NGUYÊN
KHÍ
Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường
8. Nội quan Tạ Thanh
Ngoài
chưng mọi chốn đều thông hết
Bui một lòng người cực hiểm thay.
( Mạn
thuật 4 - Quốc âm thi tập -
Nguyễn Trãi)
Vào cái buổi sáng tinh mơ Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh xẻo
lưỡi lão Câm ở chùa Huy Văn, có hai sự việc nữa, làm kinh động kinh thành Thăng
Long.
Đó là cái
chết bất ngờ của quan vệ úy Lê Nguyên Sơn và tai nạn khủng khiếp với phù thủy Trần Văn Phương.
Lê Nguyên Sơn sau khi đã hành quyết lão Câm và
cho quân tát nước ngập tràn rồi đào phá tanh bành căn hầm bí mật sau chùa Huy
Văn, vừa dẫn quân đi lùng sục quanh làng thì bị một mũi tên từ đâu đó bắn xuyên
tim, chết ngay dưới chân ngựa. Còn phù thủy Trần Văn Phương thì vừa thay phiên
dọn chuồng voi, liền bị con voi già giở chứng dẵm nát thây ngay ở cửa chuồng.
Nội quan Tạ
Thanh, tức tốc gặp Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh bẩm báo :
- Tâu Hoàng
hậu, thần đã tuân ý chỉ…Tay phù thủy đã bị tội voi giày… Còn Lê Nguyên Sơn
thì…Đội cấm quân đang lùng bắt kẻ đã bắn lén quan vệ úy. Dân chúng đồn ầm lên
rằng đồ đảng của Tiệp dư Ngọc Dao đã giết Lê Nguyên Sơn để trả thù cho lão Câm…
Hoàng hậu
lặng đi.
Dẫu đã biết kết cục số phận của Lê Nguyên Sơn,
nhưng trái tim tuổi mười tám của người đàn bà xinh đẹp và đầy uy quyền vẫn âm
thầm tan nát. Những kỷ niệm như mới hôm qua cứ hiển hiện về. Làm sao quên được
chuyến giã từ tuổi thơ, giã từ cái làng quê nghèo Bố Vệ ngày ấy. Không có
chàng, sẽ chẳng có kinh thành Thăng Long hôm nay. Không có chàng, không có
Hoàng thái tử Bang Cơ bây giờ. Không có chàng…sẽ không có những giây phút hạnh
phúc lứa đôi mà một người đàn bà dẫu có thể trở thành Hoàng hậu, quyền bính,
vinh hoa tột đỉnh, nhưng vẫn không thể được tận hưởng niềm hoan lạc tột cùng…
Quên sao
được cái đêm trăng kỳ diệu ấy, đêm trăng đã xoá đi những năm tháng nghèo khổ
của cô gái Nguyễn Thị Ẻ làng Bố Vệ để khai sinh mỹ nhân Nguyễn Thị Anh, Hoàng
hậu Nguyễn Thị Anh. Sao đêm ấy chàng hào hiệp và thông minh đến vậy. Chỉ bằng
một nén bạc, chàng đã lừa lão chủ thuyền vào làng mua rượu thịt, để rồi biến con đò dọc trở thành
long sàng của tình yêu. Chàng chèo thuyền ra giữa dòng nước xiết, mặc cho con
thuyền tự trôi, hai đứa lao vào nhau như hai kẻ khát thèm nhau cực điểm. Lần
đầu tiên trong đời, nàng không hề biết thẹn thùng, trái lại, nàng tự cởi váy
áo, phô bày trước trăng một toà thiên nhiên non tơ, ngồn ngộn, nõn nà. Còn Lê
Nguyên Sơn, chàng ngây ngất đến tột cùng. Chàng bỗng thấy mình lên ngôi đế
vương, một ông vua “bất chiến tự nhiên thành”. Như mãnh thú thưởng thức con
mồi, chàng cúi xuống đặt một nụ hôn vào giữa miền sơn cước… Và nàng như được
lên thiên đường, run rẩy cong mình lên và bật những tiếng rên…
Chao ôi là định mệnh nghiệt ngã. Chàng là khởi
thủy, nhưng cũng sẽ là khởi tử, nếu cứ dùng dằng nặng nghĩa nặng tình…Nếu chỉ
là một thôn nữ ở cái chốn quê mùa Hoan Châu thì các vàng nàng cũng không cho
bất cứ kẻ nào đụng mảy may tới một cái lông chân của chàng. Nhưng bây giờ nàng
đã là bậc mẫu nghi thiên hạ, quyền bính chỉ dưới một người. Chỉ cần con người
đó phát hiện ra thì đời nàng và đời con nàng sẽ tiêu tan. Cho nên, nàng không
thể không tàn nhẫn. Huống chi, mỗi ngày Bang Cơ lại càng giống chàng lạ lùng.
Giống đến mức có lần cho con bú, nhìn vào mắt vào miệng nó, nàng lại cứ tưởng
là chàng. Rồi một phút hoảng hốt, nàng định giang tay bóp cổ nó. Nàng sợ đứa
con này sẽ là nỗi oan nghiệt của nàng. Chỉ cần vua Nguyên Long nhận ra sự giống
nhau kỳ lạ giữa Lê Nguyên Sơn và Bang Cơ thì đời mẹ con nàng sẽ tan như bọt
nước…
- Khải
bẩm…Nếu không có việc, thần xin cáo lui - Thấy Hoàng hậu trầm tư, Tạ Thanh ý tứ
định đi ra.
Thị Anh
giật mình, vội níu lại:
- Hãy
khoan.Ông có biết người bắn lén quan vệ úy không?
- Dạ, chắc
Hoàng hậu đã nghe danh con người này. Đó Là cung thủ đệ nhất thành Lê Quốc Kha,
con trai Lê Quốc Khí…
- Quan nội
mật hãy bảo Quốc Kha đến gặp ta. Ta muốn trọng thưởng…
- Dạ. Thần
tuân lệnh.
Tạ Thanh
định lui ra, thì Hoàng hậu gọi giật lại :
- Khoan đã.
Còn nhiều việc ta phải bàn với nội quan. Ông ngồi xuống đây.
Hoàng hậu
đuổi thị nữ ra ngoài, đảo mắt nhìn quanh rồi hạ giọng:
- Mẹ con
Tiệp dư đã trốn thoát. Theo lời phù thủy Trần Văn Phương kể lại, thì giấc mơ
của Ngọc Dao chính là ý trời. Ta cho tên phù thủy chầu Diêm Vương chính là để
bịt cái miệng rắn độc của gã. Nếu cứ để gã
lải nhải hằng ngày, Lam Sơn hội của ta sẽ bị lung lạc, rồi đến một ngày
chính Hoàng thượng cũng tin như thế. Và việc thay chúa đổi ngôi như nhà vua đã
làm với Nghi Dân rất có thể xảy ra với Bang Cơ. Lúc ấy thì ta có muốn bảo vệ
ngôi Hoàng Thái tử cho con ta cũng không được.
Tạ Thanh
nói :
- Mẹ con
Ngọc Dao trốn thoát, có thể coi như an toàn tính mạng bây giờ, nhưng không có
nghĩa là sẽ trở lại để tranh đoạt ngôi vị với Hoàng hậu và Hoàng Thái tử. Chúng
ta sẽ tiếp tục truy lùng, cho đến khi nào tìm ra, để diệt trừ hậu họa…
Thị Anh xua
tay :
- Dù con
yêu nữ và thằng nghịch tử ấy có trốn thoát, ta cũng không đáng lo. Mẹ con nó là
cái thá gì mà dám sánh với mẹ con ta ?Cứ để cho chúng sống, thậm chí khi
ngôi báu đã về tay con trai ta, ta còn cho đón tên nghịch tử ấy về nuôi dưỡng,
cho vào điện Kinh Diên học hành, ta sẽ thí cho mẹ con nó nhiều bổng lộc, phong
cho thằng vô phúc ấy một tước Vương để thiên hạ thấy rằng ta là người vốn không
hẹp hòi, không ác độc như miệng lưỡi người đời vẫn tưởng. He, he. Ông cứ nghiệm
lời ta nói. Rồi lũ sử gia sẽ phải khắc ghi công ơn của mẹ con ta vào sử sách.
Khi ta đã nắm quyền lực trong tay thì bọn hủ nho, kẻ
sĩ chỉ là cục phân…
Tạ Thanh
vội đón ý :
- Điều này chính
đức Tiên đế cũng từng nói khi nghe tin bọn Trần Nguyên Hãn, Phan Văn Xảo, Lưu
Nhân Chú định làm phản… Nhưng hiện giờ…khi Hoàng thượng đã phương trưởng, người
bắt đầu nghe bọn kẻ sĩ khoa bảng…
Nguyễn Thị
Anh cười gằn :
- Ta đã
nhìn thấy hết…Cho nên, đối thủ nguy hiểm nhất của chúng ta bây giờ là ai, ông
biết không?
- Dạ bẩm,
Chính là quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi. Nói đúng hơn là vợ chồng Nguyễn Trãi,
Nguyễn Thị Lộ.
Thị Anh giơ
ngón tay trỏ phải :
- Ông rất
hiểu ý ta. Chừng nào còn Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, thì mẹ con ta ăn không
ngon ngủ không yên,và Lam Sơn hội chúng ta như bầy hổ đói bị nhốt trong chuồng,
mặc sức gầm thét nhưng cũng chẳng làm rụng lông một con nai…
Tạ Thanh bấm đốt
ngon tay:
- Tâu Hoàng
hậu, chỉ còn năm ngày nữa nhà vua sẽ đi tuần thú vùng Đông Bắc và duyệt đại
binh tại thành Chí Linh. Đó là bố cáo với trăm họ, nhưng thực chất chuyến đi
này của đức vua là đến Côn Sơn để mời Nguyễn Trãi về triều.
Mắt Hoàng
hậu long lên như mắt mèo hoang:
- Vậy sao?
Sao bây giờ ông mới nói? Ta cứ nghĩ rằng Hoàng thượng ra Đông Bắc là vì việc
quân cơ? Hóa ra đó chỉ là việc che đậy…
Tạ Thanh thủng
thẳng đáp:
- Lộ An
Bang từ ngày có An phủ sứ Nguyễn Nhật Thăng cai quản, vững như bàn thạch. Còn
Chí Linh là một thành nhỏ, tuy có địa thế hiểm yếu chắn cửa Lục Đầu, nhưng nếu
duyệt đại quân ở đó thì cũng không hẳn là cần thiết. Quan Thái úy Trịnh Khả và
Tư không Trịnh Khắc Phục chẳng qua là bè đảng của Nguyễn Trãi, muốn mượn việc
binh để đưa xa giá tới gần Côn Sơn mà thôi. Tâu Hoàng hậu, nhất cử nhất động
của Nguyễn Trãi đều có tính toán kỹ. Ông ta cáo quan về Côn Sơn là để lo một
công việc đại sự. Đó là hoàn tất phần hai của «Bình Ngô sách» mà ông ta còn
dang dở.
- Ông nói
sao? «Bình Ngô Sách» Nguyễn Trãi đã dâng đức Tiên đế từ ngày ông ta vào Lam Sơn
cơ mà?
- Dạ, đó
mới là phần một «Bình ngô Sách». Phần hai là phần chấn hưng đất nước. Tức là
việc hoàn thiện bộ «Quốc triều Hình luật» mà ông ta đã dâng phần khởi thảo tới
đức Tiên đế từ lúc sinh thời. Bộ luật này nếu được Hoàng thượng chuẩn y thì Lam
Sơn hội chúng ta như cọp bị nhốt trong chuồng, như chim ưng bị trói chân, bẻ
vuốt, trăm họ nhất nhất phải sống theo luật pháp, kỷ cương, phép nước. Đây là
Pháp trị. Vua là Thiên tử, con Trời, nhưng vẫn phải tuân theo pháp trị. Nguyễn
Trãi ngồi ở xó rừng Côn Sơn nhưng vẫn ngầm cắm Nguyễn Thị Lộ ở lại triều làm
nội gián. Không có việc lớn nhỏ nào trong triều mà Thị Lộ không mật báo về Côn
Sơn cho Nguyễn Trãi biết. Việc Nguyễn Trãi mâu thuẫn với Lương Đăng, chỉ là một
cái cớ vặt. Lương Đăng không đáng học trò chứ đừng nói đến đối thủ của Nguyễn
Trãi. Chẳng qua là hồi ấy, Hoàng thượng còn nhỏ, thích làm những việc trẻ con,
mà việc san định lễ nhạc, may triều phục, đóng xe kiệu bắt chước Bắc triều là
nghề học của Lương Đăng, cho nên Hoàng thượng dễ bị lừa phỉnh. Nhưng bây giờ đã
khác. Từ ngày thân chinh dẫn quân đi
tiễu phạt bọn man họ Cầm ở châu Phục Lễ, vua Lê Thái Tông đã trở thành một vị
vua khác thường…
- Khác
thường ở chỗ nào?
- Dạ, bẩm…
Tưởng Hoàng hậu phải là người dễ nhận ra nhất…
Thị Anh
nghĩ ngợi một lát rồi nói :
- Có… Hoàng
thượng không còn vồ vập, yêu chiều ta như ngày ta mới vào cung. Vì ta đã là gái
sề…Phải chăng vì Hoàng thượng có người khác? Ta hỏi thật, có đứa thị tỳ nói với
ta rằng nhiều buổi nó thấy Hoàng thượng mời quan Lễ nghi Học sĩ vào trong điện
rất lâu. Mới đây quan Đô giám Lương Đăng cũng có nói xa xôi với ta điều này,
nhưng ta chưa tin. Ông hãy nói thật với ta, theo ông, giữa nhà vua và bà Lộ có
tình ý gì không?
- Tình ý
ư ? - Tạ Thanh tròn mắt ngạc nhiên - Nếu Hoàng thượng nghe được điều này,
con thị tỳ kia sẽ bị chém. Bởi nó đã xúc phạm đến quan Lễ nghi Học sĩ mà đức
vua kính trọng như một mẫu hậu. Làm gì có chuyện tình ý với một người tuổi ngang với tuổi mẹ mình ?
Cung từ Hoàng Thái hậu, mẹ vua Lê Thái Tông lúc sinh thời coi bà Lộ như bạn tâm
giao.
- Có chuyện
ấy ư ? Sao ta không thấy Hoàng thượng kể về chuyện này?
- Chỉ những
người từng theo Lam Sơn từ những ngày đầu dựng nghiệp mới biết chuyện Cung từ
Hoàng Thái hậu đã ký thác con mình cho Tiên đế thế nào. Chính vua Lê Thái Tông
cũng chưa biết đâu. Bởi khi ấy người mới lên ba tuổi…
- Ta thấy
rất lạ. Từ ngày bà Lộ vào cung giữ chức Lễ nghi Học sĩ, không chỉ các cung nữ
phi tần nghe bà ta răm rắp, mà Hoàng thượng cũng tỏ ra sủng ái…
- Chính
Hoàng thượng có nói với thần rằng, hồi còn là Hoàng Thái tử, người có tới bốn
ông thầy dạy là Nguyễn Thiên Tích, Phan Thiên Tước, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân
và cả Nguyễn Trãi, do chính Tiên đế cử vào dạy ở điện Kinh Diên, nhưng rồi chữ
thầy lại trả thầy. Từ ngày có quan Lễ nghi Học sĩ, nhiều việc chỉ cần đức vua
hỏi bà Lộ, đều thấy sáng tỏ…
Hoàng hậu
chợt vỗ hai tay vào nhau, giọng rít qua kẽ răng:
- Ý ta đã
quyết rồi. Nhất định phải loại bà Lễ nghi Học sĩ ra khỏi cung và ngăn không cho
Nguyễn Trãi về triều. Ta không lo mẹ con Ngọc Dao được Hoàng thượng gọi về nếu
không có hai người này. Nguyễn Trãi hồi triều thì mẹ con ta khó bề sống nổi.
Tạ Thanh
nói :
- Hoàng hậu
lo xa như vậy là chí phải. Lê Nguyên Sơn chết rồi, nhưng còn Thái phó Đinh
Liệt, còn hai quan hoạn Đinh Thắng, Đinh Phúc, còn Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ,
Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục… Có người phát giác bài vè mà trẻ con Kẻ Mui đọc vừa
rồi chính là từ người nhà quan Thái phó
Đinh Liệt…
- Chứ không phải
do bà Lộ? Ông này cậy thế là người họ ngoại của Tiên đế, lúc nào cũng dòm ngó
hậu cung.
- Quan Thái phó
Đinh Liệt đang mong Nguyễn Trãi từ Côn Sơn về từng ngày… Việc gấp lắm rồi.
Hoàng hậu phải nghĩ cách ngăn không để đức vua đi tuần miền Đông…
Hoàng hậu đi lại
trong phòng như cọp cái bị nhốt trong chuồng. Rồi đột ngột nhìn thẳng vào vị
nội quan mẫn cán.
- Ta chỉ còn
biết nhờ cậy vào ông. Ngay cả Quốc cữu Nguyễn Phù Lỗ và quan Đô giám Lương Đăng
ta cũng không thể tin cậy bằng ông. Ông phải đi hầu xa giá chuyến này.
Tạ Thanh giật
thót:
- Dạ, thần đâu
được diễm phúc ấy. Không ai có mặt trong đoàn nếu không được Quan Thái úy Đại
hành quân Tổng quản Trịnh Khả phê chuẩn. Chính ngài đã thân hành cắt đặt người
theo hầu xa giá cả rồi.
- Ông cứ chuẩn
bị hành trang đi. Tối nay ta sẽ tâu với Hoàng thượng. Ta sẽ giao cho ông cai
quản cả một đội thị nữ và bốn quan ngự y do chính ta tuyển chọn.
Rồi Thị Anh ghé
tai Tạ Thanh nói nhỏ điều gì.
Tạ Thanh vừa gật đầu lĩnh chỉ, vừa trợn tròn
mắt đầy vẻ kinh sợ.
***
Bây giờ nói về
Nội quan Tạ Thanh.
Cha Tạ Thanh
người Ma Cảng, trấn Nghệ An, là Tạ Phú Ngạn, giữ chức Hữu thị lang, Nội mật
viện triều Trần Nghệ Tông, sau đó theo Hồ Quý Ly vào xây dựng thành Tây Đô. Nhờ
có công phát giác vụ bọn Trần Khát Chân cầm đầu định khôi phục nhà Trần, Hồ Quý
Ly đã thẳng tay tiêu diệt, chém ba trăm bẩy mươi đầu bêu quanh Đốn Sơn. Tạ Phú
Ngạn được Hồ Quí Ly tấn phong tước Hoài Nhật hầu Vinh lộc đại phu. Tạ Thanh là
con thứ ba của Tạ Phú Ngạn, mười hai tuổi được tịnh thân để tiến cung trở thành
thái giám. Khi giặc Minh sang diệt nhà Hồ, Tạ Phú Ngạn bị bắt giải về Yên Kinh,
Tạ Thanh phiêu bạt về châu Ngọc Ma, giáp Ai Lao. Đến khi Bắc Bình vương Lê Lợi
vây thành Đông Quan, buộc giặc Minh phải ra hàng, Tổng binh Vương Thông vì sĩ
diện, viện cớ, hồi đánh nhà Hồ, Minh Thành Tổ muốn lập con cháu nhà Trần, nay
muốn giảng hòa và rút quân Minh về nước thì Lê Lợi phải tìm con cháu nhà Trần
để thiên triều tấn phong. Để nhanh chóng kết thúc chiến cuộc, Lê Lợi nghe theo
kế sách của Nguyễn Trãi, cho người đi tìm con cháu nhà Trần. Vừa lúc ấy, Tạ
Thanh dẫn Trần Cảo đến, nói là cháu nội của vua Trần Nghệ Tông, được tù trưởng
châu Ngọc Ma là Cầm Quý tiến cử. Để cho qua chuyện với Vương Thông, Lê Lợi
không coi chuyện thật giả làm trọng, bèn sai người thảo tờ biểu lên vua nhà
Minh tôn Trần Cảo làm An Nam quốc vương, hiệu là Thiên Khánh (năm Bính
Ngọ,1426), lại sai Tả bộc xạ Bùi Quốc Hưng phò tá, nhưng thực chất việc giám
sát Trần Cảo là do Tạ Thanh cai quản. Bấy giờ An Nam quốc vương đóng dinh ở núi
Không Lộ, sau dời sang Ninh Giang, nơi có thái ấp của quan Tả bộc xạ Bùi Quốc
Hưng được cấp từ thời Trần. Ở đây con trai Bùi Quốc Hưng là Đô úy Bùi Quốc
Nghĩa mới lập ra Bình khu cổ mã đường để dạy các con võ nghệ, nhưng thực chất
là một quân doanh để canh chừng Trần Cảo.
Tạ Thanh bề ngoài là người phục vụ An Nam quốc
vương, nhưng bên trong là tai mắt của Lê Lợi, nhất cử nhất động của Trần Cảo
đều phải bẩm báo về hành dinh Bồ Đề. Đến khi bại tướng Vương Thông rút quân
khỏi thành Đông Quan, Lê Lợi từ hành dinh Bồ Đề kéo quân vào thành, việc đầu
tiên là cho gọi Bùi Quốc Hưng và Tạ Thanh vào trướng phủ.
Lê Lợi nói:
- Trải bao phen
sóng gió, công cuộc bình Ngô giờ đã đại định. Quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi đang
thay ta thảo “Bình Ngô đại cáo”. Nhưng còn một điều khiến ta chưa chính danh…
Ta mời hai ông đến đây là để bàn việc đón An Nam quốc vương Trần Cảo về Đông
Quan…
Bùi Quốc Hưng
vội phủ phục:
- Khải bẩm Bình
Định vương. Trần Cảo là đứa bất tài, không có công lao gì mà lại được ở ngôi
tôn. Đây là kế sách “tâm công” của Nguyễn Trãi, để che nỗi hổ thẹn cho Vương
Thông, buộc hắn phải giảng hòa, thực chất là đầu hàng. Nay việc nước đã xong,
thiên hạ thái bình, nghiệp lớn của Vương như trời bể, trăm họ đều ca tụng ngất
trời, Trần Cảo có mọc ba đầu sáu tay cũng không thể làm gì, chi bằng Vương giết
quách hắn đi là xong…
Lê Lợi vuốt râu,
liếc mắt sang Tạ Thanh.
Tạ Thanh quì lạy
mà tâu rằng:
- Bẩm Thánh
vương. Đúng như lời quan Tả bộc xạ đã nói, Trần Cảo không mảy may có chút công
lao gì. Hắn cũng chẳng phải cháu nội vua Trần Nghệ Tông như tù trưởng Cầm Quý
tiến cử. Tên thật hắn là Hồ Ông, một tên vô danh tiểu tốt họ Hồ, mà thần biết
quá rõ từ ngày thần tập nghiệp thái giám trong triều Hồ. Việc giết Trần Cảo như
quan Tả bộc xạ nói là quá dễ, đến đứa trẻ cũng làm được. Nhưng như vậy Thánh
vương sẽ mang tiếng xấu để đời, thiên hạ sẽ chê cười, cho là Thánh vương hẹp
lượng…
Lê Lợi cười lớn,
tuốt thanh gươm báu sáng lóa.
- Ngươi nói
trúng ý ta. Thanh gươm Thuận Thiên này đẫm máu giặc Ngô, hà cớ gì lại vấy máu
đồng bào?
Tạ Thanh vẫn
quỳ, mắt liếc nhìn sang Bùi Quốc Hưng. Lê Lợi hiểu ý:
- Đừng ngại, Bùi
tướng công là tâm phúc của ta. Ngươi cứ nói ta nghe.
Tạ Thanh
nói chậm rãi những ý nghĩ đã nghiền ngẫm kỹ trong đầu:
- Dạ, khởi
bẩm. Việc này xin Thánh vương cứ giao cho kẻ hèn mọn này. Kể từ khi nghe tin
quân Ngô sắp bị tiêu diệt, đêm nào Trần Cảo cũng giật mình đùng đùng, đầm đìa
mồ hôi. Cảo thường run rẩy đi ra quỳ giữa trời mà than rằng hắn có công lao gì
đâu mà sao trời lại bắt hắn ngồi ở ngôi cao. Hắn chỉ sợ khi Bình Định Vương kéo
quân vào Đông Quan, hắn sẽ không có đất mà chui…
- Ha ha
ha…- Lê Lợi cười lớn.
Tạ Thanh
quả quyết :
- Khởi bẩm,
ngay hôm nay về, thần sẽ nói với Văn Nhuệ
rủ Trần Cảo đi trốn. Thần sẽ cấp cho bọn chúng thuyền và lương thực.
Thần sẽ phao tin ầm lên là Trần Cảo muốn chạy theo giặc Minh… Chỉ cần ra đến
cửa biển, thần sẽ lấy đầu Trần Cảo dâng Thánh vương.
Cả Lê Lợi
và Bùi Quốc Hưng đều sững người. Không ai nghĩ Tạ Thanh lại có qủy kế thâm độc
như thế.
Lê Lợi tra
gươm vào vỏ, đến bên Tạ Thanh, đặt tay lên vai y.
- Ngươi
xứng đáng là nội quan tâm phúc của ta. Hãy về thi hành ngay diệu kế. Hãy tạo
mọi điều kiện để Trần Cảo chạy trốn về thành Cổ Lộng…Hãy phao lên Trần Cảo bị
sóng gió lật thuyền chết mất xác. Và hãy bí mật cắt đầu tên đào tẩu ấy về cho
ta - Quay sang Bùi Quốc Hưng, giọng Bình Định Vương nhỏ lại - Và cả ông nữa,
quan Tả bộc xạ ạ, ngoài ông và Tạ Thanh ra, không ai được biết việc này. Chỉ có
hai ngươi thôi, hở ra, ta chém đầu.
***
Sau sự việc
đó, Tạ Thanh được sung vào nội cung. Nhờ thủ đoạn gian ngoan, xảo quyệt, lại
có tính kín đáo, không lộ thiên cơ mà Tạ
Thanh được giao trọng trách cai quản nội mật viện, cùng với Lương Đăng, Lương
Dật đảm trách công việc hậu cung. Riêng Tạ Thanh có thói quen ghi chép hàng ngày và có
một trí nhớ siêu phàm, nên càng được tin dùng. Hồi Thái phó Lê Sát còn lộng
quyền, Tạ Thanh là một đồ đệ trung thành tuyệt đối của Lê Sát. Lê Sát biết
nhiều người ghét mình, nhưng chưa tin chắc những ai, bèn cho Tạ Thanh ngầm thảo
một tờ biểu kể tội Lê Sát tấu trình đức vua rồi mang đến các quan trong triều
xin chữ ký. Kết quả là, chỉ trừ một số đồng hương cánh hẩu Lam Sơn, còn hầu hết
các vị nho sĩ xuất thân khoa bảng, các tướng lĩnh trẻ, các văn thần quê các đạo
phía bắc đều tham gia ký tên tấu trình đức vua kết tội Lê Sát. Tờ biểu này, dĩ
nhiên Tạ Thanh không trình lên vua mà chỉ nộp cho Lê Sát. Kết quả là một loạt
công thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú… bị sát hại. Quan
Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi cũng bị Lê Thái Tổ nghi ngờ tống ngục một thời
gian.
Có một điều kỳ
lạ mà chính Tạ Thanh cũng không hiểu nổi. Đó là sự việc diễn ra sau cái chết
của Trần Cảo.
Số là, Trần Cảo
có một người tỳ thiếp tên Quyên, nết na xinh đẹp. Hôm đưa Trần Cảo đi trốn, Tạ
Thanh đã cố tình để nàng ở lại, nói là sẽ cho người về đón, khi Quốc vương vào
tới thành Cổ Lộng an toàn. Sau khi giết Trần Cảo, mang đầu Cảo về dâng Lê Lợi,
Tạ Thanh bỗng nằm mộng thấy Trần Cảo cụt đầu, tay ôm thủ cấp đầy máu me trở về,
than mình bị chết oan và cầu xin hãy thương lấy nàng Quyên, cho nàng một đứa
con để sau này hương khói cho Cảo. Tỉnh dậy, Tạ Thanh bủn rủn chân tay, mồi hôi
vã như suối, thấy như có hồn Trần Cảo ốp vào người, vội trở lại Ninh Giang tìm
Quyên. Và thật kỳ lạ, mặc dù tin chắc mình đã bị hoạn bao nhiêu năm, mà nay,
nằm bên Quyên, Tạ Thanh bỗng thấy hồi sinh. Lần đầu tiên trong đời, ở tuổi tam
thập, Tạ Thanh trở thành một người đàn ông đích thực. Đêm ấy Quyên đã có thai.
Tạ Thanh cho nàng ít tiền bạc, rồi bảo nàng hãy đi thật xa, sau này nếu sinh
con trai, hãy lấy họ Trần.
Từ ấy, Tạ Thanh
biết mình chưa tịnh thân hết, biết mình vẫn còn nguyên vẹn tố chất đàn ông. Bí
mật này, Tạ Thanh sẽ mang xuống mồ. Nhưng ít nhất trong đời y, có hai người đàn
bà biết bí mật của y, ấy là Quyên, và sau này là Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh.
Dòng máu của Tạ
Thanh, hay của Trần Cảo nhập vào, được lưu truyền qua nàng Quyên, gần một trăm
năm sau, thật trớ trêu, vào thời Lê mạt, lại có một Trần Cảo ra đời, đó là kiếp
sau của Trần Cảo An Nam quốc vương. Trần Cảo kiếp sau sinh ở trang Dưỡng Chân,
huyện Thủy Đường, nói là hậu duệ nhà Trần muốn lật đổ nhà Lê để khôi phục lại
triều Trần. Trần Cảo tự xưng là Đế Thích giáng sinh, ra trận cả tướng và quân
thường mặc áo đen, để tóc ba chỏm, dân gian gọi là “quân ba chỏm”. “Đại Việt sử
ký toàn thư” chép:“Khắp vùng Hải Dương đều rạp xuống như cỏ gặp gió, không ai chống
cự nổi”. Suốt từ năm1516 đến 1521, mấy lần Trần Cảo kéo quân đánh Thăng Long,
toan lật đổ triều Lê Tương Dực đang thời kỳ mọt ruỗng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét