Nhãn

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013


George Orwell

Trại Súc Vật
 (Chuyện ở nông trại)

Chương 3

Phải công nhận là chúng làm việc rất chăm, không quản mệt mỏi, chỉ cốt thu hoạch cho xong! Công khó của chúng đã được đền bù, chúng thu được nhiều hơn dự kiến.
Đôi khi chúng cũng gặp một số khó khăn vì tất cả công cụ đều được làm để dành cho người chứ không phải cho súc vật, mà muốn sử dụng công cụ đó thì phải đứng được trên hai chân sau. Nhưng phải nói bọn lợn là một giống thông minh - khó đến đâu chúng cũng có cách. Còn lũ ngựa thì hiểu rõ từng thửa ruộng, mà cắt và vun cỏ thành đống thì chúng làm thạo hơn ông Jones và gia nhân nhiều. Bọn lợn không làm mà chỉ hướng dẫn và kiểm tra các con khác. Với kiến thức như thế thì việc chúng nắm vai trò lãnh đạo là đương nhiên. Chiến Sĩ và Bà Mập tự khoác lên mình máy cắt hoặc máy bừa cỏ (dĩ nhiên là không cần hàm thiếc, cũng chẳng cần cương) và kiên nhẫn đi khắp cách đồng, trong khi một con lợn nào đó bước theo sau, thỉnh thoảng lại kêu "Đi thẳng, đồng chí!" hoặc "Quay lại, đồng chí!". Tất cả các con vật, không kể lớn nhỏ, đều tham gia cắt và xếp cỏ. Ngay đến bọn gà vịt cũng phơi mình dưới nắng suốt ngày để tham gia vận chuyển từng lọn cỏ nhỏ bằng mỏ. Chúng đã hoàn tất công việc một cách nhanh chóng, phải nói là nhanh hơn người, nếu ông Jones và gia nhân làm thì phải hai ngày nữa mới xong. Hơn nữa đấy lại là một vụ mùa năng suất nhất từ trước đến nay. Không có chuyện rơi vãi vì bọn gà, vịt rất tinh mắt, chúng nhặt đến từng cọng một. Và cũng không có con nào ăn vụng, dù chỉ một miếng ngoạm.

Công việc của trang trại diễn ra thuận lợi trong suốt mùa hè năm đó. Bọn súc vật cảm thấy vô cùng sung sướng, chúng chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện đó lại có thể xảy ra. Ăn là cả một niềm vui, vì bây giờ thức ăn là của chúng, do chúng và vì chúng chứ không phải là thứ do một ông chủ keo bẩn bố thí cho nữa. Sau khi chúng đã tống khứ được lũ người ăn bám vô tích sự đi rồi thì khẩu phần mỗi con dĩ nhiên là nhiều hơn. Và mặc dù chưa có kinh nghiệm, chúng vẫn có nhiều thời gian thư giãn hơn. Chúng có gặp một số khó khăn, ví dụ khi thu hoạch ngũ cốc thì phải dùng sức để thổi trấu đi vì trang trại không có máy đập, nhưng với trí thông minh của lũ lợn và sức khoẻ của Chiến Sĩ thì việc gì mà chúng chẳng làm được. Chiến Sĩ rất được kính trọng. Ngay khi còn ông Jones nó đã chăm chỉ rồi, nhưng bây giờ nó làm việc bằng ba, có ngày tưởng chừng như toàn bộ công việc của trại đều đổ dồn lên vai nó. Nó kéo rồi đẩy từ sáng đến tối và bao giờ cũng có mặt ở những chỗ khó khăn nhất. Nó nhờ một con gà trống đánh thức trước nửa tiếng và tự nguyện làm một số việc cần kíp nhất trước khi ngày làm việc chính thức bắt đầu. Trước bất cứ khó khăn, trở ngại nào nó đều nói: "Tôi sẽ cố gắng hơn nữa!", câu ấy đã trở thành phương châm hành động của chính nó.
Những con khác cũng làm việc hết mình. Thí dụ lũ gà và vịt đã mót được đến hai tạ ngũ cốc. Thói ăn cắp vặt; những tiếng ỉ eo về miếng ăn, miếng uống; chuyện cãi vã, cắn xé; thói ghen tị - những thói xấu đó của quá khứ đã biến mất hẳn. Không con nào trốn việc - đúng ra là gần như không con nào. Mollie không thích dậy sớm và tìm cách chuồn trước, nại rằng có hòn đá nhỏ dắt vào móng. Thái độ của con mèo cũng đáng ngờ. Cứ khi nào cần là y như rằng nó đã bỏ đi đâu mất từ trước rồi. Chị chàng thường bỏ đi đâu đó rất lâu và chỉ xuất hiện, như chưa có chuyện gì xảy ra, ngay trước bữa ăn hay vào buổi chiều, khi công việc đã hoàn tất. Nhưng nó luôn luôn tìm được cách giải thích và kêu gừ gừ một cách đáng yêu, thành ra khó mà nghi ngờ được thiện chí của nó. Chỉ có con lừa già Benjamin là vẫn như cũ. Nó vẫn làm công việc một cách chậm chạm cố hữu như thời còn ông Jones, không bao giờ trốn việc, cũng chẳng bao giờ làm hơn. Nó không nói gì về cuộc Khởi Nghĩa cũng như những đổi thay sau đó. Nếu được hỏi có cảm thấy vui hơn thời còn ông Jones không, thì nó bảo: "Đời lừa dài lắm. Các vị chưa thấy lừa chết bao giờ cơ mà" - bao giờ nó cũng nói một câu bí hiểm như vậy.
Ngày chủ nhật nghỉ. Bữa sáng ăn muộn hơn một tiếng và sau đó bao giờ cũng có một cuộc họp mặt long trọng. Trước hết là lễ kéo cờ. Tuyết Tròn tìm được trong kho dụng cụ một tấm khăn trải bàn cũ màu xanh của bà Jones rồi vẽ một cái móng và một cái sừng màu trắng lên trên. Và thế là buổi sáng chủ nhật nào chiếc khăn trải bàn cũng tung bay trên cột cờ trong vườn hoa. Tuyết Tròn giải thích rằng màu xanh tượng trưng cho đồng ruộng Anh quốc, còn sừng và móng là biểu tượng của nước Cộng Hòa Súc Vật tương lai, khi đã lật đổ được toàn bộ giống người rồi. Sau khi kéo cờ mọi con vật cùng đến tập trung trong nhà kho lớn, chúng gọi đấy là Họp. Chúng lập kế họach cho tuần sau cũng như thảo luận và ra nghị quyết về các kiến nghị khác nhau tại đây. Chỉ có bọn lợn đưa ra kiến nghị mà thôi. Những con khác chỉ biết biểu quyết chứ không kiến nghị gì bao giờ. Tuyết Tròn và Napoleon thảo luận hăng nhất. Nhưng hai con này luôn luôn chống đối nhau: hễ con này đưa ra ý kiến gì là con kia lập tức phản đối. Ngay cả khi vấn đề đã được quyết định rồi, như việc dành một miếng đất nhỏ phía sau khu vườn làm chỗ dưỡng già, không ai có thể phản đối chuyện đó, thì hai con này lại tranh luận gay gắt về việc loài nào, đến bao nhiêu tuổi thì được nghỉ hưu. Các buổi Họp bao giờ cũng kết thúc bằng bài đồng ca " Súc Sinh Anh quốc", còn buổi chiều thì chúng được nghỉ tự do.
Bọn lợn dành cái kho dụng cũ làm tổng hành dinh. Buổi tối chúng học nghề mộc, nghề rèn và những nghề khác qua những cuốn sách nhặt được trong toà nhà chính. Tuyết Tròn còn đưa những con khác vào các tổ chức mà nó gọi là Ủy Hội Súc Sinh. Nó làm việc này một cách say sưa, không biết mệt là gì. Nó đã thiết lập được Ủy Ban Trứng cho lũ gà mái, Ủy Ban Chăm Sóc Đuôi cho lũ bò, Hiệp Hội cải huấn các đồng chí thú hoang (mục đích là cải tạo bọn chuột và thỏ rừng); Phong Trào giữ lông thật trắng cho bọn cừu, vân vân và vân vân, đấy là chưa kể các tổ xoá nạn mù chữ nữa. Nói chung các dự án của Tuyết Tròn đều không có kết quả. Việc cải tạo lũ thú hoang thất bại gần như ngay từ đầu. Thái độ của chúng chẳng thay đổi tí nào, mà cư xử tốt thì chúng lại càng láo thêm. Con mèo cũng có chân trong Hiệp Hội cải huấn và đã họat động rất tích cực trong mấy ngày đầu. Có lần nó lên tận mái nhà nói chuyện với mấy con chim sẻ đậu ngoài tầm với của nó. Nó bảo rằng bây giờ mọi loài đều là đồng chí và nếu con sẻ nào muốn thì có thể đậu ngay lên chân trước nó; nhưng bọn sẻ không dám lại gần.
Các lớp học đọc, học viết thu được kết quả khả quan. Trước khi mùa thu về đa số các con vật trong trại đều đã thoát nạn mù chữ ở những mức độ nhất định.
Bọn lợn đọc thông viết thạo. Lũ chó cũng biết đọc, nhưng chúng chỉ đọc mỗi Bảy Điều Răn mà thôi. Con dê tên là Muriel đọc thông hơn lũ chó nên buổi tối nó thường đọc cho những con khác nghe các mẩu báo nhặt được trên đống rác. Lừa Benjamin đọc nhanh không kém gì lũ lợn, nhưng nó chẳng đọc cái gì bao giờ. Nó bảo chẳng thấy có gì đáng đọc. Bà Mập học thuộc cả bảng chữ cái nhưng không biết ghép vần. Chiến Sĩ không vượt qua được chữ D. Nó thường lấy những cái móng to kềnh của mình để viết lên cát những chữ cái A, B, C, D rồi đứng ngắm, tai cụp lại phía sau, thỉnh thoảng lại vẫy vẫy bờm, cố gắng nhớ xem sau đó là chữ gì, nhưng chẳng bao giờ nhớ ra. Đôi khi nó cũng thuộc được các chữ cái E, F, G, H, nhưng bao giờ cũng vậy, hễ thuộc mấy chữ đó thì lại quên các chữ A, B, C, D. Cuối cùng nó đành thoả mãn với bốn chữ cái đó và ngày nào cũng viết một hai lần để rèn trí nhớ. Mollie chỉ học năm chữ cái ghi đủ tên nó mà thôi. Nó thường lấy cành cây nhỏ để xếp các chữ đó rồi trang trí thêm bằng một vài bông hoa, sau đó đi vòng quanh để ngắm.
Những con khác không vượt qua chữ A. Những loài ngu hơn như cừu, gà và vịt không thể thuộc được Bảy Điều Răn. Sau khi suy nghĩ, Tuyết Tròn tuyên bố rằng có thể rút Bảy Điều Răn thành một cách ngôn như sau: "Bốn chân tốt, hai chân xấu". Nó bảo đấy chính là nguyên lí cơ bản của Súc Sinh Kinh. Chỉ cần nắm vững cách ngôn này thì không còn sợ gì ảnh hưởng của con người nữa. Bọn gà vịt phản đối vì cho rằng chúng chỉ có hai chân, nhưng Tuyết Tròn đã chứng minh không phải như vậy.
"Cánh chim, thưa các đồng chí", Tuyết Tròn nói, "là cơ quan để vận động chứ không phải để cầm nắm. Cánh cũng là chân thôi. Đặc trưng để phân biệt với Giống Người là bàn tay, mọi việc xấu xa đều do đôi bàn tay của chúng làm hết."
Bọn gà vịt không hiểu hết bài thuyết pháp tràng giang đại hải đó, nhưng chúng đồng ý với cách giải thích của Tuyết Tròn và tất cả những con vật ngu si hơn lại phải học thuộc lòng cách ngôn mới. BỐN CHÂN TỐT, HAI CHÂN XẤU được viết to hơn, bên trên Bảy Điều Răn. Khi đã thuộc lòng rồi thì lũ cừu tỏ ra rất khoái cách ngôn này, mỗi khi nằm nghỉ là chúng lại đồng thanh tụng "Bốn chân tốt, hai chân xấu! Bốn chân tốt, hai chân xấu!" và cứ thế hàng giờ liền không biết mệt.
Napoleon không quan tâm đến các ủy hội của Tuyết Tròn. Nó bảo rằng giáo dục thế hệ trẻ quan trọng hơn công tác vận động những con đã trưởng thành. Hai con chó cái Jessie và Bluebell đẻ được chín con chó con khoẻ mạnh ngay sau vụ thu hoạch. Napoleon bắt lũ chó con ngay khi chúng vừa cai sữa, nó bảo sẽ chịu trách nhiệm giáo dục bọn trẻ. Nó đem lũ chó con giấu trên gác xép, bên trên kho dụng cụ, phải có thang mới trèo lên được, và giữ chúng ở đó kín đến nỗi dần dần không con nào còn nhớ đến lũ chó con ấy nữa.
          Chuyện mất sữa không còn là bí mật. Bọn lợn đem trộn vào cám ăn hàng ngày. Những quả táo đầu mùa đã chín, ngày nào cũng có quả rụng trên đám cỏ trong vườn. Mọi con vật đều nghĩ là sẽ đem chia đều, nhưng một hôm có lệnh nhặt táo rụng rồi đem vào nhà kho dụng cụ để dành riêng cho lũ lợn. Có mấy con phàn nàn về chuyện này, nhưng không đi đến đâu. Về vấn đề này thì lũ lợn, kể cả Tuyết Tròn và Napoleon, đều thống nhất quan điểm. Chỉ Điểm được cử đi làm công tác tư tưởng.
"Thưa các đồng chí", Nó nói, "Tôi hy vọng là các đồng chí không nghĩ rằng loài lợn chúng tôi làm như thế là do ích kỉ và đặc quyền đặc lợi chứ? Nhiều đồng chí lợn cũng ngán sữa và táo lắm. Tôi cũng chẳng thích gì hai thứ đó. Mục đích của chúng tôi khi ăn những thứ đó chỉ là nhằm bảo vệ sức khoẻ mà thôi. Sữa và táo (Thưa các đồng chí, khoa học đã chứng minh) có chứa nhiều chất cực kì cần thiết cho sức khoẻ loài lợn. Loài lợn chúng tôi làm công việc trí óc. Chúng tôi nắm toàn bộ công tác tổ chức và quản lí trang trại này. Vì sự phồn vinh của các đồng chí mà chúng tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi uống sữa và ăn táo vì lợi ích của chính các đồng chí đấy. Các đồng chí có tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra nếu loài lợn chúng tôi không cáng đáng nổi nhiệm vụ không? Lão Jones sẽ quay về! Vâng, lão Jones sẽ quay về! Chắc chắn là như thế, thưa các đồng chí", Nó van vỉ gào to, vừa gào vừa nhảy từ phải sang trái, đuôi vẫy nhặng lên, "Chắc chắn là không ai trong chúng ta muốn lão Jones quay về rồi, có phải thế không ạ?"
Chắc chắn là không một con vật nào muốn lão Jones quay về rồi. Đặt vấn đề theo cách đó thì không con nào dám mở miệng ra nữa. Sức khoẻ loài lợn là việc hệ trọng, chuyện đó không cần phải bàn. Thế là chúng đi đến thống nhất mà không bàn cãi thêm là sữa và táo rụng (khi vào mùa thì toàn bộ) chỉ để dành cho riêng loài lợn dùng mà thôi.

Chương 4

Đến cuối mùa hè thì tin tức về Trại Súc Vật đã bay ra khắp nửa nước. Ngày nào Tuyết Tròn và Napoleon cũng cử từng đàn bồ câu thâm nhập vào các trang trại khác để tuyên truyền về cuộc Khởi Nghĩa và dạy hát bài "Súc Sinh Anh quốc".
Trong khi đó ông Jones hầu như ngày nào cũng ngồi trong nhà hàng Sư tử Đỏ ở Willingdon để than van với bất cứ người chịu chuyện nào về việc bị lũ súc vật vô tích sự cướp đoạt mất tài sản. Các chủ trại khác tỏ ra thông cảm, nhưng lại chẳng chịu giúp đỡ gì cả. Không những thế, trong thâm tâm bọn đó lại còn tìm cách lợi dụng tai hoạ của lão nữa. May là chủ hai điền trang tiếp giáp với Trại Súc Vật luôn luôn bất hoà với nhau. Một trại có tên là Trại Cáo, một trại lớn nhưng bị bỏ bê, canh tác theo lối cũ, nhiều chỗ cây mọc um tùm, các bãi chăn thả bị dẫm nát, hàng rào thì xiêu vẹo. Chủ trang trại này, ông Pilkington là một người vô lo, dùng phần lớn thì giờ vào việc săn bắn và câu cá. Trang trại thứ hai tên là Trại Keo, nhỏ hơn nhưng được chăm sóc kĩ lưỡng hơn. Chủ trang trại này là ông Frederick, một người thô bạo, sắc sảo, thường xuyên dính líu vào các vụ kiện cáo và nổi tiếng là một tay lừa gạt có hạng. Hai vị này ghét nhau đến nỗi không thể tìm được tiếng nói chung ngay cả trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Nhưng cuộc Khởi Nghĩa ở Trại Súc Vật đã làm cả hai hoảng sợ và họ tìm mọi cách ngăn không cho tin tức ở đó lọt vào trang trại của mình. Đầu tiên họ giả vờ chế giễu chuyện bọn súc vật tự điều hành trang trại. "Chỉ ba bảy hai mốt [1] ngày là toi", họ bảo. Họ tung tin là lũ súc vật trong Điền Trang (họ khăng khăng gọi là Điền Trang chứ không chịu chấp nhận tên Trại Súc Vật) suốt ngày tranh giành nhau và chẳng mấy nữa rồi sẽ chết đói thôi. Một thời gian sau, thấy lũ súc vật không chết đói, Frederick và Pilkington liền đổi giọng và bắt đầu nói về những cảnh tượng vô luân không thể tưởng tượng được đang diễn ra trong Trại Súc Vật. Họ bảo rằng lũ súc vật ăn thịt lẫn nhau, chúng tra tấn nhau bằng móng sắt nung đỏ, còn những con cái thì thành vợ chung. "Chống lại qui luật của Tự Nhiên thì kết quả như vậy đấy", Frederick và Pilkington nói.
Nhưng chuyện đó cũng chẳng có mấy người tin. Lời đồn về một trang trại kì lạ, nơi con người bị đuổi đi và các con vật tự điều hành lấy công việc tiếp tục được truyền tụng một cách tù mù và xuyên tạc, suốt năm đó làn sóng bạo động lan tràn khắp cả vùng nông thôn. Những con bò đực vốn dễ bảo bỗng trở nên hung dữ, cừu thì phá đổ hàng rào và dẫm nát đồng cỏ, bò cái hất đổ xô sữa, ngựa đua thì không chịu nhảy qua hàng rào mà hất tung kị sĩ lên cao. Nhạc điệu và lời của bài "Súc Sinh Anh quốc" phổ biến đến tận hang cùng ngõ hẻm. Nó được truyền bá với một tốc độ nhanh chưa từng thấy. Bài hát làm cho con người phát điên lên được, nhưng họ lại giả đò như đấy chỉ là một trò lố bịch. Ngay cả súc vật cũng không thể nào lại hát một thứ rác rưởi đê tiện như thế được, họ bảo. Con vật nào bị bắt quả tang đang hát bài đó lập tức bị đánh đòn tại trận. Thế mà vẫn không cấm tuyệt được. Sáo hót bài đó trên hàng rào, bồ câu gù trên cây, bài hát đi vào tiếng dế nỉ non, vào cả tiếng chuông nhà thờ nữa. Con người run lên mỗi lần nghe thấy nó, họ như nghe thấy điềm báo trước tai họa của chính mình.
Đầu tháng mười, khi đã thu hoạch và đưa hết ngũ cốc vào kho, một số đã được đập thì có một đàn bồ câu bất ngờ xé không khí lao tới đậu xuống sân trang trại, dáng vẻ vô cùng xúc động. Ông Jones cùng với gia nhân và khoảng nửa tá thanh niên của Trại Cáo và Trại Keo đã vượt qua cổng lớn và đang tiến vào trang trại này. Ông Jones lăm lăm khẩu súng đã lên đạn, còn những người khác đều được trang bị bằng gậy gộc. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ muốn tái chiếm trang trại.
Nhưng lũ súc vật không bị bất ngờ, ngược lại, chúng đã chuẩn bị cho sự kiện này từ lâu. Tuyết Tròn, trước đây đã từng nghiên cứu kĩ lưỡng cuốn sách viết về các chiến dịch của Julius Ceasar [2] , mà nó tìm thấy trong ngôi nhà chính, được phân công tổ chức phòng vệ. Nó lập tức đưa ra các mệnh lệnh và các con vật mau chóng chiếm lĩnh các vị trí được phân công.
Tuyết Tròn ra lệnh tấn công ngay khi nhóm người kia vừa tiến gần đến dãy nhà trong trang trại. Ba mươi lăm con bồ câu xuất kích, chúng bay qua bay lại và ỉa vào đầu đám người phía dưới, trong khi họ mải tránh và phủi thì lũ ngỗng, phục kích sẵn sau hàng rào xông ra và cắn vào chân. Nhưng đấy mới chỉ là đòn chiến thuật có tác dụng làm rối loạn hàng ngũ đối phương bởi vì người ta dễ dàng dùng gậy để xua lũ ngỗng đi. Mũi tấn công thứ hai được đưa ra mặt trận. Muriel, Benjamin và toàn thể bầy cừu do chính Tuyết Tròn dẫn đầu xông lên vây chặt đám người rồi lao vào húc lấy húc để trong khi Benjamin quay lưng về phía họ và đá vung vít. Nhưng lần này lũ súc vật cũng không thắng, gậy và giày đinh mà con người sử dụng là những vũ khí quá mạnh đối với chúng. Thấy tình thế bất lợi, Tuyết Tròn hí lên một tiếng và đấy chính là tín hiệu tạm lui binh, lũ súc vật vội tháo chạy vào trong sân.
Tiếng hò reo chiến thắng vang lên. Những người tấn công thấy quân thù đã bỏ chạy như dự kiến nên chẳng cần chỉnh đốn hàng ngũ, vội vàng xông lên truy kích. Đúng như Tuyết Tròn đã dự liệu. Khi người đã vào hết trong sân thì ba con ngựa, ba con bò và tất cả lũ lợn còn lại trước đó đã nằm mai phục sẵn trong chuồng bò liền lao ra cắt đứt đường rút lui. Tuyết Tròn hạ lệnh tổng công kích. Chính nó lao thẳng vào ông Jones. Ông Jones trông thấy nó lao tới liền bóp cò. Phát đạn ghém đã làm Tuyết Tròn bị thương dọc sống lưng, máu chảy lênh láng và làm chết một con cừu. Không lưỡng lự một giây, Tuyết Tròn cứ thế đâm thẳng tấm thân tạ rưỡi của nó vào chân ông Jones. Ông ngã sóng soài lên đống phân, súng văng ra xa. Nhưng khủng khiếp nhất là Chiến Sĩ, nó đứng trên hai chân sau và giáng xuống đầu người bằng những chiếc móng sắt. Cú nện đầu tiên của nó khiến anh chàng dọn chuồng ngựa của Trại Cáo ngã vật ra đất, bất tỉnh nhân sự. Có mấy người vứt gậy và bỏ chạy. Không bỏ lỡ thời cơ, lũ súc vật liền đuổi theo vòng quanh sân. Chúng húc bổng họ lên, rồi cắn, đá, đạp. Không có con nào trong trại là không tham gia báo thù theo cách của mình. Ngay con mèo cũng nhảy từ mái chuồng bò xuống vai anh chăn bò rồi vừa cắn vào cổ vừa gào như lên cơn động cỡn. Vừa thấy có thể rút lui được là mọi người vội chạy khỏi sân để ra đường lớn. Thế là thâm nhập chưa được năm phút, họ đã phải tháo chạy, phía sau là lũ ngỗng vừa cắn vào đùi vừa rú rít đuổi theo.
Có một người không chạy thoát. Trong sân, Chiến Sĩ đang cố lật anh dọn chuồng ngựa vẫn nằm úp mặt xuống bùn lên. Anh chàng không hề động đậy.
"Hắn chết rồi!", Chiến Sĩ buồn bã thốt lên, "Tôi đâu có định làm như vậy. Tôi quên mất là mình đeo móng sắt. Bây giờ ai mà tin là tôi không chủ ý chứ?"
"Thôi đừng có ủy mị, đồng chí!", Tuyết Tròn nói, máu trên lưng nó vẫn rỉ ra từng lúc, "Chiến tranh là chiến tranh. Người tốt là người đã chết."
"Tôi không có ý giết, ngay cả giết người", Chiến Sĩ cứ nhắc đi nhắc lại như thế, mắt đẫm lệ.
"Thế Mollie đâu nhỉ?", Có con nào đó hỏi.
Đúng là không thấy Mollie đâu. Ban đầu chúng rất lo, chúng sợ rằng Mollie có thể đã bị thương hoặc bị bọn người kia bắt theo cũng nên. Cuối cùng cô nàng đã được tìm thấy đang trốn trong chuồng ngựa, đầu rúc trong đống rơm. Nó đã bỏ trốn ngay khi nghe thấy tiếng súng nổ. Trong khi các con vật đi tìm Mollie thì anh chàng dọn chuồng ngựa hồi tỉnh và trốn mất.
Lũ súc vật đã tụ tập lại đầy đủ, chúng vô cùng phấn khích, tranh nhau nói. Lễ mừng chiến thắng được tổ chức ngay lập tức. Cờ được kéo lên và chúng hát bài "Súc Sinh Anh quốc" mấy lần liền, sau đó chúng làm lễ mai táng con cừu tử trận và trồng trên mộ của nó một bụi táo gai. Tuyết Tròn đọc một bài diễn văn ngay bên cạnh mộ chiến sĩ trận vong, nhấn mạnh rằng mọi con vật đều phải sẵn sàng hi sinh cho Trại Súc Vật khi cần.
Lũ súc vật nhất trí lập ra phần thưởng cho những chiến công vừa qua, đấy là danh hiệu Súc vật Anh hùng hạng nhất, danh hiệu này được trao ngay cho Tuyết Tròn và Chiến Sĩ. Phần thưởng là một chiếc huy chương đồng (chính là tấm đồng trang trí yên ngựa tìm được trong kho dụng cụ) được đeo vào ngày lễ và chủ nhật. Danh hiệu Súc vật Anh hùng hạng hai được trao cho con cừu đã hy sinh.
Chúng tranh cãi rất lâu về chuyện đặt tên cho chiến thắng. Cuối cùng chúng quyết định gọi là Chiến dịch Chuồng bò vì cuộc phục kích diễn ra trong chuồng bò. Chúng tìm được khẩu súng của ông Jones trong đám bùn, đạn thì trong trại vẫn có sẵn. Khẩu súng được mang đặt dưới chân cột cờ, giả như súng đại bác ở các nơi khác, chúng sẽ bắn súng mừng hai lần trong một năm, một lần vào dịp hạ chí để mừng ngày Khởi Nghĩa, lần khác vào ngày hai mươi tháng mười để mừng Chiến Thắng.

Chương 5

Càng đến gần mùa đông thì Mollie càng trở nên khó chịu. Sáng nào cô nàng cũng đi làm muộn, viện cớ là ngủ quên; ngoài ra nó còn phàn nàn là bị những căn bệnh lạ, mặc dù vẫn ăn như thuồng luồng vậy. Nó thường tìm mọi cách để trốn việc và chạy ra hồ nước, thẫn thờ đứng ngắm bóng mình. Nhưng cứ như tin đồn thì nó còn mắc những khuyết điểm nghiêm trọng hơn nhiều. Một hôm, nó đang đi dạo trong sân, vô tư vẫy cái đuôi dài, miệng nhai một nắm cỏ thì Bà Mập kéo sang một bên và bảo:
"Mollie, chị có vài điều cần nói với em. Sáng nay chị trông thấy em đứng bên hàng rào giữa Trại Súc Vật và Trại Cáo. Bên kia hàng rào là người của nhà Pilkington. Dù đứng rất xa nhưng chị chắc chắn là lúc đó hắn ta đang nói chuyện với em, chị nhìn thấy rõ như thế, còn em thì đã cho nó vỗ vỗ vào hai bên má. Mollie, chuyện đó là thế nào?"
"Anh ta không vỗ! Em không đứng ở đó! Làm gì có chuyện đó!" - Mollie gào lên , hai chân nhảy dựng và nện ầm ầm xuống mặt đất.
"Mollie, hãy nhìn thẳng vào mắt chị đây! Em có dám thề với chị là gã đó chưa từng vỗ vào má em không?"
"Không có chuyện đó!", Mollie nhắc lại, nhưng nó không dám nhìn Bà Mập và lập tức phóng ra đồng.
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Bà Mập. Không nói cho con nào biết, nó từ từ tiến lại phía chuồng của Mollie và lấy móng lật đống rơm trong chuồng lên. Bên dưới đống rơm có một cục đường và mấy sợi ruy băng đủ màu sắc.
Ba ngày sau Mollie biến mất. Sau mấy tuần vẫn chưa có tin tức gì, nhưng rồi lũ bồ câu báo cáo lại là đã nhìn thấy Mollie ở bên ngòai Willingdon. Nó kéo một cái xe nhỏ, sơn hai màu đen-đỏ lộng lẫy, đứng nghỉ gần một quán bia. Một gã đàn ông béo tốt, mặt đỏ gay, mặc quần ca rô, ống chẽn, đi ghệt; có vẻ như là chủ quán; đang vừa vỗ về vừa đút cho nó miếng đường. Bờm nó mới được cắt chải cẩn thận, đám bờm trên trán có thắt một dải ruy băng màu đỏ tươi. Theo những con bồ câu nói lại thì trông nó có vẻ thoả mãn. Từ đó không con nào nhắc đến nó nữa.
Bước sang tháng giêng, thời tiết trở nên vô cùng khắc nghiệt. Đất rắn như đá, không thể làm được việc gì nữa. Các cuộc Họp được chuyển vào nhà kho lớn, lũ lợn chuyên tâm vào việc lập kế hoạch cho vụ tới. Chúng nhất trí rằng vì lũ lợn thông minh nhất nên sẽ chịu trách nhiệm về đường lối chung của trại, nhưng quyết định của chúng phải được thông qua với đa số tuyệt đối. Mọi việc sẽ vô cùng hoàn hảo nếu như Tuyết Tròn và Napoleon không thường xuyên chống đối nhau. Hai con này bất đồng nhau về mọi vấn đề mỗi khi có dịp. Nếu con này bảo phải gieo nhiều lúa mạch hơn thì con kia nhất định sẽ nói phải gieo nhiều yến mạch hơn; nếu một con nói cánh đồng nào đó hợp với bắp cải thì con kia nhất định sẽ bảo vùng đó chỉ có thể trồng củ cải. Con nào cũng có một số ủng hộ viên cho nên các cuộc tranh luận thường diễn ra rất quyết liệt. Do biết ăn nói nên Tuyết Tròn thường giành được đa số trong các cuộc Họp, còn ở bên ngoài thì đa số lại ủng hộ Napoleon. Trung thành nhất với Napoleon là bầy cừu. Thời gian gần đây lũ cừu thường tụng "Bốn chân tốt, hai chân xấu" khi có lí do cũng như chẳng cần lí do gì và các cuộc Họp cũng thường bị gián đoạn là vì thế. Đặc biệt là cứ đến những đoạn quan trọng nhất trong các bài phát biểu của Tuyết Tròn là y như rằng lũ cừu lại gào lên "Bốn chân tốt, hai chân xấu". Tuyết Tròn đã nghiên cứu kĩ tạp chí "Trồng trọt và chăn nuôi" tìm được trong ngôi nhà chính, trong đầu nó có cả một mớ kế hoạch cải cách và hiện đại hóa công tác sản xuất. Nó kể về hệ thống thoát nước cho đồng ruộng, lò ủ chua, phân phốt phát cho cả trại nghe, nó còn soạn ra một sơ đồ đi vệ sinh, sao cho từng con "đi" mỗi lần ở một nơi khác nhau cho đỡ tốn công vận chuyển sau này. Napoleon thì ngược lại, không soạn gì cả, nhưng lại rỉ tai các con khác rằng Tuyết Tròn chỉ nói nhảm và có vẻ như đang đợi thời cơ để ra tay. Nhưng cuộc tranh chấp dữ dội nhất giữa hai con là về việc xây dựng cối xay gió.
Trên cánh đồng cỏ, không xa những dãy nhà của trại là mấy, có một cái gò nhỏ, cũng là chỗ cao nhất trong trại. Sau khi đã khảo sát, Tuyết Tròn tuyên bố rằng đây là khu vực tốt nhất để xây dựng một chiếc cối xay gió, chúng sẽ lắp lên đó một máy phát điện để cung cấp điện cho toàn trại. Các chuồng rồi sẽ có đèn điện, mùa đông thì sẽ có lò sưởi, chưa nói đến việc sẽ dùng điện để chạy máy cưa, máy thái cỏ, máy thái củ cải đỏ, máy vắt sữa nữa. Lũ súc vật chưa từng được nghe chuyện như thế bao giờ (trại này vốn thuộc loại lạc hậu, chỉ có các máy đơn giản nhất), chúng vô cùng kinh ngạc lắng nghe Tuyết Tròn thao thao bất tuyệt về những chiếc máy kì diệu sẽ thay chúng làm việc trong khi chúng có thể ung dung gặm cỏ ngoài đồng hoặc ngồi đọc sách và tranh luận để nâng cao dần trí óc.
Chỉ vài tuần sau Tuyết Tròn đã hoàn tất các tài liệu kĩ thuật về dự án cối xay gió. Các bản vẽ chi tiết phần cơ khí được soạn thảo dựa trên ba cuốn sách của ông Jones: "Một ngàn đồ vật hữu dụng trong gia đình", "Tự làm thợ xây" và "Người bắt đầu làm thợ điện cần biết". Tuyết Tròn dùng cái nhà kho, trước đây vốn là khu ấp trứng, làm văn phòng vì ở đó có một cái nền phẳng bằng gỗ rất thích hợp cho việc vẽ kĩ thuật. Tuyết Tròn ngồi trong đó hàng giờ liền. Nó lấy một hòn đá đè lên trang sách cần thiết, một chân kẹp viên phấn; nó nhảy qua nhảy lại, vừa nhảy vừa vẽ, đôi khi khoái quá lại rít lên khe khẽ. Dần dần, các bản vẽ bao gồm rất nhiều trục và bánh răng xoắn xuýt lấy nhau xếp kín gần nửa gian nhà kho, các con khác tuy chẳng hiểu gì nhưng vô cùng thán phục. Ngày nào các con vật cũng đến xem các bản vẽ của Tuyết Tròn ít nhất một lần. Ngay cả lũ gà, vịt cũng tới, nhưng đứng xa xa dòm vào để không đạp phải các hình vẽ bằng phấn. Chỉ có Napoleon là không hề bận tâm. Nó phản đối ngay từ đầu. Mặc dù vậy, một hôm nó đã đến kiểm tra dự án mà không báo cho con nào biết trước. Nó đi xung quanh khu kho, rồi vào xem xét kĩ lưỡng các bản vẽ, hít chỗ này chỗ kia, rồi nhấc chân lên tè vào đấy một bãi, sau đó nó bình thản đi ra mà không thèm nói một lời nào.
Vì việc xây dựng cối xay gió mà trại chia làm hai phái đối địch nhau. Tuyết Tròn không giấu giếm rằng việc xây cối xay gió sẽ đòi hỏi một sự hy sinh to lớn. Phải khai thác, vận chuyển đá đến công trường, rồi xây, sau đó mới lắp cánh quạt, động cơ và dây điện (làm sao kiếm được những thứ đó thì Tuyết Tròn không nói). Nhưng nó vẫn khẳng định rằng có thể hoàn tất công trình trong vòng một năm. Còn sau đó, nó tuyên bố, công việc sẽ bớt đi rất nhiều và chúng sẽ chỉ phải làm ba buổi một tuần mà thôi. Ngược lại, Napoleon cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là sản xuất lương thực, nếu chúng phí thì giờ vào việc xây dựng cối xay gió thì chúng sẽ bị chết đói. Lũ súc vật chia thành hai phe; một phe đưa ra khẩu hiệu: "Ủng hộ Tuyết Tròn và ba ngày làm việc một tuần"; phe kia đưa ra khẩu hiệu: "Ủng hộ Napoleon và no bụng". Chỉ có Benjamin là không tham gia phe phái nào. Nó không tin là rồi đây thức ăn sẽ dư thừa, cũng chẳng tin là cối xay gió sẽ giúp giảm công việc chân tay. Có cối xay hay không cối xay thì cũng thế thôi, chúng đã sống thế nào thì rồi cũng sẽ sống như vậy, nghĩa là còn khổ.
Ngoài cối xay gió thì chúng còn tranh cãi về việc phòng vệ nữa. Tất cả đều hiểu rằng tuy con người bị thua trong Chiến dịch Chuồng bò nhưng nhất định họ sẽ đánh một trận nữa, trận này sẽ dữ dội hơn, để giành lại trang trại cho ông Jones. Người ta nhất định sẽ làm như thế vì tin đồn về trận đại bại của con người đã lan khắp vùng thôn quê và lũ súc vật trong các trang trại khác nay trở nên ra bướng bỉnh hơn bao giờ hết. Cũng như mọi khi, Tuyết Tròn và Napoleon không tìm được tiếng nói chung. Theo Napoleon thì việc cần làm trước hết là tìm mua và tập sử dụng vũ khí nóng. Theo Tuyết Tròn thì việc cấp bách hiện nay là cử những đàn bồ câu đến các trang trại khác để kêu gọi các cuộc khởi nghĩa ở đó. Một con cho rằng nếu chúng không tự phòng vệ được thì chúng nhất định sẽ bị người ta chinh phục, con kia thì nói rằng nếu khởi nghĩa nổ ra khắp nơi thì không cần phòng vệ nữa. Các con vật nghe Napoleon rồi nghe Tuyết Tròn, nhưng không quyết định được là con nào đúng, thực ra cứ con nào đang nói là con ấy đúng, chúng chẳng có chính kiến gì hết.
Cuối cùng Tuyết Tròn đã hoàn tất toàn bộ bản vẽ đồ án của mình. Trong cuộc Họp vào hôm chủ nhật, vấn đề xây dựng cối xay gió được đưa ra biểu quyết. Tất cả lũ súc vật tập hợp đầy đủ trong nhà kho lớn, Tuyết Tròn phát biểu trước và mặc dù thỉnh thoảng lại bị bày (bầy) cừu chẹn họng, nó đã trình bày một cách đầy thuyết phục các lợi ích của cối xay gió. Sau đó đến lượt Napoleon. Nó tuyên bố một cách nhẹ nhàng rằng cối xay gió là chuyện nhảm nhí và khuyên mọi con chớ có ủng hộ dự án này; nó chỉ nói chừng ba mươi giây rồi bình thản ngồi xuống, có vẻ như nó cũng chẳng thèm quan tâm đến hiệu quả vừa tạo ra nơi thính giả. Tuyết Tròn đứng lên trên hai chân sau và lập tức ứng khẩu một bài diễn văn hùng hồn nhằm thuyết phục những con khác biểu quyết xây dựng cối xay gió, nó nói to đến nỗi át được cả bầy cừu. Trước đó trang trại vốn chia làm hai phe đều nhau, nhưng lần này Tuyết Tròn đã thuyết phục được đa số ủng hộ. Nó nói về tương lai của Trại Súc Vật, một tương lai vô cùng tươi sáng, khi lao động chân tay không còn đè nặng lên lưng chúng nữa. Trí tưởng tượng của nó còn đi xa hơn những máy thái rơm, máy thái củ cải. Điện, nó nói, có thể chạy máy gặt đập, máy cày, máy bừa, máy cán; ngoài ra còn cung cấp điện chiếu sáng, nước nóng, nước lạnh và lò sưởi cho tất cả các chuồng nữa. Có thể thấy kết quả biểu quyết ngay trước khi Tuyết Tròn kết thúc bài diễn văn. Nhưng đúng lúc đó thì Napoleon đứng lên, nó liếc xéo về phía Tuyết Tròn rồi rít lên lanh lảnh như tiếng còi, chưa con nào nghe thấy tiếng rít như thế bao giờ.
Có tiếng chó sủa dữ dội ở bên ngoài, rồi một bày chín con chó cực to, cổ đeo vòng đồng lao vào nhà kho. Chúng xông thẳng vào Tuyết Tròn, may mà cu cậu tránh được cú táp của lũ chó. Tuyết Tròn vội chạy ra ngoài còn bầy chó thì rượt theo sau. Lũ súc vật còn lại vô cùng ngạc nhiên và hoảng sợ, cùng kéo nhau ra cửa để xem cuộc rượt đuổi. Tuyết Tròn chạy băng qua đồng cỏ để ra đường cái lớn. Nó chạy thục mạng còn bày chó cũng luôn bám sát ngay sau. Bất thình lình cu cậu bị trượt chân, cứ tưởng bầy chó sẽ nhai nó đến nơi. Nhưng cu cậu lại gượng dậy được, lần này nó còn chạy nhanh hơn và bầy chó vẫn bám sát. Tưởng chừng như một con chó đã đớp được đuôi Tuyết Tròn rồi, may mà lúc ấy cu cậu kịp vẫy sang hướng khác. Nó lại tăng tốc và lần này bỏ xa lũ chó được một đoạn, rồi nó chui qua được một lỗ thủng bên hàng rào. Không con nào còn nhìn thấy Tuyết Tròn nữa.
Vô cùng hoảng sợ, lũ súc vật im lặng quay lại nhà kho. Lũ chó săn cũng trở về ngay sau đó. Lúc đầu con nào cũng tự hỏi: mấy con chó ấy ở đâu ra thế nhỉ? Nhưng sau đó thì điều ấy cũng chẳng phải là bí mật nữa: mấy con này đã bị Napoleon bắt từ lúc còn bé rồi mang đi nuôi riêng. Dù chưa phát triển hoàn toàn nhưng trông chúng đã to và dữ không khác gì chó sói. Chúng đứng ngay cạnh Napoleon. Chúng cũng vẫy đuôi mừng Napoleon như những con khác thường mừng ông Jones vậy.
Napoleon, được lũ chó hộ tống, bước lên cái bục mà trước đây Thủ Lĩnh từng đứng nói chuyện. Nó tuyên bố rằng từ nay các cuộc Họp vào ngày chủ nhật hàng tuần sẽ bị hủy bỏ. Nó nói rằng những cuộc Họp đó là vô bổ, chỉ mất thì giờ. Từ nay các vấn đề liên quan đến công việc của trang trại sẽ do một ủy ban toàn lợn và chủ tịch là Napoleon giải quyết. Đấy sẽ là các cuộc Họp kín, nghị quyết sẽ được thông báo cho toàn trại sau. Các con vật sẽ vẫn tiếp tục tập họp vào sáng chủ nhật để chào cờ, hát "Súc Sinh Anh quốc" và nhận công việc sẽ làm trong tuần sau nhưng không còn các cuộc thảo luận nữa.
Mặc dù bị sốc vì vụ trục xuất Tuyết Tròn, quyết định hủy bỏ các cuộc thảo luận làm cả bọn thất vọng hoàn toàn. Một số con chắc chắn sẽ phản đối nếu chúng tìm được lí lẽ khả dĩ. Ngay Võ Sĩ cũng cảm thấy bất an. Nó dựng tai lên, rung rung bờm mấy lần, ý nghĩ cứ nhảy lung tung và dù rất cố gắng nó vẫn chẳng biết phải nói thế nào. Nhưng mấy con lợn thì dẻo miệng hơn. Bốn con lợn thịt ở hàng đầu gào lên phản đối, rồi cả bốn con cùng nhảy dựng lên đồng thanh nói. Nhưng những con chó đứng quanh Napoleon đã sủa vang và mấy con lợn đó đành phải ngậm miệng, im lặng về chỗ. Sau đó là lũ cừu với bài tụng "Bốn chân tốt, hai chân xấu" kéo dài khoảng mười lăm phút, chấm hết mọi cuộc bàn thảo. Chỉ Điểm được cử đi giải thích cho những con khác.
"Thưa các đồng chí", Chỉ Điểm nói, "Tôi hy vọng rằng tất cả các đồng chí đều đánh giá cao sự hy sinh của đồng chí Napoleon khi đồng chí ấy đứng ra cáng đáng công việc lãnh đạo trại. Các đồng chí đừng nghĩ rằng lãnh đạo là việc dễ! Ngược lại, đấy là trách nhiệm cực kì nặng nề và khó khăn. Không có ai trong chúng ta tin tưởng một cách sâu sắc bằng đồng chí Napoleon rằng tất cả các con vật sinh ra đều bình đẳng. Đồng chí ấy sẽ rất sung sướng nếu các bạn có thể tự quyết định lấy số phận của mình. Nhưng ai có thể đảm bảo rằng đôi khi các đồng chí sẽ không có quyết định sai, khi đó trại của chúng ta sẽ ra sao? Ví dụ các đồng chí có thể đi theo tên Tuyết Tròn với cái cối xay gió hão huyền của nó, đi theo một tên mà hành tung không khác gì một tên tội phạm thì sao?"
"Anh ta đã chiến đấu một cách dũng cảm trong Chiến dịch Chuồng bò", có con lên tiếng.
"Dũng cảm không chưa đủ", Chỉ Điểm nói, "Lòng trung thành và sự phục tùng còn quan trọng hơn. Nói về Chiến dịch Chuồng bò, tôi tin rằng sẽ đến lúc chúng ta thấy vai trò của Tuyết Tròn đã bị thổi phồng một cách quá đáng. Kỉ luật, thưa các đồng chí, kỉ luật sắt! Đấy là khẩu hiệu của chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Chỉ một bước đi sai lầm là kẻ thù sẽ tấn công ngay. Chắc chắn là các đồng chí không muốn lão Jones quay lại chứ?"
Lí lẽ của nó quả là khó bác bỏ được. Chắc chắn là không có con nào muốn lão Jones quay về rồi, nếu những cuộc tranh cãi vào các ngày chủ nhật tạo cớ cho lão Jones trở về thì chúng sẽ không tranh cãi nữa. Chiến Sĩ đã suy nghĩ kĩ, nó thay mặt tất cả phát biểu:
"Đồng chí Napoleon nói gì cũng đúng. Đồng chí Napoleon không bao giờ sai."
Từ đó ngoài "Tôi sẽ cố gắng hơn nữa", Chiến Sĩ còn có thêm một khẩu hiệu mới: "Đồng chí Napoleon lúc nào cũng đúng".
Thời tiết đã ấm dần lên, bắt đầu một mùa cày mới. Khu kho, nơi Tuyết Tròn vẽ thiết kế cối xay gió đã bị đóng cửa và có lẽ các bản vẽ cũng bị xoá rồi. Cứ mười giờ sáng chủ nhật là lũ súc vật lại tụ tập trong nhà kho lớn để nhận nhiệm vụ sản xuất cho cả tuần sau. Sọ của Thủ Lĩnh, nay chỉ còn xương được đào lên và đặt trên một gốc cây, cạnh khẩu súng, dưới chân cột cờ. Sau khi dự lễ kéo cờ, lũ súc vật phải trịnh trọng bước đều ngang qua nơi đặt sọ Thủ Lĩnh rồi mới đi vào nhà kho. Nay chúng cũng không còn ngồi lẫn lộn với nhau như mọi khi nữa. Napoleon, Chỉ Điểm và Kế Tục, một con heo có biệt tài trong việc soạn bài hát và làm thơ ngồi trên cái bục gỗ, chín con chó làm thành nửa vòng tròn bao quanh, những con lợn khác ngồi ở phía sau. Các con vật còn lại ngồi trên nền nhà. Napoleon đọc bản phân công công việc cho tuần sau, rồi chúng hát một lần bài "Súc Sinh Anh quốc" và giải tán.
Ngày chủ nhật thứ ba, kể từ khi trục xuất Tuyết Tròn, các con vật bỗng nghe Napoleon tuyên bố rằng nhất định phải xây dựng cối xay gió. Nó không giải thích vì sao lại thay đổi quyết định, nhưng bảo rằng nhiệm vụ này đòi hỏi mọi con phải cố gắng, hi sinh rất nhiều, không lọai trừ khả năng là phải cắt bớt khẩu phần ăn hàng ngày nữa. Dự án đã được lập đến từng chi tiết. Một ủy ban toàn lợn đã nghiên cứu dự án này suốt ba tuần qua. Việc xây dựng cối xay gió và các công trình phụ trợ khác có thể kéo dài trong hai năm.
Buổi chiều, Chỉ Điểm đến giải thích cho từng con rằng thực ra Napoleon không chống đối việc xây dựng cối xay gió. Ngược lại, ngay từ đầu nó đã ủng hộ dự án và những bản vẽ mà chúng thấy trong khu ấp trứng chính là do Tuyết Tròn đánh cắp của Napoleon. Cối xay gió là sáng kiến riêng của Napoleon. Thế thì tại sao - một số con hỏi - trước đây Napoleon lại kiên quyết chống? Chỉ Điểm tỏ ra rất ranh mãnh. Đấy - nó giải thích - đấy là sự khôn khéo của đồng chí Napoleon. Đồng chí ấy chỉ giả vờ chống để có thể tống khứ Tuyết Tròn, kẻ thù nguy hiểm có thể dẫn chúng vào con đường lầm lạc bất cứ lúc nào. Bây giờ, khi Tuyết Tròn không còn thì chúng có thể tiến hành mà không sợ nó gây rối nữa. Đấy gọi là chiến thuật, Chỉ Điểm nói. Nó nhắc đi nhắc lại: "Chiến thuật, các đồng chí, đấy chính là chiến thuật" rồi vừa mỉm cười vừa nhảy xung quanh, đuôi ngoáy tít. Lũ súc vật chẳng hiểu gì, nhưng Chỉ Điểm nói rất hùng hồn đồng thời ba con chó đi cùng với nó bỗng sủa ầm lên, nên chúng đành chấp nhận mà không hỏi gì thêm nữa.

Nguồn: Vnthuquan.net
Người đưa lên: Mickey 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét