Nhãn

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Nguyên khí (kỳ 13)






     NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

  
                 13. VUA LÊ THÁI TÔNG
 
                         Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc
                         Cho hay đường lợi cực quanh co.

                    (Ngôn chí -19 – Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi )

Mùa Thu, tháng bẩy, ngày 27, vua Lê Thái Tông đi tổng duyệt binh mã và kinh lý miền Đông.
Loan giá nhà vua khởi từ điện Phụng Thiên ra bến Đông. Xe kiệu các quan lục tục đi theo. Dân hai bên đường đèn nhang hương án chầu chực từ  mờ sáng để được thấy mặt rồng. Thiên hạ  đồn vua Lê Thái Tông từ khi sinh hoàng tử  Lê Tư Thành đã trở thành đấng quân vương văn võ toàn tài, bước vào tuổi 20 với bốn lần thân chinh tiễu phạt, chưa bao giờ rạng rỡ oai phong như hôm nay. Bộ long bào màu hoàng nguyên, cân  đai nạm ngọc lưu ly, mũ xung thiên, dận hài kỳ  lân, càng khiến nhà vua ngời ngợi anh tú. Các quan văn võ phẩm phục đại lễ, quan văn đội mũ ô sa, quan võ mũ đâu mâu, tua lông đuôi trĩ, ngợp giữa kim qua, phủ, việt, lọng, phướn, tinh kỳ, mao tiết, chương phiến…Từ ngày quan Đô giám Lương Đăng thay điển nhạc, nghi trượng, phẩm phục triều đình, đây là lần đầu tiên dân thành Thăng Long được chào đón một cảnh tượng ngoạn mục đến thế.
Người ta trầm trồ, xúyt xoa, thán phục. Nhưng cũng có kẻ rỉ tai nhau: “Quan Đô giám Lương Đăng đang muốn biến vua quan nước Nam thành một tiểu triều đình Minh thuộc”.
Đoàn thuyền ngự gồm ba lâu thuyền, hai mươi mốt chiến thuyền, cờ súy rợp trời, cơ nào đội ấy sắp hàng tề chỉnh, xuất phát từ bến Đông, ngược sông Nhị Hà, vào sông Thiên Đức rồi xuôi về cửa Lục Đầu.
Tiền quân là chiếc lâu thuyền trên mũi đặt ba khẩu hỏa hổ,do Nhập nội thiếu úy Tổng quản tiền dực thánh quân, Tham tri chính sự Lê Thụ  chỉ huy.
Đại lâu thuyền trung quân, nơi vua ngự, có quan Hành quân Tổng quản tri xa kỵ vệ chư quân sự quản lĩnh Thiết đột hậu dực thánh  quân thái giám ngự tiền lục quân tri ngự tiền võ sĩ ngự tiền trung quân, Thiếu úy Trịnh Khả phò giá. Trong suốt đợt tuần du này, nhiệm vụ của Thiếu úy Trịnh Khả là không lúc nào được rời đức vua.

Lệ thường, những chuyến tuần du của nhà vua, chủ yếu do các võ quan tháp tùng. Riêng chuyến  đi này, vua Lê Thái Tông cho theo một đám đông văn thần, chỉ vì có cuộc viếng thăm  Ức Trai tiên sinh ở Côn Sơn. Hàng văn thần đại quan có Thừa chỉ Viện Hàn lâm Lý Tử  Tấn, Trung Thư lệnh Nguyễn Mộng Tuân, Thị ngự  sử Thị độc Viện hàn lâm Nguyễn Thiên Tích, Nhập nội Hành khiển Trình Thuấn Du, An phủ sứ  Hoan Châu Phan Phu Tiên, Trung thừa Ngự sử đài Phan Thiên Tước, Thái bảo Bùi Quốc Hưng, Thị ngự  sử Triệu Thái, Thẩm hình viện sự kiêm Lễ  bộ Thượng thư Đào Công Soạn, Đồng tri môn hạ tả ty sự Bùi Ư Đài…Đông hơn cả là đám Tiến sĩ khai khoa đầu triều vừa được tấn phong cách đây bốn tháng, gồm Nguyễn Như Đổ, Lương Nhữ Hộc, Trần Văn Huy, Hoàng Sằn Phu, Vũ Lãm, Phạm Cư, Trần Bá Linh, Ngô Sỹ Liên, Nguyễn Duy Tắc, Bùi Hựu, Phạm Như Trung…danh sách tới ba mươi người. Họ là những người trẻ tuổi, kiến văn mới mẻ, phong thái hồn nhiên, không hủ lậu và công thần, có thể làm rường cột cho xã tắc mai sau. Đáng tiếc, cuộc đi này vắng người đỗ đầu khoa thi là Trạng nguyên Nguyễn Trực, vì phải về quê chịu tang cha là Giám thụ Quốc Tử giám Nguyễn Thời Trung vùa bị bệnh mất.
Lại nói về các vị Tiến sĩ khai khoa triều Hậu Lê. Họ là những người đầu tiên được vua Lê Thái Tông lệnh cho khắc tên vào bia đá Văn Miếu - Quốc Tử giám để ghi danh cho muôn đời . Người có bài văn sách hay nhất luận về hiền tài, về phép trị nước của đấng quân vương, xứng đáng được xếp đầu bảng Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhất danh, là Trạng nguyên Nguyễn Trực. Cùng với Đệ nhất giáp Tiến sĩ  cập đệ Đệ nhị danh Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ và Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh, Thám hoa Lương Nhữ Hộc, họ hầu như suýt soát cùng tuổi với nhà vua trẻ, cùng lớp thế hệ sinh ra từ cuộc kháng chiến mười năm gian khổ, được hưởng thụ nền học vấn thời bình, họ không có tư tưởng công thần mà chỉ có chí hướng dựng xây một nền thịnh trị thái bình. Đọc văn sách của họ,biết được hoài bão, ước mơ, lý tưởng của họ, vua Lê Thái Tông mừng lắm. Vậy là nhà vua đã có một lớp quần thần, đồng tuế, đồng chí, đồng tâm. Họ khác hẳn lớp quyền thần cổ hủ, hãnh tiến, tham lam, mưu đồ như bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Trịnh Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư… suốt mười năm qua áp chế, bày đặt, tiếm quyền. Chính vì thế, ngày lễ vinh danh,nhà vua đã thân hành ban mũ áo Trạng nguyên cho Nguyễn Trực, lại ban sắc “Quốc Tử Giám thi thư”, hàm Á liệt khanh, cho dự yến tiệc ở vườn Quỳnh, cho cưỡi ngựa trắng đi dạo quanh kinh thành. Biệt đãi như thế, chứng tỏ đức vua trọng kẻ hiền tài đến mức nào, chứng tỏ cho bá quan văn võ và thần dân biết từ nay Lê Thái Tông đã là một đấng quân vương đủ nhân nghĩa trí tín để nối nghiệp lớn của đức Tiên đế.
Chưa bao giờ kẻ sĩ nức lòng như bây giờ. Khi được biết chuyến đi này nhà vua có  nhã ý ghé thăm Côn Sơn để đón quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi về triều, thì  đám Tiến sĩ càng háo hức gấp bội. Với họ  đó là đặc ân trời biển, là dịp may ngàn năm có một. Bởi Ức Trai tiên sinh trong mắt họ  như sao Bắc đẩu, như bậc thánh nhân không kém gì đức Khổng Phu tử của Trung nguyên.
Tiến sĩ đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Ngô Sỹ Liên, người có tuổi đời cao nhất, xấp xỉ tứ tuần, lại từng làm thư lại trong quân doanh từ thời nghĩa quân Lam Sơn, nói với bọn đồng liêu:
- Chúng ta phải cảm tạ ơn trời đã được sinh ra dưới thời Nghiêu Thuấn mới. Các đệ có  biết Hoàng thượng cho chúng ta tháp tùng Người xuống Côn Sơn để làm gì không?
Bảng nhãn Khiêm Trai Nguyễn Như Đổ, người có  tuổi đời trẻ nhất, kém cả vua Lê Thái Tông một tuổi, vội vòng tay thưa:
- Tại hạ nghĩ, chúng ta sẽ được dự một buổi bình thơ và đàm đạo văn chương. Nghe nói từ ngày về Côn Sơn, Ức Trai tiên sinh trước tác nhiều thơ hay, không kém gì Đỗ Phủ, Lý Bạch…
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Phạm Như Trung nói:
- Quê tại hạ và hai hiền đệ Lê  Hiền, Nguyễn Nguyên Chẩn đều ở Thanh Lâm, Nam Sách, gần Chí Linh, nên thỉnh thoảng bọn tại hạ  vẫn được đến nghe bình văn và  hầu chuyện  Ức Trai. Chuyến phò giá này Hoàng thượng muốn chúng ta tận mắt được thấy cuộc sống thanh đạm và sức làm việc của một bậc đại trí…
Ngô Sỹ Liên nhìn khắp lượt các bậc đàn em, tủm tỉm cười, nét mặt đầy bí hiểm:
- Vậy là các đệ vẫn chỉ mới hiểu  được một phần, mới biết cái vỏ ngoài mà chưa hiểu cái cốt lõi, mới chỉ biết con chim hồng hộc bay cao mà không hiểu nó bay được là nhờ  đâu.Các đệ có nhớ lời Hưng Đạo Đại vương nói với nô tướng Yết Kiêu thế nào không? Người bảo rằng: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ  vào sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ  cánh ấy thì cũng là chim thường thôi”. Ức Trai tiên sinh càng không phải là một người thường. Người đâu có chịu sống ẩn dật thanh nhàn, suốt ngày vui thú với chim muông cây cảnh. Sống ở Côn Sơn mà Người luôn “Bui một tấc lòng ưu ái cũ. Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”, Người vẫn “Còn có một lòng âu việc nước. Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung”. Ngô Sỹ Liên tôi có cơ may là đã từng được hầu Tiên đế, được làm việc dưới trướng quan Nhập nội Hành khiển nhiều năm, nên phần nào hiểu được cốt cách của Người. Còn nhớ ngày Vạn Thọ thánh tiết, đức vua mở yến tiệc tại vườn thượng uyển, Ức Trai đưa phu nhân đến chúc mừng và có ý xin nhà vua về trí sỹ ở Côn Sơn. Các đệ biết nhà vua nói với  Ức Trai tiên sinh thế nào không? Người bảo:“ Quan Thừa chỉ hãy về Côn Sơn một mình. Đây là nơi yên tĩnh để Ức Trai có thời gian hoàn tất lại bộ Quốc luật mà Tiên đế ta đã ký thác. Ái khanh vẫn làm quan mà không cần ở triều.”Vậy là Ức Trai tiên sinh đâu có về Côn Sơn để dưỡng già, mà Người lánh triều đình để hoàn thành tiếp phần hai của “Bình Ngô sách”, đảm đương một trọng trách mà bọn kẻ sĩ chúng ta đây không thể làm nổi. Bộ “Quôc triều Hình luật”giờ đã hoàn thành. Theo ngu ý của tại hạ, chuyến này nhà vua đưa chúng ta đến nghênh rước bộ đại bách khoa thư phục vụ cho cuộc chấn hưng Đại Việt…
Tiến sĩ Ngô Sỹ Liên làm bọn kẻ sĩ  tân khoa muôn vàn phấn khích.
Thám hoa Lương Nhữ Hộc, tự Tường Phủ, hiệu Hồng Châu, người phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, ghé tai Bãng nhãn Nguyễn Như Đổ mà rằng:

- Tại hạ sẽ xin nhận phần khắc in bộ  sách quí này. Đây sẽ là công trình bất hủ  truyền lại muôn đời.(1)
                                              ***

Bấy giờ thành Chí Linh vừa mới tu bổ và  mở rộng xong.
Số là từ hồi Ngô Vương đóng cọc trên sông, dụ con vua Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo vào cửa Bạch Đằng rồi giết đi, tiếp đến thời Lê Hoàn lại dùng kế đó đánh quân Tống, dải đất miền Đông trở thành cửa ngõ  xung yếu, các triều Lý, Trần luôn coi là yết hầu của Đại Việt trước họa xâm lăng phương Bắc. Thời các vua nhà Lý, đã lập các thủy trại từ  Lục Đầu Giang ra tới Vân Đồn. Đến thời nhà  Trần lại đặt các trạm tiền tiêu từ của Đại Than đến Kiếp Bạc, từ Lục Đầu đến của An Bang. Nhờ thế, phòng tuyến miền Đông trở thành tử địa của giặc Nguyên Mông, với các trận đánh lẫy lừng trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, trên cửa bể Vân Đồn của  Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư…
Hai mươi năm dưới ách giặc Minh, thương cảng Vân  Đồn trở thành bình địa. Vùng gốm sứ Chu Trang tan hoang. Các lăng tẩm của tám đời vua Trần ở  An Sinh, các chùa tháp nổi tiếng vùng Yên Tử, nơi phát khởi dòng Trúc Lâm tam tổ, nơi đặt xá lỵ  của Phật hoàng Trần Nhân Tông… bị đào bới khai quật. Thành Chí Linh bị san bằng…
Khi đức Lê Thái Tổ đại định thiên hạ, An Bang được tách riêng thành đạo.  “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết: “Yên Bang là nơi hiểm  ác, gọi là viễn châu”.
Công việc tu tạo lại thành Chí Linh bắt đầu từ trước khi vua Lê Thái Tổ băng. Khu vực thành cũ bên tả sông Lục Đầu, gọi là  Cổ Thành, được xây dựng lại. Đến thời vua Lê  Nguyên Long, thành Chí Linh được mở rộng sang vùng đất xưa là thủy trại của phó tướng Trần Khánh Dư thời nhà Trần, bốn bề bao bọc bởi sông Kinh Thầy và sông Thái Bình.
Trần Khánh Dư, quê Chí Linh, là con của  Nhân Huệ hầu Trần Phó Duyệt, thượng tướng triều Trần. Khánh Dư tuổi trẻ trí cao, văn võ toàn tài, có công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Thát lần thứ nhất (1258), nên vua Trần Thánh Tông yêu mến, nhận là Thiên tử nghĩa nam, được phong tước Nhân Huệ Vương. Nhưng rồi Trần Khánh Dư mắc tội thông dâm với công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con dâu Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.Theo luật triều đình, tội này phải đánh một trăm roi cho tới chết. Vì quá yêu người tình, công chúa Thiên Thụy đến khóc lóc van nài vua cha  tha mạng sống cho chàng. Vua Thánh Tông xuôi lòng, vả lại vua cũng quá yêu và mến tài chàng Phiêu kỵ tướng quân hào hoa. Nhưng phép nước bất vị thân. Vẫn phải đánh trăm roi. Nhà vua bèn nghĩ kế, ngầm xui bọn quân gia khi đánh thì chúc đầu roi xuống để  không chết. Thế là Trần Khánh Dư được toàn tính mạng, nhưng bị  phế truất binh quyền, tịch thu gia sản, bị đuổi về quê  Chí Linh làm nghề bán than.
Năm Nhâm ngọ (1282), mùa đông, giặc Mông Thát lại nhăm nhe xâm phạm bờ cõi. Vua Trần họp vương hầu và trăm quan ở Bình Than bàn kế sách đánh giặc. Bấy giờ vua bỗng trông thấy một thuyền chở  than đi qua, người lái thuyền đội nón lá, mặc  áo ngắn, giống như Nhân Huệ vương. Vua cho người gọi vào, đúng là Trần Khánh Dư, bèn tha  hết tội, lại ban cho áo ngự, cho ngồi hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước. Không ngờ Trần Khánh Dư có kế sách hay, vua khen, cho phục chức, cử làm Phó tướng giữ cửa An Bang và trấn Vân Đồn.
Năm Đinh Hợi,(1287), tháng 12, mùa đông, giặc Nguyên Mông lại hùng hổ chia ba ngả thủy bộ  xâm lược nước ta. Bấy giờ Nhân Huệ vương đang trấn cửa Vân Đồn. Do thế giặc quá mạnh, không cản được, để cho tướng giặc Ô Mã Nhi lọt qua sông Mang, tràn vào cửa An Bang. Vua Trần cả giận, sai trung sứ đến bắt Trần Khánh Dư về trị tội. Khánh Dư nói với trung sứ xin khất ba ngày để  mưu lập công rồi về chịu tội sau. Quả nhiên, khi biết đại quân lương do Trương Văn Hổ chỉ huy còn chưa tới, Khánh Dư bèn lập mưu đưa toàn bộ thuyền vận tải của giặc vào vòng vây, rồi đánh một trận quỷ khốc thần sầu, thu được quân lương khí giới nhiều không kể xiết. Vì chiến công này, vua Trần tha tội cho Khánh Dư, lại thưởng công lớn sau ngày toàn thắng.
Nơi thủy trại ở cuối Lục Đầu giang trở  thành đại bản doanh của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Cái tên Nhân Huệ sau thành tên trang ấp, truyền mãi đến đời sau(2). Từ đây tới Kiếp Bạc, nơi có đại bản doanh và thang ấp của Hưng Đạo Đại vương, không xa. Vì thế những năm ở Kiếp Bạc, khi Quốc Công Tiết Chế  viết “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” để truyền cho tướng lĩnh, binh sĩ những kế sách, mẹo luật, kỹ thuật chiến đấu chống ngoại xâm, thì người hằng ngày được tham góp, rồi nhuận sắc và viết lời đề tựa cho tập sách lại chính là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư.
Mở đầu lời tựa viết rằng:
“Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết…”(3)
Xem thế đủ biết kiến văn và binh pháp của Nhân Huệ vương tầm cỡ thế nào.
“Vạn Kiếp tông bí truyền thư” trở thành báu vật đặc biệt của nước Nam, bị giặc Minh truy tìm gắt gao để mang về Kim Lăng. Ai có sách ấy mà không nộp đều bị tội chém. Đến ngay cả Ức Trai, sau khi đưa cha lên ải Nam Quan, trở về, muốn có một cuốn trong tay để viết “Bình Ngô sách” cũng không có được.
Trong ba trước tác bất hủ của Trần Hưng Đạo: “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”( Hịch tướng sỹ); “Binh gia diệu lý yếu lược”(Binh thư yếu lược);“ Vạn Kiếp tông bí truyền thư”( Sách bí truyền của tông phái Vạn Kiếp), thì đến nay, cuốn thứ ba đã hoàn toàn thất lạc.
Nhưng trời không nỡ phụ nước Nam ta. Đến khi quan Thiếu úy Trịnh khả  về nhận chức Tổng quản vệ Nam Sách hạ, thì bỗng có một ngư  phủ tìm gặp dâng sách quí. Hỏi ra mới biết đó là hậu duệ của Yết Kiêu, gia tướng của Hưng Đạo Đại vương. Trịnh Khả lập tức mang“Vạn Kiếp tông bí truyền thư” tìm gặp Ức Trai tiên sinh, chỉ để bàn về những uyên thâm, bí ẩn của tiền nhân. Thế rồi khi được phong chức  Hành quân Tổng quản, Thiếu bảo Tham tri chính sự quản lĩnh quân thiết đột, Trịnh Khả liền làm tờ  biểu khởi tấu với nhà vua cho tổng duyệt binh mã  ở thành Chí Linh. Để chuẩn bị cho cuộc diễn tập hùng tráng này, từ hai năm trước, Trịnh Khả  đã cùng phó tướng Trịnh Khắc Phục và các tiểu tướng con ông là Trịnh Bá Quát, Trịnh Công Lộ, Trịnh Công Đán… và  Đô úy Trịnh Bá Nhai, con trai Tư khấu Trịnh Khắc Phục, đã dựa vào những sáng chế về binh khí mới của Hồ Nguyên Trừng thời nhà Hồ, để  cho chế tạo các loại súng hỏa hổ, hỏa tiễn lắp trên chiến thuyền và dùng đánh trên bộ, lại dựa vào binh pháp của Hưng Đạo đại vương trong “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” dựng các thế trận đồ  thủy chiến và thủy bộ kỵ tượng liên hợp, tạo dựng một tầm vóc mới, một hào khí thời đại Lam Sơn cho hùng binh Đại Việt.
                                           ***
Mùa Thu, tháng bẩy, ngày 29, vua Lê Thái Tông tổng duyệt đại quân ở thành Chí Linh.
Chưa bao giờ nhà vua được trải qua những ngày kỳ vĩ như thế.
Cuộc tổng diễn tập với sự tham gia của bộ  binh, kỵ binh, tượng binh và thủy binh của các  đạo, các vệ, cùng quân long tiệp, quân thánh dực…là  một cuộc đại biểu dương khí thế ba quân. Sáu nghìn quân bản bộ bốn đạo, sáu vệ; hơn năm trăm chiến thuyền của các đạo Hải Bắc, Hải  Đông, Hải Tây đậu san sát trên sông Lục Đầu. Hai mươi tư thớt voi của quân tiền vệ thiết đột. Bốn thớt voi và đội tượng binh của vua Ai Lao gửi tặng. Số là, bọn phản nghịch người Man họ Cầm và tên Nghiễm ở châu Phục Lễ, châu Thuận Mỗi làm loạn, lại được vua Ai Lao cho đại tướng là Đạo Mông mang quân sang giúp chúng. Ba lần vua Thái Tông thân chinh mang quân đi đánh dẹp. Lần cuối cùng mới tiêu diệt được bọn Cầm, Nghiễm và bắt sống Đạo Mông ở Động La. Vua Ai Lao hối hận, sai tể tướng mang lễ vật xin tha cho Đạo Mông, lại xin tặng bốn thớt voi và đội tượng binh đi kèm. Vua cho voi chiến Ai Lao tham dự cuộc tập trận này.
Lần đầu tiên những binh khí mới của quân  Đại Việt được sáng chế và mang thử  tại thực địa khiến khí thế quan quân ngất trời. Súng hỏa công với đủ loại cỡ đạn đá từ năm tấc tới mười tấc, lại có cả loại  đạn sắt có thể bắn xa tới hơn trăm trượng. Dàn hỏa hổ đặt trên chiến thuyền có thể  đánh đắm và làm cháy thuyền giặc ở cự  ly gần ba trăm trượng. Hầu hết các loại phi tiễn, giáo mác,côn, kích, khiên, thuẫn …đều được cải tiến tăng tính ứng dụng và độ sát thương. Đặc biệt có một sỗ vũ khí mới được chế tạo theo sách “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” như chất cay làm từ bột ớt, tro bếp, lưu huỳnh; bộ dây văng, móc xích của các chiến thuyền cùng các loại lưới quăng dùng cho thủy quân trong các trận chiến giáp lá cà, các loại cọc gỗ bịt sắt, các loại thuyền nhỏ có thể bay trên mặt nước… sẽ được trình diễn và áp dụng ngay vào cuộc tập trận trên cửa Bạch Đằng sắp tới.
 Đứng trước ba quân, dưới lá cờ súy như  cánh buồm bay phần phật và tinh kỳ, khí giới như rừng, vua Lê Thái Tông, trong bộ giáp  trụ lẫm liệt, đội mũ xung thiên dát vàng, nạm ngọc lưu ly, khoác chiến bào màu hoàng yến, kiếm báu Thuận Thiên bên mình, có Hành quân Tổng quản Thiếu úy Trịnh Khả bên tả, Tham tri chính sự, Nhập nội Thiếu úy Lê Thụ bên hữu, cùng chúng tướng uy nghi hùng dũng, đã cất tiếng dõng dạc:
- Hỡi tướng sĩ ba quân, hỡi thần dân Đại Việt! Từ khi thác mệnh Tiên đế, trẫm hằng mơ ước đến ngày hôm nay. Một non sông Đại Việt gấm vóc nhường này, không phải tự nhiên mà có. Đúng như “Bình Ngô đại cáo” của Tiên đế đã viết:“Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt không bao giờ thiếu…” Đến triều Lê ta, Đức Thái Tổ “Phát tích chốn Lam Sơn. Nương mình nơi hoang dã. Ngẫm thế thù há đội trời chung. Thề nghịch tặc khó cùng tồn tại…” Cho nên, cùng chúng tướng, thần dân nếm mật nằm gai, “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo”, mười năm mới làm nên nghiệp lớn, để “Trời đất bĩ rồi lại thái. Nhật nguyệt mờ rồi lại trong. Để mở nền thái bình muôn thuở. Để rửa mối sỉ nhục ngàn thu…” Công lao các bậc tiền nhân, công lao đức Tiên đế Lê Thái Tổ ta như trời biển. Để hôm nay, trên vùng sông nước Lục Đầu giang này, nơi hào khí Đông A còn chất ngất, trẫm và tướng sỹ ba quân tổng duyệt binh mã, rèn đúc tinh binh, mài sắc ý chí, bảo vệ non sông gấm vóc Đại Việt, sáng nghiệp tổ tông…
Hỡi tướng sỹ ba quân, trong ngày trọng đại này, trẫm lại nhớ lời dạy của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại vương trong “Hịch tướng sỹ”: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…” Trẫm thấy mình có tội với tiền nhân.Càng nghĩ càng tự trách mình. Tuổi trẻ của trẫm ỷ lại vào công đức và đại nghiệp của Tiên đế, đã có những tháng ngày dong chơi uổng phí, sao nhãng việc học hành, tu thân tích đức, phó mặc sơn hà xã tắc cho bọn lộng thần… Tội ấy, nay trẫm đã thấm… Trẫm tự răn mình, phải lấy lại lòng tin của trăm họ, phải trở thành một đấng quân vương chấn hưng đại nghiệp Lam Sơn. Trẫm đang là một con người khác. Các chư tướng và ba quân có tin không?
Hàng nghìn cánh tay giơ lên. Tiếng hô “Vạn tuế” rền vang.
Vua Lê Thái Tông nói tiếp:
- Từ nay sẽ là một kỷ nguyên mới của  Đại Việt. Trẫm thề sẽ nối gót tiền nhân, sáng danh Tiên đế, cùng các chư tướng, văn võ  bá quan, thần dân trăm họ sửa sang vương nghiệp, xây dựng sơn hà xã tắc…
- Đức vua vạn tuế… vạn vạn tuế…
- Thánh thượng vạn vạn tuế…
Tiếng tung hô dậy đất. Võ trường sôi lên như chảo lửa.
                                            ***
Sau cuộc diễn tập bộ binh, kỵ binh và tượng binh tại thành Chí Linh, là cuộc diễn tập thủy binh tại cửa sông Bạch Đằng. Cuộc diễn tập do đích thân Hành quân Tổng quản, Thiếu úy Trịnh Khả  chỉ huy.
Từ nửa đêm, khi con nước cường sắp lên, dân binh, quan quân đã rầm rập khuân vác, chuyên chở  những cọc gỗ lim dài hơn trượng vừa được bọc đầu sắt nhọn từ những lò rèn trong những rừng lim bên sông ra nơi tập kết. Hàng nghìn cọc gỗ lim, nhiều cọc mới được đẵn từ  rừng hôm qua, nhiều cọc được dùng lại từ những bãi cọc Yên Giang, Vạn Muối, Má Ngựa…của những cuộc đánh Hán, bình Tống, đuổi giặc Nguyên Mông  thời trước. Cây cọc già nhất đã hơn năm trăm tuổi. Cây cọc gần nhất thời Hưng Đạo Đại vương cũng đã hơn một trăm năm mươi năm.
Khi nước triều lên ăm ắp các bờ, thì trời vừa tảng. Cũng là lúc các bãi cọc đã được  đóng xong, im lìm dưới mặt nước.
Bỗng từ phía biển, hàng trăm “thuyền giặc”  lừng lững tiến vào theo hai cửa sông Chanh và sông Rừng. Đó là đội chiến thuyền do Tư khấu Trịnh Khắc Phục chỉ huy, đóng giả quân giặc phương Bắc tiến vào xâm lược nước ta. Thuyền sơn hắc  ín đen kịt. Cờ súy màu đen có chữ  Hắc màu trắng. Tướng “giặc” và quân “giặc”  cũng đều vận đồ đen, nẹp áo, tua mũ  màu trắng như những đội ma vương thủy quái.
Vua Lê Thái Tông cùng các mưu sĩ đứng trên một chòi cao, dưới gốc cây Giêng cổ thụ bên sông. Ngay cạnh ngài là Thiếu úy Trịnh Khả nai nịt trong bộ võ phục sáng lóa. Mọi người căng mắt theo dõi thuyền “giặc” đang tiến vào các bãi cọc.
Vua bỗng quay hỏi  tân khoa Tiến sĩ Ngô Sỹ  Liên:
- Nơi ta đứng đây có phải là đài chỉ  huy của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại vương năm xưa?
Ngô Sỹ Liên thưa:
- Dạ thưa Hoàng thượng, đây chính là nơi  Đức Thánh Trần đã phát hỏa hiệu lệnh cho trận tiêu diệt quân Nguyên Mông ngày mồng 8 tháng ba năm Mậu Tý( 1288). Bệ hạ đang đứng dưới bóng cây Giêng cổ thụ. Thời Hưng Đạo Đại vương, cây Giêng này cũng đã to lắm rồi, bây giờ chắc cũng vài ba trăm tuổi.
Vua Lê Thái Tông bỗng cất giọng:
- “ Thủng thẳng chiều hôm dắt tay. Trông thế giới phút chim bay”. Trẫm bỗng nhớ câu thơ của Ức Trai mà quan Lễ nghi Học sĩ mới đọc cho nghe. Ức Trai quả có mắt nhìn xuyên vũ trụ. Mới ngày nào Hưng Đạo Đại vương đứng ở chỗ này, mà nay trẫm  đến đã vèo qua một trăm năm mươi năm - Nhà vua chợt quay tìm Nguyễn Như Đổ - Này Khiêm Trai, ngươi có biết ai đã mách bảo cho Quốc Công Tiết Chế biết thời khắc lên xuống của con nước triều ở cửa sông Bạch Đằng này không?
Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ chột dạ. Đức vua đang kiểm tra sức học và kiến văn của các tân khoa đây. Rất may là chàng đã đọc “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, lại nhớ như in cả  ba trận thủy chiến Bạch Đằng, nên chàng vội thưa:
- Bẩm Hoàng thượng, xuôi bên tả, có một cây Quếch cũng cao vượt lên không kém gì cây Giêng này, đó chính là bến đò Rừng, nơi ngày xưa có một quán nước của một bà cụ già. Chính bà cụ đã mách bảo cho Quốc Công Tiết Chế thời khắc lên xuống của con nước triều và địa thế lòng sông Bạch Đằng để Hưng Đạo Đại vương cho bố trí các trận địa cọc. Sau chiến thắng, Quốc Công Tiết Chế đã tâu vua Trần cho tôn vinh bà hàng nước là Vua Bà và lập miếu thờ…
Vua Thái Tông nói:
- Vua Bà, đó là thần sông núi hiển linh giúp Hưng Đạo Đại Vương đánh giặc. Sau chuyến này về triều ta sẽ có sắc phong mới …
Quan Ngự sử đài và hai giám quan Đinh Thắng, Đinh Phúc vội ghi lời vua phán.
Cũng là lúc nước cường đã lên tới đỉnh. Hành quân Tổng quản Thiếu úy Trịnh Khả tâu:
- Bẩm Hoàng thượng, chiến thuyền “giặc”  đang tiến vào trận địa cọc của ta. Xin Hoàng thượng tuyên lệnh phát hỏa.
Vua Lê Thái Tông đưa mắt về hai phía tả  hữu sông, rồi đưa tay về phía những chiến thuyền của “giặc”đang hùng hổ tiến vào, giọng trầm vang át hẳn tiếng sóng gió:
- Giặc đã vào cửa An Bang. Quân dân Đại Việt quyết không để tên giặc nào chạy thoát. Sát Thát!
Ba tiếng súng lớn gầm vang. Rồi ba phát hỏa hổ  vạch những đường lửa vút lên trời. Khắp tứ bề, tiếng chiêng tiếng trống, tiếng tù và dậy  đất, tiếng“Sát”vang dậy mặt sông. Từ hai bên bờ, trong những lùm cây, những đụn cỏ ngụy trang, hàng trăm thuyền nhỏ tinh kỳ đỏ chói  thêu chữ vàng “Đại Việt”xông ra khiêu chiến, rồi giả  vờ thua quay mũi, nhử quân giặc lọt vào bãi cọc.
Khắp mặt sông mờ mịt sóng nước, đen kín thuyền ta và thuyền “giặc”.
Nước triều bắt đầu rút.
Lại ba phát hỏa hiệu vút lên. Thuyền quân ta quay mũi, hướng vào thuyền “giặc”. Từ các cửa lạch, các khe núi, đại quân ta trên những chiến thuyền lừng lững xông ra. Đi đầu là các chiến  thuyền của các tiểu tướng dòng dõi họ Trịnh, họ Đinh, họ Lê, họ Trần, họ Nguyễn… Từ  phía cửa sông hai gọng kìm khóa hậu từ đâu đó lao vun vút ra. Hỏa hổ đỏ lừ mặt sông. Khói lửa mù mịt. Tên bay như mưa. Toàn mặt trận phản kích. Thuyền “giặc”quay đầu chạy. Những bãi cọc tua tủa, như những thủy quái nhe răng nuốt, xé thuyền  “giặc” thành trăm mảnh. 
                                            *** 
Vua Lê Thái Tông khao quân và hạ trại, ngự  qua đêm ngay dưới cây Giêng và rừng lim cổ thụ. Sau một ngày chỉ huy tập trận, đặt lưng xuống chiếc long sàng giã chiến, nhà vua đã ngáy vang như  sấm.
Nửa đêm, ngài mơ màng thấy có người đến bên, khẽ bẩm tấu:
- Bẩm Hoàng thượng. Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao và Hoàng tử Lê Tư Thành đến bái yết Người.
Ta đang mơ hay thực? Nhà vua bàng hoàng ngồi dậy. Loang loáng trong ánh bạch lạp thấy gương mặt của Hành quân Tổng quản Trịnh Khả cùng anh em quan nội giám Đinh Thắng, Đinh Phúc. Xa chút vòng ngoài là đội vệ binh gươm giáo tuốt trần, đứng ken dày đến một con thỏ cũng không chạy thoát.
Một hương thơm sực nức khiến nhà vua như lạc vào chốn bồng lai. Rồi vua Lê Thái Tông thấy gương mặt đoan diễm với đôi mắt nhung huyền của Ngọc Dao rất gần.
Ái khanh của ta! Nhà vua muốn thốt lên. Lâu lắm rồi không được gặp Tiệp dư, nhưng trẫm không nguôi nhớ nàng. Nhớ nhất là đôi mắt nhung huyền dịu dàng và hiền thục. Nàng khác hẳn Hoàng hậu. Hoàng hậu càng sắc sảo, dào dạt bao nhiêu, thì Tiệp dư lại đoan trang e ấp bấy nhiêu.
- Bẩm Thánh thượng, thần thiếp biết nhà vua kinh lý miền Đông, nên đã mạo muội đem hoàng nhi Tư Thành đến bái yết Người. Xin Người mở lượng hải hà bao dung con trẻ.
Một tiếng o oe , rồi một khuôn mặt trẻ thơ  với đôi môi chúm chím như nụ hồng được bao bọc bởi một vầng hào quang chung quanh, bỗng làm trái tim nhà vua xao xuyến. Người đưa hai tay đón lấy  hoàng nhi và chợt nhận ra một vết son mờ như dấu chiếc hốt ngọc của Ngọc Hoàng thượng đế trên trán Hoàng tử. Con của ta! Niềm kiêu hãnh của ta! Bậc đế vương, niềm kỳ vọng của giang sơn xã tắc đây rồi! Sau chuyến này về triều ta sẽ …
Những tiếng âm thầm ấy cứ dội lên trong trí  não nhà vua. Người nâng Ấu vương lên, áp cả bộ râu măng tơ vào má Hoàng tử.
Nhưng rồi vua Thái Tông vội ngước nhìn lên. Hình như  có đôi mắt sắc như dao của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đang rọi vào ngài. Ngài giật thót, lỏng hai bàn tay, đến nỗi Tiệp dư Ngọc Dao sợ Hoàng tử bị rơi, vội nhoài đỡ lấy.
Vua Thái Tông định thần. Ngài đã lầm. Ánh mắt vừa nhìn ngài là của Nội quan Tạ Thanh.
Như kẻ vụng trộm bị bắt quả tang, Tạ Thanh vội cụp mắt xuống và lẩn nhanh vào bóng đêm.
                                         ***
Lại nói về quan Thừa chỉ Hành khiển và  quan Lễ nghi Học sĩ.
Ở Côn Sơn, nhưng hai quan vẫn dõi theo từng bước đi, lời nói của vua Thái Tông. Cả hai người, tuy không ai dám nói ra,nhưng họ đều có chung tâm trạng của một người cha, người mẹ, lo cho đứa con bước vào tuổi trưởng thành. Lời hịch trước các tướng sỹ ở thành Chí Linh cho thấy Hoàng đế Lê Nguyên Long xứng đáng là một đấng minh quân văn võ song toàn, nối gót Lê Thái Tổ hưng thịnh nước Đại Việt không kém gì triều Lý, triều Trần.
Ức Trai nói với quan Lễ nghi Học sĩ:
- Ta rất mừng vì đức vua. Người thay đổi quá  nhiều. Không còn nhận ra một ông vua trẻ con chỉ  biết nghịch dại với voi với dê trong vườn thượng uyển và suốt ngày bày trò với đám thị nữ ngỗ nghịch…Ta nói điều này chỉ riêng với nàng thôi, hở ra là cả hai ta cùng phải chém đầu…
- Tướng công định nói điều gì?- Bà Lộ  nhìn Ức Trai chờ đợi.
Ức Trai nhìn quanh, rồi ghé tai phu nhân :
- Nàng có nhớ câu: Công dưỡng dục, đức cù  lao không?Với Nguyên Long, nàng có công dưỡng dục rất lớn. Không chỉ công lao ngày Nguyên Long còn bé, mà  cả mấy năm vừa rồi. Thời gian nàng được giữ  chức Lễ nghi Học sĩ, vào cung giảng kinh sách cho Nguyên Long chính là bước khai hoá vĩ đại. Nàng đã cảm hoá một thiếu quân hung hăng, chơi bời lêu lổng, một đứa trẻ suýt bị voi dẵm chết trong vườn thượng uyển, thành một anh quân khoan hoà, nho nhã, biết nhìn xa trông rộng…
Bà Lộ nói:
- Công lao này chính là của Tướng công. Tướng công đã một lòng chú mục đến điều “nhân”…Chỉ  có Tướng công mới dám tuỳ thời phá chấp, bất chấp mọi lời thị phi, dám đưa thiếp vào cung để cảm hoá nhà vua…Tướng công đã khích lệ thiếp dám cả gan bảo vệ Tiệp dư Ngọc Dao và Hoàng tử Lê Tư Thành, dám mua thù chuốc oán với Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh và phe cánh của bà ta…
Ức Trai nói:
- Ta có tội lớn với đức Tiên đế, nếu không giúp giập Nguyên Long gây dựng đại nghiệp, cởi bỏ nỗi thống khổ của muôn dân…Trung quân mà không ái quốc thì chỉ là kẻ sĩ cận thần, suốt ngày bợ đỡ, xun xoe để hứng chờ bổng lộc. Bọn giẻ rách, giá áo túi cơm ấy, thật không xứng đứng trong trời đất. Kẻ sĩ theo đúng nghĩa, thời nào cũng thuộc về nhân quần, luôn đứng về chúng sinh nghèo khổ. Nhưng kẻ sỹ mà không gặp minh quân, thì cũng chỉ là đồ bỏ đi. Bi kịch nhất của người quân tử là gặp phải tiểu nhân, bạo chúa…
- Tướng công và thiếp đã sắp qua kỳ bĩ  cực rồi – Bà Lộ nói – Như  thiếp đã thưa với Tướng công  ngay  hôm về  Côn Sơn. Từ sau ngày lễ Vạn Thọ thánh tiết, nhất là sau bốn cuộc tảo phạt châu Phục Lễ  và huyện Thu Vật, Nguyên Long rất khác. Ngày mai, nếu Hoàng thượng có chỉ dụ thì Tướng công nên hồi  trào …
- Ta biết ngày mai Hoàng thượng sẽ chỉ dụ. Thậm chí Hoàng thượng ra lệnh bắt ta phải hồi trào. Ta đang nghĩ cách thoái thác. Bởi ta già rồi. Các bạn ta cũng già nua cả rồi. Họ chưa muốn về vườn, chỉ vì còn lo đến mối lợi, đến bổng lộc. Người đời sẽ cho ta là kẻ tham lam hủ lậu, đã cáo quan rồi mà còn tiếc cái dải mũ, còn ham hố, bon chen. Họ đâu biết ta chỉ lo cho Hoàng thượng, cho giang sơn xã tắc. Vua sáng không thể không có kẻ hiền tài. Bọn kẻ sĩ mọi thời đều là những hiền tài, không có họ, bất thành quốc gia. Họ như cái râu của con ốc sên, không có râu, con ốc sên không thể biết con mồi ở đâu, đi hướng nào. Họ như những chiếc gai trên da con cóc, con cóc ngồi đáy giếng, những khi ngứa da, nó phải kêu. Thế là Trời biết mà đổ mưa. Bi kịch của kẻ sĩ là không có quyền lực. Họ phải sống bám vào quyền lực. Suy cho cùng, họ chỉ là con bài trong tay người quyền thế. Ngũ Tử Tư trung quân tài trí là thế, nhưng Ngô Phù Sai nghi kỵ không dùng thì cũng chỉ như một que củi trong tay gã nhóm lò. Phạm Lãi cúc cung với Việt vương Câu Tiễn đến thế mà cuối đời phải tính kế thoát thân. Đến như nghĩa đệ Trần Nguyên Hãn của ta…
Ức Trai không nói hết câu, buông một tiếng thở dài…Ông nhìn lên trời và tin những gì Nguyên Phong đã nói. Trần Nguyên Hãn vẫn còn sống và đang khoác áo một Đào Công ở núi rừng miền tây Nghệ An. Sau đợt này, ông sẽ bí mật đi tìm Trần Võ đệ của ông. Con người như thế không thể chết, và chẳng việc gì phải chết…
Như có thần giao cách cảm, quan Lễ nghi Học sĩ cũng chợt nghĩ tới Trần Nguyên Hãn. Bà  an ủi chồng:
- Hồi ấy đức Tiên đế luôn sợ bóng sợ gió các tôn thất nhà Trần. Tướng công và Nguyên Hãn được tin dùng vì Tiên đế biết là hiền tài, vả lại hai người từng theo các bậc phụ huynh ra làm quan với nhà Hồ. Nhưng sau ngày đại định, gặp bả phú quý vinh hoa rồi thì bọn Lê Sát, Lê Ngân lại nổi máu tiểu nhân, bè đảng, suốt ngày thì thọt, bám lấy Tiên đế, nịnh nọt, gièm pha… Bây giờ bọn Sát bọn Ngân đã chết rồi, đức vua đã khác…
- Nàng vẫn cạn nghĩ - Ức Trai khoát tay – Một trăm bọn như Sát, Ngân cũng không bằng Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh bây giờ. Lại có bọn  Nguyễn Phù Lỗ, Tạ Thanh, Lương Đăng và cả Lam Sơn hội làm vây cánh, sức mạnh của phe Thị Anh khiến ta vừa nghĩ đến đã thấy rùng mình. Nàng không nghe Nguyên Phong vừa từ sông Rừng về nói gì sao?
Quan Lễ nghi Học sĩ ngẩn người. Bà chợt nghĩ đến cái tin khẩn báo mà Nguyên Phong và  Tiểu Mai mang về từ bến đò Rừng. Cặp uyên  ương này suốt mấy ngày nay đóng vai hai thám tử thăm dò từng động tĩnh của phe cánh Thị Anh và  không bỏ sót một chi tiết khả nghi nào không thông báo kịp thời cho Tướng công.
Ức Trai nói tiếp:
- Nếu Hoàng thượng muốn gặp Hoàng tử thì đó là mệnh trời…Còn nếu đó là ý định của quan Thiếu úy Trịnh Khả thì quả  là vội vàng. Chủ quan khinh suất như thế  thật là bất lợi. Việc đưa Tiệp dư và  Hoàng tử  đến bái yết nhà vua ngay nơi tập trận là một tối sách muôn phần nguy hiểm, sẽ  gây hậu quả khôn lường. Trong “Vạn Kiếp tông bí  truyền thư”, Hưng Đạo Đại vương gọi đó là “thế lộ hầu”. Quan Thiếu úy thừa biết rằng tai mắt của Hoàng hậu rình rập khắp nơi. Từ mấy ngày nay, Thị Anh đã giăng thiên la địa võng khắp vùng Hải Đông này. Ngay ở quanh ta, cả bên chùa Hun nữa, đều có người của Thị Anh cài cắm, rình mò. Vậy mà quan Thiếu uý dám để cho Tiệp dư và Hoàng tử lộ diện… Ta mừng vì Nguyên Long trưởng thành bao nhiêu thì lại lo cho Hoàng thượng và mẹ con Tiệp dư bấy nhiêu.
Bà Lộ cảm thấy hoang mang.
- Nguyên Phong và Tiểu Mai cũng vừa cho thiếp biết: Ngay sau khi Tạ Thanh thấy Hoàng thượng gặp Tiệp dư  và Hoàng tử ở bến sông Rừng, ông ta đã cho tay chân cưỡi ngựa lưu tinh về cấp báo với Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh.
Ức Trai quay vào thư phòng, đem ra một lá thư, đưa cho bà Lộ:
- Nàng xem đi. Đây là mật thư của Đinh Thắng, Đinh Phúc vừa gửi cho ta. Hai ông giám quan cùng khuyên ta hãy thuyết phục nàng không nên theo vua về triều  đợt này. Nàng hãy ở lại Côn Sơn ít ngày, ta cũng muốn như vậy…
Quan Lễ nghi Học sĩ hơ lá thư trên  đĩa dầu lạc, đọc xong, tái mặt. Bà nói:
- Thì ra những bài đồng dao mà bọn trẻ  con Kẻ Mui, Kẻ Bưởi hát, lại chính là thơ  của nàng Lương Minh Nguyệt, vợ yêu của quan Nhập nội Tư mã Đinh Liệt?
Ức Trai cầm lại lá thư, đưa lên đĩa đèn dầu. Ngọn lửa xanh bắt cháy.
- Theo ý tứ hai giám quan viết trong thư, thì  sau đợt vua Nguyên Long đi kinh lý miền Đông về, quan Nhập nội Tư mã, người theo di mệnh của Tiên  đế có nhiệm vụ bảo vệ vương triều, sẽ  tâu chuyện Băng Cơ với Hoàng thượng. Hai Giám quan Đinh Thắng, Đinh Phúc sẵn sàng đối chứng. “Băng Cơ hà hữu Tống Thai tinh. Lục nguyệt khai hoa quái dị hình…” Thơ của Minh Nguyệt phu nhân, nhưng chứng cứ là của hai ông quan hoạn. Các ông có sổ sách ghi chép rõ ràng. Cả nàng và ta nên nghe theo lời khuyên của các ông ấy. Hãy khoan về triều. Sẽ có một cuộc phế truất như đã từng xảy ra với mẹ con Dương Thị Bí và Nghi Dân. Không. Có thể quyết liệt và tàn khốc hơn. Sẽ có một cuộc biến kinh thiên động địa.…Ta thấy lo cho Hoàng thượng quá…
Hai người chưa dứt câu chuyện thì có quan Trung sứ đến báo giờ Thìn ngày mai, sau khi vua Lê  Thái Tông làm lễ tạ ơn Đức thánh Trần Hưng Đạo tại đền Kiếp Bạc xong, sẽ ghé thăm quan Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi.
Trong, ngoài tư dinh lập tức náo nức, nhộn nhịp. Các bếp lò đều nổi lửa. Bộ phận phục dịch từ mấy hôm nay lo chuẩn bị một bữa ngự  thiện đậm hương vị miền Hải Đông, giờ  đang cuống lên để hoàn tất. Người chủ trò  không ai khác là ông Cả Khuê, lại có thêm nàng Phạm Thị Mẫn, Nguyên Phong, Tiểu Mai và vợ  chồng tượng nhân Bùi Thị Hý, Đặng Sỹ  từ Chu Trang sang giúp sức. Riêng món trà mai, và  trà sen phải đích thân quan Lễ nghi Học sĩ  đảm nhận.
Ông Nguyễn Khuê bẩm với Ức Trai:
- Thưa cha. Trên quê  vừa cho người đem xuống mấy tráp bánh dày và giò lụa loại thượng hạng. Thầy có cho phép con đưa vào mâm ngự thiện?
Ức Trai nói:
- Bánh dày Quán Gánh quê ta từng nức tiếng xưa nay. Chẳng tết nào dì con không tự tay mình làm vài chục bánh để ta dâng vua. Con cứ hỏi dì Lộ. Mâm ngự thiện hôm nay do dì Lộ đảm trách, chắc sẽ làm đức vua hài lòng...
                                             ***
Mùa Thu, tháng tám, ngày mồng 4, giờ thìn, vua Lê  Thái Tông đến thăm quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi ở Côn Sơn.
Đoàn quan quân theo hầu vua chỉ gọn nhẹ chừng hơn trăm người, hộ tống là quan Hành quân Tổng quản Thiếu úy Trịnh Khả và đội vệ binh thị vệ, phò giá là bọn nội quan, giám quan, các văn thần đầu triều và các tân khoa Tiến sĩ vừa được vinh danh.
Từ giữa giờ mão,quan Thừa chỉ Hành khiển và quan Lễ nghi Học sĩ, trong bộ phẩm phục triều đình, đã dẫn đoàn gia quyến ra tận Bến  Đá nghênh giá. Nàng Phạm Thị Mẫn xấu hổ vì  mang thai, xin ở nhà trông coi bộ phận bếp núc và lễ tân. Một hương án thịnh soạn tại bến đò được Cả Khuê và Nguyên Phong, Tiểu Mai và các học trò của Ức Trai chuẩn bị từ giờ Dần. Vợ chồng Đặng Sỹ và Bùi Thị Hý mang đến một loại hương trầm cực ngát làm từ loại gió bầu thượng hạng của xứ Champa. Các nhà sư chùa Hun và thần dân trong vùng từ tờ mờ sáng đã bày biện hương đăng ngũ quả dọc đường và quanh bến đò. Lính thị vệ túc trực từ nửa đêm. Không một động tĩnh khả nghi nào lọt qua mắt họ.
Vua Lê Thái Tông sau những ngày duyệt quân và  tập trận, có vẻ mệt mỏi, nhưng vừa gặp  Ức Trai và bà Lộ, mặt rồng bỗng tươi sáng rạng ngời. Như không có sự cách bức vua tôi. Như  người thân lâu ngày gặp lại, vua cầm tay Ức Trai đi về  phía đại sảnh, theo sau là quan Lễ nghi Học sĩ cùng các quần thần văn võ.
Sau khi chủ khách đã phân chia ngôi vị an toạ, Nguyễn Trãi quỳ tâu:
- Bẩm Hoàng thượng anh minh. Chốn thâm sơn cùng cốc này, vốn chỉ có mây trời gió núi, không ngờ  lại có ngày nhuần chiếu ánh thái dương. Kẻ  hèn mọn già nua là Trãi này dẫu tim óc lầy  đất cũng không báo đáp được ơn mưa móc mà  Hoàng thượng đã ban tặng…
Vua Nguyên Long vội đỡ Ức Trai dậy:
- Khanh hãy bình thân. Trẫm có lỗi lớn là đã không sớm đến thăm quan Thừa chỉ Hành khiển. Càng có lỗi hơn khi thấy khanh sống ở nơi thâm u cô tịch thế này. Vị trí của khanh phải là nơi đầu triều để hằng ngày trẫm  được chăm sóc, được khanh chỉ giáo những kế  sách quốc gia đại sự. Chưa bao giờ trẫm thấy cần khanh và quan Lễ nghi Học sĩ như bây giờ…Cho nên việc trẫm đến thăm khanh hôm nay không phải chỉ  là một cuộc thăm viếng đơn thuần. Chắc khanh nhớ  chuyện “tam cố thảo lư”,  Lưu Huyền Đức ba lần đến cầu Gia Cát Khổng Minh? Hôm nay trẫm đến đây là để thỉnh Ức Trai tiên sinh về triều…
Những lời nhà vua nói ra là từ gan ruột hay chỉ là sự đãi bôi? Lần đầu tiên  Ức Trai thấy khẩu khí Nguyên Long như vậy, một khẩu khí của bậc quân vương, vừa có tính giao đãi của một người đã nhuần nhuyễn trên đỉnh cao quyền lực, vừa hé mở một tầm nhìn xa rộng, lại vừa hàm ý chân thành, cầu thị. Là một người duy cảm, Ức Trai thấy trái tim mình bỗng thổn thức một niềm biết ơn, giống như ngày nào khi ông còn trong quân ngũ Lam Sơn, được Bình Định vương khích lệ, tin dùng.
Có những ánh mắt ở đâu đó, thấp thoáng trong đám cận thần bỗng làm Ức Trai giật mình. Ánh mắt từ phía Nội quan Tạ Thanh, giám quan Lương Dật, từ Hữu Hình viện đại phu Trần Phong, hay từ trong đám võ quan Nhập nội Thiếu uý Tham tri chính sự Lê Thụ, Điện tiền đô hiệu  điểm Lê Ê…Bằng trải nghiệm những năm tháng quan trường, và nhất là ba năm lại đây, Ức Trai biết rằng con đường trở về triều của mình đầy những chông gai cạm bẫy.
- Bẩm Hoàng thượng - Nguyễn Trãi vòng tay cung kính - Hạ  thần xét thấy mình tài hèn sức mọn, lại già nua, hằng ngày leo lên Thanh Hư động, lần tới Thạch Bàn  đã thấy chân mỏi, tay run, biết là không báo đáp được lòng tin yêu của Hoàng thượng. May nhờ phúc dày của Tiên đế, trong thời gian lui về Côn Sơn thần đã hoàn tất được công trình mà đức Tiên đế đã phó thác. Nay xin dâng Hoàng thượng ngự lãm và xin cho được ở lại Côn Sơn dưỡng tấm thân già. Khi nào có việc, Hoàng thượng gọi, Trãi này xin lại vào triều yết.
Nguyễn Trãi nói rồi sai con trai cả là Nguyễn Khuê đội một khay sơn son thếp vàng, trên đó là năm cuốn sách đóng bìa da dê. Đó là bộ  “Quốc triều Hình luật”mà ông vừa biên soạn xong.
Giám quan Đinh Phúc dâng sách lên vua. Nhà vua cầm xem, mặt rồng rạng rỡ, truyền bảo các văn thần và các tân khoa Tiến sĩ rằng:
- Trẫm biết hôm nay là một ngày đại cát. Bộ  Bách khoa thư này Tiên đế đã ký thác cho Ức Trai từ ngày Người còn ở bản doanh Bồ Đề. Đây là phần hai của “Bình Ngô  sách” mà Ức Trai tiên sinh đã nung nấu từ  khi tìm vào Lam Sơn bái yết phụ vương trẫm. Đây là  chìa khoá để mở cửa chấn hưng Đại Việt. Trẫm  đưa các khanh xuống đây là để tiếp nhận kim thư. Trẫm giao cho  các quan kinh diên, tham nghị, đài quan, hàn lâm, trung thư…, mà nòng cốt là các văn thần có mặt hôm nay, cùng các tân khoa Tiến sĩ. Các khanh hãy phối hợp với các Bộ, các Đạo thẩm  định, chỉnh lý lại rồi trình trẫm để ban bố  trong thiên hạ. Sông phải có nguồn, nhà phải có  nóc, quốc gia phải có rường cột. Bộ đạo luật này là phép tắc căn bản để trị quốc, an dân…
Các quan tung hô lạy mừng.
Tiếp đến là lễ dâng quà tặng và  báu vật.
Vua Lê Thái Tông vô cùng kinh ngạc và thích thú khi nhìn thấy những đồ gốm sứ Chu Đậu dâng lên.Và thật bất ngờ, khi vợ chồng tượng nhân Bùi Thị Hý, Đặng Sỹ, chủ nhân của những kiệt tác gốm sứ, vừa xuất hiện, thì trong đám tân khoa Tiến sĩ bỗng có những tiếng reo khẽ:
- Giám sinh Bùi Văn!
Thám hoa Lương Nhữ Hộc ghé tai Tiến sĩ Lê Hiền:
- Đúng là hiền đệ Bùi Văn của chúng ta rồi. Kẻ giả trai đi thi không ngờ lại là nữ  tượng nhân Bùi Thị Hý, cháu nội quan Thái bảo Bùi Quốc Hưng.
Khi thấy cô cháu gái của mình được nhà vua chú ý, quan Thái bảo Bùi Quốc Hưng vội thưa:
- Bẩm Hoàng thượng. Hạ thần xin khấu đầu nhận tội vì bấy lâu đã giấu bệ hạ.  Đây là con của tiểu tướng Bùi Quốc Nghĩa, đứa cháu gái yêu của hạ thần. Vì quá ham học chữ và muốn được sánh cùng nam nhi nên  đã đổi lốt, giả trai, lấy tên là Bùi Văn, xin được ứng thí khoa thi Tiến sĩ vừa rồi. Sau khi bị truất khỏi trường thi, đã trở về  đúng chức phận nữ nhi, xuất giá lấy chồng là  Đặng Sỹ, tượng nhân làng gốm Chu Đậu.Những sản phẩm gốm này do vợ chồng cháu tự làm ra để dâng lên thánh thượng.
Hai vợ chồng Bùi nương và Đặng Sỹ cúi đầu bái yết.
Bây giờ thì vua Thái Tông đã nhận ra chàng thư  sinh Bùi  Văn có gương mặt con gái mà mình đã truất quyền ứng thí khi vào tới vòng thi Đình. Nhà vua ngắm nhìn bộ độc bình âm dương, tấm tắc hồi lâu, rồi ban ngự  tửu cho Đặng  Sỹ  cùng  Bùi  Thị  Hý. Vua Thái Tông nói:
- Trẫm khá khen cho nữ nhi dũng lược. Trẫm có  lỗi đã để lỡ một Tiến sĩ. Nhưng bù  lại trẫm rất vui là có một tượng nhân kỳ  tài. Đây sẽ là kỳ vọng của sản nghiệp Đại Việt. Nước ta đã có làng gốm sứ Bát Tràng, hằng năm triều đình đều mang sản vật Bát Tràng làm cống vật cho Bắc triều và quà tặng cho các nước lân bang. Nay có thêm gốm sứ Chu Đậu thì thật là đại phúc cho nước. Chu Đậu tức là bến thuyền, là nơi hội tụ giao lưu sông nước. Những sản vật gốm sứ Chu Đậu sẽ là quốc bảo của triều đình. Rồi  đây, trẫm sẽ có chỉ dụ cho quan An phủ sứ Nam Sách và An Bang cấp thuyền cho vợ chồng tượng nhân Bùi Thị Hý để mang các sản vật gốm sứ Chu Đậu bán sang các nước Đại Minh, Cao Ly, Nhật Bản, Trảo Oa, Chiêm Thành… để khuếch trương thanh thế Đại Việt – Nhà vua dừng lại hồi lâu, ngắm nhìn nữ tượng nhân đầy cảm mến, rồi nói tiếp - Nhân đây trẫm muốn giao cho các khanh một việc.
Bùi Nương và Đặng Sỹ quỳ xuống.
- Muôn tâu bệ hạ, chúng thần không dám trái  lệnh.
Vua Thái Tông đưa hai tay chỉ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ:
- Các khanh nhìn ngắm kỹ hai quan trọng thần của trẫm. Ức Trai tiên sinh là đại hiền tài, là nguyên khí, tinh hoa của nước Việt. Những trước tác của  Ức Trai vượt trên mọi thời. Chỉ riêng áng văn  “Bình Ngô đại cáo” mà Ức Trai soạn cho đức Tiên đế ta tuyên đọc bố cáo toàn thiên hạ, đã thấy tầm vóc hùng vĩ xa rộng nhường nào. Áng thiên cổ hùng văn ấy có thể  sánh với “Bài thơ Thần” của Thái uý  Lý Thường Kiệt đời Lý, “Hịch tướng sỹ” của Hưng Đạo Đại vương thời Trần. Và kia, phu nhân của Ức Trai, quan Lễ nghi Học sĩ, ta không quá  lời khi gọi Người là Mẫu nghi thiên hạ, một nữ  lưu tài sắc vẹn toàn thông kim bác cổ. Trẫm muốn các khanh hãy hoạ hình hai quan Thừa chỉ Hành khiển và Lễ nghi Học sĩ trên những chiếc độc bình lớn kia. Đây là hai sư biểu và ân nhân của trẫm. Ức Trai Tiên sinh và Lễ nghi Học sĩ  rất  xứng đáng được lưu tên tuổi hình ảnh lại cho muôn đời…
Tất cả bỗng lặng đi vì ý tưởng bất ngờ của nhà vua. Rồi quần thần, chúng tướng đều khoanh tay hô lớn:
- Đức vua vạn tuế… vạn vạn tuế!
- Hoàng thượng anh minh vạn…vạn tuế                         
                                       ***
Hỡi ôi, đó là những lời tung hô cuối cùng đối với bậc anh quân mà cuộc đời và vương nghiệp mới vừa hé lộ.
Sau khi tạm biệt Côn Sơn, vua Lê Thái Tông hẹn gặp  Ức Trai tiên sinh tại Đông Kinh vào  kỵ nhật  đức Tiên đế Lê Thái Tổ, ngày 22 tháng tám, rồi cùng các quan  và Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ hồi triều.
“Đại Việt sử ký toàn thư” (Phần do Triều liệt Đại phu Quốc Tử giám tư nghiệp kiêm Sử quan tu soạn thần Ngô Sỹ Liên biên soạn) chép:
“ Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn vải huyện Gia Định, bỗng bị bạo bệnh rồi băng.
Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi Học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng, các quan bí mật đưa về.
Ngày mồng 6 về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát tang. Mọi người nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.”

Chú thích:
(1)Thám hoa Lương Nhữ Hộc sau này đã đưa nghề khắc bản in từ Trung Quốc về quê. Ông trở thành Tổ nghề khắc in làng Liễu Tràng, Hải Dương.
 (2) Địa danh Nhân Huệ nay vẫn là tên của một xã cù  lao, kẹp giữa sông Kinh Thầy và sông Thái Bình, thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét