6. ĐÔ
GIÁM LƯƠNG ĐĂNG
Hoa càng khoe tốt, tốt càng
rữa
Nước
chứa cho đầy, đầy ắt vơi.
( Tự thán 15 - Quốc âm thi tập - Nguyễn
Trãi)
Giáo sư Hoàng Nguyên thật tinh đời. Đỗ Chí Cao và Ngô Tháp cũng
không chọn lầm người. Quyển Ngũ, phần
chữ Nôm cổ giao cho Bùi La Việt phiên âm và bình chú là quá chí lý.
Khi ông Cao và ông Thấp đến gặp, lại có thư tay của Giáo sư Hoàng Nguyên, chủ trang Website
“Thọt bỉ nhân” nhận lời ngay.
- Ai bảo thì tôi
còn cân nhắc, chứ thầy Hoàng Nguyên bảo là tôi không thể chối từ - Bùi La Việt
nói - Nhưng hai anh phải thư thư cho tôi một thời gian. Tôi đang có một đề tài
của Viện phải làm gấp. Tuần này lại có một công ty địa ốc mời đi lễ động thổ.
Cao đưa mắt cho
Thấp. Hiểu ý,Thấp vội lấy phong bì trong cặp ra.
Bùi La Việt gạt
tay, giọng lạnh như băng:
- Các anh cất
phong bì đi. Đây là việc tâm linh. Ngay từ ngày mồng một đầu tháng tôi đã biết hôm nay
hai anh đến. Việc này không nên tính bằng tiền. Việt đã nhận lời là sẽ làm hết
mình.
Hai ông văn
hóa biết là gặp kẻ thức giả, khiêm nhường mà trọng nhân nghĩa, chỉ rối rít xiết
tay cám ơn rồi về nhà chờ đợi.
Lâu lắm,
Tiến sĩ Bùi La Việt mới gặp một bản Nôm cổ giàu chất văn chương và thế sự.
Thường là người ta hay nhờ anh dịch văn bia, sắc phong, gia phả, thần phả, thơ
Nôm. Các trước tác văn học thuộc Viện Hán Nôm quản lý thì anh đâu đến lượt.
Huống chi đây lại là câu chuyện về hiền tài, nguyên khí mọi thời. Bùi La Việt
mua hương hoa, rồi thành kính đặt bộ sách lên ban thờ, khẩn cầu hương hồn Ức
Trai tiên sinh và quan Lễ nghi Học sĩ.
Đọc những trang đầu của bộ sách, cũng như
giáo sư Hoàng Nguyên, Bùi La Việt biết ngay là sách « độc », cả về
văn bản học, cả về văn hóa học. Quyển Ngũ là phần khảo dị, bình chú cho bộ «Long Thành tạp ký” của tác giả Ứng nhân Đoàn Khâm. Quyển này viết bằng ba
thứ chữ khác nhau do quan Tả thị lang, Trung thư lệnh
Đoàn Sinh, hậu duệ bốn đời của Đoàn Khâm viết vào thời Mạc Đăng Doanh (1530 –
1540), rồi được hai hậu duệ họ Đoàn tên là Đoàn Lương và Đoàn Thiện Phổ, không
rõ năm sinh năm mất, ghi tiếp vào thời Trịnh Tùng, đầu thế kỷ XVII. Xem ra bộ
sách «Long thành tạp ký» có vẻ giống
với bộ «Hoàng Lê nhất thống chí »
của nhóm « Ngô gia văn phái » sau này, tức là tác giả là một tập thể những
văn sĩ họ Đoàn, muốn tập hợp thành «Đoàn
gia văn phái» để viết chung một cuốn sách gửi lại hậu thế.
Bùi La Việt
gọi điện ngay cho giáo sư Hoàng Nguyên thông báo về điều này. Giáo sư biểu lộ
đồng tình ngay. Ông thông báo lại: «Mình đã dịch xong chương về Lễ nghi Học sĩ
Nguyễn Thị Lộ. Đang sắp dịch tới chương về Ức Trai tiên sinh. »
Phần bình
chú về tác giả «Long Thành tạp ký »,
cả Đoàn Sinh và Đoàn Lương, Đoàn Thiện Phổ đều tỏ ra rất kính phục và trân
trọng Ứng nhân Đoàn Khâm. Họ rất hãnh diện và tự hào khi biết tổ khảo mình là
học trò của Nguyễn Khuê, con trai cả của Nguyễn Trãi. Khi đó, Đoàn Khâm đang
làm thư lại cho giám quan Đinh Phúc, hằng ngày hầu việc cho giám quan, tối về
phường Hàng Rượu giúp vợ con cất rượu và ôn luyện kinh sử. Khóa thi tháng 3 năm
Nhâm Tuất (1442), Đoàn Khâm đã tình nguyện cắp tráp hầu thầy Nguyễn Khuê đi dự
thi ở Quốc Tử giám, nhưng đến phút chót thì thầy Khuê lại rút tên trong bản ghi
danh. Lý do: khóa
thi ấy quan Hàm lâm viện Thừa chỉ kiêm Quốc tử giám Nguyễn Trãi được mời từ Côn
Sơn về làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội đầu tiên. Khi thấy con trai cả Nguyễn Khuê
và con trai thứ tư là Nguyễn Bảng cùng ghi tên dự thi, ông đã bảo hai con rằng:
“Thầy biết sức học của các con. So với bọn Nguyễn Trực, Lương Nhữ Hộc, Ngô Sỹ
Liên… và các sĩ tử ghi tên dự thi khóa này, thì các con không hề thua kém họ.
Nhưng các con phải hiểu cho thầy, đây là khóa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều
Hậu Lê ta, đích thân nhà vua ra văn sách, thầy được cử làm Chánh chủ khảo, các
bạn của thầy là Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân, Phan Thiên Tước…đều là các quan
phó chủ khảo, đề điệu, độc quyển. Các con đỗ khoa này thiên hạ sẽ cho là vì
thầy và các bạn thầy thiên vị, mà không đỗ thì người ta lại chê thầy không biết
dạy con. Miệng lưỡi thế gian đầy chông nhọn gai sắc các con ạ… Thầy muốn hai
con suy tính lại, hãy để khóa sau…” Nghe lời cha, cả Nguyễn Khuê và Nguyễn Bảng
cùng rút tên.
Vậy là “Long Thành tạp ký” là bộ sách viết trực
tiếp về thời tác giả đang sống. Đây là tập ký sự chứ không phải tiểu thuyết hư cấu,
nó gần giống như loại sử ký bản kỷ thực lục. Lại nữa, tác giả là một giám sinh
hay chữ, chữ đẹp nổi tiếng kinh kỳ, tuy không đỗ đạt cao, nhưng lại gián tiếp
tham gia vào bộ máy quan lại đương triều: Làm thư lại cho giám quan Đinh Phúc,
sau khi Đinh Phúc, Đinh Thắng bị Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh giết, nhờ sự giới
thiệu của Lân Quận công Đinh Liệt, Đoàn
Khâm được chuyển đến làm nha lại ở Bí Thư các.
Đoàn Sinh đã viết lời bạt cho bộ sách của tổ
khảo với lời văn đặc biệt trân trọng. Ông cũng viết thêm như để bổ sung, chú
thích cho rõ về một số nhân vật và sự kiện mà tác phẩm có đề cập đến, như Hoàng
hậu Nguyễn Thị Anh, Đô giám Lương Đăng, Nội quan Tạ Thanh, sử thần Ngô Sỹ Liên,
các bạn đồng môn, đồng triều và học trò của Nguyễn Trãi…
Bùi La Việt có
thói quen chỉ bắt tay vào dịch khi đã nắm được cốt truyện, đường dây của tác
phẩm và các nhân vật. Vì thế anh để hẳn nửa tháng để đọc hiểu tác phẩm, trước
khi bắt tay vào phiên âm từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ.
Khi phiên dịch
đến nhân vật Lương Đăng, La Việt vội lấy “Đại
Việt sử ký toàn thư ” ra đối chiếu, và chợt
hiểu ra khúc nhôi sự tình, vì sao Nguyễn Trãi kiên quyết xin cáo quan về
ở ẩn?
***
Bây giờ nói về Lương Đăng.
Ông người phủ Kiến Hưng, trấn
Sơn Nam.
Lúc trẻ dáng nho nhã thư sinh, học giỏi, có tài đối đáp. Hồi giặc Minh sang
diệt họ Hồ, bắt cha con Hồ Quý Ly và đồng bọn giải về Kim Lăng, sau đó Trương
Phụ và Mộc Thạnh ngầm nói với các tướng sĩ rằng: “ Theo lệnh của Minh triều, phải lùng tìm những người ẩn dật ở rừng
núi, người có tài có đức, thông minh chính trực, giỏi giang xuất chúng, thông
kinh giỏi văn, học rộng có tài, quen thuộc việc quan, chữ đẹp tính giỏi, nói
năng hoạt bát, hiếu đễ lực điền, tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh dũng cảm, quen
nghề đi biển, khéo các nghề nung gạch làm hương…lục tục đưa dần bản thân họ về
Kim Lăng, trao cho quan chức, rồi cho về nước làm quan phủ, châu, huyện…” (1)
Lương Đăng thuộc
loại người trên, đang tuổi học trò, được đưa về Kim Lăng cho đi hoạn rồi cho
vào trường học làm hoạn quan. Vốn thông minh, lại khéo tay, giỏi biện luận,
Lương Đăng trở thành một hoạn quan xuất sắc.
Bấy giờ Lê Thái Tổ đã lên ngôi,
nhưng vẫn chưa được nhà Minh sắc phong. Năm Tân Hợi, Thuận Thiên thứ tư,(1431), sau khi bọn chánh sứ Lê Nhữ Lãm, phó sứ Hà Lật và
Lê Bính sang nhà Minh cầu phong, vua Minh sai bọn chánh sứ là Hữu thị lang
Chương Xưởng và Thông chính ty hữu thông chính Từ Kỳ mang ấn sắc phong Lê Lợi
làm Quyền thự An Nam Quốc Sự. Cùng đi với bọn Chương Xưởng chuyến ấy còn có cả bọn Lương Đăng cũng
được cho y phục, tiền nong theo về.
Chương Xưởng nói với Huyện thượng hầu Lê Sát:
- Lương Đăng là
quan hoạn giỏi, hơn hai mươi năm ăn lộc nhà Minh, được giáo hóa chu đáo, trên
thông thiên văn dưới tường địa
lý, lại thạo về lễ nhạc, y phục, Vua ta
muốn giữ lại trong nội cung, nhưng nể sứ thần các ngươi bẩm tấu nhiều lần, mới
cho về để giáo hóa cho người Nam. Quan
Đại tư đồ hãy lưu tâm trọng dụng.
Lê Sát ngầm hiểu đó là mệnh lệnh của thiên
triều, nên ra sức nâng đỡ. Đến khi Lê Sát làm phụ chính cho vua Lê Thái Tông thì Lương Đăng đã đứng
hàng đầu trong đám quan hoạn, được tấn phong chức Lỗ bộ ty giám, rồi Đô giám.
Nếu như ngoài
triều, hai lộng thần Lê Sát, Lê Ngân thâu tóm hết quyền lực, thì chốn hậu cung
Lương Đăng và Tạ Thanh cũng thay nhau làm mưa làm gió. Phủ đệ của Lương Đăng
không lúc nào không có khách phương Bắc. Họ thường đi theo các sứ đoàn, mang
nhiều hàng sang đổi chác hoặc bán với giá đắt, ép triều đình phải mua. Mỗi lần
có sứ thần phương Bắc tới, như bọn Chương Xưởng, Từ Vĩnh Đạt, Quách Tế hay bọn
Chu Bật, Tạ Kinh…, viện cớ Lương Đăng biết tiếng thông thạo, Đại tư đồ Lê
Sát thường kéo Lương Đăng đến khách quán
thết yến tiệc, bày trò chơi để xem và bàn chuyện rất lâu.
Hồi bọn Chu Bật
sang báo việc vua Minh Anh Tông lên ngôi,(1436), Bật lên mặt đạo đức giả, liêm
khiết, không chịu nhận tặng vật vàng bạc, nhưng lại ngầm đưa mắt cho bọn Lê
Sát. Biết ý, Lê Sát ngầm nói với Lương Đăng nhân lúc rót rượu, lấy mấy nén vàng
ấn vào lòng bọn Bật. Bọn Bật mừng rỡ
khôn xiết. Chuyến ấy, khi đoàn sứ thần về nước, triều đình phải bắt gần một
nghìn dân phu khiêng gánh đồ cống vật và hành lý của bọn Chu Bật.
Năm Thiệu Bình
thứ tư, 1437, mùa xuân, tháng giêng, vua Lê Thái Tông sai Hành khiển Nguyễn
Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc
múa.
Hành khiển
Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng:
- Kể ra, đời
loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không
có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình
là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám
không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh
luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn
tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc.”(2)
Giữa Nguyễn Trãi
và Lương Đăng bất đồng về quan niệm, kiến giải trong việc biên soạn nhạc điển,
xây dựng phẩm phục, triều nghi. Nguyễn
Trãi nặng về phục dựng, cách tân vốn cổ âm nhạc, như các điệu rí ren xứ Hoan
Châu, các điệu hát đối, hát cửa đình,
hát dân gian xứ Kinh Bắc, mà hồi
ấy gọi là nhạc dâm, tức là nhạc dân gian, nhạc bình dân, thì Lương Đăng lại
muốn bê nguyên xi lễ nhạc cung đình, mũ mãng, triều phục của vua và bá quan văn
võ, các mỹ nữ cung tần, các xe kiệu, nghi trượng của nhà Đường, nhà Tống và nhà
Minh phương Bắc.
Hành Khiển Nguyễn Trãi tâu với vua:
- Mới rồi, bọn
thần cùng với Lương Đăng hiệu đính nhã nhạc, nhưng kiến giải của thần không
giống với Lương Đăng, thần xin trả lại công việc được sai.”(3)
Sau khi Tư đồ Lê
Sát, Tư khấu Lê Ngân bị vua bức chết,
nhất là khi Nguyễn Trãi xin rút khỏi công việc, cáo quan về Côn Sơn ở
ẩn, thì bọn hoạn quan Lương Đăng, Lương Dật, Tạ Thanh… tha hồ làm mưa làm gió.
***-
“ Đoàn gia văn phái” đã bổ sung cho“Long Thành tạp ký” mảng tiểu sử về hoạn quan Lương Đăng mà lâu nay
các nhà nghiên cứu còn rất mơ hồ. Chính Bùi La Việt, cũng không thể ngờ nhân
vật này lại từng có thời gian “tu nghiệp và hành nghiệp” ở Yên Kinh tới hai
mươi ba năm. Lương Đăng hầu như đã bị Hán hóa, đã trở thành quan lại của nhà
Minh. Và hình ảnh ông quan hoạn từng đối đầu với Nguyễn Trãi ấy cứ ám ảnh trong
đầu Việt.
Đêm ấy, trong
giấc ngủ chập chờn, Bùi La Việt thấy mình đi đò dọc sông Tô Lịch. Con sông xanh
biếc, nước trong leo lẻo, chạy từ kinh thành Thăng Long về vùng Tả Thanh Oai,
rồi vòng sang Đại Áng, Nhị Khê. Khi cô lái đò cắm sào ở cầu Vân, Việt vừa lên
bờ đã thấy một ông già râu dài, tóc trắng, quần áo trắng, như một tiên ông,
đứng đợi sẵn dưới gốc đa. Ông già không đội mũ cánh chuồn, không mặc triều
phục, nhưng Việt nhận ra ngay quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi. Cuộc gặp gỡ
bất ngờ này khiến Việt bối rối. Anh cúi người, chắp hai tay trước ngực.
- Con là
Bùi La Việt, kính chào Ức Trai tiên sinh. Con biết gần sáu trăm năm nay nỗi oan
ngất trời chưa làm Người siêu thoát...
Ức Trai gạt tay:
- Đừng nói vậy.
Siêu thoát hay không là ở bản ngã mỗi người. Ta thấy mình đã siêu thoát ngay
khi triều đình hạ đao xuống cổ ta. Sống mà còn đau đáu việc đời, tức là chưa
siêu thoát, chứ chết là đã vào cõi vô vi, chấm dứt mọi sự vinh nhục…
- Dạ, tiên sinh
có điều gì muốn chỉ giáo?
- Con về Nhị
Khê, lẽ ra ta phải dẫn đến Ao Huê, vườn Ổi, gò Mai…
nói về chuyện dạy học, đạo văn chương, hay ít ra ta cũng cải chính với người
đời về câu chuyện rắn báo oán mà bọn ác tâm dựng lên để đổ tiếng xấu cho quan Lễ nghi Học sĩ Nguyễn
Thị Lộ… Nhưng thấy con đang muốn biết về Lương Đăng, ta phải nói với con đôi
lời.
- Dạ, đó là điều
con muốn được nghe Người dạy…
Giọng Ức Trai bỗng
trầm buồn:
- Chuyện có chính kiến khác nhau
về điển nhạc, chuông khánh, xe kiệu, mũ mãng cân đai là chuyện bình thường. Mỗi người đều có cách lựa chọn
riêng. Ta không trách Lương Đăng nhiều về điều ấy. Ta chỉ muốn người đời sau
hiểu: Lương Đăng là ai?
Bùi La Việt vội
thưa:
- Dạ, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép lời của
Bùi Cầm Hổ tâu với vua Thái Tông về con người này: “Bệ hạ lên ngôi tới nay, hay
thay đổi phép cũ của Thái Tổ, như Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng, Tiên đế cho là
người hơi hiểu biết, dùng làm Nội nhân phó chưởng, sau thấy hắn khúm núm, không
thể gần gũi được, cho ra làm văn đội. Nay lại cho hắn làm quan tới chức Đô giám
Trung thừa. Xin bệ hạ nghĩ lại.”
Ức Trai nói:
- Vậy đó. Thế mà
Hoàng thượng vẫn sủng ái hắn. Ta rất buồn vì nhà vua không nhận biết Lương Đăng
là kẻ vong bản …
Bùi La Việt nói:
- Dạ thưa,
Lương Đăng đã được phương Bắc đào tạo rất bài bản. Nói theo cách nói thời hiện
đại bây giờ là Thiên triều đã cài người vào nội bộ của ta…
- Không chỉ cài người mà đã cắm
người chỉ đạo, điều hành - Ức Trai nói - Con có biết tại sao khi thảo “Bình Ngô đại cáo”, nhắc đến vua nhà
Minh, ta rất căm giận hạ đến câu: “Thằng
nhãi ranh Tuyên Đức” không? Đức vua
Lê Thái Tổ khi đọc đến câu này Người nhìn ta cả cười, khen rằng ta rất hiểu bụng Người. Một nghìn năm Bắc thuộc, các
triều đại phương Bắc rất muốn đồng hóa, muốn xóa sổ nước ta. Nhưng chúng không làm được.
Đến khi giặc Minh sang, chúng vô cùng sửng sốt khi trải qua các triều đại Đinh,
Lê, Lý, Trần, đặc biệt thời Lý, Trần, văn hóa Đại Việt ta lại phát triển rực rỡ
và giàu bản sắc đến như vậy. Việc vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu, vua Lý
Nhân Tông cho mở trường Quốc Tử giám, khiến văn học, văn hóa, văn hiến nước Đại
Việt ta phát triển rực rỡ. Con có biết tại sao ta viết nhiều thơ Nôm không? Vì
rằng thời nhà Trần, kể từ Hàn Thuyên, tiếng Việt đã được dùng để trước tác văn
thơ, được dùng để giao dịch. Văn tự chữ Nôm nước ta phát triển cực thịnh. Chúng
ta có nhiều tác giả khổng lồ từ thời Lý, như
ba vị Đại thiền sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh. Rồi dòng Vô
ngôn thông với những bậc đại trí Mãn Giác Thiền sư, Không Lộ Thiền sư, Giác Hải
Thiền sư, Viên Chiếu Thiền sư … Sang thời Trần, khi chữ Nôm cực thịnh, mở ra
dòng văn học của Thiền phái Trúc Lâm, mà Phật hoàng Trần Nhân Tông là một đỉnh
núi. Thời này có những danh sĩ như Trương Hán Siêu, sư biểu Chu
Văn An… rạng danh bốn cõi. Ta nhớ, khi ở Thanh Hư động với ông ngoại ta, suốt
ngày ta chìm ngập trong các kệ sách. Tầng tầng các kệ sách chữ Nôm bên cạnh Tứ
thư, Ngũ kinh, thơ Đường, thơ Tống… Khi trở về kinh thành, được vào tập sách
tại Quốc Tử giám để dự thi Thái học sinh của nhà Hồ, ta mê man trong thế giới
chữ của các sư biểu Hàn Thuyên, Chu Văn An và các trường phái thơ văn Lý,
Trần... Chưa bao giờ các trước tác của người Nam phong phú, rực rỡ như thời ấy.
Vậy mà giặc Minh kéo sang, như cơn gió đen, quyét sạch cơ đồ của nghìn năm.
Triều đình nhà Minh lồng lộn lên khi thấy văn hóa Đại Việt phát triển ngoài sức
tưởng tượng của chúng. Chúng truyền cho bọn Trương Phụ, Hoàng Phúc, rồi sau này
là Vương Thông bằng mọi giá phải đốt hết, chôn hết, cướp hết, triệt hạ văn hóa
Đại Việt, đồng hóa người Việt, biến Đại Việt trở về thời thuộc quốc như Giao
Chỉ, Cửu Chân ngày xưa. Bọn Lương Đăng chính là lực lượng nằm trong âm mưu triệt
phá văn hóa Đại Việt của chúng. Nhà Minh
gấp rút đào tạo một tầng lớp nha lại người Việt, trong đó có bọn hoạn quan, đưa
về nước ta để thực hiện âm mưu cai trị, làm sao cho người Việt dần trở thành
người Hán, biến nền văn hóa nước ta giống như
văn hóa phương Bắc. Đặc biệt thâm độc là chúng cho đốt hết các bản sách
chữ Nôm của ông cha ta trước tác trong mấy trăm năm, thu hết những tinh hoa văn
học, văn hóa mang về Kim Lăng, bắt các trường phải dạy chữ Hán, các nha môn
phải giao dịch bằng văn tự Hán…Cho nên ta buồn và thất vọng vì vua Thái Tông
không nhận ra dã tâm thâm độc này, không nhận ra chân tướng của Lương Đăng.
Lương Đăng đã trở thành người Hán, đã là Việt gian…
Bùi La Việt
cố nhắc lại:
- Dạ, Người vừa
nói Lương Đăng nằm trong đội quân xâm lược ngầm của Minh triều?
Ức Trai ngao
ngán:
- Thấy vua hí
hửng, xúng xính trong mũ miện, áo long cổn, ngồi trên ngai báu, nghe nhã nhạc
do Lương Đăng chế ra, mà ta tưởng như Bắc triều thu nhỏ… Ta thấy mình bất lực.
Biết không phải là thời của mình, vì thế ta xin cáo quan…
- Dạ, đó là một
bước lùi?
- Ta biết đó là
cái hèn của kẻ sĩ. Người có học thường
muốn tránh xa sự lố bịch, thứ rác rưởi. Như thế là yếm thế, bạc nhược, khuyến
khích lũ tiểu nhân thắng thế… Nhưng thử hỏi lúc ấy ta biết làm gì? Nhà vua thì
còn con trẻ, ham chơi, không biết nghĩ gì đến xã tắc. Mà ông vua trẻ này lại
đang nắm giữ quyền lực, có trong tay binh quyền, khí giới và nhung nhúc bọn xu
nịnh…
- Dạ, quyền lực
không đặt đúng chỗ sẽ giết chết mọi khát vọng…
Ức Trai đưa một
ngón tay lên:
- Hãy nhớ rằng,
Nguyễn Thị Anh khi đó vào được nội cung, rồi phế ngay Hoàng hậu Dương Thị Bí
lên ngôi vương hậu, cũng là nhờ có Lương Đăng…
Ức Trai nói xong
câu ấy thì phẩy tay, đi mất.
Bùi La Việt
bừng tỉnh. Bàng hoàng mãi về một giấc mơ kỳ lạ.
Bằng linh cảm của một nhà ngoại cảm có khả
năng nói chuyện với người âm, Việt biết rằng rồi anh sẽ còn được gặp Ức Trai.
Anh thắp
một nén hương lên ban thờ, rồi lại cặm cụi dịch tiếp phần viết về Lương Đăng.
***
Lại nói về Lương
Đăng.
Sau khi làm cho
Nguyễn Trãi trúng kế, tự tâu trình với vua xin “trả lại công việc được sai”,
rồi liền sau đó đệ đơn xin từ quan, thì Đăng vô cúng đắc ý. Từ đó, Lương Đăng
độc chiếm công việc soạn nhã nhạc, đóng xe kiệu, may phẩm phục, thêu mũ mãng,
sắm nghi trượng. Như ngầm có sự hậu thuẫn từ triều đình phương Bắc, các phái
viên sứ thần triều Minh ra vào nhà Đăng như đi chợ. Đăng cho xây bao một khu
đất rộng ở phường Thụy Chương dùng làm công xưởng, tuyển thợ khéo từ các nơi,
đưa quan thầy từ bên Bắc quốc sang. Bến
Đông trở thành nơi tập kết hàng núi lụa là gấm vóc Hàng Châu, Tô Châu, đồ kim
hoàn mỹ nghệ, ngọc trai Giang Nam, mây tre gỗ quí Tứ Xuyên, Ba Thục…rồi chuyển
về các công xưởng của Lương Đăng. Từng đoàn ca kỹ phương Bắc với đủ các loại
nhạc cụ đến ăn dầm nằm dề hàng mấy tháng trời tập hát xướng các điệu nhà trò
cung đình Minh triều, rồi được Đăng chọn lựa dâng lên hầu thánh thượng.
Nhà vua trẻ suốt
ngày bị bủa vây bởi mỹ nữ cung tần và bọn quan hoạn Lương Đăng.
Nhưng mưu đồ của
Lương Đăng không dừng lại ở đấy.
Việc lần lượt
các ái phi Lê Ngọc Dao con Đại tư đồ Lê Sát, Lê Nhật Lệ con Đại đô đốc Lê Ngân
bị vua phế bỏ, báo cho Lương Đăng một tín hiệu: Vua Thái Tông đang còn ở tuổi
chơi trò trốn tìm, vẫn chưa dừng cuộc truy đuổi mỹ nhân. Và người đẹp Dương Thị
Bí hãy coi chừng. Ngay cả khi nàng được phong Hoàng hậu và con nàng được phong
Hoàng Thái tử thì đó vẫn chưa phải là bến đỗ cuối cùng.
Cho nên, khi
Lương Đăng nhìn thấy Quản lĩnh cấm vệ Lê Nguyên Sơn dắt theo một cô gái đến nhà
quan Nội mật viện Nguyễn Phù Lỗ, thì ông thực sự choáng váng về vẻ đẹp lộng lẫy
của nàng. Là một hoạn quan, mất khả năng có con, nhưng ham mê tình ái thì trái
lại, ở Lương Đăng lúc nào cũng phừng phừng như lửa cháy bên trong. Những năm
tháng ở Kim Lăng, được vinh hạnh phục vụ trong chốn hậu cung triều đình nhà
Minh, Lương Đăng đã được sống những ngày không thể nào quên, đã hiểu thế nào là
đời sống của giới quan hoạn cung đình. Ranh giới cấm kị đặc biệt với quan hoạn
là các hoàng hậu, ái phi, công chúa. Nhưng vẫn có những trường hợp đặc biệt,
như viên hoạn quan giả Lao Ái đã lén lút thông dâm với Thái hậu Triệu Cơ, mẹ
của Tần vương Doanh Chính, có đến hai đứa con với bà ta …Còn thì đối tượng của
các hoạn quan lại là đám cung tần mỹ nữ, đám kẻ ăn người ở. Không còn “của ấy”
thì luyến ái bằng mắt, bằng tay, bằng miệng lưỡi. Mất cái này thì phải phát
triển cái kia để bù đắp lại. Một số tàng thư chốn thâm cung bí sử Trung Hoa,
như Tố Nữ kinh, Mai Hoa kinh từng đúc kết rằng, cơ quan sinh dục đàn ông không
phải chỉ thuần túy là cái dương vật. Còn có các giác quan khác, như mắt, miệng,
lưỡi, tay… làm cho đàn ông chết cuồng và đàn bà quằn quại. Vì thế, thèm khát
tình dục và khả năng tình ái của lũ quan hoạn còn bạo liệt và dữ dội hơn cả bọn
cuồng dâm. Thế cho nên, những quan hoạn đẹp trai khỏe mạnh như Lương Đăng là
niềm mơ ước của các cung tần, mỹ nữ và các mệnh phụ. Hầu hết những cung tần
trước khi được tuyển vào cung vua đều đã phải lột trần truồng trước mắt Lương Đăng
để kiểm tra, sát hạch, đều phải qua vòng tay ma mị, bàn tay diệu nghệ và cái
lưỡi thần kỳ như rắn, như cá của Lương Đăng để được huấn luyện những ngón nghề
trước khi dâng hiến mình rồng.
Cho nên, khi
thoáng thấy nàng Nguyễn Thị Anh trong dinh thự của quan Nội mật viện Nguyễn Phù
Lỗ, thì Lương Đăng choáng váng. Trong óc ông ta vụt hiện lên cuộc tình đầy ma mị của
Lã Bất Vi với nàng ái thiếp Triệu Cơ. Khi thấy Tử Sở, con vua nước Tần mê nàng,
Lã Bất Vi liền gán nàng Triệu Cơ đang mang thai cho kẻ si tình. Ô, Lã Bất Vi buôn vua, sao ta
lại không biết buôn mĩ nhân?V à Lương Đăng lại nhớ đến Mao Diên Thọ, kẻ đã hoạ
bức hình người đẹp Vương Chiêu Quân để dâng cho vua Hung Nô. Bây giờ, chẳng cần
hoạ hình, người đẹp Nguyễn Thị Anh đã ở ngay trong nhà quan Nội mật viện đây
rồi.
Lại nói về
Nguyễn Thị Anh.
Nàng vốn tên cha
sinh mẹ đẻ là Nguyễn Thị Ẻ. Cái tên Nguyễn Thị Anh là do Lê Nguyên Sơn đặt cho
nàng khi nàng từ biệt làng quê, theo Sơn xuống đò.
Chuyến đi từ Bố Vệ trấn Thanh Hóa ra Thăng
Long là một cuộc hải giang hành kỳ ảo. Lê Nguyên Sơn đón Thị Anh đi từ bến sông
làng, lúc theo thuyền buôn chuyến dọc bờ biển, vượt qua cửa Thần Phù, lúc lên
bộ băng qua những cánh rừng, những xóm nghèo vắng vẻ, lúc nằm đò dọc ngược sông
Thanh Quyết, qua Dục Thúy sơn, Kẽm Trống…, sơn kỳ thủy tú, thật không bút nào tả xiết.
Cuộc hành trình
hơn một tuần trăng. Ban đầu Ẻ còn e lệ, cách bức. Lê Nguyên Sơn thấy Ẻ quá đẹp, nhiều lúc không
cầm lòng được, nhưng nghĩ đến việc sẽ dâng thị cho đức vua, nên đã hết sức kìm
nén. Sau rồi, những bài hát rí ren trên sông nước quyến rũ, cảnh sơn thủy hữu
tình, những đêm trăng bát ngát, khiến cả hai luôn nghĩ về nhau, nhìn nhau đắm
đuối với nỗi khát thèm tưởng không thể kìm nén được. Lê Nguyên Sơn đã có vợ, xa
đàn bà lâu ngày, nhiều khi cơn thèm trỗi dậy cào xé. Còn Thị Ẻ đang tuổi bẻ gãy
sừng trâu, sự thèm khát lúc nào cũng dâng lên nóng bừng mặt, bỏng khô lưỡi.
Nhìn vồng ngực, cánh tay Sơn cuồn cuộn, khiến Thị Ẻ càng ham muốn Sơn đến ngây
dại.
Rồi một đêm
trăng. Lừa lúc chủ thuyền cắm sào nơi bến vắng, Sơn đưa cho lão một nén bạc sai
vào trong làng mua rượu thịt. Thế rồi con thuyền trở thành tổ uyên ương. Họ
chèo thuyền ra giữa dòng, lao vào nhau như hai kẻ khát thèm nhau cực điểm. Lần
đầu tiên trong đời, nàng Ẻ không hề biết thẹn thùng, trái lại, nàng tự cởi váy
áo, phô bày trước trăng một toà thiên nhiên ngồn ngộn, nõn nà, non tơ. Còn Lê
Nguyên Sơn, chàng ngây ngất đến tột cùng. Chàng bỗng thấy mình lên ngôi đế
vương, một ông vua “bất chiến tự nhiên thành”. Như mãnh thú thưởng thức con
mồi, chàng cúi xuống đặt một nụ hôn vào giữa huyệt đạo, nàng Ẻ liền run rẩy
cong mình lên và bật tiếng rên…
Từ đêm
trăng ấy, nàng Ẻ có tên là Nguyễn Thị Anh và được Lê Nguyên Sơn truyền dạy cho
những ngón nghề tình ái. Đến lượt Sơn, chàng có thể chết được mỗi lần yêu.
Thị Anh có người
chú họ là quan Nội mật viện Nguyễn Phù Lỗ. Ông Lỗ theo Lê Lợi từ Lam Sơn,
chuyên theo hầu trong màn trướng, rất được tin dùng. Việc quan Lỗ bộ Đô giám
Lương Đăng xuất hiện ở nhà quan Nội mật viện là một cơ may nghìn vàng đối với
cả Thị Anh và Lê Nguyên Sơn. Khi Nguyễn Phù Lỗ giới thiệu cô cháu gái và có ý
nhờ quan Đô giám tiến cử Thị Anh vào cung, trong lòng Lương Đăng đã khấp khởi
mừng, nhưng ngài vẫn lắc đầu:
- Khó lắm. Trong
mắt Hoàng thượng lúc này chỉ có Hoàng hậu Dương Thị Bí mà thôi. Cô nương đây
trông cũng sắc nước hương trời, nhưng vẫn còn quê mùa lắm…
Nguyễn Phụ Lỗ
vào nhà trong, đút mấy thỏi vàng trong tay áo, rồi ra nói riêng với Lương Đăng:
- Tôi coi con bé
như con đẻ. Quan Đô giám không giúp thì cháu nó lại đành phải trở về Bố Vệ để
làm ruộng, thì khổ bà chị họ tôi, mà tôi cũng không còn mặt mũi nào về quê…
Ngài nói một tiếng với Hoàng thượng là con bé sẽ được đổi đời. Tôi tuy nghèo,
nhưng gọi là có chút lễ mọn, nhờ quan lo giúp.
Lương Đăng nhận
lễ, nhưng vẫn tỏ ra chần chừ.
Lê Nguyên Sơn
nói:
- Bẩm hai quan.
Trước khi về quê, kẻ hèn mọn này đã tâu với đức vua về nàng Thị Anh. Hoàng
thượng hứa khi nào dâng người đẹp lên, người sẽ ban thưởng …
Lương Đăng chợt
nhớ ra quan hệ thân tình giữa tên lính cận vệ đẹp trai này với ông vua trẻ sau
cái lần con voi con của nhà vua sa xuống giếng, vội nói:
- Thôi được. Nể
quan nội mật viện lắm, tôi sẽ tiến cử cô cháu gái ngài với đức vua. Sau này nếu
được Hoàng thượng sủng ái thì cả tôi và ngài đều được nhờ…
Quan nội mật
viện nói:
- Dạ, ơn quan
ngài như trời biển. Thị Anh con, đến lạy
quan Đô giám đi.
Thị Anh liếc
nhìn Lê Nguyên Sơn rồi đến quỳ trước mặt Lương Đăng.
Lương Đăng đỡ
Thị Anh dậy và nói:
- Lần gặp Hoàng
thượng đầu tiên sẽ vô cùng trọng đại. Vì thế không thể vội vàng. Muốn được lọt
vào mắt xanh của Hoàng thượng thì phải học lễ nhạc, học cách đi đứng và lời ăn
tiếng nói. Rất may là sắp tới xưởng thêu may của ta sẽ dâng lên Hoàng thượng và
Hoàng hậu mẫu triều phục mới. Nàng sẽ mặc bộ xiêm y đẹp nhất để đức vua thưởng
lãm.
Ngay ngày hôm
đó, Nguyễn Thị Anh được đón vào tư dinh của quan Đô giám Lương Đăng.
Trong ba bà vợ
của vua Lê Thái Tông, trong hàng trăm phi tần hiện thời, không ai đẹp bằng
Nguyễn Thị Anh. Nàng có một thân hình kiều diễm, làn da ngà ngọc và những đường
cong bất hủ. Nhìn nàng khỏa thân trong bồn tắm, soi mình trong gương, quan hoạn
Lương Đăng không kìm nổi dục vọng. Nàng đã đánh thức toàn bộ bản năng của ngài,
cào cấu tim gan ngài, rậm rựt từng li ti huyết quản của ngài, buộc ngài phải
hiện nguyên hình một con đực lâu nay bị giấu kín.
Với danh nghĩa
một thầy dạy, truyền những ngón nghề luyến ái để nàng phục dưỡng đức vua, nhưng
thực ra chính ngài lại là kẻ chiếm đoạt, khám phá. Ngài rền rĩ, kêu the thé vì
quá mãn nguyện.
Thế rồi đã đến
ngày nạp cung.
Vua Lê Thái Tông
ngây ngất, đờ đần trước vẻ đẹp kiêu sa lộng lẫy của Nguyễn Thị Anh.
Ngay đêm ấy,
trong cơn say chuếnh choáng, ông vua trẻ 17 tuổi sai bọn Lương Đăng, Đinh Phúc,
Đinh Thắng đưa quý phi Nguyễn Thị Anh vào nội tẩm của ngài.
Chú thích
(1) Đại Việt sử ký toàn thư.
(2), (3) Đại Việt sử ký toàn
thư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét