Nhãn

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Hậu Chuyện kể năm 2000



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)

Kỳ 9


Bùi Ngọc Tấn

Đinh Chương và tôi đều phải rời cơ quan báo, đi cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Đến lúc ấy chúng tôi mới thực sự hiểu mình đã là những con mồi của nhà tù đói khát, là vật phẩm của ông giám đốc công an Hải Phòng muốn có cái lễ biện lên ông Lê Đức Thọ trong hoàn cảnh thiên tải nhất thì đấu tranh chống xét lại này, để được lọt mắt xanh, đạt được một bước ngoặt trên con đường “phục vụ cách mạng”
Mùa đông năm 1967 chúng tôi về một làng ở Thủy Nguyên — Phả Lễ hay Phục Lễ, tôi không nhớ — học tập chính sách cải tiến quản lý hợp tác xã để trở thành anh cán bộ Đội. Nông thôn ngày ấy cực kỳ nghèo đói. Tường đất. Sân đất. Mái rạ mỏng kẹt. Nhà nọ nhìn sang nhà kia thông thống. Chúng tôi được một người trong ban tổ chức lớp học đầy nghi vấn xếp ở một nhà chỉ có hai mẹ con, bà mẹ già và cô con gái. Ăn tập trung ở bếp, còn ngủ trên một cái giường gian bên, đầu giường gần sát bàn thờ gian giữa. Đã là những con thú bị săn đuổi, chúng tôi rất cảnh giác. Đặt ba lô chăn màn xuống giường, chúng tôi quan sát chung quanh, quan sát gầm giường. Không có gì đặc biệt. Nhìn dưới gầm bàn thờ: Một cái hòm gỗ mới tinh đánh dầu bóng đỏ au, rất lạc lõng với đồ dùng trong nhà cũ kỹ bụi bặm. Phải là một nhà khá giả mới đóng được một đồ mớp thế này — dù nó chỉ to gấp hai gấp ba, bốn cái hòm cắt tóc, bởi gỗ thời đó cực kỳ quý hiếm. Không chỉ đỏ au, nó còn được khóa kỹ, chiếc khóa đồng mới tinh bóng loáng, hoàn toàn không ăn nhập gì vói đồ đạc trong nhà. Chính đây rồi. Không nghi ngờ gì nữa.

– Bà ơi. Bà mua cái hòm này bao nhiêu hở bà?
Bà chủ nhà tươi cười:
– Của các anh bên kia gửi đấy. Các anh trên Hà Nội về ở nhà tôi hôm qua. Sáng nay vừa dọn sang bà… bên kia để lấy chỗ cho hai bác.
Chúng tôi nhìn theo tay bà. “Nhà bên kia”, từ cửa sổ bên này nhìn sang rất rõ. Ngoài sân mấy người ăn mặc đúng kiểu cán bộ công nhân viên thành phố, quần phăng, áo bông xanh, khăn quấn cổ… Và dép Tiền Phong trắng có quai hậu, thứ dép cán bộ bình thường có nằm mơ cũng chẳng thấy, loại dép chỉ những người có thứ hạng mới có thể xỏ chân vào. Cả một tài sản. Thứ dép gọi là móng trắng. Vấn đề như đã được kết luận. Chờ mẹ con bà chủ đi làm, chúng tôi im lặng cúi cúi thám hiểm cái hòm gỗ. Một sợi dây đồng đỏ au kẹp giữa nắp và thành hòm. Tôi định sờ vào. Đinh Chương vội ra hiệu làm tôi rụt tay lại. Và hiểu ngay đấy là cái ăng ten. Cái hòm để dưới đất, chúng tôi lại nằm trên phản kê trên hai chiếc mễ khá cao. Với khoảng cách này và sợi dây ăng ten nhỏ thế kia, chất lượng thu âm hẳn sẽ kém, không rõ, nhất là khi chúng tôi tâm sự tiếng to tiếng nhỏ. Chúng tôi quyết định tạo điều kiện thuận tiện hơn cho ngành công an để có một chất lượng ghi âm tốt nhất. Đinh Chương xuýt xoa khi hai mẹ con bà chủ đi làm đồng về:
– Bà ơi! Rét quá, chúng cháu xin bà ít rơm giải ổ bà nhá.
Bà chủ thông cảm với chúng tôi ngay. Bà bảo cô con gái ra đống rơm rút mang vào cho chúng tôi hai ôm rồi cùng chúng tôi bỏ hai cái mễ — kê tấm phản — cất xuống bếp. Tấm phản giờ đây đặt sát đất, cách chiếc hòm gỗ thông chứa bên trong nó những máy móc đầy hăm dọa chỉ hơn gang tay. Trải rơm, giải chiếu, vun vén những cọng rơm thòi ra ngoài chiếu, cả hai chúng tôi nằm ườn lên cái đệm rơm thơm mùi nắng và êm ái, lại còn tung chăn đắp kín người, thò đầu ra cười với hai mẹ con bà chủ nhà:
– Ấm lắm rồi bà ạ.
Ăn cơm tối về, chúng tôi chui vào chăn, giả cách rên lên vì ấm, xuýt xoa vì thích thú, chân giẫy đạp trong chăn như những đứa trẻ — năm ấy tôi ba mươi ba tuối còn Đinh Chương đã bốn mươi. Chúng tôi trùm chăn kín đầu, ghé sát tai nhau, thì thầm thỏa mãn về sự cảnh giác tuyệt vời của mình, về thắng lợi trước những trò quá đơn giản đến mức thô sơ của ngành công an. Thế rồi tối tối, nằm trên chiếc phản trải ổ rơm, chỉ cách cái hòm gỗ có một gang tay ấy, tôi và Đinh Chương diễn bài tụng ca theo từng chủ đề  đã thống nhất  từ  chiều. Ca  ngợi  giải phóng quân. Ca ngợi cánh đồng 5 tấn. Thống kê số máy bay Mỹ bị bắn rơi. Rồi chuyển sang ca ngợi đồng chí đại tướng Trường Sơn, vị tướng đánh trận cũng giỏi, làm nông nghiệp cũng giỏi… Chúng tôi vui lên vì trò chơi ấy. ([1]) Đinh Chương còn bảo: Công an có khi còn phải cấp bằng khen cho chúng mình vì đã tạo điều kiện để ghi âm không sót một câu.
Chúng tôi cùng chung một nhận xét: Lớp học do thành phố tổ chức, nhưng tay cán bộ sắp xếp chỗ ăn ở trông rất lạ. Điều đặc biệt là không nói chuyện với chúng tôi hay bất kỳ học viên nào về những chuyện, những người, những đơn vị trong thành phố. Đúng là công an trên bộ. Suy luận càng được khẳng định khi đến ngày chủ nhật, “đồng chí” phụ trách đời sống lớp học giục chúng tôi “về nhà thăm các cháu ngày Chủ Nhật không các cháu mong.” Đạp xe trên đường về, Đinh Chương bảo tôi: Các đồng chí cần kiểm tra chất lượng ghi âm. Còn tôi bảo Đinh Chương: Cũng có thể phải thay pin. Pin bật suốt ngày đêm mấy ngày liền, hết pin rồi.
Sau đợt học tập, tôi về xã Tràng Cát, còn Đinh Chương đi một xã khác, Chúng tôi nắm chặt tay nhau, chúc nhau tai qua nạn khỏi và không ngờ phải sáu năm sau mới gặp lại nhau, Mấy tháng sau khi chia tay, mùa Xuân năm Mậu Thân máu chẩy thành sông ở miền Nam, Đinh Chương bị bắt. Tôi biết tin ấy khi vợ tôi ốm nằm bệnh viện Hà Sắn bên Thủy Nguyên và đạp xe về báo cho vợ. Chưa có cuộc gặp nào giữa hai vợ chồng buồn đến thế. Vợ viêm thận nằm bệnh viện, chiếc tủ đầu giường không một chiếc kẹo, một quả cam, một hộp sữa, còn chồng một chân đã bước qua ngưỡng cửa nhà tù. Sau Đinh Chương sẽ là tôi, không trệch đi đâu được. Đến bây giờ mới biết thì ra tất cả những người đã bị bắt đều không có tội gì.
Chia tay vợ, trở về Hải Phòng để hôm sau đạp xe đến Tràng Cát, tiếp tục công việc cải tiến quản lý hợp tác xã, hai chúng tôi cùng chung tâm trạng không biết có còn gặp lại nhau nữa không. Nghĩ tới cái cánh cửa nhà tù mở ra nuốt chửng tôi, tôi quay lại nhìn một lần nữa người vợ bé nhỏ nằm trên giường bệnh. Qua phà, Hải Phòng mất điện tối om, định sang nhà Nguyên Bình nhưng chợt nhớ anh đã về Vĩnh Bảo. Vác xe lên thang, mở cửa căn buồng vắng tanh, các con đã về quê với ông bà, ngồi một mình trong bóng tối, tôi nghĩ tới Vũ Thư Hiên, Vũ Huy Cương, Đinh Chương, Hồng Sỹ đang trong tù, cuộc đời mình sắp bị khai đao, cảm thấy hết sự cô đơn trơ trọi trong một đêm Việt Nam dài tối tăm ghê sợ.
Kỷ niệm không còn một trời mây Đông Bắc
Mái tóc mắt yêu tiếng guốc nhẹ rụt rè thang gác
Kỷ niệm không còn một khung cửa tiếng khóc con
thơ
Nắng xuân ấm cành xoan mềm dây tã trắng chưa
khô
Người
Trời
Ngày xưa
Không gợi nghĩ tương lai
Không gợi buồn dĩ vãng
Ta
Một mình
Ta không có chính ta
Hiện tại
Trắng.
Những ngày tiếp theo là những ngày chờ bị bắt. Nhưng qua mùa xuân, tới mùa hè, đợt cải tiến quản lý hợp tác xã đã kết thúc, đã có kết luận về ông bí thư, về ban chủ nhiệm “ruột thẳng như cái cù lèo”; được trả về cơ quan ngồi chơi xơi nước, không được giao việc, qua một mùa hè nóng bỏng, tiếp một mùa heo may cho đến mồng 8 tháng 11, một ngày sau kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga tôi mới được “hưởng” cái điều mình chờ đợi. Một năm ấy dài chẳng kém một năm tù, cái thân phận chuột trong trò chơi mèo vờn chuột thật căng thẳng nhiều lúc chỉ muốn nhào ngay vào tù để yên phận một bề. Cái chi tiết tôi và Đinh Chương diễn kịch trên giường tôi cũng dành nốt cho vợ chồng Nguyên Bình —  nhân vật Lê Bình trong  Chuyện kể năm 2000 — để khỏi dồn vào mình quá nhiều sự kiện. Tôi bị bắt, Nguyên Bình trở thành ứng viên kế tiếp, anh bị bám, bị gọi hỏi, bị đe dọa. Ra tù, gặp nhau, anh không kể cho tôi mà tôi cũng không hỏi. Chúng tôi còn nhiều chuyện để nói, hoặc chỉ để im lặng nhìn nhau. Giống như vợ chồng tôi chưa bao giờ chuyện cùng nhau về những ngày đen tối của hai đứa. Tôi không dám hỏi mà vợ tôi cũng vậy. Moi chuyện đau lòng ấy ra để vết thương lại ứa máu làm gì. Những điều tôi biết được và viết về vợ tôi trong  Chuyện kể năm 2000  là do những lúc tôi có điều gì đó khiến nàng buồn, nàng “kể lể khúc nhôi” thay cho lời trách móc, hoặc những lúc nàng dạy bảo con cái, những điều nàng nói cứ in sâu trong trí óc tôi.
Trong những năm tháng hậu tù thất nghiệp đi bốc vác, kéo xe bò… thoi thóp kinh hoàng ấy, tôi có làm một cuộc khảo sát đời sống: Ra đầu phố những giờ đi làm và tan tầm, nhìn những người đạp xe qua Ngã Sáu và phát hiện một điều: Tất cả những người trên đường không một ai cười. Giống nhau. Xam xám. Đăm chiêu. Đồng phục quần áo. Đồng phục mặt người. “Đồng phục” dáng đi, dáng đạp xe. Nhiều trưa. Nhiều sáng. Nhiều chiều. Càng hoang mang khi thấy có những mặt người quen quen như đã gặp ở trại nào. Cảm giác này tôi đã đưa vào trang cuối tập 1  Chuyện kể năm 2000  và được nhiều người thích. Đấy là một hiện thực, hoàn toàn không phải tôi sáng tạo — bịa đặt — ra.
Khi quyển tiểu thuyết chưa hoàn thành, chị Hoàng Ngọc Hà, giám đốc nhà xuất bản Hà Nội, nơi Bầu làm biên tập viên, đã biết có nó. Tại Lê Bầu. Anh không nhịn được, đã khoe với chị những đoạn tôi đọc hoặc kể cho anh nghe. Qua Bầu, tôi biết chị muốn tôi gửi dự thi quyển tiểu thuyết của tôi ngày ấy còn mang tên Mộng Du. Đó là năm 1993, đang có cuộc thi sáng tác kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ Đô. Nghe nói 40 năm giải phóng Thủ Đô mà giật mình. 40 năm đã qua rồi. Năm 1954 tôi mới tròn 20 tuổi và khao khát viết được tác phẩm của đời mình. Tôi đã lăn lộn với nông thôn, với các nhà máy rồi chuyển hẳn về Hải Phòng quê hương để được gần cơ sở thu nhận ghi chép tích cóp từng chi tiết cuộc sống thợ thuyền, của giai cấp công nhân trong cuộc sống mới mà đảng là người đạo diễn để thực hiện mơ ước ấy. Đâu ngờ phải sống cạn một kiếp tôi. Để rồi viết về chính kiếp đó.
 Vốn là người nhẹ dạ, tôi gửi dự thi. Không trực tiếp đưa cho chị Hà. Mà tôi cũng chưa một lần gặp chị. Tôi đưa cho Lê Bầu. 644 trang đánh máy. Ngót nghét nghìn trang in. Đưa thì đưa thôi. Chứ không hy vọng.
Tôi đã dặn kỹ Bầu để Bầu nói lại với Hoàng Ngọc Hà về nguyên tắc bảo mật, rằng không được để lọt ra ngoài, rằng công an biết thì sẽ hỏng việc, không chỉ hỏng việc mà vĩnh viễn hỏng việc, vĩnh viễn không bao giờ được in...
Khoảng một tháng sau, tôi lên Hà Nội gặp Lê Bầu. Vẫn giọng sôi nổi, nhiệt tình vốn có, anh trợn mắt:
– Bà Hà bắt tao đi phô-tô. Chính tao đi phô-tô. Tao đứng lỳ ở cửa hàng cho đến khi phô-tô xong. Những trang phô-tô hỏng tao thu về hết. Gần một trăm nghìn! Đi. Đi lên nhà xuất bản gặp bà Hà đi. Sáng nay bà ấy có ở cơ quan đấy.
Tôi theo Lê Bầu đến nhà xuất bản gặp chị Hoàng Ngọc Hà. Chị Hà thời thiếu nữ hẳn là “một trang nhan sắc.” Ngày ấy đã ngoài năm mươi, trông chị vẫn đẹp. Đẹp từ dáng người, từ nước da vẻ mặt. Mãi sau này khi thân nhau, tôi mới biết chị cũng rời trường phổ thông gia nhập Đội Thanh Niên Xung Phong công tác tiếp quản Thủ Đô. Tôi tròn mắt:
– Thế chị ở phân đội nào nhỉ?
– Tôi ra muộn nên về đơn vị khác, không kịp vào Đội.
 Và nhìn tôi cười tinh nghịch:
– Chứ không thì Tấn đã lượn quanh Hà rồi.
Tôi cũng lây vẻ nghịch ngợm của chị:
– Hà hơi chủ quan đấy. Tấn ngày ấy coi các em bằng nửa con mắt.
Trong lần gặp đầu tiên, Hoàng Ngọc Hà tiếp tôi rất thân mật. Pha trà mời tôi với Lê Bầu xong, chị tới chỗ đặt máy điện thoại. Bấm số, nhấc máy:
– Anh Kiên đấy à. Anh Tấn đang ở đây.
Chỉ nói vậy. Và đặt máy, bước lại chỗ chúng tôi:
– Tôi gọi điện mời anh Nguyễn Kiên, giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn đến. Hôm nọ đi họp, ngồi cạnh anh Kiên. Tôi nói với anh Kiên là tôi mới nhận được một quyển tiểu thuyết dự thi hay lắm. Viết về tù. Đọc rất thích. Anh Kiên hỏi tên tác giả. Tôi nói tên anh. Anh Kiên bảo: Bùi Ngọc Tấn thì tôi biết. Hai thằng ở Trung Ương Đoàn với nhau mãi. Tôi còn biết cả vợ nó. Anh ấy sắp sang bây giờ đấy. Anh Kiên vừa mổ mắt, chắc phải đi ô tô. Nếu đi ô tô thì cả anh Ngô Văn Phú cũng sang.
Kiên đến. Đến một mình. Đi xe đạp đến một mình. Đã lâu lắm mới gặp lại Kiên. Mấy chục năm rồi. Anh đã là một ông già hom hem. Gầy. Nhỏ. Má hóp. Tôi hỏi thăm sức khoẻ Kiên.
– Mình vừa mổ xong. Mấy lần mổ rồi. Lại vừa mổ mắt.
Anh kể về những lần mổ thập tử nhất sinh của anh, kể cả lần mổ nhầm rồi kết luận:
– Mình sống đến bây giờ là lãi rồi.
Tôi rất thích chữ lãi của anh. Tôi cũng vậy. Tôi sống đến bây giờ là lãi rồi. Tất cả những gì tôi có được cho đến hôm nay, dù rất ít ỏi, rất tối thiểu cũng đều nằm ngoài ý muốn, ngoài quy định của những người nắm mạng sống của tôi. Kiên hỏi lại tôi về sức khoẻ.
Tôi cười:
– Mình quyết sống dai.
Kiên cười sảng khoái:
– Ông Phùng Quán gửi mình cái giấy mời đi dự mừng sinh nhật ông Nguyễn Hữu Đang 80 tuổi. Chả mình là thiếu sinh quân, cũng là quân của ông Nguyễn Hữu Đang. Giấy mời, ông Quán ghi tới dự buổi họp mặt mừng ông Nguyễn Hữu Đang sống dai. Ông ấy không đề mừng ông Nguyễn Hữu Đang 80 tuổi mà mừng ông Nguyễn Hữu Đang sống dai!
Những người nổi tiếng như ông Nguyễn Hữu Đang hay dù chỉ tép riu như tôi đều phải sống dai. Không hẹn mà gặp. Hẳn Quán cũng quyết tâm sống dai, nhưng thật buồn, ít lâu sau anh qua đời. Vẫn là Kiên:
– Cả hai giấy mời A25 cũng đề như vậy. Ông Quán ông ấy bảo không mời, họ cũng đến. Vậy thì mời cho đàng hoàng.
Chuyện trò một lúc, Hoàng Ngọc Hà nói với tôi đại ý: Tập tiểu thuyết của tôi vẫn dự thi 40 năm giải phóng Thủ Đô nhưng sẽ được chuyển sang nhà xuất bản Hội Nhà Văn và in ở bên ấy. Nhà xuất bản Hà Nội in không thuận lắm, vì đây là một câu chuyện ở Hải Phòng, Hà Nội in bất tiện. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in dễ hơn. Nó mang tính nghề nghiệp, học thuật.
Bầu bảo Kiên:
– Ông để cái Khuê biên tập.
Hoàng Ngọc Hà cũng nói:
– Phải đấy. Để Lê Minh Khuê.
Tôi không biết Lê Minh Khuê là ai. Mãi sau này khi đã đọc chị, tôi mới hiểu đề nghị của Bầu và cái gật đầu tán thành của Kiên. Khuê viết thật hay, vừa thơ cũng vừa quyết liệt, triệt để. Tôi luôn nghĩ Lê Minh Khuê là một trong vài nhà văn Việt Nam tôi thích đọc nhất. Những lần sau lên Hà Nội thăm thú, gặp Kiên, Kiên bảo:
– Mình in cho ông. Nếu có gì gay go thì mình gãi đầu gãi tai: Báo cáo các anh, tôi cứ tưởng tác phẩm này nó thế này thế này. Bây giờ nghe các anh phân tích tôi mới biết rằng tôi dốt.
Và cười:
  Tôi cứ nhận là tôi dốt thôi. Bài này là học được của bậc đàn anh Nguyễn Khải.
Rõ ràng Kiên hiểu nỗi hiểm nguy sẽ đến khi in tập tiểu thuyết của tôi và đã nghĩ sẵn cách chống đỡ. Một lần khác, tiễn tôi ra cửa, Kiên đi cùng tôi dọc hè phố Nguyễn Du, rủ rỉ:
– Sẽ có một dòng văn học tù đầy mà ông là người mở đầu.
Lại còn thêm:
– Hiện nay bọn mình có hai quyển. Quyển Mộng Du của ông và quyển Ba Người Khác của Tô Hoài viết về cải cách ruộng đất. Ông già viết cũng giỏi lắm. Không viết về cải cách ruộng đất mà viết về ba người đi làm cải cách ruộng đất nhưng vẫn thấy được tất cả. Chúng mình in của ông trước, của Tô Hoài in sau.
Vậy là chắc chắn sách của tôi sẽ được in rồi. Lòng tôi như múa lên. Tôi chỉ còn phải dặn dò Kiên hãy giữ bí mật cho đến phút cuối cùng, đừng nói gì với ai về tập sách của tôi. Dặn đi dặn lại dù tôi rất tin vào sự chín chắn của Kiên. Rồi tôi sang gặp chị Hà. Chị Hà gửi quà cho vợ tôi, “cho chị Ngọc.” Đó là cách gọi của chị. Cho đến lúc đó chị cũng chưa biết tên vợ tôi.
Hoàng Ngọc Hà còn bảo:
– Bọn tôi sẽ tặng giải thưởng cho anh. Giải thấp thôi. Tặng giải cao như Bảo Ninh thì phiền.
Tôi biết cái giải nhất tặng cho Bảo Ninh về quyển tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh vẫn còn bị lôi thôi. Người ta dùng sức ép chính trị, dùng cả tiền bạc — trả nhuận bút thật cao — để một số nhà văn viết bài phê phán nó. Chính những người bỏ phiếu ủng hộ nó đã viết bài phản tỉnh, sám hối. Sau này gặp Vũ Tú Nam tại trại sáng tác Đại Lải, anh cho tôi biết giữ nguyên được giải cho Bảo Ninh đã là rất khó khăn, TRÊN còn muốn Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn tuyên bố huỷ bỏ giải thưởng của Bảo Ninh. Vũ Tú Nam khi ấy là tổng thư  ký Hội. Tôi tin lời anh.
Vốn không quan tâm và không đánh giá cao các giải thưởng được trao tuỳ tiện — trừ trường hợp Bảo Ninh và vài trường hợp khác — tôi cười bảo Hoàng Ngọc Hà là thường trực hội đồng chung khảo cuộc thi:
– Thấp vừa thôi. Thấp quá Tấn không nhận còn phiền hơn.
Bản thảo chuyển sang chỗ Kiên đã bị chị Hà cắt đi nhiều. Phải đến hơn trăm trang đánh máy. Chị an ủi tôi:
– Thà anh công bố 70 phần trăm còn hơn anh không công bố được phần trăm nào.
Những đoạn chị cắt là những đoạn đau — cắt đoạn nào mà không đau. Chị động viên tôi:
– Chờ đến khi tái bản, in bổ sung cũng được.
Biết bao giờ tái bản. Nhưng thôi. Đành chấp nhận.
Mặc dù Lê Minh Khuê đã biên tập, Nguyễn Kiên và cả Ngô Văn Phú khi đó là phó giám đốc kiêm tổng biên tập đã đọc và đã nói với tôi chuyện in ấn, nhưng từ trong thâm tâm tôi vẫn không tin tập sách của tôi sẽ được xuất bản. Vì nó đụng đến điều cốt lõi nhất, nhậy cảm nhất, tử huyệt của chế độ, chưa một nhà văn nào đề cập: Chuyên chính vô sản và tệ mất dân chủ. Linh tính mách bảo tôi như vậy. Kinh nghiệm sống mách bảo tôi như vậy. Sự tung hô thường xuyên đảng quang vinh, sự ca ngợi cuộc sống triệu lần dân chủ hơn, một cuộc sống không có bi kịch, lời tụng ca nhà nước của dân do dân vì dân nói với tôi như vậy. Tác phẩm của tôi là tiếng reo hồn nhiên: “Ơ kìa! Vua cởi truồng!” của đứa trẻ. Rất hồn nhiên. Không cãi được. Cũng không đánh được! ([2])  
Nỗi lo của tôi đã thành sự thật.
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn mà Nguyễn Kiên làm giám đốc trước khi in tập tiểu thuyết của tôi đã in Nổi Loạn của tác giả Đào Hiếu. Ở Hải Phòng, tôi đọc báo thấy một loạt bài đăng trên báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh phê phán người viết, phê phán nhà xuất bản. Nguyễn Kiên viết trả lời trên báo Văn Nghệ. Nổi xung lên, ngay lập tức báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh tung ra loạt bài phê phán đích danh anh. Lại đăng tin truy tố tác giả, truy tố những người đã cho xuất bản tập sách. Thời gian ấy báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh là người gác cửa văn học mẫn cán trung thành, cảnh giác cách mạng kiên quyết tuyệt vời nhất của nền văn học nước ta mà Năm Tu Huýt là lưỡi kiếm thật sắc. Tôi vội tìm đọc Nổi Loạn. Giờ đây tôi không nhớ nội dung, nhưng đại khái là quyển sách trung bình, có một số đoạn sex mà họ đã tập trung khai thác để ra đòn.
Tôi bảo vợ tôi đưa cho ít tiền lên Hà Nội. Đến Kiên. Tôi biết trong tình hình này, Nguyễn Kiên chẳng thể nào in được quyển tiểu thuyết của tôi. Tôi kéo Kiên đi uống nước tại một quán giải khát bên kia đường Nguyễn Du:
– Thôi, ông đưa lại bản thảo cho mình. Nó đánh thằng Kiên nhưng thằng Tấn chết.
Kiên bảo:
– Một năm mình phải ra cả trăm đầu sách. Chỉ mong lấy hai mươi phần trăm sách hay thôi là quý lắm rồi. Còn phải làm hàng chợ. Phải lo tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền ô tô, tiền lương anh em. Nổi Loạn là hàng chợ của mình.
Và anh cho biết những gì ẩn đằng sau vụ đánh anh. Nó nằm ngoài văn chương. Anh chỉ là cái bung xung. Đào Duy Tùng thường trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng gọi điện vào bảo thôi đừng bới chuyện ra nữa, “Sài Gòn” cũng không nghe. Chỉ đến khi đích thân tổng bí thư Đỗ Mười gọi điện vào mới thôi. Phải là Vua. Phó Vương không được. Ông có biết Năm Tu Huýt là ai không? Chính là Vũ Hạnh.
Thế là Mộng Du lại trở về Hải Phòng cùng chủ nó. Kèm theo Mộng Du là hai trong nhiều bản giám định mà Lê Bầu đã phô-tô, một của Nguyễn Thị Ngọc Tú, một của Hoàng Ngọc Hà, những thành viên ban giám khảo cuộc thi sáng tác 40 năm giải phóng thủ đô, 1954–1994. Sau khi phân tích tác phẩm, Nguyễn Thị Ngọc Tú viết: “Là một người đọc, một người viết, tôi hết sức trân trọng và đánh giá cao lao động sáng tạo này.” Còn Hoàng Ngọc Hà kết luận: “Đây là một tập tiểu thuyết có giá trị văn học cao. Phản ánh một thời kỳ của đất nước khá trung thực.” Đó là những nhận xét bằng văn bản của giới văn chương chính thống mà tôi có trong tay cho đến lúc ấy. Tôi không biết còn những ai đã đọc và giám định nhưng cũng đoán được một số người, bởi Lê Bầu thỉnh thoảng lại nói với tôi ai thích đoạn Giang cầm hòn gạch đập vỡ cái chảo, ai thích đoạn tắm ở sân kho hợp tác, ai thích đoạn Ngụy Như Cần treo cổ...
Ôm bản thảo về nhà, tôi đọc lại, tôi sửa. Trong thời gian ủ Mộng Du, tôi vừa sửa chữa, chuốt lại nó, vừa viết được tập hồi ký Một Thời Để Mất, hai tập truyện ngắn Những Người Rách Việc, Một Ngày Dài Đằng Đẵng. Nhưng phải nói tốc độ làm việc của tôi đã giảm nhiều. Bởi trong nhà lúc nào cũng có một quyển tiểu thuyết dầy cộm chưa in làm mình yên tâm là vẫn còn của để. Cũng như con ong làm mật. Các tầng mật còn đầy thì cũng chưa vội vàng gì. Nếu sách được in từ năm 1993, 1994 ấy, có thể tôi đã viết xong một quyển tiểu thuyết khác nữa rồi.
Việc xuất bản mấy tập sách ngắn cũng không đơn giản. Trước tiên là tập hồi ký Một Thời Để Mất viết về Nguyên Hồng và các bạn tôi. Suýt nữa không được in. Vì có ý kiến nghe rất có lý: “Bùi Ngọc Tấn là cái thớ gì mà viết hồi ký?” Cuối cùng nhờ Nguyễn Kiên, — tôi đoán vậy qua những bức thư của Vương Trí Nhàn — tập hồi ức văn học của tôi được vào kế hoạch dù phải cắt đi nhiều đoạn “căng.” Nhà xuất bản bỏ tiền in và phát hành. Tập sách được đánh giá là hay, 180 trang, 13.000 đồng một cuốn, dễ đọc, in 600 cuốn nhưng một số lượng kha khá trở về nằm trong quầy sách hạ giá của nhà xuất bản với giá 7.000 đồng một cuốn. Tôi mua cả mấy chục cuốn. Không buồn vì sách phải bán hạ giá, lại còn phấn khởi vì có sách tặng giá rẻ không ngờ. Đấy là tập sách đầu tiên của tôi sau gần 30 năm im tiếng.
Tập truyện ngắn Những Người Rách Việc thì mệt mỏi hơn. Rất nhiều truyện khó nhá. Cún. Người Ở Cực Bên Kia. Khói. Chuyện một cô trung sĩ ở Trường Sơn phục viên về làm điếm. Những chuyện oan trái, những chuyện tù đày, mất mát, những thân phận quăng lên quật xuống. Gửi đăng báo đã khó. Người Chăn Kiến chẳng hạn. Không báo nào đăng. Minh Đà cùng làm phóng viên báo Hải Phòng một thời với tôi rất thích truyện này, trong một lần nghỉ phép về quê Nghệ An đã mang theo nó đưa cho Thanh Quế và được Thanh Quế in trên tạp chí Sông Lam. Tôi reo lên vì sung sướng và đem tờ tạp chí đi phô-tô. Tất cả các truyện ngắn đã được đăng báo tôi đều đem phô-tô, đóng những bản phô-tô ấy lại thành một tập, rồi mới gửi đến nhà xuất bản. Kiểu bản thảo này mang theo câu nói không thành lời với các biên tập viên, các giám đốc rằng: Đã được in rồi, không sao cả. Các vị cứ yên tâm, nếu xẩy ra chuyện gì các vị có thể nói: Truyện đã đăng báo, chúng tôi chỉ in lại thôi.
Nhưng vẫn rất khó khăn. Từng truyện đọc riêng, có thể cho qua, nhưng xếp liền cả chục truyện bên nhau, truyện này nối truyện kia, gây một hiệu ứng đáng lo ngại.  Tôi đem tập truyện đến giao cho Hoàng Ngọc Hà. Chị duyệt, trao lại bản thảo cho tôi với lời dặn dò:
– Tôi đã đăng ký kế hoạch bổ sung quý tư tập của anh với Cục Xuất Bản rồi. Hết năm nay tôi về hưu. Anh phải in trong năm nay. Để đến sang năm phải đăng ký lại, giám đốc mới sẽ duyệt lại, có thể sẽ gặp khó khăn.
Nhìn tập bản thảo có chữ ký phê duyệt của Hoàng Ngọc Hà, dù mới quen nhau, tôi vẫn ôm chầm lấy chị và biết mình phải làm gì. Không thể đánh mất cơ hội vàng này. Đã là tháng 12, sắp hết năm rồi. Tôi bàn với Vũ Huy Cương, người bạn cùng ở trung ương đoàn ngày trước, tác giả hai câu thơ nổi tiếng “Đồng chí Mác là nhà thơ thiên tài vĩ đại / Câu thơ hay nhất là “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” bị bắt tù trước tôi và cũng được tha trước tôi trong cùng vụ án Chống Đảng mặc dù cả hai chúng tôi không ai là đảng viên, nhờ anh lo việc in ấn, còn tôi lo tiền. Giáng Hương, Hải Yến rất vui góp tiền cho bố in sách mà không cần thu hồi vốn.
Đầu năm 1996 sách in xong. Tôi đem bán ở các nơi. Gửi các hiệu sách, trực tiếp vào các trường học. Ngày ấy chẳng ai biết đến cái tên Bùi Ngọc Tấn. Bán sách thật khó khăn. Thồ vào Hà Đông gửi Phượng Vũ, giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin Du lịch 200 cuốn thì phải nhận lại 150 cuốn. Tập Một Thời Để Mất dễ đọc thế, vừa túi tiền thế mà còn phải bán hạ giá cơ mà! Thế mới biết tạo dựng được một cái tên, một “thương hiệu” theo cách nói hiện nay, thật quan trọng. Tôi nhớ chuyến đi Mỹ năm 2009, tôi tặng chị Chấn thủ thư đại học Havard tập Biển Và Chim Bói Cá dầy trên 500 trang, chị nhận sách tôi tặng và mua thêm hai cuốn cho thư viện trả bằng dollar. Cũng lúc ấy, tôi đưa tặng thư viện một tập thơ mỏng của một nhà thơ trẻ nổi tiếng nhờ tôi mang sang, chị Chấn không nhận vì lý do thư viện không có chỗ!
Nhân tiện cũng nói ở đây một kinh nghiệm nữa trong việc in sách. Hãy biết chấp nhận việc cắt bỏ những đoạn gay cấn mà mình tâm huyết để có thể ra được sách nếu các ông biên tập kiên quyết đòi cắt bỏ. Rồi mỗi lần tái bản sẽ thêm vào, tuồn vào. Khi tái bản, người ta không chú ý, khắt khe như lần in đầu tiên. Mỗi lần thêm một chút, đến khi tái bản lần thứ 5, thứ 7, thứ 9 gì đó, bản in sẽ đúng hoặc gần đúng bản thảo. Cái nước mình phải thế. Dù chẳng đổ đình đổ chùa, chẳng kêu gào chống đối, nếu không chú ý thì thấy các bản in chẳng có gì khác nhau. Cứ phải nhích từng tí một. Cái nước mình nó thế. Thầy Hoàng Ngọc Hiến bảo vậy.

B.N.T.

([1]) Như Thao và Bình trong  Chuyện kể năm 2000, tôi và Đinh Chương cũng cười rung cả người. Làm sao không cười được vì mồm ca ngợi vị đại tướng Trường Sơn, bỗng lại nghĩ đến bản tổng kết về những gì có tên Trường Sơn của Nguyên Bình: Thuốc lá Trường Sơn, bút máy Trường Sơn — những thứ tồi nhất, rẻ tiền nhất, cùng bất đắc dĩ mới phải dùng. Và đại tướng Trường Sơn.
(2) Suy nghĩ của tôi đã đúng. Sau này khi sách đã in họ không đánh. Chỉ cấm, chỉ thu hồi tiêu hủy thôi.
(Xem tiếp kỳ sau)




.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét