Nhãn

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)



    Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


                              PHẦN THỨ HAI

                         Chương mười hai        

         1


Lê Văn Khải đi khỏi làng Cùa được ba hôm thì Trương Đình Tái, quyền Trưởng công an đem hai dân quân đến Trại Cá bảo mẹ con bà Hai:
 - Anh Nghiên theo chúng tôi ra ủy ban.
Khúc Thị Hài chột dạ bảo:
 - Nó làm gì mà các ông bắt?
 - Có chuyện đấy, đến ủy ban khắc rõ.
Bà Hai lắc đầu:
 - Chắc lại chuyện thằng Khải.
Nghiên bị dẫn ra trụ sở. Bùi Quốc Tầm đã ngồi chỡ sẵn.
             - Thằng Khải đi đâu?
Quả nhiên không ngoài dự đoán. Thấy thái độ hách dịch của Chủ tịch xã, nghiên ngứa mắt muốn quại cho hắn một phát vào mặt nhưng bắt buộc phải tỏ thái độ lễ phép một cách giả tạo:
 - Thưa ông Chủ tịch, nhà tôi không có ruộng mà những bốn miệng ăn nên anh ấy phải đi kiếm việc làm.
Tầm lại hỏi:
  - Làm ở đâu? Lúc đi sao không ra xã trình báo?
  - Anh ấy bảo chỉ đi ít hôm rồi lại về nên chúng tôi chưa kịp báo với ông Tái.
Tầm hắt hơi liền mấy cái, khạc đờm nhổ xuống đất rồi sẵng giọng :
  - Những đối tượng như các anh ra khỏi làng nửa ngày cũng phải xin phép. Đấy là quy định của chính quyền.Thế mà anh Khải vắng nhà đã ba ngày không lý do.Yêu cầu anh khai thật ra.
  - Tôi đã bảo là anh ấy đi tìm việc làm, khi chưa tìm được thì không thể nào có nơi cư trú để trình báo với các ông.
  - Anh cũng lắm lý luận gớm nhỉ? - Tầm châm chọc. - Vậy tôi hỏi anh, tại sao trước khi đi anh Khải không xin phép?
    Nghiên cười nửa miệng, nhìn vị Chủ tịch cố nông như nhìn một con lừa:
  - Anh ấy biết trước, có xin các ông cũng chẳng cho đi. Đói bụng đầu gối phải bò. Chẳng lẽ cứ ngồi nhà chờ chết đói?
  - Thế là rõ. - Tầm cười đắc thắng. - Vậy thì anh hãy tạm xuống buồng giam dưới kia, đợi đến khi nào thằng Khải về sẽ được ra.
  Ngày thứ tám, Trương Đình Tái mang lệnh của Chủ tịch ủy ban hành chính xã Đoàn Kết đọc cho mẹ con bà Hai nghe:
  - Từ ngày hai mươi bốn tháng ba năm…, vợ hai địa chủ Khúc Đàm là Phùng Thị Thoả, con gái là Khúc Thị Hài, vợ tên Quốc dân đảng Lê Văn Vận, có nợ máu với bà con bần cố nông, lập tức phải rời xóm Trại Cá ra đồng Chó Đá ở, nếu cố tình trái lệnh sẽ bị tống giam. Chủ tịch Bùi Quốc Tầm đã ký.
  Sáng sớm ngày hai mươi nhăm, mẹ con bà Hai cho tất cả đồ đạc tuỳ thân vào đôi quang thúng. Khúc Thị Hài gánh, còn bà mẹ khoác chiếc bị cói thập thững theo sau. Từ xóm Trại Cá đến đồng Chó Đá không xa lắm nhưng phải qua khu ruộng trũng hàng năm chỉ cấy một vụ còn một vụ bỏ hoá vì ngập nước. Khu đất mà xã Đoàn Kết bố trí cho các hộ địa chủ ở cách bãi tha ma chưa đầy trăm thước. Nơi đây mười lăm năm trước, sau trận huyết chiến giữa quân Áo đen của Khúc Kiệt với lính Nhật của Hirosi, làng Cùa đã phải chôn liền một lúc hơn bẩy chục người vô tội. Xương thịt của họ đã tan vào lòng đất làm xanh tốt hàng ngàn thế hệ cỏ cây nhưng linh hồn họ chắc gì đã được siêu thoát về nơi tịnh thổ.

 Trịnh Doãng, lão Mộc điếc cùng Đoàn Văn Đáp, cháu họ gọi Phó lý Kiền bằng bác vào xóm Trại Cá dỡ ngôi nhà cũ dựng lại cho mẹ con bà Hai. Ba người vừa trèo lên mái lột được mấy hàng rạ đã thấy Trương Đình Tái khoác súng đến sừng sộ:
  - Ngôi nhà này ủy ban đã trưng dụng không được dỡ. Các anh xuống ngay .
  Đoàn Văn Đáp bảo:
  - Mẹ con bà Hai giờ không có lấy một cây tre dựng lều, xin các ông làm ơn cho người ta.
 -  Không nói lôi thôi. - Quyền Trưởng công an quát.  - Các anh cố tình phá nhà là tôi hô quân dân trói lại.
Tối hôm ấy mẹ con bà Hai phải trải rạ nằm trên nền đất ẩm đắp tạm tấm chăn đụp. Phải mất gần ba hôm kiếm vật liệu bọn Trịnh Doãng mới dựng xong căn lều. Nó chỉ vừa đủ kê chiếc chõng và để đôi quang thúng, mỗi khi ra vào đều phải khom người nhưng dù sao cũng còn hơn phải phơi nắng phơi sương giữa trời.
  Cũng vào thời gian ấy, Lê Văn Nghiên bị giải lên huyện để công an tiếp tục điều tra về sự mất tích của Lê Văn Khải  mà lãnh đạo xã Đoàn Kết nghi là anh ta đã trốn vào Nam theo địch. Ở huyện người ta đối xử  với Nghiên khác hẳn với Bùi Quốc Tầm và Trương Đình Tái. Họ không tát tai hoặc thích cùi chỏ vào ngực, thậm chí không lên giọng quát tháo nhưng thực sự Nghiên thấy sợ. Đó là nỗi sợ hãi cố hữu bởi anh ta luôn biết thân phận mình chỉ là con sâu cái kiến, đang đối mặt với một thế lực có sức mạnh tập thể vô cùng lớn được duy trì bằng nguồn năng lượng đặc biệt đó là chuyên chính vô sản. Họ mở miệng ra là nhân danh đảng và giai cấp vô sản, có khi chưa cần dùng đến biện pháp cứng rắn những công dân hạng hai như anh ta đã rúm người lại như con chuột nhìn thấy lão mèo già đang lặng lẽ vuốt râu .
  Ông công an mặc áo đại cán, tay đeo đồng hồ Nikles  có cái cằm nhọn, ria đen nhánh nhưng thưa, thái độ rất nhã nhặn:
  - Anh cứ bình tĩnh kể lại cho chúng tôi nghe từ đầu đến cuối việc anh Khải đi khỏi làng Cùa như thế nào. Nhớ là phải thật tỉ mỉ, chính xác .
  Người thư ký ngồi bên cạnh đã chuẩn bị sẵn giấy bút. Anh ta ghi rất nhanh khi Lê Văn Nghiên bắt đầu nói. Trong nửa giờ, người cằm nhọn vừa nghe vừa ghi sổ tay. Ông ta viết khá xấu nhất là các chữ s, m, và đặc biệt chữ k chẳng khác gì cái chân gà. Nghiên trình bày một cách ngắn gọn, có phương pháp làm ông công an bất giác nheo mắt hỏi:
  - Anh có biết chữ không?
  - Thưa ông, có biết chút ít.
  - Chắc là học bình dân?
  Nghiên ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu:
  - Thưa ông, vâng.
  Ông công an khoảng trên ba mươi, trán rộng, mũi nở, mắt sáng trông có dáng của một lãnh đạo quốc gia trừ cái cằm nhọn. Thỉnh thoảng ông ta nhìn Nghiên như kiểu mèo vờn chuột. Cái nhìn tưởng là vô cảm, bất chợt thoảng qua nhưng nếu để ý sẽ thấy những tia sắc lạnh như mũi khoan thép làm ý chí đối phương tê liệt, mất hẳn khả năng phòng thủ cuối cùng phải bộc lộ bản chất. Nghĩ đến đây, Nghiên tự bảo mình: Ta nguy mất rồi.
  - Anh nghĩ gì thế? - Người cằm nhọn lại phóng một tia nhìn làm Nghiên cồn cào ruột gan.
  - Tôi đang nghĩ giá mà anh Khải viết thư về cho biết đang làm việc ở đâu.
  Ông ta gật gù:
  - Nếu thế thì còn nói làm gì. Mà này, anh có viết được không?
  -  Dạ, cũng võ vẽ đôi chút...
  - Vậy hãy viết bản tường trình. - Ông công an đẩy xấp giấy, cây bút sắt cùng lọ mực tím mà người thư ký đã chuẩn bị sẵn về phía anh. - Cứ bình tĩnh mà trình bày. Nhớ dùng chữ nhỏ và đừng để mất nét. Tôi bận họp, chiều ta lại gặp nhau.
  Bản tự khai của Nghiên chỉ chừng năm trăm chữ viết gọn trong hai mặt giấy, nét đẹp như cắt làm tay thư ký há hốc mồm không tin ở mắt mình. Nội dung hoàn toàn giống với lời khai, chỉ có điều cốt yếu mà người ta đang muốn biết là Lê Văn Khải đang ở đâu thì Nghiên không viết vào. Chiều hôm ấy, Nghiên ngồi trong trại tạm giam. Ông công an điều tra không đến. Chắc vẫn bận họp. Sáng hôm sau, ông Thẩm, Nghiên nghe thấy người thư ký gọi như vậy, đến rất sớm. Vừa bước vào phòng anh ta đã thấy vị cán bộ điều tra cầm trong tay bản tự khai của mình đọc rất chăm chú hoặc đang làm ra vẻ chăm chú. Thời gian đọc khá lâu gần như ông ta đánh vần từng chữ làm  Nghiên sinh nghi, ông ta đang đóng kịch hay cũng mới thoát nạn mù chữ?
  - Anh ngồi đi. - Ông Thẩm đặt tờ giấy xuống mặt bàn rồi khẽ gật đầu - Chữ anh viết đẹp lại đúng mẹo luật nữa.
- Ông quá khen.
- Hình như trước đây anh cũng được học hành tử tế chứ không phải chỉ ở trình độ bình dân học vụ?
  Nghiên thoáng nghĩ, chuyện này không thể giấu, nếu giấu lập tức ông ta sẽ liên hệ ngay đến việc mình lừa dối chính quyền, tội không nhỏ.
  - Thưa vâng, tôi đã tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp.
  - Có thế chứ. Bọn trí thức tiểu tư sản các anh nói chung là thuộc thành phần bóc lột, ăn bám vào bà con bần cố nông. - Ông Thẩm vừa bẻ đốt ngón tay khùng khục vừa phân tích. - Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp lớn nhằm xoá bỏ sự áp bức bóc lột, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng. Chính sách của nhà nước không nhằm đánh vào thân thể các anh mà để cải tạo tư tưởng cổ hủ lạc hậu trong đầu các anh. Một trong những yêu cầu tối thiểu để giảm nhẹ hình thức xử phạt là phải thành khẩn. Vậy mà từ hôm qua đến giờ anh vẫn cứ loanh quanh không cho nhà chức trách biết hiện giờ anh Khải ở đâu?
  - Ông nói rất có lý. Tôi cũng nóng lòng muốn được ra khỏi đây về nhà giúp đỡ gia đình nhưng ngặt một nỗi từ khi đi khỏi làng đến giờ anh Khải chẳng có tin tức gì.
  - Thế này vậy. - Ông Thẩm vẫn rất bình tĩnh bảo. - Tôi để anh suy nghĩ thêm từ giờ đến sáng mai, nếu ngày mai vẫn cố tình không chịu khai ra tên Khải đi đâu, chúng tôi bắt buộc phải đưa anh lên tỉnh.
  Ngày hôm sau, ông Thẩm hoàn toàn thất vọng nhưng vẫn giữ được thái độ bình tĩnh cần thiết của người cán bộ điều tra chính trị. Trước khi Lê Văn Nghiên bị hai công an dẫn đi, ông ta còn dặn:
  - Cái chính là phải thành khẩn nói hết những điều mình biết. Pháp luật tuy nghiêm khắc nhưng vẫn có phần giảm nhẹ nếu các đối tượng thực sự hối cải. Anh nhớ lấy.
Thường thì những đối tượng có lý lịch phức tạp như Lê Văn Nghiên mà công an huyện đã chuyển tỉnh thì hiếm khi được về ngay. Anh ta vừa đến ty công an đã được đưa ngay vào trại tạm giam K4. Trong trại, sau Cải cách ruộng đất vẫn còn khoảng hơn trăm người, phần lớn là con em địa chủ cường hào, tay sai Quốc dân đảng đang chờ xử lý.
  Cũng vào thời gian ấy, mẹ con bà Hai không còn thứ gì có thể ăn để sống, đành phải tính đến việc đi xin. Chuyện ăn mày vào những năm giữa thập kỷ năm mươi không có gì lạ. Cái lạ là hầu hết số người lang thang khất thực trên khắp các nẻo đường đều có nguồn gốc địa chủ, cường hào hoặc phú nông đã bị tịch thu điền sản .
  Tất cả bọn họ đều mang một đặc điểm chung khi hành nghề là nón mê kéo sụp xuống che mặt, giọng nói lí nhí và không bao giờ dám nói rõ thân phận. Khúc Thị Hài trong bộ váy áo vá chằng vá đụp, vai khoác bị, cánh tay lành dắt bà mẹ lưng còng ngót nghét sáu mươi chẳng khác gì hình ảnh nàng Cúc Hoa dắt mẹ Tống Trân hành khất thời xưa. Bà Hai mệt thỉnh thoảng phải ngồi nghỉ lấy sức.
  Lúc ấy hai mẹ con trên đường vào làng Rào. Con đường hẹp lát gạch nghiêng, ở giữa gồ lên như mai rùa. Nắng tháng tư trong suốt không đến nỗi gay gắt như trưa tháng sáu nhưng vì là nắng mới nên rất khó chịu với những người đi bộ đường trường. Trời trong xanh, thỉnh thoảng mới có gợn mây trông như hình mạng nhện đan bằng những sợi trắng như bông. Mặt trời lên cao, mạng nhện càng nở phình ra cho đến lúc giống hệt tấm lưới khổng lồ choán nửa bầu trời rồi mờ dần. Một đàn sếu lông xám nhịp nhàng vỗ cánh bay về phía đầm Ma theo hình mũi tên. Con đầu đàn hơi tách ra khỏi đội hình rồi bất ngờ hạ dần độ cao. Chúng bay quanh làng vài vòng kêu lên những tếng rất lạ tai sau đó tiếp tục cuộc hành trình. Qua cổng làng, mẹ con bà Hai rẽ vào một ngôi nhà ngói trông bề ngoài thì gia chủ có vẻ khá giả. Khúc Thị Hài kéo tấm khăn đen che mặt, cố ý để người ta nhìn thấy cánh tay tật nguyền.Con chó vện bằng nắm đấm cắn dai nhanh nhách. Người ra mở cổng là một bà già.
  - Bà ơi! Bà làm ơn cho con xin chút ít. Quê con mất mùa đói lắm.
  Bà cụ già lúng búng nhai trầu hỏi:
  - Sao dạo này lắm ăn mày thế không biết? Mẹ con nhà chị ở mạn nào đến?
  - Quê con mãi làng Vạn, Thái Bình cơ. - Khúc Thị Hài nói dối - Cùng đường mới phải ngửa tay đi xin, mong bà mở lòng từ bi, một nắm khi đói bằng một gói khi no.
  Bà cụ vào nhà xúc bơ gạo đưa cho Khúc Thị Hài bảo:
  - Nhà này cũng sắp hết ăn rồi nhưng nhìn thấy mẹ con nhà chị nhếch nhác quá không đành.
  Bà Hai cảm động khẽ nói :
  - Đội ơn bà!
  Hai người lại thất thểu trên con đường trục giữa làng, từ xa nhìn thấy ngôi nhà gạch năm gian lợp ngói âm dương, Khúc Thị Hài chỉ tay hỏi mẹ:
  - Mình cứ liều vào trong ấy xem có được gì không?
  Bà Hai bảo:
  - Mẹ đoán nhà ấy là nhà cố nông mới được chia chẳng ăn thua gì đâu.
Trước cửa, một người đàn ông mặt dẹt, trán thấp, cởi trần, những dẻ xương sườn hình nan quạt trồi lên dưới lớp da vàng ệch đang húp xoàn xoạt bát cháo khoai vẫn còn bốc khói, vừa nhìn thấy ăn mày vào sân đã xua như xua tà:
  - Không có gì đâu, nhà này cũng phải húp cháo khoai trừ bữa đây.
  Khúc Thị Hài nhăn nhó:
  - Bác nhón tay làm phúc giúp kẻ cơ nhỡ một chút gọi là.
  - Về quê làm lấy mà ăn. - Người đàn ông vẫn xịt xoạt húp thứ nước lõng bõng trong chiếc bát chiết yêu, giọng rồm rộp như bị bỏng lưỡi. - Đây mấy đời cố nông mà không thèm ngửa tay xin xỏ ai bao giờ nhé!
  - Bác nói thế thì chúng tôi đành chịu.                                  
  - Không chịu cũng không được. Nhà này sáng qua đã phải đem ra chợ bán mấy cái ghế quả thực mua được thúng khoai khô, hôm nay mới có cháo húp. Mà thôi, chị chờ một tí, tôi mang cho nắm khoai. Nếu đói quá thì có thể ăn tạm. Khoai phơi được nắng, thơm lắm.
  Xế chưa mẹ con bà Hai ra nghỉ dưới gốc đa làng giở khoai khô ra nhai. Ăn xong,  khát quá, Khúc Thị Hài lội xuống giếng ngắt lá sen múc nước mang lên cho bà Hai uống. Đêm ấy, về đến căn lều của mình bà Hai nằm thiêm thiếp bụng sôi òng ọc. Hôm sau, lúc sắp đi, Khúc Thị Hài bảo mẹ :
  - Hôm nay bà mệt cứ ở nhà.
  Bà Hai lắc đầu :
  - Tôi già thế này ngửa tay xin người ta mới thương, một mình chị sợ rằng khó.
  - U cứ lo không đâu. Cái tay khoèo của tôi thế này mà lắm lúc cũng được việc.
  - Thời buổi thóc cao gạo kém, ăn xin như rươi, người cụt cả hai chân còn chưa ăn ai huống hồ cái tay khoèo của chị.
  Hai mẹ con sang vùng Mễ Tây. Dọc đường 228 thỉnh thoảng lại gặp một toán bị gậy, người nào cũng mặt xanh nanh vàng, áo quần nhếch nhác trông như quỷ nhập tràng. Khúc Thị Hài hỏi một ông mặt choắt, rậm râu, già nhất trong đám, dáng bước lòng khòng:
  - Các bác ở đâu ta ?
  - Dưới Cổ Trai.
  - Sao không vào chợ La?
  - Vào thế đếch nào được.- Ông già buột miệng chửi - Mẹ cha chúng nó chứ! Lão vừa mon men đến cổng mấy thằng khán thị đầu trâu mặt ngựa đã vác gậy đuổi như đuổi tà. Có tay mặt rỗ còn trẻ bị câm cứ liều xông vào bị nó nện dập ống chân.
  - Ở nhà có còn ruộng vườn không?
  - Các ông bà nông dân tịch thu hết rồi, giờ chỉ còn trơ hai cái thân già thay nhau đi xin của bố thí đây.
  Qua chợ La được một thôi đường, mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Hai mẹ con vào ngồi quán đá dưới gốc cây đa cổ thụ tránh nắng. Được một lúc có ba phụ nữ ăn mặc kiểu nửa quê nửa tỉnh đạp xe ngang qua. Người lớn tuổi bảo hai chị bạn:
  - Ta vào quán này nghỉ uống chén nước.
  Trên chiếc chõng tre nức mây đen sì như dính bồ hóng, ngoài nải chuối tây đã chín vàng chỉ có ấm nước vối, một lọ thuỷ tinh kẹo bột xanh đỏ với chiếc điếu cày ghếch bên cạnh. Người phụ nữ đứng tuổi mặc áo cổ bẻ xanh sĩ lâm[1] chiết ly, quần láng đen, đội nón bài thơ, vai quàng chiếc túi vải, ngồi xuống ghế bảo bà chủ quán:
  - Bà cho ba bát nước vối với đĩa kẹo .
  - Các bác về đâu thế?
  - Về tỉnh bà ạ .
  - Nước đây mời ba bác. Từ đây về tỉnh đi xe lết[2] chả mấy, cứ thong thả cho mát .
  Nhìn thấy hai mẹ con người ăn mày, chị phụ nữ đứng tuổi thoáng giật mình, nhưng rồi chị ta lấy lại bình tĩnh rất nhanh, thái độ thản nhiên như không bảo bà chủ quán:
  - Bà mang nải chuối này với hai bát nước đưa cho mẹ con người ăn mày kia, tôi sẽ trả tiền.
  Bà Hai mắt kém lại bị quáng nắng không nhận ra người phụ nữ nhưng Khúc Thị Hài đã ngờ ngợ ngay từ khi chị ta bước vào quán. Khi người ấy đến gần hai mẹ con, bỏ khăn ra thì Khúc Thị Hài khẽ kêu lên :
  - Dì Ba!
  Người phụ nữ đặt tay lên môi ra hiệu nói khẽ rồi hỏi:
  - Sao lại đến nông nỗi này?
  - Chúng tôi bị xã đuổi khỏi làng phải ra đồng Chó Đá ở vì thằng Khải bỏ nhà đi tìm việc, thằng Nghiên thì đang nằm trong trại tạm giam .
  Chị ta cắn môi ngẫm nghĩ một lát rồi dặn :
  - Nói chuyện ở đây không tiện. Nghe tôi dặn. Nếu có gì cần giúp đỡ chị hãy sang thị xã đến nhà số 15 phố Đông Sơn, hỏi bà Dương Thị Xuân .
  Trên đường về, bà Hai bảo con gái :
  - Cái người mang quan tài về liệm cho chồng mày hôm nó bị bắn đúng là cô ấy.
  - Con cứ nghĩ là dì ấy chết rồi.
Bà Hai gật đầu:
  - Tao cũng nghĩ thế, mà... sao lại  phải thay tên đổi họ nhỉ?
  - Chắc là phần đời sau này của dì ấy có những uẩn khúc .
  - Tao chẳng biết được mà chỉ thấy cô ấy khác trước nhiều lắm.
  - Có khi người ta làm cán bộ bà ạ. Nay mai con phải lên tỉnh một chuyến may ra cứu được thằng Nghiên.
            (Xem tiếp kỳ sau)


[1] Một loại vải sợi bông do Trung Quốc sản xuất vào những năm năm mươi, sáu mươi
[2] Xe đạp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét