Phạm Lưu Vũ
Truyện của PLV
đã được giới thiệu trên forum 4 ngày sau khi anh viết xong, vì nhiều
lý do đã treo forum, nay xin đưa lại, một truyện ngắn đáng đọc. VCV
Đúng cái xóc thứ tám mươi mốt, lão Sướng choàng tỉnh. Nằm
trong xe, lão với tay vớ sợi dây thừng, giật mũi cho con bò dừng lại rồi trèo
xuống khỏi thùng xe. Lão dắt con bò cùng chiếc xe tới một gốc cây bên kia
đường, cột lại tử tế, đoạn bước sang quán mụ cả Nẫm, hỏi mua gói thuốc lào.
Mặt trời đã lên nửa con sào, dân làng đi làm đồng hết,
tưởng trong quán không có ai. Té ra có cả mấy người đang ngồi lố nhố trên chiếc
phản kê phía trong quán. Lão Sướng hơi giật mình nhận ra những gương mặt quen
thuộc, vội cất tiếng: “chào các ông ạ”. Người ngồi trong cùng, dựa lưng vào
tường, quay mặt ra phía ngoài là Tưởng – Bí thư. Hai bên là Dần, Chấn – trưởng,
phó công an xã. Chấn còn là cháu họ của lão, gọi lão bằng chú. Một người ngồi
quay lưng ra cửa quán, không cần nhìn mặt, lão Sướng cũng nhận ra đó là Lý –
chủ tịch. Bốn người không ai để ý đến lão. Hình như họ đang mải đang chơi bài.
Mụ cả Nẫm đưa cho lão Sướng gói thuốc lào và nhận từ tay
lão tờ giấy bạc lẻ, nhàu nát còn ấm hơi người. Chiếc ti vi treo trong quán vọng
ra từng tràng những tiếng hò reo náo nhiệt. Đang có tường thuật bóng đá của
giải ngoại hạng Anh. Lão Sướng quay người chui ra khỏi quán, bước về phía chiếc
xe, loay hoay mở nút sợi dây thừng. Phía trong quán, chủ tịch Lý vừa quật một
quân bài xuống chiếu, vừa hỏi bí thư Tưởng:
- Thế nào bí thư ? Trận này tôi bắt Ác-se-nan, chấp một
trái đấy.
Bí thư Tưởng đang nhìn hút theo con bò của lão Sướng,
buột miệng nói:
- Được thôi, thì tôi bắt Chen-xi vậy.
Chủ tịch Lý hỏi tiếp.
- Nhai gà, vịt mãi cũng chán mồm. Tuần trước đánh cược
con chó nhà lão Cử, anh em được bữa cờ tây ra trò. Trận này bí thư cược gì nào
?
Vẫn mải nhìn con bò cùng lão Sướng đang thong thả rời
khỏi tầm mắt, bí thư Tưởng lại buột miệng nói:
- Cược con bò kia của lão Sướng. Chắc không ?
Chủ tịch Lý ngoái đầu nhìn cái phần mông núng nính của
con bò vừa đi khuất, nuốt nước bọt đánh ực một cái, cũng buột miệng reo lên:
- Ối Trời! Được con bò ấy mà thịt thì tuyệt hảo. Chắc
quá. Nào – bắt tay. Thằng Dần và thằng Chấn chứng kiến nhé. Phen này có thịt bò
ngon chén rồi.
Trưởng, phó công an xã Dần, Chấn thấy vụ cá cược có mùi
hấp dẫn, lập tức hưởng ứng. Bốn người hỉ hả bắt tay nhau. Mụ cả Nẫm cũng xen
vào:
- Tôi đăng kí toàn bộ bạc nhạc đấy nhé, với lại bốn cái
cẳng. Bấy nhiêu làm phở chín cũng bán được cả tuần chứ không ít…
Trưởng công an Dần nhanh nhảu ngắt lời mụ:
- Bạc nhạc thì được. Song bốn cẳng thì mụ đừng có mà nằm
mơ. Cái đó để anh em vất vả chúng nó nhậu.
Phó công an Chấn tỏ ra hăng hái:
- Em xin chịu trách nhiệm về bộ da. Bộ da ấy tha hồ lành
lặn, chắc chắn chất lượng cao. Bọn thuộc da Vĩnh Cửu trên huyện cứ gọi là lác
mắt hột. Cái này bán mới được giá. Năm ngoái ta kiếm được năm bộ cả da trâu lẫn
da bò, mang bán cho họ thành ra quen biết từ đó đến nay, lại học được chút kiến
thức xem da các kiểu.
Bí thư Tưởng gật gù:
- Lâu lắm không được ăn thịt của giống bò tuyền ăn cỏ.
Cái thứ thịt bò nuôi bằng thức ăn tăng trọng bây giờ ăn như thịt giả. Thịt tái
kiểu gì mà nhợt nhạt, rũ rượi như thịt thằng chết trôi, nước máu chảy ra ều ễu.
Thịt ấy nếu không dai ngoách thì cũng bở như đất vách, ăn tuyệt chẳng thấy cái
mùi gây gây, béo ngậy đặc trưng của bò đâu.
Chủ tịch Lý nịnh khéo:
- Cả xã đều kính nể kiến thức về bò của bí thư. Đến như
mấy anh lãnh đạo huyện, được nghe cái lý luận phân tích về bò của bí thư còn
thèm rỏ rãi mà bảo: “Loại bò ấy chỉ có ở thời bao cấp, thuở còn hợp tác xã. Chứ
thời này, kiếm đâu ra thứ thịt bò ăn tuyền cỏ ấy mà xơi…”
Bí thư Tưởng được thể, bèn tiếp tục bài giảng:
- Các ông nên biết, thịt loại bò ăn tuyền cỏ này tươi rất
lâu. Cứ móc cả tảng mà treo lên xà nhà, để đến tận ngày hôm sau, các cơ trong
tảng thịt vẫn còn giật giật, giật giật… Sờ tay vào có cảm giác nó dính dính,
hút hút, mặt thịt đỏ sậm, lóng lánh ánh kim. Phía bên dưới tuyệt không một giọt
nước máu nào nhỏ xuống. Thịt ấy thái mỏng, ngang thớ mà tái thì tuyệt cú, ăn
vừa ngọt vừa giòn, cứ như thể nó tan ra trong miệng. Tảng càng lớn, tươi càng
lâu. Thịt tươi hút nước vào nên vừa khô vừa dính, đến khi nào tiết nước máu ra
là hết tươi. Thịt bò kị nhất cắt vụn, cắt vụn không tươi lâu. Phải ăn đến đâu,
xẻo đến đấy mà thái. Nếu tay chân, dao thớt cứ sạch khô, không hề dây một giọt
máu nào, thì thịt như thế mới đạt tiêu chuẩn.
Mọi người vừa nghe vừa thèm đến nóng cả mặt. Chủ tịch Lý
bái phục:
- Vậy bất luận ai thắng cược, thì hai quả mông cứ xin
nhường nhà bí thư. Nhà tôi xin tảng vai vậy. Bắp biếc chia cho cánh Công an,
Mặt trận. Đầu, đuôi chia Hội phụ nữ… Riêng bộ lòng đánh chén tại chỗ.
Bí thư Tưởng tỏ ra khiêm tốn:
- Được cái mông ấy thì nhà tôi chỉ cần một quả cũng thừa
mứa ra rồi. Quả mông kia đem biếu các anh lãnh đạo huyện, các anh ấy cũng rất
thèm xơi loại thịt bò thời bao cấp như thế này. Ăn những thứ thời bao cấp hiện
đang là một cái mốt ẩm thực. vả lại các ông quên là lâu nay ta chẳng “nói năng”
gì, huyện đang có “vấn đề” với ban lãnh đạo xã ta à. Liệu có “yên” vị mà mơ
thịt bò ăn cỏ được mãi không ?
Trưởng công an Dần hớn hở vừa quật đánh đét một quân bài
xuống chiếu, vừa nói:
- Nhất trí với ý kiến của cả chủ tịch lẫn bí thư. Vậy xin
bí thư cho phương hướng giải quyết, đồng thời quyết định ngày ạ.
Bí thư Tưởng kết luận.
- Cái ấy giao cho bên công an, dân phòng các anh lo,
triển khai ngay ngày mai càng tốt, không nên hoãn sự sung sướng lại. Nhớ lên kế
hoạch thật chu đáo, phải làm sao cho nhân dân luôn tâm phục, khẩu phục mới
được…
Bất ngờ phó công an Chấn lại tỏ ra ngập ngừng:
- Em thấy có chỗ hơi khó. Trận trước, con chó của lão Cử
thì ta vu cho là chó dại, bắt giết thịt thì được rồi. Nhưng còn con bò này… chả
lẽ bảo nó là bò điên ?
Trưởng công an Dần lập tức ngắt lời:
- Chú bởi thật thà nên kém sáng kiến. Chú không biết lão
Sướng chuyên trị ngủ trong xe, mặc cho con bò tự kéo về làng hay sao ? Thế thì
có khó gì, bò cũng phải chấp hành luật lệ giao thông chứ… Thôi! Chú vì có họ
với lão Sướng nên việc ấy để anh giải quyết. Cứ làm đúng tinh thần chỉ đạo của
bí thư là được rồi.
Lão Sướng đánh chiếc xe bò vào tận trong làng, nhà lão ở
cuối xóm Con Chó. Làng xóm vắng tanh vì người lớn ra đồng, trẻ con đi học, chỉ
có những ông già, bà lão ở nhà. Về đến nhà, lão tháo con bò ra khỏi xe, dắt nó
ra sau vườn, cột dưới gốc một cây nhãn, quẳng cho nó một ôm cỏ rồi rửa ráy chân
tay, vào nhà chuẩn bị đánh một giấc ngủ bù đến trưa. Trước khi đi ngủ, lão
không quên kéo một điếu thuốc lào theo thói quen. Sáng nay, lúc ra khỏi chợ lão
mới nhớ ra rằng gói thuốc trong người đã hết, nên mới phải dừng lại mua ở quán
mụ cả Nẫm.
Ngày nào cũng vậy, cứ ba giờ sáng là lão Sướng thức dậy,
đánh chiếc xe bò của mình chở hàng cho mấy bà thầu rau, quả trong làng lên chợ
Huyện bán. Chợ cách làng năm sáu cây số, chiếc xe phải đi mất gần hai tiếng.
Quãng đường đầy những ổ voi, ổ bò mà lão đã thuộc nằm lòng. Từ làng lên tới chợ
có đúng tám mươi mốt cái ổ voi như thế. Mỗi khi lăn bánh qua, chiếc xe bị quăng
bên này, quật bên kia như muốn hất mọi thứ đang cõng trên lưng xuống đường. Lão
gọi đó là những cái xóc. Tám mươi mốt ổ voi là tám mươi mốt cái xóc. Lúc đi
trời còn tối, gặp những cái xóc ấy lão phải để ý giữ cho hàng hoá khỏi rơi,
miệng nhắc mấy bà hàng rau đi bộ theo phải cẩn thận kẻo bước hụt. Lúc quay về
thì nhẹ nhàng xe không, vả lại trời đã sáng. Lão cứ việc khoanh tròn trong
thùng xe mà thiu thiu ngủ, mặc kệ cho con bò kéo chiếc xe đi. Lão ngủ trong xe
rất tài, ngủ mà vẫn không quên, vẫn đếm được chính xác từng cái xóc trong giấc
mơ màng. Tới đúng cái xóc thứ tám mươi mốt là lão tỉnh dậy, nắm sợi dây thừng
vắt vắt cho con bò rẽ vào trong làng. Trăm ngày như một, không bao giờ lão ngủ
quên trong xe. Con bò và chiếc xe là nguồn sống chính của nhà lão gồm bà vợ
già, mắt mũi kèm nhèm và hai đứa con dâu dở người đã mấy chục năm nay, suốt
ngày thờ thẫn, lúc lên cơn thì xé quần xé áo, lăn lộn cả ra vườn. Chồng chúng
nó chết trong chiến tranh, một thằng được công nhận liệt sĩ. Chính nhờ món tiền
tuất liệt sĩ ấy của nó mà lão sắm được con bò, sắm từ hồi nó còn là một con bê
mới đẻ. Một thằng bị ngưới ta làm thất lạc giấy tờ thành ra mất trắng, chả có
danh hiệu với tiêu chuẩn tiêu chiếc gì.
Lão Sướng chưa kịp đi ngủ thì có tiếng gọi to tướng của
một anh dân phòng ngoài ngõ, mời lão lên ngay trụ sở dân phòng của xóm để làm
việc. Lão Sướng giật thót người. Có việc gì mà phải lên trụ sở dân phòng? Xưa
nay nhà lão ăn ở tử tế, chẳng phiền hà đến ai. Hai đứa con dâu dở hơi chỉ suốt
ngày tự nhăn nhở với nhau quanh vườn, rủ nhau điên những cái điên hiền lành như
bùn đất. Cả con bò cũng được lão đích thân chăn dắt, không để phá lúa hay hoa màu
của nhà nào. Càng nghĩ không ra, lão Sướng càng sốt ruột, đành vội vã chạy tới
trụ sở dân phòng.
Trụ sở dân phòng trấn ngay đầu xóm. Đó là một căn phòng
ba mét nhân ba mét trơ trọi, đội mái tôn nhọn hoắt như cái chóp nón. Đẳng –
trưởng xóm đang ngồi sau một cái bàn gỗ bọc phoọc – mi – ca trắng lở lói, hai
bên là hai anh dân phòng mặt non choẹt, ngồi im như pho tượng. Trưởng xóm một
tay giở quyển sổ, tay kia lăm lăm chiếc máy tính nhỏ, bảo lão Sướng:
- Tôi mời ông đến nộp bổ sung phí giao thông đường làng.
Nhà ông còn mấy suất chưa đóng.
Lão Sướng giật nẩy người, ngớ ra.
- Tôi đã đóng đầy đủ cả quý rồi kia mà. Bây giờ mới đầu
tháng tư?
Trưởng xóm ôn tồn giải thích:
- Xã mới có điều chỉnh, không như những năm trước chỉ thu
theo đầu người. Từ năm nay, phí giao thông áp dụng cả với vật nuôi và phương
tiện cho công bằng, có danh mục đóng dấu đỏ kèm theo đây. Con bò nhà ông bốn
chân, thu bằng hai suất người. Chiếc xe cũng hai suất, tổng cộng tám suất. Mỗi
suất cân rưỡi thóc một tháng, trừ số đã đóng theo cách tính như mọi năm, vị chi
là…
- Các anh biết thừa đấy, hai đứa con dâu dở người nhà tôi
có bao giờ thò mặt ra đường đâu. Thế mà cũng phải đóng phí giao thông. – Lão
Sướng nhăn nhó.
- Mặc kệ, ai bảo các bà ấy cũng là người. – Trưởng xóm lý
luận.
Như chợt nhớ ra điều gì, lão Sướng vội vàng thắc mắc:
- Còn con bò, tôi tưởng phí giao thông đã tính trong thuế
đồng rồi cơ mà?
- Thuế đồng thực ra mới chỉ tính trên số diện tích cỏ nó
gặm hàng năm. – Trưởng xóm kiên trì giải thích – Nuôi bò, nuôi trâu kể từ năm
nay còn phải đóng phí môi trường, bởi nó hay ỉa rơi vãi trên đường. Phí môi
trường của bò mười lăm cân thóc một năm.
- Nó ỉa đến đâu, tôi nhặt đến đấy. Chứ có khiến ai phải
ngửi hộ đâu. – lão Sướng cố cãi.
- Đề nghị ông ăn nói cho cẩn thận. – Trưởng xóm nhắc nhở rồi
tiếp tục mớ lý luận của mình – Lấy gì đảm bảo rằng ông nhặt sạch trăm phần
trăm, không sót lại mẩu phân nào trên đường? Thế còn nó đái rong thì sao? Dễ
thường ông cũng hứng được chắc.
Lão Sướng hết cách cãi, đành lần túi móc ra một nắm giấy
bạc lẻ, vừa đưa cho trưởng xóm, vừa năn nỉ:
- Tôi chỉ còn ngần này, chắc chưa đủ. Còn thiếu bao
nhiêu, các anh thư cho đến chiều, để tôi hỏi vay trước mấy bà hàng rau.
- Được thôi! – Trưởng xóm dễ dãi – nhưng ông nhớ tự giác
đấy, đừng để chúng tôi phải gọi.
Từ trụ sở dân phòng ra về, trong lòng lão Sướng cứ có cái
gì tức anh ách. Lão chẳng lạ gì cả tam đại nhà cái thằng Đẳng – trưởng xóm kia.
Nó ngày bé cũng là thằng ăn cắp ăn trộm, học hành dốt đặc cán mai, sở dĩ được
làm trưởng xóm là nhờ trên người ta tưởng nhớ đến bố nó. Bố nó còn ít hơn lão
mấy tuổi, ngày trước cũng làm chức trưởng xóm trưởng thôn gì đấy. Bỗng một hôm,
dân làng phát hiện bố nó treo cổ tự tử ở ngay cây đa đầu làng. Chẳng ai hiểu vì
cái gì mà khiến lão phải quyên sinh. Lục trong túi lão, người ta chỉ thấy một
mẩu giấy nhỏ ghi vỏn vẹn năm chữ với một cái dấu ba chấm: “Vì nhân dân quên
mình…”. Lá thư tuyệt mệnh ngắn ngủi ấy của lão ta làm cho mọi người nhức đầu,
nghĩ mãi không ra. Ai cần lão phải quên mình theo kiểu ấy cơ chứ. Về sau, dân
làng rỉ tai nhau truyền đi một cách giải thích khác xem ra cũng có lý. Té ra
trước đó, lão ta ứng cử hội đồng nhân dân xã nhưng bị trượt, dân quên không bầu
lão…
Lão Sướng vừa về đến nhà thì bà Cổn ở xóm Con Lợn tìm đến
có việc. Bà bảo:
- Biết bác ngày nào cũng lên chợ Huyện, tôi sang gửi bác
ngày mai mua hộ mấy cái nón rộng vành về đội ban đêm.
Lão Sướng tròn mắt ngạc nhiên:
- Sao lại phải đội nón ban đêm, sợ phải gió à ?
Bà Cổn chép miệng:
- Nào ai sợ phải gió phải giếc gì. Ma quỷ còn chả sợ nữa
là.
- Thế thì đội nón làm gì? – Lão Sướng rõ ràng chưa hiểu.
Bà Cổn nhả miếng trầu ra cầm trên tay, thong thả giải
thích:
- Chả là dạo này, tối tối các ông ấy hay tụ tập chè chén
trong nhà mụ Goá Len ở xóm Con Mèo. Mấy lần rồi, chẳng hiểu say xỉn đến mức nào
mà lúc về ngang ngõ nhà tôi, các ông ấy phát rồ rủ nhau trèo lên cây nhãn nhà
lão Trạch, mỗi ông leo ra một chạc cây rồi ỉa đái đầy cả xuống đường, có tay
còn nôn thốc, nôn tháo nữa. Bà cháu tôi đi về qua bị dây hết cả quần áo. Xóm
Gà, xóm Vịt cũng có mấy người từng bị cứt rơi xuống đầu như thế. Thành ra bây
giờ, ban đêm có việc ra đường ai cũng phải đội nón. Nào ai biết các ông ấy đang
phát rồ trên cái cây nào để mà đề phòng…
- Thế sao lúc ấy bà không mắng cho họ một trận – lão
Sướng bảo.
Bà Cổn nhìn lão như nhìn một người ngoài hành tinh:
- Bác biết họ là ai rồi mà còn dám nói thế à. Tức mấy
cũng phải ngậm trong miệng. Lôi thôi họ nhân đà say, sai người bắt giải về uỷ
ban thì có mà khốn. Nói thế thôi, chứ chẳng ai lại đi chấp những người say làm
gì.
Thì ra là vậy. Lão Sướng biết ngay việc này đầu têu ở cái
anh bí thư Tưởng. Lão biết anh ta từ hồi còn nhỏ, hắn có thói quen hay ỉa trên
cây, rất mê ỉa trên cây. Nhà anh ta có cây sung lả ra bờ ao, cả nhà quanh năm
trèo lên cây sung ấy ỉa xuống ao để nuôi cá. Sau này lớn lên, anh ta ra gánh
vác việc làng, việc xã, thói quen ấy dần dần không còn. Song con người ta không
biết thế nào mà nói trước được. Nhất là những lúc say xỉn, không làm chủ được ý
nghĩ của mình nữa thì cái bản năng xưa nó lại trỗi dậy chưa biết chừng. Còn
những tay kia, chắc là a dua, nịnh nọt anh bí thư cho có hội, có phường vậy
thôi.
Bà Cổn về lâu rồi mà lão Sướng cứ suy nghĩ vẩn vả mãi về
cái vụ dân làng phải đội nón đi đêm kia. Liên hệ với việc phải đóng phí môi
trường của con bò, trong đầu lão chợt bật lên một ý nghĩ phản kháng ngầm rất
chi là… hả lòng hả dạ. Rằng cứ theo như ý nghĩa của cái phí môi trường kia, thì
đáng lẽ bọn họ phải đóng mỗi người bằng ba bốn suất con bò nhà lão… Song đó chỉ
là ý nghĩ thôi, thế cũng đủ hả lắm rồi, đố bao giờ lão dám nói ra mồm.
Lão Sướng ngủ bù một giấc đến giữa trưa thì thức dậy,
cùng vợ con ăn qua loa mấy bát cơm dưa mắm rồi dắt bò ra cánh đồng chăn, vừa
chăn, lão vừa tranh thủ cắt ít cỏ, hoặc vơ lá lảu về cho con bò ăn đêm. Không
như những dân chuyên nuôi bò thịt, lão tuyệt đối không cho con bò của mình ăn
thức ăn tăng trọng. Thứ ấy tuy có làm cho nó béo tốt, tăng cân. Nhưng chỉ là
béo bệu, rất mau xuống sức, và nhất là không thể kéo nặng được. Chiều về, lão
không quên tắm rửa, kì cọ cho toàn thân nó sạch óng dưới ráng chiều. Lão chăm
chút cho con bò còn hơn cả bản thân lão. Những ngày mùa đông tháng giá, không
đun nước tắm cho nó được thì lão tắm khan. Lão cẩn thận dùng bàn chải, chải kĩ
từng xăng ti mét vuông mình mẩy xuống đến tận bốn chân con bò, không để một mẩu
bùn đất hoặc một con ve nhỏ bé nào bám vào. Được chăm sóc kĩ càng như thế, con
bò của lão lúc nào cũng khoẻ mạnh, béo mượt. Ai trông thấy nó cũng thích mắt,
thèm thuồng.
Lão Sướng là người chỉ sướng ở mỗi cái tên. Đời lão đã
gặp nhiều mất mát, nhất là mất đứt cả hai thằng con trai, đến nỗi vợ lão khóc
lòa cả hai mắt. Hai đứa con dâu trời xui đất khiến thế nào, lại nhất tề rủ nhau
cùng dở người để lão phải nuôi báo cô. May mà lão sắm được cỗ xe với con bò,
lại có việc quanh năm thành ra ngày cũng kiếm được vài cân gạo, đủ cho bốn kiếp
người với một kiếp bò đắp đổi lần hồi. Cuộc đời nhờ vào những cái tẻ nhạt đâm
ra lại có vẻ yên bình, mặc dù sự mất mát đã biến thành những vết sẹo to lớn
biết đi. Lão chẳng còn cái thú nào khác ngoài việc sáng nào cũng thiu thiu đếm
những cái xóc trong giấc mơ từ chợ Huyện về làng. Một… Hai… Ba… Bốn… Năm… Tám
mươi mốt cái lúc đi, lại tám mươi mốt cái lúc về… Cứ như thể trời đã khoán sẵn
những cái xóc ấy cho số phận của lão. Mỗi lần chiếc xe lắc qua lắc lại, mài
người lão mấy cái xuống sàn, chiếc máy đếm đâu đó trong đầu lão lại ghi nhớ cái
số đếm ấy vào một giấc mơ nhẹ nhàng, tới đúng số tám mươi mốt là về đến làng…
Có tiếng người quát tháo dưới đường làm lão Sướng giật
mình, ra khỏi cơn mơ màng. Chiếc xe và con bò của lão đã đột ngột dừng lại,
điều chưa từng xảy ra bao giờ. Lão ngủ quên chăng ? Không thể nào. Giấc mơ vừa
rồi nhắc cho lão biết chắc chắn rằng vừa mới qua cái xóc thứ sáu mươi, còn hai
mươi mốt cái xóc nữa mới về đến làng. Có chuyện gì vừa xảy ra. Lão vội vàng mắt
nhắm mắt mở, lập cập trèo xuống khỏi thùng xe.
Sáu bảy người toàn công an, dân phòng đang quây quanh
chiếc xe và con bò như vừa đội đất chui lên, dẫn đầu là Dần – trưởng công an
xã.
- Con bò của ông vi phạm luật lệ giao thông, gây tai nạn
nghiêm trọng. – Trưởng công an Dần vừa dõng dạc nói với lão Sướng, vừa chỉ tay
sang phía vệ đường, rồi lại chỉ vào gầm chiếc xe.
Lão Sướng nhìn theo cánh tay chỉ của trưởng công an xã.
Bấy giờ lão mới hoảng hồn khi thấy một người đang nằm thu lu, hai tay ôm đầu,
cố rặn ra mấy tiếng rống như bò rống. Con bò thì vẫn im lặng, ngơ ngác không
hiểu những con người hiện hữu đây đang làm cái trò gì. Sau lưng nó, một chiếc
xe máy Trung Quốc nằm chắn ngang, vừa vặn chạm hai bánh của nó vào hai bánh của
cỗ xe bò, khéo như có người khiêng đặt vào vậy.
Có cái gì không bình thường ở cái gã đang nằm rống bên vệ
đường kia. Chẳng biết nó là con cái nhà ai? Lão Sướng tiến tới chỗ gã, định cúi
xuống nâng nó dậy. Ngay lập tức, một bàn tay túm vai lão kéo lại:
- Yêu cầu ông không được động đến nạn nhân. Đây không
phải việc của ông – tiếng một công an viên.
Lão Sướng còn chưa kịp có phản ứng gì thì trưởng công an
Dần đã nhanh nhẹn phân công:
- Tính mạng nhân dân là quan trọng. Hai đồng chí khẩn
trương chở nạn nhân đi trạm xá cấp cứu. Một đồng chí đo đạc, đánh dấu hiện
trường. Còn lại theo tôi áp tải chủ xe cùng tang vật về trụ sở uỷ ban để giải
quyết.
Cả người, xe và con bò cùng bị dong về trụ sở uỷ ban. Lão
Sướng bị tống vào một căn phòng cuối dãy nhà ngang, có một công an viên ngồi
canh ngoài cửa, chờ lập biên bản, khám nghiệm hiện trường. Hồi lâu sau, trưởng
công an Dần cho dẫn lão lên, đặt trước mặt lão một xấp biên bản đã thảo sẵn.
Trưởng công an xã vừa đọc, vừa giải thích vào tai lão:
- Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, con bò của ông
lưu thông lấn sang phần đường dành cho chiều ngược lại. Theo luật, ông bị phạt
hai trăm ngàn đồng, giữ phương tiện (cả con bò và chiếc xe) hai mươi ngày. Đề
nghị ông kí vào biên bản thay cho con bò.
Sự việc đã hai năm rõ mười. Lão Sướng có muốn cãi cũng
không được, đành cầm bút nguệch ngoạc vào tờ biên bản, mặt mũi tái xanh như tàu
lá. Trưởng công an xã chờ cho lão kí xong xuôi, mới nói tiếp:
- Riêng vụ tai nạn gây ra cho người và chiếc xe kia,
chúng tôi còn chờ kết quả giám định phương tiện, xác minh thương tật thì mới
tính toán được mức bồi thường. Vì vậy chúng tôi buộc phải giữ ông lại uỷ ban để
chờ giải quyết.
Lão Sướng nghe đến đó thì hoảng lạnh cả sống lưng. Bấy
giờ lý trí của lão mới có vẻ dần dần được khôi phục. Lão cất giọng xin xỏ:
- Xin các ông chiếu cố hoàn cảnh tôi là gia đình liệt sĩ…
- Tôi biết, tôi biết! – Trưởng công an xã vội ngắt lời –
Chính vì thế trong biên bản không ghi ông là người vi phạm luật giao thông,
cũng không ghi ông là người gây ra tai nạn, mà tất cả là do con bò. Thậm chí
lúc tai nạn xảy ra, ông còn đang ngủ khì nữa kìa. Có điều ông là chủ của con bò
thì phải bồi thường thay cho nó là lẽ đương nhiên. Chúng tôi giải quyết bất cứ
việc gì cũng nghĩ đến tình trước, lý sau…
Lão Sướng nhìn con bò đang bị buộc dưới trời nắng chang
chang mà đứt từng khúc ruột. Khuôn mặt già nua, đầy nếp nhăn của lão ràn rụa
nước mắt. Đến trưa thì bà vợ lòa của lão được báo đã mang cỏ lên cho con bò,
mang cả cơm cho lão. Lão cố trệu trạo nhai, cố nghèn nghẹn nuốt những miếng cơm
trộn lẫn nước mắt, nhơn nhớt như được chan bằng canh rau đay, rau mồng tơi.
Quá trưa thì Chấn – phó công an xã mò tới. Lão Sướng mừng
rỡ như bắt được vàng, đầu lão loé lên một tia hy vọng. Lão vội vã thều thào:
- Cháu xem có cách nào cứu con bò, cứu chú với Chấn ơi !
Phó công an Chấn cố làm ra vẻ thiểu não, ngồi xuống bên
lão bảo:
- Gay lắm chú ạ. Con bò lưu thông trái đường, phạt hai
trăm thì chịu rồi, giữ hai mươi ngày thì cháu có thể xin giảm bớt được. Song
còn cái vụ bồi thường kia, nghe nói bị gãy hai dẻ xương sườn. Chưa biết họ đòi
bao nhiêu.
Khoảng giữa buổi chiều, trưởng công an Dần lại cho dẫn
lão lên. Dần thông báo luôn:
- Báo để ông mừng. Tai nạn không gây nguy hiểm đến tính
mạng. Nạn nhân chỉ bị gãy hai dẻ xương sườn. Chiếc xe cũng đã có kết quả giám
định hư hỏng. Đây là yêu cầu bồi thường của người bị hại, công an chúng tôi để
hai bên tự giải quyết với nhau. Nếu phía bên kia đồng ý bãi nại, chúng tôi sẽ
cho ông về.
Lão Sướng ù cả tai khi nghe đến số tiền phải bồi thường.
Năm triệu cho tiền thuốc men, bốn triệu sửa chữa chiếc xe máy Trung Quốc. Cộng
cả tiền phạt là chín triệu hai. Đời lão chưa bao giờ có món tiền to đến thế,
gần bằng ba con bò… Lão luống cuống đến mức lăn đùng ra khỏi ghế, chẳng biết
phải trả lời thế nào. Trưởng công an xã hất hàm, hai công an viên phải túm lão
dậy, dìu xuống căn phòng lúc nãy để lão nằm mà nghĩ cho bình tĩnh.
Xâm xẩm tối, phó công an Chấn đến dúi vào tay lão cái
bánh bao rồi bảo:
- Cháu năn nỉ mãi, họ mới đồng ý không đòi tiền tiếc gì
cả, chỉ phải đền con bò cho họ là xong xuôi chú ạ. Thôi thì cũng là cái vận cái
hạn, đó là cái giá rẻ nhất, ngoài ra không còn cách nào khác. Chú cứ suy nghĩ
đi. Nếu chịu mất con bò thì lập tức cháu bảo họ thả chú về nhà…
Mất con bò ? Lão Sướng chưa bao giờ dám nghĩ đến điều đó.
Mất con bò là mất đứt nguồn sống duy nhất của cả nhà lão. Vợ chồng già và hai
đứa báo cô kia chỉ còn cách dắt nhau lên chợ Huyện ăn xin. Lão đau quá, ân hận
quá. Giá lão đừng có cái thú mơ màng đếm những cái xóc kia, mà điều khiển con
bò cho cẩn thận. Từ nay, dù có muốn lão cũng không còn cơ hội được đếm những
cái xóc ấy trong giấc mơ nữa rồi. Bò ơi! Con trai ơi! cha có lỗi với các con,
có lỗi với số phận của cha, của cả ba người đàn bà đang sống kiếp đời thừa kia…
Bây giờ còn biết làm thế nào ? Lão chợt nhớ hôm nọ ở chợ, có một bà già trỏ lão
mà bảo: “ông năm nay cẩn thận kẻo gặp phải hạn to…”. Đời lão chẳng bao giờ tin
vào sự bói toán, huống chi năm nay lão đã ngoài bẩy mươi, các cụ ngày trước bảo
đó là cái tuổi hết trạch, quỷ thần đã tha rồi, còn phải kiêng kị gì nữa. Rốt
cuộc lão vẫn gặp hạn ở cái xóc thứ sáu mươi…
Sáng sớm hôm sau, khi phó công an Chấn mở cửa phòng thì
lão Sướng đã rũ ra như một tấm giẻ rách, khuôn mặt nhăn nhúm đen sạm lại, ngô
nghê y hệt hai đứa con dâu lão lúc lên cơn. Biện pháp giữ người quả nhiên có
tác dụng. Phó công an Chấn vồn vã:
- Chú đồng ý rồi chứ ? Vậy chú điểm chỉ vào tờ giấy này,
rồi cháu bảo họ đưa chú về nhà.
Lão Sướng có còn con đường nào để mà chọn nữa đâu. Vả
lại, lý trí của lão đã kịp chia tay với lão từ đêm hôm qua rồi. Một con bò, chứ
mười con bò đối với lão bây giờ cũng thế. Sân uỷ ban hôm nay nhộn nhịp khác
thường. Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể… tề tựu không sót một ai. Tiếng
trưởng công an Dần oang oang gọi người này, quát người kia, phân công công việc
túi bụi. Bản thông báo về vụ tai nạn có kí tên, đóng dấu của trưởng công an xã
dán la liệt khắp nơi. Con bò của lão Sướng đã được dắt ra cột ở giữa sân. Trước
mặt nó là một chiếc búa tạ và một cái chậu to tổ bố. Có mấy người cởi trần
trùng trục, bắp thịt cuồn cuộn đang huơ lên những con dao bầu sáng loáng.
Lão Sướng như người mộng du bước qua chỗ con bò. Nó bị bỏ
đói suốt đêm qua, giờ đang cố rống lên những tiếng rống cuối cùng, những tiếng
rống âm u đã bắt đầu nhuốm mùi tanh tanh của địa ngục. Lão cụp mắt, không dám
nhìn thẳng vào nó nữa. Cứ như thế, lão lầm lũi bước đi, hai bên là hai anh dân
phòng có nhiệm vụ hộ vệ lão về đến tận nhà. Đang đi, chợt nghe phía sau có một
tiếng “bộp” khô khốc, ngay sau đó là một cái gì vừa đổ vật xuống. Tiếng rống đã
im bặt. Đất dưới chân như bị rung lên, tiếng “bộp” kia vừa giáng vào gáy con
bò, hay là giáng vào gáy lão. Lão Sướng tối sầm mắt lại, giơ hai tay lên trời
rồi lảo đảo khuỵu xuống. Sau lưng lão, sân uỷ ban tưng bừng không khí đình đám,
bấy giờ mới thực sự diễn ra một đám mổ bò.
Đám mổ bò hôm ấy náo nhiệt đến tận trưa. Sau khi chia
phần đâu đấy, bộ lòng bò vĩ đại được chế biến tại chỗ cho những người lâu nay
vất vả vì việc dân, việc xã liên hoan chè chén với nhau suốt cả buổi chiều, lại
còn say sưa ca hát đến tận nửa đêm…
Mờ sáng hôm sau, trên con đường quen thuộc từ làng lên
chợ Huyện, người ta thấy có bốn bóng người lầm lũi dắt nhau đi. Không ai khác,
chính là lão Sướng, bà vợ lòa và hai đứa con dâu dở hơi. Bốn người cùng túm vào
một đoạn dây thừng do lão Sướng nắm một đầu dây. Lão dẫn họ lên chợ để đổi sang
kiếp ăn xin. Nhưng lão còn phải đếm lại một lần cuối cùng, không phải trong
giấc mơ, lần lượt tám mươi mốt cái xóc này nữa, thì mới tới được cái đích ăn
xin của kiếp mình, kiếp vợ lão, và hai đứa con dâu báo cô của lão…
2005
P. L. V.
Nguồn: vanchuongviet.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét