Nhãn

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Hậu Chuyện kể năm 2000 (tiếp theo)



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 2


Bùi Ngọc Tấn
                                                           


Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời
Quên tuổi tôi cắm sâu lưỡi dao năm tháng
Thời gian băng hà sọ não tôi
                                                  — Bùi Ngọc Tấn


T
ôi ra tù — từ trại Vĩnh Quang — tháng 4 năm 1973. Một năm cuộc sống khó khăn không hình dung nổi, và càng không hình dung nổi trong những năm tiếp theo.
Khi tôi kêu lên:“Các ông ấy bần cùng hóa nhân dân ghê quá”, Nguyên Bình nghiêm mặt bảo tôi:“Cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật. Đâu phải cuộc sống con người”.
Bình nói đúng. Cuộc sống này là một sự đầy đọa.
Hãy nghe một câu trong tham luận của một thuyền trưởng Liên Hợp đánh cá Hạ Long tại đại hội công nhân viên chức: “Tầu cá về, người xuống như dòi”.
Câu đó nói lên tất cả! Hơn thế. Biết bao nhiêu người thèm được như chúng tôi — nhân viên một xí nghiệp thực phẩm — ao ước là dòi!
 Đã ba mươi năm chiến tranh.
Từ lúc tôi còn là một thiếu niên. Đến khi ấy đã là quá nửa đời. Con người chỉ là công cụ phục vụ cho cuộc chiến. Và phải chiến thắng. Không thể thất bại. Dù phải đốt cháy dẫy Trường Sơn. Dù phải đánh đến cái lai quần. Bởi thất bại hay chỉ không chiến thắng thôi, cũng có nghĩa là đổ vỡ tất cả.

Chiến tranh nối tiếp chiến tranh.
Liên miên. Huỷ diệt. Tàn khốc.
Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Khẩu hiệu ấy được các địa phương thực hiện triệt để. Trước mỗi trận đánh, trước mỗi chiến dịch, các bộ chỉ huy tính toán số vũ khí phải có, số lương thực phải vận chuyển bằng sức người vượt hàng ngàn cây số, và quan trọng hơn, số người hy sinh, số quân phải bổ sung được phân bổ cho các địa phương. Đó chỉ là những con số. Không phải mạng người. Nó chỉ là phép cộng trừ toán học. Tôi rất phục Stalin khi ông nói đại ý — tôi không nhớ nguyên văn — một người chết là một đau thương, nhiều người chết là một con số thống kê.
Đúng là suy nghĩ chỉ nằm trong đầu những Đấng quen chi tiêu bằng mạng sống.([1])
Cái con số thống kê ấy khiến những người nắm vận mạng đất nước có thể tiếp tục cuộc chiến mà lòng chẳng mấy băn khoăn và nghĩ tới ngày chiến thắng, đứng trước lễ đài, cờ bay phấp phới trên đầu và dưới kia là biển người reo hò, tung hô vang dội. Nhưng ngày chiến thắng vẫn chưa đến. Bom vẫn rơi. Đạn vẫn nổ. Người vẫn chết.
Cuộc chiến dài nhất thế kỷ 20 vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. “Ao ước” của chủ tịch Hồ Chí Minh “Bắc Nam sum họp một nhà, Cho người thấy mặt là ta vui lòng” vẫn chỉ là mong mỏi. Niềm vui “giản dị” ấy không bao giờ được thực hiện, bởi khi chiến tranh Nam Bắc kết thúc thì ông đã qua đời 6 năm trước đó, và quan trọng hơn, Bắc Nam chưa bao giờ xum họp dù cho đất nước đã thống nhất. Một cuộc thanh trừng rộng lớn đã được tiến hành. Một cuộc di tản chưa từng có trong lịch sử nhân loại, hàng triệu người miền Nam — và cả miền Bắc — đã bỏ nước, vượt biển ra đi, với xác suất sự sống chỉ chiếm số phần trăm ít ỏi.
Chiến tranh kết thúc cùng với bao hậu quả mà thời gian khắc phục kéo dài cho đến hôm nay và còn kéo dài không biết đến bao giờ. Tôi nghĩ tất cả những bê bối khó khăn, những xuống cấp về đạo đức, nhân phẩm, những thói quen xấu về quản lý xã hội, về quản lý sản xuất, về quan hệ giữa người với người đang thống trị cuộc sống, phân tích đến cùng, đều có nguồn gốc từ những cuộc chiến tranh trong thế kỷ trước. Sự thiếu lòng tin vào thắng lợi có lẽ đã xuất hiện cả trong những cán bộ trung cao cấp nên tổng bí thư Lê Duẩn mới nói trong một hội nghị rằng:”Đảng ta biết phát động chiến tranh thì cũng biết kết thúc chiến tranh”. 
Trong tù, bọn phạm chúng tôi đánh hơi thấy sự chuyển đổi trong chính sách qua những buổi học tập. Không sỉ vả mạt sát chúng tôi như trước, ông chánh giám thị nói với chúng tôi rằng phải quên quá khứ — có nghĩa là chúng tôi phải quên “tội lỗi” của chúng tôi đi — vì tất cả cùng là con Hồng cháu Lạc, rằng thế nào là đồng bào, là cùng một bào thai. Chúng tôi không phải gọi cán bộ là ông nữa mà là anhchị, rằng chúng tôi sẽ được giao chìa khoá buồng, tự quản, tại sao lại không nhỉ?... Chúng tôi cảm thấy sau những câu nói lạ tai ấy là những tình thế khác về khả năng kết thúc cuộc chiến. Nhưng rồi lại quay về quỹ đạo cũ. Vẫn phải gọi cán bộ là ông, là bà. Và vẫn không bao giờ được quên quá khứ, quên tội lỗi của mình…— Điều đó có nghĩa là địch đã yếu đi hoặc ta đã mạnh lên rồi! Khoảng năm 1974, tôi không nhớ rõ, nghe qua cái loa nón Ngã Sáu một tin làm tôi bật cười: Các nhà báo ở Sài Gòn biểu tình chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bằng cách bị gậy giả làm ăn mày đi diễu phố. Tôi, một nhà báo miền Bắc vừa đi tập trung cải tạo về nằm dài thất nghiệp xó nhà, lẩm bẩm một mình: Các cậu ơi! Các cậu được tự do, được sung sướng cả tinh thần lẫn vật chất mà không biết. Cứ giả làm ăn mày biểu tình đi. Rồi sẽ được ăn mày thật! Ăn mày thật nhưng không được biểu tình đâu! Rồi sẽ trắng mắt ra các con ạ.
Tôi nghĩ thầm: Miền Nam không thể thắng được vì tự do biểu tình — lại cả tự thiêu nữa mới khủng khiếp — vì tự do báo chí, tự do công kích chính phủ, vì phe nọ đảng kia; không thực hiện được như miền Bắc đã làm: Chỉ có một luồng thông tin duy nhất từ những chiếc loa công cộng đường phố, quản lý chặt dạ dầy, hộ khẩu, duy trì tình trạng thiếu đói ở cả nông thôn và thành phố, chia nhau từng mét chỉ, nửa cây kim, nửa cái bát sành ([2]) đồng thời thực hiện phương châm bắt nhầm còn hơn bỏ sót, đưa đi tập trung cải tạo những phần tử nghi vấn, những phần tử nguy hiểm cho xã hội như tôi chẳng hạn, pha lê hóa hậu phương. Cuối cùng miền Nam đã thua nhanh hơn dự đoán. Chiến thắng thuộc về những người lì đòn hơn, tận dụng thời cơ tốt hơn. Một chiến thắng có rất nhiều nguyên nhân — chiến lược chiến thuật, tài nghệ chỉ huy, tinh thần binh sĩ, vũ khí khí tài, công tác tình báo, mặt trận ngoại giao…— nhưng chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của các loa công cộng ([3]), chế độ quản lý bao cấp, sự đóng góp của các nhà tù, của chính sách tập trung cải tạo, một sản phẩm của chế độ độc trị. Và dĩ nhiên chân lý thuộc về người chiến thắng.
Không biết suốt 30 năm chiến tranh bao nhiêu triệu người Việt đã chết? Cả bên này và bên kia? Bao nhiêu triệu người cầm súng và không cầm súng.
Tôi mong có một thống kê số xương máu Việt ấy. Công bố trước thanh thiên bạch nhật để biết cái giá của cuộc sống hôm nay. Để những người cướp đất nông dân Văn Giang, Nam Định, Thái Bình, Cần Thơ, những người đang rút ruột các công trình, những “đầy tớ của dân”… bớt đi một chút hung hăng, bạo ngược trong đối xử. Bọn này hẳn chưa bao giờ xem mục Đi Tìm Đồng Đội trên tivi để nhìn những gương mặt trẻ măng trong những bức ảnh cũ ố vàng với câu cửa miệng của phát thanh viên: Ai biết mộ liệt sĩ ở đâu
Cuộc sống càng khốc liệt sau chiến tranh. Lạm phát tăng gần 1.000%, ngân khố vét voi chỉ còn trên dưới một triệu đô la. Gạo không có mà bo bo bán sang kỳ cũng chẳng thấy. Điện không. Các cháu học thi đêm đêm ra phố cầm sách đứng dưới cột đèn đường mà sôi kinh nấu sử dưới ánh sáng tù mù. Nước, nhu cầu không thể thiếu cũng cực kỳ khan hiếm. Có được một thùng nước trong nhà, cảm giác yên tâm như có một tài sản. Các con gái tôi tối tối ra vòi nước công cộng với một cái nút chai bằng nhựa vẫn chụp lên chai rượu quốc doanh, một cái nắp phích bằng nhôm và một cái xô. Ống dẫn nước chôn sâu dưới đất rỉ vào chiếc cóng bằng xi măng đặt chìm — một cái hầm cá nhân thời chiến tranh bắn phá. Chúng dùng cái nắp chai to hơn lọ thuốc đau mắt và dài hai đốt ngón tay đó vét nước dưới đáy cống đổ vào “trạm trung chuyển nắp phích” cho tới khi đầy thì đổ vào xô. Nước quay vòng. Vo gạo xong, dùng nước vo gạo rửa rau. Dùng nước rửa rau rửa bát. Hoặc lau nhà. Lấy nước đã lau nhà dội nhà vệ sinh.
Ngày ấy Mạc Lân, Dương Tường bán máu. Châu Diên theo đi bán máu nhưng thất bại vì máu không đông. Nguyễn Xuân Khánh cũng bán được máu. Ngoài bán máu, tác giả Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn còn có hai việc làm khác nữa: Dạy kèm con một ông làm ngành thương nghiệp mà tháng tháng được trả công bằng tóp mỡ — Thật may mắn anh có một việc thơm đến thế, tuyệt vời đến thế! Tóp mỡ thơm lừng! Tóp mỡ giòn tan! Và chặn các cống nước thải, nhặt nhạnh những cọng rau, những hạt cơm những sợi mì, những hạt bo bo...lẫn trong bùn cống, mang về nuôi lợn.
Ngày ấy, vợ tôi rất “mưu mô, láu cá” trong chuyện tem phiếu. Nhà hai vợ chồng, bốn đứa con, sáu người nhưng có tới bốn phiếu N — phiếu Nhân Dân. Cái gì có chữ nhân dân cũng hay: Đại Học Nhân Dân, Chiến Tranh Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Toà Án Nhân Dân, Viện Kiểm Sát Nhân Dân, Hội Đồng Nhân Dân, Uỷ Ban Nhân Dân, báo Nhân Dân — đến hôm nay thêm cả Nghệ Sĩ Nhân Dân, Nhà Giáo Nhân Dân... —  đều rất tuyệt vời. Chỉ có cái Phiếu Nhân Dân là khốn nạn! Phiếu Nhân Dân được mua ít nhất trong các loại tem phiếu, chưa kể nhiều khi hàng không có, còn bị cắt tiêu chuẩn. Bởi vậy khi cháu Bùi Quang Dũng — đứa con sinh khi tôi đã vào tù — lên 7 tuổi từ lâu, đã được đổi phiếu Nhân Dân, tiêu chuẩn gạo tăng từ 6 kí lên 9 kí một tháng, nhưng vợ tôi làm như quên, như không biết đến điều ấy, không đi đổi phiếu mà cứ xử dụng cái phiếu TR, phiếu Trẻ Em, cho đến hết năm, làm tem phiếu mới, không thể giả đò “quên” được nữa. Bởi vì phiếu N, Nhân Dân, 9 kí gạo nhưng chỉ được đong một phần ba — còn lại là 6 kí độn — có nghĩa là chỉ được mua 3 kí, mất đi 3 kí gạo mà cháu mới bước sang tuổi thứ 7, chẳng thể nào nhá được ngô được sắn, nhai được bo bo! Chưa kể đường từ 5 lạng xuống còn 1 lạng và thịt cũng từ 3 lạng chỉ còn 1 lạng. Ngay những tiêu chuẩn tối thiểu này nhiều khi cũng bị nợ và rồi…xù nợ! Do đó vợ tôi cũng như các bà mẹ khác đều làm như không nhớ con mình đã bước sang tuổi thứ 7, lùi lại cái ngày con nhận phiếu N, lùi lại cái ngày “tiễn con lên Nhân Dân” ấy. Và bà mẹ nào cũng thấy mình đã gỡ gạc được tí chút, tận hưởng niềm vui nho nhỏ trong sự khốn cùng.
Nhưng dù cố gắng đến đâu, khem khổ đến đâu, ranh ma chịu thương chịu khó đến đâu chúng tôi cũng vẫn bị ngã gục nếu không có bố mẹ tôi. Giờ đây hai cụ đều đã khuất nhưng tình thương của Người vẫn còn đó, nhìn thấy, chạm vào và tồn tại ngay trong huyết quản của vợ chồng con cái chúng tôi. Mênh mông như bầu trời tôi vẫn ngước nhìn lên và cũng thật gần gũi sống động ngay trong cơ thể những đứa con tôi. Không có bố mẹ, tôi khó có được cuộc sống như tôi sống. Lúc nào chúng tôi cũng có một đứa con ở quê với ông bà. Khi hai, khi ba.
Bốn đứa con, đứa nào cũng được ông dạy vỡ lòng, dạy những phép tính đầu tiên và học ở quê cho đến hết cấp một, nghĩa là đến năm mười tuổi, có khi đến hết cấp hai, tùy theo tình hình chiến sự. Chúng được ông bà chăm bẵm thương yêu. Chúng được ông bà dạy từ cách sống, sự nhường nhịn, phép cư xử, tình cảm gia đình anh em ruột thịt cho đến những điều nhỏ nhất mà bố tôi gọi là “học ăn học nói, học gói học mở”. Suất gạo, suất mì chúng tôi mang về khi đủ, khi thiếu, nhờ đó, sáng sáng chúng tôi có được tí ngô bung, lưng cơm nguội va vào miệng để đi làm. Bố mẹ tôi đối với các con tôi có thể nói gọn trong bốn tiếng: Yêu thương, tận tuỵ.
Không chỉ nuôi nấng các cháu khi khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau mà còn cả trong việc học tập. Con tôi, đứa nào cũng là học sinh giỏi, điều đó không chỉ nhờ ở gien mà còn có phần đóng góp của ông nội. Và, giống tôi, đứa nào cũng học được tính hài hước từ ông.([4])
 Hàng tuần chúng tôi về thăm chúng. Và khi có những ngày nghỉ kéo dài trên một ngày như quốc khánh mùng 2 tháng 9, quốc tế lao động mồng 1 tháng 5, chúng tôi đón các con ra thành phố chơi. Chúng hớn hở xếp sách vở. Chuẩn bị quần áo. Ra vườn với vợ chồng tôi hái rau dền, rau ngót, vặt ớt, hái chanh và cả rau thơm nữa, dù chưa biết sẽ có món gì ăn với rau thơm, đủ cho cả tuần lễ không phải bỏ tiền mua, rồi tay xách nách mang, đến trước ông bà, cặp mắt long lanh:
– Cháu chào ông bà.
Mẹ tôi nhìn lũ cháu khuôn mặt tươi ngời lên vì được ra phố cùng bố mẹ, chép miệng:
– Rõ thật con không chê bố mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo.
Biết bao nhiêu xót thương trong câu nói ấy của mẹ! Tất nhiên chúng tôi chỉ đèo được hai đứa bé nhất. Còn là phải đi ô tô buýt. Ông mở cái hòm cắt tóc của ông, lấy ra những đồng tiền đẫm bao mồ hôi của thôn quê kiệt quệ xơ xác cho cháu và dặn cháu trước khi đi: Tiền lấy vé thì soạn sẵn cả tiền lẻ để riêng ra, ai bảo đưa xách hộ túi tắm cũng không đưa, ngồi trên xe không bắt chuyện với ai, ai hỏi cháu về đâu cũng không nói, khi chờ ô tô, ai mời uống nước cũng không, đến bến xuống xe là về nhà ngay đừng la cà ở đâu…
Bắt đầu cấp 2 hoặc cấp 3, chúng chuyển ra Hải Phòng ở với chúng tôi. Nhìn chúng đã là những thiếu niên, bên cạnh việc nuôi ăn, một điều quan trọng khác đến với tôi là dạy chúng sống. Dạy chúng làm người. Một mối băn khoăn lớn của tôi. Dạy các con sống thế nào đây? Dạy chúng sống trung thực ư? Điều đó cực kỳ nguy hiểm mà cái gương tầy liếp là tôi, là những gì tôi đã trải và hậu quả chính các con tôi đang gánh chịu. Trong tù tôi đã nghiền một câu Kiều có thay hai từ: “Chút lòng trung thực từ sau xin chừa”. Cứ cho là không tù tội thì cũng nghèo khổ, không được tin dùng, không được đề bạt.
Trung thực còn chắc chắn sẽ không được cấp trên tin cậy, không được kết nạp đảng. Mà không được kết nạp đảng thì cứ hết đời là kẻ bị lãnh đạo, là tầng lớp bị trị dù tài giỏi đến đâu. Trung thực còn đồng nghĩa với việc có một cái mũ chờ sẵn: Bất mãn. Cái mũ ấy có nhiều nhãn mác tiếp theo mà tôi biết quá rõ. Nó đã đẩy tôi tới nhà tù, nó cung cấp thức ăn cho các trại tập trung cải tạo.
Trung thực là khốn nạn cả đời — Nói vậy thôi, chứ chứng nào vẫn nguyên tật ấy, có bao giờ tôi thay đổi được đâu. Trung thực đã ngấm vào máu mất rồi!
Nhưng không thể dạy các con luồn lách nịnh hót, bợ đỡ, xu phụ. Tôi ghê tởm cách sống này. Là một người đã đi tù vì được ông Trần Đông thường vụ thành ủy, giám đốc sở công an Hải Phòng úm ba la thành một cái lễ ra mắt cấp trên, tôi càng ghê tởm nó gấp bội. Tôi muốn nói với các con tôi: Hãy sống cho ra một con người! Nhưng câu ấy chưa bao giờ được thốt ra. Tôi quá hiểu sống cho ra một con người khó khăn như thế nào, nguy hiểm như thế nào...
Thôi thì đành phó mặc cho số phận. Tôi cầu mong cái cách sống, cái đạo làm người từ ông bà, từ bố mẹ tôi có trong chúng tôi sẽ tiếp tục nơi chúng. Chúng sẽ biết yêu quý mọi người, thương xót những người bất hạnh, biết làm một người lương thiện, một người tử tế, trọng nghĩa khinh tài, không bao giờ  hại người khác…
Tôi chỉ can thiệp một việc thôi: Không để chúng đi vào con đường văn chương của tôi. Trong việc này tôi đã thành công. Cả bốn đứa con tôi không đứa nào sa vào con đường nghệ thuật. Có một sự trợ giúp quan trọng: Khi tôi đi tù về, câu chuyện giữa tôi với các bạn bè  — kể cả cũ, mới — đến nhà đều không phải là chuyện văn chương, một yếu tố quan trọng kích thích và hình thành lòng yêu nghệ thuật của “thế hệ thứ hai” trong các gia đình văn nghệ sĩ, điều dễ nhận thấy trong một số trường hợp như gia đình Kim Lân, Lưu Quang Thuận chẳng hạn. Bởi các bạn tôi là những người tế nhị. Hơn nữa, các bạn cũng rất ít khi về Hải Phòng. Người bị bắt, người đang chân trong chân ngoài cánh cửa nhà tù, bị theo dõi sát sao, từng bước không rời, và có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể kiếm được 2 đồng 3 hào để lấy vé ô tô hay 2 đồng 5 xu lấy vé tầu hỏa từ Hà Nội về Hải Phòng thăm tôi đâu phải chuyện đùa! Tôi thường lẩm bẩm một mình mỗi khi nhớ bạn: “Đánh một trận sạch không kình ngạc. Đánh hai trận tan tác chim muông…” Mà đâu chỉ một trận, hai trận. Đánh năm năm, mười năm, hai mươi năm và lâu hơn nữa, ròng rã, liên miên. Ngày xưa bạn gần, bạn xa, bạn cũ, bạn mới đi về. Bây giờ chỉ còn Nguyên Bình, Thọ Vân ngay tại Hải Phòng. Và Nguyên Hồng năm thì mười họa về Hải Phòng, ghé qua.([5]) Nhưng chính Nguyên Hồng, Nguyên Bình, Thọ Vân cũng họa hoằn lắm mới nói với tôi vài câu về nghệ thuật. Một đề tài kiêng kỵ khi chuyện cùng tôi. Nhà tôi càng không còn chút bóng dáng của nghệ thuật khi tất cả tủ sách còm cõi của tôi mà tôi đã đem đi gửi — để tránh bom Mỹ vì nhà tôi gần Cảng chính, được coi là khu trọng điểm hay còn gọi là tuyến 1 — đều không còn nữa. Người ta đã làm mất hết. Tôi nghe những người tôi gửi sách nói vậy và cũng chẳng hỏi gì thêm, cũng không tiếc nuối.
Bởi cái va vào miệng, cái đút vào dạ dầy, nỗi sợ hãi chính quyền chiếm toàn bộ suy nghĩ của tôi, lòng dạ đâu mà nghĩ tới sách, mà đọc sách. Bởi bao nhiêu năm đã qua rồi, một thời đại đã qua rồi, một kiếp quen đọc sách đã qua rồi, chưa kể đem sách về nhà làm gì, khi sách đã là nguyên nhân của tai hoạ. Cả nhà trống trơn. Chỉ còn hai tập Anna Karenina đã cũ bởi đã qua tay bao người đọc, nhầu nát. Hai trong số ba tập tiểu thuyết của Lev Tolstoi do Dương Tường tặng tôi và người công an mặc sắc phục  — duy nhất anh ta mặc sắc phục — hôm đến bắt tôi, nhìn thấy ba quyển Anna Karenina ở đầu giường đã bảo tôi: “Anh đang đọc quyển này à? Mang vào mà đọc”. Trong xà lim, tôi rất nhiều lần cảm ơn anh công an ấy, người ngay phút đầu tiên đã nhìn thấy quãng thời gian vô tận tôi sẽ phải trải qua trong các xà lim, trong các trại giam. Ba tập sách dầy cả ngàn trang mà tôi đã đọc đến gần như thuộc và ghi vào lề sách, vào những chỗ trống chuyển chương, những dòng nhật ký nhợt nhạt cô đọng.
B.N.T.

([1]) Hãy đọc lại khẩu hiệu trên:“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.  Một mạng người tương ứng với một cân thóc.
(2) Hai người chung nhau một chiếc bát Móng Cái, nên ở Rế, Hải Phòng,  có ông già độc thân được cô bán hàng hợp tác xã ưu tiên cho mua cả 1 chiếc bát, ông khăng khăng không nhận: Tôi không lạm vào tiêu chuẩn của người khác. Cô cứ chặt đôi ra cho tôi một nửa”.
(3)Tôi đánh giá rất cao cái loa công cộng, điều miền Nam không làm được.  Khi gặp Huy Đức, tác giả Bên Thắng Cuộc, nhìn cái bìa vẽ cái loa đen treo trên cột điện, tôi bảo anh: Anh rất thích cái bìa này”. Cái loa công cộng giờ đây có cái tên thân yêu, gần gũi hơn: Loa Phường. Nó vẫn hoạt động nhưng hiệu quả không thể như cũ. Tôi đánh giá nó bằng không, hơn thế, còn phản tác dụng, hiệu quả bằng âm.
(4) Đến bây giờ chúng vẫn nhắc lại chuyện ông kể mỗi khi hồi ký cách mạng như chuyện đi ăn cỗ ngày xưa, mâm cỗ ngồi 4, nhưng có một cụ lại dắt theo cả cháu cùng đi. Thằng bé bảo ông: Cháu thích ăn hồng. Thế là vừa ngồi xuống mâm, một cụ đã cầm quả hồng: Mời các cụ xơi hồng đi nào.  Mỗi cụ một quả, xơi ngay món  tráng miệng ấy trước khi ăn cỗ.  Bốn đứa con tôi, đứa nào cũng thuộc bài thơ Đi ăn cỗ đám của ông rất hiện thực xã hội chủ nghĩa: Cỗ chẳng muốn đi họ cứ mời / Cũng vì tình cảm phải đi thôi / Nước vừa rót ra chưa kịp uống / Cỗ đã bưng lên thỉnh cụ xơi / Thịt sắm bao giờ ăn ngấy ngấy / Rượu pha phân đạm uống hôi hôi / Cơm đơm ra rá rời như củ / Ăn vội ăn vàng đứng dậy thôi.
(5)Chưa kể một anh phóng viên báo Hải Phòng làm đặc tình của công an chuyên theo dõi tôi. Anh đã mất, cầu cho linh hồn anh được yên nghỉ, không bị ai quấy rầy, bắt làm đặc tình ở cõi âm.

(Xem tiếp kỳ sau)



([2]) Hai người chung nhau một chiếc bát Móng Cái, nên ở Rế, Hải Phòng,  có ông già độc thân được cô bán hàng hợp tác xã ưu tiên cho mua cả 1 chiếc bát, ông khăng khăng không nhận: Tôi không lạm vào tiêu chuẩn của người khác. Cô cứ chặt đôi ra cho tôi một nửa”.
([3])Tôi đánh giá rất cao cái loa công cộng, điều miền Nam không làm được.  Khi gặp Huy Đức, tác giả Bên Thắng Cuộc, nhìn cái bìa vẽ cái loa đen treo trên cột điện, tôi bảo anh: Anh rất thích cái bìa này”. Cái loa công cộng giờ đây có cái tên thân yêu, gần gũi hơn: Loa Phường. Nó vẫn hoạt động nhưng hiệu quả không thể như cũ. Tôi đánh giá nó bằng không, hơn thế, còn phản tác dụng, hiệu quả bằng âm.

([4]) Đến bây giờ chúng vẫn nhắc lại chuyện ông kể mỗi khi hồi ký cách mạng như chuyện đi ăn cỗ ngày xưa, mâm cỗ ngồi 4, nhưng có một cụ lại dắt theo cả cháu cùng đi. Thằng bé bảo ông: Cháu thích ăn hồng. Thế là vừa ngồi xuống mâm, một cụ đã cầm quả hồng: Mời các cụ xơi hồng đi nào.  Mỗi cụ một quả, xơi ngay món  tráng miệng ấy trước khi ăn cỗ.  Bốn đứa con tôi, đứa nào cũng thuộc bài thơ Đi ăn cỗ đám của ông rất hiện thực xã hội chủ nghĩa: Cỗ chẳng muốn đi họ cứ mời / Cũng vì tình cảm phải đi thôi / Nước vừa rót ra chưa kịp uống / Cỗ đã bưng lên thỉnh cụ xơi / Thịt sắm bao giờ ăn ngấy ngấy / Rượu pha phân đạm uống hôi hôi / Cơm đơm ra rá rời như củ / Ăn vội ăn vàng đứng dậy thôi.

([5])Chưa kể một anh phóng viên báo Hải Phòng làm đặc tình của công an chuyên theo dõi tôi. Anh đã mất, cầu cho linh hồn anh được yên nghỉ, không bị ai quấy rầy, bắt làm đặc tình ở cõi âm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét