Ký ức làng Cùa
Tiểu thuyết của Đặng Văn
Sinh
PHẦN THỨ HAI
Chương mười một
2
Mặc
dù đang đói nhưng làng Cùa vẫn phát động phong trào bài trừ văn hoá nô dịch,
chống mê tín dị đoan. Toàn thể thanh thiếu niên, kể cả một số con cái địa chủ
phú nông đều phải tham gia chiến dịch này. Lê Văn Khải được cử vào đội tiêu huỷ
sách cũ, còn Lê Văn Nghiên trong đội phá đình chùa. Bộ phận của Khải do Trưởng
công an Cao Khắc Thông phụ trách. Anh ta tập hợp mọi người ra đình, đọc thông
tri của cấp trên sau đó hướng dẫn trình tự công việc. Trong số hơn ba chục
thanh niên, có già nửa mới thoát nạn mù chữ, phần đông đang học các lớp bình dân do các ông thầy vừa biết đọc biết viết
khoá trước dạy. Cao Khắc Thông cử tổ thông tin quét vôi vào tường đình, tường
miếu, đầu hồi nhà rồi kẻ dòng khẩu hiệu bằng thứ chữ in hoa có chân đế cao bằng
cả gang tay: Triệt để bài trừ các
loại thầy bói thầy cúng và chó dại hoặc Kiên
quyết tiêu huỷ văn hoá phẩm nô dịch. Mấy ông cung văn chuyên gảy đàn
cho các bà đồng bóng ở đền Sòng cứ nhấp nha nhấp nhổm như bị kiến vàng đốt đít,
chỉ sợ công an đến rước đi Trại Sung.
Người được Cao Khắc Thông
dẫn quân ra thăm viếng đầu tiên là chưởng bạ Giang. Nhà ông Giang có ba kệ sách
chữ nho, một hòm khoá chuông vừa sách chữ Pháp và Quốc ngữ của anh Giảng. Sở dĩ
ông Giang không bị quy lên địa chủ mà chỉ dừng ở mức phú nông là vì anh Giang
lúc ấy đang là cấp chỉ huy quân đội. Anh ta về làng đúng vào dịp Cải cách, áo
đại cán bốn túi, súng lục trễ bên hông, mũ gắn sao vàng trông rất oai nhưng vẫn
bị Đội Lạc cho dân quân đến bắt. Người nhà ông Giang vội đi Hải Phòng báo cho
đơn vị. Ngay chiều hôm sau, vị chỉ huy sư đoàn cùng với bốn chiến sĩ khoác tiểu
liên đánh xe command car về làng gặp Đội Cải cách, đón Giảng đi.
Ông chưởng bạ học chữ nho
với cụ khoá Phùng ở kẻ Sộp. Cụ Khoá đã có lần vác lều chõng đi thi vào đến Nhị
trường. Vì không có con trai, trước khi mất, cụ Phùng làm di chúc giao lại toàn
bộ số sách ky cóp được cả một đời cho người học trò làng Cùa. Trong số thư tịch
của cụ Khoá để lại có những bộ rất quý như Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt
điện u linh tập, Dịch kinh, Luận ngữ, Mạnh tử, Cựu Đường thư, Tấn thư, Đường
thi tam bách thủ , Liêu trai chí dị, Tam quốc chí diễn nghĩa… Hòm
sách của anh Giảng có Les Miserables (Những người khốn khổ) của Victor
Hugo, Les Troismousquetaires (Ba
người lính ngự lâm) của A. Dumas, tuyển tập Voltaire, thơ Lamartine,
Cô giáo Minh, Hồn bướm mơ tiên, Đò chiều, Tắt lửa lòng, Ai hát giữa rừng khuya, Cơm thầy cơm
cô, Lục xì, Số đỏ... Nhìn thấy khối lượng sách giá trị như thế sắp
bị thiêu huỷ, Khải không đành lòng bảo với Cao Khắc Thông :
- Đây toàn là sách quý, theo
tôi không nên đốt, sau này có lúc cần đến.
Trưởng công an xã phẩy tay:
- Cậu đừng giở cái giọng tiểu tư sản ấy ra.
Đống sách này là sản phẩm của Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, là thứ văn hoá
nô dịch phản động, vì nó mà bọn địa chủ cường hào như Chánh Bang, Cả Huê, Phó lý Kiền mới thẳng tay bóc lột bần cố
nông, dân ta mới mất nước. Phải đốt hết để trừ tận gốc.
Lửa được nhóm lên ngay giữa sân đình. Hàng
ngàn cuốn sách đủ chủng loại bị hiến cho hoả thần, lúc đầu quăn bốn góc sau đó
cháy lem lém. Khói đen bay lên từ những cuốn sách chữ Hán có mùi hăng hắc của
loại bìa phất cậy, bay vòng vèo rồi tan dần vào không khí. Lựa lúc Cao Khắc
Thông vào đình hút thuốc lào, Khải nhanh tay rút một tập Bách khoa toàn thư của nhà xuất bản Galimard nhét vào
bụng. May mà không ai trông thấy. Tay Xã đội sẵn sàng quy kết anh ta vào tội
danh phản động nếu phát hiện ra cuốn sách chứa một phần tri thức mấy nghìn năm
của nhân loại bị đánh cắp.
Nhưng đến
nhà ông cửu Mẫn thì tình hình không thuận lợi. Ông Mẫn làm nghề thầy cúng cũng
có một kệ sách chữ nho, rất giỏi bói dịch. Vốn là người lo xa, ông cho tất cả
sách quý vào chiếc hòm sắt, trét sáp ong kín các khe hở rồi giấu trong hầm bí
mật. Đoàn của Cao Khắc Thông đến nơi, thấy kệ sách rỗng không, anh ta nghiêm
giọng bảo ông thầy cúng :
- Biết điều thì mang sách ra nộp, đừng để
chúng tôi phải khám.
Ông cửu thản nhiên như không :
- Chẳng giấu gì
các anh, tôi vốn dát, nghe thấy lệnh phải tiêu huỷ “văn hoá nô dịch” là bảo các
cháu mang xuống bếp đốt sạch.
Đời nào Trưởng công an và Xã
đội trưởng lại tin lời một lão thầy cúng
già đã từng hành nghề mê tín dị đoan nổi tiếng khắp vùng Ba Tổng. Cung Văn Luỹ
cười tinh quái:
- Bác giấu ở đâu thì mang ra
đi, chuyện này không thể đùa được.
- Đã bảo là tôi chấp hành
lệnh của xã, đốt từ mấy hôm trước rồi.
Cao Khắc Thông gườm gườm
nhìn ông thầy cúng bằng cái nhìn chẳng
hứa hẹn điều gì tốt lành:
- Được, ông cố tình chống
lại chính sách của đảng phải không? Các đồng chí đâu, lục soát!
Cung Văn Luỹ ra lệnh cho đám
dân quân :
- Tìm kỹ ở trong buồng xem,
có thể ông ta cất trên gác xép.
Lê Văn Khải làm một cách
chiếu lệ. Anh ta biết, một người có vốn nho học uyên thâm như ông cửu không bao
giờ đốt sách. Từ cổ chí kim, làm chuyện này chỉ có Tần Thuỷ hoàng và Néron. Bởi
vì, đốt sách chính là biểu hiện của sự ngu dốt. Những kẻ đi chinh phục, nếu chỉ
dựa vào sức mạnh của họng súng và lưỡi gươm mà thiếu văn hoá hoặc ở tầm văn hoá
thấp, cho dù được nguỵ trang bằng đủ thứ chủ thuyết mỹ miều cũng không thể thu
phục được lòng người. Ông ta dấu ở đâu nhỉ? Nền nhà, nền bếp, góc vườn đều bị
các loại xà beng, cuốc chim, thuốn sắt đào bới thăm dò. Thùng trấu, gác bếp,
chuồng trâu, thậm chí cả nhà xí cũng không thoát khỏi con mắt xoi mói của ông
Trưởng công an, thế mà hàng trăm cuốn sách như có phép lạ tàng hình. Nhìn toàn
cảnh ngôi nhà lúc này như một bãi chiến trường bởi hàng đống hòm xiểng, vứt
lỏng chỏng cùng với đất cát bị đào bới nham nhở, ông cửu hất hàm bảo Cao Khắc
Thông:
- Phiền các anh sắp xếp lại cho rồi hãy sang
nhà khác.
Trưởng công an cau mặt :
- Ông đừng có đùa với nhà chức trách. Bây
giờ phải đi với chúng tôi ra Uỷ ban.
- Các anh bắt tôi?
Thông lắc đầu:
- Chúng tôi chỉ tạm giữ đến khi nào ông khai
thật số sách kia giấu ở đâu thôi.
Ông cửu mang theo chiếc tráp
sơn then, không phải đựng sách mà để bộ
quần áo gụ với chiếc khăn mặt bông nhuộm nâu. Vì căn buồng uỷ ban còn giam hai thằng
ăn trộm gà nên Cao Khắc Thông bảo mấy dân quân nhốt tạm ông thầy cúng vào hậu
cung đình Cả cho suy nghĩ một đêm rồi sáng mai ra trụ sở làm việc. Đầu canh tư,
ông cửu đau bụng, ruột quặn lên, mót đại tiện nhưng không làm thế nào ra được.
Mấy tay dân quân gác ngoài, buổi tối đánh tú lơ khơ đến tận khuya, ngủ mệt, ông
Mẫn đập cửa rầm rầm vẫn không thèm dậy. Hậu cung tối mò mà cái thứ đau bụng
kiểu này không thể cố nhịn để dành đến mai được, thế là ông thầy cúng bật ra
sáng kiến, mở tráp lôi bộ quần áo ra, tương vào đấy rồi đậy nắp, coi như không
có chuyện gì xẩy ra. Sáng sớm, cửa đình vừa mở, ông cửu len lén xách tráp đổ ra
góc ruộng rồi xuống ao rửa, lúc quay về gặp tay Đốm, anh ta thấy lạ, hỏi :
- Cái tráp của ông có vàng bạc gì mà lúc nào
cũng kè kè bên người?
Ông cửu chống chế:
- Có gì đâu, đựng bộ quần áo ấy mà.
Trưa hôm ấy, Cao Khắc Thông
cùng Thân Văn Đốm áp giải ông cửu sang công an huỵện vì tội cố tình không nộp
sách phản động mê tín dị đoan. Ông Trưởng công an mặc áo nâu nhuộm vỏ già cắt
theo kiểu thành thị cổ bẻ bốn túi, pantalon[1]
xanh, ngồi sau chiếc án thư sơn son (chắc là tịch thu của một hộ địa chủ nào
đó), trước mặt là khẩu súng lục để nguyên trong bao, bên phải đặt lọ mực và
chiếc bút parker cùng cuốn sổ tay bìa đỏ. Nhìn bộ dạng nhơn nhơn của ông thầy
cúng, Trưởng công an ghét lắm hỏi mỉa:
- Ông có biết khẩu hiệu
chống văn hoá nô dịch và mê tín dị đoan của nhà nước như thế nào không?
Ông cửu cúi đầu đọc thuộc vanh vách:
- Thưa, nó thế này ạ: Triệt để bài trừ các loại thầy bói thầy cúng
và chó dại.
- Đúng lắm.- Trưởng công an
gật đầu - Nhưng ông có biết đã phạm tội gì không?
- Tôi giải nghệ rồi, sách
cũng đã đốt thành tro, sao lại bảo là có tội?
- Có đấy. - Trưởng công an
huyện cười nửa miệng. - Tội cố tình ẩn lậu văn hoá phẩm nô dịch, phá hoại công
cuộc Cải cách ruộng đất của đảng và chính phủ.
Ông cửu cười nhạt:
- Công an xã đã khám xét khắp nơi, đào cả nền
nhà, cuốc vườn, moi nhà xí đều không thấy sách, tôi không có tội, tôi chả sợ.
Ngay lập tức ông cửu bị đưa
xuống buồng giam. Hoá ra không phải chỉ mình ông phải câu lưu vì án văn tự.
Trong tuần qua hầu hết các thầy cúng, thầy bói, thầy địa lý trong huyện đã bị
tóm về đây. Thật là một cuộc hội ngộ thiên tải nhất thì ở vùng Ba Tổng.
Ngôi chùa bị phá đầu tiên là
chùa Đàn ở Đậu Khê. Toàn bộ kèo cột, rui mè, sau khi rỡ được chuyển về làng Cùa
dựng trường học. Mấy cây cột lim khoát tư khoát năm không khênh được, uỷ ban xã
phải cho thợ xẻ xuống tận nơi kéo co gần hai tháng mới xong. Những ngày ấy học
sinh được nghỉ để lao động tập thể. Dưới sự chỉ huy của Cao Khắc Thông và Thân
Văn Đốm, đám học trò tí nhau trèo lên nhà
Tổ và Tam bảo khiêng tượng phật xếp thành một đống trên bãi cỏ phía sau
nhà Tổ. Mấy ông hộ pháp kềnh càng bằng đất thì cánh thanh niên lấy búa tạ đập
vỡ. Pho tượng A di đà sơn son thếp vàng ngồi trên toà sen bị tròng dây chão vào
cổ giật đổ xuống, lập tức hai ông bần nông trung niên người Mạc Điền dùng cưa
cắt làm ba đoạn vác về nhà. Tượng tạc bằng gỗ mít mật, bên trong yểm trầm không
biết có từ đời nào, thớ vàng sẫm vẫn còn thơm. Loại này được chẻ nhỏ ra nhóm
bếp, đượm phải biết. Một số bụt nhỡ và bụt ốc bọn trẻ con cầm chơi, chơi chán
chúng ném xuống ao nổi lềnh phềnh giữa đám bèo ong, rau dút và bè muống. Ông
khán Thịnh trước Cải cách là người trông nom chùa Đàn, nhìn cảnh tượng phật lặn
ngụp dưới ao chép miệng than thở:
- Sao các ngài không về vật
cho chúng nó hộc máu ra.
Xế chiều, đống tượng Phật
vơi dần. Mấy bà làm đồng qua, tiện tay bê một hai pho về để bàn thờ. Số còn lại
Cao Khắc Thông sai bọn học trò châm lửa đốt. Ông phật Di Lặc béo phệ với cái
bụng vĩ đại, lửa bén đến cổ vẫn giữ nguyên nụ cười. Ông Xếp Đáy, chuyên nghề
quăng chài, rượu ngang tu hàng lít, lúc
nào cũng kè kè chiếc bao da bằng nửa cuốn sách làm ví tiền trước bụng nhưng bói
chẳng ra một đồng, vừa ở sông Lăng về, liền lội xuống ao vớt một vị La hán cỡ
bắp đùi vác lên vai, lúc đặt vào bàn thờ thấy ngài cao quá đành phải cưa phần đế cho vừa.
Nhưng thành tích lớn nhất của Chủ tịch Bùi
Quốc Tầm trong chiến dịch bài trừ mê tín
dị đoan phải là việc hoàn toàn phá bỏ ngôi nghè lớn nhất vùng Ba Tổng. Nghè làm
từ thời Hậu Lê niên hiệu Bảo Thái nguyên niên cách ngày nay hai trăm năm mươi
nhăm năm, do một vị nhị giáp tiến sỹ làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lại đứng
ra quyên góp và hưng công, mất hơn ba năm mới hoàn thành. Chỉ riêng gỗ lim, từ
cột kèo, kẻ, trụ, câu đầu xã phải thuê chín cặp thợ, xẻ thông sáu tháng mới
xong. Số lượng gỗ thành khi xếp lại đo được ba trăm hai mươi chín khối. Hai
phần ba gỗ xẻ dùng đóng bàn ghế học trò và trang bị nội thất uỷ ban, phần còn
lại cán bộ xã dấm dúi chia nhau đóng tủ, đóng giường và làm cánh cửa. Mấy bác
thợ mộc cũng nhân cơ hội bảo nhau mượn
tạm vài mảnh đầu thừa đuôi thẹo về nhà làm chạn bát, ghế ngồi ăn cơm. Thừa
thắng xốc tới, các vị lãnh đạo đang lên kế hoạch phá tiếp đình Cả, đình Lẻ và
chùa Vĩnh Hưng thì bỗng xảy ra sự cố nên công việc phải hoãn lại.
Đầu tiên là ông Xếp Đáy, sau
hôm cưa đít bụt, tự nhiên hoá rồ, hai tay cầm hai sợi thừng dài nhẩy vun vút
còn thiện nghệ hơn cả các cô bé học trò lớp ba nhẩy dây. Múa may quay cuồng
chán, ông ta phi thân lên mái nhà nhẹ nhàng như kiếm khách dùng thuật khinh
công, hai mắt trợn trừng, lưỡi cứng lại rồi lăn xuống sân, bất tỉnh nhân sự.
Thân Văn Đốm đang đêm nhảy khỏi giường xuống bếp rút con dao bầu bổ ra đường
như ngựa vía, miệng lảm nhảm:
- Thằng Đốm dám báng bổ thần
thánh, tội của mày không thể tha.
Hắn vừa chạy vừa lấy dao cứa cổ, máu chảy nhoe
nhoét, đến chỗ gốc cây gạo đổ thì nhảy xuống ao Quan. Dân làng vớt lên được một
lúc thì hộc máu mồm ra chết. Dưới Mạc
Điền, hai ông cưa tượng A di đà đang ăn cơm bị trúng gió cấm khẩu. Vợ con tìm
thầy chạy chữa, mãi ba hôm sau mới tỉnh nhưng một bị méo mồm, một bán thân bất
toại nằm đâu ỉa đái ra đấy. Sợ nhất là Cao Khắc Thông. Chập tối ngày hai mươi
bảy, anh ta đang uống rượu với cá rán ở nhà Bùi Quốc Tầm, hai mắt tự nhiên buốt
như bị ong vò vẽ châm phải. Vợ Trưởng công an không biết đấy là bệnh thiên đầu
thống, lấy ốc nhồi giã nhỏ trộn với rau má đắp vào, nửa đêm càng đau dữ dội.
Thông kêu như lợn bị thiến, đến gần sáng thì hai con ngươi lòi ra. Các quan
chức xã Đoàn Kết từ Bí thư, Chủ tịch cho đến trưởng các ban ngành, ông bà nào
chót đem gỗ về đóng đồ, chẳng ai bảo ai đều lần lượt mang ra xếp vào góc đình
Cả. Cánh thợ mộc cũng hốt, nửa đêm bắt vợ con chuyển hết những chạn bát, ghế
đẩu, ghế ăn cơm xuống hành lang uỷ ban.
Cung Văn Luỹ và Bí thư phụ
nữ Lương Thị Nhớn mới lên thay Chĩnh Con phải đến nhờ ông cửu Mẫn lập đàn cúng
giải hạn. Ông cửu bảo:
-
Tôi chả dại. Cúng bái là mê tín dị đoan, ông Tầm biết lại bắt tôi sang huyện.
Xã đội trưởng khẽ nháy mắt với Bí thư phụ nữ rồi bảo
:
- Ông Tầm mới bị chứng đái rắt ra máu, đang nằm liệt
giường. Cụ làm ơn giúp chúng cháu, sau này không dám quên ơn.
Ông Mẫn lại bảo:
- Các loại sách cúng đốt hết
rồi mà việc này không có sách không làm được.
Cung Văn Lũy liếc mắt ra
chân đống rơm sát gốc cây bưởi làm ông thầy cúng chột dạ:
- Anh tìm cái gì?
Luỹ hắng giọng:
- Chỗ ấy có cái hầm , tháng
chín năm năm hai, cháu bị bọn Bảo an đuổi đã chui xuống đấy cùng với anh Khoán.
Ông cửu phẩy tay:
- Tao lấp từ lâu rồi.
- Cụ giấu cháu làm gì. Hôm
bọn Cao Khắc Thông đến lục soát ở đây, cháu bảo chúng nó vào buồng tìm rồi lảng
sang bên anh Nhận hút thuốc.
- Thì ra mày…
- Cụ giúp nhà cháu đi. Làm
ban tối. Cháu sẽ gác ngoài cổng, đảm bảo an toàn.
- Mày không lừa tao đấy chứ?
Cung Văn Luỹ nhăn nhó:
- Sau vụ phá chùa, làng này
chết mấy người, có các vàng chúng cháu cũng chẳng dám lừa cụ.
(Xem tiếp kỳ
sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét