Nhãn

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Từ thơ Lý - Trần đến những bản dịch lục bát mang âm hưởng Thiền



  Từ thơ Lý - Trần đến những bản dịch lục bát    mang âm hưởng Thiền

            Đặng Văn Sinh


C
hưa nói đến chất lượng công trình, chỉ tính riêng việc xử lý văn bản dịch thuật 157 bài thơ chữ Hán của 63 tác giả xuyên suốt hai triều Lý - Trần cũng khiến người đọc cảm phục tinh thần làm việc và trách nhiệm nghệ sĩ của Vũ Bình Lục đối với các bậc tiền nhân. Ngày nay, ngoại trừ những nhà nghiên cứu tên tuổi, được ưu tiên nhận hợp đồng Đề án khoa học với nguồn tài trợ lớn, các nhà thơ, ít ai dám đi giật lùi về quá khứ, đào bới lịch sử, rũ bụi thời gian dựng lại chân dung các nhà thơ Trung đại, đem lại cho chúng ta một vẻ đẹp lung linh của mỹ học Thiền.
Chúng tôi xin miễn đi sâu vào hoàn cảnh xã hội, tâm thức dân tộc cũng như tiểu sử từng tác giả. Những vấn đề này đã được khá nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học, lịch sử Phật giáo, lịch sử tư tưởng làm rõ bởi hàng loạt công trình biên khảo từ cả trăm năm qua. Hơn thế nữa, cũng trong tập sách này, Vũ Bình Lục đã dành đến 22 trang phân tích về hoàn cảnh thời đại, cùng những nét đặc thù của Phật giáo Đại Việt chi phối tư tưởng thẩm mỹ của các nhà thơ - thiền sư trên cơ sở những tác phẩm tiêu biểu xuyên suốt bốn thế kỷ.

Đúng ra, dịch thuật và bình giá tác phẩm thơ Lý  - Trần, trong đó có thơ Thiền phải là những nhà nghiên cứu, nhà giáo giảng dạy văn chương. Nhưng thật lạ là, đội ngũ đông đảo hàng vạn giáo sư, tiến sĩ, cử nhân này xem ra không mấy mặn mà với văn học Trung đại. Vạn nhất, nếu có với mục đích giảng dạy, thì phần nhiều là sao chụp lại các giáo trình cũ, thậm chí lạc hậu, rồi truyền đạt cho đám học sinh, sinh viên mới nhập môn, trong khi chính người thầy cũng chỉ hiểu một cách lõm bõm  vì chưa được xóa mù...chữ Hán.
Nguyên nhân chính có lẽ bởi hệ thống giáo dục môn văn trong nhà trường, từ mấy chục năm qua người ta không chú trọng lắm đến những  sáng tạo cá nhân trong việc tìm hiểu vẻ đẹp của tác phẩm văn học mà chỉ nhấn mạnh vào các chức năng như lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm, rồi đem những tiêu chí đó áp dụng vào tác phẩm một cách máy móc. Kết quả là, chúng ta sẽ thấy có hàng loạt công trình nghiên cứu na ná giống nhau, ngôn ngữ văn chương khô cứng, mòn sáo, còn dấu ấn cá nhân lại rất mờ nhạt.
            Một nguyên nhân nữa làm người đọc, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, ngại tiếp xúc với văn thơ Trung đại bởi hầu hết văn bản đều viết bằng chữ Hán. Đây không những là một thứ ngoại ngữ mà còn là một tử ngữ, khó đọc, khó hiểu ngay cả với học sinh Trung Quốc tốt nghiệp trung học phổ thông, cho dù họ là người bản ngữ. Có thể nói, từ khi người Việt sử dụng hệ thống mẫu tự Latin do các giáo sĩ phương Tây mà người có công đầu là Francisco De Pina (1585-1625), và sau đó là Alexandre De Rhodes (1591-1660) đưa vào ghi âm tiếng Việt, rồi được chính thức hóa thành Quốc ngữ, thì tiếng Việt có bước đột phá ngoạn mục, nhưng mặt khác, nền văn học lại bị cắt đứt với quá khứ sau hàng ngàn năm phải vay mượn chữ Hán.
Bỏ chữ Hán nhưng khối lượng đồ sộ các thư tịch cổ, trong đó có thơ Lý -Trần lại được ghi chép bằng chữ Hán, trong khi, cho đến nay, số người biết chữ Hán đến nơi đến chốn chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với 90 triệu công dân đất Việt. Vấn đề nan giải này chính là lý do khiến cho hầu hết bạn đọc chỉ được tiếp xúc với thơ Lý - Trần qua các bản dịch, còn với nguyên tác thì đành kính nhi viễn chi (kính trọng nhưng nên xa ra).
Trong bối cảnh không mấy lạc quan như thế, việc làm của nhà thơ Vũ Bình Lục thật đáng để người ta khâm phục. Phương pháp làm việc của ông, trước hết là so sánh, đối chiếu văn bản vốn được dẫn từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trong đó có Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích và Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, đồng thời có tham khảo các bản chép tay thơ Lý - Trần do người đời sau, sưu tầm lưu giữ. Đương nhiên công việc này không hề dễ dàng bởi tình trạng tam sao thất bản.
Thơ của các thiền sư Lý - Trần luôn cô đọng, súc tích mà lại ẩn chứa nhiều hàm ý, trong đó có loại ngũ ngôn tứ tuyệt và thất ngôn tứ tuyệt, thường được gọi là kệ. Kệ tức là lời dặn lại đệ tử của các thiền sư trước khi viên tịch. Thực ra, kệ không đơn thuần chỉ là lời nhắn gửi đến hậu thế mà còn là triết lý nhân sinh, phản ánh thế giới quan, vũ trụ quan của những bậc tu hành đạo cao đức trọng đạt đến cảnh giới Thiền.
Dịch thơ Thiền và bình giải thơ Thiền, trước hết là người phải có duyên với Phật. Phật không ở đâu xa mà ở chính lòng ta.  Cái duyên chính là tâm hồn ta đã bắt nhịp được với hồn Thiền, có phật tính dẫn đường làm cho chúng sinh thoát khỏi bến mê. Ấy chính là điều cốt yếu của phép tu tại gia vậy.
Khác với năm tập trước đó, tuy cùng có chung một tiêu đề Giai phẩm và lời bình, nhưng ở Hồn thiền trong thơ Lý - Trần*, Vũ Bình Lục có cách tiếp cận văn bản với một phương pháp luận hơi khác. Đó là, ông lấy mỹ học Thiền làm tiêu chí đánh giá tác phẩm trên cơ sở  hệ tư tưởng phật giáo Thiền tông, xuyên suốt hai triều đại phong kiến, như một biểu đồ, theo trình tự thời gian, diễn tả sự phát triển của đạo Phật qua hàng loạt trước tác của các thiền sư nổi tiếng một thời. Trước khi dịch và bình chú, Vũ Bình Lục đã viết Thơ Lý - Trần, một kỳ quan rực rỡ như một lời đề dẫn, trong đó, ông khẳng định, Thơ đời Lý chủ yếu là thơ Thiền. Các tác giả đồng thời cũng là những thiền sư, và, Trong số 26 tác giả được giới thiệu trong sách này, chủ yếu là những nhà tu hành từ khi còn trẻ tuổi. Hầu hết họ là những người có học vấn sâu rộng, tinh thông phật pháp. Một số vị được vua mời về kinh, để vua được gần gũi, tham vấn các vấn đề chính sự (trang 13).
Cùng với việc phân kỳ rồi phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa thơ Lý với thơ Trần, Vũ Bình Lục còn chi tiết hơn nữa khi ông tách thơ Trần ra làm hai giai đoạn Thịnh TrầnVãn Trần. Tác giả chỉ ra thời kỳ đầu, thơ Thiền phát triển một cách rực rỡ mà đỉnh cao là triều đại Trần Nhân Tông, sau đó chất Thiền nhạt dần, cuối cùng là suy thoái vào giai đoạn Vãn Trần với những ông vua sa đọa, ăn chơi trác táng như Trần Dụ Tông, hay hèn yếu như Trần Nghệ Tông. Theo Vũ Bình Lục, giai đoạn Vãn Trần, cho dù thơ vẫn còn bóng dáng Thiền, nhưng bởi Phật giáo đang đà xuống dốc, tăng ni bị thế tục hóa, không ít những cao tăng trốn đời, tìm về nơi núi rừng thanh vắng tu tập, xa lánh cõi trần đầy bất trắc, thơ thường nhuốm màu u ám, buồn man mác.
Viết về thời Trần, Vũ Bình Lục nhận xét thời Thịnh Trần là: âm hưởng chủ đạo là sự thể hiện hào khí anh hùng bất khuất của dân tộc Đại Việt (trang 14), và Như vậy, có thể nhận thấy một điểm nổi bật, chung nhất, là ở thời Thịnh Trần, cảm hứng trữ tình công dân và cảm hứng trữ tình bản thể bao giờ cũng là hai mặt đối lập mà thống nhất (trang 18). Trong khi ấy, vào giai đoạn suy thoái thì, Thơ thời Vãn Trần là âm điệu trữ tình bản thể (trang 19). Từ cách phân kỳ cũng như nhận xét về đặc điểm nội dung cũng như nghệ thuật thơ Lý - Trần, dưới nhãn quan của một nhà thơ, ông cho rằng: Nghệ thuật thơ đời Lý - Trần đã đạt đến mức kinh điển, hoàn hảo (trang 27).
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào phần đề dẫn, người đọc nhận thấy hình như Vũ Bình Lục vẫn băn khoăn không ít điều còn mù mờ trong lịch sử mà cho đến nay chưa từng được làm sáng tỏ. Đó là trường hợp tư cách của thái hậu Dương Vân Nga và bài thơ thần Nam quốc sơn hà, Vũ Bình Lục đặt câu hỏi nghi ngờ sau khi đã tham khảo không ít nguồn sử liệu: Thế nhưng những câu chuyện còn lẩn khuất xung quanh cái chết rõ như ban ngày, mà lại đầy bí ẩn của cha con Đinh Tiên Hoàng, dặt dấu chấm hết cho một triều đại đang lên, khiến thiên hạ không thể không nghi ngờ, rằng có bàn tay đạo diễn của Lê Hoàn hay không? (trang 7), và Riêng bài thơ tứ tuyệt hay nhất của  thời Lý, Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam), tương truyền là của Lý Thường Kiệt, nhưng có tài liệu gần đây lại chứng minh không phải là sáng tác của Lý Thường Kiệt (trang 10).
Sau khi làm rõ đặc điểm từng giai đoạn thơ Lý - Trần tương ứng với những thăng trầm lịch sử song hành cùng số phận dân tộc, Vũ Bình Lục nhận xét, đánh giá tổng quát mỗi giai đoạn về cả nội dung tư tưởng, nhất là tư tưởng Thiền cùng phong cách nghệ thuật khá bài bản. Đây cũng chính là phương pháp luận, để rồi sau đó, nhà thơ triển khai tiếp cận văn bản từng bài thơ chữ Hán, tìm hiểu nghĩa, dịch, và cuối cùng là viết lời bình. Quả là công việc nhọc nhằn, nếu không phải là người có cái tâm sáng, nặng lòng với di sản văn học Đại Việt, tôi nghĩ, ít ai có đủ can đảm nhảy vào lãnh vực đầy chông gai này.
Gần một trăm năm qua, đã có một số lượng thơ Lý - Trần, bao gồm cả thơ Thiền được dịch sang tiếng Việt. Nhìn chung, các bản dịch phong phú, đa dạng, trong đó có lục bát, nhưng phần lớn vẫn là giữ nguyên hình thức Đường luật, tuân thủ triệt để luật bằng trắc, niêm và phép đối. Những bản dịch này, chẳng những chuyển thể thành công về mặt nội dung mà không ít bài còn đạt đến trình độ mẫu mực về kỹ thuật gieo vần, kỹ năng sử dụng từ cú, chẳng kém gì một bài thơ Đường nguyên tác. Nói cách khác, thơ Lý - Trần, từ lâu đã được những bậc cao thủ, trong đó có không ít nhà khoa bảng dịch sang Quốc ngữ, tuy mỗi người một vẻ, nhưng hầu hết đều đạt đến mức hoàn hảo. Biết vậy, Vũ Bình Lục chọn cách làm của riêng mình. Ông thấm nhuần tinh thần xung thiên khí của Thiền sư Quảng Nghiêm, không đi theo con đường Như Lai đã chọn, mà chọn con đường lục bát.
Với Vũ Bình Lục, điều quan trọng nhất của bản dịch là làm sao chuyển tải được cái thần của bài thơ từ một thể loại bị bó buộc bởi niêm luật, thanh điệu, đăng đối sang một thể loại uyển chuyển linh hoạt, cấu trúc đơn giản, thanh thoát, thuần túy dân tộc, mà vẫn không làm biến dạng nội dung văn bản. Làm được việc này, trước hết tác giả phải là người am hiểu thơ Đường. Không am hiểu thơ Đường, người dịch sẽ vô cùng khó khăn trong quá trình lựa chọn từ ngữ, thành ngữ tương ứng của tiếng Việt khi sử dụng lục bát. Xét về loại thể văn học, luật Đường và lục bát hầu như không có điểm chung, thậm chí còn kỵ nhau về thi pháp. Thơ Đường là một khối văn bản nghệ thuật mang tính bác học, kết cấu bền vững, niêm luật chặt chẽ, hàm ý sâu xa, ý tại ngôn ngoại. Trong khi ấy, lục bát vốn thuộc dòng dân gian, kết cấu thường mở, cách gieo vần linh hoạt, ngôn ngữ, hình ảnh tùy hứng, có thể vận dụng vào bất cứ hoàn cảnh diễn xướng nào. Chuyển đổi từ thể loại bác học sang thể loại dân gian, nếu không làm chủ được kỹ năng lục bát, rất khó đảm bảo bản dịch không biến thành vè. Vũ Bình Lục có vẻ như đã khắc phục được tình trạng khấp khểnh này bởi ông vừa hiểu rõ thi pháp thơ Đường lại là nhà thơ viết nhiều lục bát.
Các bản dịch của Vũ Bình Lục, về đại thể, đều đem đến cho người đọc cảm nhận là tạo được không khí lịch sử thời đại Lý - Trần. Điều này rất quan trọng, bởi, nếu không am hiểu lục bát, cái hồn lục bát không hòa hợp với nhịp điệu tâm hồn nhà thơ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng đem ngôn ngữ hiện đại, cấu trúc ngữ pháp hiện đại, nhất là thi pháp hiện đại áp đặt vào Đường thi Lý - Trần. Đương nhiên, chuyển dịch một số lượng lớn thơ chữ Hán sang tiếng Việt không phải tất cả đều hoàn hảo, nhưng, với 157 bài lục bát, người đọc có thể nhận ra không ít bài Vũ Bình Lục dịch rất công phu, đáp ứng được cả ba tiêu chí tín, đạt, nhã, trong đó phải kể đến Cảm hoài của Chân Không thiền sư, Đáp Từ Đạo Hạnh chân tâm chi vấn của Kiều Trí Huyền, Thị đệ tử của Vạn Hạnh, Tầm hướng của Phạm Thường Chiếu, Hạnh An Bang của Trần Thánh Tông, Họa Kiều Nguyên Lãng vận của Trần Nhân Tông, Tống nhân Bắc hành của Nguyễn Ức, Trường An thành hoài cổ của Nguyễn Trung Ngạn, Thanh Lương giang của Chu Văn An, Quá An Phủ Nguyễn Sĩ Cố phần của Phạm Sư Mạnh, Thị tịch của Pháp Loa, Yên Tử sơn am cư của Huyền Quang, Thôn cư cảm sự ký trình Băng Hồ tướng công của Nguyễn Phi Khanh, Thế thái hư huyễn của Tuệ Trung thượng sĩ, Cảm hoài của Đặng Dung, v.v...
Chân Không thiền sư Vương Hải Thiềm viết Cảm hoài theo thể thất ngôn tứ tuyệt, vốn là một bài kệ, trong đó, tác giả bàn về khái niệm vô vi trong nhận thức căn bản của triết lý Phật giáo đối với con người và vạn vật:
Diệu bản hư vô nhật nhật khoa
Hòa phong xuy khởi biến sa bà
Nhân nhân tận thức vô vi lạc
Nhược đắc vô vi thủy thị gia.

Dịch nghĩa:
Cái thể tinh thần diệu là hư vô nhưng vẫn thường hiện ra khắp nơi,
Như cơn gió lành thồi khắp cõi sa bà.
Mọi người đều hiểu rõ vô vi là vui vẻ,
Nếu được vô vi mới coi đấy là nhà.
Từ cảm hứng Thiền, Vũ Bình Lục chuyển bài thơ sang thể loại lục bát, diễn tả một khái niệm triết học phật giáo khá thành công:
Hư vô diệu thể khắp nơi
Ba nghìn thế giới gió trời dịu êm
Vô vi vui nhất thần tiên
Được vô vi mới là miền tư gia.
Nếu Vương Hải Thiềm luận về vô vi thì trong Đáp Từ Đạo Hạnh chân tâm chi vấn, Kiều Trí Huyền bàn với Từ Lộ về bản chất của chân tâm trong Phật giới. Đây cũng là một bài tứ tuyệt có nội hàm sâu sắc mà cốt lõi của nó là Thiền. Nhận thức về Thiền của Kiều Trí Huyền xét đến cùng cũng là một loại kệ được các thiền sư hay dùng để bày tỏ quan niệm của mình:
Ngọc lý bi thanh diễn diệu âm
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm
Hà sa cảnh thị bồ đề đạo
Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm.
Ở bài này, nghĩa của hai câu cuối rất mông lung, khó dịch đầy đủ sang tiếng Việt: Khắp những thế giới nhiều như cát sông Hồng chỗ nào cũng là Phật/ Thế mà lại tưởng rằng muốn tìm đến cõi Phật còn phải mất hàng vạn tầm, đến đây, Vũ Bình Lục hạ một câu lục bát đầy phong vị dân gian, diễn đạt khá chính xác tư tưởng triết lý của toàn bài:
Phật ư? Khắp chốn sa hà
Tưởng đâu cõi Phật bao la vạn tầm.
Tuy nhiên, trong số thơ tứ tuyệt thuộc dòng kệ của các thiền sư đời Lý, chúng tôi nhận thấy bài Tầm hướng  của Phạm Thường Chiếu là bản dịch thành công hơn cả. Thiên ngũ ngôn tứ tuyệt của vị thiền sư dòng Quan Bích đời Lý Cao Tông này đề cập đến mối quan hệ tương ứng giữa thântâm. Cái thân và cái tâm Như Lai ấy lại được đặt trong thế giới mông lung, huyễn hoặc, khi ẩn khi hiện, lúc thực, lúc hư, hiểu nghĩa đã khó, huống hồ lại dịch thành thơ:
Tại thế vi nhân tâm
Tâm vi Như Lai tạng
Chiếu diệu thả vô phương
Tâm chi cánh nguyệt khoáng
Dịch nghĩa:
Tồn tại ở cõi đời chính là thân thể người ta
Còn tâm là kho báu của Như Lai
Chiếu sáng khắp mọi nơi
Nhưng tìm đâu thấy trong miền hư vô?
Đọc thì trúc trắc, nghĩa lại mù mờ nhưng người dịch vận dụng lục bát nhẹ nhàng như không:
Thân ta tạm ở cõi người
Cái tâm của Phật, kho trời vô biên
Sáng soi khắp chốn thần tiên
Nhưng tìm đâu thấy trong miền hư vô?
Một trong số những bài thơ Đường thất ngôn bát cú thuộc loại hay nhất của các nhà vua Trần là Vãn thiếu sư Trần Trọng Trưng. Trần Trọng Trưng là quan đại thần triều Nam Tống có nhân cách đáng trọng, chạy sang Đại Việt tị nạn, tránh sự bức hại của triều đình nhà Nguyên. Khi ông qua đời, Trần Thánh Tông có làm bài thơ tỏ lòng thương xót người bạn vong quốc:
Thống khốc Giang Nam lão cự khanh
Đông phong thấp lệ vị thương tình
Vô đoan thiên thượng biên niên nguyệt
Bất quản nhân gian hữu tử sinh
Vạn điệp bạch vân già cố trạch
Nhất đôi hoàng nhưỡng phúc hương danh
Hồi thiên lực lượng tùy lưu thủy
Lưu thủy than đầu cộng bất bình.
Âm hưởng của bài thơ là u buồn như lời điếu người bạn tri âm vừa khuất núi. Người dịch dường như cảm được tấm lòng bao dung, độ lượng của vị hoàng đế Đại Việt, nên đã có bản dịch khá sát nghĩa nhưng lại mang đậm dấu ấn sáng tạo:
Thương người quê đất Giang Nam
Trước gió đông, lại càng tan nát lòng
Trách trời chẳng đoái thương ông
Trần gian sống thác sao không rạch ròi?
Nhà xưa mây trắng che rồi
Tiếng thơm vùi lấp ở nơi suối vàng
Chí xoay vũ trụ tiêu tan
Đầu ghềnh cuối bãi cùng than bất bình.
Cũng như vua cha, Trần Nhân Tông là vị hoàng đế hay chữ. Vũ Bình Lục nhận xét: Thơ Trần Nhân Tông có phong cách của một người làm chủ thiên hạ (...) lại vừa có cái tiêu sái tài tử, xen lẫn mực thước nho gia...Nhìn chung, đó là một hồn thơ kết hợp nhuần nhuyễn đạo và đời, hiện thực nghiêm nhặt với bay bổng lãng mạn. Sau mấy chục năm chiến thắng Nguyên Mông, Trần Nhân Tông hồi tưởng về một thời huy hoàng qua hình ảnh người lính già đầu bạc:
Tì hổ thiên môn túc
Y quan thất phẩm thông
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.
Đó là bài Xuân nhật yết Chiêu lăng Trần Nhân Tông làm khi về phủ Long Hưng , Thái Bình viếng vua cha. Vũ Bình Lục đã khéo léo chuyển được những dòng hồi ức hào hùng ấy qua thể loại lục bát:
Oai nghiêm giáo mác lính canh
Những quan thất phẩm áo khăn chỉnh tề
Lình già đầu bạc say mê
Kể Nguyên Phong với hả hê tự hào.
Bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão giống như một khúc tráng ca tỏ rõ chí lớn của kẻ trượng phu sinh ra trong thời loạn. Đây là bài thất ngôn tứ tuyệt của vị tướng tài ba mà khí văn hừng hực muốn muốt nuốt sao Ngưu, sao Đẩu. Bài lục bát đã chuyển tải được cái chí xung thiên ấy nhưng xem ra lại mềm mại với nhịp điệu linh hoạt, hình ảnh tuy ước lệ nhưng khí phách hào sảng:
Cầm ngang giáo giữ non sông
Át sao Ngưu, khí ba quân ngất trời
Công danh nam tử thẹn lời
Luống nghe Gia Cát giúp đời Hán xưa.
Nguyễn Ức cũng là bậc túc nho, từng làm quan ở Viện Hàn lâm dưới triều Trần Minh Tông, nhân lúc tiễn bạn đi sứ, ông viết bài Tống nhân Bắc hành. Bài thất ngôn tứ tuyệt miêu tả tâm trạng khắc khoải của đôi bạn lúc ly biệt giữa buổi chiều tà làm người ngoài cuộc cũng bâng khuâng khi đọc đến hai câu kết:
Nhất đoạn ly tình câm bất đắc
Tân đầu chiết liễu hựu tà dương.
Vũ Bình Lục đã chuyển được cái buồn man mác ấy vào cặp lục bát đầy tâm trạng:
Biệt ly lòng khách thêm đau
Bên sông bẻ liễu đỏ au ráng chiều.
Ở tập sách này, nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn được chọn dịch mười bài. Thơ ông có đủ thể loại nhưng nhiều nhất vẫn là thất ngôn bát cú Đường luật. Có thể xem Nguyễn Trung Ngạn là tác gia tiêu biểu của thơ Trần. Tư tưởng nghệ thuật cũng như phong cách Đường thi của ông đã đạt đến sự hoàn mỹ mà Trường An thành hoài cổ là một ví dụ. Bài thơ có xuất xứ từ chuyến Nguyễn Trung Ngạn về thăm thành Hoa Lư, cố đô của hai triều Đinh - Lê, hoài niệm về một thời đã qua sau sự kiện nhà Lý thu hồi giang sơn, thiên đô ra Thăng Long. Nhìn chung, âm hưởng của bài thơ là nỗi buồn man mác trước thế sự thăng trầm, trong đó , câu 3 và 4, vừa miêu tả hiện thực vừa làm cả chức năng luận bàn về lẽ thịnh suy:
Sơn vi cố quốc quy mô tiểu
Trúc ám hoang thành thảo mộc phi.
Dịch nghĩa:
Nước cũ núi vây bọc quy mô nhỏ
Tre trúc rợp thành hoang, cây cỏ cũng khác xưa.
Nắm bắt được cái thần của bài thơ, Vũ Bình Lục chuyển sang lục bát, tuy đôi chỗ vẫn chưa sát nghĩa nhưng về tổng thể, đây là bản dịch khá hay:
Cỏ xiêu cây đổ nghiệp tan
Lý gia giờ đã giang san thu về
Hoa Lư núi bọc bốn bề
Thành hoang cây cỏ trúc tre khác rồi
Tiếng chuông rung ánh mặt trời
Sáo ai giục bóng chiều rơi cuối ngàn
Chuyện xưa thế cuộc hợp tan
Bên sông tựa quán trông ngàn núi xanh.

Từ bài lục bát, có thể thấy, người dịch đã dựng lại diện mạo lịch sử qua các thông số thời gian, không gian cũng như tâm trạng của tác giả tạo sự liên tưởng thẩm mỹ với người đọc. Rõ ràng, tinh thần thời đại qua cảm hứng lịch sử chính là nguồn năng lượng vô tận điều chỉnh ngòi bút nhà thơ.
Thời Vãn Trần, Chu Văn An, chẳng những được tôn vinh như bậc sư biểu mà còn là một nhà thơ lớn tuy trước tác của ông còn lại không nhiều. Thơ Chu Văn An tình ẩn trong cảnh, cảnh ngụ tình người mà trước hết là những cảm xúc tinh thế về phong cảnh thiên nhiên, trong số đó có bài Thanh Lương giang. Một mình lặng lẽ bên dòng sông, nhìn vệt nắng chiều vắt ngang sườn núi, tác giả nhìn thấy từng cặp thuyền chài xông pha trong làn gió lạnh vào lúc thủy triều đang lên:
Độc lập Thanh Lương giang thượng vọng
Hàn phong táp táp nộn triều sinh.
Dịch nghĩa:
Một mình trên sông Thanh Lương ngắm cảnh,
Thấy gió lạnh ù ù, nước thủy triều đang lên.
Vũ Bình Lục nhận ra bố cục của bài không được tác giả tuân thủ theo Đường luật tứ tuyệt mà lại rải đều cho cả bốn câu, nên ông dịch rất thoáng nhưng vẫn đảm bảo tính chân xác của nguyên tác:
Bóng chiền xiên ngang sườn non
Từng đôi ngư phủ dọc con sông dài
Thanh Lương với khách vãng lai
Triều dâng gió lạnh bên tai ù ù...
Phong cách dịch lục bát của Vũ Bình Lục là khá phóng khoáng, không mấy lệ thuộc vào niêm luật, vần điệu hay đăng đối, mà cái chính là, ông chuyển được cái tứ của nguyên tác sang thể thơ dân tộc như một phiên bản thứ hai, mang đầy đủ tinh thần sáng tạo. Bản dịch bài thất ngôn tứ tuyệt Quá An Phủ Nguyễn Sĩ Cố phần của Phạm Sư Mạnh, cho dù vẫn còn một vài chố cần phải nhuận sắc, nhưng, công bằng mà nói, Vũ Bình Lục đã chuyển nguyên vẹn được cái tình của họ Phạm với người tri kỷ, cho dù trước mắt nhà thơ chỉ còn lại một gò đống tiêu điều:
Hắt hiu rừng trúc như mây
Trước mồ An Phủ lòng này quặn đau
Nhà xưa rượu uống với nhau
Bâng khuâng xuống ngựa còn đâu bóng người.
Dạ quy chu trung tác của Trần Nguyên Đán cũng là một bài tứ tuyệt hay, nói về tâm trạng của ông trước vận nước suy vi, tuy vẫn chưa yên giấc mộng giang hồ nhưng lực bất tòng tâm, đành mượn ánh đèn chài đọc pho sách cổ. Vũ Bình Lục chẳng những tìm được những từ ngữ trung thành với nguyên tác mà còn chuyển được hai địa danh ẩn dụ vốn là những điển cố Trung Hoa thành hình ảnh trực cảm, biến khái niệm trừu tượng thành hình ảnh cụ thể chỉ với hai cặp lục bát đầy ấn tượng:
Dân như cá vạc dầu sôi
Vận suy, khắp chốn thành nơi hoang tàn
Thuyền về, giấc mộng chưa tan
Ôm pho sách cũ ngồi than việc đời.
Ở câu hợp trong nguyên tác Nhập thủ ngư đăng chiếu cổ thư nghĩa là, vào trong thuyền mượn ánh  đèn đọc pho sách cổ. Câu này có hàm ý, đọc sách để quên đi sự đời, được Vũ Bình Lục chuyển sang lục bát Ôm pho sách cũ ngồi than việc đời là khá sáng tạo.
Cũng với tinh thần trên, Vũ Bình Lục dịch bài kệ Thị tịch của Pháp Loa tôn giả, bày tỏ sự an nhiên tự tại của một thiền sư đắc đạo nắm được lẽ sinh diệt của con người trên trần thế:
Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập niên dư mộng ảo gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Na biên phong nguyệt cánh hoàn khoan.
Dịch nghĩa:
Trăm mối tơ duyên đã đứt, tấm thân nhàn hạ,
Nghĩ lại bốn mươi năm qua chỉ là giấc mộng.
Trân trọng nhắn mọi người đừng hỏi thăm,
Gió mát, trăng trong ở bên kia mênh mông hơn.
Dịch thơ:
Lòng trần dứt, tấm thân nhàn
Bốn mươi năm giấc mộng tàn đấy thôi
Nhắn người đừng hỏi thăm tôi
Bên kia gió mát trăng trời mênh mông.

157 bài dịch lục bát và 3 bài dịch luật Đường  từ thơ Lý - Trần quả là kỳ công của một nhà thơ vốn không phải là nhà nghiên cứu văn học sử. Từ công trình dịch thuật công phu trên, người đọc phải thừa nhận, Vũ Bình Lục đã làm được điều ông đặt ra ở tiêu đề cuốn sách Hồn Thiền trong thơ Lý - Trần.  Lục bát, qua tay Vũ Bình Lục, giống như chiếc cầu nối, quá giang được cái hồn Thiền của các thiền sư vốn thâm thúy, uyển súc bởi thi pháp Đường - Tống, đến với ngàn vạn chúng sinh. Tuy nhiên Vũ Bình Lục còn làm được hơn thế, bởi ngoài dịch thuật, ông còn bình chú một cách nghiêm túc và đầy sáng tạo 166 bài thơ Lý - Trần, một công việc phải đầu tư nhiều sức lực, trí tuệ và thời gian nhưng lại đầy mạo hiểm, mà chúng tôi dám chắc, ngày nay ít người có thể làm được.

 Chí Linh, năm Quý Tỵ, tháng trọng hạ, ngày nắng nóng

                                Đ.V.S.


* Hồn thiền trong thơ Lý - Trần của Vũ Bình Lục, NXB Hội Nhà văn, 2013
Bài đã đăng trên Tạp chí nghiên cứu Phật học số tháng 4 năm 2013 (121)

1 nhận xét:


  1. Ta về tìm đọc chân như
    Cả ngàn trang sách thiên thư ta bà
    Sáng ra cuốc đất trồng khoai
    Thấy trong tâm hiện một tòa sắc không...

    Trả lờiXóa