HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ
8
Bùi Ngọc Tấn
Chữ
của tôi là tiếng thở dài của những người dưới đáy đến thẳng trái tim tôi, giản
dị, âm thầm, khắc khoải, nặng trĩu. Là những chuyến đi biển dài ngày, lên bờ
vẫn thấy mình đu đưa như còn trên sóng gọi là say đất cộng với 5 năm tù dài hơn
cả kiếp người, khi được tha nhìn ai cũng quen quen ngờ ngợ như gặp lại bạn tù
trong trại, để rồi chiết xuất được hai tiếng “say tù.” Hai tiếng kết tinh tình yêu cuộc sống và nỗi trầm luân
cay đắng của tôi. Nói rộng ra, tất cả sáng tác của tôi đều là hợp chất của hai
thành tố ấy, càng đắm đuối càng cay đắng, càng cay đắng càng đắm đuối. Chữ là
kinh nghiệm sống, là bầu khí quyển của tôi, tôi hít thở, ngụp lặn, nhấm nháp
nghiền ngẫm. Giống Dương Tường, tôi ăn ngủ với chữ như với người tình một thuở.
Tôi gọt giũa, lật lên lật xuống, vuốt ve ngắm nghía. Tôi ủ chữ trong tim, tôi
ngậm chữ trong miệng, thì thầm với chữ và đọc to lên. Có những chữ như ảo ảnh,
ẩn hiện trong sương, một dáng hình trong mơ, luôn giữ một khoảng cách không thể
vượt qua. Nó làm tôi mất ăn, mất ngủ, ngơ ngẩn như người bị phụ tình. Lại có
những chữ không hề nghĩ tới, vụt rơi vào trang giấy ngay trước mắt như một sự
tự tìm đến hiến dâng, món quà ban tặng của Thượng Đế. Chữ với âm thanh trầm bổng
— điều đặc biệt của tiếng Việt — lúc như viên chì lăn tròn vào lòng người, lúc
trải rộng như cửa sông đổ ra biển cả, nhịp nhàng uốn lượn uyển chuyển như múa,
như hát, một hòa thanh nhỏ cho từng câu và một tổng phổ trong cả tập truyện
dài.
Chữ
là khổ sai. Chữ là hạnh phúc. Không chỉ hạnh phúc, tôi còn là một kẻ quyền uy.
Muôn ngàn chữ trước mặt, thỏa sức chọn lựa, đảo lên đảo xuống cho đúng chỗ. Một
từ chính xác đặt đúng chỗ bỗng rũ hết bụi bậm sáo mòn, trở lại vẻ đẹp nguyên
sơ. Cũng nói thêm, tôi không chủ tâm bịa ra những từ mới. Những từ bình thường
nhất, phổ biến nhất đứng bên nhau bỗng lung linh một vẻ khác thường làm tôi run
lên vì vui sướng. Chẳng hạn người vô
hình, mùi của trẻ thơ, góa sống, chứng say tù, độc quyền yêu nước, độc quyền
nhận sai lầm, tù ngoại trú mang bản
quyền Bùi Ngọc Tấn trong văn học rất rõ ràng. Mà đâu chỉ là
những cụm từ. Đó là những khái niệm sống.
Chữ
với tôi như duyên nợ từ kiếp trước. Chữ, người bạn chung thủy không bao giờ rời
bỏ tôi. Khi tôi bị bắt nhốt xà lim, chữ cũng theo vào. Ngoài chữ của Tolstoi
trong tập Anna Karenina mà Dương
Tường tặng, còn chữ của tôi, những chữ vô hình, những chữ hoài thai trong ngục
tối, trong lao động khổ sai để rồi sinh nở trên giấy trắng mấy chục năm sau đó,
một cuộc hoài thai kéo dài hơn nửa kiếp người. Chữ trò chuyện cùng tôi, động
viên tôi vượt qua cái chết lâm sàng, an ủi tôi mỗi khi tôi tuyệt vọng. Tôi mang
ơn chữ, luôn cố gắng để khỏi phụ tình cảm ấy của chữ, nhưng vẫn còn một khoảng
cách quá xa giữa mong muốn với hiện thực, và hiểu rõ một điều mình là người bất
lực.
Nhận
bản đánh máy của hai mẹ con cháu Hà Như Hải, tôi vẫn chữa. Nhiều đoạn phải đánh
máy lần thứ hai, lần thứ ba. Hai mẹ con chẳng nề hà. Lại còn thích. Nhất là
cháu Hải. Vì có văn bản mà gõ mà tập. Hơn nữa cái văn bản này không khô khan mà
lại hấp dẫn. Hai mẹ con cháu là những độc giả đầu tiên của quyển tiểu thuyết
của tôi. Những độc giả này yêu nó, xúc động với nó.
Tôi
cố gắng viết chân thực còn vì một lẽ lâu lắm rồi sự chân thực thiếu vắng, gần
như biệt tăm trong các sáng tác — cho tới lúc ấy, đầu năm 1990. Tôi vẫn nhớ
thời gian bốn tháng vào thành phố Hồ Chí Minh với Hải Yến con gái tôi. Thành
phố này có khá nhiều người làm nghệ thuật tôi quen, nhưng tôi không thể đến với
vị thế một người đã bị quên lãng, một con số âm mon men nhận quen biết, bạn bè
với những người nổi tiếng. Ban ngày vợ chồng Hải Yến đi làm. Chỉ một mình tôi ở
nhà. Quanh quẩn như cái bóng. Như một thứ xà lim. Đến nỗi tôi hay nghĩ đến và
hoàn toàn cảm thông với những ông già bà già người Việt mình sống bên nước Mỹ.
Buồn không chịu nổi. Tôi tìm trong tủ sách của Hải Yến và bắt gặp một tập tiểu
thuyết dầy dặn. Một quyển tiểu thuyết nổi tiếng của một nhà văn nổi tiếng đã
được nhiều tờ báo có uy tín khen ngợi. Tôi đọc. Được mươi trang định bỏ. Nhưng
không còn việc gì ngoài việc giết nhện trên trần nhà. Nhện lớn nhện bé đã bị
tôi tận diệt. Lại phải giở sách ra đọc. Rồi tự đề ra kỷ luật phải đọc cho hết
tập tiểu thuyết thời thượng này để xem bây giờ người ta viết như thế nào. Người
ta ca ngợi những tập sách như thế nào. Người ta khuyến khích những kiểu viết
như thế nào. Tôi chấp hành kỷ luật của mình hết sức nghiêm túc: Đọc. Dù thế nào
cũng đọc. Và các bạn hãy hiểu rằng chỉ có một mình tôi trong căn nhà hai tầng
cửa đóng kín của con gái, tôi đọc mà cứ
đỏ rừ cả mặt vì xấu hổ. Xấu hổ cho sự bịa đặt, khiên cưỡng, tinh vi, uốn
éo, son phấn, giả một cách có nghề đến
thế. Tôi ngượng cho người viết. Đã thế bìa 4 lại in ảnh ông tác giả với nụ cười
đầy mãn nguyện. Tôi bỗng nhớ đến một câu tục ngữ của các cụ: Người dại để lồn, người khôn xấu hổ!
Sự
chân thật của tôi đã mang lại hiệu quả.
Sau này Hữu Mười, một đạo diễn trẻ không quen, mới ở Moscow về và trong lúc
Boris Yeltsin trèo lên ngồi trên xe tăng đang bao vây toà nhà Quốc Hội Nga, cái
đêm lịch sử ấy, anh cũng lang thang ngoài phố.
Hữu Mười tìm đến nhà tôi và nói:
–
Anh có biết vì sao chúng em thích quyển tiểu thuyết của anh không? Vì nó thật.
Trước đó gần như toàn của giả. Viết giả. Khen giả. Chê giả.
Tôi
viết chân thật còn vì một ý nghĩ có vẻ như thô sơ này nữa: Không cần bịa đặt,
những gì mày biết cũng đủ hay rồi. Hãy nói hết những gì mày biết, nói bằng nghệ
thuật và nói một cách khách quan giản dị để ai đọc cũng hiểu. Với lại tôi đã
hơi cao tuổi. Năm ấy đã gần sáu mươi. Trí tưởng tượng bị những nhát búa của
cuộc sống mấy mươi năm giáng vào liên tiếp không còn như thời tuổi trẻ “viết
không biết sợ” nữa. Tuổi tác và quá nhiều điều vượt xa tưởng tượng, quá nhiều
điều cố quên đi nhưng cứ nằm lỳ trong tim óc như đã biến thành tim óc, chẳng
cần bịa đặt đòi được viết ra.
Nguyễn
Xuân Khánh nói đúng. Viết về tù quả khó. Nhất là tù ở nước ta thời những năm 60
đó. Không có những pha gay cấn. Không có cảnh tra tấn tù nhân khủng khiếp. Ai
đã đọc Henri Charrière — Papillon —
đều bị cuốn hút bởi những tình tiết ly kỳ. Chuyện những tù nhân cho tiền vào
ống kim loại đút vào hậu môn, gọi là đạn.
Cảnh tù đâm chém nhau. Cảnh đồng tính luyến ái. Cảnh Papillon vượt ngục tới đảo
hủi, anh hủi bưng cho ca nước, một ngón tay anh hủi rụng dính vào ca, nhưng
Papillon vẫn thản nhiên uống ngon lành.
Tù ở nước ta — trong thời gian tôi bị tù — không có những
chuyện như vậy. Không sự kiện gì nổi bật. Nó xam xám nhờ nhờ. Như thứ ánh sáng
lọt vào xà lim qua cửa thông hơi từ trên cao buổi chiều tà. Anh tù một vạn ngày
cũng như anh tù mười ngày. Một hiện tượng buồn tẻ đơn điệu lặp đi lặp lại.
Không có cái gì để nói. Chính xác hơn là rất khó nói, rất khó viết. Một đặc
điểm nữa là không ai cởi mở cùng ai. Không ai tin ai. Hoặc gần như vậy. Hai
người nằm cạnh nhau, cùng quê, vợ anh A lên tiếp tế, anh B được ăn cơm nếp của
anh A, mẹ anh B lên gặp mặt, anh A được ăn vừng của anh B, tạt được củ su hào
nắm rau muống cũng ăn chung, nhưng không than thở, tâm sự cùng nhau. Không ai
tin ai. Bụng cứ liền rốn. Thật khó
viết. Rất dễ nhạt. Chẳng lôi cuốn.
Chắc
hẳn tôi chưa diễn đạt được điều ghê sợ khó viết ấy trong cuốn tiểu thuyết của
tôi. Với lại tôi đâu chỉ viết chuyện tù đầy. Tôi viết về khát vọng sống của cả
một lớp người, về những mong muốn được làm việc, được cống hiến, sẵn sàng quên
mình để biến ước mơ thành hiện thực của một thế hệ bị đánh tráo khái niệm … Tôi
viết và bên cạnh nỗi nhớ tuyệt vọng tuổi trẻ đã qua đi trong các nhà tù, tôi
còn nhớ đến quãng đời của chúng tôi trước đó. Thời gian tôi và vợ tôi yêu nhau.
Nàng lúc đó mới mười chín tuổi.([1]) Một thuở bình
minh trong trẻo mà không biết rằng đen tối đã phục sẵn từ ngày ấy, đã chờ quá
lâu rồi.
Sau
này khi quyển tiểu thuyết được in ra, có người nói: Đây còn là quyển tiểu
thuyết của tình yêu. Đó là một nhận xét làm kẻ viết ra nó nở gan nở ruột.
Cuốn
sách đã kết thúc tập một. Chỉ trong ba tháng, nghĩa là tới tháng 9-1990 đã
xong. Tôi bắt tay vào phần hai. Vừa viết phần hai, vừa sửa phần một. Mười bẩy
tháng. Tới tận tháng 11-1991.
Nhưng
tất cả mới chỉ là bản thảo đầu. Tôi còn thêm, còn bớt, còn đảo. Ban đầu độ dài
là 650 trang đánh máy. Nhiều đoạn dài dòng. Tôi kiên quyết cắt. Dù rất đầu. Tôi
có cái mạnh dạn cắt ấy trong một hôm chuyện với Lê Bầu. Anh nói đến tập tiểu
thuyết của anh, tập Ngã Ba Cô Đơn.
Người ta bắt anh cắt. Anh bảo tôi:
– Mình cắt. Dành cho cái truyện ngắn sau này.
Câu nói ấy của Bầu làm tôi dũng cảm cắt. Cắt và nghĩ rằng cứ
để đấy. Sẽ dùng. Cắt và thêm. Bởi trí nhớ liên tục làm việc. Nếu vào cái năm
1990, 1991 ấy tôi không viết, chắc chắn
tôi sẽ chẳng bao giờ viết được nữa. Biết bao cảnh, bao việc, bao người, bao tâm
sự sẽ chìm biến vào hư vô. Thật may. Điều ấy không xẩy ra. Vẫn còn vớt vát
được. Để mọi người hôm nay đọc. Để lớp con cháu rồi sẽ đọc. Nhiều bạn đọc đã
hỏi tôi sau khi đọc Chuyện kể năm 2000:
–
Đây là sự thật hay tiểu thuyết?
Tôi
đã trả lời: Đây là quyển tiểu thuyết tự sự chân thực. Nghĩa là tôi đã phải bỏ
bên ngoài nó nhiều người, nhiều chuyện, và cũng phải thêm vào nhiều người,
nhiều chuyện. Giống như đẽo một cây cột tròn bằng một khúc gỗ cong. Phải vạc
đi. Lại cũng phải đắp vào. Chẳng hạn Già Đô, một trong những nhân vật thành
công của tôi, được nhiều người nhắc đến. Đây là một nhân vật thật nhưng không
thật. Thật từ cái tên — bởi đổi tên khác là tôi không viết được — nhưng lại là
tổng hợp của hai ông già trong toán của tôi cùng với nhà thơ Tuân Nguyễn và
những người tôi chưa biết mặt như Trần Đức Thảo, giáo sư triết hoc, hay luật sư
tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường.
Tôi
muốn được nói thêm ở đây về nhân vật hỏi cung, người cùng với Hắn làm thành một cặp như hai chiếc giầy
của một đôi giầy: Ông Lan. Thực ra
nhiều người hỏi cung tôi lắm. Nhưng người hỏi cung chính là ông Hiền, không
phải ông Lan — một cái tên tôi đặt ra
từ một người có thực. Căn cứ vào những câu hỏi, những điều bắt bẻ của ông Hiền,
tôi thấy ông chỉ kém hiểu biết về nghệ thuật về lao động nhà văn như mọi ông
công an khác, chứ ông không ác. Ông chỉ không dám chống lại cái ác, nghĩa là
đồng loã với cái ác một cách thụ động, triệt để theo chủ nghĩa mac mit — cái niêu. Ông không có máu sát
nhân. Những ông khác như ông Xuân Vũ, ông Đỗ Đình Thư, trưởng phòng chấp pháp
đều là những kẻ đồng loã chứ không phải là thủ phạm. Không dám nói lên sự thật,
không dám bảo vệ người lương thiện. Như mọi người, các ông chăm chú giữ sự yên
ổn cho bản thân, gia đình, vợ con, sao niêu cơm đừng vỡ và bình thản nhìn người
khác đi vào chỗ chết. Những người như vậy là phổ biến, là nhan nhản, là gần như
tuyệt đối trong xã hội và được coi là lương thiện! Đúng là lương thiện nếu so
với một người khác: Ông An! Ông An là
ngươi chỉ hỏi cung tôi có vài lần khi tôi bị bắt và theo dõi tôi khi tôi ra tù.
Ông An có khuôn mặt làm ta nghĩ tới mặt một con ngựa nên mọi người gọi ông là
An-Mặt-Ngựa. Ngay lần đầu tiên được ông hỏi cung, tôi đã ngửi thấy mùi máu
trong câu hỏi, trong hơi thở của ông ta. Ông có cái thich thú làm người khác sợ
hãi, lo lắng, đầu khổ. Ông rất thích tống được người khác vào tù. Ông cũng
người Thuỷ Nguyên quê tôi, nên tôi có thêm một định đề nữa: Giết một thằng Thuỷ Nguyên phải là thằng
Thuỷ Nguyên. Tôi không sao xác định được độ tuổi của ông. Vậy là ông không
có tuổi. Ông An Mặt Ngựa môi mỏng dính, cằm dài, mắt sắc lạnh, nhìn như muốn
nuốt chửng phạm nhân ngồi trước mặt, và không giấu nổi niềm vui khi dồn tôi vào
thế bất ngờ trước những suy diễn mà theo ông là lô-gic, kể cả những điều ông
bịa ra, nhằm vặn vẹo buộc tội tôi. Ông nổi cáu khi bất lực, không khép được tôi
vào những điều ông muốn. Ông là kẻ thích giết người, không chỉ giết người để
lập công, thăng tiến mà còn để hưởng niềm vui trong việc sát nhân. Ông muốn
chứng minh với ông giám đốc Trần Đông rằng ông là người sắc sảo, kiên quyết,
đánh địch đến cùng, không cho chúng nó
thoát. Thầy ấy, tớ ấy hợp nhau làm thành một cặp bài trùng mà những ai sa
vào móng vuốt của họ không thể nào thoát được. Từ một cán bộ bình thường, rất
nhanh ông lên chức đại tá. Ông vào Vũng Tầu chống bọn phản động trong ấy. Rồi
ông trở về Hải Phòng chống bọn phản động ở quê hương, tiếp tục theo dõi tôi khi
tôi đã ra tù. Lần đầu tiên gặp lại ông sau khi được tha, tôi hiểu rằng cuộc đời
tôi thế là hết. Càng chắc chắn hết khi ông Trần Đông vào trung ương, làm bí thư
thành uỷ rồi lên thứ trưởng Bộ Công An. Nhìn ảnh ông Trần Đông tươi cười chuyện
trò với một số phóng viên biên tập in ngay dưới măng sét báo Nhân Dân, cơ quan
trung ương của đảng, kèm theo dòng tít Đồng
chí Trần Đông thăm trụ sở Bộ Biên Tập báo Nhân Dân, tôi như nhìn thấy cửa
địa ngục rộng mở. Bởi tấm ảnh ấy, cái tin ấy nói rằng người ta đang chuẩn bị
cho ông Trần lên bộ trưởng Bộ Công An, và ở cương vị ấy chắc chắn ông có chân
trong Bộ Chính Trị. Thật may! Việc đó không thành do một sơ xuất nào đó của ông
Trần. Người bảo ông nói xấu ông Phạm Hùng. Người bảo ông không muốn ông Mai Chí
Thọ về làm bộ trưởng Bộ Công An, cái chức ông đang nhắm tới, điều đó có nghĩa
là ông dám vuốt râu Lê Đức Thọ. Ông phải rời khỏi Bộ Công An, chuyển sang Bộ Tư
Pháp làm thứ trưởng. Một anh học lớp 4, quen bắt người không chứng cứ lên làm
thứ trưởng Bộ Tư Pháp!
Ông
An thường xuyên cho cấp dưới đến nhà tôi — bao giờ cũng đi hai người để anh này
giám sát anh kia — những thanh niên trẻ măng, chắc là mới tốt nghiệp trường đào
tạo công an, rất cần được nhìn mặt, đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với một tên
phản động vừa đi tù về để trưởng thành qua thực tế, và hiển nhiên còn mục đích
khác, mục đích làm tôi sợ và làm ông vui: Giáng những nhát búa vào hệ thần kinh
luôn căng như dây đàn của vợ chồng tôi, nhắc nhở chúng tôi rằng chúng tôi vẫn
đang được đặc biệt để ý, rằng chúng tôi là đồ cặn bã của xã hội, chính quyền
đang theo dõi chặt chẽ, đừng có mà chống đối mà cựa quậy. Cái màn thăm hỏi này
quả đáng sợ. Đối với tôi. Và nhất là đối với vợ tôi. Chúng tôi hiểu rất rõ rằng
trong cái xã hội “của nhân dân do nhân
dân vì nhân dân, công bằng nhất thế giới này”, cuộc đời chúng tôi đã biến
thành công cụ cho những tên đao phủ luyện nghề tra tấn.
Thấy
chúng tôi ngơ ngác nhìn những người khách lạ bước vào, hai người tự giới thiệu
rất tự tin:
–
Chúng cháu ở phòng chống phản động đến thăm hai bác…
–
Chúng cháu ở phòng anh An đến thăm hai bác…
–
Hai bác có khỏe không ạ, chúng cháu ở phòng chống…
Đến
bây giờ tôi còn nhớ được một anh tên là Trường, đội trưởng. Không biết anh đã
lên đến chức gì rồi. Người tôi lạnh đi rồi lại nóng bừng lên. Thái dương tôi
giật giật. Tôi cố giữ cho tay khỏi run khi pha trà. Tôi nhìn nét mặt của các vị
khách không mời mà đến và nghĩ đến ông An, ông Đông, đến cái thiết chế khủng
khiếp đang đào tạo những thanh niên râu mép chỉ là những sợi lông tơ ngồi trước
mặt tôi thành những kẻ chuyên tra tấn người. Tôi cố giữ bình tĩnh bởi luôn nghĩ
đây chỉ là những tên “lính lệ”, những kẻ thừa hành, không khiêu khích chúng làm
gì. Nhưng cái điệp khúc ghê tởm ấy cùng với cách phát ngôn đầy tự tin và bộ mặt
làm ra lễ phép, làm ra lịch sự của những người từ phòng ông An, phòng chống
phản động như họ đã tự giới thiệu để phân rõ ngôi thứ ngay tại nhà tôi đã một
lần làm tôi sôi máu. Người tôi run lên:
–
Mời hai cháu ngồi.
Tay tôi không giữ được cái ấm pha trà. Tôi rót không
đúng cái chén mà rót trà ra khay.
Tôi
dằn ấm trà xuống mặt bàn và cố nặn ra một nụ cười nhìn những chàng trai mới
bước vào đời đang được huấn luyện tại chức, bổ túc nâng cao tay nghề, nâng cao
nghiệp vụ đao phủ, rồi nói với giọng từ tốn mệt mỏi không giấu giếm thất vọng:
–
Các cháu ạ. Bác năm nay ngoài 50 tuổi. Còn các cháu mới ngoài 20. Chúng ta
không quen biết nhau. Rõ ràng giữa chúng ta không có tình bạn nào. Các cháu là
người chỗ anh An, phòng chống phản động. Bác là người bị quy là phản động ở tù
ra. Lại càng không thể là bạn của nhau. Thế cho nên không thể có những cuộc đến
thăm như thế này. Các cháu về nói lại với anh An trưởng phòng chống phản động
của các cháu hộ bác rằng cái lão Tấn, hay bác Tấn, thằng Tấn, nói thế nào cũng
được, nó bảo với chúng tôi rằng: Nó đi tù 5 năm mà không biết mắc tội gì. Cho
đến bây giờ nó vẫn chưa biết nó mắc tội gì. Chưa một ai nói với nó rằng nó mắc
tội gì. Bây giờ nếu có người nào nói nó mắc tội gì, nó tình nguyện đi tù một lần nữa. Bác nhờ các cháu nói lại với anh
An như vậy. Và bác đề nghị các cháu nói với anh An là lần sau các cháu đến nhà,
bác không tiếp đâu. Cần thì gọi bác lên sở Công An hay vào Trần Phú cũng được. Đến đâu bác cũng đi. Đối với bác không
thành vấn đề gì cả. Có lẽ các cháu đang nghĩ rằng công việc các cháu làm là tốt
đẹp, là cách mạng. Trấn áp một kẻ phản cách mạng là công việc nên làm có gì là
sai, phải không? Nhưng bác nghĩ ngay cả khi bác là phản cách mạng đi chăng nữa thì
việc các cháu đến như thế này cũng là bất nhân. Sung sướng trên sự đau khổ của
người khác là bất nhân đấy. Bác đã thế, bác gái đây bụng mang dạ chửa bị chỗ
anh An, phòng chống phản động của các cháu đấy, gọi lên hỏi cung cho đến ngày
vào bệnh viện phụ sản đẻ con. Đẻ xong được chục ngày đã lại bị gọi hỏi rồi. Sau
đó bị đuổi khỏi trường đại học…
Vợ
tôi từ lúc hai người khách ở phòng chống phản động đến chơi chỉ im lặng theo
dõi cuộc đối thoại với sự chịu đựng nhẫn nhịn tận cùng, khi ấy mới lên tiếng:
–
Không thể kể hết những nhục nhã đau khổ hai bác phải chịu đâu. Mà gia đình hai
bác đều là gia đình cách mạng. Bác chỉ khuyên các cháu một điều. Các cháu còn
trẻ, cuộc đời còn dài. Ăn ở làm sao cho có đức các cháu ạ. Các cháu làm nghề
công an lại càng phải cẩn thận. Đừng làm việc gì thất đức.
Hai
vị khách nhìn nhau khe khẽ:
–
Dạo ấy mình làm cũng hơi quá…
Tôi
cười:
–
Không phải chỉ dạo ấy đâu. Bây giờ
cũng vẫn hơi quá đấy. Như thế này
chính là hơi quá đấy.
Các vị khách thấy không thể ngồi lâu hơn nữa.Đứng lên tiễn
các vị khách ra về, tôi còn dặn đi dặn lại:
–
Các cháu nhớ nói lại với anh An điều bác nhờ. Nhớ đấy. Bác rất cảm ơn.
Không biết có phải vì chúng tôi nói vậy không mà đó là lần
cuối cùng những người ở phòng chống phản động đến chơi trò chơi tra tấn vợ chồng
tôi. Tới tận bây giờ công an vẫn luôn đến “thăm nom sức khỏe” tôi nhưng không
phải chơi trò tra tấn nữa. Mà là công việc. Đó là những chuyến thăm định kỳ đều
như vắt chanh vào các dịp mồng 1 tháng 5, mồng 2 tháng 9, bầu cử quốc hội, bầu
cử hội đồng nhân dân, đại hội đảng toàn quốc, đại hội đảng thành phố, tết tây,
tết ta… Và những cuộc thăm đột xuất với những câu hỏi đại loại như “Bác ký đơn đề nghị tha Cù Huy Hà Vũ đấy à?
“Bác ký kiến nghị tha Phương Uyên à?” Khách cũng không tự giới thiệu mình
là người ở “phòng chống phản động chỗ anh An” nữa mà là “công tác ở quận” hoặc là “mới
được tăng cường.” Tôi vẫn là điểm
nóng của quận, của phường, của sở, của thành phố nhưng dù sao cũng không
còn là giáo cụ trực quan để ông An cho nhân viên đến thực tập nâng cao nghiệp
vụ. Khi làn gió dân chủ từ bức tường Berlin đổ thổi qua bao nhiêu đất nước của
những nhà độc tài đã bị lột mặt nạ tới Việt Nam và những trí thức tiêu biểu của
đất nước đã lên tiếng về tình trạng mất dân chủ, ông An tuyên bố một biện pháp
thật giản dị:
–
Cái bọn đòi dân chủ ấy cứ đem ra xếp hàng ở Cầu Rào, lấy đại liên lia. Thế là
xong.
Ông
không nói đùa đâu. Nếu ông có quyền, ông sẽ làm như vậy đó. Nhưng khi về hưu,
ông lại là người bị chính quyền xã gọi lên nhiều lần về chuyện mê tín dị đoan,
đồng cốt quàng xiên, “điên điên dở dở” gây mất trật tự an ninh trong xã. Ma ám
vào ông chăng? Sự quả báo? Hay đó là một hình thức sám hối? Chính những người
công an theo dõi tôi kể cho tôi nghe về ông như vậy. Tôi nghĩ loại như ông An,
như ông Trần Đông có bao giờ sám hối. Đó là sự trừng phạt của cuộc sống theo
luật nhân quả. Cũng có thể vì không tống được người vào tù, ông ấy phát điên. Ông Lan của tôi là hoá thân của ông An.
Trong Chuyện kể năm 2000, tôi chỉ chạm đến ông
với mấy nét bút nhẹ nhàng.
Còn một chuyện thuộc về bếp núc nghề văn, tôi cũng viết ra
đây. Đó là chuyện công an theo dõi trước khi tôi bị bắt. Thật rất buồn cười là
chúng tôi đều bị theo dõi chặt chẽ cả năm trời trước khi bị bắt và biết rõ điều
ấy nhưng không bao giờ nghĩ rằng mình bị bắt. Sợ. Hoảng hốt. Tuyệt vọng. Có lúc
không muốn sống vì đêm đen phủ dầy trước mặt. Nhưng rồi lại nghĩ mình không thể
bị bắt. Mình có chính trị chính em gì đâu. Mình có hoạt động, phát ngôn viết
lách gì vi phạm đâu. Mình chỉ viết văn ca
ngợi thôi. Ai cũng thấy rõ như vậy. Từ thẳm sâu trong lòng, chúng tôi vẫn tin ở bản chất của chế độ, ở
luật pháp xã hội chủ nghĩa công minh, ở tấm lòng nhân từ yêu thương con người
của các lãnh tụ. Hồ Chí Minh đã chẳng từng thốt lên: “Đảng ta là đạo đức là văn minh” là gì! Và điều quan trọng hơn cả
là mình không có tội thì không thể bị bắt!
Khi
được tin ông Vũ Đình Huỳnh, ông Hoàng Minh Chính, ông Đặng Kim Giang…, những
cán bộ cao cấp bị bắt, chúng tôi nghĩ: Chắc là các ông ấy có vấn đề gì chống
đối! Anh Hồng Sỹ, người trung tá công an trong Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, hàng xóm sát tường nhà tôi, một
buổi trưa hè, mình trần mồ hôi ròng ròng trên những dóng xương sườn sâu hoắm
một vết sẹo, nhìn trời đổ lửa vừa cười vừa nói với tôi:
–
Trời này mấy ông trong xà lim đá nóng lắm đây.
Mấy
tháng sau, giữa mùa đông, chính Hồng Sỹ vào nằm xà lim đá, không nóng nhưng
lạnh buốt xương. Trước đó anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình bị theo dõi lại càng
không bao giờ nghĩ rằng mình bị bắt.
Rồi
đến Vũ Thư Hiên, Vũ Huy Cương. Tin từ Hà Nội bay về, chúng tôi giật mình nhưng
cũng nghĩ chắc các bạn tôi có liên can gì đó đến những ông to bị bắt trước đó
hoặc đã phát ngôn thiếu thận trọng... Vẫn không nghĩ rằng sắp đến lượt mình!
Tôi biết mình bị theo dõi trong một buổi chiều vợ chồng đèo nhau về Thủy Nguyên
thăm các con ở với bố mẹ tôi. Mệt mỏi gò lưng trên chiếc xe đạp cọc cạch ngược
gió mùa Đông Bắc, bỗng nghe vợ tôi khe khẽ sau lưng:
–
Anh. Có người theo dõi chúng mình.
Choáng
váng, hoảng loạn, tuyệt vọng khi biết mình có
đuôi, chân trong chân ngoài nhà tù,có thể bị bắt bất kỳ lúc nào, cánh cửa
sắt nhà tù đã mở ra trước mặt, như đã ngửi thấy hơi của nhà tù, cái cảm giác
ghê sợ ấy tôi dành cho Nguyên Bình người phóng viên thân nhất của tôi ở cơ quan
báo, tức Lê Bình, bạn của Hắn trong Chuyện kể năm 2000. Tôi cũng tặng luôn Lê —Nguyên— Bình cái đêm hai vợ chồng
tôi rời căn nhà thân yêu của bố mẹ, các con đang ngủ êm đềm, đạp xe từ quê ra
thành phố với hai cái đuôi, hai bóng đen im lặng bám sau, trên cánh đồng đất ải
vắng tanh rộng mênh mông không nơi ẩn nấp, dưới bầu trời sương giá và một vầng
trăng tròn lạnh buốt, to và đỏ, đỏ như máu đỏ. Không bao giờ tôi quên được vầng
trăng, mầu trăng đêm đó. To. Tròn. Lạnh. Đỏ. Đỏ như máu đỏ.
Tôi cũng chuyển câu chuyện trước máy ghi âm của tôi và Đinh
Chương cho vợ chồng Lê —Nguyên— Bình
luôn thể. Đinh Chương là trưởng phòng của tôi và Nguyên Bình. Anh cũng từ báo
Tiền Phong chuyển về báo Hải Phòng như tôi để được gần cơ sở thâm nhập thực tế
viết tác phẩm của đời mình. Cũng giống tôi và Nguyên Bình, anh là người trung
thực, không gạc chéo vào ảnh Khrushchev, không chửi phim Số Phận Con Người, Khi Đàn Sếu Bay Qua, và cũng không mở mồm ca
ngợi Giang Thanh, ca ngợi cách mạng văn hóa Trung Quốc, ca ngợi Mao Trạch Đông…
Không châu đầu với những phóng viên biên tập trong cơ quan chửi Liên Xô, chửi
Khrushchev sợ Mỹ — như tất cả các cơ quan trong thành phố và trong cả nước lúc
đó —, im lặng không xuýt xoa ca ngợi những bài thơ lố bịch đến mức ta là ta mà vẫn cứ mê ta, những bài thơ
bịp bợm, hỗn xược, bắc ống đu đủ thổi vào lòng tự hào dân tộc nhằm đẩy toàn dân
nhất là thanh niên xông vào bom đạn, xông vào chỗ chết như thỏ hòa bình, ta chịu lửa để
cho ngươi gặm cỏ của Chế Lan Viên hay khi
lịch sử lấy ta làm điểm tựa của Tố Hữu…([2]), Đinh Chương đã
bộc lộ rành rành những dấu hiệu của chủ nghĩa xét lại hiện đại, sợ chiến tranh,
vũ khí luận, không tin vào luận điểm 100 khẩu súng trường bằng một quả tên lửa.
Hơn thế, anh còn hay tới nhà tôi, chuyện với Hồng Sỹ, với Vũ Thư Hiên, với Kỳ
Vân ([3]) phó tổng biên tập
tạp chí Học Tập — tiền thân của tạp chí Cộng Sản — đã từng cùng Hoàng Quốc Việt
đi buôn gạo sang Trung Quốc, gây quỹ cho đảng, những người này đều đã bị bắt.
Cũng như tôi, anh không biết chỉ thế cũng đủ để bị bắt rồi nhưng lại chưa bao
giờ nghĩ rằng mình bị bắt vì mình chẳng làm điều gì phạm pháp. Mà “pháp luật của ta là quang minh chính đại,
đến con cái bọn tư sản ta cũng cải tạo
chúng để chúng thành những người lao động như chúng ta” — một câu nói rất
thành thật của tôi khi mới bị bắt được ghi trong bản khai cung với ông chấp
pháp tên Hiền.
B.N.T.
([1]) Trích
Chuyện kể năm 2000.
(2) Có lẽ Nguyễn Khắc Dương đã quan sát những
hiện tượng như trên để rút ra kết luận:“Đầu vào tinh hoa, đầu ra rác rưởi” chăng?
(3) Rất xót xa cho gia đình Kỳ Vân. Anh đi tù
và được ra tù sớm nhất để không phải chết trong tù (một ý định tốt đẹp của Lê
Đức Thọ) vì bị xơ gan cổ chướng. Khi tôi được tha, anh đã chết hơn 1 năm. Trước
đó, vợ anh chết đuối trên sông Hồng khi sơ tán, một con gái của anh đi Thanh
Niên Xung Phong hy sinh ở Trường Sơn. Sau khi anh qua đời, người con gái lớn
của anh lấy chồng, sinh con và chết vì bệnh tim (đứa con nhỏ sau đó cũng chết
theo mẹ). Cậu con trai út, học cùng với Hải Yến, con gái tôi. Hôm thi đại học
cậu lại nhà anh chị Hồng Sỹ và nhà tôi báo tin thi cử. Chiếc xe đạp Mercier
đuy-ra để dưới cầu thang, kỷ vật cuối cùng của gia đình, bố mẹ các anh chị bị
mất cắp. Chưa hết. Tốt nghiệp đại học, Tân vào Vũng Tàu làm việc và… tự
tử! Một gia đình biến mất ngay trước mắt
tôi, mỗi người một kiểu…
(Xem
tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét