Nhãn

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn lâm và Viện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại*(Tiếp theo)



Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn lâmViện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại*(Tiếp theo)

       Lê Mạnh Chiến


Tuy website chính thức  của Viện hàn lâm khoa học Nga không nhắc đến  ngạch thành viên nươc ngoài, coi như nó không tồn tại, nhưng, bài viết về Viện hàn lâm khoa học Nga trong  từ điển Wikipedia tiếng Ạnh thì có nhắc đến một chút. Điều đó chứng tỏ rằng, đối với Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên Xô), thành viên nước ngoài (иностранный член, foreign member) chỉ là thành viên hình thức, có ý nghĩa hết sức phù phiếm, mờ nhạt, đương nhiên  không thể là viện sĩ. Chưa cần xét đến thành tích và uy tín trong khoa học, chỉ riêng vấn đề quốc tịch đã không cho phép người nước ngoài trở thành viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên xô). Thành viên thông tấn (члены-корреспондент, corresponding member) của  Viện hàn lâm khoa học Liên Xô  (hoặc Nga) có tư cách thành viên thấp hơn viện sĩ, đương nhiên, không phải là viênhj sĩ nhưng có thể coi như “viện sĩ dự bị”.

        Viện hàn lâm Pháp (Académie franÕaise) vốn là ”ngôi đền” để tôn vinh các vĩ nhân của nước Pháp cho nên chỉ có ngạch thành viên chính thức tức là các viện sĩ chứ không có các ngạch  thấp hơn. Nhưng ở các Viện hàn lâm khác thì thường vẫn có vài ngạch thành viên, trong đó, ngạch cao nhất là thành viên chính thức, tiếng Pháp gọi là membre titulaire (nhưng người ta thường viết  là membre mà không cần có chữ titulaire) mới là viện sĩ (tức là académicien).
       Hai tiếng “viện sĩ” hiện nay nghe rất quen tai nhưng hình như cũng mới xuất hiện ở Việt Nam chừng nửa thế kỷ. Trong quyển Hán- Việt từ điển của Đào Duy Anh không có từ này. Giở quyển Pháp – Việt từ điển, xem chữ Académicien, thấy cụ Đào viết:  Académicien: 1. Nhà triết học về phái Platon; 2. Hội viên của Quốc gia học hội; hội viên tòa Hàn lâm nước Pháp. Lại xem tiếp các quyển từ điển Pháp – Việt    Việt – Pháp của Đào Văn Tập hay của  Đào Đăng Vĩ  in ở Sài Gòn hồi những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, cũng không thể tìm thấy chữ  “viện sĩ”.
        Giở mấy  quyển từ điển của Trung Quốc hiện có trên giá sách của tôi như  Cổ kim Hán ngữ từ điển, Cổ kim Hán ngữ thực dụng từ điển hay Tân hiện đại Hán ngữ từ điển (kiêm tác Anh-Hán từ điển)  thì thấy quyển nào cũng có từ “viện sĩ”, với  lời diễn giải giống nhau. Quyển  Tân hiện đại...viết:  院士 (viện sĩ): academician; nhân viên nghiên cứu cao cấp nhất của các bộ phận thuộc viện khoa học ở một số quốc gia. Tôi cho rằng, định nghĩa như vậy là chính xác.
       Tiếp tục tìm hiểu thêm thì biết rằng, ở Trung Quốc lâu nay không hề sử dụng tên gọi “viện hàn lâm” để chỉ các viện khoa học, nhưng  họ vẫn có các viện sĩ. Hiện tại, ở nước này có hai loại viện sĩ có uy vọng ngang nhau, đó là: Viện sĩ  Viện khoa học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences, CAS)và Viện sĩ Viện công trình Trung Quốc (Chinese Academy of Engineering, CAE), gọi tắt là Viện sĩ Trung khoa viện Viện sĩ Trung công viện. Người Trung Hoa bắt đầu    viện sĩ  từ năm 1948.


2. Tên gọi “Viện sĩ” phải đi kèm với tên của Viện hàn lâm (hay Viện nghiên cứu)

Như quý vị độc giả đã thấy, nước Pháp có chừng một chục viện học thuật được gọi là Académie..., tức là có chừng một chục viện hàn lâm khác nhau, không thể lẫn lộn. Do đó, không thể  có một ngạch viện sĩ chung chung, mà phải phân biệt viện sĩ của Viện hàn lâm X hay của  Viện hàm lâm  Y. Ở Pháp, Académie franÕaise (mà ta gọi là Viện hàn lâm Pháp).là Académie nổi tiếng nhất, chỉ cần nói đến l’Académie là người ta nghĩ ngay đến Académie franÕaise, cũng như ở Việt Nam hay ở Liên xô trước đây, hễ nói đến đảng thì có nghĩa là nói đên đảng Cộng sản.Do đó, từ Académicien (hoặc Membre de l’Académie) nghĩa là viện sĩ của một viện hàn lâm, nhưng  khi nó được sử dụng một mình thì có nghĩa là viện sĩ Viện hàn lâm Pháp (đúng như cụ Đào Duy Anh đã giảng), cũng như ở nước ta, khi nói “ông A là đảng viên” thì  đã có nghĩa rằng, ông ấy là đảng viên của  đảng Cộng sản Việt Nam, ngay cả khi đảng Dân chủ và đãng Xã hội đang tồn tại cũng vậy. Nhưng  ta không thể nói bà Hillary Clinton là đảng viên, mà phải nói rằng, bà Hillary Clinton là đảng viên của đảng Dân chủ ở Mỹ.
 Ở Trung  Quốc, cả Trung khoa viện (Viện khoa học Trung Quốc) và Trung công viện (Viện công trình Trung Quốc) đều chưa có cái nào nổi trội hơn hẳn, cho nên không thể nói đến  viện sĩ A hay viện sĩ B, mà phải phân biệt viện sĩ Trung khoa viện với viện sĩ Trung công viện.
 Trong tiếng Nga, chữ  aкадемик  (akademik, tương đương với académicien trong tiếng Pháp và academician trong tiếng Anh) có nghĩa là thành viên chính thức của một Академия. Cũng tương tự như ở Pháp, ở Liên Xô (và ở Nga hiện nay) có rất  nhiều Академия, tức là rất nhiều Viện hàn lầm, nhưng vì Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Viện hàn lâm khoa học Nga) quá nổi tiếng và  quen thuộc với mọi người trên đất nước ấy, cho nên, chữ akademik mà không kèm theo định ngữ nào  nữa thì có  nghĩa là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, tương tự như từ “đảng viên” ở Việt Nam hiện nay có nghĩa là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Viện sĩ của các viện hàn lâm khác thì phài ghi rõ là akademik của viện nào, nếu nhận là akademik mà không có định ngữ kèm theo (khiến mọi người hiểu là viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Liên xô) thì điều đó được coi là một sự gian dối.
   Sở dĩ phải nhấn mạnh mấy chữ thành viên chính thức là vì, ở Liên Xô trước đây và ở Nga ngày nay cũng như ở các nước khác còn có các ngạch thành viên không chính thức của viện hàn lâm, không phải là viện sĩ, như chúng tôi đã nói ở trên.
                                                                   
III. Những nhầm lẫn tai hại trong việc sử dụng tên gọi “viện sĩ”
1.      Sử dụng không đúng theo thông lệ của tiếng Việt

     Như chúng tôi đã nói ở trên, Viện hàn lâm nào cũng có tên rõ ràng  và viện sĩ của các Viện ấy được phân biệt với nhau theo tên của từng Viện. Vị thế của một người mang danh hiệu viện sĩ luôn luôn gắn liền với hình ảnh quá khứ và hiện tại của Viện mà ông ta được bầu làm viện sĩ. Bởi vậy, khi nói đến một viện sĩ thì phải nêu rõ là viện sĩ của viện nào, ở nước nào. Ví dụ, nhà bác học Pháp Jules Hoffmann trong những năm 1992 – 2011 là Membre de l’Académie des sciences (viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp), cũng đã quá sang trọng, nhưng từ ngày 01/3/2012, ông trở thành Membre de l’Académie (mất các chữ des sciences, nghĩa là các khoa học) tức là viện sĩ Viện hàn lâm Pháp, đứng vào hàng “bất tử” của nước Pháp. Bây giờ,  nếu ai đó không chịu bỏ bớt các chữ des sciencescho ông thì có nghĩa là đã hạ thấp địa vị của ông. Ngược lại, giả sử trước tháng  3/2012, nếu ông Jules Hoffmann để cho anh thư ký “bỏ quên” các chữ des sciences thì điều đó đồng nghĩa với sự dối trá. 
      Hàng ngày chúng ta thấy  báo chí  và tivi nhắc đến viện sĩ Nguyễn, viện sĩ Trần, viện sĩ Phan, các viện sĩ X, Y, Z, v.v. Cái danh hiệu viện sĩ ấy không xuất phát từ Việt Nam (vì nhà nước Việt Nam chưa phong tặng danh hiệu viện sĩ cho các nghiên cứu viên cao cấp nhất của một viện nào cả),  mà là do họ mang từ nước ngoài về, từ nhiều nước khác nhau. Vậy mà họ đều được gọi bằng cùng một cái tên là viện sĩ. Như thế thật là không ổn. Thử hình dung một tình huống như sau.. Có 5 ông là Phan A, Trần B, Nguyễn C, và X, Y, mỗi ông đi đến một nước. Ông Nguyễn C  sang Nga  rồi gia nhập đảng Nước Nga thống nhất, ông Trần B sang Nhật rồi vào đảng Dân chủ - Tự do (LDP), ông Phan A sang Pháp rồi gia nhập đảng Cộng sản Pháp, các ông X và Y thì sang Mỹ, vào đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Nói tóm lại là ông nào cũng trở thành đảng viên của một đảng nào đó ở mỗi nước. Khi về Việt Nam, tất cả các ông ấy có thể  tự xưng là đảng viên hay không?. Tuy mỗi ông đều là đảng viên của một đảng nào đó nhưng tiếng Việt không thể  chấp nhận cách xưng hô như vậy. Các ông  ấy nhất thiết  phải ghi rõ: Phan A - đảng viên đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn C – đảng viên đảng nước Nga thống nhất, v.v.
        Đối với danh hiệu viện sĩ cũng tương tự như vậy. Nếu  quả  thật các GS Phan A, GS Trần B, GS Nguyễn C , v.v.  đã trở thành viện sĩ của các Viện nào đó ở các nước kể trên thì họ cũng phải ghi danh vị của mình giống như mẫu kê khai đảng tịch vừa kể. Đương nhiên là hai chữ viện sĩ không thể đứng trước họ-tên của các ông. Chỉ khi nào ở Việt Nam có một Viện hàn lâm, hoặc một Viện nào đó rất nổi tiếng mà toàn dân đều biết như đảng Cộng sản Việt Nam vậy, rồi nhà nước Việt Nam  ra quyết nghị phong tặng danh hiệu viện sĩ  cho họ, khi dó, các GS kia mới đĩnh đạc ghi danh của mình  là VS Phan A, Viện sĩ  Trần B, VS Nguyễn C, v.v. Cũng xin nhắc rằng, lúc ấy các ông  nên vứt cái chữ GS đi, bởi vì VS sang trọng hơn rất nhiều. Ai cũng biết rằng, những người có chức vụ cao hoặc tước vị cao, người nào  mà chẳng trải qua những chức vụ, những tước vị thấp hơn, lẽ nào cứ phải ghi hết hoặc gần hết các chức vị ấy.. Các vị akademik ở Nga chẳng bao giờ ghi thêm danh hiệu giáo sư cả, bởi vì ở đó  có hàng vạn  giáo sư,  nhưng số akademik (viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô) lúc cao nhất chỉ hơn 300 người.

2. Sai lệch quá lớn giữa danh vị thật và danh vị được quảng bá.

        Báo chí và đài phát thanh, truyền hinh ở nước ta đã từng đưa tin và nhiều lần nhắc đến việc các giáo sư A, B, C nào đó được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên xô (hoặc Nga). Cùng một ông, có nơi ghi là viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (hoặc Nga), có nơi lại ghi là viện sĩ nước ngoài của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (hoặc Nga). Hiên tượng đó chứng tỏ rằng, những người đưa tin (hay cả những người được tặng danh hiệu?) chưa hiểu quy chế về ngạch bậc đối với các thành viên của Viện hàn lâm khoa học này. Họ tưởng rằng, thành viên của Viện hàn lâm thì ắt là viện sĩ. Nhưng sự thực thì không phải như vậy. Chúng tôi đã nói khá kỹ về điều này ở tiểu mục 1. của phần II trên kia.
         Tra cứu trong danh sách viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên xô và Viện hàn lâm khoa học Nga, chúng ta không thể tìm thấy tên một người Việt Nam nào cả. Thực ra, sự tra cứu  ấy là một việc không cần làm, vì yêu cầu về  quốc tịch đã quy định không thể có người nước ngoài trở thành viện sĩ của Viện hàn lâm này.  Nhưng trong danh sách các thành viên nước ngoài của Viện hàn lâm khoa học Nga (gồm cả từ thời Liên Xô) thì có tên 5 người Việt Nam  Hiển nhiên, họ không phải  là viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên Xô) như lâu nay chúng ta đã gọi nhầm, hiểu lầm. Họ là thành viên nước ngoài của Viện hàn lâm ấy. Đối với người  Nga, hình ảnh  của các thành viên này hết sức mờ nhạt, chỉ có tính chất hình thức, ngoại giao, đến nỗi  từ điển  Wikipedia tiếng  Nga không hề nhắc đến họ, coi như họ không tồn tại. Lâu nay, ở nước ta, họ vẫn tự xưng hoặc được mọi người  xưng tụng là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (hoặc Nga). Bất cứ nơi nào có tên của  họ, bao giờ  cũng có các chữ VS hoặc viện sĩ  đứng ở phía trước, víí dụ: VS Nguyễn C..hoặc Viện sĩ Trần B. Viết như vậy là đã phạm hai lỗi. Thứ nhất là lỗi về tiếng Việt, vì ở nước ta., từ “viện sĩ” chưa có nghĩa cụ thể như từ “đảng viên”, cho nên, viết như thế thì không ai biết là viện sĩ gì.. Thứ hai là, ông  Nguyễn C hay ông Trần B ấy không phải là viện sĩ Viên hàn lâm khoa học nào cả. Để không phạm phải  hai lỗi ấy thì phải viết như sau: Nguyễn Văn X, thành viên nước ngoài của Viện hàn lâm khoa học Nga.
         Trong thời kỳ mà Liên Xô còn tồn tại, hầu hết các nước XHCN ở Đông Âu cũng đều có Viện hàn lâm khoa học sao chép theo mẫu của Liên Xô. Bởi vậy, nếu có người Việt Nam nào đó đã từng được báo chí trong nước gọi là viện sĩ của nước này nước nọ thì cũng giống như trường hợp ở  Liên Xô vậy..


                                Phần thứ hai

3. Cuộc tuyên truyền rầm rộ cho một mỹ hiệu hão huyền

      Đầu tháng 7/2011, hàng loạt báo chí nước ta rầm rộ đưa tin GS Phan Huy Lê được vinh danh là viện sĩ Viện hàn lâm Pháp. Bản tin của Nhà xuất bản Tri thức (ngày 11/7/20110) có tiêu đề GS Phan Huy Lê trở thành viện sĩ Viện hàn lâm Pháp. Trong các cuộc hội nghị và các cuộc liên hoan, ăn mừng, chúc tụng, mọi người đều khẳng định rằng từ  nay  GS Phan Huy Lê đã trở thành viện sĩ Viện hàn lâm Pháp. Lúc đó, tôi thấy nét mặt ông thật hồn nhiên đầy vẻ đắc thắng, mãn nguyện, rạng rỡ tươi cười đón nhận mỹ hiệu cao quý ấy. Mọi người hết sức cung  kính và thán phục, cảm thấy tự hào khi đứng trước một viện sĩ Viện hàn lâm Pháp. Ngót năm thế kỷ vừa qua, chỉ những đại trí thức kiệt xuất nhất của nước Pháp may ra mới được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Pháp (Membre de l’Académie franÕaise), và họ được gọi là những người “bất tử” (Immortels) của nước Pháp, được dân chúng nước Pháp tôn thờ muôn đời. Thế mà từ nay, một người Việt Nam quê ở xứ Nghệ  được vinh dự đứng trong hàng ngũ ấy. Thật là một niềm hãnh diện ngút trời đến với mọi người dân đất Việt.
 Người viết bài này phải nén nỗi bàng hoàng, cố đọc kỹ  các bản tin để cho rõ.sự tình. Không tìm thấy một bản tin tiếng Pháp nào đưa tin về sự kiện này. Nhưng, báo điện tử của  Đảng Cộng sản Việt Nam 16//07/2011  đã đưa tin như sau: 
 Giáo sư Phan Huy Lê  - Niềm tự hào của nền sử học nước nhà
(ĐCSVN) - Lần đầu tiên có một người của ngành Khoa học xã hội Việt Nam trở thành Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp. Vinh dự này thuộc về Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê khi ông vừa được Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (thuộc Học viện Pháp quốc) bầu là Viện sĩ Thông tấn. Điều này không những khẳng định những đóng góp to lớn, tài năng và uy tín của GS Phan Huy Lê mà còn là niềm vinh dự lớn lao của giới sử học nước nhà, khẳng định vị thế của khoa học lịch sử Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Niềm tự hào của giới sử học

Đầu tháng 7-2011, tên tuổi của GS Phan Huy Lê một lần nữa trở thành niềm tự hào của học trò, đồng nghiệp trong nước và quốc tế, bởi ông là người đầu tiên của ngành Khoa học xã hội Việt Nam có được vinh dự trở thành Viện sĩ hàn lâm Pháp. Điều này không những khẳng định những đóng góp to lớn, tài năng và uy tín của GS Phan Huy Lê mà còn là sự tôn vinh nền sử học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. GS, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người đồng hương, đồng môn và đồng nghiệp của GS. Phan Huy Lê khẳng định: Đây là một tin rất vui, tin mừng vì đây không chỉ là tôn vinh cá nhân mà là tôn vinh cả nền sử học của nước ta trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Theo tôi, với việc GS Phan Huy Lê được bầu vào Viện hàn lâm Pháp như vậy tạo điều kiện cho giới khoa học- xã hội VN nói chung và giới sử học nói riêng có điều kiện thuận lợi, có cơ hội để đặt quan hệ rộng rãi với sử học thế giới và trên cơ sở đó chúng ta đi vào thời kỳ hội nhập và phát triển thuận lợi hơn..
      Bản tin này in đậm dòng chữ  - Lần đầu tiên có một người của ngành Khoa học xã hội Việt Nam trở thành Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp – một Viện hàn lâm có uy tín hàng đầu trên thế giới, tiếng Pháp gọi là L’Académie franÕaise.  Nhưng,  tiếp đó, lại viết rằng, GS Phan Huy Lê  là viện sĩ thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn (tiếng Pháp là Académie des Inscriptions et Belles-Letres mà cụ Đào Duy Anh dịch là Viện Bi ký  và Mỹ văn). Tiếp theo, bản tin lại khẳng định  rằng ông là người đầu tiên của ngành Khoa học xã hội Việt Nam có được vinh dự trở thành Viện sĩ hàn lâm Pháp, rồi GS Đinh Xuân Lâm cũng nhắc lại rằng, GS Phan Huy Lê được bầu vào Viện hàn lâm Pháp. Cứ xem danh sách đầy  đủ các viện sĩ  Viện hàn lâm Pháp từ khi thành lập đến năm 2012 thì biết rằng, đã xẩy ra một sự nhầm lẫn nghiêm trọng và kéo dài. Dẫu tụt xuống thành  viện sĩ thông tấn của  Viện Bi ký  và Mỹ văn, tôi vẫn cứ băn khoăn,  bởi vì, tôi nhớ rằng, không ở đâu có chức danh viện sĩ thông tấn nước ngoài, mà chỉ có thành viên thông tấn (члены-корреспонденты) ở Nga mang quốc tịch Nga.. Để kiểm tra lại trí nhớ của  mình, tôi tìm đọc bài viết về Académie des Inscriptions et Belles-Letres trong Wikipedia tiếng Pháp. Văn bản này được chỉnh lý lần cuối cùng vào ngày 02/9/2012, trong đó không có một chữ nào nói đến membre-correspondant hoặc correspondant của Viện này. Tôi lại tìm đọc Liste des membres de l'Académie des inscriptions et belles-lettres de l'Institut de France.tức là  Danh sách các thành viện của Viện Bi ký và Mỹ văn ở Pháp, nơi mà các báo đưa tin là GS Phan Huy Lê được bầu làm viện sĩ thông tấn nước ngoài.
        Theo danh sách này, từ khi thành lập (năm 1663) đến  ngày 02/9/2012, cả thảy  có 670 vị  là thành viên người Pháp (viện sĩ), trong đó có ghi rõ chức vụ, nghề nghiệp, lĩnh vực nghiên cứu, năm sinh, năm mất, năm được bầu làm viện sĩ. Năm 2011, Viện đã bầu 3 viện sĩ là FranÕois Déroche (sinh năm 1954), Jean Guilaine (sinh năm 1936) và Véroniquee Schiltz (sinh năm 1942). Năm 2012, Viện cũng bầu  3 viện sĩ là Pierre  Gros (sinh năm 1939), Jehan Desanges (sinh năm 1929) và  Jacques Verger (sinh năm 1943).
        Bên cạnh danh sách này, còn kèm theo danh sách Associés(chúng tôi tạm dịch là các cộng sự viên, hay thành viên cộng sự),Associés libres (cộng sự viên tự do) và Associés  étrangers (cộng sự viên nước ngoài).Tất cả các danh sách này đều  không có tên GS Phan Huy Lê. Trong danh sách Associés  étrangers, chúng tôi thấy có tên ông Norodom Sihamoni, đương kim Quốc vương  Căm-pu-chia (sinh năm 1953, được bầu chọn từ năm 2008).
        Cần nhớ rằng, từ năm 1663 đến nay, Viện này đã 4 lân thay đổi tên và 5 lần thay đổi quy chế về thành viên, trước đây có khi gồm vài ngạch viện sĩ và vài ngạch cộng sự viên. Hiện nay, có một ngạch viện sĩ người  Pháp và một ngạch thành viên cộng sự, người nước ngoài.
         Như vây, GS Phan Huy Lê không có tên trong danh sách các viện sĩ và các cộng sự viên (associés)  của Académie des Inscriptions et Belles –Lettres. Vì không có ngạch thành viên thông tấn nên không có gì bám víu để  từ đó có thể cố ý dịch sai, biến ông thành viện sĩ thông tấn. rồi nhích dần lên viện sĩ.
        Để tìm cho rõ danh vị của GS Phan Huy Lê trong Viện hàn lâm Bi ký và Mỹ văn,  tôi phải tìm website chính thức  (Official website) của viện này tại  địa chí:  http://www.aibl.fr/?lang=fr), Tìm đến  trang chủ của Website này, click vào mục MEMBRES (hoặc tìm trực tiếp tại địa chỉ: http://www.aibl.fr/membres/?lang=fr thì sẽ thấy một trang nói rõ về các ngạch thành viên, như sau:
Membres       L’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres se compose de cinquante-cinq académiciens  de nationalité française et de quarante associés étrangers. Elle comprend également cinquante correspondants français et cinquante correspondants étrangers. 
   L’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres réunit en son sein des personnalités de qualification exceptionnelle, hautement représentatives. Les académiciens sont des savants élus à vie par leurs pairs en raison de la qualité de leurs travaux dans les disciplines relevant de la compétence de l’Académie (archéologie, histoire, philologie et leurs multiples branches et spécialités), de leur puissance de travail ainsi que de leur renommée internationaleLorsqu’un fauteuil d’académicien est déclaré vacant par suite de décès, l’Académie décide, à la majorité des suffrages exprimés, de l’opportunité de pourvoir à son remplacement ; si tel est le cas, le Bureau propose une date pour
l’élection du nouveau membre, sinon, une nouvelle délibération a lieu sur la question après un délai de six mois. Contrairement à une règle généralement de mise dans le monde académique, il n’y a pas d’appel à candidature à l’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres, chaque académicien ayant la liberté de proposer un candidat dont il fait distribuer les titres et travaux. L’élection a lieu au scrutin secret et à la majorité absolue des académiciens présents.
       Les associés étrangers, élus selon le même principe et souvent membres des Académies les plus prestigieuses de leur pays, sont choisis parmi les maîtres les plus éminents à travers le monde. Quant aux correspondants, ils assurent un rôle de relais de l’information scientifique auprès de l’Académie et participent à sa vie et à ses travaux ; choisis par les académiciens, ils constituent un vivier de personnalités de premier plan parmi lesquelles l’Académie a pris l’habitude de recruter souvent ses nouveaux membres.          


Dịch sang tiếng Việt::

    Các thành viên (của Viện hàn lâm Bi ký và Mỹ văn)

     Viện HL Bi ký và Mỹ văn gồm có 55 viện sĩ (académiciens) có quốc tịch Pháp và 40 cộng sự viên nước ngoài. Nó còn bao gồm 50 thông tín viên (corresondants) người Pháp và 50 thông tín viên  nước ngoài.
      Viện HL Bi ký và Mỹ văn tập hợp các nhân vật đạt trình độ nghiệp vụ ngoại hạng  có tính đại diên cao. Các viện sĩ là những nhà bác học được những người đồng đẳng bầu suốt đời do phẩm chất của những công trình của họ trong các bộ môn thuộc thẩm  quyền của Viện (khảo cổ học, lịch sử,  ngữ văn học, cùng nhiều ngành và nhiều chuyên khoa của chúng), do năng lực làm việc và thanh danh quốc tế  của họ.
       Khi một chiếc ghế bành  (fauteuil) viện sĩ  được tuyên bố là khuyết vì chủ nhân đã qua đời, Viện sẽ  theo đa số những ý kiến được bày tỏ để quyết định cơ hội bổ nhiệm người thay thế; trong trường hợp đó, Văn phòng sẽ đề nghị một ngày để bầu thành viên mới, nếu không, thì phải có một cuộc thảo luận về vấn đề này sau thời hạn sáu tháng. Khác với quy tắc thường được áp dụng trong giời học thuật, không có việc kêu gọi ứng cử vào Viện Bi ký và Mỹ văn, mỗi viện sĩ được tự do đề cử một ứng cử viên, giới thiệu các chức vị và các công trình  của người ấy. Việc bầu chọn được thực hiện bằng cách bỏ phiểu kín và theo đa số tuyệt đối của các viện sĩ  có mặt.
      Các cộng sự viên nước ngoài, được bầu theo đúng nguyên tắc như vậy, và thường là viện sĩ của các Viện có uy tín nhất ở nước họ, được chọn trong số những bậc thầy nổi tiếng nhất trên thế giới. Còn về các thông tín viên (correspondant), họ giữ vai trò trạm thông tin khoa học  bên cạnh Viện HL Bi ký và Mỹ văn  và tham gia sinh hoạt cùng các công việc của Viện; họ được các viện sĩ bầu  chọn, họ hợp thành một nhóm nhân vật quen thuộc hàng đầu để từ đó, Viện  tuyển chọn các thành viên mới, theo thói  quen thường  có.   (LMC dịch)                                                                                                                                
       Qua đoạn văn trên đây, chúng ta biết rằng, các cộng sự viên nước ngoài (Associés étrangers) là những nhà bác học lớn có tầm cỡ ngang hàng với các viện sĩ người Pháp, nhưng họ không có danh hiệu viện sĩ vì họ không mang quốc tịch Pháp. Nếu gọi họ là “viện sĩ nước ngoài” thì  chưa đúng về ngôn từ, vì người Pháp không gọi họ như vậy, nhưng đúng về thực chất. Còn các correspondant,  phâỉ dịch chính xác là  thông tín viên, hay người truyền tin vì họ được xác định là các trạm thông tin khoa học bên cạnh Viện HL Bi ký và Mỹ văn. So với viện sĩ, họ có cương vị thấp hơn rất nhiều, họ cũng không được bầu suốt đời (thông tín viên Francisco Rico, người Tây Ban Nha mà GS Phan đã thay thế, sinh năm 1942, vẫn đang sống). Họ cũng không phải là những ứng cử viên sẵn có để chờ khi có viện sĩ qua đời thì sẽ được chọn lựa. GS Phan Huy Lê được chọn làm người truyền tin nước ngoài  ngày 27/5/2011 cùng với 7 người khác. Trước đó một năm rưỡi, ngày 06/11/2009, Viện này cũng đã thay  8 người truyền tin nước ngoài và  8 người truyền tin trong nước.

     Mời quý vị độc giả xem  văn bản của Viện Hàn lâm Bi ký và Mỹ văn về việc chỉ định GS Phan Huy Lê làm thông tín viên nước ngoài (correspondant étranger)
Dịch sang tiếng Việt:
                                                   PHAN HUY Lê
Hiệp sĩ Lá cọ hàn lâm (Nghĩa là  “Người được tặng huân chương Văn hóa – Giáo dục hạng 3, hạng thấp nhất, tặng cho giảng viên có trên 15 tuổi nghề  - LMC ), Sinh tại Thạch –Châu (Việt Nam), 23 tháng hai 1934, Nhà Đông phương học, chuyên gia về lịch sử nông thôn, lịch sử văn hóa và  lịch sử, quân sự của Việt Nam, Chủ tịch Hội sử học Việt Nam.            
Được chỉ định làm thông tín viên nước ngoài (correspondant étranger) từ ngày 27 tháng  5 năm 2011 để thay cho Francisco Rico.

(còn nữa)
L.M.C

* Bài còn có tiêu đề khác: Cùng luận bàn về Viện Hàn lâm và danh hiệu viện sĩ của ông Phan Huy Lê
Nguồn:
- Tạp chí Nghiên cứu và phát triển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét