Ký ức làng
Cùa
Tiểu
thuyết của Đặng Văn Sinh
Chương chín
1
Đầu
tháng sáu năm Giáp Ngọ, một anh bộ đội quân phục sĩ quan, mũ lưới, súng ngắn
bên sườn, vai mang ba lô vào làng Cùa. Anh ta vừa định bước qua cổng thì có hai
du kích xách súng chặn lại hỏi:
-
Anh là ai? Vào làng có việc gì?
Người
sĩ quan gườm gườm nhìn tay du kích lé mắt rồi lấy ra tờ giấy đưa cho anh ta :
-
Tôi là Khúc Luận, con trai bà Cả Huê, hiện đang ở trung đoàn...
Một
trong hai du kích có cái mũi khoằm, súng lăm lăm trong tay, chỉ cần viên sỹ
quan hơi động đậy một chút là anh ta sẵn sàng cho ăn đạn. Tay
lé mắt xoay ngược tờ giấy đánh máy chụp con dấu đỏ nhìn một lúc rồi đưa cho
người mũi khoằm. Anh này cũng không biết chữ đành ngẩng lên nhìn chằm chằm vào
anh bộ đội hỏi :
-
Tên gì ?
-
Đã bảo là Khúc Luận, có ghi trong giấy ấy. Các anh không đọc được à?
-
Câm mồm! - Người mắt lé quát.
-
Anh là con ông Chánh Đàm?
-
Thì sao?
-
Đi theo chúng tôi.
Lúc
ấy trời đã nhá nhem. Khúc Luận cảm thấy làng Cùa có chuyện bất thường định tính
nước tháo lui nhưng không kịp nữa rồi. Ba du kích còn khá trẻ chẳng biết ở đâu
bất chợt hiện ra tước ngay khẩu súng ngắn, quàng dây thừng trói giật cánh khuỷu
dẫn về đình Cả. Chỉ ít phút sau anh ta bị tống vào hậu cung, nơi trước đây khoá
Kiệt đã từng giam Lê Bang và bà Cả Huê. Người mũi khoằm khoá cửa xong bước ra
sân bảo đám du kích ngồi ngoài sân:
-
Sáng mai phải đưa tên phản động họ Khúc ra cho bà con bần cố nông đấu tranh.
-
Hắn về từ bao giờ?
-
Lúc chiều.
-
Đáng đời cho quân địa chủ bóc lột. Chuyến này thì mẹ con nhà nó khó tránh khỏi
tử hình .
Quá
nửa đêm, vào lúc Khúc Luận trằn trọc không ngủ được vì muỗi quá nhiều, đang
nghĩ kế thoát thân chợt nghe như có tiếng động vào ổ khoá. Cánh cửa khẽ bật ra.
Một người tóc tai rối bù, mặt trát nhọ nồi đen sì vào cởi trói cho Khúc Luận
rồi nói khẽ :
-
Cậu trốn ngay đi, nếu không ngày mai Đội Cải cách xử bắn đấy.
-
Anh là ai mà lại cứu tôi?
Người
tóc rối thì thầm:
-
Tôi là Thường Rỗ, cậu quên rồi à?
-
Anh Thường! Mẹ tôi…
-
Bà Cả bị giam trong chuồng trâu nhà Phó lý Kiền cùng với đám Chánh Bang. Tình
hình căng thẳng lắm.
Khúc
Luận đã định đi nhưng lại nắm tay Thường Rỗ hỏi:
-
Anh làm thế nào có được chìa khoá?
Thường
Rỗ bảo:
-
Chúng không biết khoá này có hai chìa. Ông Lý Quỳnh đưa cho tôi. Thôi đi đi.
Chúc cậu chân cứng đá mềm và nhớ từ nay đừng bao giờ về làng Cùa.
-
Rất cảm ơn anh nhưng tôi sợ anh bị liên lụy.
Thường
Rỗ ấn vào tay Khúc Luận gói cơm nắm, thủng thẳng bảo:
-
Tôi là thằng tá điền trên răng dưới dái, Đội Cải cách làm đếch gì được.
Khúc
Luận không dám đi cửa chính. Anh ta lẻn vào gian nhà để đòn khênh, trèo tường
đình rồi nhảy xuống bụi tre nhà quản Thụ sau đó chạy ra khu đồng Chó Đá. Sáng
sớm, anh ta qua sông Lăng ở bến Vạn Điền, thế là thoát nhưng mất toi khẩu súng
lục. Đến cồn Vành, Khúc Luận định rẽ sang kẻ Bòng thăm ông ngoại nhưng ngẫm
nghĩ một lúc lại thôi. Có lẽ anh ta không muốn nhớ lại quá khứ.
Sau
vụ ám sát Lê Văn Vận, Khúc Luận sang làng Bòng, được ông ngoại hết mực cưng
chiều, chỉ có hai thằng cháu là Lê Văn Khải và Lê Văn Nghiên là lúc nào cũng
nhìn ông cậu xấp xỉ tuổi chúng bằng con mắt nghi ngại. Mùa hè, cả bọn rủ nhau
ra cồn Vành bắt cá. Khúc Luận có tài đâm đinh ba còn hai anh em Lê Văn Khải
đánh giậm. Một lần chúng cược nhau thi thả diều. Điều kiện đặt ra là diều của
ai đẹp nhất, bay cao nhất, đứng yên nhất và sáo kêu hay nhất thì thắng cuộc.
Khải và Nghiên mỗi thằng làm một con diều bề ngang to bằng chiếc quạt lúa, dài
năm thước ta, dán nhật trình, phất cậy rồi lại táp thêm một lớp giấy bản nổi
màu nâu sẫm trông chẳng khác gì lá buồm cánh dơi để nằm ngang. Khải có sáng
kiến gắn quả bầu khô vào phía dưới ba chiếc sáo đại mua của ông Phó Đá tận kẻ
Sung. Diều lên cao, gió thổi qua miệng sáo làm vang lên những chuỗi âm thanh u
u lúc gần lúc xa, lúc cao lúc thấp hoà với giọng trầm trầm như tiếng tù và phát
ra từ quả bầu nậm tạo thành bản nhạc lạ tai làm cả làng phải ngẩng đầu nghe.
Diều
của Khúc Luận gần bằng chiếc chiếu một, hai mũi cong lên trông như sải cánh con
chim cắt lúc lượn trên cao đuổi mồi. Thằng bé không phất cậy lên giấy nhật
trình mà cất công mấy ngày liền đi chặt nhựa sung mang về bồi giấy dó. Để tăng
vẻ đẹp, Khúc Luận còn bắt ông lái mua giấy trang kim cắt thành hoa lá chim cò
dán vào mặt dưới con diều. Riêng về bộ sáo, cậu ta đóng liền năm chiếc, khi
diều bay, sáo kết thành bè, từ âm vực thấp đến âm vực cao hoà vào nhau nghe rất
du dương. Nhìn chiếc diều đẹp mã, Lê Văn Nghiên bảo với anh:
-
Có khi chúng ta thua mất.
Thằng
anh động viên em:
-
Chưa chắc, muốn biết diều có tốt hay không phải nhìn xem nó bay thế nào đã.
Về
dây, cả hai bên đều dùng loại gai bện xoắn do ông lái mua từ chợ Lành, quấn
thành cuộn lớn, dùng bao nhiêu cũng được. Hôm ấy là một buổi chiều tháng tám.
Trời trong xanh. Gió heo may rất thuận lợi cho việc thả diều. Anh em Lê Văn Khải
thả trước. Con diều vừa rời khỏi tay Nghiên đã vút lên. Sau mấy lần nhao qua
nhao lại nó đạt độ cao ổn định, bắt đầu thả xuống cồn Vành tiếng vi vu mơ hồ
của thứ âm nhạc từ chín tầng mây. Phía bãi cỏ bên này, Khúc Luận nhờ thằng Cấp
đâm diều. Thằng bé đen như cột bồ hóng, suốt ngày cởi trần chăn trâu thuê cho
ông Phó lý Điện. Nó là khắc tinh của các loài chim trời bằng cây súng cao su
bắn đạn đất nung. Dạo ấy Cấp chơi thân với thằng bạn từ bên kia sông Lăng sang,
có hôm nó bắn được cả một xâu chim, hai đứa vặt lông, đốt lửa nướng ăn ngay tại
bãi chuối giữa cồn. Thực ra thỉnh thoảng Luận và Cấp cũng cãi nhau nhưng chỉ
được nửa buổi lại rủ nhau đi đâm cá. Chính gã chăn trâu thuê đã dậy cậu công tử
làng Cùa ngón nghề này.
Con
diều có vẻ kềnh càng lại khá nặng, thằng Cấp loay hoay mãi mới tung lên được.
Nó vọt nhanh theo một đường vòng cung rất rộng sau đó cứ ngúc ngoắc như là con
nhang đang lên đồng rồi từ từ rơi xuống một gò đất. Khúc Luận cởi trần, người
lấm tấm mồ hôi hì hục sửa dây lèo. Một miệng sáo bị sứt. Cậu ta chậc lưỡi xuýt
xoa chẳng khác gì chính mình vừa bị đứt tay. Thằng Cấp mang bát nhựa sung dán
lại những chỗ giấy bị bong ra rồi lệnh khệnh vác lên gò đứng de chân chèo đón
gió. Cuối cùng chiếc diều cũng bay lên nhưng không hiểu do hai cánh mất cân đối
hay bộ sáo quá nặng nên thỉnh thoảng lại giật một cái như là người thọt đi bộ
gặp phải đường lắm ổ gà.
Hai
con diều đua nhau chao lượn giữa vòm trời trong xanh không một gợn mây. Vũ điệu
của chúng thật nhịp nhàng, lúc sang phải, lúc dạt về bên trái, lúc uốn thành
vòng tròn duyên dáng như những nghệ sỹ nhào lộn điêu luyện trên sân khấu xiếc.
Tuy nhiên, nhìn bằng mắt thường diều của Khúc Luận lên cao hơn. Cậu ta khoái
lắm vênh mặt bảo anh em Lê Văn Khải:
-
Thấy chưa, phen này diều của tao chắc thắng.
Thằng
Nghiên bĩu môi chê:
-
Khung diều của cậu bị lệch cánh thỉnh thoảng lại giật một cái.
-
Ai bảo mày thế? - Khúc Luận hỏi vặn.
-
Nhìn thì biết việc gì phải hỏi, mà hình như sáo của cậu bị vỡ, nghe tiếng nó cứ
rè rè như mèo hen.
-
Còn hay hơn nhiều cái quả bầu khô của chúng mày. Tao nói đúng không Cấp?
Thằng
Cấp vốn vẫn phục Khúc Luận được đi học cái gì cũng biết nên bênh nó:
-
Còn phải nói, năm ống sáo nhất định phải hay hơn tiếng ù ù của quả bầu.
-
Được để rồi xem.
Lê
Văn Khải khẽ giật dây một cái. Con diều đang bay bỗng vọt lên cao rồi bất ngờ
bổ nhào về phía trái lao vào diều Khúc Luận làm nó loạng choạng như con cắt bị
gẫy cánh sau cuộc đọ sức với diều hâu, đâm xuống khoảng ruộng trũng phía bên
kia bãi ngô non. Cánh diều bị ngập nước
phù sa còn phần đuôi chổng ngược lên rách một miếng lớn. Nhìn cảnh tượng ấy,
Khúc Luận chẳng nói chẳng rằng xông vào đấm Lê Văn Khải mấy quả liền. Thằng
Nghiên thấy anh bị đánh liền túm áo Khúc Luận thét lên:
-
Cậu không được đánh anh cháu.
Ông
cậu đang tức vì thua cuộc, mất mặt liền tiện tay tát thằng cháu một cái nổ đom
đóm mắt. Thế là một cuộc ẩu đả tay ba xẩy ra làm bọn trẻ trâu xúm lại vỗ tay cổ
vũ cho cả hai bên:
-
Đánh nữa đi! Đấm mạnh vào! - Một thằng chân dài như chân sếu, người gầy nhằng,
gào lên.
Thằng
Đáp lùn, tròn như hạt mít lấy ống tay áo quệt ngang mũi, khịt một cái rồi nhẩy
lên như con choi choi:
-
Thằng Khải túm chân! Kìa, nó ra đòn phía sau.
Thằng
Cấp đứng ngoài, thấy Khúc Luận tuy khoẻ nhưng một không thể chọi được hai cũng
lao vào túm tóc Lê Văn Nghiên, thụi liền mấy quả vào ngực nó. Chiếc áo kaki của
Khúc Luận bị xé toác một vạt. Lê Văn Khải môi sưng vếu, tay bị thằng Cấp khoá
chặt nhưng chân vẫn quặp cổ nó. Lúc này Lê Văn Nghiên và Khúc Luận đang bóp cổ
nhau. Cả hai đều thở hồng hộc, mắt vằn tia máu. Khúc Luận to xác lại nhiều tuổi
hơn nhưng không dai sức bằng Lê Văn Nghiên. Nó cố sức thoát khỏi hai cánh tay
thằng cháu nhưng không được liền ghé răng cắn một phát vào bắp tay đối thủ. Lê
Văn Nghiên đau quá thét lên một tiếng vội buông cổ Khúc Luận.
Khi
ông Lái Lự và bà Hai ra đến nơi thì mọi sự đã kết thúc. Hai anh em Khải Nghiên
quần áo tả tơi, mồm miệng sưng vếu đang
hối hả cuốn dây. Khúc Luận ngồi phệt xuống bãi cỏ, mặt lầm lầm thỉnh thoảng lại
nhổ nước bọt. Lái Lự lại bên Khúc Luận hỏi:
-
Làm sao các cháu đánh nhau?
Cậu
cả ngẫm nghĩ thế nào bỗng nhiên khóc nấc lên:
-
Mẹ ơi!
-
Tối rồi, về thôi cháu. - Ông lái dắt Khúc Luận đứng dậy. - Tối nay ta sẽ cho
anh em thằng Khải một trận.
Sau
chuyện cậu cháu xô xát vì con diều, Khúc Luận nghĩ đến việc trốn về làng Cùa
một phần vì tức anh em Lê Văn Khải nhưng
cái chính là nhớ cô em họ xinh đẹp. Tuy mới bước nào tuổi mười lăm mà cậu ta đã sớm có nhu cầu khám phá thế giới
bí mật của đám đàn bà con gái đang tuổi dậy thì. Cô em con ông chú ruột hơn
Luận những bẩy tám tuổi, lại đã từng có mang với một Việt Minh nằm vùng rồi bỏ
làng đi biệt tích vậy mà hình bóng cô ta lúc nào cũng luẩn quẩn trong tâm trí.
Giá như Nhân không mang họ Khúc thì nhất định cậu sẽ bắt mẹ Cả mang trầu cau
đến hỏi. Trên đời sao lại có người con gái dịu dàng, xinh đẹp đến thế. Mà cô ta
cũng thật nhẹ dạ cả tin, đem tình yêu và sự trong trắng trao cho một gã cha
căng chú kiết đến nỗi thành goá bụa. Lại còn Ngô Quỳnh nữa, không biết bằng
phép mầu gì mà lão chài được cô ấy? Mình mà có quyền trong tay phải dùng roi
mây quất cho gã Lý trưởng hai mang ấy mấy nhát vào mông để cảnh cáo về tội dám
coi thường con trai Chánh tổng.
Tháng
ba, đã cuối tiết xuân. Trời ấm dần nhưng vẫn còn những trận gió mùa đông bắc
tràn về. Ngô non khẽ rì rào. Những búp dâu mơn mởn xoè ra dưới màn mưa bụi.
Thỉnh thoảng trời hửng. Một dẻ nắng vàng óng bất chợt từ chỗ nứt ra giữa những
cồn mây xám bập bềnh trôi. Cỏ non mọc miên man như tấm thảm xanh chạy dài đến
tận bờ sông. Những gò đất lô xô nở toàn hoa cải dại kết lại thành từng đám vàng
sậm như ráng chiều. Hoa cải dại nồng nồng lẫn vị cay cay như mùi gừng nướng lan
toả trong buổi sớm mai làm lũ sơn tước đỏm dáng dậy từ lúc tinh mơ bay xập xoè,
chao đi chao lại như là đang tắm trong mùi hương quyến rũ của đồng nội.
Vào
dịp ấy, người làng Bòng , làng Miễu ven cồn Láng và đầm Vực thường vác lưới
đánh chim ngói, chim xanh. Cồn Láng còn trồng các loại đậu. Mùa đậu chín, chim
kéo về hàng đàn, rình lúc vắng người đáp xuống mổ hạt ăn. Lũ sẻ đá và chim ngói
khôn ranh chỉ rỉa những quả đã tách vỏ. Sau khi đã ních đầy diều chúng còn dồn
hạt vào hai bìu cổ để dành cho lũ con sắp ra ràng đang thi nhau há cái mỏ đỏ
hỏn, viền vàng kêu chiêm chiếp vì đói.
Anh
em Lê Văn Khải và Khúc Luận cũng bắt chước bọn choai choai trong làng xách đồ
nghề đi bẫy liếu điếu. Liếu điếu là giống chim lắm điều. Chúng đậu ở đâu là chỗ ấy inh ỏi như một đám cãi
nhau. Bẫy chim vùng kẻ Bòng là một bộ gọng tre hình bán nguyệt mắc lưới gai,
đường kính bốn năm thước ta. Khi đặt lưới, người ta đóng cọc nhỏ cố định hai
đầu cánh cung để tránh xê dịch, buộc chim
mồi, rắc thóc, ngụy trang vài cành lá móc tươi sau đó vào bụi ngồi chờ.
Liếu điếu vốn hiếu động, tuy chân bị buộc vẫn nhảy nhót mổ thóc ăn làm cho đồng
loại ở trên trời rủ nhau sà xuống. Đợi cả đàn họp lại đúng vào chỗ rắc thóc thì
nhẹ nhàng kéo dây cho bẫy sập. May lắm mới có một vài chú thoát hiểm. Bị bất
ngờ, đàn chim nhảy loạn xạ, bùng nhùng trong tấm lưới, than vãn bằng thứ âm
thanh vô cùng thảm thiết. Gần trưa đồng bãi đã vãn người. Anh em Khải, Nghiên
hôm ấy gặp may, được cả một đàn liếu điếu béo múp gần ba chục con trông chẳng
khác gì chim cút đồng tháng mười bên
vùng Ba Tổng. Trong khi ấy Khúc Luận vẫn lủng lẳng chiếc lồng rỗng với cặp chim
mồi ủ rũ, vai vác lưới luồn lách giữa đám ruộng dâu mãi cuối bãi. Cậu ta là tay
thích chơi trội, trong những cuộc so tài với các bạn cùng lứa thường ít khi
chịu kém cạnh. Qua vụ thả diều, Khúc Luận càng ghét hai anh em nhà họ Lê, định
bụng hễ có dịp sẽ trổ tài để chúng phải tâm phục khẩu phục. Có một đàn không
biết là chim gì, mình đen bụng trắng, cổ khoang đỏ từ bên kia lượn vài vòng rồi
hạ xuống cánh bãi. Khúc Luận mừng lắm, hạ lưới, thả chim mồi rồi giòng dây vào
ruộng dâu ngồi đợi. Lũ chim lạ có vẻ tinh khôn. Chúng rủ nhau đậu trên cành dâu
vừa rỉa lông vừa hoài nghi nhìn con chim mồi khác giống đang nhảy nhót một cách giả tạo giữa đám thóc
vàng. Một con hình như là đầu đàn xoè cánh bay lướt qua để kiểm tra hư thực sau
đó trở lại cành dâu kêu chíp chíp mấy tiếng liền bằng ngữ điệu rất khẩn cấp. Cả
bầy lập tức bay vút lên. Chỉ một loáng chúng đã ở trên lưng chừng trời để lại
cho gã thợ săn nửa mùa cái nhìn giận dữ.
Vào
đúng lúc ấy, Khúc Luận nhìn thấy chiếc thuyền mủng trên sông Bối sắp chìm. Sông
Bối là một nhánh của sông Lăng chảy vòng phía đông tách vùng đất làng Bòng với
cồn Láng thành hai khu. Tháng sáu tháng bảy nước lũ ngập bãi, phải đi thuyền,
tháng một tháng chạp có thể lội qua được. Cữ này, nước đang lên, thuyền nhỏ
bồng bềnh gặp trận gió mạnh rất dễ bị lật.
Khúc
Luận quẳng lưới, chạy bổ ra bờ sông nhảy ào xuống nước, sải tay bơi mấy cái thì
bắt kịp con thuyền bị nạn. Hoá ra là cô Hót con ông Trương Thiện. Nước chỗ này
không sâu lắm, nhưng vì vướng gánh cỏ và chiếc quai nón quàng cổ thành ra cứ
lúng túng mãi cô ta không ngoi lên được. Khúc Luận gạt quang cỏ ra khỏi thuyền,
tháo quai nón khỏi cằm Hót rồi vòng tay
qua nách ôm ngang người dìu nạn nhân vào bờ. Thực ra cô cắt cỏ chỉ bị choáng tí
chút nhưng vì tóc tai quần áo ướt sũng trông bộ dạng có vẻ như sắp chết đến
nơi. Khúc Luận thọc tay vào miệng ngoáy cổ họng một lúc tức thì cô ta khạc ra
một ít nước đục lờ lờ như màu gạch non.
Cô
Hót xấp xỉ mười tám, nổi tiếng xóm Chuối vì thói lẳng lơ. Năm mười sau tuổi, cô
ta đã phải lòng một gã đò dọc gần ba mươi. Gã này đẹp mã và dẻo mỏ, xuýt nữa
lôi được nàng thôn nữ kẻ Bòng lên chiếc thuyền chở củ nâu từ bến Tràng đi chợ
Buộm. Ông Trương Thiện ra tận bờ sông lôi con gái về đánh cho một trận nhừ tử rồi nhốt vào
buồng. Nhưng chứng nào vẫn tật đấy. Cô gái đang tuổi chanh cốm luôn khao khát
đàn ông một cách bệnh hoạn, hễ gặp đứa con trai nào đến tuổi dậy thì là liếc
mắt đưa tình. Cặp mắt cô ta nhìn đắm đuối, đờ đẫn như kẻ mắc chứng mộng du.
Khạc
hết nước, Hót he hé mắt, vừa hay bắt gặp cái nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống
mình vội khép nhanh lại, đầu ngật sang một bên như là sắp chết đến nơi. Cậu
chàng choai choai cảm thấy tự nhiên người nóng hầm hập , ngập ngừng một lúc rồi
lần cởi chiếc áo cánh trên người cô gái. Chiếc yếm lụa mỡ gà bị tuột dây vắt
lệch sang bên để lộ bộ ngực đầy đặn với cặp vú bánh dày rất mẩy đang phập phồng
theo nhịp thở gấp. Khúc Luận nhìn hau háu vào đôi gò bồng đảo. Lúc ấy có lẽ đã
quá trưa, khắp bãi không một bóng người. Cậu ta mím môi lấy hết sức bình sinh
bế bổng cô cắt cỏ mang vào giữa ruộng dâu. Mưa bụi vẫn bay lất phất nhưng gió
thổi mỗi lúc một mạnh xô đẩy những thân cây mềm lắc lư. Khúc Luận bị ngộp thở
trước cặp vú trắng toát đầy khêu gợi. Cuối cùng, không cưỡng được bản năng đàn
ông, cậu ta vòng hai tay xuống lưng Hót ghì chặt đến mức cô ta rên hừ hừ:
-
Kìa, bỏ người ta ra!
Từ
bé đến giờ chưa khi nào Khúc Luận được vuốt ve một cơ thể người con gái trần
truồng. Hồi còn ở nhà đã có lần nhìn thấy Nhân vừa tắm xong nhưng chỉ một
thoáng cô ta đã khoác được chiếc áo cánh. Theo nhận xét của cậu, Khúc Thị Nhân
có vẻ đẹp dịu dàng của một thiếu nữ sinh ra trong một gia đình nề nếp nhưng
tính tình cô ta lại ương ngạnh chẳng khác gì ông bố hủ nho. Khúc Luận còn bực
mình vì bị Nhân coi là phường ong non ngứa nọc nên càng căm ghét hai gã
đàn ông được cô ta yêu thương. Nhưng rồi thế sự xoay vần, tay Việt Minh chết trôi
sông, Nhân bỏ đi biệt tăm, Lý Quỳnh trơ khấc ra vẫn là anh goá vợ. Đáng đời lão
dê già. Lần đầu tiên trong đời ngửi thấy thứ mùi gây gây của đàn bà, gã thiếu
niên gần như phát cuồng trước một cơ thể ngồn ngộn những đường cong nhất là
vồng ngực nóng hổi với đôi núm vú đỏ như son và cặp mắt đa tình lim dim dưới
đôi mày rậm đen nhánh tựa mực tàu. Trong vòng nửa giờ hắn vần vò khắp người cô
cắt cỏ với thứ khoái cảm đặc biệt của một kẻ phóng đãng bẩm sinh bất chấp cả
thời khắc và hai chú chim mồi đang mắc kẹt
trong tấm lưới gai bùng nhùng mà lúc nhảy xuống sông không kịp gỡ ra.
Phía
đầu bãi, sau khi bẫy thêm được một đàn mười bốn con, anh em Lê Văn Khải trèo
lên gò cao, bắc tay làm loa gọi Khúc Luận nhưng không thấy tăm hơi liền kéo
nhau về. Lúc ấy đã xế trưa. Hai đứa vừa qua sông Bối thì gặp thằng Huyến, con
ông Trương Thiện. Nó hỏi:
-
Chúng mày có thấy chị Hót cắt cỏ bên bãi không?
Nghiên
thoáng nghĩ đến Khúc Luận nhưng lắc đầu bảo:
-
Không thấy.
Thằng
Huyến lại hỏi:
-
Còn chiếc thuyền?
Khải
nháy mắt nhìn em rồi nói :
-
Tao thấy nó được kéo vào bãi dâu.
Nghe
vậy, thằng Huyến sinh nghi, không sang bãi nữa mà chạy bổ về nhà. Một lúc sau
Trương Thiện cùng hai con trai hộc tốc sang cồn Láng và chẳng khó khăn gì đã
túm được hai đứa vẫn còn đang quặp nhau trong ruộng dâu. Trương Thiện nhảy bổ
vào Khúc Luận thoi một quả vào quai hàm nó:
-
Thằng mất dậy! Thế này thì mày giết tao rồi.
Cả
Huyên đạp tiếp một phát vào bụng dưới làm con trai Chánh Đàm cúi gập xuống, mặt
tái nhợt thở hổn hển. Ông Thiện túm tóc cô Hót tát liền mấy cái nẩy đom đóm
mắt.
-
Con đĩ rạc! Về nhà rồi mày biết tay tao.
Khúc
Luận bị trói hai tay. Anh em Huyên, Huyến tròng dây thừng ngang người hắn lôi
xềnh xệch như lão Tạc ba toa kéo lợn từ chuồng ra chọc tiết. Tầm ấy, dân làng
vẫn còn ở nhà, nghe tiếng huyên náo kéo nhau ra ngõ xem. Gã mắc chứng phong
tình bước chệnh choạng trên đường sống trâu, thỉnh thoảng lại trượt ngã như
người say. Ông Thiện ngượng với thiên hạ không dám về làng ngay. Không ai biết
anh chàng ngụ cư mắc tội gì. Hai anh em Huyên, Huyến mỗi khi được hỏi đều trả
lời cụt ngủn:
-
Ăn trộm.
Đến
nhà, Khúc Luận bị Huyên trói vào cột nhà bếp rồi lấy chiếc tay tre vừa chặt vụt
tới tấp vào lưng. Hắn đau quá, oằn người như phải bỏng. Mãi nửa chiều, Trương
Thiện mới điệu con gái về đến nơi. Cô ta vênh váo, chẳng có vẻ gì ngượng ngùng
chạy ngay xuống bếp cởi trói cho nhân tình.
Ông
bố quát:
- Hót, vào
buồng!
Cô con gái cười
nhạt, giọng tưng tửng :
- Người ta
không có lỗi, bố thả cậu ấy ra.
- A! Con
nặc nô! Mày… mày dám…
Khi Lái Lự và bà Hai biết chuyện thì Khúc Luận đã no
đòn. Hắn thấy nhục quá, khóc nấc lên như trẻ con bị mắng oan. Lái Lự vào nhà
nói ngọt xin bảo lãnh cho cháu ngoại về nhưng ông Thiện không nghe.
Tội thằng này
nặng lắm không thể tha được. Chiều nay tôi phải trình với ông Lý để làng xử
phạt.
- Cháu nó
còn nhỏ mong ông nghĩ lại.
Ông Trương phẩy tay :
- Sáng mai
mời ông ra đình mà xin với làng.
Đêm vừa xuống thì bầy muỗi vằn bắt đầu đến thăm cậu
công tử làng Cùa. Gian bếp nồng nặc mùi bồ hóng lẫn với cứt chuột lưu cữu bốc
lên từ khắp các xó xỉnh. Lũ gián chạy rào rào quanh chiếc chạn bát mốc thếch
tìm thức ăn. Chúng dạn đến mức dám bò cả lên người, thò cặp râu vừa dài vừa
cong vào mũi và tai đánh hơi làm Khúc Luận xuýt lộn mửa. Một con cóc cụ nằm bẹp
trong cái hang nông choèn cạnh thùng trấu thỉnh thoảng khẽ nghiến răng. Lão cóc
già có vẻ thoả mãn với thời tiết ẩm ướt, nhìn thứ gì cũng nhão nhoét như cháo
thiu. Trên xà ngang, tiếng mọt nghiến gỗ đều đều, nhẫn nại đến sốt ruột. Cuối
cùng là đôi thạch sùng rửng mỡ đuổi nhau chắt lưỡi rin rít. Trong một không
gian chật hẹp đầy những tiếng động hỗn tạp, Khúc Luận cảm thấy đầu như muốn vỡ
tung ra. Hắn vừa đói vừa buồn ngủ nhưng không thể ngủ. Quá nửa đêm, mệt quá cậu
chàng chợp mắt được một thoáng thì có tiếng động nhẹ bên ngoài. Cánh cửa khẽ hé
ra. Một bóng người lẻn vào cắt dây trói rồi ghé tai thì thầm:
- Trốn ngay
đi!
Hắn còn đang bàng hoàng chưa biết thực hay hư thì cô
Hót lại giúi vào tay một bọc nhỏ:
- Trong này
có bộ quần áo và một ít tiền, cậu đi khỏi làng Bòng ít lâu rồi hãy về.
Khúc Luận luồn trong bóng đêm nhanh như một con mèo ăn
vụng bị chủ tống ra khỏi cửa dù rằng đường trơn, bùn lép nhép thỉnh thoảng lại
trượt ngã. Ra đến bờ sông, hắn cứ dọc con đê bối mà cuốc bộ cho đến sáng tinh
mơ. Tiếng gà xao xác gáy. Màn đêm loãng dần ra và trước mắt là một bãi tha ma
rộng mênh mông. Tháng ba hoa sim chưa nở nhưng hoa mua đã thấp thoáng tím sẫm trên các lối mòn. Đàn ong đi kiếm ăn
sớm lang thang giữa những cánh hoa mò đỏ chót. Thứ hoa này khi mãn khai, mật ứa
ra chân đài, toả hương thơm đặc biệt hấp dẫn các loài côn trùng. Lũ bọ ngựa
kềnh càng như đàn bà chửa sắp đến tháng đẻ nằm phục trên đám mẫu đơn dại rình
chú nhện vàng đang mải miết chăng lưới. Trên cao, chim sẻ đá từ mạn Yên Thái
kéo về. Bọn này gần như suốt ngày chập chờn giữa cánh bãi nổi trồng kê, mắt
trước mắt sau không thấy người là kéo cả đàn xuống mổ những bông sắp chín.
Thêm nửa ngày nữa, tức là đến quá trưa hôm ấy, Khúc
Luận đã rời kẻ Bòng một khoảng cách an toàn mà cánh chức dịch dù có muốn cũng
không thể bắt được nữa. Hắn vừa thất thểu lê bước vừa nghĩ đến thân hình trắng
trẻo, mập mạp đầy nhục cảm của cô Hót. Phải, giá mà lấy được cô ta thì hay biết
mấy. Sau này hắn sẽ đưa cô ta về làng Cùa trình mẹ Cả cưới xin đàng hoàng. Càng
nghĩ Khúc Luận càng căm thù anh em Lê Văn Khải. Tuy không nhìn thấy nhưng hắn
dám chắc kẻ mách lẻo với bố con ông Thiện chỉ là chúng nó. Hắn thề, nếu sau này
gặp lại sẽ làm cho hai thằng cháu phản phúc thân bại danh liệt. Hình như giữa
nhà họ Khúc với nhà họ Lê có tiền oan túc trái chi đây. Bố hắn trước đã bị Lê
Văn Vận giết chết giờ lại đến lượt hắn bị con trai ông ta chơi xỏ. Không được.
Phải trở lại kẻ Bòng cho chúng mỗi thằng một nhát rồi muốn ra sao thì ra. Khúc
Luận quay người , nhưng chỉ được một lúc lại giật mình. Cánh lý dịch giờ này
chắc đang cho tuần đinh truy đuổi. Quay về tức là tự chui đầu vào thòng lọng.
Anh hùng mười năm báo thù chưa muộn. Phải đi đã. Hắn thả lỏng cặp chân gần như
sắp long ra khỏi đầu gối cho nó được tự do. Vậy là cặp chân rẽ trái bắt đầu
chặng đường thiên lý. Khúc Luận là dân ngụ cư, chỉ thông thuộc vùng Ba Tổng. Từ
khi sang kẻ Bòng hắn chưa bao giờ ra khỏi cồn Láng, nhưng kệ nó, đường ở mồm,
khắc đi, khắc đến.
Ngoài bộ quần áo và ít tiền, trong bọc còn có mo cơm
nắm muối vừng. Ngon quá. Bây giờ hắn mới thấy đói thật sự. Hắn ăn một nửa còn
một nửa để dành rồi xuống góc ruộng cạnh đường vốc nước uống. Nước vừa ngọt vừa
mát. Hắn thấy người khoẻ ra nhưng lại bắt đầu buồn ngủ. Đây là con đường về
tổng Mai Sơn tức là lên rừng. Hắn xách khăn gói, tìm bụi cây kín đáo định bụng
làm một giấc rồi sẽ tiếp tục cuộc hành trình. Chợp mắt không biết được bao lâu,
Khúc Luận bị dựng dậy bằng một cú đá rất mạnh vào sườn. Hắn bật lên như chiếc
lo xo bị nén căng. Trước mặt là mấy kẻ râu ria tua tủa dữ dằn chẳng khác gì
tướng cướp. Hắn còn đang ngơ ngác chưa biết sự việc ra sao thì một gã tóc dài
búi lại như củ hành, tay dứ dứ khẩu pạc hoọc hỏi:
- Việt Minh hả? Đi đâu?
Khúc Luận hoảng quá, giọng lập cập như người nói lắp:
- Tôi là . . .
không phải . . . Việt Minh.
- Vậy mày vào rừng làm gì?
- Tôi . . . về nhà.
- Nhà mày ở đâu?
- Làng Cùa.
- Nói láo! – Tên mặt dài , cằm nhọn như lưỡi cày quát.
– Làng Cùa mãi bên kia sông Lăng cách đây mấy ngày đường, mày tưởng chúng tao
mù đấy à?
Tên
búi tóc củ hành bảo:
-
Cứ trói lại giải về trình bang trưởng để ông ấy khu xử.
Trên đường đi, Khúc Luận bị bịt mắt bằng một dải băng
đen chẳng biết bọn người lạ kiếm ở đâu. Tên cằm nhọn gài súng vào bao gỗ, rút
dao quắm vẫn giắt ngang lưng đi trước mở đường. Hai gã đi sau thỉnh thoảng lại
lấy mũi súng thúc vào lưng Khúc Luận. Đường gập ghềnh khó đi có lúc phải lội
qua suối ngập ngang bắp chân. Tầm nửa chiều cả bọn mới về đến nơi. Khúc Luận
được tháo băng. Quang cảnh đầu tiên hắn nhìn thấy trước khi trời tối là một dãy
nhà lợp tranh ẩn dưới tán rừng già. Trên đường đi, Khúc Luận phỏng đoán những
kẻ bắt mình là thổ phỉ. Điều ấy càng được khẳng định bởi cách ăn mặc tạp nham
và thái độ cục cằn, thô lỗ của chúng đối với những người bị bắt cóc.
Đây chính là sào huyệt của trùm phỉ Lý Quán. Lý Quán
là con trai tướng phỉ người Hoa Lý Đại. Trước năm Quý Mùi, Lý Quán đã từng đánh
nhau với Pháp cướp được nhiều vũ khí của bọn mắt xanh mũi lõ. Chỉ sau hai năm,
hắn mở rộng địa bàn hoạt động làm dân chúng các tổng Mai Sơn, Nghĩa Lân và Cổ
Đạo vô cùng khốn khổ. Đại bản doanh của Lý Quán trước đóng ở rừng Nghĩa Lân,
bên ngoài có mấy trạm gác được bố phòng khá kiên cố. Cuối năm Thân, quân đội
Nhật chiếm vùng Lạc Sơn, kỵ binh Phù
Tang đánh cho toán phỉ Tàu này một trận tơi bời phải bỏ sào huyệt chạy về Mai
Sơn. Sau năm Mậu Tý, một mặt Lý Quán bắt
tay với Việt Minh, một mặt vẫn ngấm ngầm xây dựng căn cứ, bổ sung lực lượng,
mua sắm thêm vũ khí chờ thời cơ chống lại chính quyền mới. Hắn thường cho quân
đón lõng ở nơi hẻo lánh gần cửa rừng bắt đàn bà con gái mang về “sơn trại” rồi phao tin là Việt Minh
bắt người tống tiền. Dân trong vùng sợ Lý Quán như cọp. Hắn tìm được một kho vũ
khí của Nhật để lại trước khi về nước nên Việt Minh mấy lần bao vây, tập kích
đều thất bại.
Khúc Luận bị trói hai tay quặt ra phía sau lưng đưa
vào gặp trùm phỉ. Đó là một gã đàn ông trạc tứ tuần, người thấp đậm, da bánh
mật, mặt quả dưa, mắt một mí sùm sụp mang nét đặc trưng của người Tàu vùng bắc
Quảng Đông. Hắn nhìn lướt qua cậu bé rồi hỏi:
- Mày là người ở đâu?
- Tôi ở làng . . . Cùa bên Ba Tổng.
- Bố mẹ làm gì?
- Bố là Chánh tổng Kim Đôi đã chết, mẹ còn sống.
- Có ủng hộ chính quyền Việt Minh không?
- Tôi thù chúng. Cuối năm Ất Dậu xuýt nữa tôi bắn chết
lão Chủ tịch huyện.
- Tốt lắm! – Lý Quán cười khùng khục ngoác miệng đến
tận mang tai, bảo bọn đàn em – Cho thằng bé này xuống phục vụ nhà bếp.
Khúc Luận theo tên tóc củ hành ra đến cửa, Lý Quán
bỗng gọi lại hỏi:
- Có biết chữ không?
Khúc Luận ngập ngừng:
- Thưa . . . chữ gì ạ?
- Chữ Quốc ngữ chứ còn gì nữa.
- Dạ có.
- Học đến lớp mấy rồi?
- Thưa . . . mới vào đệ lục ạ.
Lý Quán chợt cao giọng, mắt long lên sòng sọc :
- Tao đổi ý rồi. Những thằng công tử được học hành như
mày phải cho xuống toán lao dịch, đào hào chiến đấu mới xứng đáng, rõ chưa?
Đội lao dịch chừng hơn chục người có cả phụ nữ và trẻ
em dưới sự giám sát của một tên mặt rỗ. Trông thoáng qua cũng biết gã là một
hung thần. Tay gã luôn thủ cây roi song bằng
ngón tay, ngứa mắt là vụt liền chẳng cần biết phải trái. Công sự là những con
hào cắt sườn núi sâu ngập đầu, rộng chừng ba thước ta, chạy thành mấy lớp vòng
chung quanh “đại bản doanh”. Sáng hôm sau, Khúc Luận vừa bị dẫn ra bìa rừng thì
nhìn thấy một phụ nữ quần áo rách tả tơi đang khênh gỗ cùng với thằng bé hơn
chục tuổi. Hắn sinh nghi. Chả lẽ đó lại là cô ta? Mãi gần trưa, thừa lúc tên
mặt rỗ chạy về trại lấy rượu uống cậu cả làng Cùa mới có dịp đến gần người
thiếu phụ khẽ gọi :
- Cô Nhân phải không?
Nhân nhận ra ông anh họ nhưng vẫn thản nhiên như chưa
từng quen biết.
- Cô Nhân sao lại ở đây? – Khúc Luận hỏi lại.
Đến lúc ấy
người phụ nữ mới thủng thẳng bảo:
- Nếu không muốn bị bắn chết thì hãy im lặng, coi như
chúng ta không quen biết nhau.
Cậu chàng còn đang ngạc nhiên bởi sự lạ thì Lý Quán từ
trên sườn dốc đi xuống đến sát bờ hào hỏi Nhân:
- Tôi đã nói rồi, em cứ ra đây với bọn lao dịch làm
gì?
Nhân vẫn cắm cúi xúc đất. Trùm phỉ lại giục:
- Nào thôi về trại đi, tôi có việc cần hỏi.
- Ông hỏi gì thì hỏi đi. – Nhân nói vọng lên.
- Chuyện này quan trọng không thể tuỳ tiện được. – Lý
Quán xuống giọng năn nỉ – Tôi đã cho mấy anh em đón ở Ngã ba Môi thế nào cũng
tìm được vợ chồng hắn.
Lý Quán nói rồi đứng chờ khá lâu, khoảng hút tàn điếu
thuốc Nhân mới vứt xẻng trèo lên bờ hào, giọng nhấm nhẳng:
- Về thì về.
- Thế là thế nào? – Khúc Luận như kẻ chết đứng buột
miệng hỏi – Chả lẽ cô ta đã thành vợ hắn?
Một ông già đen nhẻm, tóc muối tiêu nhìn anh chàng
nhãi ranh bảo:
- Cậu mới đến không biết là phải. Cô ấy là bà Ba quan
Bang trưởng.
- Bà Ba? – Khúc Luận hỏi lại.
- Nhưng mà bà ấy vẫn chưa cho ông ta động phòng.
- Sao lại có chuyện lạ thế hả bác?
- Nghe đâu cuộc đời cô này cũng phiêu bạt giang hồ
lắm. Một lần ông Lý Quán cứu cô ta thoát nạn nhưng vì vẫn chưa nạp đủ sính lễ
nên chưa được thành thân.
- Lão ta cướp được bao nhiêu là tiền bạc chả lẽ…
Ông già cười nhạt:
- Không phải tiền bạc mà là cái đầu của vợ chồng tay
chủ đò dọc nào đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét