Ký ức làng
Cùa
Tiểu
thuyết của Đặng Văn Sinh
Chương tám (Tiếp theo)
Khúc Văn vung vẩy khẩu súng ngắn, hất hàm hỏi:
- Anh kia,
thằng Thạch đâu?
Nhưỡng thoáng thấy lính tráng đầy sân, hoảng lắm nhưng
cố trấn tĩnh để giọng bớt run :
- Thưa quan lớn, thằng mất dậy ấy bỏ nhà đi từ
bốn năm nay không thấy về.
- Nhà anh
nói láo! - Khúc Văn nạt nộ. - Mấy hôm trước, nó cùng đồng bọn cắt cổ ông Lý
Lọng treo lên cây đa chợ Đình, chả nhẽ anh lại không biết?
- Dạ tôi cũng có nghe dân làng nói.
-
Trói lại! - Khúc Văn ra lệnh cho mấy tên lính dõng. - Nếu không thành thật khai
ra thì hãy liệu cái mạng mày.
- Trăm lạy
quan lớn! - Nhưỡng mếu máo. - tôi cũng đã đi lính Bảo an, bị ăn đạn Việt Minh
nên chẳng việc gì phải bao che cho chúng.
-
Nhưng cu Thạch là em ruột mày. - Khúc Văn quắc mắt gằn giọng.
-
Em ruột mà làm Việt Minh tôi cũng báo quan bắt nếu nhìn thấy nó về làng.
-
Được…!- Khúc Văn cười nhạt. - Mày nhớ đấy.
Khắp vườn chuối, bờ ao, chỗ nào cũng bị những chiếc
thuốn dài, nhọn hoắt xuyên xuống thăm
dò. Gần bụi mây, giáp với nhà Trương Quả, một tên dõng phát hiện ra hầm
vì cây thuốn sắt sụt xuống già nửa. Khúc Văn nắm cổ áo cả Nhưỡng lôi sềnh sệch
đến bụi mây, bảo:
- Mày gọi nó
ra đi nếu không đừng trách.
- Đã bảo nhà
tôi không có hầm bí mật.
Bọn lính lên đạn rôm rốp. Tiếng cuốc, thuổng, xà beng
phầm phập. Chừng năm bẩy phút, một khoảng trống bằng bắp chân lộ ra, sâu hun
hút. Một gã kêu lên:
Hắn chưa nói dứt lời một vật đen loằng nhoằng cất cổ
phun phè phè. Thì ra một con hổ mang đang ấp trứng, bất chợt bị phá hang, nó
lao vút ra với tốc độ tên bắn mổ trúng tinh mũi Cai Lìu. Tên này lập tức ngã bổ
chửng, giãy đành đạch. Khúc Văn bị một phen hoảng hồn. Hắn vẩy liền ba phát
súng lục. Viên cuối cùng trúng vào cái đầu nhẵn bóng. Con rắn quằn quại một lúc
rồi mới chết. Cai Lìu bị nọc độc ngấm vào người, mặt tái nhợt. Khúc Văn quát:
-
Hai đứa khiêng ông ta ra đình còn những người khác tiếp tục tìm hầm.
Cả Nhưỡng lấm lét theo dõi bọn chúng. Trận càn bất
chợt làm anh ta lo lắm. Cái hầm của cu Thạch nằm ngay phía ngoài bờ ao, gần gốc
cây sung. Nó mà khui ra thì gay. Rất may, hôm nay chị Ngần đã đưa lũ trẻ về kẻ
Bầu từ sáng. Mẹ con họ mà ở lại thì chẳng biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Các tay
thuốn chọc ngoáy hết lượt không thấy chỗ nào đáng ngờ kéo nhau vào sân giở
thuốc lá ra hút. Khúc Văn sắp sửa cho rút quân thì một người mặc quần áo nâu,
đội nón lá như phu xe mang kính thầy bói từ ngoài cổng vào ghé tai viên thiếu
uý nói thầm mấy tiếng rồi chỉ tay ra gốc cây sung. Khúc Văn lập tức ra lệnh
đào. Chỉ vài ba nhát cuốc cửa hầm đã hiện ra. Đó là một khung gỗ hình chữ nhật
lèn đất nện, được đậy rất khéo ở một vị trí ít ngờ tới nhất mặc dù nó chỉ cách
mép đường chưa đầy nửa thước.
Khúc Văn ra lệnh:
-
Lùi lại! Chuẩn bị lựu đạn.
Nói xong, hắn bắc tay làm loa gọi to:
-
Cu Thạch lên đi! Anh không còn đường thoát đâu.
Phía dưới vẫn im lặng. Đó là những phút giây căng
thẳng chết người không chỉ cả Nhưỡng mà chính tim viên thiếu uý cũng đập thình
thịch. Hắn muốn bắt sống tên Việt Minh nằm vùng để chứng tỏ năng lực cầm quân
của mình đối với gã Đồn trưởng mà ngay từ đầu đã tỏ thái độ coi thường thuộc
cấp. Không thấy trong hầm có động tĩnh gì, Khúc Văn lại quát to:
-
Anh Thạch ra đi! Lấy danh dự của một sỹ quan quân đội Liên hiệp Pháp, tôi sẽ
đảm bảo tính mạng cho anh.
Hắn đang lải nhải thì đột nhiên một quả lựu đạn từ
dưới hầm quăng lên. Lựu đạn nổ tức thì làm hai lính da đen và một tên dõng chết
tại chỗ. Khúc Văn đã nghĩ tới tình huống này nhưng không ngờ tên Việt Minh lại
nhanh tay đến thế. Nhìn đám thuộc hạ quằn quại trong vũng máu, hắn nổi máu
điên, vảy súng nhằm cả Nhưỡng nổ hai phát. Nghe tiếng lựu đạn, bọn lính của
Thierry lúc ấy đang ở sân đình cũng xách súng chạy đến. Khúc Văn tự tay
ném quả lựu đạn mở vịt xuống hầm. Tiếng
nổ bị nén lại nghe lục bục như sấm mùa
đông. Khói đặc sệt, cay sè xộc vào mắt mũi làm bọn lính hắt hơi như tất cả đều
mắc bệnh cúm. Khúc Văn bảo tên lính da đen người Senegal :
-
Chờ hết khói rồi xuống hầm mang tên Việt
Minh lên .
Tên da đen loay hoay một lúc lại chui lên với một nửa
cái chai vốn là thứ đồ đựng gạo rang của những người nằm hầm bí
mật .
-
Thưa thiếu uý không thấy xác người.
-
Quái lạ. - Khúc Văn lẩm bẩm. - Chả lẽ nó lại nát bét ra đến nỗi mắt các anh
không nhìn thấy. Hãy đào rộng thêm, rồi xúc đất lên để xem thằng Việt Minh này
mồm ngang mũi dọc thế nào.
Miệng hầm lập tức được phá rộng . Gốc sung bật rễ. Đến
lúc ấy bọn lính mới phát hiện ra một
ngách ăn thông xuống nước.
-
Chúng ta bị lừa rồi. - Khúc Văn đưa mắt
nhìn ao bèo tây bảo. - Đây là loại hầm hai tầng. Tên thạch đã lặn dưới đám bèo
kia.
-
Nếu vậy chắc là nó chưa dám ngoi lên.
Hàng chục quả lựu đạn được ném xuống những chỗ nghi
ngờ. Đạn súng trường bay chiu chíu trên
mặt lớp bèo dày đặc. Chừng nửa tiếng đồng hồ, Khúc văn lùa tất cả đám
lính dõng xuống ao, dùng câu liêm và đinh ba, dàn hàng ngang càn hết lượt đến
gần trưa mà vẫn không thấy bóng dáng tên Việt Minh. Hắn cáu lắm quăng chiếc bật
lửa cho tên lính Senegal:
-
Đốt nhà!
Ngôi nhà một gian hai chái của vợ chồng cả Nhưỡng bùng
cháy. Lửa gặp gió đông nam bốc cao bén sang nhà quản Hạo. Ông Hạo hốt hoảng lập
cập xách thùng ra ao thì bị trúng đạn của cánh quân Thierry đang bắn loạn xạ
phía xóm Nội. Đường làng khói bốc mù mịt Cả xóm Mật trở thành biển lửa. Mấy tên
lính Phi Châu chạy ngược chạy xuôi, đen sì như những hung thần. Một thằng có
mái tóc xoăn tít, cao lênh khênh nhảy ra hàng rào cúc tần túm được cô con dâu
ông Trương Phận liền đè xuống đầu bếp, tốc váy lên. Cô Dự sợ chết khiếp nhưng
vẫn cố sức chống cự bằng cách cắn vào yết hầu tên lính Lê dương. Hắn khoẻ như
voi, chỉ khẽ gạt một cái, đầu người thiếu phụ đã oặt ra. Cô ta chết rồi nhưng
gã da đen vẫn hùng hục giày vò tấm thân loã lồ giữa những tiếng nổ đùng đoàng
và hơi lửa hầm hập từ mái bếp cháy đang sắp rơi xuống. Phía bên kia ao, hai tên
dõng vồ được đứa con gái chừng mười sáu mười bẩy vừa chạy ra từ một ngõ cụt.
Một thằng kéo tuột chiếc váy thâm quăng vào đống lửa rồi xốc ngược con bé lên
chạy ra phía bờ ao. Thierry trông thấy vội quát:
-
Đứng lại!
Hai tên lính bản xứ làm ra vẻ không quen nghe tiếng
Pháp vẫn cắm cổ chạy. Viên thiếu uý liền rút khẩu Cotl nhằm thằng đang vác
người nổ một phát. Viên đạn trúng bắp chân làm hắn ngã chúi về phía trước.
Thierry nhảy đến đá vào mạng sườn thằng chạy sau bằng một cú đòn hiểm làm tên
này nhăn nhó.
-
Cởi quần dài ra!
-
Dạ, bẩm thiếu uý…
Thierry chĩa khẩu súng lục vào đầu hắn:
-
Tao bảo cởi ra!
Tên dõng lập cập làm theo mắt len lén nhìn vào nòng
súng.
-
Mặc quần của mày cho cô ta!
Tên lính lóng ngóng mãi mới xỏ được ống quần đi trận
bằng thứ vải kaki dày cộp vào chân cô gái lúc này vẫn còn đang ngất xỉu chẳng
biết vì sợ hay vừa bị ngã.
-
Mang cô bé vào ngôi nhà kia! - Thierry chỉ tay ra lệnh - Xong rồi về sân đình
đợi tao. Tối nay xuống hầm giam. Phạt cơm cả hai thằng.
Bốn giờ chiều. Khúc Văn bàn với Thierry rút quân sau
khi hắn đã ra lệnh đốt gần hết nhà cửa xóm Mật. Nhìn cảnh làng xóm điêu tàn,
Thierry thở dài:
-
Chả nhẽ những cuộc hành quân như thế này lại được gọi là “tiễu trừ Việt Minh”.
Khúc Văn mặt lạnh tanh, cười khinh khỉnh:
-
Thiếu uý không nên đa cảm. Chúng ta là những người lính có nghĩa vụ phải phục
tùng mệnh lệnh cấp trên.
-
Tôi e rằng cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc và quân đội Liên hiệp Pháp chẳng
thể nào thắng được Việt Minh.
3
Chiếc hầm ở gốc
sung có cửa nằm sâu dưới nước. Sau khi tung quả lựu đạn, Thạch tụt xuống lặn
một hơi dưới ao bèo tây, chui vào cửa hầm thứ hai phía bờ bên kia, leo lên
ngách trên, nằm chờ đến nửa đêm mới thoát ra ngoài. Anh ta vượt sông Lăng lúc
canh tư, vào đến bãi chuối cồn Vành thì gà báo sáng. Người vẫn còn ướt lướt
thướt, Thạch cởi quần áo vắt cho ráo nước rồi mở bình toong làm tợp rượu ngang([1])
cho ấm bụng. Thạch uống rượu từ hồi còn ở nhà cùng với ông Phó Đang đi chụp ếch
đêm, lâu dần thành nghiện, đi đâu cũng phải mang theo. Ngày mới đi khỏi làng cu
Thạch lang thang mấy hôm bên cồn Vành. Anh ta kiếm ăn bằng cách bẻ ngô thuê cho
dân kẻ Bòng. Xảy nhà ra thất nghiệp, đã có lúc chàng thợ chạm nửa mùa nghĩ đến
việc đăng lính Bảo an. Vùng Ba Tổng, mấy năm nay khối anh theo binh nghiệp có
tiền gửi về cho vợ con. Vào lúc Thạch sắp sang phủ Đông Giàng thì gặp Lê Văn
Vận. Ông Chủ tịch trong vai người buôn hàng tấm, áo gụ bốn túi, quần chéo go
mầu lông chuột, quảy đôi bồ thũng thẵng bước trên đê. Trước đây Thạch đã gặp
Vận vài lần nên nhận ra ngay người quen. Anh ta nhìn gánh hàng có vẻ ngạc
nhiên, hỏi :
-
Dạo này bác bỏ Việt Minh đi buôn chuyến à?
Vận không trả
lời mà hỏi:
-
Cậu là con trai ông Phó Đang bên Chi Điền?
-
Phải.
-
Có việc gì mà lang thang sang đây?
-
Tôi bỏ nhà đi.
Vận gật đầu:
-
Trai thời loạn chẳng nên ru rú trong nhà mà cần phải có chí lớn. Cậu hãy theo
tôi.
-
Chuyển hàng ra vùng tự do phải không?
-
Không, lên rừng.
Hai người xuôi theo bãi dâu ven sông, chiều tối vào kẻ
Bòng nghỉ nhờ một nhà dân bên đường. Chủ nhà là
người đàn ông trung niên có cặp mắt trố, cái mũi tẹt và hàm răng vổ
trông rất bẩn tướng. Thấy khách nói là dân buôn chuyến ông ta nhận cho nghỉ trọ
ngay, còn bảo bà vợ nấu cơm mời ăn. Tầm cuối giờ Hợi, phía đầu làng có tiếng mõ
cá khua rất gấp. Tiếp theo là trống ngũ liên nện thình thình từ sân đình vọng
về. Vận giật mình bấm tay Thạch nói nhỏ:
-
Gay rồi, lão chủ nhà phản chúng ta.
Thạch văng tục chửi :
-
Đốt mẹ nó nhà đi rồi chuồn.
-
Ấy chớ! - Vận thì thào - Hồi chiều tôi đã quan sát kỹ chung quanh. Phía sau
vườn có một lối nhỏ thông ra miếu hoang. Ta luồn về đằng ấy may ra còn kịp.
Hai người lén mở cửa mạch, nhẹ nhàng chui vào vườn
chuối. Lão mắt trố ngồi rình ở chân đống rơm trước cổng vẫn yên trí hai ông
khách đang ngủ mệt. Hồi chiều, nhìn thấy Lê Văn Vận lão sinh nghi, hình như có
lần gặp gã lái buôn này ở đâu đó. Hắn không phải dân buôn chuyến. Bọn này chắc
là Việt Minh trá hình. Phải báo lý Quảng để ông ta làm rõ thực hư. Nghĩ vậy, gã
vào bếp thì thầm mấy câu với vợ rồi lẳng lặng ra cổng.
Khi cánh hương dũng xách gậy gộc, giáo mác ập vào nhà
thì hai “lái buôn” đã chạy đến giữa đồng. Bọn này đốt đuốc hô hoán tuần đinh
đuổi theo. Tàn lửa bay nhấp nhoáng. Tiếng bước chân rầm rập làm cu Thạch nổi da
gà. Cũng may, trời tối đen mà cánh đồng lại rộng, nhiều gò đống , dễ ẩn nấp nên
bọn làng Bòng tìm quanh quẩn chừng một
canh giờ không thấy gì đành kéo nhau về. Cu Thạch bảo Lê Văn Vận:
-
Hôm nay tôi mới biết thế nào là Việt Minh.
-
Có sợ không? - Vận hỏi.
-
Sợ chứ, nhưng mà có lẽ hoạt động kiểu này cũng thích.
Sau vụ thanh toán lý Lọng, Khúc Văn kéo quân càn vùng
Chi Điền, Thạch bị lộ không thể ở lại chỉ huy phong trào, Lê Văn Vận phải rút
anh ta về căn cứ Mai Động. Nhìn bốt Tuần án ngữ bên bờ sông như cái gai nhọn
chọc vào mắt, Vận không chịu được bảo với Thạch:
-
Ta phải vượt sông điều tra bốt Tuần rồi đánh một trận xem sao.
Thạch vốn là tay có máu phiêu lưu, thích mạo hiểm, tán
thành ngay:
-
Đề nghị các anh cho tôi sang sông trước nắm tình hình.
Vận bảo:
-
Trước hết chú phải về làng Cùa tìm cách gặp ông Khoá Kiệt. Ở rừng Hóp đang có
một đội du kích nhưng hình như họ chưa muốn hợp
tác với ta. Nhiệm vụ của chú là phải thuyết phục để ông Khoá hiểu được
chủ trương toàn dân đoàn kết chiến đấu của cụ Hồ Chí Minh rồi mới đến việc điều
tra bốt Tuần. Chú định đem theo mấy người?
-
Chỉ mình tôi là đủ. - Thạch nói ngay - Bên ấy hiện giờ lính tráng kiểm soát
ngặt lắm, đi nhiều không lợi.
Chập tối hôm ấy, Thạch đến cồn Vành. Trời tối như đêm
ba mươi tết. Mưa phùn lất phất. Sóng vỗ
lóc bóc ngoài bãi sông. Lũ đom đóm trên vạt ngô non bay chập chờn lúc
cao lúc thấp, toả thứ ánh sáng lân tinh xanh lét nhưng cũng đủ để nhận ra lối
vào vườn chuối. Từ trong bụi sậy, một con gà nước, nghe tiếng động, vỗ cánh
phành phạch bay vút lên. Thạch lấy dao găm thận trọng cắt một cây chuối mang ra
bờ sông. Anh ta nhằm phía trên điếm Bài Vân bơi sang. Phù sa mát lạnh. Một con
chim lạ có sải cánh rất rộng bay là là trên mặt nước. Thạch có cảm giác chỉ cần
đưa tay lên là túm được chân nó. Sang đến bên này, anh ta xuôi xuống phía hạ
lưu chừng nửa cây số rồi vượt đê. Từ đây đến rừng Hóp còn khá xa. Tầm này, bọn
hương dũng và lính Bảo an chắc đã ngủ. Từ ngôi điếm nào đó mãi dưới Chi Điền
vọng lại tiếng mõ cầm canh. Những tiếng mõ khô khốc, vô cảm, thậm chí nghe rất
chối tai phá tan sự yên tĩnh vốn có của đêm hè vùng đồng chiêm.
Khoảng hơn một giờ sau, Thạch tìm thấy ngôi miếu hoang
theo sự chỉ dẫn của Lê Văn Vận. Anh ta leo hẳn lên bệ thờ, vắt chéo khoeo đánh
một giấc. Tang tảng sáng, trước khi người dân ra đồng, chàng trinh sát đã kịp
trở dậy rẽ xuống đường ra đầm Ma. Vùng này, từ hồi Pháp xây bốt Tuần ít người
qua lại.
Đường vào rừng Hóp quanh co, hai bên toàn lau sậy rậm
rạp. Xa xa là đầm Ma, rộng mênh mông, mặt nước xanh màu nõn chuối nổi bồng bềnh
từng đám bèo ong, chốc chốc lại có một đàn vịt trời lông xám hoặc le le đầu
trắng từ bên kia sông đáp xuống. Chúng tha hồ lặn ngụp nô giỡn nhau rồi bay vào
rừng Hóp đậu trên ngọn cây ngõa rỉa lông cánh. Mải ngắm lũ chim trời, Thạch
không để ý có hai người khoác súng đang theo dõi dưới lùm cây dẻ.
- Đứng lại! Anh đã bị bắt.
Thạch giật mình liền đưa hai tay lên quá đầu.
-
Đừng bắn. Tôi ở bên Mai Động sang.
-
Câm mồm! - Một người có mái tóc húi cua quát.
Người thứ hai lại gần Thạch khám được bức thư anh ta
giấu trong ống nhôm đựng thuốc aspirine([2])
cài ở cạp quần.
Lập tức chàng trinh sát bị bịt mắt bằng một băng vải
nâu rồi được dẫn vào rừng. Đường càng lúc càng khó, nhiều chỗ phải lội vì trời
mới mưa. Thời gian đi không lâu lắm, áng chừng già một khắc cả bọn đến “đại bản
doanh” của Khúc Kiệt. Vừa được tháo băng mắt, cu Thạch đã phát khiếp khi nhìn
thấy ông chỉ huy du kích râu ria tua tủa như thằng tướng cướp. Khúc Kiệt hỏi:
- Ai đưa cho
anh bức thư này?
- Anh Vận bảo
tôi chuyển đến ông và bàn về việc phối hợp với du kích làng Cùa đánh bốt Tuần.
- Tình hình
bên ấy thế nào?
- Đã thành lập
được mấy trung đội địa phương quân nhưng ngặt nỗi thiếu vũ khí nghiêm trọng.
Khúc Kiệt bảo:
- Các làng quanh đây bị ép vào tề hết rồi. Phần lớn
lực lượng nòng cốt phải tạm thời bỏ địa bàn để tránh càn quét. Trong ba tháng
qua có tám cán bộ nằm hầm bí mật bị khui. Các anh không nghe tôi mà cứ đánh
liều là toi mạng.
- Còn kế hoạch của các ông?
- Gay lắm. Chúng tôi đã điều tra về cách bố trí hoả
lực và hệ thống phòng thủ đồn Tuần nhưng ngặt vì vũ khí toàn loại cà khổ, đánh
công kiên không lợi. Anh về nói với anh Vận, đầu tháng tới, tôi cần gặp bàn một
số việc quan trọng.
- Vậy thì ông viết cho mấy chữ.
- Được, nhưng bây giờ anh chưa nên đi, chiều tối người
của tôi sẽ dẫn tới bờ sông.
Chuyến trở về của Thạch không theo hành trình cũ. Anh
ta được một du kích đưa xuống tận bến đò Vạn Điền. Sau khi qua sông, Thạch đóng
giả lái trâu, vượt qua mấy làng tề rồi mới ngược lên Mai Động. Đọc thư xong,
Vận bảo:
- Thực ra tôi
cũng có kế hoạch về Ba Tổng từ lâu nhưng điều kiện giao thông lúc ấy chưa thuận
lợi nhất là phải vượt qua kẻ Bòng, Trúc Sơn và Mao Xá. Tháng trước, địa phương
quân của ta kết hợp với du kích đã hạ được đồn An Sơn, nhưng đó chỉ là những bunker lẻ, binh lực của chúng tiêu hao
không đáng kể. Tuy nhiên nó cũng khai thông được tuyến liên lạc giữa chiến khu
và vùng địch hậu. Nhân dịp này, ta phải tranh thủ bàn với ông Khoá phối hợp lực
lượng đánh bốt Tuần. Đồn này mà thất thủ thì việc đánh đồn Si, đồn Vàng không
khó.
- Kế hoạch của anh đã được ban lãnh đạo thông qua
chưa?
Vận cười nhạt:
-
Sau trận càn tháng tư, ông nào cũng hốt, ban ngày nằm lỳ dưới hầm, đêm mới
dám mò ra. Mấy lần tôi bàn đánh đồn Mao
Xá các vị đều gàn, bảo rằng thời cơ chưa chín muồi.
-
Ý anh thế nào?
-
Còn thế nào nữa. Tôi là người lãnh đạo cao nhất của huyện, tôi phải có quyền
quyết định chứ.
-
Vậy thì được, nhưng còn một chuyện làm tôi băn khoăn, đó là mối quan hệ giữa
ông khoá Kiệt và tay Khúc Văn mới được điều về đồn Tuần, nghe nói thằng này
hung hăng lắm.
Vận gật đầu:
-
Hai bố con nhà ấy từ lâu nay đã coi nhau như kẻ thù, thế nào rồi cũng phải có
một người bị giết. Tôi vốn là cháu rể ông Khoá. Ông ấy tuy là người cực đoan,
vô chính phủ nhưng tinh thần cánh mạng thì tuyệt đối trung thành, không nên
nghi ngờ.
-
Nhưng tôi vẫn thấy điều gì đó khác thường ở con người này.
-
Đừng nên đa cảm chú em ạ. Trong cuộc đọ sức giữa ta và địch sẽ còn nhiều những
bất ngờ không lường trước được đâu.
Vào
một đêm tháng chín, Lê Văn Vận và cu Thạch vượt sông Lăng ở phía hạ lưu gần
điếm Tổng. Dạo này đồn Cáo cho lính phong toả khắp các bến từ điếm Bài Vân xuống
tận Ngã ba Môi nên hai người không dám đi ban ngày. Cồn Vành sau mùa lũ mà nước
vẫn ngập phần lớn các chân ruộng trũng. Cá từ sông Lăng vào nhiều vô kể nhưng
dân trong vùng không dám đánh bắt. Họ sợ Tây càn bất chợt. Cả một vùng bãi rộng
mênh mông ngập phù sa ngời lên dưới ánh sao đêm. Đâu đó có tiếng đớp mồi. Chỉ
lũ cò vạc là tự do kiếm ăn. Chúng tập hợp thành bày, hàng chục con vừa lùa cá
tép vào miệng vừa cãi nhau bằng đủ thứ giọng. Thỉnh thoảng, một con giang chân
lênh khênh như cà kheo bất chợt hạ cánh, lội bùm bũm làm động nước, lũ cá thiểu
ăn đêm hốt hoảng lao như tên bắn vọt lên những rãnh cỏ nông choèn, phơi bụng
trắng lấp lánh như ánh bạc.
Lần
này, cơ sở An Sơn đã chuẩn bị cho hai người một chiếc thuyền nan. Chèo thuyền
là một cô gái, nghe giọng nói áng chừng chỉ khoảng mười tám đôi mươi. Con đò
lặng lẽ sang ngang. Đêm thật yên tĩnh. Sóng nhè nhẹ vỗ dưới mạn thuyền. Từ bãi
chuối dưới cồn Vành có tiếng cú rúc. Sang được quá nửa sông bỗng nhiên hai ngọn
đèn pha cực sáng từ dưới hạ lưu rọi vào thuyền. Nguy rồi, Vận giật mình. Bọn
chúng tắt máy thả canot trên sông đón lõng từ chập tối mà cơ sở không phát hiện
ra .
-
Việt Minh đầu hàng đi! Các anh đã bị bao vây.
Cô
gái đảo mái chèo xoay mũi về bên tả ngạn bảo hai người:
-
Các anh cứ ngồi yên nếu chúng áp mạn hãy nhảy xuống sông.
-
Không được! - Vận khẽ bảo - Thế thì nguy hiểm cho cô.
-
Việt Minh đầu hàng đi! - Vẫn tên lính ban nãy chĩa chiếc loa sắt tây cất giọng
lè nhè như còn ngái ngủ. - Các anh không còn đường thoát đâu.
Chiếc
canot rồ máy chạy vòng lên đón đầu con thuyền nổ mấy phát súng thị uy.
-
Nhảy xuống! - Cô gái quát khẽ.
Thạch
nhớm chân định rời thuyền thì Khúc Văn đã kịp kéo một băng tiểu liên. Anh ta
giật mình chới với trên mặt sông một lúc thì mũi canot chồm tới. Trong khi ấy,
Lê Văn Vận thấy cô lái đò vẫn loạng choạng chèo liền bơi về phía lái, với tay
đẩy mạnh mạn thuyền. Lúc này sóng rất mạnh bởi
chiếc canot đang chạy vòng quanh. Sợ cô ta chết đuối Vận không dám lặn
xuống. Mấy phút sau, cả hai người bị kéo lên boong. Tên lính Bắc Phi thúc cùi
tay vào ngực Vận đẩy vào khoang cho một tên dõng có cặp chân vòng kiềng trói
lại bằng sợi dây dù. Cô gái chở đò bị dẫn vào cabine. Tên chỉ huy cầm đèn pile
quét một vòng trên mặt sông rồi ra lệnh:
-
Quay về đồn!
Vận tuy bị đánh khá đau nhưng vẫn không dời
mắt khỏi tên sĩ quan người Việt. Hắn có những nét rất quen, và anh ta chợt nhớ
ra, đó là Khúc Văn. Ánh đèn lướt qua Lê Văn Vận. Khúc Văn nhìn thoáng tên Việt
Minh nhưng không nói gì. Canot chạy một lúc đã về đến bốt Tuần. Lê Văn Vận bị
lôi vào căn hầm ngầm ngay bên dưới phòng làm việc của đồn Cáo. Khoảng nửa giờ
sau, Khúc Văn xuất hiện trong bộ thường phục. Hắn mang cặp kính đen gọng đồi
mồi mặc dù lúc ấy đang là nửa đêm. Ngọn đèn manchon sáng trắng soi rõ khuôn mặt
thư sinh vốn khá điển trai bởi chiếc mũi thẳng, cặp môi đỏ và mái tóc bồng bềnh
như sóng lượn. Khúc Văn bật lửa châm thuốc hút, không có gì là vội vã hỏi cung.
Hắn phì phèo chán rồi đứng lên đi đi lại lại trong căn hầm chật hẹp làm Lê Văn
Vận ngứa mắt chỉ muốn đấm vào bộ mặt đẹp mã của hắn một quả cho nó vỡ quai hàm
ra nếu hai tay anh ta được tự do. Thái
độ nóng nẩy của Vận không qua được mắt Khúc Văn. Đến lúc ấy hắn mới nhẹ nhàng
hỏi:
-
Có lẽ phải đến hơn chục năm ta mới gặp lại nhau chú Vận nhỉ?
Vận
khịt mũi:
-
Vẫn còn nhớ tôi kia à?
-
Nhớ chứ. - Khúc Văn cười nhạt. - Người anh hùng đã từng giết bố vợ, cướp dì ghẻ
trốn khỏi làng Cùa rồi theo cộng sản, xúi giục dân cày nổi loạn làm sao mà quên
được. Dạo này đồng chí có vẻ hơi già đi.
-
Còn anh, thường xuyên được liếm bơ thừa sữa cặn của các ông chủ Tây nên ngày
càng béo ra.
Khúc
Văn vẫn nhẹ nhàng :
-
Chú không nên khiêu khích. Giờ ta nói chuyện với nhau một cách nghiêm chỉnh để
xem có cách gì gỡ được vụ này không.
-
Cảm ơn. Anh cháu tử tế quá.
-
Cái ấy thì còn phải xem thái độ cộng tác của chú với quân đội Liên hiệp như thế
nào đã. Trước hết, tôi muốn biết, chú nghĩ thế nào về chủ nghĩa cộng sản, về
chính thể Việt Minh mà đi theo họ?
Vận
cười khẩy:
-
Anh từng lầm lẫn cộng sản và Việt Minh. Việt Minh là Mặt trận thống nhất bao
gồm tất cả những người yêu nước đứng lên chống quân xâm lược, giành độc lập dân
tộc mà thành phần của nó có cả các chính đảng.
-
Điều ấy thì ai cũng hiểu. - Khúc Văn xua tay cắt ngang - Nhưng còn điều rất ít
người biết là, Việt Minh chỉ là tấm bình phong. Kẻ đứng sau tấm bình phong giật
dây, chỉ đạo mọi hoạt động của Việt Minh mới là nhân vật chính trong cuộc chiến
này. Đó là các đảng viên cộng sản.
-
Vậy ra anh cũng hiểu thời cuộc đấy nhỉ?
-
Cho nên, có thể nói, vận mệnh của mấy chục triệu dân đất Việt sau này phụ thuộc
hoàn toàn vào mọi hành vi của những người cộng sản nếu quân đội Việt Minh thắng
trận đúng không?
-
Đúng thì sao?
-
Một người tự nguyện đi theo cộng sản như chú nhưng chắc gì đã hiểu bản chất của
chủ nghĩa cộng sản?
-
Anh định sát hạch tôi về chủ nghĩa Marx đấy à? Những điều lý luận cao siêu
không có thời gian giảng giải ở đây, có thể nói gọn lại, đó là xã hội không còn
người bóc lột người, một xã hội dân chủ, công bằng, phồn vinh, làm theo năng
lực hưởng theo nhu cầu.
-
Chú tin như thế thật à? - Khúc Văn cười khẩy. - Đó chỉ là thứ chủ nghĩa ảo
tưởng của mấy nhà triết học duy ý chí nhằm mê hoặc những kẻ dốt nát, ngu muội,
những kẻ cuồng tín, nhẹ dạ cả tin và sử dụng họ như những vật thí nghiệm trong
các cuộc tàn sát đẫm máu.
Vận
lắc đầu:
-
Chính anh mới bị cái bả vinh hoa của bọn thực dân, đế quốc mê hoặc nên mới cam
tâm làm tay sai cho giặc, bắn giết đồng bào. Anh Văn, hãy về với nhân dân, bây
giờ vẫn còn kịp. Tôi sẽ là người đứng ra bảo lãnh .
Khúc
Văn búng tàn thuốc, tháo cặp kính đen gài vào khuy áo, lại gần Lê Văn Vận bảo:
-
Tín điều cộng sản của chú không thuyết phục được tôi đâu. Bởi vì, xét đến cùng,
chú chỉ là anh thuyền chài vô học, là kẻ tội phạm, bần cùng phải đi theo cộng
sản để sau này được cách mạng chia phần. Xã hội tương lai của các người chỉ là thứ bánh vẽ, phiêu lưu
và hoang tưởng một khi nó dựa trên luận điểm sặc mùi sắt máu là đấu tranh giai cấp
và chuyên
chính vô sản. Nhưng thôi, chuyện tầm phào ấy hãy dừng ở đây. Bây
giờ mới đến tiết mục chính. Chú hiện đang ở đâu và qua sông Lăng với mục đích
gì?
-
Tôi về thăm làng Cùa chẳng nhẽ không được sao?
-
Người ngồi cùng thuyền với chú đã trốn thoát là ai?
-
Là bạn buôn của tôi.
-
Sao không qua sông ban ngày mà phải đi đêm?
-
Quân của các anh hôm nào chẳng đi càn. Dân buôn chuyến sợ tai bay vạ gió nên
mới phải đi đêm.
-
Chú đừng bịp tôi. - Khúc Văn nhếch mép cười - Chú không nói cũng được nhưng
sáng mai Đồn trưởng sẽ đích thân thẩm vấn, lúc ấy đừng trách tôi không dặn
trước.
Nói
xong, viên thiếu uý bước ra khỏi hầm. Hai tên lính gác lập tức đóng cánh
cửa lim nặng chình chịch. Tiếng bản lề
rít lên nghe rợn người.
Trong
phòng làm việc đồn Cáo đang hỏi cung cô du kích, đồn Cáo vốn háu gái. Hắn cũng
say mê đàn bà như là say mê gà mái Ba Tổng. Nhìn người thôn nữ có khuôn mặt
trái xoan, cặp má bầu, đôi mắt đầy vẻ bí ẩn, viên đại uý rót cho cô một cốc
nước lọc rồi hỏi bằng tiếng Việt:
-
Cô tên là gì?
Xoan
gườm gườm nhìn tên Đồn trưởng, buột
miệng nói ra một cái tên chẳng liên quan gì đến mình:
-
Nguyễn Thị Gái.
-
Ở làng nào, tổng nào?
-
Xa lắm .
-
Đang đêm vượt sông làm gì?
-
Đi buôn.
-
Hãy trả lời cho nghiêm túc! - Đồn Cáo bắt đầu cáu – Tên Việt Minh bị bắt giữ
chức vụ gì trong chính quyền Việt Minh?
-
Ông ấy không phải Việt Minh mà là bạn buôn của tôi.
-
Này cô em! Đừng có đùa với một sĩ quan quân đội Liên hiệp Pháp. - Đồn Cáo hếch
cái mũi khoằm, phóng cặp mắt diều hâu vào khuôn ngực đang phập phồng dưới lần
áo mỏng của cô du kích – Chúng mày bí mật sang sông là để móc nối với du kích
nằm vùng bên Ba Tổng âm mưu đánh đồn Tuần. Chả lẽ bảy tên Việt Minh bị xử bắn ở
cầu Vàng trong vòng mấy tháng qua không làm các người sáng mắt ra?
Xoan
thoáng rùng mình:
-
Dưới mắt các ông, có lẽ tất cả người dân vùng này đều là Việt Minh?
-
Phải. - Đồn Cáo gừ gừ trong vổ họng - Đừng nói con cà con kê nữa. Cô nghĩ chúng
tôi là trẻ con đấy hả? Hắn là Lê văn Vận. Tháng tám năm bốn nhăm, khi Việt Minh
giành được chính quyền hắn làm Chủ tịch huyện. Đầu năm bốn bảy, quân đội Liên
hiệp trở lại, Vận cùng đám tay chân vượt sông Lăng lên vùng Mai Động. Từ lâu
Việt Minh mất đất vì dân chúng đã biết rõ bộ mặt thật của chúng nên gần đây mới
bí mật cử người về gây dựng cơ sở.
-
Các ông đã biết nhiều thế thì còn hỏi chúng tôi làm gì?
-
Thế có nghĩa là cô thừa nhận?
-
Không bao giờ. - Xoan lắc đầu bảo - Chúng tôi là dân buôn, vì mang hàng lậu,
ban ngày sợ bị bắt nên phải đi đêm.
-
Hàng đâu? - Đồn Cáo túm cổ áo cô gái xé toạc một bên vai gầm lên – Nếu không
khai thật ra, tao sẽ lột truồng mày vứt xuống bunker dưới kia cho bọn lính Bắc
Phi nó giải sầu.
-
Lúc sang sông, canot các ông làm đắm thuyền mất hết cả rồi.
-
Nói láo!
Cùng
lúc ấy, Khúc Văn bước vào nói bằng tiếng Pháp :
-
Đại uý bớt nóng. Việc này không thể vội vàng được. Giờ ngài hãy đi nghỉ. Ngày
mai tỉnh táo biết đâu ta phát hiện được cái gì đó.
Đồn
Cáo gật đầu:
-
Thiếu uý nói phải. Dù sao thì chuyến này chúng ta đã thành công sau bao ngày
đêm giăng lưới. Tôi phải đề nghị với Bộ Tổng tham mưu vinh thăng thiếu uý.
Đồn
Cáo và Khúc Văn thay phiên nhau thẩm vấn hai tù nhân. Đến lượt viên đại uý hỏi
cung Lê Văn Vận. Khác với cấp phó của mình, gã Đồn trưởng thiếu khả năng kiên
trì đối phó với loại Việt Minh cứng đầu cứng cổ. Hắn là quân nhân, có nghĩa vụ
chấp hành mệnh lệnh cấp trên, không thuyết lý dài dòng vô bổ về các thứ chủ
nghĩa bát nháo do những nhà triết học lẩm cẩm nghĩ ra. Hắn cầm chiếc dùi cui
sơn hai mầu đen đỏ dứ dứ trước mặt Lê Văn Vận:
-
Ông phải biết điều một chút. Cô gái đã khai hết rồi. Bây giờ hỏi ông chẳng qua
chỉ là để xác minh lần cuối cho đúng thủ tục. Hãy nói thật đi, ông sang sông
bên này bắt liên lạc với những ai?
Vận
nghĩ thầm. Nó hỏi thế chứng tỏ cô Xoan vẫn chưa khai. Thằng Khúc Văn tuy biết
mình rất rõ nhưng không có bằng chứng gì kết tội được. Tốt nhất là vãn giữ
nguyên lời khai ban đầu, còn sự việc sau này thế nào sẽ tuỳ cơ ứng biến.
-
Tôi đã nói rồi. Từ cuối năm bốn bảy tôi đã từ bỏ hàng ngũ Việt Minh chuyển sang nghề buôn chuyến.
Đồn
Cáo nhe răng gầm gừ:
-
Chúng mày nói dối giống hệt nhau. Đồ con lợn!
Hắn
vung vẩy chiếc dùi cui bất ngờ quật vào mặt Vận. Cú đánh rất hiểm, máu chảy
ngoằn ngoèo dọc theo gò má làm anh ta choáng váng.
-
Thế nào? - Đồn Cáo hỏi - Đã nhớ ra chưa?
-
Đã bảo chúng tôi không liên quan gì đến Việt Minh. Ông đánh mãi cũng vậy thôi.
Lần
này là cú đá trời giáng vào bụng dưới làm Vận thót người lại, gập xuống như cây
chuối bị đốn ngang. Trời đất tự nhiên quay tít. Mọi vật trong hầm giam tự nhiên
phát ra thứ ánh sáng ngũ sắc. Đồn Cáo xòe bàn tay hộ pháp như cái chổi sể nâng
cằm Vận lên, nhìn xoi mói vào mắt anh ta giễu cợt:
-
Tôi phục bản lĩnh cộng sản của đồng chí nhưng đừng bao giờ ảo tưởng về một nền độc lập của xứ An Nam
này tách rời Đại Pháp. Hãy thành thật khai ra sẽ thoát được án tử hình.
Vận
nhắm nghiền mắt, tóc bết mồ hôi rủ xuống vầng trán nóng hầm hập nhưng vẫn không
chịu mở miệng. Đồn trưởng tiếp tục ra đòn. Hắn nhảy bổ vào ông Chủ tịch như một
con thú đói mồi. Người Vận nhàu như tàu dưa héo, thỉnh thoảng lại bật ra những
tiếng hự hự.
Cũng
vào thời điểm ấy, Khúc Văn vốn trầm tĩnh đã phải nổi điên bởi sự gan lỳ của cô
lái đò. Toàn thân Xoan hầu như chỗ nào cũng có những vệt thâm tím rỉ máu. Hắn
bĩu môi khiêu khích:
-
Cô trung thành với Việt Minh để rồi có kết cục như ngày hôm nay thật xứng đáng
là bậc liệt nữ hy sinh
cho chủ nghĩa cộng sản cuồng tín.
-
Những kẻ bán nước như các ông làm sao hiểu được niềm tin của nhân dân vào chủ
nghĩa cộng sản.
-
Như vậy, cho đến giờ cô đã tự nhận mình là Việt Minh?
-
Thì đã sao? - Người phụ nữ du kích khẽ nhếch cặp môi sưng vếu thều thào.
-
Được lắm . - Khúc Văn dằn giọng - Ngày mai cô sẽ bị xử bắn.
Xoan
biết mình không tránh khỏi cái chết. Chết lúc này thì trẻ quá. Cô chưa đầy
hai mươi, thậm chí chưa có được một mối
tình. Nghe nói, những cô gái chết trẻ chưa chồng, linh hồn không được siêu
thoát, quanh suốt tháng lang thang đầu bờ, xó bụi, chỉ đến rằm tháng bảy mới
được hưởng chút cháo thí cúng chúng sinh. Lòng cô thoáng xót xa. Giá mà đừng
vào đội du kích, cứ làm một thôn nữ bình thường như cái Hoa cái Mận rồi lấy
chồng, đẻ con thì làm gì đến nỗi như bây giờ. Công bằng mà nói, cả tên Đồn
trưởng mũi lõ đến gã Khúc Văn đẹp trai không phải lúc nào cũng mất hết nhân
tính. Chúng có phần đúng khi nói về hạnh phúc của người đàn bà là những thứ rất
cụ thể chứ không phải thứ ảo tưởng xa vời. Mong cho ngày mai chúng xử bắn ngay
đi, để thêm vài hôm nữa có khi không chịu được đòn, mình khai ra mất. Cái chết
của một nữ du kích như mình có ý nghĩa thế nào với cuộc kháng chiến nhỉ?
-
Cô đã nghĩ kỹ chưa? - Khúc Văn lại đốt điếu thuốc, phả khói mù mịt, hỏi nữ tù
nhân bằng giọng chán nản.
-
Có gì mà phải nghĩ.- Xuýt nữa thì Xoan phát khóc may mà kìm được bằng cách quát
lên - Tôi chấp nhận cái chết.
-
Thật phí một đời con gái.
Nói
xong viên Đồn phó lẳng lặng bước ra khỏi phòng giam. Hắn bảo tên lính gác:
-
Mang thức ăn vào cho cô ta.
Sáng
mười chín tháng chín, đồn Cáo cử một đội áp tải mạnh đem LêVăn Vận và cô Xoan
xuống cầu Vàng xử bắn. Đó là một cây cầu sắt ba nhịp, do người Nhật xây dựng từ
năm bốn ba, cách đồn Tuần hai chục cây số về phía thượng lưu sông Lăng. Từ mấy
năm nay, theo lệnh của viên quan Năm chỉ huy secteur Đông Triều, hễ bắt được
Việt Minh đột nhập từ các vùng tề là mang xuống đấy hành hình.
Sở
dĩ có cái lệnh kỳ quái này là bởi đầu năm bốn bảy, Henry Trancart còn là tham
mưu trưởng trung đoàn bộ binh Lê dương số 7, một lần cùng viên chỉ huy Lupain
đi xe Jeep thị sát mặt trận đường 22, qua cầu bị du kích đánh mìn. Quan Tư chỉ
huy trung đoàn chết ngay tại chỗ còn ông ta bị trọng thương phải đưa về cấp cứu
tại bệnh viện Đồn Thuỷ. Từ đấy Henry Trancart căm thù Việt Minh đến tận xương
tuỷ, ra lệnh cho chỉ huy các đồn binh xử bắn du kích ngay tại chỗ trước đây họ
định sát hại mình cho hả giận.
Chiếc
canot Normandie cắm cờ tam tài chạy ngược sông Lăng chừng một giờ sắp đến bến
Tràng thì gặp chiếc xuồng máy nhãn hiệu Hoa Kỳ từ phía cầu Vàng xuống. Trên
xuồng là bác sĩ Pirard, phụ trách quân y secteur Đông Triều, bạn thân của quan
Năm Henry Trancart. Anh ta ra hiệu cho canot dừng lại rồi nhảy lên Pont. Đồn
Cáo ấn lệch chóp mũ chào mào sang một bên, đứng nghiêm theo đúng tác phong nhà
binh.
-
Xin chào thiếu tá. Ngài có việc gì ạ?
-
Nghe nói đại uý sắp đem xử bắn một nữ du kích?
-
Không phải một mà là hai tên, thưa ngài !
-
Cho tôi xem mặt cô ta.
-
Thiếu tá cứ tự nhiên, họ đang ở trong khoang.
Pirard
bước vào khoang giữa nhìn Xoan và Lê Văn Vận một lúc khá lâu. Anh ta cầm tay cô
gái như là bắt mạch xem bệnh rồi quay về phía đồn Cáo bảo :
- Hình như cô ta có mang ...
-
Thưa thiếu tá, nó là một con Việt Minh nguy hiểm.
Pirard
nhún vai nói bằng tiếng Anh:
- Nói ở đây không tiện, mời đại uý xuống xuồng
máy của tôi một lúc.
Hai
người vừa nhảy xuống xuồng, viên bác sỹ quân y nói dằn từng tiếng :
-
Trong tháng này đại uý đã hành quyết bốn người trong đó có một phụ nữ. Hôm nay
thêm hai nữa là sáu. Chẳng lẽ sức mạnh của quân đội Liên hiệp Pháp lại là ở chỗ
dùng tiểu liên bắn vào một thiếu phụ đang mang thai bị trói hai tay.
Đồn
Cáo cau có :
-
Nhưng tôi phải chịu trách nhiệm trước thiếu tá chỉ huy quartiere Nam Thành và
tình trạng an ninh của vùng hữu ngạn sông Lăng. Chúng ghê gớm lắm. Thiếu tá
không hình dung được đâu.
Viên
bác sĩ nheo mắt nhìn gã đại uý tham mưu qua cặp kính trắng:
-
Ông có thừa nhận đó là một cô gái đẹp không?
-
Đẹp. - Đồn Cáo gật đầu - Như một bông dã quỳ vùng nam sông Loire.
-
Vậy sao nỡ nâng súng bắn vào một bông hoa, đại uý?
Đồn
Cáo có vẻ đã bị thuyết phục, giọng hắn lấp lửng:
-Thưa
thiếu tá, hình như ngài bắt đầu phải lòng con bé Việt Minh?
-
Không hẳn là như thế. - Viên bác sỹ nheo mắt đầy ý nghĩa. - Về tên Việt Minh
kia, mặc ông xử trí, nhưng còn cô bé, hãy giao cho tôi, cứ nói là đưa về phòng
Nhì để tiếp tục lấy cung. Việc sau đó thế nào tôi sẽ chịu trách nhiệm trước
ngài chỉ huy secteur. Ông sẽ nhận được một ngân phiếu năm ngàn quan nếu biết
cách im lặng.
Khoản
tiền quá lớn làm chiếc mũi khoằm của đồn Cáo nở ra, cặp mắt xanh ánh lên vẻ
tinh quái.
-
Được, nhưng với điều kiện ngài phải mang cô ta đi khỏi nơi đây càng xa càng
tốt.
Tay bác sĩ gật đầu ngay:
-
Đại uý nói đúng. Đầu tháng tới tôi sẽ nghỉ phép.
Gabriel
lên canot. Hắn bảo tên đội Languele và bọn lính áp tải:
-
Thiếu tá Pirard yêu cầu mang con Việt Minh về phòng Nhì. Cấm mọi người bép xép.
Ai làm lộ chuyện sẽ bị xử bắn vì đây là lệnh của chỉ huy secteur.
Xoan
được hai tên lính dìu sang xuồng máy. Pirard tiêm cho cô một mũi trợ sức rồi
nói một tràng tiếng Pháp. Người thông ngôn dịch:
-
Quan đốc tờ bảo, phải nói dối cô có chửa để cứu tính mạng.
Canot
tiếp tục hành trình. Đến cầu Vàng, đồn Cáo ra lệnh ghé vào bờ rồi đưa Lê Văn
Vận lên trụ số ba. Trên mặt trụ, không hiểu sao, người Nhật để một khoảng trống
hình mũi tên rộng chừng hai thước vuông nhô ra phía trước. Đây chính là nơi
những người bị coi là Việt Minh không chịu hợp tác với nhà nước Đại Pháp chịu
án tử hình. Xác họ rơi xuống chân cầu vài ngày sau mới nổi lên ở một bến nào đó
dưới hạ lưu.
Đội
Tảo lấy dải băng định bịt mắt Lê Văn Vận. Anh ta lắc đầu bảo:
-
Không cần !
Viên
đội nhìn đồn Cáo nói một câu tiếng Pháp. Tên đại uý gật đầu:
-
Thôi được, cứ để cho anh ta nhìn dòng sông, bầu trời và cảnh vật quê hương lần
cuối trước khi xuống địa ngục làm khách của thần Hades.
Lúc
sắp ra lệnh nổ súng, đồn Cáo bảo Vận :
-
Nếu ông thay đổi ý định vẫn còn kịp đấy.
Vận
nhổ nước bọt trúng mặt hắn rồi chửi tục:
-
Đồ chó!
-
Bắn! - Viên đại uý gầm lên.
Chú thích:
(1) Rượu gạo
chưng cất thủ công
(2) Thuốc cảm cúm
dạng bột hoặc dạng viên nén
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét