Nhãn

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Cách trị dân của tư sản nước Trịnh...

Cách trị dân của tư sản nước Trịnh thời Xuân Thu


Mõ Sài Gòn.

 -Đạo làm tướng, là phải biết khi nào... nhặt khi nào khoan. Chớ không thể cứ nhắm mắt mà phang tràn cho được! Bởi Khoan thì dân lờn. Nghiêm thì dân oán, mà dân oán hoặc lờn đều trở ngại cho việc nước cả. Cho nên phải có Khoan, lại phải có Nghiêm, thì mới đỡ đần cho nhau đặng.
Lúc ấy, có Bật Tử Tiện là học trò của Khổng Tử, nghe thế, mới bụng bảo dạ rằng:
- Tưởng việc nước ra sao. Hóa ra cũng giống như chơi... bài ba lá. Hễ tụ này không được phải đặt lại tụ kia, thì cần chi phải là người quân tử?

Thời Xuân thu, có Tử Sản, tự là Công Tôn Kiều, làm quan Đại Phu nước Trịnh hơn bốn mươi năm, thường đề ra những kế sách để giúp vua vỗ về bá tánh, trị quốc an dân, nên thường đem điều hay lẽ phải, mà nói với vợ rằng:
- Đối với trong thì dân bình trị. Đối với ngoài thì các nước nể nang. Được như thế là nhờ ta mỗi ngày khi thức dậy - đều tự vấn lương tâm - mà xét rằng:
Đối với mình, ta có tự trọng không?
Đối với người, ta có thành kính không?
Đối với dân, ta có thiên lệch không?
Và đối với những lầm lỗi của ngàn phương bá tánh, ta xử có tình có nghĩa chăng?   
        
      Bốn điều đó, như những tấm gương, đã giúp ta đem sự yên vui về cho nước Trịnh.
Vợ của Tử Sản là Vương thị, thấy vậy, mới nhỏ nhẹ mà nói với chồng rằng:
- Ai có thân người ấy lo. Ai có hồn người ấy giữ. Nay chàng cứ miệt mài lo về trăm họ, mà quên đi bệnh bao tử đang hoành hành trong thân xác, là cớ làm sao?
Tử Sản mỉm cười, đáp:
- Giá trị cao cả của con người ở trong trái tim. Vậy phải nâng nó lên mà mơ ước điều đại sự. Chớ không thể đóng lòng của mình trước, mà mong muốn mai này thiên hạ sẽ mở ra, thì có khác chi giữa đêm Đông mơ nắng chiều cuối Hạ.
Vương thị lắc đầu, nói:
- Lúa tới đâu, trâu tới đó. Hà cớ chi phải đày đọa xác thân, đến nỗi trong giấc mơ cũng kêu gào tên... bá tánh?
Tử Sản lại cười thêm phát nữa, rồi dịu giọng nói rằng:
- Khi nào tôi kêu chỉ một người. Bà mới phải lo. Chớ kêu tá lả bùng binh thì chẳng ăn thua đến tình phu phụ. Vương thị bỗng nghẹn cả lời mà chẳng biết nói sao. Mãi một lúc sau mới thì thầm bảo dạ:
- Cá không ăn muối cá ươn, còn chồng mà cãi vợ, thì rõ ràng đang thiếu... muối, nên hổng chóng thì chầy. Hổng trước thì sau, ắt phải có ngày chu du miền tiên cảnh...
Một hôm, trời trở lạnh. Tử Sản thấy trong mình không được khoẻ, bèn cho người mời Tử Thái Thúc đến, mà bảo rằng:
- Ta như ngọn đèn dầu sắp tắt, nên có đôi lời nhắn nhủ. Mong ngươi chẳng đặng quên, để tâm huyết ta không đi vào cõi lạnh...

Thái Thúc vội vàng đáp:
- Ấy ấy! Sao Đại phu lại nói thế? Trong khi sắc mặt hồng hào. Mắt lộ tinh quang, thì sao có thể... tím chiều hoang cho được?
Tử Sản bỗng thở dài mấy cái, rồi chậm rãi nói rằng:
- Con chim sắp chết cất tiếng bi ai. Con người sắp chết nói lời nói phải, thì ngươi cố mà nghe. Chớ đừng nói tới nói lui mà phí đi thời gian đang có được!
Rồi không đợi Thái Thúc trả lời trả vốn làm sao, Tử Sản lại ào ào nói tiếp:
- Ta chết, tất nhà ngươi được cất nhắc lên làm quan Đại Phu nước Trịnh. Ngươi phải biết người có Đức mới lấy Khoan mà phục được dân. Còn... ít Đức như ngươi thì phải lấy Nghiêm mà trị. Tỉ như lửa nóng, dân trông thấy mà sợ, nên chết cháy thì ít. Còn nước mát, dân cho đó là thường, nên chết đuối lại nhiều. Thế cho nên, dùng Khoan thật là khó lắm vậy!
Thái Thúc gật đầu đáp:
- Tôi sẽ nhớ lời ông dặn. Nguyện suốt đời chẳng thể nào quên!
Lúc ấy, Vương thị ở nhà trong nghe hết đầu đuôi câu chuyện, mới tá hỏa trong lòng mà nghĩ thật mông lung:
- Vợ chồng là duyên trăm năm, không phải duyên sớm tối. Sao chồng ta lại có thể ơ hờ như thế được? Đáng lẽ những giờ phút còn lại này - phải dành tặng riêng ta - Chớ không thể lúc sắp đi lại... tùm lum đến thế!
Đoạn, rầu rĩ trong lòng, bèn cho người gọi con là Tử Trung đến, mà buồn bã nói rằng:
- Cuộc đời là thế! Trong bất cứ lãnh vực nào, nếu gieo cay đắng thì đừng bao giờ trông mong trái ngọt. Con có hiểu vậy chăng?
Tử Trung nghệch mặt ra, rồi ngơ ngác đáp:
- Con thật không hiểu điều mẹ mới nói!
Vương thị uất ức mà nói rằng:
- Cha con, thường tự cho mình là quân tử, mà lại xem việc nước trọng hơn tình nghĩa phu thê, thì còn đứng trong đất trời làm sao đặng?
Tử Trung vội vàng đáp:
- Sở dĩ cha chu toàn được việc nước, là nhờ mẹ đảm đang, đã thay cha quán xuyến việc trong ngoài cho êm xuôi hết cả. Ví bằng mẹ không làm như vậy, thì cha chẳng được yên. Làm sao có thể đêm ngày lo cho bá tánh? Vả lại, cha làm đến chức Đại Phụ Quyền cao chức trọng, mà chẳng vợ lẽ vợ hai, thì con thiết nghĩ mẹ phải mừng vui mới đúng. Chớ đâu lại u buồn rã rượi, mất vẻ xinh tươi, thì có khác chi cái hay mà cho là dỡ vậy! Đoạn, dõi mắt lên nhìn mẹ, thì thấy Vương thị mười phần... bay hết tám, bèn trong bụng mừng vui, mà chậm rãi nói rằng:
- Mẹ! Mẹ đừng nhả tơ tự trói mình. Có đặng hay chăng? Mấy tháng sau, Tử Sản mất. Tử Thái Thúc được vua Trịnh cử lên thay, liền hớn hở về khoe với vợ. Vợ của Thái Thúc là Hàn thị, nghe thế, mới khoái trá mà nói với chồng rằng:
- Rủi người phúc ta. Tưởng là nói chơi ai dè cũng đúng thiệt.
Thái Thúc bỗng âu lo hiện tràn trên ánh mắt, rồi ấp úng nói rằng:
- Trước khi mất, Tử Sản có dặn ta phải dùng Nghiêm để trị dân. Chớ không thể dùng Khoan như ông được, bởi Đức ta còn mỏng chưa được sâu, thì e đặng ít hôm sẽ tùm lum tứ tán. Ta giật mình trộm nghĩ: Bỏ Khoan mà chụp lấy cái Nghiêm, thì phải mần răng cho dân đừng hoảng sợ?
Hàn thị liền quơ lịa quơ lia vài chục cái, rồi lớn tiếng mà nói với chồng rằng:
- Rún còn không tin được bụng. Hà cớ gì chàng lại tin người đến như thế?
Thái Thúc liền vội đưa tay bịt miệng của Hàn thị lại, rồi đỏ phừng cả mặt mà nói nọ nói kia:
- Ngàn vàng dễ được. Lời tốt khó tìm. Lẽ nào nàng không hiểu đặng điều đó hay chăng? Sao lại thốt những lời nghe tào lao quá xá?
Hàn thị vênh mặt đáp:
- Có gì mà chàng phải sợ? Tử Sản tập cho dân quen lề lối của Khoan, rồi nay lại bảo đổi qua Nghiêm mới là điều phải đạo. Nói thật với chàng. Tử Sản làm vậy chẳng phải thương chàng mà nói. Chẳng qua muốn người đời tưởng nhớ đến mình thôi, nên mới phán lung tung cho chàng không phân biệt, rồi đến lúc dân bỗng thấy mình vô khuôn phép, mới la ó ì xèo chàng sẽ liệu làm sao? Khi mới thăng quan đã ôm điều không đẹp...
Thái Thúc mặt mày xám ngoét. Tay run bần bật. Mãi một lúc sau, mới yếu ớt hỏi rằng:
- Vậy theo nàng, ta phải làm sao?
Hàn thị cười cười đáp:
- Chàng hãy giảm thuế. Bỏ bớt hình phạt. Chuyện phạm pháp lớn thì làm cho nhỏ. Chuyện phạm pháp nhỏ thì làm như không có, bảo đảm trăm ngày tăm tiếng sẽ rền vang. Sẽ khiến tha nhân sướng vui vì hết sợ...
Tử Thái Thúc nghe vợ nói có lý, bèn nhẹ cả tâm tư, mà tự nhủ rằng:
- Tiền của có thể qua đi. Danh vọng có thể mai một, nhưng lời dạy của.. vợ. Mãi mãi trường tồn theo bước chạy của... thời gian!
Từ đó, Thái Thúc cứ Khoan mà phang tới tới. Đã vậy còn xá tội lung tung, nên chẳng bao lâu trong nước sinh ra nhiều... cướp cạn. Nhũng nhiễu lương dân. Làm điều tắc trách, khiến đâu đâu cũng kêu Trời ta thán. Không sao mà yên được. Vua Trịnh thấy vậy, mới truyền cho Thái Thúc đến, mà giận dữ nói rằng:
- Ngươi ăn cơm vua, Hưởng lộc nước, mà làm ăn như vậy. Là cớ làm sao?
Thái Thúc cúi gầm mặt xuống, mà ấp úng tâu rằng:
- Xin Bệ hạ bớt giận, mà cho kẻ hạ thần một khoảng thời gian, để sửa lại cái sai trái của mình.
Vua Trịnh bực mình, gắt:
- Được. Ta kỳ hạn cho người một tháng. Nếu không đem lại cho dân chúng sự bình yên, thì cầm chắc ngươi sẽ đi vào... miên viễn...
Thái Thúc lạy tạ ra về. Lòng tràn dâng nỗi hối hận mà không biết tỏ cùng ai, nên thì thầm bảo dạ:
- Chớ phải chi ta biết nghe theo lời của Tử Sản, thì đâu đến nỗi phải đem sinh mạng ra mà đánh... cá!
Tối ấy, Thái Thúc không làm sao ngủ được. Hàn thị thấy vậy, mới nấu vội chén sâm, mà tha thiết nói rằng:
- Nhân vô thập toàn. Hà cớ chi chàng lại dày vò đến như thế?
Thái Thúc nghẹn ngào đáp:
- Đành là vậy! Nhưng ta là người gánh chịu trước muôn dân, thì không thể nói xuông mà êm liền ngay được. Hàn thị bèn nhìn vào mắt chồng, rồi vui vẻ nói:
- Người ta trở thành kiện toàn hơn, là nhờ học hỏi từ những lầm lỗi của chính mình. Nay chàng có cơ hội... học hỏi, thì phải lấy làm vuị Sao lại lấy cái may biến ra thành cái rủi?
Thái Thúc ngập ngừng đáp:
- Nhưng cái lầm lỗi này, lại liên lụy đến cái... mạng của ta, thì nàng bảo ta không lo làm sao được?
Hàn thị bỗng cười to một tiếng, rồi mạnh dạn nói rằng:
- Mạng của chàng có sao Tử vi đóng ở cung Mệnh, thì dẫu chàng muốn... tự tử mà chết. Cũng chẳng dễ đâu. Huống chi cái chết kia từ xa bay đến!
Thái Thúc bỗng thấy trong lòng cất đi gánh nặng, bèn phan phái mà nói với Hàn thị rằng:
- Đàn ông mà không có vợ, như phản gỗ long đong. Trôi lên trôi xuống chẳng ra cái gì hết cả!
Qua ngày sau. Thái Thúc tức tốc ban hành luật mới. Lấy Nghiêm mà trị, cùng lúc sai tướng giỏi đem quân đi tiểu trừ giặc cướp. Từ đấy nước Trịnh mới yên. Lúc ấy, có Đức Khổng Tử từ xa bang tới. Nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, mới gọi môn hạ tới, mà trịnh trọng nói rằng:
- Thái Thúc biết mình sai mà vội sửa, là một điều hay. Nghe vợ đến nỗi bị vua la, mà không đổ thừa cho vợ, lại can đảm chịu lấy một mình, là hai điều hay. Làm việc dứt khoát, Không chần chừ do dự, nên chưa tròn một tháng đã mã đáo thành công, là ba điều hay. Không nhân lầm lỗi của vợ, mà đi... cưới vợ khác, là bốn điều hay. Làm người, mà được bốn điều hay đó, thì coi như đã thành người quân tử!
Đoạn, vuốt râu một cái, rồi ào ào nói tiếp:
- Dùng Khoan để trị dân, thì dân không sợ. Dân không sợ, thì phải đổi lại Nghiêm, để dân sợ mà đi vào điều phải. Vậy Khoan giúp cho Nghiêm, cũng như Nghiêm giúp cho Khoan vậy. Đạo làm tướng, là phải biết khi nào... nhặt khi nào khoan. Chớ không thể cứ nhắm mắt mà phang tràn cho được! Bởi Khoan thì dân lờn. Nghiêm thì dân oán, mà dân oán hoặc lờn đều trở ngại cho việc nước cả. Cho nên phải có Khoan, lại phải có Nghiêm, thì mới đỡ đần cho nhau đặng.
Lúc ấy, có Bật Tử Tiện là học trò của Khổng Tử, nghe thế, mới bụng bảo dạ rằng:
- Tưởng việc nước ra sao. Hóa ra cũng giống như chơi... bài ba lá. Hễ tụ này không được phải đặt lại tụ kia, thì cần chi phải là người quân tử?

Nguồn: MÕ  SAIGON

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét