Nhãn

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

răm năm ly hợp, cuốn sử biên niên về dòng họ Lê Khắc




Trăm năm ly hợp, cuốn sử biên niên về dòng họ Lê Khắc
         (Tham luận  đọc tại cuộc tọa đàm Trăm năm ly hợp - Lê Khắc gia phả chí do Câu lạc bộ văn chương Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng ngày 20 tháng 2 năm 2014 tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội)

Đặng Văn Sinh


N
ói một cách hình ảnh, “Trăm năm ly hợp”* là cuốn biên niên sử về một dòng họ nổi tiếng ở vùng đất Cố đô được viết một cách công phu dưới dạng văn chương. Những công trình biên khảo như thế này, trong mấy chục năm qua  gần như vắng bóng trên thị trường sách. Nguyên nhân vì sao thật ra không khó trả lời. Do bị ý thức hệ chi phối, một thời kỳ khá dài chủ thuyết chính thống chỉ chấp nhận loại hình văn học viết về Tổ quốc, về dân tộc theo khuynh hướng hiện thực của hệ mỹ học Xô viết. Những gì thuộc về gia đình, dòng họ,  nếu không mang yếu tố “Con người mới Xã hội chủ nghĩa” hiển nhiên bị xếp vào phạm trù “chủ nghĩa cá nhân”. Nhà văn không  có quyền lập ngôn, trước tác một cách tùy hứng.
Vì thế, có thể xem “Trăm năm ly hợp” là trường hợp hy hữu, lần đầu tiên, một cuốn sách viết về lai lịch dòng họ xuyên suốt chiều dài lịch sử cả trăm năm với bao nhiêu “tang thương ngẫu lục” cần được nghiên cứu chẳng những dưới góc độ khoa học mà còn phải xem xét dưới dạng văn học như là một hiện tượng.
Về bố cục, “Trăm năm ly hợp” được cấu trúc với 20 chương và một vĩ thanh. Các chương, nhìn chung đều được khai triển theo trình tự thời gian tuyến tính, tuy đôi lúc có sử dụng lối cắt đoạn, hồi tưởng nhưng nói chung vẫn  là phương pháp cổ điển, chính tắc, trong đó có những chương buồn thảm làm không ít người đọc xúc động, thậm chí rơi nước mắt. Cùng với thủ pháp diễn đạt ý tưởng theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang, tiêu đề các chương cũng rất gây ấn tượng bằng một mệnh đề giầu chất thơ nhưng lại bao quát được toàn bộ  nội dung sẽ giải trình ngay sau đó: “Con đàn cháu đống tan tác ly hương” (Chương một), “Xương tàn vùi đất tổ” (Chương hai), “Oan hồn nguôi hận” (Chương ba), “Dấn thân” (Chương bốn), “Họa vô đơn chí” (Chương năm), ”Một người mẹ chưa được vinh phong” (Chương sáu), “Tích đức thanh liêm, nối dòng thuần hậu” (Chương bảy), “Từ sấm ngữ Trạng Trình tới thành ngữ Miền Bắc nhận hàng/ Miền Nam nhận họ” (Chương chín), “Thế hệ vàng trong lửa đỏ ly hợp” (Chương mười ba), “Văn Lương nhân từ noi Đức Tổ” (Chương mười bốn), “Đôi cánh thảo hiền từ bầu trời ngoại tộc” (Chương mười sáu), “Hai cô gái tộc Lê luân lạc” (Chương mười chín), “Nước về nguồn hòa hợp” (Chương hai mươi) v.v…
Đặng Văn Sinh và Trần Nhương tại cuộc tọa đàm

Các nhân vật nổi tiếng của dòng họ được Lê Khắc Hoan đưa vào tác phẩm khá phong phú xuyên suốt chiều dài lịch sử, bao quát cả một không gian rộng lớn, đôi khi trùng khít với lịch sử dân tộc. Một trong số những bậc tiền bối nhiều lần ông nhắc đến là Cao tằng tổ khảo Văn Sơn tức ngài Lê Cát,  Bố chính sứ Thanh Hóa từ đầu thế kỷ XIX, được xem như người mở ra chi phái Lê Khắc nơi mảnh đất miền Trung với vô vàn vinh quang nhưng cũng không ít niềm cay đắng.
Tuy nhiên, xét đến cùng, trọng tâm của “Trăm năm ly hợp” vẫn là khoảng thời gian hơn sáu mươi năm kể từ tháng tám 1945 đến năm 2012, khi mà nhà văn đặt dấu chấm hết cho cuốn sách. Đây là thời kỳ lịch sử đặc trưng của dân tộc Việt với vô vàn những biến động chính trị, xã hội mà điểm nhấn của nó là cuộc chiến tranh vệ quốc và tiếp sau là cuộc chiến ý thức hệ, tạo nên những hệ lụy, những khủng hoảng cũng như những thay đổi các thang giá trị trong nền văn hóa cộng đồng.  Nội hàm tác phẩm được mở rộng như là một cuốn truyện ký trên cơ sở những dữ liệu lịch sử được vận dụng, chuyển hóa qua góc nhìn của một người từng  làm báo lâu năm với vốn kinh nghiệm phong phú và một tầm văn hóa dày dặn để phân tích, đánh giá một cách khách quan, trung thực. Từ mẫu số chung đó, tác giả không ngại đụng chạm đến hàng loạt những sự kiện lịch sử cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu thấu đáo như cuộc chiến xung đột ý thức hệ,  hai cuộc thiên di của dân tộc Việt trên quy mô lớn vào năm 1954 và sau năm 1975 khiến hàng triệu người ly hương, những bất cập của nền kinh tề kế hoạch hóa kéo dài dẫn đến tình trạng đất nước suy thoái hay sự kỳ thị của bên thắng cuộc với những người bại trận trong chính sách hòa hợp dân tộc .
Số phận dân tộc và số phận dòng họ có mối quan hệ hai chiều, không thể tách rời. Cho nên, viết về lịch sử của một dòng họ nào đó, thật ra cũng chính là viết về lịch sử dân tộc. Trong lĩnh vực này, Lê Khăc Hoan (nay đã bước sang tuổi 78), cũng chính là nhân vật Văn Trí trong “Trăm năm ly hợp”, là nhà văn đầy tâm huyết, có trách nhiệm và lòng quả cảm, trước hết, vì sự trường tồn của dòng họ, và sau nữa, là để tri ân các bậc tiên hiền đã cho ra đời hàng ngàn công dân họ Lê Khắc góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Từ đó, tác giả biết kết hợp một cách khéo léo tư liệu lịch sử dòng họ (qua những ghi chép biên niên), qua quá trình sưu tầm dữ liệu từng thế thứ, từng chi phái, từng gia đình, cùng các mối quan hệ giữa các cá thể, đặt trong dòng chảy thời gian  rồi khắc họa chân dung những nhân vật điển hình.
    Với cách làm từ khái quát đến chi tiết, từ xa đến gần, hầu như ở mỗi chương, tác giả đều có được những đoạn viết rất thuyết phục về  số phận chìm nổi của một gia đình hay một cá thể nào đó của dòng họ Lê Khắc. Lời kể về những nhân vật điển hình này lúc thì hào sảng như một khúc tráng ca, lúc lại đau đớn xót xa bởi bi kịch nhân sinh thời tao loạn hay đơn giản chỉ là nạn nhân của những định kiến sai lầm ấu trĩ một thời của những người cầm cân nảy mực. Những cuộc dâu bể ấy, vô hình chung, đã làm cho nhiều cuộc đời tan nát, nhiều gia đình ly tán, thậm chí phiêu bạt tứ phương, sang cả xứ người kiếm sống. Tuy nhiên, con cháu cụ Tuần Văn Xuyên, cụ Phủ  Văn Phố không bao giờ tiêu tan hy vọng. Họ là những hậu duệ của một dòng tộc danh gia thế phiệt, ngã xuống rồi lại đứng lên, ngẩng cao đầu, nhân cách sáng ngời, lập thân dương danh, làm vẻ vang cho tiên tổ.
Câu chuyện cả ba tiểu thư, ái nữ của quan Thượng đều lần lượt về làm vợ ngài Văn Phố Lê Khắc Thứ rồi sinh ra mấy chục người con cả trai lẫn gái, thuộc loại “xưa nay hiếm” như một giai thoại  được tác giả viết bằng lối kể chuyện dân gian, đâu đó vẫn thấp thoáng yếu tố hài hước. Ba chị em lấy một chồng nhưng ông Phủ vẫn xử lý các mối quan hệ vốn luôn được xem là “nhạy cảm” này “trong ấm ngoài êm” thật sự là một kỳ tích, bởi từ xưa đến nay, “hậu cung” luôn là chuyện đau đầu của các đức lang quân đa thê. Chi tiết bà Quận chúa già đến khóc trước quan tài con rể rồi kể lể khúc nhôi với người quá cố như một màn bi hài kịch mà “vai kép” chính vừa rời cõi dương gian, biết đâu cũng sẽ được ngậm cười nơi chín suối. Cuộc trở về Văn Xá của Dì Ba Nguyễn Thị Điện và em Khôi qua lời kể chậm rãi, trầm lắng, nhưng dường như phía sau nó dồn nén lớp lớp những đợt sóng ngầm làm người đọc bàng hoàng bởi cái chết tức tưởi của hai mẹ con. Băng rừng, lội suối, giặc càn, đói khát hàng tháng trời không chết, nhưng họ lại chết ngay trên mảnh đất quê hương bởi sự vô cảm của một ông quan Cách mạng vừa được học vỡ lòng về đấu tranh giai cấp.
  “Xương tàn vùi đất tổ” là một trong bốn chương đau buồn nhất của cuốn sách được mở đầu bằng câu văn nặng trĩu :” Hai người con, trai thanh gái lịch, xinh đẹp tài giỏi nhất của Mạ, là chị Lê Khắc Giáng Nghê và anh Lê Khắc Tình đã nằm lại trên đất Thanh”(trang 23). Hai  chị em vĩnh viễn ra đi không phải vì bom đạn kẻ thù mà bởi những căn bệnh hiểm nghèo do đời sống vùng hậu phương Thanh Hóa quá khó khăn. Chị Giáng Nghê chết vì băng huyết khi cháu bé chưa kịp chào đời, còn anh Khắc Tình nhiễm bệnh lao không có thuốc đặc trị. Song hành với việc kể về cái chết của những người thân, ở chương này, đôi khi nhà văn còn sử dụng phương pháp bình luận ngoại đề, bày tỏ quan điểm của mình về những sự kiện lịch sử với tư cách là nhân chứng. Suy ngẫm về đất tổ xứ Thanh thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, ông viết: “Thanh Hóa được coi như hậu phương. Người trong khu Bốn dồn ra, người ngoài khu Ba kéo vào. Trí thức và văn nghệ sĩ xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau đã rời thành thị, hăng hái đi kháng chiến theo tiếng gọi của độc lập tự do và tư tưởng dân chủ. Vùng đất tổ “bốn triều vua hai triều chúa” trở thành trung tâm văn hóa, tập trung những trí thức hàng đầu, giáo sư lừng danh, văn nghệ sĩ tên tuổi. Ở đây lại là địa bàn của tướng Nguyễn Sơn, tư lệnh Khu Bốn, tài năng quân sự đi đôi với biệt nhãn ưu ái trọng thị trí thức và văn nghệ sĩ. Đây là mảnh đất màu mỡ nẩy sinh hàng loạt tác phẩm trường tồn như bài thơ bất hủ Màu tím hoa sim của Hữu Loan hay các ca khúc Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy, Sơn nữ ca của Trần Hoàn...”(trang 24). Khi tư tưởng Mao Trạch Đông bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam sau Chiến dịch biên giới, ông nhận xét: “Kịp đến năm 1949, cộng quân Mao Trạch Đông đánh quốc quân Tưởng Giới Thạch chạy dạt ra đảo Đài Loan. Năm 1950, biên giới Việt - Trung khai thông sau chiến dịch Cao Bắc Lạng. Chủ nghĩa Mao như luồng gió cực độc được thể tràn vào Việt Nam gây xáo động khối đại đoàn kết toàn dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp. Cuộc sống âm ỉ va đập tự bên trong các lớp người, từng con người. Tư tưởng ý thức cọ xát quyết liệt. Trí thức bị gán cái nhãn “tạch-tạch-xè” (tiểu tư sản), bị ép buộc phải tẩy não, lột xác bằng những cuộc chỉnh huấn thô bạo. Một số không ít đã ly khai kháng chiến, chạy ngược vào vùng Pháp chiếm đóng, như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương…”(trang 24).
Có thể xem “Trăm năm ly hợp” là  tập đại thành của những số phận con người trước sóng gió cuộc đời. Ở đó không hiếm những bi kịch mang tầm vóc nhân loại như bà mạ Nguyễn Thị Lâm, là tiểu thư vọng tộc mà lặn lội cả một đời lam lũ nuôi đàn con đông đúc, trừ hai người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, còn đều thành đạt, trong đó có đến 9 người là nhà giáo. Tuy không được vinh phong nhưng mạ xứng đáng là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Chiến loạn kéo theo vô vàn đau thương tang tóc. Sự chia lìa cốt nhục dẫn đến chuyện loạn luân anh em ruột lấy lẫn nhau cũng đã xẩy ra với dòng họ Lê Khắc cho dù chỉ là vô tình. Và đây là có lẽ là khúc bi thương nhất của cuốn biên niên sử gia tộc này: “… Sự thực nổ ra kinh hoàng. Ba mẹ con rụng rời, ôm nhau khóc. Tiến thoái lưỡng nan. Phút chót, Báu thú thiệt đã mang thai. Giọng mẹ thốt rắn đanh: thôi đã thế thì cứ thế. Ý mẹ đã quyết. Giọt nước anh giọt nước em tách đôi trôi dạt biết bao bờ bến còn tìm ra nhau, hòa vào nhau. Không cưỡng được mệnh trời! Các con trước sau gì cũng là con của mẹ. Cháu nội hay cháu ngoại cũng là cháu của mẹ. Ở ngoài này xứ Thanh xứ Bắc nào ai biết gốc gác mẹ con ta. Thôi cũng đành. Cả nhà mình rồi đây không quay về Huế nữa”(trang 91-92). Chưa hết, những nhiễu động thời cuộc tạo nên vô vàn cú va đập tàn khốc đã làm tổn thương không ít nhân tài Lê Khắc, chỉ một chút sảy chân bỗng chốc thành thân bại danh liệt bởi thời tiết chính trị. Ở Chương mười ba, Lê Khắc Hoan dùng phương pháp đối sánh giữa hai anh em Lê Khắc Hiền và Lê Khắc Thành. Trong khi Hiền lận đận lắm mới lên được quân hàm đại tá, thì Thành thăng tiến như diều gặp gió. Ấy vậy mà chỉ vì bày tỏ quan điểm bảo lưu ý kiến về “Vụ án Xét lại hiện đại”, từ một giảng viên chính trị cao cấp,  anh bịến thành kẻ chăn bò, cuối cùng bị kỷ luật buộc thôi việc, sống cuộc đời nghèo túng rồi bị đột quỵ, qua đời.
Qua cuốn biên khảo, người đọc nhận ra dòng họ Lê khắc luôn mang trong mình dòng máu quật cường của cha ông, bất chấp mọi hoàn cảnh vẫn phấn đấu thành tài, trong đó không ít người giành được địa vị cao trong xã hội. Bác sĩ Lê Khắc Quyến con trai ông Lê Khắc Tuệ (người thành lập đồn điền Văn Lương) trong Chương mười bốn (Văn Lương nhân từ noi Đức Tổ) và Lê Thị Kim Thu trong Chương mười chín (Hai cô gái tộc Lê luân lạc) là những minh chứng hùng hồn cho nhận định trên. Bác sĩ Quyến là một thầy thuốc giỏi, suốt đời nêu cao tấm gương y đức, không màng phú quý, đến nỗi Tổng thống Ngô Đình Diệm phải đến tận nhà cảm ơn vì ông chữa khỏi bệnh cho Cụ cố bà.  Cũng vì nghĩa thầy trò và lòng nhân ái, ông Đốc Quyến chấp nhận vào nhà lao Tòa Khâm chỉ vì đã cưu mang những sinh viên y khoa trong vụ khủng bố của gia đình họ Ngô. Sau khi bác sĩ qua đời. Lê Khắc Hoan dẫn ra những lời nhận xét của người đồng hương Quế Chi: “… Bác sĩ Quyến luôn chứng tỏ tài năng và đức độ đáng kính của một người trí thức thời loạn. Trong bất cứ cương vị nào: Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế, Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế, Giám đốc bệnh viện Sùng Chính, Sài Gòn, bác sĩ Quyến luôn được sự kính nể của đồng nghiệp, sự thương quý của học trò và nhân viên, sự tri ân của bệnh nhân...” (trích trang 291). Còn chính tác giả thì viết: “Trong con mắt dân chúng miền Nam, Lê Khắc Quyến là một trí thức yêu nước, một thầy thuốc thương dân, một bậc thầy của ngành Y có công đào tạo bồi dưỡng hàng loạt bác sĩ giỏi… Quyến là thế. Không được một chính thể nào thật bụng tin dùng, mà được nhân dân thành ý tin yêu! Cho nên, sau khi Quyến qua đời mấy chục năm, cứ vào dịp “Ngày thầy thuốc Việt Nam”, bàn luận về y đức, “lương y như từ mẫu”, các bác sĩ tên tuổi lại nhắc tới tấm gương sáng “khám bệnh không lấy tiền” của những Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, và Lê Khắc Quyến…”(trang 291). Lê Thị Kim Thu con gái Lê Khắc Tình, cha mẹ mất sớm, Thu phải lưu lạc lên Tuyên Quang, trải qua trăm cay nghìn đắng, có lúc ngỡ không thể qua khỏi cơn bĩ cực, nhưng may sao được người cha dượng vốn là bộ đội có tấm lòng nhân hậu nuôi cho ăn học. Cô gái họ Lê tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, trở thành nhà giáo, nhà báo rồi nhà văn, có tác phẩm  được giải thưởng văn chương, cuối cùng trở về cố hương nhận tổ quy tông, kết thúc gần trọn một đời luân lạc.
Thật ra, “Trăm năm ly hợp” là một cuốn sách khó định danh thể loại. Nó là sự kết hợp giữa lối viết biên niên sử với thể loại truyện ký mang phong cách sử thi trên cơ sở dữ liệu có thật. Cái tạo nên sự hấp dẫn chính là chuỗi số phận các nhân vật được dẫn dắt theo trình tự thời gian đồng thời đặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc sau hơn nửa thế kỷ tao loạn. Một yếu tố quan trọng nữa dẫn đến sự thành công chính là cách bố cục tác phẩm qua việc sắp xếp các chương, dàn dựng sự kiện, nhân vật, thời gian, không gian, bao gồm cả hoàn cảnh,  tâm trạng, sự may rủi cũng như những tác động của hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở từng giai đoạn.
Viết “Trăm năm ly hợp”, Lê Khắc Hoan, dường như tự xem mình là người thư ký trung thành ghi chép lịch sử dòng họ, nên ông luôn có cái nhìn bao quát, công bằng và nhân ái đối mỗi sự kiện, mỗi diễn biến thời cuộc có tác động tích cực hay tiêu cực đến số phận nhân vật. Cho dù thất bại hay thành công của mỗi thành viên họ Lê Khắc trên khắp mọi miền đất nước, nhà văn đều tìm được nguyên nhân để lý giải tương đối thỏa đáng, mà không kết luận võ đoán, vì thế luôn tránh được sự cực đoan khi tìm hiểu đến những góc khuất, những chi tiết còn mù mờ của lịch sử.
“Trăm năm ly hợp” là câu chuyện về một dòng họ nhưng cũng là một phần lịch sử dân tộc dưới góc nhìn của một nhà báo, nhà văn từng trải và giầu bản lĩnh. Ở đó, bạn đọc sẽ nhận ra thái độ và nhân cách của người cầm bút trước số phận thăng trầm của hàng loạt con em họ Lê Khắc, với tư cách là nhân chứng của thời kỳ lịch sử đầy bi tráng kéo dài hơn nửa thế kỷ.

                                               
          Chí Linh, 18/02/2014

                    Đ.V.S.


·                          Trăm năm ly hợp  là cuốn sách biên khảo về dòng họ Lê Khắc của nhà văn Lê Khắc Hoan, NXB Lao động, ấn hành năm 2013

Ng ày mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét