Nhãn

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

"Thuyền nghiêng" của Dương Thị Nhụn và nhân vật điển hình...

"Thuyền nghiêng"của Dương Thị Nhụn và nhân vật điển hình

            Tham luận gửi BTC cuộc tọa đàm tiểu thuyết Thuyền nghiêng* của nữ tác giả Dương Thị Nhụn do Hội Nhà văn Hải Phòng tổ chức ngày 2 tháng 8 năm 2012

                     Đặng Văn Sinh
           Thuyền nghiêng có một nhân vật rất đáng chú ý là Hãn. Cùng với Hãn còn có Vớ. Cặp nam nữ này chỉ là công dân hạng hai của làng Đông Phong, nhưng chính họ đã góp phần không nhỏ làm nên sự thành công của tác phẩm.
            So với Vớ, Hãn là nhân vật có cá tính hơn nhiều, được tác giả xây dựng như là mẫu người có thân phận chìm nổi, nhưng bằng nghị lực của mình, vượt lên trên nỗi bất hạnh, khẳng định quyền được sống đúng với nghĩa con người của mình. Từ đứa trẻ mồ côi, sống hoang dã, thiếu giáo dục, gây bao tai tiếng ở làng Đông Phong, Hãn trở thành một phụ nữ từng trải, đầy bản lĩnh, đi vào tiểu thuyết như là nhân vật điển hình, làm người đọc không khỏi ngạc nhiên trước cách xử lý nhiều tình huống gay cấn khá chắc tay của tác giả.
Đây cũng chính là sự khác biệt căn bản đối với phần lớn tiểu thuyết xuất hiện trong những năm gần đây, bởi tác giả dám đột phá vào một địa hạt được xem như là "cấm kỵ" hay ít nhất người ta cũng lờ đi bởi những lý do được gọi là "nhạy cảm". Xét về mối tương quan nhân vật trong kết cấu tổng thể tác phẩm, người đọc có thể thấy Hãn cùng với Vớ là đối trọng với nhóm Vấn, Tấn, Húng, Thìn, Hình,... Trong số những "lão trượng" rất bảo thủ này chỉ có Hoàng Văn Tấn có cái nhìn tương đối thiện cảm với Hãn nhưng không thể bảo vệ được người phụ nữ đầy tai tiếng này bởi chính ông cũng là một phế nhân vì đầu óc từ lâu đã bị chất độc da cam gậm nhấm, ít khi làm chủ đượchành vi của mình.
Hãn xuất hiện trong "Thuyền nghiêng" với tần suất khá cao. Mạch truyện phát triển theo trình tự thời gian tuyến tính kết hợp với thủ pháp hồi tưởng bằng ngôn ngữ của loại truyện kể dân gian tạo nên những trường đoạn hấp dẫn.
Viết về nhân vật Hãn, tác giả hay dùng phương pháp thời gian gián cách. Các chi tiết quan trọng thường xen kẽ vào những  hoạt động của sự việc khác, nhân vật khác nhưng không rời rạc, trái lại còn tạo sự cuốn hút nhất định làm người đọc không thể dừng lại giữa chừng. Điển hình là một đoạn kể về thân phận của Hãn (từ trang 44 đến trang 62). Bắt đầu là cảnh người phụ nữ có mang chèo đò đến bến sông làng Đông Phong từ mấy chục năm trước, sinh hạ một bé gái được ông Sáo dùng liềm cắt rốn. Sản phụ bị băng huyết, rất cần sự giúp đỡ của đồng loại nhưng tất cả đều ngoảnh mặt làm ngơ, đến khi được đưa lên bệnh viện huyện thì người phụ nữ bất hạnh đã qua đời vì mất quá nhiều máu. Một cái chết bi thảm đáng lẽ có thể tránh được nếu người làng Đông Phong không vô cảm. Mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm làm người đọc vừa thương cảm vừa phẫn nộ. Đó là hình ảnh đứa trẻ sơ sinh chưa được nửa giờ đã phải đội khăn tang và dân làng quyết tâm "bảo vệ thuần phong mỹ tục", không cấp đất an táng người quá cố :"Người ta đội cho nó một chiếc khăn tang trắng toát. Bà Sáo cầm tay đứa bé xoa nhẹ lên mặt, lên khắp người phụ nữ. Đứa bé đang ngủ trong chiếc chăn dạ cũ bỗng bừng tỉnh. Mắt nó mở thao láo nhìn quanh quất. Rồi nó khóc thét lên. Âm thanh phát ra không phải từ một đứa trẻ sơ sinh mà như của một người đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời. Chiếc khăn tang buộc không chặt cái đầu non nớt cứ chuồi ra ngoài..."( trang 55).
Cách miêu tả tâm lý của tác giả cũng khá sắc nét, nhất là đoạn Hãn bị lừa ngủ với người đàn ông lạ. Từ một đứa bé gái hoang dã đễn cô gái dậy thì, diễn biến tâm lý của Hãn rất phức tạp nhưng  lại phát triển theo một trình tự hợp lý không thể phủ nhận. Một mặt Hãn sợ "có thai" như cô Hoa từng nói, nhưng mặt khác cô lại thích thú với sự đụng chạm xác thịt, thậm chí còn lưu giữ trong ký ức như là một cuộc làm tình đầu đời đầy cuồng nhiệt. Yếu tố đạo đức giả ở đây được gỡ bỏ ngay từ đầu, chứng tỏ người viết có bản lĩnh, luôn điều khiển ngòi bút đẩy hoàn cảnh và tính cách nhân vật phát triển đến tận cùng để gia tăng hiệu ứng thẩm mỹ.
Ngoài sự gián cách về thời gian, tác giả "Thuyền nghiêng" còn sử dụng thủ pháp "khoảng lặng" khá dài trong cuộc đời của Hãn, để rồi sau đó dùng hồi tưởng "lấp chỗ trống" sau khi cô ta đã về làng  xây ngôi nhà chóp Thái như là sự "trả thù" thiên hạ. Hiển nhiên, trước con mắt người Đông Phong, Hãn là một phụ nữ lăng loàn. Cô đẹp, thậm chí rất đẹp nhưng phẩm cách thì chỉ là đồ bỏ đi với những nguyên nhân  rất khó phản bác:
- Hãn là một con "yêu tinh" có sắc đẹp ma quái, có sức hấp dẫn cực lớn với đàn ông khiến cánh đàn bà và lớp người già ghen ghét.
- Lai lịch không rõ ràng, chỉ là dân ngụ cư mà lại không tuân thủ lề lối, hủ tục của làng nên bị cộng đồng tẩy chay.
- Có nhà cao cửa rộng hơn hẳn dân làng Đông Phong, sống tự lập, không phụ thuộc vào người khác nên cũng bị người làng ghen tức.
Đó cũng là lý do khiến Hãn không lấy được chồng mà chỉ như một ca ve để bọn đàn ông ham hố đêm hôm mò đến tán tỉnh khi mà các bà vợ làng Đông chân lấm tay bùn, quá date, đã biến thành những "mẹ mướp. Trong số những con đực ấy, không loại trừ cả lão Hình (mà sau này mới biết chính là bố đẻ Hãn) cũng thường xuyên mò đến nhưng luôn bị Hãn cự tuyệt.
Đến đây thì người đọc sẽ không thấy ngạc nhiên khi Hãn tìm mọi cách giăng lưới "bắt" cho được anh chàng Vớ dở người. Cuộc tình của Hãn với Vớ tuy là mối quan hệ luyến ái của những "công dân hạng hai", nhưng lại có ý nghĩa như là sự thách đố công khai, chẳng những đánh thẳng vào những hủ tục lạc hậu vốn đã lưu cữu lâu đời ở làng Đông Phong, mà còn có khả năng cải tạo nhân cách Vớ, một gã tay sai của lão Hình, chuyên làm hại người khác kiếm miếng ăn chẳng khác gì anh chàng Chí Phèo thời hiện đại.
Kết cấu tác phẩm và sự dàn dựng nhân vật cùng những hoạt động trong mối tương quan hữu cơ giữa các nhân vật cho thấy, tác giả có cách nhìn mới trong quá trình xử lý tình huống truyện. Vấn đề này có liên quan đến phương pháp sáng tác. Đó là, dù cho bố cục tiểu thuyết, hình thức diễn ngôn vẫn còn mang dấu ấn của phương pháp cổ điển, nhưng cách phản ánh hiện thực, và quan điểm thẩm mỹ trong quá trình xây dựng nhân vật điển hình đã có sự thay đổi về chất. Các nhân vật Tấn, Vấn, Hình, Thìn và nhất là Hãn không còn nhợt nhạt, xuôi chiều như những cái loa phát ngôn cho thứ đạo đức giả hoặc tư tưởng giáo điều rất xa lạ với cuộc sống hiện thực. Cũng như Vấn, Tố, Tấn, Hãn là một điển hình sinh động, diễn biến mạch truyện phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý, đạo đức, văn hóa của cuộc sống muôn hình muôn vẻ thời hiện đại như là một thân phận, được bạn đọc dễ dàng chấp nhận.
Không quá sớm, nhưng cũng không phải quá muộn, Nhân vật Hãn đi vào tiểu thuyết đương đại như là một thân phận với khát vọng làm người, khát vọng sống lương thiện, khát vọng yêu đương như bất cứ người phụ nữ bình thường nào trong một xã hội vẫn còn vô số điều bất cập, trong đó vấn đề văn hóa, đạo đức, giáo dục đang xuống cấp là hồi chuông cảnh báo cho những nhà quản lý quốc gia. Vì thế, Hãn còn được nhìn nhận như một điển hình văn học đối nghịch với những "điển hình" được nhào nặn từ hệ ý thức duy ý chí bởi công nghệ tô hồng đã được sử dụng trong tiểu thuyết Việt Nam gần bảy mươi năm qua.

                                                       Chí Linh, 27/7/2012
                                                                Đ.V.S



* Tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn, NXB QĐND, năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét