát hay hơn. Bài hát tên là: Súc Sinh Anh quốc".
Thủ lĩnh già hắng giọng và bắt đầu hát. Giọng đúng là
đã khàn, nhưng nó hát cũng không đến nỗi tồi, giai điệu hỗn hợp giữa kiểu
"Clementine" và "La Cucuracha". Lời bài hát như sau:
"Súc sinh
Anh quốc
Súc sinh muôn
nơi
Lắng nghe niềm
vui mới
Của một ngày
mai sáng tươi
Đồng cỏ núi
đồi
Mãi mãi xanh
ngời
Khi lũ người
Không còn là
ách trên vai
Chạc, chạc
không còn
Cương, cương
cũng không
Roi vọt, chửi
mắng
Chỉ là quá khứ
tối tăm
Ta giàu, ta có
Vườn cây, đồng
lúa
Đậu, sắn, ngô,
khoai
Là của chúng
ta từ đây
Mặt trời sáng
soi
Nước càng ngọt
tươi
Gió mát muôn
đời
Là ngày tự do
tương lai
Súc sinh Anh
quốc
Súc sinh muôn
nơi
Lắng nghe niềm
vui mới
Của một ngày
mai sáng tươi" 1
Bài hát đã làm cho lũ súc vật kích động tột độ. Một số
con kịp bắt theo ngay trước khi Thủ lĩnh hát hết bài. Ngay những con ngu dốt
nhất cũng nắm được nhạc điệu và thuộc mấy từ, còn những con thông minh hơn, như
lũ chó và lũ lợn, thì thuộc lòng cả bài ngay trong vài phút đầu. Sau vài lần
tập, cả trang trại đã cùng đồng ca được bài Súc Sinh Anh quốc. Mỗi loài hát một
giọng, bò rống, chó sủa, cừu kêu be be, ngựa hí, vịt kêu cạp cạp. Chúng khoái
bài hát đến độ hát liền một mạch năm lần và chúng có thể hát mãi như thế suốt
đêm nếu không bị ngăn trở.
Đáng tiếc là tiềng ồn ào đã làm ông Jones thức giấc,
ông bước xuống giường vì tin chắc là có một con cáo đã lọt vào sân. Ông tìm
khẩu súng vẫn thường dựng ở góc phòng và bắn một lọat đạn ghém lên trời. Có mấy
viên găm vào tường nhà kho và cuộc họp mau chóng kết thúc. Từng con quay về chỗ
ngủ của mình. Gia cầm nhảy lên ổ, còn gia súc thì nằm xuống đống rơm và chẳng
bao lâu sau cả trang trại đã chìm vào giấc ngủ.
1 Nguyên văn hai bài thơ " Súc Sinh Anh quốc":
Beasts of
England
Beasts of
England, beasts of Ireland,
Beasts of
every land and clime,
Hearken to my
joyful tidings
Of the golden
future time.
Soon or late
the day is coming,
Tyrant Man shall
be o'erthrown,
And the
fruitful fields of England
Shall be trod
by beasts alone.
Rings shall
vanish from our noses,
And the
harness from our back,
Bit and spur
shall rust forever,
Cruel whips no
more shall crack.
Riches more
than mind can picture,
Wheat and
barley, oats and hay,
Clover, beans
and mangel-wurzels
Shall be ours
upon that day.
Bright will
shine the fields of England,
Purer shall
its waters be,
Sweeter yet
shall blow its breezes
On the day
that sets us free.
For that day
we all must labour,
Though we die
before it break;
Cows and
horses, geese and turkeys,
All must toil
for freedom's sake.
Beasts of
England, beasts of Ireland,
Beasts of
every land and clime,
Hearken well
and spread my tidings
Of the golden
future time.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét