TIẾNG NÓI UYÊN, KHA TRƯỚC TÒA, LỜI CẢNH TỈNH CUỐI CÙNG CHO ĐẢNG CSVN
Nhà thơ Hoàng Hưng
Chắc tôi không cần nói nhiều về sự phi pháp, phi nghĩa, phản dân phản nước, và cũng thật ngu xuẩn của những kẻ kết án nặng nề hai em Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên.
Phi pháp phi nghĩa vì không thể hạch tội hai em “chống ĐCS”, đơn giản vì không có tội danh này trong luật của chính nhà nước VN, vì không thể đồng nhất ĐCS với Nhà nước hay Dân tộc.
Phản dân phản nước lại còn ngu xuẩn: vì cáo trạng đã hạch tội Phương Uyên “nói những điều không hay về TQ” tức là công khai thú nhận cái bóng khổng lồ của thiên triều Trung Cộng đã đè bẹp luật pháp VN, công khai thú nhận bản án này là của một lũ bề tôi nhằm chuộc lỗi với thiên tử.
Truyền đơn của Uyên viết bằng máu |
Ngu hơn nữa, vì không có sự nhạy bén chính trị để hiểu rằng bản án dành cho Kha, Uyên hôm nay chính là gáo nước lạnh cuối cùng cho tàn lửa hy vọng trong lòng những người VN yêu nước vẫn đang chờ đợi ĐCS có ý thức thực thi một lộ trình dân chủ hợp lý, chính là lời tuyên bố bất khoan dung với thế hệ trẻ của đất nước.
Điều tôi muốn bày tỏ, với tất cả lòng yêu thương cảm kích, với niềm hứng khởi và lòng tin vững chắc: phiên toà xử Kha, Uyên là một dấu mốc lịch sử trên con đường đấu tranh dân chủ của VN.Lần đầu tiên, những người rất trẻ, một nữ sinh tuổi 21, một thanh niên lao động tuổi 25, thể hiện ý thức chính trị rõ ràng, nhận thức sắc bén, lòng tin vững vàng trong hành động của mình. Những kẻ toan tính hạ thấp, bôi bẩn việc làm yêu nước của Phương Uyên bằng cách gán cho cô động cơ muốn có cái máy ảnh và vài đồng tiền còm… đã thất bại thảm hại. Kể cả một số vị có lòng muốn giảm án cho cô với lý do cô nhẹ dạ, bồng bột, chắc hôm nay thấy chính mình mới bồng bột vì đã đánh giá thấp thế hệ con em.
Lần đầu tiên, những lời “nhận tội, xin khoan hồng” quen thuộc đưọc ngụy tạo nhờ thủ đoạn khủng bố cộng với lừa phỉnh đã bị hai người rất trẻ lật ngược trước pháp đình bằng lời khẳng định đanh thép “tôi không có tội”, hay “chỉ có một tội là yêu nước”.
Theo nhiều lời tường thuật đáng tin, phát biểu trước toà của Đinh Nguyên Kha thể hiện nhận thức rất chuẩn về luật pháp, hơn nữa, về một vấn đề chính trị căn bản đang nóng hổi trên diễn đàn lề phải cũng như lề trái xung quanh việc sửa đổi Hiến pháp – tính chính danh của ĐCS, quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Dân tộc: "Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội". Lần đầu tiên, chân lý này được dõng dạc tuyên bố công khai từ miệng một người trẻ không vướng ân oán gì với ĐCS, trong khi không ít vị lão thành còn có gì đó lấn cấn.
Nguyễn Phương Uyên thì khẳng khái: “Ông Hồ Chí Minh nói: Một năm bắt đầu từ mùa xuân, con người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tôi là sinh viên có lòng yêu nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Trong câu nói của Uyên, có một chi tiết tưởng nhỏ mà không nhỏ: Lần đầu tiên, tôi nghe một nữ sinh thể hiện ý thức công dân trưởng thành khi gọi nhà lãnh đạo là “ông Hồ Chí Minh” như thông lệ quốc tế văn minh chứ không phải “Bác Hồ” theo lối “gia đình chủ nghĩa” quen thuộc kiểu làng xã, tuy cô vẫn thể hiện sự tôn trọng đúng mức.
Chính nhận thức chính trị vững vàng và sâu sắc đã tạo nên phong thái đàng hoàng, đĩnh đạc, hiên ngang, gương mặt sáng bừng của Kha, Uyên trước một “bày viết thuê và lũ giết thuê” (mượn chữ của Tố Hữu nói về Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường).
Không thể không nhớ đến câu nói của Lý Tự Trọng trước toà án thực dân Pháp: “Tôi chưa đủ tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”. Không thể không nhớ đến nụ cười Võ Thị Thắng trước toà án Sài Gòn.
Chỉ với hai câu nói trước toà, Kha và Uyên đã đi vào lịch sử.
Nếu nhà cầm quyền đã lúng túng và lo sợ vì một tiếng bom Đoàn Văn Vươn, một hành động “tự phát” chỉ vì “con giun xéo lắm cũng quằn”, thì tiếng nói ôn hoà dõng dạc của hai người gái, trai rất trẻ Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên chính là lời cảnh cáo cuối cùng cho chế độ độc tài toàn trị. Bởi vì nói theo chữ của các nhà Marxist, tiếng nói ấy đánh dấu bước chuyển từ “đấu tranh tự phát” sang “tự giác” của những người dân bình thường không cần phải là “nhân sĩ, trí thức” hay “nhà dân chủ” gì hết! Và nội dung đấu tranh đã thể hiện nhận thức chính trị rất sáng rõ, rất rành mạch: Độc lập Dân tộc (cụ thể là chống “Tàu khựa” như chữ của Phương Uyên) từ nay không còn thể gắn với CNXH, tức là với ĐCS (như Đảng vẫn ra sức nhồi sọ), mà ngược lại, phải gắn với nền Dân chủ không có sự toàn trị của ĐCS.
Có chăng điều gì phải trao đổi với hai em, thì chỉ là một đề xuất về phương pháp đấu tranh: Truyền đơn của Kha, Uyên chưa vạch ra được con đường “diễn biến hoà bình” mà nhiều nguời yêu nước, trong đó có bản thân người viết bài này, hy vọng. Nhưng nếu ĐCS vẫn quyết tâm chỉ một con đường cố sống cố chết đàn áp mọi tiếng nói bất đồng, vẫn không chịu hoặc không còn khả năng đoàn kết toàn dân chống ngoại xâm, thì điều gì tất yếu sẽ xảy ra, chắc không cần phải đoán.
Nguồn:: buudoan.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét