Những ngày tị nạn đầu tiên
Nguyễn
Văn Tuấn
Hôm nay, nhân dịp 35 năm kỉ niệm ngày 30/4 và ngày cuối
tuần, tôi nhớ lại những ngày tị nạn đầu tiên trên xứ người. Xin ghi chép vài
hàng để các bạn, nhất là những bạn chưa từng biết cuộc sống tị nạn ra sao, biết
được một thời đau khổ …
Sau 3 ngày đêm lên đênh trên biển, ghe chúng
tôi gồm 23 người cập bến Budi. Budi, sau này tôi mới biết là một làng chài ở
phía nam Thái Lan, giáp biên giới Mã Lai. Budi không phải là lựa chọn của chúng
tôi. Thật ra, lúc ra đi, đâu ai biết ghe mình sẽ đến đâu. Chỉ mong rằng nếu may
mắn thì sẽ đến một vùng đất nào đó thuộc các nước Đông Nam Á có trại tị nạn của
Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) hay được một tàu hàng ngoại quốc thương
tình cứu vớt; còn nếu không may mắn thì sẽ bỏ mạng trên biển. Chúng tôi sẵn
sàng chết. Nhưng ghe chúng tôi may mắn. Khi nhìn thấy đất liền từ xa, tài công
quyết định mở hết ga hai cái máy dầu trực chỉ thẳng đến đó. Chưa đến nơi thì
gặp thuyền đánh cá của người địa phương, họ lấy hết dầu, hết gạo, và dĩ nhiên
là luôn tài sản trên ghe, rồi chỉ đường cho chúng tôi vào bờ. Gần đến bờ thì
ghe hết dầu, và chúng tôi phải lội (nếu ai biết lội) và giúp nhau bồng bế vào
đất liền.
Lên bờ. Mừng hết lớn. Sau 3 ngày đêm trên chiếc
ghe vốn được đóng để đi sông (chứ không đi biển) mà sống sót như thế thì quả là
quá may mắn. Đói. Khát. Nhọc nhằn. Chúng tôi mệt nhừ. Có vài chị khi lên bờ chỉ
biết nằm lăn ra vì đói quá. Nhìn toàn cảnh thật là thảm thương, vì ai cũng mặt
mũi đen sậm (sau mấy ngày phơi nắng biển), quần áo lếch thếch, chẳng có giầy
dép gì cả. Riêng tôi thì chỉ còn cái quần đùi và cái áo sơmi đã biến thành màu
đen sau mấy ngày gần buồng máy.
Lên đến bờ chúng tôi chẳng biết làm gì. Đây là
chiếc ghe tị nạn đầu tiên từ Việt Nam ghé đến làng này, cho nên người
dân trong làng chài cũng chẳng biết làm gì. Thế là họ chạy đi kêu cảnh sát đến
giải quyết. Cảnh sát địa phương đến, và việc đầu tiên là họ tìm một chỗ cho
chúng tôi tá túc. Ở xã đâu có nhà tù nào chứa đến 23 người, cho nên cuối cùng thì
họ sắp xếp cho chúng tôi tạm trú ngoài trời, trong một vườn dừa tại một bờ biển
cách chỗ chúng tôi đổ bộ chỉ chừng vài trăm mét. Vì chúng tôi là nhóm người
Việt đầu tiên đã lạc đến làng chài này, dân làng địa phương tò mò kéo đến vây
quanh kín mít để ... nhìn mặt. Khác với những con người hung bạo mà chúng tôi
gặp trên biển cả, họ là những người dân chài hiền lành, chất phác, luôn có nụ
cười trên môi. Mặc dù khác biệt về ngôn ngữ và trở ngại trong trao đổi bằng
tiếng Anh, dân chúng ở làng này, nói chung, đã đối xử với chúng tôi trong tình
người trong lúc hoạn nạn: khi mới lên bờ, họ mang quần áo, gạo và thức ăn cho
chúng tôi sống qua ngày. Chúng tôi có được 3 cái mùng để ngủ ban đêm.
Tuy nhiên, những ngày đầu cũng xảy ra vài
chuyện cười ra nước mắt. Khi đêm đến, hàng đoàn đàn ông con trai trong làng vận
xà-rông kéo nhau tới ngồi xổm, hai tay chống lên cầm, phì phèo thuốc lá và …
trố mắt nhìn chúng tôi như nhìn những sinh vật xa lạ! Có người còn bạo dạn giở
trò sàm sỡ [hay thân mật] lại gần sờ tay chân đàn bà con gái, gây ra náo loạn
trong nhóm. Đám đàn ông và thanh niên nhận thấy tình thế không mấy an toàn, nên
chúng tôi quyết định phải bảo vệ phái yếu. Ban ngày, một nhóm người đi làm kiếm
gạo, cá và nước mắm, còn một nhóm đàn ông thì ở lại để bảo vệ. Ban đêm, chúng
tôi ngủ vòng ngoài, phụ nữ ngủ vòng trong. Ấy vậy mà đêm thứ hai có một tên nào
đó lại gần đưa tay sờ mó gặp nhằm anh thanh niên kia, anh ta “dằn” cho một trận
và tên đó chạy mất trong đêm tối.
Chúng tôi ở đó gần 1 tuần mà chẳng có ai đến
lấy lời khai. Sau này tôi mới biết là họ chờ nhân viên UNHCR xuống để làm thủ
tục, còn cảnh sát địa phương chỉ quản lí chúng tôi ở đó. Trong khi chờ đợi,
chúng tôi mỗi người đi kiếm việc làm. Mà, trong làng này thì có nhiều việc làm
lắm. Người thì đi gỡ lưới cá cho dân làng, người đi chặt lá dừa (làng này có
rất nhiều dừa), người thì đi đổ bê tông ở làng bên, v.v… Riêng tôi thì có một
gia đình dân chài mướn làm thuê cho họ. Công việc của tôi là đi theo ghe câu
ban đêm, và sáng về thì phụ giúp đem cá mực lên nhà, rồi từ đó họ đem đi bán ở
chợ. Nhớ đêm đầu khi được biết mình sẽ đi chung với người chủ tôi rất lo lắng
và thủ sẵn. Chiếc ghe chỉ có tôi và ông chủ. Hai người không nói được gì với
nhau, ngoài ra dấu tay. Tôi nghe đến mấy vụ hải tặc giết người, nên cũng nghĩ
linh tinh rằng biết đâu ông này muốn thủ tiêu mình. Tôi bày tỏ quan ngại này
với anh em trong tàu, thì mấy người có kinh nghiệm đi biển chỉ cho tôi vài
“mẹo” để sống sót. Họ chỉ cho tôi rằng khi đi biển với ông chủ, trong khi ông
chủ giữ tay máy, tôi lúc nào cũng tìm cách ngồi gần nơi có “vũ khí”, để phòng
ngừa nếu ông ấy ra tay thì tôi sẽ ra tay trước. Có gì thì cả hai cùng chết, chứ
dứt khoát không chết một cách vô duyên được. Nhưng tôi và các bạn tôi quá lo
xa, nghĩ xấu cho người ta, chứ trong thực tế ông chủ rất tốt với tôi. Những
buổi chiều lên ghe ra biển, lúc nào cũng nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Cho đến
nay tôi vẫn nhớ ánh mắt đó. Đi được hai ba đêm, tôi không còn nghi ngờ gì ông
ta nữa. Sau này chúng tôi trở thành thân quen. Thấy tôi không có quần áo, ông
ta cho mấy bộ đồ cũ; có bộ tôi còn giữ cho đến ngày nay, tức 30 năm rồi. Mỗi
ngày, ông ta cho tôi một chai nước mắm, vài gói mì tôm, và vài lít gạo. Tôi đem
những “chiến lợi phẩm” đó về để đóng góp với mấy anh em khác trong cuộc sống
tập thể.
Cũng có khi chúng tôi bị lạm dụng. Thấy đám tị
nạn chúng tôi chẳng có đồng xu dính túi, nên dân làng tìm đến chúng tôi như là
một nguồn lao động rẻ. Có hôm tôi đi với mấy anh bạn khác đi chặt lá dừa. Chao
ôi, vào đến vườn dừa mênh mông của họ, tôi choáng ngộp qui mô trồng dừa ở đây,
và nhìn lại mấy cây dừa trong làng quê mình chẳng có ý nghĩa gì cả. Những cây
dừa rất cao và thẳng thấp, được trồng một cách rất thứ tự, và nhìn toàn cảnh
rất đẹp mắt. Ở đây, họ cho khỉ leo dừa, chứ người khó mà leo những cây dừa cao
như thế. Nhiệm vụ chúng tôi là chặt lá dừa của những cây dừa còn tấp ngang cổ
người. Ui chao, chặt xong một liếp dừa thì bị đàn kiến lửa vàng ở đâu chúng bu
quanh tấn công một trận, ai cũng đau quá cỡ. Nhưng đã nhận việc thì phải làm
cho hết việc. Ấy thế mà một ngày làm việc mỗi người chỉ được có 5 baht và một
chai nước mắm con mực! Biết mình bị lợi dụng dã man, nên không ai trong chúng
tôi đi làm chặt lá dừa nữa.
Trong nhóm chúng tôi có một người mà chúng tôi
quen gọi anh là “Anh Ba Hà Nội”, là một người đặc biệt. Anh Ba người cao ráo,
đẹp trai, ăn nói có duyên, mà rất thân thiện. Tôi không thấy anh ấy có cái
“chất” của người cộng sản mà tôi từng thấy ở miền Nam sau 1975 chút nào cả. Anh em
trong nhóm nói đùa rằng vì anh ấy là “cộng sản Hà Nội”, khác với “cộng sản Hà
Lam Linh”! Anh từng là phóng viên báo chí ở Hà Nội, vào Nam khoảng
1976. Anh gặp “duyên mới” trong Nam ,
và hai anh chị quyết định đi vượt biên. Anh Ba Hà Nội là phóng viên, nên ăn nói
rất hay. Ở anh, không bao giờ hết chuyện, anh kể biết bao nhiêu chuyện anh từng
chứng kiến trong đời làm báo của mình. Toàn những chuyện mà thời đó có thể xem
là “phản động” mà anh thề là có thật. Sau này, đọc báo trong nước tôi mới biết
những gì anh nói về cuộc sống cơ cực thời bao cấp ở miền Bắc là hoàn toàn thật.
Là người lớn lên ở trong Nam ,
tôi không ngờ người ta có thể sống khổ cực như thế.
Trong thời gian ở bờ biển Budi này, chúng tôi
có "hân hạnh" đón tiếp hai chiếc tàu đồng hương khác cập bến. Nhóm
đầu chỉ có 10 người, toàn trai tráng, nguyên là thủy thủ của một công ti hải
sản ở một tỉnh miền Nam
lấy tàu đi vượt biên. Nhóm thứ hai đông hơn, có khoảng 50 người, bị cướp ngoài
khơi đến 3 lần và trôi dạt vào đây. Hoàn cảnh xa quê hương và vì mục tiêu sống
sót trước một vùng đất xa lạ đã làm cho chúng tôi trở thành gần gũi và thân
nhau rất nhanh chóng, chẳng khác gì những người cùng đi chung tàu.
Trong 2 tàu mới, có một người rất đặc biệt, mà
chúng tôi cho đến nay vẫn không biết tên, chỉ hay gọi là “Chú Ba Trung tá”. Sở
dĩ chú có nickname đó là vì chú từng là trung tá không quân trong quân đội
VNCH. Chú cũng là người gốc Bình Định, chẳng biết lúc đó bao nhiêu tuổi, nhưng
tóc bạc gần hết, đi một mình và nghèo "rớt mồng tơi" như tôi, nên
chúng tôi dễ dàng thông cảm nhau. Suốt ngày, chú chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn và
ở trần hùi hụi, rong chơi, tán gẫu, kể chuyện tiếu lâm. Chú Ba Trung tá từng
học ở Mĩ 3 năm, nên chú nói tiếng Anh giỏi. Giọng tiếng Anh của chú rất … Mĩ.
Nghe và nhìn cách chú nói chuyện với các viên chức người Thái mà tôi, với một
trình độ lôm côm về tiếng Anh, phục sát đất, và nghĩ không biết bao giờ mình
mới nói được như chú ấy. Có lần, một người Thái khen chú nói tiếng Anh giỏi,
nhưng chú quay lại cười nói với chúng tôi [trước mặt người khen đó]: "Tao
nói tiếng Anh giọng nước mắm thì nhằm nhò gì, thằng mọi này nó dốt mới khen tao
vậy chớ ..." Tôi nhớ chính xác chú dùng chữ “thằng mọi này”. Tôi thích cái
thái độ tự tin đến nổi trịch thượng của chú đối với người Thái. Nhưng tôi cũng
lo lắng là biết bao giờ tôi mới có khả năng nói tiếng Anh như chú ấy!
Nhờ Chú Ba Trung tá, tất cả 3 nhóm tàu tị nạn
làm thủ tục UNHCR một cách êm xuôi. Sau gần 2 tháng ở Budi, cả 3 nhóm người
chúng tôi được chuyển lên một trại tị nạn qui mô ở tỉnh Songkhla. Tạm biệt
Budi, và nhất là tạm biệt ông chủ của tôi, tôi cảm thấy buồn ơi là buồn. Dù
biết rằng mình không ở đó lâu dài, nhưng khi rời cái làng chài êm ả đã cho tôi
tạm trú những ngày đầu tị nạn vẫn làm tôi thấy buồn. Lúc lên xe rời làng, tôi
tự nguyện trong lòng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại, sẽ cám ơn chân thành người
chủ ghe chài đã cho tôi công việc đầu tiên trên xứ Thái để kiếm tiền, tôi sẽ
cám ơn những người dân làng đã cưu mang chúng tôi một thời gian. Ấy thế mà đến
hôm nay, 30 năm sau, tôi vẫn chưa có dịp về thăm lại cái làng chài đó. Không
biết bây giờ ông chủ tôi còn sống hay đã qua đời, cái nhà sàn của ông bây giờ
ra sao, và nhất là làng chài đó vẫn như thế hay đã thành một resort cho khách
du lịch …
Songkhla là một tỉnh thuộc miền nam Thái Lan
(Songkhla là tên của một hoàng tử Thái). Trại tị nạn Songkhla nằm ngay bên cạnh
bờ biển khá đẹp, được bao bọc bởi một dãy núi phía sau và dĩ nhiên là xung
quanh được rào bằng kẻm gai. Nhà, hay nói đúng hơn là chòi, mọc lên san sát.
Nếu tôi nhớ không lầm, chiều ngang của trại chỉ khoảng 50 thước, chiều dài thì đi
bộ chỉ 15 phút là hết. Ấy thế mà trại này lại là nhà cho trung bình khoảng
5,000 dân tỵ nạn hàng ngày; nghe nói lúc cao điểm, dân số trong trại lên đến cả
10,000 người!
Ngày đầu tiên nhập trại Songkhla, tôi tưởng
mình lạc vào một thành phố ở Việt Nam ! Hai bên đường chật hẹp là hàng
quán bán cơm, phở, hủ tiếu, cà phê, mọc lên đầy rẫy. Phần đông khách hàng là
những chàng trai mặt mũi rất "ngầu", tóc dài chấm vai (nom y như
những người đóng vai du côn trong các phim xã hội đen) phì phèo những điếu
thuốc lá "Samit" hay "555" bên li cà phê đen. Họ cũng là
dân tị nạn như tôi thôi. Phía trong quán thì ồn ào đài loa với những bản nhạc
vàng ảo não, nhạc rock xập xình, nhạc nhà binh hùng tráng, nhạc chống cộng,
v.v... được phát thanh với một âm lượng tối đa, làm đinh tai nhức óc những ai
không may mắn phải đứng trước những cặp loa này. Trên đường lộ dập dìu tài tử
giai nhân son phấn lòe loẹt, vàng đeo lóng lánh, trong những bộ quần áo thời
trang Âu Mĩ đắt tiền đi "dạo phố" như trẩy hội. Tôi ngạc nhiên và tự
hỏi không biết tiền đâu ra mà họ lại có cuộc sống khá sung túc như vậy ở một
trại tạm dung. Nhìn lại mình chỉ có cái quần đùi và cái áo của ông chủ cho trên
người. Vốn được chuyển lên đây từ một làmg quê, tôi cảm thấy mình vừa quê mùa
vừa bơ vơ lạc lõng như một thành phần "outcast" trong "xã
hội" tị nạn này. Nhiều khi đi qua các hàng quán, thỉnh thoảng nghe một
đoạn nhạc do chính Nguyệt Ánh sáng tác và ca:
Ôi me
yêu ơi,
con
lang thang giữa phố đông người;
Tuy
phố đông người,
Nhưng
con lạc loài một bóng đơn côi ...
hay
Nắng
nơi đây vẫn là nắng ấm
Nhưng
ấm sao bằng nắng ấm quê hương
mà
buồn vời vợi ...
Nhưng, qua tìm hiểu tôi mới thấy những phồn
vinh, náo nhiệt kia chẳng khác gì những lớp phấn son được sơn trét lên mặt
những cô gái một cách vội vã để cố tình xóa lấp đi những nỗi ám ảnh của một quá
khứ quá khủng khiếp. Thực vậy, lên đến Songkhla và có dịp nghe những câu chuyện
thương tâm khác của đồng hương, tôi mới thấy chuyến đi của mình còn may mắn
chán. Tôi nghe nhiều câu chuyện về cướp biển vô cùng khủng khiếp, mà chữ nghĩa
có khi không tả hết được những tang thương người Việt Nam mình đã
gánh chịu. Có nhiều trường hợp cả tàu bị thảm sát trên biển cả. Có trường hợp
bọn cướp biển làm nhục phụ nữ ngay trước mặt người thân. Nhiều người bị bệnh
tâm thần khi lên đến trại này. Tôi không nghĩ là mình có thể quên được những
câu chuyện thương tâm của nạn nhân bọn cướp biển Thái Lan. Nếu tôi phải dùng
một từ ngữ mạnh, đó là: không bao giờ quên và cũng không bao giờ tha thứ. Có
thể nói tội ác của người Thái đối với người tỵ nạn Việt Nam sánh tương
đương với bọn Đức Quốc Xã đối với người Do Thái, với bọn Pol Pot với dân
Campuchea. Thế giới đã nghe nhiều về “holocaust”, "killing field"
(cánh đồng chết chóc) nhưng thế giới chưa nghe hay biết nhiều về "killing
sea" (sát hải). Vùng biển Thái Lan là nơi đã từng chôn vùi biết bao thân
xác của đồng hương ta. Sau này, tôi có viết một bài trên báo Sydney Morning
Herald để nhắc thế giới về những thảm cảnh của người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan
trong thập niên 1980s mà tôi gọi là “killing sea”. Bài viết được trao giải
thưởng gì đó (tôi quên) và tôi được tặng 500 đôla Úc!
Bị người ngoại bang sát hại đã là một sự nhục
nhã, nhưng bị chính người tị nạn hành hạ lại còn nhục nhã và đau lòng hơn.
Songkhla là nơi mà tôi đã chứng kiến những hành động xấu xa và dã man của những
người Việt đối với người Việt. Ngày đầu vào trại, ngoài nhóm của chúng tôi đến
từ Budi, còn có nhiều nhóm tị nạn từ các nơi xa xôi khác được chuyển về bằng xe
bus. Từ ngoài cổng, chúng tôi đi vào vào trại chầm chậm theo hàng hai. Hai bên
đường có đầy đồng hương đứng xem và ồn ào như một cái chợ. Người thì dán mắt
tìm xem có thân nhân, bà con của mình mới sang không; người thì dò xét, nhận
diện xem có kẻ thù năm xửa năm xưa nào đến trại hay không. Người có thân nhân
thì nước mắt dàn dụa tay bắt mặt mừng. Người tìm được kẻ thù thì trở thành một
kẻ hung bạo, tàn ác. Hôm tôi nhập trại, có một anh thanh niên nọ bị tố cáo là
"cộng sản", anh ta bị lôi kéo ra khỏi hàng, và bị đánh ngay trên
đường vào trại, trước sự mục kích của người đứng hai bên đường. Thấy không ai
can ngăn và vì không chịu được cảnh tượng như thế, tôi bước ra hàng định cản,
nhưng một trong ba người đang hành hung dí ngón tay vào trán tôi gằn từng tiếng
(mà tôi nhớ y như ngày hôm qua): "Đ M, muốn gì? Mày cũng là cộng sản hả?".
Anh tôi lôi ra ngoài, chứ không thì chắc tôi cũng bị đánh tơi bời ngày hôm đó.
Anh thanh niên đó bị đánh đến nổi không còn đi được, chở vào nhà thương điều
trị, và nghe nói sau này anh bị tật. Đó là lần đầu tiên tôi mục kích cảnh người
đánh người tàn bạo, không thương tiếc như thế. Ngày xưa, chính tôi cũng từng bị
cảnh sát đánh vài dùi cui cảnh cáo, chứ không đến nổi quá tàn nhẫn như vậy.
Sau cú sốc đó, tôi lại bị một cú sốc khác lớn
hơn. Sau khi nhập trại, chúng tôi được dẫn độ vào một hội trường có nhân viên
của Ban Trật Tự người Việt canh giữ chung quanh. Họ đóng cửa chính lại, nhưng
phía ngoài cửa sổ thì có đầy người đứng xem. Mục đích của buổi họp này là nhằm
phổ biến về nội qui sinh hoạt trong trại, nhưng thực tế thì lại là một cuộc
thăm dò tìm kẻ thù, một trò khủng bố tinh thần. Người trên bục giảng là một ông
chức sắc trong ban quản trị của trại và cũng là cựu quân nhân; bằng một giọng
nói Bắc kì nghiêm trọng và vẻ mặt đằng đằng sát khí, ông ta yêu cầu chúng tôi
phải khai báo thành khẩn là đã làm việc gì với chế độ cộng sản. Ông ta nói thêm
rằng nếu không khai thì tình báo của ông ta cũng biết thôi, nhưng khai thì sẽ
được khoan hồng. Tôi rất ngạc nhiên về thủ tục này, vì nghĩ là tất cả lời khai
của mình đều đã được nhân viên Cao ủy Tị nạn LHQ ghi chép ở Budi; thế thì cuộc
khai báo này là khai với ai? Tuy nhiên, tôi nghĩ vì từng làm với chế độ mới một
thời gian, nên cũng định khai báo cho rõ ràng. Nhưng hôm đó, may mắn cho tôi:
một người em họ nhập trại trước tôi vài tháng đang đứng bên cạnh cửa sổ và đưa
tay làm kí hiệu cho tôi biết là đừng khai. Anh Ba Hà Nội ngồi cạnh tôi và có lẽ
có kinh nghiệm hơn tôi về những trò này, cũng khuyên tôi là cứ lờ đi cái
"lí lịch cộng sản" đó. Tôi và anh Ba Hà Nội thoát nạn. Nhưng không
may mắn cho những người khác, trong đó có hai anh bạn của tôi, T và S trong tàu
"Hải sản" từ Budi lên, những người đã thành thật khai báo là có làm
việc sau 1975 như là tài công và thủy thủ. Hai anh bạn tôi, liền sau đó được
"mời" lên Ban Trật Tự "làm việc". Cả hai bị đánh nhừ tử.
Mặt mũi hai anh này bị sưng húp lên, mắt thì bầm, nhưng ánh mắt đầy vẻ hận thù.
Tối hôm đó, tôi nằm ngủ bên cạnh hai anh phía ngoài căn chòi bên cái giếng
nước, nghe anh T thề rằng sẽ có ngày trả thù bọn người mà anh ta cho là
"lũ chó đẻ". Tôi ngao ngán cho số phận tị nạn. Hết bị người Thái hành
hạ, giờ đến bị nhóm người đồng hương tự nhận là "yêu chuộng tự do"
đánh đập. Sau lần T và S bị đánh, có một anh cựu sĩ quan đi chung thuyền với
tôi, lân la tìm chỗ tôi trú ngụ và nói bâng quơ "Tao mà nói ra thì có
thằng còn bị đánh nữa!" Ý anh ta muốn nói tôi và anh Ba Hà Nội. Tôi kinh
tởm cho anh chàng sĩ quan này, vì anh ta là người "đi ké", và bị chê
là hèn khi đi trên ghe và lười lao động khi ở Budi mà giờ này trở mặt mau như
thế!
Có thể nói trại tị nạn Songkhla là một VNCH thu
nhỏ. Nếu ngày xưa VNCH có tổng thống thì trại Songkhla có trưởng trại; ngày xưa
có Bộ Nội vụ thì ngày nay có "Ban Trật tự"; Bộ Thông tin Văn hóa nay
được được "đổi tên" thành "Ban Thông tin Văn hóa"; các anh
quân nhân, sĩ quan VNCH ngày xưa nay trở thành "cựu quân nhân", có
người còn tự cho mình lên chức (xưa là trung úy nay thành đại úy!) Ngày xưa
VNCH có hối lộ và tham nhũng, thì ngày nay ngay trong trại tị nạn, cũng có tham
ô và hối lộ. Có khi cường độ tham nhũng còn trắng trợn và tàn bạo hơn. Theo qui
chế của UNHCR lúc đó, chúng tôi, những người mới nhập trại, đáng lẽ được cấp
cho một cái áo thun, một cái quần, và vài lít gạo để sống. Nhưng nhóm Budi của
chúng tôi chẳng được một món nào. Biết được người em họ nhập trại trước tôi
đang làm trong ban phân phát hàng hóa, tôi hỏi nó tại sao tôi không được phát
gì cả. Thằng em tôi ôm bụng cười ha hả như chưa bao giờ vui hơn, và nói đại ý
là "Ở đây, bọn nó bán hết rồi, anh làm gì có được mấy thứ đó! Anh có tiền
thì mới mua được." Tôi càng ngao ngán hơn và nghĩ chả lẽ mình phải chết
đói ở đây. Nhưng thằng em tôi chạy đi đâu một lúc và mang về ba lít gạo cho anh
em tôi đủ sống ít ngày. Ở trại tị nạn, Ban Bưu Tín cũng là một trung tâm khét
tiếng ăn chận, ăn cắp hay nói đúng hơn là ăn cướp, tiền bạc của người tị nạn.
Có nhiều thư từ và tiền bạc từ nước ngoài chẳng bao giờ tới tay thân nhân trong
trại. Tôi cũng là một nạn nhân của ban Bưu Tín này. Và nếu có tới người thân
thì cũng bị cắt xén, ăn chận. Trong khi các Ban có cơ hội ăn hối lộ, ăn chận
đồng hương thì cũng có ban chuyên hành hạ đồng hương. Ban Trật Tự ở trại có lẽ
là một nhóm người có thể nói là hung thần ác quỉ, là những người tay sai lưu
manh cho bọn người Thái, chuyên khủng bố đồng hương. Họ đánh người một cách
chuyên nghiệp, không nương tay, và vô cùng tàn nhẫn. Có tên còn lập công với
cảnh sát Thái bằng những phương pháp tra tấn "hiện đại", hay thậm chí
dẫn gái cho bọn chủ Thái của chúng hành lạc. Không biết bao nhiêu người tị nạn
vô tội đã là nạn nhân của nhóm người ác độc này. Thù oàn nối tiếp thù oán.
Những người đánh đập đồng hương cũng đi tị nạn ở nước thứ ba, nên một số họ
không may mắn trốn thoát nạn nhân của mình thì bị đánh đập dã man ngay tại Úc,
tại Mĩ; còn số khác thì xa lánh cộng đồng, vì sợ gặp nạn nhân cũ sẽ trả thù.
Nhưng tất cả đã là dĩ vãng. Hôm nay, nhớ lại
những ngày cũ nên viết ra như là một vài “chứng từ” của một thời đau khổ, chứ
chẳng phải trách móc ai. Không thể trả thù bằng sự thù hận. Nói như một hiền
nhân nào đó: nếu mắt trả mắt thì thế giới này chỉ còn lại nhưng kẻ mù. Những
thù hận trong trại tị nạn bây giờ cũng đã qua đi với thời gian và với cuộc sống
ổn định. Nhưng vẫn còn khoảng cách giữa những người Việt trong nước và ngoài
nước. Hi vọng rằng trong tương lai gần, khoảng cách này không còn nữa nếu tất
cả chúng ta đều đặt dân tộc và quyền lợi dân tộc trên và trước những chủ nghĩa
giáo điều phi dân tộc.
NVT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét