Nhãn

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

"Thân Việt Nam trước đã"

“Thân Việt Nam trước đã!”

Hạ Đình Nguyên

B
áo Hoàn Cầu Trung Quốc đe dọa Việt Nam: “Việt Nam sẽ rất đau đớn nếu thân Mỹ”. Thật ra, phải hiểu rằng đó là một thông điệp rõ ràng của chính Bắc Kinh, là một câu nói thẳng vào mặt, đầy nộ khí: Việt Nam! Theo ai? Theo Mỹ để bao vây Trung Quốc, hay theo Trung Quốc, với tư cách là thằng đàn em, để chống Mỹ?
Tấm màn màu mè đầy giả dối 16 chữ vàng và 4 tốt, Bắc Kinh đã xé toạc và quăng xuống sân khấu. Ánh sáng sự thật tràn ngập. Tuy không ngoài dự kiến, nhưng Việt Nam không tránh khỏi bối rối trước sự trắng trợn này. Lịch sử Việt Nam không hề u mê để các lãnh đạo không biết bộ mặt thật của chúng, mà ngược lại, biết sâu sắc thấu suốt bằng nhiều xương máu của bao thế hệ. Nhưng vì đâu mà tấm màn giả dối kia cứ phơ phất che mắt người dân suốt 20 năm nay? Không phải đã không có những tiếng thét lên và kêu gào của những bậc sĩ phu đích thực và kể cả của người dân ở đường phố. Nhưng tất cả đều bị ém lại, bị triệt hạ, đôi khi bị lăng nhục và miệt thị không tiếc lời bởi một số quan chức Việt Nam. Thậm chí, những chiến sĩ, những người con của đất nước, đã chiến đấu và hy sinh cho Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam đã không được làm lễ tưởng niệm công khai, cả các bia đá cũng bị đục bỏ và lặng lẽ khiêng đi.

Chẳng qua, vì phải nín nhịn, và bận làm các lễ nghi về tấm màn nhung kia, với ảo tưởng cầu mong cái giả trở thành cái thật. Ảo ảnh tất phải tan vỡ, nhưng vì sao?
Phải chăng là do đường lối ngoại giao có tính du kích không còn phù hợp thời đại, mang nặng vết tích bí mật của thời chiến tranh, trên nền của một thể thế không minh bạch và thiếu dân chủ? Nhưng, trong thời đại này, một đứa trẻ dám cất lên tiếng nói đích thực của mình, người lớn cũng không dám ăn hiếp, nói chi đến một quốc gia đã độc lập! Những đảo quốc nhỏ bé gấp nhiều lần Việt Nam, họ vẫn cất lên tiếng nói dõng dạc, đường hoàng, chẳng ai dám làm gì. Một Hun Sen dám hành động theo ý mình, vì quyền lợi của đất nước nhỏ bé và không có vai trò gì lớn, đã công khai lắc đầu với Việt Nam và ASEAN để bắt tay với Bắc Kinh. Ở Việt Nam, một thời gian dài sau Lê Duẩn, Nguyễn Cơ Thạch, không có bản lĩnh nào so sánh, để không dám có cái lắc đầu công khai như thế với Bắc Kinh, mà chỉ có cái bắt bằng hai tay dư mức trịnh trọng. Việt Nam, vì đâu bỗng dưng thiếu tự tin, vì đâu lại mang đầy mặc cảm, khi đứng trên nền một lịch sử đã hàng ngàn năm chiến đấu oanh liệt và tồn tại? Ngọn cờ độc lập, tự do, kiên cường, bất khuất cuốn giấu ở đâu, để thay bằng một nụ cười cầu hòa vô nghĩa lý trước cái trừng mắt của kẻ thù? Thế mới biết giá trị về khí phách lẫm liệt của ông cha xưa. Dù nước nhò, dân ít, tướng Lý Thường Kiệt vẫn tự tin, dõng dạc đưa tuyên ngôn cho phương Bắc biết: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư.” không một dáng dấp e dè sợ sệt.
Nguyên thủ của một Quốc gia thì phải nói đúng tiếng nói của Quốc gia, chứ không nói quanh quẹo ngoại giao cầu cạnh, theo kiểu mềm dẻo mà bạc nhược. Không khí ngoại giao bạc nhược bao trùm các cấp, đến ni ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, là người có học, từng phụ trách giáo dục đại học, là hình ảnh của trí thức, cũng dịu dàng, nhẫn nhục vuốt ve tấm màn nhung 16 chữ. Người dân, trí thức, thanh niên trong cả đất nước đang nghĩ gì về những động thái khệ nệ ấy, khi mà tấm màn nhung đó bị đối phương xé toạc?
Vì lý do nào mà nhà nước Việt Nam kiên nhẫn và chịu nhục công khai như thế? Vì muốn hòa bình, và vì sự tồn vong của cái gì?
- Vì chủ nghĩa xã hội? Điều này không do một hoàn cảnh nào bắt buộc cả, bất kể từ đâu, kể cả Bắc Kinh, mà chỉ do thuần tưởng tượng ra thôi, nên không phải là lý do đáng để bàn cãi, quá lắm chủ nghĩa xã hội chỉ là cái áo để Đảng mặc trước dân chúng.
- Vì Tổ quốc Việt Nam? Thì hẳn từ lâu đã không hành xử như thế. Vì Tổ quốc thì không thể nín chịu và giấu giếm, không cho dân chúng biết khi để mất lãnh thổ phía Bắc, mất đảo, mất biển, không để đục văn bia, không cho dời cột mốc biên giới, không thể âm thầm cấm làm lễ tưởng niệm cho những chiến sĩ ngã xuống vì đã chiến đấu chống xâm lược Bắc Kinh, không triệt hạ đàn áp biểu tình chống xâm lược, không để kẻ thù xâm thực bằng sức mạnh mềm vào khắp đất nước, không bóp nghẹt tiếng nói dân chủ, không mộng mị những khẩu hiệu suông “dân giàu nước mạnh” mà không thể hiện qua một thể chế xã hội công dân…
- Vì Đảng Cộng sản Việt Nam? Rõ là vì thế! Chính trong NQ 4, ông Tổng Bí thư đã khẳng định và lo lắng: “Vì sự tồn vong của Đảng”, tất cả còn lại không được nhắc tới vì là thứ yếu. NQ4 còn khẳng định cụ thể: “Không tam quyền phân lập”, đất đai của toàn dân thì do “nhà nước thống nhất quản lý” như cũ. Vì Đảng là tinh hoa của nhân dân, là cốt lõi của chủ nghĩa xã hội? Vì yêu chủ nghĩa xã hội là yêu Nước? Do đó, Đảng là biểu trưng cao cả nhất, là trên hết; Đảng là Tổ Quốc, mà Tổ Quốc chỉ là từ ngữ trừu tượng, là cái bóng mờ theo sau Đảng, chỉ khi cần thì Đảng sẽ nhân danh. Vì nữa, Đảng lãnh đạo toàn diện!
Đó là não trạng và tư duy chính thống của bộ máy lãnh đạo hiện nay? Thế nhưng Đảng đang đau đầu, có lẽ rất đau đầu, vì buộc phải chọn lựa thái độ trước câu hỏi dứt khoát không hề lịch sự của Bắc Kinh: Thân ai? Cũng không chỉ là lời đe dọa suông, mà kèm theo hàng loạt hành vi khiêu khích ở biển, đảo.
Một lần nữa, trước thời điểm cam go của lịch sử, các lãnh đạo Việt Nam không ai lên tiếng bày tỏ lập trường, thái độ để dân chúng hiểu, mà tuyệt đối im lặng, giữ bí mật, lại có những biểu hiện ngược. Các đoàn thể quần chúng do Đảng lãnh đạo cùng im phăng phắc. Mọi việc để Đảng lo! Đồng thời các biện pháp trấn áp sự bày tỏ thái độ của người dân được triển khai đều khắp, từ nhẹ nhàng đến thô bạo. Dân chúng hoang mang về thái độ của lãnh đạo trước sự đe dọa chiến tranh của Bắc Kinh, nhưng sự phản ứng của người dân về số phận đất nước là quyền thiêng liêng, không một tổ chức nào, nhân danh bất cứ lý do nào lại có quyền ngăn cản! Đặc biệt, không thể dùng luận điệu quá vu vơ, nông nổi và tầm thường để vu khống, chụp mũ, miệt thị, cũng như thực hiện những hành vi tồi tệ đối với những người biểu tình bày tỏ thái độ bảo vệ đất nước. Một hành vi cao cả đáng tôn trọng, đáng khuyến khích, đáng nuôi dưỡng lại được đáp ứng theo cách đối lập hằn học một cách đáng tiếc.
Tai họa chiến tranh xâm lược của Bắc Kinh không phải là chuyện hoang đường. Hàng vạn thanh niên chiến đấu và hy sinh ở biên giới phía Bắc, hàng vạn hy sinh ở biên giới phía Nam, đều là con em của nhân dân, không nhập khẩu từ một sự hiến tặng nào, và nỗi đau hãy còn đó. Biển và đảo còn đang bị chiếm đóng, ngư dân hằng ngày đang bị hành hạ, trấn lột, tiếng gào thét xung phong của bọn xâm lược đang vang vọng trên các diễn đàn và biển cả. Thế mà tuần qua, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội còn ra thông cáo quy tội người biểu tình chống Bắc Kinh là “chia rẽ quan hệ Việt-Trung”. Chia này là rẻ, hay quá đắt? Thân ai, có lẽ là bí mật quốc gia mà nhà nước muốn giấu kín?
Một người dân Việt Nam viết trên mạng, ông Thái Văn Cầu (nhà khoa học không gian, hiện đang làm việc tại California, Mỹ), thật nhẹ nhàng khiêm tốn đã kêu gọi: “Nhà Nước Việt Nam nên thân Việt Nam trước đã!. Tuy nghe có lạ tai, nhưng chính xác đến độ xé lòng. Hãy lật lại hồ sơ của hai mươi năm qua, của một năm qua, thì khắc biết mối quan hệ hữu nghị ấy với Bắc Kinh đã nhào trộn trong đó các hành vi nham hiểm tham lam và tráo trở cỡ nào!
Bộ đội Hải quân ta đã chửi thề vào mặt bọn Tàu lấn chiếm ở Biển Đông, dù không tác dụng gì, nhưng đã làm dân chúng hả dạ biết bao về thái độ dứt khoát của các chiến sĩ, làm vơi đi ít nhiều bực bội do những lời lẽ ỡm ờ của các quan chức miệt thị người biểu tình, lại vô cùng lịch sự với 16 chữ vàng. Người dân và chiến sĩ không cần lịch sự gì với chúng. Lâu nay chúng vẫn một thái độ hồ đồ, đe dọa, hống hách, mắng mỏ ta trên các phương tiện truyền thông; lại xua hàng bầy tàu vào múa may ở Biển Đông, thoạt nhìn như đội tàu của Tào Tháo ở trận Xích Bích. Rồi sẽ có ngọn Đông Phong chờ chúng .
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thúc giục: “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào!”. Lúc nào cũng có Đồng Bào bên cạnh Chiến Sĩ, đó là thành phần đại chúng khắng khít, chấp nhận chiến đấu, chấp nhận hy sinh. Đồng bào ta cũng đang chửi thề vào bọn bành trướng ở khắp mọi nơi trên đất nước, trong hang cùng ngỏ hẻm, từ đồng ruộng đến phố phường.
Dân căm tức, xuống đường trong trật tự ôn hòa, để lịch sự nói với chúng rằng, dân là chủ, chúng không thể lũng đoạn được nhân dân đâu. Thế mà lãnh đạo đó đây không ủng hộ, lại triển khai các loại đội hình trấn áp, bao vây, xé nhỏ, lôi kéo, bóp cổ, đạp vào mặt để sỉ nhục, và các hình thức khủng bố tinh thần khác… Tham gia vào đội hình này lại có những màu áo khác nhau của vài đoàn thể quần chúng. Đưa Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Lực lượng Thanh niên Xung phong, các tổ chức Thanh niên Dân phòng… vào tham gia đối phó, ngăn chận, đàn áp những người biểu tình là cách làm tự sát, là khiến người dân nghĩ ngay đến tổ chức Hồng Vệ Binh, vốn là thủ đoạn đầy tội ác của Mao Trạch Đông nhằm gây nhiễu nhương, tao loạn trong nội bộ nhân dân, là vô tình (?) có thể tạo nên bộ phận thanh niên lạc hướng, cản trở tinh thần yêu nước chống ngoại xâm (mà hiện tại chúng đã xâm chiếm một phần lãnh hải và đang đe dọa chiến tranh). Rồi sau đó, thân phận của Hồng Vệ Binh này sẽ hẩm hiu và trở thành bi kịch như thế nào, sau khi bị sử dụng, có lẽ nhiều người đã biết.
Ông Nguyễn Thế Thảo, tuy không vô danh nhưng dân trong nước vẫn ít biết ông là ai, bỗng chốc nổi tiếng. Nổi tiếng vì những điều nói ra quá tầm thường, và tầm thường đến mức phải nổi tiếng! Không thể có một cách nói sáng tạo nào khác, thông minh hơn, hợp lòng dân hơn, mà có đạo lý hơn, để nói lên được tầm nhìn của người lãnh đạo cao hơn tầm của một sai nha? Chỉ toàn bộc lộ một thái độ miệt thị, phản ảnh một tư duy coi thường dân chúng. Dân Thủ đô đã từng bị chì chiết, bị bôi nhọ như thế: làm mất trật tự, bị lợi dụng, bị giật dây, nghe theo kẻ xấu, kẻ cơ hội, thế lực thù địch… Đối thoại và tiếp xúc với nhân dân thì giao cho bộ máy cảnh sát và công an đảm nhiệm, đáng lẽ các bộ phận chức năng khác phải làm, thì lẩn tránh, núp kín trong những tấm màn bảo hiểm! Nhưng chắc chắn một điều, nhân dân không bị Bắc Kinh giật dây, sai khiến, lũng đoạn, tiếp tay hay bị mua chuộc bởi bất cứ hình thức nào, dù tinh hay thô, lớn hay nhỏ. Một điều “nhạy cảm” lớn hơn là họ không “sợ hãi” Bắc Kinh. Đối với dân, sự sợ này không bằng sợ mất nước, sợ thì cái gì “quý hơn độc lập, tự do” đây?
Một câu hỏi lớn và cấp bách đang đặt ra mà nhân dân đều quan tâm: Đi theo hướng nào, thân ai để Việt Nam phát huy được sức mạnh dân tộc, giữ được độc lập, bảo vệ được giang sơn?
Thân ai? Bắc Kinh? Bắc Triều? Hay Mỹ, Nga và tất cả các quốc gia không thù địch trên toàn thế giới? Câu trả lời chắc chắn nhất, luôn luôn đúng, là “thân Việt Nam” trước hết. Thân Việt Nam là thân với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tin tưởng nhân dân như đã từng thể hiện qua các cuộc kháng chiến thành công, là thương yêu chính đồng bào ruột thịt của mình, đã từng đồng cam cọng khổ qua các cuốc chiến tranh, đó là đông đảo những người dân bình thường, hay nông dân trên đồng ruộng họ đã làm nên tất cả. Người xưa nói “Thân dân – minh triết”. Có thân với dân – tức nhân ái, dân chủ, nhân bản – thì mới có tầm suy nghĩ sáng suốt, mới có chính sách phù hợp, có đường lối công khai, có thái độ đối xử minh bạch, mới có sức mạnh của nhân dân, mới chống được ngoại xâm. Đó là minh triết. Câu nói của nhà tư tưởng lớn thời cổ đại, Mạnh Tử, mà nhân dân Trung Quốc từng biết, từng tôn vinh là một bậc Thầy, Việt Nam cũng từng biết, mà Trung Quốc thời Cộng sản đã từng vùi lấp xuống bùn đen, bỗng hiện lên chói sáng như một tấm gương để tự soi mình: “Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh”. Câu nói tuy đã cũ, nhưng vẫn rất mới cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang có trọng trách với quốc gia. Lấy dân làm gốc, lấy xã hội làm trọng, lấy năng lực của mình phụng sự xã hội. Đằng này, bọn lãnh đạo Bắc Kinh, và những kẻ chịu ảnh hưởng chúng, coi dân như bị thịt, coi xã hội như sòng bài, coi tổ chức nhà nước là cuộc đỏ đen với nhau, lại tự cho mình có danh giá ở trên cao.
Hãy nhanh chóng quay lại thực hiện chính sách “Thân Việt Nam trước đã” và cũng là mãi mãi, để thể hiện các khẩu hiệu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh qua các chính sách cụ thể mà người dân có thể sờ tay vào được, thay vì mãi nói ba hoa mà tưởng rằng dân nghe theo. Để củng cố, chấn chỉnh về “suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống” như NQ 4 đề ra, thì trở về với lòng yêu nước trong sáng, không kèm theo món hàng ế xã hội chủ nghĩa, xây dựng thể chế dân chủ như Hiến pháp khẳng định, mà ở đó mọi tiếng nói của người dân được tôn trọng và lắng nghe, hình thành một xã hội công dân thật sự, mà ở đó mọi người dân đều có thể đóng góp sức mình vào các vấn đề lớn nhỏ của đất nước, thay cho một xã hội bị thâu tóm trong tay một nhóm người có quyền lực, chỉ biết vơ vét và nhân danh, làm cho xã hội ngày càng tồi tệ, lấy minh bạch làm chính sách, lấy dân chủ làm căn cứ để phát triển sức mạnh nội sinh của dân tộc. Tức khắc, tham nhũng sẽ hết hoành hành. Hiềm một nổi, giặc cướp đã vào trước cửa, mà trong nhà cuộc đỏ đen vẫn còn náo nhiệt!
May thay, đất nước ta không có kiêu binh (như bọn kiêu binh diều hâu Bắc Kinh), nhưng tức thay, lại có nhiều kiêu quan, khệnh khạng, hãnh tiến, giả dối với nhân dân, dựa vào sự thiếu minh bạch của chính sách mà đục khoét tài sản của quốc gia, lại hù dọa nhân dân dưới các mỹ từ nhân danh “đoàn kết, hữu nghị, phát triển”, đó là thành phần những con sâu sẵn sàng lao vào vòng tay của giặc khi trời chưa kịp sáng, là những kẻ nội thù nối giáo cho chúng.
Đúng vậy, phải nhanh chóng thanh lọc bộ máy, dẹp sạch các trò đỏ đen, thực hiện chính sách “thân Việt Nam trước đã”. Thân với bên ngoài bất cứ là ai, mà nhạt nhòa với bên trong, sớm muộn cũng chỉ là con đường mất Nước
Tháng 7- 2012
    H.Đ.N

Nguồn: BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét