Nhãn

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Nguyên khí (11)



  NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

                    
     11. TƯỢNG NHÂN BÙI THỊ HÝ


                          Giang sơn như tạc anh hùng thệ
                          Thiên địa vô tình sự biến đa

                         ( Nước non như vẽ người đâu tá
                          Trời đất vô tình việc rối bong)

           ( Quá Thần Phù hải khẩu – Ức Trai thi tập - Nguyễn Trãi )

“ Hai người này sẽ làm rạng danh vùng đất Chu Trang, Nam Sách. Nhưng phải sáu trăm năm nữa, người đời mới biết đến họ…”
Lời tiên  đoán của Ức Trai tiên sinh vào tháng bẩy năm Nhâm  tuất,1442 ấy, đúng 567 năm sau, vào ngày 26 tháng 10 năm 2009, tức ngày 9 tháng 9 Kỷ sửu, hậu duệ của tượng nhân Bùi Thị Hý mới tìm thấy phần mộ và lai lịch của bà.
Câu chuyên bắt đầu từ lá thư của ngài Makoto Anabuki, Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản ở  Hà Nội gửi cho ông Ngô Duy Đông, lãnh đạo tỉnh Hải Hưng.
Năm 1980, trong một chuyến sang thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ,  ông Makoto Anabuki đã tới thăm bảo tàng nổi tiếng Topkapi Saray. Tại đây ông đã nhìn thấy chiếc bình hoa lam quí giá hình củ tỏi, cao 54 cm, được bảo hiểm tới một triệu USD, có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Thái Hòa năm thứ 8 – Đời vua Lê Nhân Tông, 1450 – tượng nhân là Bùi Thị Hý, người châu Nam Sách lưu bút).
Vì sao cặp bình Tình Nhân, âm - dương, lại chỉ còn một? Chiếc bình âm - Tỳ bà, thất lạc ở đâu? Vì sao chiếc bình cổ của Việt Nam lại đến tận đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi? Tượng nhân Bùi Thị Hý là ai? Ở đâu? Sống vào thời nào?

Suốt hai mươi năm sau đó, một cuộc tìm kiếm nơi xuất xứ của chiếc bình cổ hình củ tỏi vô giá kia và nguồn gốc gia thế tượng nhân Bùi Thị Hý, diễn ra trên nhiều địa bàn của tỉnh Hải Dương, khi âm thầm lặng lẽ, lúc sôi động quyết liệt. Từ năm 1986 đến 1997, các nhà khảo cổ học Hải Dương, tiêu biểu là nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành đã kỳ công  tìm kiếm, thăm dò, kể cả lục tìm kho thư tịch, gia phả, kể cả thám sát trên thực địa. Có nguồn tư liệu cho rằng vùng gốm cổ có thể nằm bên sông Thái Bình, thuộc khu vực Trần triều Hải khẩu ngày xưa. Nhưng qua điền dã, dấu tích bề mặt tuyệt nhiên không thấy. Chỉ bát ngát một vùng trồng lúa, trồng cói. Mấy làng ven sông, nhất là Chu Đậu, chỉ có nghề truyền thống dệt chiếu.
May thay, cuối cùng, các nhà khảo cổ đã xác định được vùng sản xuất gốm sứ cổ trên một diện tích 40.000 mét vuông, tại khu vực giáp đê sông Thái Bình, trên địa bàn hai xã Thái Tân và Minh Tân, huyện Nam Sách.
Sau bẩy lần khai quật, một phát hiện bất ngờ đã lộ ra: Hơn một trăm đáy lò nung dưới lòng đất với hơn một vạn hiện vật, gồm bát, đĩa, hộp, lọ, bình gốm sứ… cách đây từ năm trăm đến sáu trăm năm.
Chu Đậu, Chu Trang  đã phát lộ, đã được thừa nhận từng là một trung tâm gốm sứ lớn và nổi tiếng không thua kém gì Bát Tràng.
Tiếp đến, năm 1994, ngư dân Quảng Nam đã phát hiện và trục vớt được ở ngoài khơi đảo Cù  Lao Chàm một con tàu đắm, tìm được 340.000 hiện vật gốm sứ Chu Đậu.
Các nhà  sử học không khó khăn gì khi cắt nghĩa sự  biến mất của gốm sứ Chu Đậu khỏi bản đồ phát triển ngành gốm sứ Việt Nam mấy trăm năm qua. Có thể khẳng định, vùng gốm sứ này xuất hiện từ thời Lý – Trần. Thời Minh thuộc, giặc Ngô đã bắt đi nhiều nghệ nhân giỏi giải về Yên Kinh. Một số khác di cư sang Triều Tiên, Nhật Bản. Riêng nghệ nhân Vương Quốc Doanh chuyển lên Bát Tràng, trở thành tượng nhân nổi tiếng.  Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh, vùng gốm Chu Trang khôi phục dần, đạt  mức cực thịnh vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI ( từ khoảng 1430 đến 1530). Nhưng rồi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1526), Lộ Hải Đông trở thành địa bàn ác liệt suốt cuộc chiến tranh Lê – Mạc. Các lò gốm Chu Đậu bị hủy hoại, vùi lấp dưới các lớp trầm tích.
Cuộc tìm kiếm nữ tượng nhân họ Bùi khó khăn và mù  mịt hơn. Bởi các thư tịch cổ đã bị mất nhiều, các gia phả, tộc phả cũng hiếm gặp, lại viết bằng chữ Hán, ít người đọc được.
Nhưng rồi linh hồn người xưa như mách bảo, ông tộc trưởng họ Bùi ở Quang Ánh, Gia Lộc, tìm thấy cuốn gia phả dòng họ có ghi bà cô tổ  Bùi Thị Hý (1420 -1499), là cháu nội của khai quốc công thần triều Lê, Bùi Quốc Hưng. Được các nhà  khảo cổ, các nhà Hán học trợ giúp, những bí  mật ngôi mộ cổ của bà Bùi Thị Hý  đã được tìm ra. Trong kho tàng đồ gốm tổ tiên  để lại có một chiếc mâm đồng ghi những thông tin về bản sao văn bia mộ chí:
Kỳ tài phu nhân Bùi Thị Hý chi mộ.
Chồng bà Bùi Thị Hý là Đặng Sỹ.  Ông bị chết trên biển trong một lần đưa hàng gốm sứ đến một thương cảng. Bà tái giá  với ông Đặng Phúc, một đại gia khác ở  Chu Đậu. Sau đó hai người tiếp tục đưa gốm sứ  sang bán ở phương Tây.
Cuối đời, tượng nhân Bùi Thị Hý về  công đức làm chùa Viên Quang.

Từ một thông tin ở chùa Viên Quang, cuối cùng những hậu duệ  họ Bùi, mà đại diện là ông Bùi Lợi,  đã lần tìm ra ngôi mộ cổ của bà Bùi Thị  Hý, táng tại gò Hình Nhân, thôn Quang Tiền, xã  Đồng Quang huyện Gia Lộc, Hải Dương.
Hòn gạch đậy trên mộ ghi: “Tẫn cốt tổ cô Bùi Thị Hý nội bình đồng Vọng Nguyệt bảo kiếm”(Tro xương tổ cô Bùi Thị Hý trong bình cùng thanh kiếm Vọng Nguyệt của bà).
Đáng chú  ý là trong mộ, ngoài chiếc đĩa và con nghê có thủ bút của bà Hý, còn  có một phiến đá nhỏ ghi chữ Hán. Đó là chiếc la bàn đi biển. La bàn hình vuông, kích thước 1,7 x 1,7 x 7 centimet, giữa có một lỗ sâu để đặt kim nam châm, có ghi:“Châm bàn chu hải khứ Bùi Thị Hý”( Bàn kim chỉ thuyền đi biển của Bùi Thị Hý).
Vậy là, không còn nghi ngờ gì nữa, nữ kỳ tài Bùi Thị  Hý là một tượng nhân, nhà doanh nghiệp, nhà  hàng hải. Người vượt đại dương đầu tiên của Việt Nam chăng? Nếu vào năm Canh Ngọ, 1450, chiếc bình hoa lam dương do bà chế tác vượt biển để đến Thổ Nhĩ Kỳ, thì bà có kém gì  Christopher Columbus (1451-1506), Ferdinand Magiellan (1480- 1521), những người đương thời, nhà phát kiến địa lý, nhà hàng hải vĩ đại của nhân loại. Và  con đường giao thương trên biển, từ Đại Việt, men theo Thái Bình Dương, sang Ấn Độ Dương, vào Địa Trung Hải…, thuyền của bà đã không dưới một lần vượt qua.
Vĩ đại thay là một nữ kỳ tài!
Thảo nào, mới gặp, Ức Trai tiên sinh đã nhận ra tài năng và  tầm vóc của con người xuất chúng này!
Cũng trong dịp này, dòng họ Phí ở Hà Nội, xuống nhận dòng họ Bùi ở Gia Lộc. Cuộc thất lạc họ  hàng này đã mấy trăm năm? Rất có thể  từ  khi  giặc Ngô dày xéo Đại Việt.
Tra tìm trong gia phả, thấy dòng họ Phí từng có một vị  quan trọng thần tên là Phí Mộc Lạc.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “ Tháng hai ( Hưng Long, 1304), lấy Bùi Mộc Đạc làm Chi hậu bạ thư chánh chưởng trông coi cung Thánh Từ. Mộc Đạc tên tự là Minh Đạo, người Hoàng Giang, họ Phí, tên là Mộc Lạc, có tài năng. Thượng hoàng cho rằng họ Phí từ xưa không thấy có, mới đổi làm họ Bùi, cái tên Mộc Lạc là điềm chẳng lành(*), mới đổi thành Mộc Đạc(**) sai theo hầu ngày đêm. Đến nay trao cho chức ấy. Sau này, người họ Phí hâm mộ danh tiếng của Mộc Đạc, nhiều người đổi làm họ Bùi.”
Tượng nhân Bùi Thị Hý là chắt 5 đời của đại thần Bùi Mộc Đạc ( Phí Mộc Lạc) thời Trần. Thân mẫu bà là hậu duệ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
                                             ***
“ Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt không ngờ từ mấy năm nay, anh lại là một trong những người góp phần phục dựng lại tiểu sử và chân dung tượng nhân Bùi Thị Hý, người mà  vào cuối tháng bẩy năm Nhâm tuất, 1442 ấy, đã cùng chồng mang đến tặng Ức Trai tiên sinh những vật phẩm gốm sứ  tuyệt vời để Người chuẩn bị nghênh đón vua Lê Thái Tông vi hành.
Về nguồn gốc họ Bùi  của “Thọt bỉ nhân”  và những liên quan gốc gác với dòng tộc tượng nhân Bùi Thị Hý, sẽ nói sau.
Phần việc của anh, nhà ngoại cảm, là phải “đọc” được những ký hiệu của người xưa, đưa được họ “gặp” hậu duệ để họ “nói ra” những điều cần biết. “Thọt bỉ nhân” còn nhớ như in cái cảm giác đêm ở chùa Viên Quang  cách đây sáu năm. Lúc ấy đã khuya, ngoài trời lắc rắc mưa. Bùi La Việt đang ngồi cầu khấn trước điện, bỗng rùng mình ớn lạnh, thấy mặt mày xây xẩm, rồi như có cơn bão biển tràn về.
Sóng biển cao ngất trời. Một chiếc thuyền lớn, cột buồm nghiêng ngả, những cánh buồm tơi tả hiện ra. Một người đàn bà vận áo tứ thân, chít khăn vành dây màu huyết dụ, một tay cầm thanh đoản kiếm có khắc chữ Vọng Nguyệt ở đốc kiếm, một tay cầm một ống kính viễn vọng, như từ trong sương khói hiện ra. Người đàn bà ấy xưng tên là nữ tài nhân Bùi Thị Hý, đang dẫn đầu một thương đoàn đi sang Tây phương. Giọng bà như lẫn trong tiếng sóng biển: “Ta tưởng đã bị người đời quên lãng, bị vùi sâu dưới tầng đất cùng với những lò gốm Chu Trang. May thay, đúng như lời Ức Trai tiên sinh tiên đoán, đất nước đã đến thời hưng thịnh, người đời đã tìm thấy Chu Đậu, đã biết đến ta. Thật là diễm phúc dòng họ Bùi, dòng họ Phí, dòng họ Đặng. Dẫu là nữ nhân, nhưng từ nhỏ ta đã có chí hướng nam nhi. Không được thi thố chốn quan trường, thì ta quyết cùng các thương nhân tỏ tài dũng lược, muốn nước Đại Việt không thua kém các nước lân bang, muốn gốm Chu Đậu danh vang bốn cõi, hàng bán buôn khắp cả Trung Nguyên, Nhật Bản, Cao Ly, Chiêm Thành, Trảo Oa, Xiêm La, Mãn Lạt Gia, thậm  chí sang cả Tây phương…”
Sau chuyến  “gặp” ấy, hậu duệ họ Bùi đã tìm thấy mộ tượng nhân Bùi Thị Hý, đã tìm  được chiếc la bàn đi biển đầu tiên của người Việt, một báu vật vô giá.
Bây giờ, một lần nữa, Bùi La Việt, với tư cách một dịch giả, lại tìm thấy trong thư tịch cổ hình bóng nàng tài nữ họ Bùi, những năm nàng ở tuổi hai mươi. Chắc chắn chiếc bình hoa lam củ tỏi mà  ngài Makoto Anabuki được chiêm ngưỡng trong bảo tàng Topkapi Saray, đã được làm ra sau bộ bình Tình Nhân mà vợ chồng nàng tặng Nguyễn Trãi tám năm. Đó là thế hệ bình thứ hai hoặc thứ ba, khi mà tay nghề và tài năng của tượng nhân đã lên đến tuyệt đỉnh, khi mà cái chết oan khiên của cặp Tình Nhân Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ trong vụ án Lệ Chi Viên đã hằn lại trong lòng nàng Vọng Nguyệt một nỗi đau đến mức chiếc bình nàng tạo ra đã kết đọng hồn người.
Đau đớn thay, đến cả bình sứ cũng bị tách chia, cũng bị lưu đày.
 
---------------------
(*)  Mộc lạc có nghĩa là cây đổ, cây rụng.
(**)Mộc đạc có nghĩa là cái mõ, sự nổi tiếng.

(Xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét