Nhãn

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Hậu Chuyện kể năm 2000 (kỳ 5)



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 5


Bùi Ngọc Tấn                                             

Tôi bắt đầu viết văn trở lại vào tháng 3 năm 1990, hai tháng sau khi mẹ tôi mất. Tôi không phải là nhà sử học ghi nhớ chính xác ngày tháng, các sự kiện trên thế giới trong mùa xuân năm ấy. Chỉ biết rằng khoảng thời gian trước và sau năm 90, những sự kiện vô cùng trọng đại đối với nhân loại đã xẩy ra.
Đầu thế kỷ 20 là những ngày rung chuyển thế giới ở nước Nga. Cuối thế kỷ 20 là sự hóa giải sự kiện rung chuyển thế giới ấy cũng ở nước Nga. Cuộc thí nghiệm tìm con đường đi của nhân loại đã có kết luận: Đây là cuộc thí nghiệm vô trách nhiệm với chi phí gần trăm triệu mạng người và đã thất bại. Một chủ nghĩa hấp dẫn bởi chất lãng mạn không tưởng, đáp ứng được ước mơ của những người bị áp bức bóc lột, nghèo đói nhưng đã bộc lộ tất cả tính chất phản khoa học tàn bạo núp dưới những mỹ từ đẹp nhất của chủ nghĩa nhân đạo và của khoa học. Tôi mong đợi từng ngày và mong đợi quá lâu rồi, sự sụp đổ của cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do, sự dối trá thống trị, cái trật tự làm thành một bầu trời đá xám úp chụp lên đầu từ Việt Nam tới tận Cộng Hòa Dân Chủ Đức! Cái trật tự xã hội tôi đã sống gần trọn đời và ghê sợ nó. Cái trật tự mà một thời tôi đã từng tin tưởng và tự hào về nó, xây dựng nó, bảo vệ nó. Ngay khi đã bị chính bánh xe tàn bạo của nó nghiền nát. Tôi tự cười mỉa khi nghĩ đến dạo mới bị tù, biết một người tù chuẩn bị trốn trại, đã báo cáo ban giám thị bởi không thể để lọt một tên tội phạm ra ngoài xã hội được! Và khi đã lên Vĩnh Quang, sau 4 năm tù mõm ra rồi, nhận suất cơm khoai dầm nát và hai muôi nước canh cá khô mục, tanh và khắm đến lộn mửa, tôi vẫn ngạc nhiên tự hỏi: “Nhà tù mình cũng cho tù ăn cá mục?”

Tôi đã kể hai mẩu chuyện trên cho nhiều bạn bè nghe như lời thú nhận sự ngu lâu của mình. Biết bao trọng phạm đang nhởn nhơ ngoài xã hội, kể cả đang giữ những vị trí quan trọng trong guồng máy cai trị. Còn những từ nhà tù mình, đảng mình có thể là do thói quen nhưng mình đã nhận ra thói quen ấy. Có một thời ngu dốt làm nên sức mạnh, nhưng thời ấy đã qua rồi.
Tôi đã đến Đức, tại đất nước của Marx, người ta đã bỏ Marx. Tôi đã đến Nga, tại đất nước của Lênin: Người ta đã bỏ Lênin. Không ai dám nói dân tộc Đức ngu. Cũng không ai dám nói dân tộc Nga ngu. Vì sao lãnh đạo Đảng ta vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin?
Câu trả lời thật đơn giản: Lãnh đạo một đảng, một đất nước theo nguyên lý của chủ nghĩa Marx-Lênin với mô hình Xô Viết là một điều trên cả tuyệt vời. Muốn nói thế nào thì nói. Muốn làm thế nào thì làm. Ai đụng được đến lông chân? Đó là quyền lực không kiểm soát, không giới hạn, quyền lực vô biên.
Sau khi Brezhnev, cái ông tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô, thành trì của cách mạng thế giới, những khi xuất hiện trước đông người thì nói rất hay về chủ nghĩa cộng sản, về xây dựng Đảng, còn giữa những người họ hàng thân thích thì nói: Làm quái gì có chủ nghĩa cộng sản! Và trụ khá lâu với những trận mưa ban phát huân chương, cái ông thay Khrushchev bị lật đổ ấy qua đời thì mấy ông tổng bí thư tiếp theo với những cái tên lạ hoắc đều không tại vị được lâu: Chernenko, Yuri Andropov. Chưa bao giờ người ta thấy những ông nguyên thủ quốc gia, đứng đầu một phe lại ra đi nhanh thế. Chưa kịp để mọi người hiểu mình là ai, chưa kịp làm một việc gì đã về với Marx với Lênin rồi. Những cái tên quá đỗi bình thường khiến người ta nghĩ thế hệ lãnh tụ kế tiếp chẳng có ai đáng để ý và đang rơi vào khủng hoảng.
Gorbachev cũng vậy. Tên tuổi mới toe. Chưa nghe thấy bao giờ. Thành tích không dầy hơn tờ giấy. Có đáng chú ý thì chỉ là vết bớt mầu hồng nhạt trên trán. Nhưng đấy chính là một vĩ nhân, chính là người cứu non nửa nhân loại. Người mà ông Nguyễn Văn Linh gọi là kẻ cơ hội nhất hành tinh (!!!), người đã lập công đầu trong việc làm tan rã Liên Xô, làm tan rã cả một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được trang bị đến tận răng mà không đổ một giọt máu, không mất một viên đạn, tạo điều kiện chấm dứt kỷ nguyên chiến tranh lạnh, đưa loài người vào giai đoạn phát triển mới. Gorbachev tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô và câu nói nổi tiếng:“Tôi đã bỏ nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”, với tôi là cứu tinh của nhân loại, cứu tinh của vợ chồng con cái tôi. Không có ông, đời chúng tôi sẽ ra sao?
Cả ông Yeltsin nữa. Yeltsin, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Liên Xô, tổng thống đầu tiên của nước Nga, người đã đặt Đảng Cộng Sản Nga ra ngoài vòng pháp luật, cấm Đảng Cộng Sản Nga hoạt động. Đấy là đất nước của Lênin, đất nước đã khai sinh ra nhà nước cộng sản đầu tiên trên toàn thế giới, là hạt nhân của mười lăm nước cộng hòa trong liên bang, là mô hình xã hội toàn thế giới nhìn vào, là nơi sản sinh ra lý luận kinh điển và đúc kết kinh nghiệm cho toàn phe Xã Hội Chủ Nghĩa và phong trào cộng sản thế giới, là chỗ dựa và là tương lai của cách mạng Việt Nam. Là những lãnh tụ của Đảng và nhà nước Xô Viết, hẳn các ông đã thấy thực chất của guồng máy cai trị mà mãi bao năm sau tôi mới biết được sự ghê tởm của nó qua tập sách dầy của nhà xuất bản Công An Nhân Dân Hà Nội: Hồ Sơ Mật Liên Xô, một tập sách mà bất kỳ ai đọc cũng kinh hoàng về tính chất siêu mafia của chính quyền xô viết.
Trong những ngày rung chuyển thế giới với những sự kiện vĩ đại, ở đất nước Việt Nam xa xôi cũng có ít nhiều dư chấn này, có hai vợ chồng một người từng tù tội, chịu mọi đắng cay của chế độ và thoi thóp sống, bỗng nhiên được tiếp thêm sức mạnh, lại bùng lên khát vọng hồi sinh, lòng náo nức đầy mơ ước như những mơ ước thời cách mạng tháng 8 năm 1945. Bao giờ Việt Nam như Liên Xô, như nước Nga. Liên Xô đất nước xa vời ơi. Có biết chăng lòng tôi đang ước mơ… Khúc hát năm 1945 tôi hát, 45 năm sau lại trở về trong óc.
Mỗi người là một phần của nhân loại, của thế giới, liên quan chặt chẽ đến nhau. Những ngày mới bị bắt tôi đã nghiền ngẫm chân lý giản đơn ấy. Nào tôi có biết Mao miếc là ai. Và hẳn cái ông Nikita Khrushchev cũng chẳng biết tôi là ai, thế nhưng chính hai ông ấy và một số ông khác đã là nguyên nhân khiến tôi và các bạn tôi cùng rất nhiều người khác bị bắt vào tù.
Và vào thời gian ông Gorbachev, rồi Yeltsin lên nắm quyền, thời gian bức tường Bá Linh sụp đổ, thời gian xẩy ra biến cố vĩ đại ấy trên thế giới, vợ chồng tôi, hai con người vô danh bé nhỏ ở nước Việt Nam châu Á xa xôi không ai biết đến này đêm đêm đóng cửa, bật cái tivi Tam Dương đen trắng 12 inch gửi tầu cá đi Hồng Kông mua về lậu thuế, bắt kênh truyền hình của lãnh sự quán Liên Xô ở Hải Phòng chăm chú theo dõi những gì đang xẩy ra trên thế giới.
Vợ chồng Ceaucescu bị xử bắn trong một doanh trại quân đội. Cờ búa liềm được thay bằng cờ ba mầu của nước Nga Sa Hoàng. Những chiếc xe tăng bao vây nhà trắng Mạc Tư Khoa, Boris Yeltsin ngồi trên xe tăng. Tượng Lênin bị cẩu xuống ở khắp nơi trên đất nước Liên Xô cũ… Thần kinh chúng tôi âm thầm tươi nở lại. Thịt da chúng tôi âm thầm tươi nở lại. Vẫn còn hy vọng sống.
Dù chẳng tin mấy vào những gì sẽ đến đối với đất nước Việt Nam thân yêu của tôi, dân tộc Việt Nam đau khổ của tôi. Nhưng hy vọng đã trở lại. Niềm tin le lói lại. Thế giới giả dối, độc ác đã sụp đổ rồi! Bầu trời bằng đá xám âm u sụp một phần rất lớn rồi! Trời xanh đã hiện ra. Không thể nào đảo ngược được nữa. Những tin tức ở Việt Nam cũng rất đáng phấn khởi. Báo Lao Động đưa tin về cuộc hội thảo của một số trí thức với cái tiêu đề ngay dưới măng sét: Nếu Đảng không tự lột xác thì sẽ bị lột xác. Nguyễn Tuân tổng kết về đặc điểm chung của văn nghệ sĩ là cái chất hèn. Và gọi nhà văn là nô tì của Đảng. Bên cạnh đó là tham luận của Bửu Tiến, của Dương Thu Hương tại đại hội nhà văn, là những truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, là Bi Kịch Nhỏ của Lê Minh Khuê, Chuyện Làng Ngày Ấy của Võ Văn Trực và đặc biệt, Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh... Tôi thấy có lẽ mình phải viết.
Có lẽ thôi chứ chưa cầm bút viết. Cho đến khi giọt nước Nguyễn Quang Thân làm tràn cốc nước. Là phó tổng biên tập tạp chí Cửa Biển, cơ quan của Hội Văn Nghệ Hải Phòng, và đang quyết tâm nâng cao chất lượng tạp chí, gặp tôi đâu là anh giục:
 – Bây giờ viết được rồi đấy. Mày viết cái gì cho Cửa Biển đi.
Sau 22 năm không viết và gần như không đọc, viết cái gì đây? Cuộc sống tả tơi quăng quật đầy đoạ, tai ương đè nặng như một trái núi trên lưng cho đến tận hôm nay, nhưng tôi chưa muốn giở ngay kho tàng ấy, cần phải có một thời gian nhìn lại, suy nghĩ đánh giá, sắp xếp lại. Tôi bảo Thân:
– Tao sẽ viết bài về Nguyên Hồng được không?
Nguyên Hồng là một đề tài nhẹ nhàng mà tôi có thể chạm đến bất kỳ lúc nào, một bài viết ngắn có thể dễ được chấp nhận in và chỉ cần vài ngày để hoàn thành. Với lại cũng để thử sức mình, và thử họ, làm quen trở lại đã. Thân rất hoan nghênh dự định của tôi:
– Hay! Bài đầu tiên khi viết trở lại là viết về Nguyên Hồng. Hay!
Nguyên Hồng, ông thánh tử vì đạo, một lương tâm văn học của chúng tôi, người thầy và người bạn vong niên có nhiều điểm tương đồng với tôi mà tôi rất thuộc có thể giúp tôi nói được về một thời đã mất và về cuộc sống hôm nay tôi đang sống. Tôi nhớ đến dáng người đậm, nước da nâu như người của đất mà Pierre Abraham, chủ nhiệm tạp chí Europe đã nói về ông trong lần gặp gỡ đầu tiên. Tôi nhớ đến những tối hè, cửa sổ nhà tôi rộng mở, vợ chồng tôi ngồi tiếp rượu ông trên sàn gác giữa nhà. Tôi nhớ đến đám tang ông mà tôi chỉ biết trên báo chí, vừa đọc vừa thầm nghĩ trong cái đám rất đông văn nghệ sĩ ở Yên Thế, miền trung du xa xôi nơi tôi đã sống những ngày kháng chiến đầu tiên, ngoài gia đình ông ra, không có ai thương xót ông như tôi, một kẻ đã là ngoài cuộc với văn chương, một thằng dân chài nghiệp dư, làm thi đua ở xí nghiệp đánh cá đã quên hẳn viết lách và thấm thía hai chữ “tiêu diệt.” Tôi lia. Kỷ niệm ập về, trĩu nặng ngòi bút. Chỉ hai ngày sau tôi đưa cho Thân, Nguyên Hồng – Thời Đã Mất, bản phác thảo đầu tiên của tập hồi ký Một Thời Để Mất sau này.
Thân rất thích bài viết, anh đánh giá nó là một bài sang trọng. Còn Chu Văn Mười, tổng biên tập, người quyết định cuối cùng, băn khoăn mãi với ba từ “Thời Đã Mất”, có ý định thay bằng ba từ “Như Tôi Biết”, Nguyên Hồng Như Tôi Biết, nhưng tôi kiên quyết không đồng ý, “nếu ông thấy ngại thì để lại cũng được, không sao cả.” Cuối cùng, có sự thuyết phục thêm của Nguyễn Quang Thân, Mười — một đại biểu quốc hội, trong suốt nhiệm kỳ 5 năm không phát biểu một câu chỉ tủm tỉm cười khi camera hướng tới, nụ cười trên khuôn mặt đầy đặn rất ăn ảnh nên gần như tối nào cũng xuất hiện trên màn ảnh nhỏ khi đài truyền hình đưa tin về những kỳ họp Quốc Hội — cái người luôn ý tứ, tính trước tính sau, cân nhắc từng cử chỉ cũng như từng chữ ấy đã nhượng bộ.
Thừa thắng xông lên, sau Nguyên Hồng - Thời Đã Mất, tôi lia hai truyện ngắn. CúnNgười Ở Cực Bên Kia. Cả hai đều được hoàn thành rất nhanh. Đó là những gì chỉ đợi tôi cầm bút là trào trên trang giấy. Khi đó đầu óc tôi còn chưa hỏng hẳn, dù bao năm bị tra tấn, bị ức chế, bị làm cho ngu đi, mụ mị đi, nhão đi. Đó là hai chuyện về tù. Một người mới bị bắt tù. Một người đi tù về. Tôi nghĩ phải đưa dần món ăn mới lạ này vào thực đơn văn chương để những người lãnh đạo văn nghệ và bạn đọc cũng như toàn xã hội chuyên ăn những món nhừ ngày này sang ngày khác suốt nửa thế kỷ đến mòn cả răng quen dần với món ăn mới có cay có chua, có đắng, tươi rói cuộc sống do tôi đưa ra và chế biến.
Cún viết về “ông lão hàng xóm” của tôi. Anh Hồng Sỹ, phó phòng chính trị Sở Công An Hải Phòng khi ông Trần Đông là chánh văn phòng. Hồng Sỹ ở sát tường nhà tôi, bị bắt trước tôi hơn nửa năm. Là người giao thiệp rộng, nhưng trước khi bị bắt anh chỉ còn một người bạn trung thành: con chó anh nuôi. Tất cả chi tiết trong Cún đều thực. Riêng đoạn cuối, để in được, Nguyễn Quang Thân đã biên tập, biến anh thành một người mất tích trong chiến tranh. Còn Người Ở Cực Bên Kia là chuyện của tôi, chuyện một học sinh giỏi nhưng lặn một hơi dài vì bị tù, đi họp hội trường, gặp lại thầy cũ bạn cũ…Thân rất thích hai truyện của tôi. Với Người Ở Cực Bên Kia, anh nói:
– Truyện này mày viết trong vô thức...
Đúng như vậy. Khi viết Người Ở Cực Bên Kia, tôi không có ý định lên án ai, tố cáo ai, mà chỉ nghĩ đến Những Số Phận Khác Nhau — tên một bộ phim Liên Xô — cùng một vạch xuất phát nhưng mỗi người một số phận, và xót thương cho một, cho những thân phận bị vùi dập. Và dù ở cương vị nào, khi gặp lại nhau họ đều là những người bạn thời đi học, họ trở lại tuổi thiếu niên. Đọc Người Ở Cực Bên Kia, các bạn học của tôi “nháo nhào cả lên” như Lê Bầu nói.
Cún in trên Cửa Biển còn Người Ở Cực Bên Kia in trên báo Văn Nghệ. Tôi và Nguyễn Quang Thân dịp ấy cùng có việc lên Hà Nội. Buổi tối trời mưa, với chiếc xe cào cào Babetta mượn được của ai đó, anh đèo tôi đến nhà Ngô Ngọc Bội, tổ trưởng tổ truyện báo Văn Nghệ. Bội ở trên tầng gác một khu chung cư.([1])
Bội đang uống rượu với mấy người con trai của anh và qua lời anh giới thiệu, tôi biết có một người làm ở cục chính trị Bộ Công An. Thức nhắm lèo tèo. Một bát một đĩa gì đó. Một bữa rượu còm.
Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một người làm văn nghệ trên trung ương. Bởi vì những gì tôi đã biết, đã quen, đã giao tiếp với các anh đều thuộc về kiếp trước. Gần một phần tư thế kỷ. Một thế hệ mới rồi. Hoặc thế hệ cũ thì cũng đã trưởng thành, đổi khác, đã nổi tiếng, đã già đi, đã trở thành những cây đa cây đề, trong khi tôi vẫn là anh lính mới tò te, lạ lẫm và rụt rè với đủ mọi thứ. Tôi không hiểu Bội có nhớ, có biết tên tôi không. Anh mời chúng tôi ngồi xuống chiếu uống rượu với bố con anh. Tôi nhấm nháp qua loa và chuyện xã giao. Nhưng chính cái xã giao ấy làm tôi lòi đuôi là người chẳng biết gì về Bội. Để tỏ ra luôn chăm chú đọc anh, tôi nhắc đến một bài anh viết về ông Xuân Diệu bình thơ ở huyện. Thân cười: “Không. Đấy là Nguyễn Bùi Vợi. Không phải Ngô Ngọc Bội.”
Chết thật. Nguyễn Bùi Vợi là người tôi đã gặp, đã quen, đã xuống nhà tôi. Thế mà tôi nhớ nhầm là Ngô Ngọc Bội. May có Nguyễn Quang Thân, chứ không tôi cứ tán về ông Nguyễn Bùi Vợi trước mặt ông Ngô Ngọc Bội thì còn ra thể thống gì.
Hết lưng lưng chén rượu, Thân ướm lời:
– Có một truyện ngắn khá lắm nhưng của Bùi Ngọc Tấn, ông có dám dùng không?
Tợp một hớp, Bội đủng đỉnh:
– Tao đếch biết thằng Tấn là thằng nào. Cứ hay là tao in.
Trả lời thế, có vẻ như Bội biết tôi hoặc còn nhớ tôi, tôi đoán vậy. Khi bị bắt tôi đã có tiếng tăm gì đâu. Cặm cụi viết được ba quyển tiểu thuyết định trình làng, một tập truyện ngắn, cái kịch bản phim... đều viết theo trường phái tụng ca và đã ký hợp đồng với nhà xuất bản và Cục Điện Ảnh thì bị tịch thu cùng với nhiều sáng tác khác. Thân tiếp tục làm nhiệm vụ cò mồi:
– Truyện này hay. Ông in thì phải đổi cho tôi hai truyện.
Thân vừa nói vừa đưa cho Bội xếp giấy đánh máy của tôi.
– Dài không đấy?
Tôi đáp:
– Mười một trang đánh máy.
– Thế thì được.
Hai tuần sau truyện được đăng nhưng bị sửa một nửa câu làm tôi hơi thất vọng: “Những điều tốt đẹp bốn mươi năm trước vừa trở lại đã bị cuộc sống hôm nay nuốt chửng mất rồi” biến thành “Những điều tốt đẹp bốn mươi năm trước vừa trở lại đã hoà vào cuộc sống hôm nay. Nhưng thôi, được đăng là tốt lắm rồi.
Đây là sáng tác đầu tiên của tôi in trong khúc đời mới.([2]) Tôi nhìn ba chữ tên tôi trên báo mà không tin được, mà hơi hoang mang: Tên mình đã từng được in như thế này. Mình đã từng là người làm văn hoá. Mình lại đang làm văn hoá. Hệt như cảm xúc của anh tù Nguyễn Văn Tuấn số tù CR 880 nhìn thấy quyển Người Gác Đèn Biển hôm được ra trại mà tôi đã viết trong Chuyện Kể Năm 2000.
Tôi không biết truyện của mình được in.
Thân bảo mới biết. Thân đến tận nhà báo tin. Anh đến cùng Ngô Tự Lập, một anh lính hải quân trẻ măng và tờ Văn Nghệ trong tay.([3]) Thân giảng giải:
– Thông thường truyện ngắn báo Văn Nghệ được chuẩn bị trước bốn số. Truyện mày gửi lên in ngay thế này là vì truyện hay đấy.
Ngô Tự Lập cũng chúc mừng tôi.
Tôi không biết truyện của tôi hay dở thế nào. Bán tín bán nghi. Có thể chỉ là lời động viên của Thân. Khi mới cầm bút trở lại, tôi không biết mình đang làm gì, những trang viết của mình chất lượng ra sao. Bởi hai lẽ:
1– Tôi rất ít đọc. Hay gần như không đọc. Không phải vì lười mà vì sách nhạt, giả, công thức; vì đã biết trước điều người viết định nói với mình. Cái mặt bằng chung ấy dù không đọc tôi cũng biết rất rõ.
2– Trước những gì tôi đã sống, đã chứng kiến, đã trải, đã nghe kể lại, đã chiêm nghiệm, những điều tôi viết ra chẳng có mấy ý nghĩa, chàng màng quá, hời hợt quá, nông cạn quá.
Cho nên khi viết được hai chục trang đầu quyển tiểu thuyết Mộng Du mà sau này đổi tên là Chuyện Kể Năm 2000, tôi rụt rè đưa cho Thân đọc? Hải Phòng khi đó tôi chỉ có mỗi Nguyễn Quang Thân. Nguyên Bình, người bạn thân nhất của tôi đã chuyển về Hà Nội. Cái tâm huyết của Thân làm tôi tin anh. Khi đưa anh, mới chỉ là những dòng lia, nhớ đến đâu lia đến đấy. Nhân vật còn chưa có tên chính thức.
Đưa Thân chiều hôm trước, sáng hôm sau tôi đạp xe tới Hội Văn Nghệ Hải Phòng tìm anh. Hồi hộp vì không biết anh đánh giá nó ra sao? Đưa trả tôi xếp giấy viết tay, Thân nói với tôi một câu tôi không hề chờ đợi, một câu không ngờ tới:
– Cái này của toàn nhân loại mày ạ. Tên sách Mộng Du được. Vừa phải. Không gay gắt lắm. Gợi.
Phấn khởi. Rất phấn khởi. Nhưng khó tin. Chỉ tôi mới hiểu nó vẫn còn chàng màng so với những gì tôi đã trải. Nhưng thôi. Cứ viết. Khởi đầu như vậy là tốt. Cứ viết. Viết và sửa. Cố gắng viết ra những điều mình nghĩ. Cố gắng làm một cái gì đó của toàn nhân loại, cần thiết cho nhân loại. Đến lúc ấy tôi mới đặt tên chính thức cho nhân vật. Sau này khi sách đã in, Đoàn Thị Lam Luyến bảo tôi:
– Anh đặt tên hay. Ngọc rồi Phượng. Nguyệt, Thương, Giang, già Đô, Lỷ Xìn Cắm, Voòng Kỷ Mình... Thế mà nhân vật chính lại có cái tên chán quá. Tuấn. Tuấn là cái tên nhạt nhẽo chẳng nói được gì. Tuấn rồi Hùng là những tên chung chung nhất. Mòn nhất.
Tôi đã suy nghĩ về cái tên Tuấn ngay khi mới viết. Tôi biết đó là một cái tên thiếu cá tính. Xin lỗi những nhà văn có tên Tuấn, như Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn... Ở đây tôi chưa nói đến tên kép, đến họ và chữ đệm. Cái tên Tuấn của tôi không có cá tính khi đi sau hai chữ Nguyễn Văn. Nguyễn Văn Tuấn. Đúng là cái tên chẳng nói được điều gì đặc biệt. Một cái tên chỉ ra rằng người mang nó là một loại trung bình chân chất, bình thường như ngàn vạn người bình thường khác. Lại càng chân phương khi là tên một người viết văn. Giống thứ nhà văn Nga mang tên Ivan Ivanovich vậy. Vâng, chủ bụng của tôi là thế. Đây là số phận của một người bình thường hiền lành chân phương, bình thường hiền lành chân phương ngay từ cả cái tên.
Khi đặt tên nhân vật tôi có hỏi Lê Bầu về tên những người tù dân tộc thiểu số như thế nào nếu chuyển sang âm Hán Việt. Hiểu đây là chuyện nghiêm túc, Bầu lắc đầu: “Phải nhìn chữ viết. Nghe phát âm không xác định được đâu.” Vẻ vui tếu vẫn có của anh khi đọc những tên nước ngoài theo âm Hán Việt mọi khi không còn nữa. Anh đâu biết tôi hỏi anh cũng chỉ là để hiện thực hoá một mơ ước khi còn ở trong tù: Bao giờ được ra tù phải hỏi Lê Bầu về những tên này. Và nghĩ đến những ngày chưa bị bắt, bạn bè quây quần, cùng nhau nghe Bầu đọc tên danh nhân châu Âu, châu Mỹ viết bằng chữ Trung quốc theo âm Hán Việt để rồi cùng nhau cười lớn: Tây-môn-nhược-phu là Simonov, Lý Ninh là Lenin, Hugo là Vũ Quả, đích thị ông này có họ với Vũ Lê Mai. Người có cái tên đầy chất kiếm hiệp chúng tôi thích nhất là Fidel Castro: Phi-đắc-nhĩ-kha-tư-đặc-la. Có lúc lại thay từ cuối la thành lạc vì Bầu vẫn còn ngờ ngợ. Phi-đắc-nhĩ-kha-tư-đặc-lạc.
Ôi! Những cái tên! Những cái tên tôi đã gọi và gọi thầm bao lần trong các nhà tù. Những cái tên làm quên giây lát thân phận mình, kiếp tù tội của mình. Bởi vì tôi có thể nghĩ về những cái tên ấy, tự chuyển sang âm Hán Việt. Cho dù đúng hay không đúng. Và mơ mộng tới khi ra tù sẽ hỏi Lê Bầu xem mình chuyển thế có đúng không...Voòng Sình Hắm là Hoàng Thanh Khâm — và nghĩ như vậy nhà văn Lê Khâm hẳn sẽ có tên Lê Hắm thật chẳng hay chút nào. Tằng Sình Quay là Trương Thanh Quý, Voòng Kỷ Mình có vẻ như Hoàng Khải Minh. Hơi ngờ ngợ một chút, không hiểu Kỷ có phải là Khải không? Hồ Quây Thềnh đích thị là Hồ Quý Thành rồi. Nhưng Ngàn Phăn Mằn thì biết chuyển thế nào nhỉ? — Nghĩ và cười một mình. Thật thú vị khi đang ngồi lê nhổ cỏ ở vườn ngoài hay vượt lên dốc khi qua suối, trên vai nặng trĩu gánh phân nhà bò lại có những đề tài “văn hoá” như vậy mà thả tâm hồn! Thật đúng là thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao. Chẳng ai có thể bỏ tù được tư tưởng.
Tôi đã lắp tên người này vào họ người kia cho những nhân vật người dân tộc. Việc đặt tên quả không đơn giản. Nó phải gợi cho mình những nguyên mẫu, gợi những điều mình định viết, từ vẻ mặt, kiểu nói, cách đi, cách tạt, cách chia cơm...
Khi bắt đầu cày tôi mới biết mình quên rất nhiều. Chẳng bao giờ nghĩ sẽ có lúc ngồi viết chuyện tù để sống mà nhớ lấy như tên một tập tiểu thuyết Nga hay sống để kể lại như tên tập hồi ký của G. Marquez mà Dương Phương Vinh dùng làm tựa cho một bài phỏng vấn tôi sau này. Dù khi còn trong tù không biết bao lần tôi nghĩ đến lúc ngồi viết lại những chuyện ấy. Những chuyện như thế này mà viết thì... Đấy là một thứ phản ứng bản năng, một sự tự lừa mình để có thể vượt qua được đớn đau căm uất mà sống. Là thứ tự huyễn hoặc mình, là cái phao để bám lấy, để nổi lên hớp chút ít không khí mà thở. Nghĩ rằng sẽ có lúc mình ngồi viết lại những chuyện mình đang sống để vượt qua tuyệt vọng, mặc dù vừa nghĩ xong đã lại cười chua chát, tự bảo: Đừng tự đánh lừa. Đến lúc được như vậy thì mày đã mục xương rồi. Và ngay lúc đó lại tự tranh cãi: Cứ mơ ước. Không ai cấm được mày mơ ước. Người ta có thể bắt mày vào xà lim, bắt mày làm khổ sai, người ta có thể huy động cả một guồng máy chuyên chính để đè bẹp mày, nghiền nát mày. Nhưng không ai có thể cấm được mày suy nghĩ, cấm được mày mơ ước. Nghĩ vậy. Mơ ước vậy chứ cái ý thức thường trực, cái việc làm vô thức của nhà văn là quan sát và ghi nhớ thì gần như đã tê liệt, không còn nữa.
Chỉ đơn giản là chịu đòn. Chịu tra tấn. Không một cái đá, cái tát nhưng chính là tra tấn. Chỉ là tồn tại như một con vật, thậm chí không bằng một con vật. Và làm thế nào để tồn tại, để vượt qua. Khi được tự do, vấn đề tồn tại càng gay gắt. Có bao giờ dám lãng mạn cách mạng nghĩ rằng mình lại được viết. Dù viết ngợi ca! Mạc Lân đấy, Lê Bầu đấy. Viết văn tụng ca, viết văn tổ đội cũng phải đổi tên. Lân lấy giọng một ai đó vô hình: “Chúng tao có đủ, có thừa những thằng viết nịnh hót, ca ngợi chúng tao rồi. Không dùng đến cái loại chúng mày” Nghe chua chát nhưng đúng thế thật. Trong thời buổi gạo châu củi quế, mạch, bo bo không có mà ăn, đội ngũ văn chương tổ đội gạt đi không hết.
Nữa là viết chuyện tù.
B.N.T.
([1]) Những khu chung cư mới của thủ đô đang phát triển này tôi không nhớ được tên và cứ lẫn lộn suốt.
(2) Bài Nguyên Hồng - Thời Đã Mất viết trước nhưng Cửa Biển là tạp chí ra hai tháng một kỳ nên chưa đăng.  
(3) Rất vui là gần đây tìm lại tờ Văn Nghệ ấy, thấy minh hoạ của Đặng Xuân Hoà. Vậy là tôi và Đặng Xuân Hoà rất có duyên với nhau. Anh là người minh hoạ truyện ngắn đầu tiên của tôi khi tôi viết trở lại, anh cũng là người đầu tiên vẽ chân dung tôi mười năm sau, khi Chuyện Kể Năm 2000 ra đời, mở đầu việc vẽ chân dung tôi của một số hoạ  sĩ.

(Xem tiếp kỳ sau)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét